trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
30.7.2008
Nguyễn Phát
Thám hiểm Nam Cực
 
Ðã từ lâu, tôi muốn đi Nam Cực, nơi có biết bao nhiêu huyền thoại. Sau khi đọc xong cuốn Endurance: Shackleton’s Incredible Voyage (Sự chịu đựng: Chuyến du lịch huyền thoại của Shackleton) vào năm 2002, tôi càng muốn đi hơn nữa. Cuốn sách này nói về cuộc thám hiểm Nam Cực của nhà thám hiểm nổi tiếng người Scotland, Sir Shackleton. Như một thỏi nam châm, cuốn sách hấp dẫn tôi từ đầu đến cuối, quyến rũ tôi đi về miền đất cực băng này để chứng kiến tận mắt những cuộc thám hiểm sôi động nhất của thế kỷ 20, những tảng băng hà to hơn tiểu bang California, những cơn sóng thần, nhiệt độ lạnh khủng khiếp, và những cơn gió bão mãnh liệt nhất trên quả địa cầu. Nên tháng 2/2005, nhân việc rảnh, tôi hỏi hãng máy bay đi thành phố Buenos Aires, Á Căn Ðình, từ đó tôi đi về miền cực nam của châu Mỹ Latin.

Cuộc hành trình thám hiểm Nam Cực của tôi bắt đầu từ thành phố Ushuaia của Á Căn Ðình, cũng là thành phố cực nam nhất của trái đất. Từ đây, điểm cực Bắc của Nam Cực chỉ khoảng chừng 620 dặm Anh theo đường chim bay qua eo biển Drake. Miền cực nam của Úc và châu Phi là 3.000 dặm Anh từ Nam Cực. Ðây là chỗ đi Nam Cực rẻ tiền nhất, trung bình một chuyến đi chỉ tốn $5500 U.S. Đô-la. Tôi mua vé vào phút cuối, 2 tuần trước khi tàu rời bến, nên được giảm 50 phần trăm. Ði Nam Cực từ Úc hay Tân Tây Lan tốn khoảng chừng $30.000 U.S. Đô-la trở lên. Thành phố Ushuai nằm trên mảnh đất Tierra Del Fuego của Á Căn Ðình. Eo biển Magellan tách mảnh đất này ra khỏi châu Mỹ Latin. Năm 1520, Ferdinand Magellan, thuyền trưởng người Bồ Ðào Nha, khi đó phụng sự cho Tây Ban Nha, đã khám phá ra eo biển này ở vĩ tuyến 52 trong lúc ông đang tìm đường từ Ðại Tây Dương qua Thái Bình Dương. Khi thuyền đi qua eo biển này, ông thấy những cột khói của người thổ dân da đỏ Ono bay lên từ mảnh đất về phía bên tay trái. Nên ông đặt tên cho mảnh đất này là Tierra del Fuego (Mảnh Ðất Lửa), và nghĩ đó là bờ biển cực bắc của châu Nam Cực. Ông không biết rằng Mảnh Ðất Lửa thật ra chỉ là một hòn đảo. Năm mươi năm sau, khi Sir Francis Drake của Anh qua vùng biển này, thuyền ông bị sóng gió bão cuốn trôi về phương Nam. Ông đã sống sót và kể lại cuộc hành trình đầy kinh hoàng đó. Eo biển mà tàu ông bị cuốn vào là eo biển chia cắt Tierra del Fuego và Nam Cực, sau này được mang tên ông. Ngày nay, vùng đất Tierra del Fuego được phân chia cho hai nước là Chile và Á Căn Ðình. Du khách vẫn thấy lửa khi tàu đi qua eo biển Magellan, nhưng lửa hôm nay không phải của dân da đỏ, mà từ những dàn khoan dầu và khí đốt khổng lồ của các đại công ty quốc tế.

Chuyến bay từ Buenos Aires đáp xuống phi trường Ushuai vào 3:20 chiều. Từ trên không nhìn xuống, tôi thấy những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng và băng hà. Mặc dù bây giờ là cuối tháng Hai, đang giữa mùa hè ở nam bán cầu, thời tiết rất giống như San Jose vào tháng chạp, ra đường vẫn phải bận áo ấm. Phi trường Ushuai nằm ngay bên cạnh kênh Beagle, nơi ông Charles Darwin đã đi qua trong chuyến thám hiểm dài 5 năm. Ông viết về miền đất này trong The Origin of Species (Nguồn gốc các loài) – cuốn sách đã thay đổi sự hiểu biết của thế giới. Bên này kênh là thành phố Ushuai của Á Căn Ðình, còn bên kia là của Chile. Sau khi lấy phòng ở nhà trọ, tôi ra dạo phố kiếm đồ ăn trưa. Thời tiết khá lạnh, mây u ám, và gió. Chỉ mới đến đây mà tôi đã cảm thấy được sự lạnh lẽo của miền đất mà tôi sẽ đến trong những ngày sắp tới. Tôi đi dạo một vòng. Thành phố Ushuai tương đối nhỏ, giống như South Lake Tahoe, chỉ có 3 con đường chính chạy dọc theo thành phố. Sau lưng thành phố là một dãy núi cao đầy tuyết và băng hà. Dân chúng chủ yếu sống bằng nghề đánh cá, du lịch, và dầu khí. Thành phố rất đông dân du lịch, một số chờ đi Nam Cực. Số còn lại đi trượt tuyết hay đi thám hiểm những hang động, băng hà nằm trong vùng. Tôi bước vào một quán cafe. Cô bồi bàn chạy ra hỏi tôi muốn ăn gì. Tôi hỏi cô món gì đặc biệt ở vùng này; cô cho biết là trứng cá chấm với bánh mì. Tôi thấy lạ nên muốn thử cho biết. Mười phút sau, cô trở lại với đĩa trứng cá sền sệt, nâu nâu, mằn mặn với đĩa bánh mì. Tôi thấy ăn cũng được, không tanh, còn ngon hơn caviar mua ở tiệm. Ăn xong, tôi trở lại nhà trọ ngủ một giấc. Lúc thức dậy thì trời đã tối. Tôi lục vali thì phá hiện ra là tôi đã quên mang theo lá cờ Việt Nam. Khi ra khỏi nhà, vì trễ nên tôi không xem lại vali. Lá cờ Việt Nam mà cô Irina, người Nga nhưng nói tiếng Việt rất giỏi làm cho đài Á châu Tự do, tặng cho tôi lúc cô phỏng vấn tôi ở tháp Eiffel ở Paris trong ngày nhân quyền. Khi đó tôi đang sống ở Paris. Nhân ngày nhân quyền quốc tế, cộng đồng Việt Nam tại Pháp tổ chức biểu tình trước tháp Eiffel đòi nhân quyền cho Việt Nam. Tôi đi biểu tình thì gặp cô ở đó. Gặp một thanh niên từ Mỹ sang nên cô muốn phỏng vấn tôi để chương trình phát về Việt Nam có phần thêm hấp dẫn. Lần này đi Nam Cực, tôi muốn mang lá cờ đó đi. Rất tiếc, vì gấp gáp nên tôi quên mất. Nhưng không sao. Tôi có thể kiếm cách khác. Vừa ra khỏi nhà trọ, tôi thấy ngay tiệm bán đồ nghệ thuật cho học sinh. Tôi vô tiệm mua một miếng giấy màu vàng và một bộ bút lông có màu đỏ. Rồi tôi đi ăn. Lần này tôi chọn tiệm bán bò nướng. Á Căn Ðình nổi tiếng thế giới về thịt bò, nên đi đâu cũng có tiệm bán bò nướng. Ở đây, bò không bị cắt nhỏ ra khi nướng; người ta nướng cả con to tổ bố trên một lò nướng to. Ông bếp xoay con bò trên bếp thường xuyên để cho thịt chín đều tứ phía. Tôi vào tiệm bán bò nướng buffet ăn thịt thả giàn, vừa có khai vị, salad, rượu, và món tráng miệng, chỉ có 7 Ðô-la Mỹ. Rẻ rề. Năm 2002, Á Căn Ðình bị khủng hoảng tài chính. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng tiền bị mất giá 80 phần trăm. Trước khi bị khủng hoảng, 1 Peso Á Căn Ðình ăn 1 Ðô La Mỹ. Sau khi phá giá, 1 Ðô-la Mỹ ăn $3.25 Peso. Á Căn Ðình chỉ trong chốc lát từ một nước rất đắt đỏ cho dân du lịch trở thành một nước hết sức rẻ tiền. Tôi thấy vật giá ở đây chỉ khoảng chừng 1/3 của Mỹ, nhưng phải nhớ là mua đồ nội địa. Ðồ nhập khẩu thì cũng giống như ở Mỹ. Ăn uống no nê xong, tôi trở về nhà trọ vì thành phố vắng vẻ không có những chỗ giải trí ban đêm, nhất là ngày hôm sau là chuyến tàu đi Nam Cực của tôi sẽ rời bến, phải ngủ để lấy sức.

Sáng hôm sau, tôi mua thêm vài chiếc áo lạnh để phòng hờ. Tôi chỉ mang theo đồ trượt tuyết, chắc không đủ ấm cho Nam Cực. Ba giờ chiều, tôi ra bến tàu. Ở đó đã đông người. Tối hôm nay sẽ có hai tàu ra khơi. Tàu tôi và một chiếc tàu khác to hơn. Như thường lệ, hai tàu ra khơi cùng ngày vì nếu có chuyện gì thì có thể giúp nhau. Vì Nam Cực là nơi hẻo lánh nhất trên thế giới, nếu có chuyện gì xảy ra mà cần người khác tới giúp đỡ, thời tiết tốt cũng phải chờ ít nhất mấy ngày, còn thời tiết xấu thì khỏi nói, chỉ có cầu Chúa, cầu Phật để mà sống sót. Trong cuốn sách về cuộc hành trình của mình, Shackleton có kể về tình trạng bi đát này. Shackleton và hai người bạn đồng hành đi kêu cứu trên một chiếc thuyền bé tẻo teo, sau khi vượt đại dương cả ngàn cây số để cầu cứu. Gặp người có thể giúp đỡ, nhưng ông và đoàn người đó không thể trở lại Nam Cực được ngay, mà phải chờ 6 tháng sau khi băng bắt đầu tan mới ra khơi được. Chuyến đi của tôi là chuyến gần cuối. Chỉ 2 tuần nữa thôi là mặt biển sẽ bắt đầu đóng băng, màn đêm buông xuống, và trong 6 tháng, tàu khó có thể đi lại dễ dàng. Tàu của tôi là Ushuai, đặt theo tên thành phố và gốc gác từ Mỹ. So với những tàu khác, tàu của tôi khá nhỏ. Tàu chỉ chở du khách bán thời gian vài lần trong năm; còn thường thì tàu chở thực phẩm, nguyên liệu, đồ dự trữ cho những nhà khoa học làm việc ở Nam Cực. Những tàu khác lớn hơn nhiều, chở hơn 100 du khách và thường là tàu Nga. Không ai có thể ngờ được là sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Nga và Ðông Âu khai sinh ra ngành du lịch chở du khách đi Nam Cực. Trước khi đó, rất khó đi. Muốn đi thì phải đi ké tàu quân sự của Chile, mà tàu quân sự chỉ chở vài ba người, cộng thêm giấy tờ rất khó khăn, thời gian cũng rất phức tạp. Ðôi khi phải chờ cả mấy tháng mới có tàu ra khơi và trở lại. Nhưng sau khi chế độ cộng sản ở Nga sụp đổ, nhà nước Nga hết tiền để lo cho những con tàu phá băng của Nga dùng cho nghiên cứu vùng Bắc Cực và Nam Cực, nên mấy tàu này phải chở dân du lịch để kiếm tiền thêm. Thấy làm ăn được nên một số hãng ngoại quốc mua luôn mấy tàu này. Tôi rất hên, vì tàu của tôi không phải là tàu chuyên chở du khách thường xuyên, nên còn chỗ trống phút cuối mà tôi có thể mua rẻ được. Thường những tàu ra khơi lúc nào cũng đông, bán chạy như tôm tươi, phải giữ chỗ trước cả năm, chẳng bao giờ có chỗ trống vì theo quy luật quốc tế, mỗi năm chỉ có khoảng chừng 19.000 người không phải là khoa học gia được phép vào Nam Cực. Với số du khách này, nhiều nước đã phản đối là quá đông, muốn giảm xuống thấp hơn để bảo đảm là Nam Cực sẽ không bị ô nhiễm vì du khách. Tàu tôi có 66 du khách, trong số này có 7 người châu Á (5 người Nhật, 1 người Ðại Hàn, và tôi – Mỹ gốc Việt) và 20 chục người giúp trong thuyền như thuyền trưởng và phụ tá, dọn dẹp, 1 ông bác sĩ, 3 giảng viên, hướng dẫn, đầu bếp và phụ tá. Số du khách còn lại là dân châu Âu, Mỹ, hay Canada.

Tôi vào căn phòng mà người ta dành cho tôi. Phòng khá nhỏ, có một chiếc giường tầng ngủ 2 người. Có song gỗ ở phía đầu và chân để chặn lại nếu bị sóng lớn, người ngủ không bị văng từ giường xuống sàn nhà. Ở bên tay trái có một tủ quần áo nhỏ, cạnh đó là một cái bàn và một cái ghế. Chỗ rửa mặt bên tay phải, ngay bên cạnh phòng tắm. Phòng tắm chỉ có toilet và vòi hoa sen. Hai phòng dùng chung một phòng tắm. Tôi bỏ đồ vào phòng rồi lên cabin chính của tàu, nơi thuyền trưởng và nhân viên sẽ có một cuộc chiêu đãi lúc 6 giờ. Khi mọi người đã có mặt, ông thuyền trưởng và nhân viên vào chào, giới thiệu từng người, rồi sau đó có cocktail pisco sour – một loại nước uống của Peru, giống như nước chanh nhưng có rượu đổ vô. Sau đó, mọi người phải lên trên cầu tàu để tập dượt phòng trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra. Mỗi người được cho biết là phải leo lên cái ca-nô nào, bận áo phao ra sao. Một anh chàng người Pháp tên Arnold muốn biết nếu bị rớt xuống biển thì có thể sống được bao nhiêu phút trước khi bị chết cóng. Cả tàu đều bật cười. Ông thuyền trưởng kể một chuyện có thiệt: một lần, một cô người Nga (chắc muốn tự tử ở Nam Cực) nhảy xuống biển, nhưng phút cuối đổi ý (chắc bị lạnh quá). Sau 20 phút, người ta vớt được cô lên, cô ta vẫn sống. Tôi nghĩ trong bụng, vì cô ta là người Nga nên chịu lạnh quen, còn tôi chắc không sống nổi hơn 10 phút nếu bị rớt xuống biển.

7 giờ chiều, tàu rời bến. Tôi lên cầu tàu nhìn thành phố Ushuai xa dần về phía sau. Mọi người đều chúc mừng nhau, hy vọng có một chuyến đi thám hiểm đầy thú vị và đáng ghi nhớ. Buổi tối trăng lên, một đàn cá heo bơi trước mũi thuyền, ánh trăng rọi xuống mặt biển khiến lưng cá sáng lên trên mặt nước đen, giống như những vì sao trên trời. Cảnh vật và những con cá heo lướt sóng này giống y như Charles Darwin miêu tả trong cuốn The Origin of Species viết gần 200 năm trước.

Tối, khi về phòng, tôi gặp anh chàng ở phòng chung với tôi, người Do Thái. Mới ra khỏi lính, anh nói với tôi là anh tính đi chơi 2 năm vòng quanh thế giới cho đã trước khi trở về Do Thái bận rộn với công việc làm ăn. Buổi tối nằm trên giường, tôi cảm thấy rất thoải mái và ấm cúng, có mền trắng lông ngỗng, không giống những người thủy thủ trong chiếc tàu của thuyền trưởng Falcon Scott vào năm 1911. Thời đó, nước nào cũng muốn tới cực điểm Nam Cực trước để giành phần tích và huy hoàng cho đất nước của họ. Trong những người đó, có thuyền trưởng Falcon Scott và nhà thám hiểm Roald Amundsen. Ông Scott muốn đem sự vẻ vang về cho nước Anh, còn ông Amundsen thì cho nước Na Uy. Hai người thi nhau xem ai sẽ tới Nam Cực trước. Amundsen muốn đánh lạc hướng Scott nên nói với báo chí là ông sẽ đi Bắc Cực thay vì Nam Cực. Trong lúc ông Scott và báo chí không để ý, ông chuyển hướng đi Nam Cực. Trước khi đi, ông lên Greenland để kiếm chó của dân Eskimo cho cuộc hành trình. Ông cũng có kinh nghiệm về băng giá học từ người Eskimo vùng bắc Canada trong những chuyến đi tới phía Bắc Canada từ biển Ðại Tây Dương sang Thái Bình Dương (nhóm ông là nhóm người đầu tiên đi tuyến đường này). Còn thuyền trưởng Scott, nghe tin đồn là ngựa Siberia có thể chịu được lạnh và chạy mau hơn chó, đã cho người mua luôn cả đàn mang đi Nam Cực trong chuyến thám hiểm của ông. Ðàn ngựa này ngủ phía trên, còn thủy thủ ngủ phía dưới nên bị lãnh đủ mùi hôi thúi. Ngày 14 tháng 12 năm 1911, Amundsen trở thành người đầu tiên tới cực điểm Nam Cực, trước Scott tới 35 ngày và trở về an toàn. Trong khi đó, đoàn ông Scott bỏ xác trên đường về. Nhiều người cho rằng việc Scott dùng ngựa Siberia thay chó là một sai lầm rất lớn.

Ngày hôm sau, biển rất tốt. Vùng eo biển Drake nổi tiếng động nhất thế giới, với những cơn sóng khổng lồ. Nhưng hên là trong chuyến đi, biển rất êm. Anh chàng Arnold than phiền là tại sao không có sóng lên cho vui. Cả tàu đều phản đối. Sóng mà lên thì chắc chết. Trên tàu mỗi ngày có 2 buổi thuyết trình về Nam Cực. Một sáng, một chiều. Hôm thì về những chuyến thám hiểm ở Nam Cực, hôm thì về lịch sử Nam Cực, rồi thú vật Nam Cực. Những người diễn thuyết đều có bằng tiến sĩ về ngành mà họ diễn thuyết. Họ đi theo thuyền để nghiên cứu và để kiếm thêm tiền. Trên thuyền có một cô giảng viên khá nổi tiếng, chuyên viết bài về Nam Cực cho báo National Geographic. Còn buổi tối thì chiếu phim thời sự về Nam Cực. Mỗi ngày được ăn 3 bữa, sáng thì đủ loại bánh như croissant, trái cây, nước cam, sữa. Trưa và chiều thì spaghetti, pasta, thịt heo quay, gà, cá, súp, đồ khai vị, café, và tráng miệng, rất thịnh soạn.

Ngày kế tiếp, khoảng 10 giờ sáng, thuyền trưởng báo với mọi người là tàu đã qua khỏi vòng Nam Cực Hội Tụ. Bắt đầu từ đây, tàu được cho là ở trong hải phận của Nam Cực. Khí hậu thay đổi bất thình lình, không khí trở nên lạnh hơn rất nhiều. Dòng nước miền nam của vòng chảy vòng quanh Nam Cực nên rất lạnh, còn dòng nước phía bắc chạy lên phía bắc thuộc Thái Bình Dương, Ấn Ðộ Dương, và Ðại Tây Dương nên ấm hơn nhiều. Thú vật như cá ở phía bắc của vòng cũng khác xa với thú vật ở phía Nam. Ông thuyền trưởng ra một cuộc thi. Người nào thấy được mảng băng hà trên biển đầu tiên sẽ được thưởng một chai rượu. Ai cũng hí hửng, tôi lên cầu tàu để xem coi mình có thắng được giải không. Trên cầu tàu, tôi gặp cô Young, người Ðại Hàn. Khi nghe nói tôi là người Việt Nam, cô không tin. Cô nói là tôi nhìn không giống người Việt Nam. Làm tôi nhớ lại cuộc hành trình đi Ðại Hàn từ Bắc chí Nam của tôi vài năm trước, mấy người tôi gặp ở đó cũng không tin tôi là người Việt Nam. Tôi hỏi họ có bao giờ họ gặp người Việt Nam không? Sao biết tôi không giống người Việt Nam? Họ nói là họ gặp rất nhiều người Việt Nam. Hoá ra có rất nhiều người Việt Nam sang làm ở Ðại Hàn, phụ nữ thì làm ô-sin trong nhà, còn nam giới thì đi làm ruộng và xây cất, giống như mấy người Mễ ở Cali. Bởi thế, khi nghe nói tôi là người Việt Nam, họ nghĩ tôi phải nhìn giống như vậy. Một hiện tượng rất tiêu cực cho hình ảnh của Việt Nam. Biết vậy, tôi vẫn phớt tỉnh Ăng Lê. Tôi hỏi cô nàng làm nghề gì, thì được biết cô là chủ một tiệm hát Karaoke ở Seoul. Chuyến du lịch lần này cô đi 4 tháng. Mấy người trong tàu hỏi tôi đi bao lâu. Tôi nói tôi chỉ đi có 18 ngày thôi. 10 ngày đã ở trên tàu rồi. Thời gian còn lại thì ở Buenos Aires. Họ cảm thấy rất tiếc cho tôi vì thời gian ngắn ngủi như vậy. Người đi ít nhất sau tôi cũng đi những 2 tháng. Còn có ông đi luôn 5 năm vòng quanh thế giới. Thời tiết trở lạnh nên tôi trở về phòng bận thêm áo ấm. Trong khi đó, ở ngoài anh chàng người Bỉ thấy được băng hà trên mặt biển đầu tiên lúc 11 giờ 52 phút sáng. Vài tiếng đồng hồ sau, băng hà càng ngày càng nhiều, thường những tảng băng này to như toà nhà 10 tầng lầu.

Lúc 3 giờ chiều, thuyền trưởng cho hay là tàu sẽ đi ngang đảo King George, nơi tàu sẽ làm cuộc đổ bộ đầu tiên. Tôi cảm thấy rất hên khi leo lên con tàu này, vì theo luật quốc tế ở Nam Cực, chỉ có tàu nào có ít hơn 100 người mới được đổ bộ cùng một lúc thôi. Tàu lớn lớn phải chia ra làm hai hoặc ba chuyến, bởi vậy nếu đi tàu lớn, chỉ được đổ bộ một lần trong ngày. Trong khi đó, tàu tôi được đổ bộ đến hai lần. Nhưng trước hết, ông phải xin phép hai trạm nghiên cứu ở trên đảo trước, một của Nga một của Chile. Trước khi lên đảo, chúng tôi được “nhắc nhở” thêm một lần nữa về những nghi thức ở Nam Cực. Nếu mang vô cái gì, thì phải mang ra cái đó. Không được mang theo bất cứ con gì từ Nam Cực đi ra. Có lần, một ông khách du lịch thích chim penguin (chim cánh cụt) quá nên bắt về bỏ vô áo. Khổ cho ông thuyền trưởng phải quay lại đảo đó để trả con chim của ông khách ở chỗ cũ, lúc ông khám phá ra sự việc này 5 tiếng đồng hồ sau khi rời đảo, tàu đã đi được cả chục cây số. Mỗi lần đổ bộ, tụi tôi phải mang giày ống cao ny-lon vào, đi qua một thau nước sát trùng trước khi xuống xuồng nhỏ zodiac để vô đảo. Lúc trở ra cũng phải đi qua thau nước sát trùng này. Ðảo không có một bóng cây, toàn đá và nước đá. Lạnh tới mức không có cả rêu trên mặt đất nữa. Tụi tôi được dẫn đi xem trạm nghiên cứu của Chile trước. Trước trại là một cột cao, treo những tấm bảng cây số đến những thành phố lớn trên thế giới như London, New York, từ điểm này. Trạm thật ra cũng rất tiện nghi, có bưu điện, phòng tập thể dục. Tôi hỏi thì được biết là mùa hè trạm có khoảng chừng 20 người, còn mùa đông thì chỉ có khoảng chừng 3 người thôi. Mùa đông nhiệt độ trung bình là -27 độ C. Còn mùa hè thì khoảng chừng -3 độ C trong ngày, -10 độ C buổi tối. Sau khi tham quan trạm Chile, tụi tôi đi bộ qua trạm của Nga, chỉ cách đó 200 mét. Trạm của Nga đặc biệt là có một nhà thờ mới toanh xây kiểu Nga trên một ngọn đồi trọc bên cạnh trại. Ðây là một thay đổi rất lớn từ khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Nga và Ðông Âu. Trước kia, mọi sự thờ phượng đều bị cấm triệt để. Bây giờ, chính phủ cho xây nhà thờ ở ngay trạm nghiên cứu này tại Nam Cực, thật sự là một sự thay đổi không thể tưởng tượng được chỉ 10 năm trước. Tôi đi bộ lên đồi để xem trong nhà thờ có cái gì. Sau khi mở cánh cửa chính nhà thờ ra, nhìn vô thì chỉ thấy một bàn thờ bằng gỗ có hình sơn dầu kiểu Nga của Ðức Mẹ và những vị thánh, nhưng tôi không thấy hình của Chúa Jesus. Cũng không có tượng, bàn ghế gì trong nhà thờ. Người cúng phải quỳ xuống trên tấm thảm trước bàn thờ. Từ nhà thờ nhìn ra, tôi thấy biển trước mặt với những tảng băng hà nổi bồng bềnh trên biển. Phong cảnh thật đẹp. Nhà thờ làm cho phong cảnh càng đẹp hơn. Sau khi xem nhà thờ, tôi đi coi chỗ của mấy ông khoa học gia người Nga sống ra sao. Trên tường có treo mấy tấm hình của những nhà thám hiểm người Nga từ thế kỷ trước. Còn tấm hình mới thì của ông Tổng thống Putin. Phòng ăn có bàn bida để giải trí. Tôi hỏi họ điều gì làm họ thấy khó chịu nhất khi sống ở Nam Cực. Ông nói ngay: tắm. Mỗi tuần mỗi người chỉ được tắm 2 lần thôi. Mỗi lần 5 phút, không được hơn vì tảng nước đá phải được nấu lên để có nước. Nước tắm cũng không ấm áp gì. Tắm nhiều hơn hay làm cho nước ấm hơn tốn rất nhiều nhiên liệu, nên bị hạn chế. Bị hạn chế kiểu này, chắc tôi không ở Nam Cực được.

Ngày kế tiếp, tàu ghé ngang những đảo khác trên đường hướng về phương Nam. Càng về phương Nam, mặt biển càng có nhiều băng hà to nhỏ nổi bồng bềnh. Những đàn cá voi bơi tung tăng trên mặt biển, lâu lâu lại phun một vòi nước lên. Những con moóc (walrus) nằm dài trên những tảng băng phơi nắng. Tàu ghé lại đảo Nửa Vầng Trăng (Half Moon Island) và vài đảo khác. Ở mỗi đảo, tụi tôi đi xem chim penguin, mỗi đàn đôi khi cả mấy ngàn con. Cảm giác của tôi khi đi coi giống như vô trại nuôi gà, mùi thúi vô cùng. Mùi dính vào áo quần rất khó tẩy được. Sau khi trở về thuyền, trong lúc ăn, đôi khi tôi cũng còn ngửi thấy mùi chim penguin. Ðàn chim penguin này ít khi gặp người, nên rất bạo. Chỉ cần ngồi xuống là có vài con chim tới mổ tay, mổ giày đòi làm quen. Bây giờ cuối mùa, nên chim penguin bắt đầu rụng lông tơ để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Mấy người hướng dẫn viên nói 2 tuần nữa thôi, bầy chim này sẽ nhảy xuống biển để bơi về hướng Bắc, đôi khi cả mấy trăm cây số, cho đỡ lạnh. Phải rơi hết lông tơ mới bơi được nhanh.

Ngày hôm sau đến trưa thì tàu đi vào Ðảo Lừa Dối (Deception Island). Ðảo này hết sức đặc biệt, vì thật ra, nó là miệng của một núi lửa. Ðảo cũng có hình bán nguyệt, vì phân nửa của viền núi lửa đã bị văng đi. Ðặc biệt hơn nữa, có một truyền thuyết từ thời cổ Hy Lạp viết vào 500 năm trước Thiên Chúa. Thời đó, người ta đã biết là trái đất tròn, nhưng không biết nó to bao nhiêu. Người thượng cổ Hy Lạp nghĩ là ở tận cùng của trái đất là một mảnh đất đày đá lạnh, có lửa bao quanh. Những con rồng lửa canh chừng mảnh đất này. Thật ra mà nói, trí tưởng tượng của người Hy Lạp mấy ngàn năm trước không xa với thực tế là bao nhiêu nếu mang Ðảo Lừa Dối này ra làm thí dụ. Tôi thì thấy đảo hơi giống như cảnh băng đảo trong cuốn Anh hùng xạ điêu, nơi Tạ Tốn trôi giạt vào. Băng đá, tuyết, sương mù, khói từ cát nóng bay lên, tạo nên một phong cảnh hết sức huyền bí. Ngay M6, cơ quan điệp vụ của Anh, cũng xây một trạm tình báo trên đảo này. Trong Thế chiến thứ II, Anh sợ quân Ðức chiếm lấy Nam Cực cho riêng mình, nên đã cho xây một trạm ở trên đảo để coi chừng lính Ðức Quốc xã. Trạm này được sử dụng cho tới những năm 1950, khi đảo có một cơn động đất lớn và núi lửa phun lên, người trên đảo phải kêu cấp cứu di tản hấp tấp. Từ đó, đảo trở thành đảo hoang, ngoại trừ lâu lâu có thuyền du khách hoặc dân đánh cá voi ghé ngang chơi hay tránh bão. Bãi biển của đảo toàn cát đen. Trên mặt cát rất lạnh, nhưng có khói bốc lên. Ðào xuống sâu một ít thì cát ấm hẳn. Ba người hướng dẫn viên trong thuyền tôi mang theo xẻng và cuốc.



Trong khi tụi tôi dạo quanh đảo để xem những căn nhà đổ nát của trạm tình báo Anh để lại, thì họ đào một cái hồ nhỏ trên cát ngay bên cạnh biển để nước biển trôi vào. Vì cát nóng, họ hy vọng sẽ làm nước nóng theo. Tôi đi ngang cởi giày thò chân xuống thì thấy nước trong hồ chẳng ấm tí nào. Khá lạnh, giống như nước đá trong tủ lạnh, nhưng có thể tắm được. Ðây là cơ hội duy nhất trong đời để tắm biển ở Nam Cực. Tôi nhất định phải thử qua. Không thôi, trong đời không còn dịp hi hữu này. Ðang bận đồ ấm bốn năm lớp, người run cầm cập, phải cởi hết đồ ra, ở trần, chỉ bận cái quần xà lỏn. Không khí Nam Cực lạnh cóng, tôi nổi da gà. Tôi nghĩ lúc đó khoảng chừng -10 độ C. Tôi chạy liền ra biển. Nước biển lạnh không thể tưởng tượng được, làm cho cả người tôi run lên. Tôi liền trở vào nhảy vô ngồi trong vũng nước đã được đào khi nãy. Hai chục đứa tụi tôi thay phiên nhau tắm trong vũng nước. Anh chàng người Ba Lan mang theo 2 chai rượu đế, mỗi đứa một ly uống vô cho đỡ lạnh. Thật là một kinh nghiệm hết sức độc đáo và thú vị. Tôi nghĩ nếu bịnh cũng không sao. Nhưng lạ một điều là 20 đứa, không đứa nào bị bịnh sau khi tắm nước lạnh như thế.

Tối hôm đó, thuyền tôi nhổ neo đi về phương Nam. Thuyền muốn tới Vòng Nam Cực trước khi quay lại trở lên phương Bắc. Mãi tới tối hôm sau, thuyền trưởng cho biết là thuyền đã tới vòng Nam Cực. Vòng này là vòng chia cách giữa ngày và đêm. Phía Nam của vòng này, mặt trời chiếu sáng 24 tiếng mỗi ngày trong mùa hè, không lặn xuống dưới chân trời. Còn phía Bắc của vòng thì có đêm trong mùa hè, cho dù đêm rất ngắn. Mùa Ðông thì phía Nam của vòng không có một tia ánh sáng mặt trời trong sáu tháng. Tụi tôi mở tiệc ăn mừng là đã đến cực Nam nhất mà thuyền của chúng tôi muốn đến. Từ đây, thuyền chỉ hướng về phương Bắc. Sau khi ăn uống no nê thì có màn văn nghệ: mỗi người từ một quốc gia phải hát hay múa một bài của nước mình. Chết tôi rồi, tôi đâu biết là có màn phải trình diễn bất thình lình như vậy. Nếu biết thì phải mượn đĩa Karaoke tập dượt trước. Việt Nam mình có cả trăm bài hát, không biết chọn bài nào. Nhưng may quá tôi nhớ ra, trong nhóm du khách trên thuyền này có cô Mirjam người Hoà Lan. Lúc ăn trưa, tôi nói chuyện với cô thì được biết rằng cô mới đi Việt Nam về. Trong 6 tháng ở Việt Nam, cô lái xe gắn máy đi từ Hà Nội vô Sài Gòn. Cô rất thích mấy gian hàng cafe ở Việt Nam. Và cô thích bài hát “Lòng mẹ”. Tối tối vào quán café ở Sài Gòn, đôi khi cô ngồi nghe bài này và khóc. Tôi hứa với cô là lúc về Mỹ, tôi sẽ gửi cô cuốn Cá tra và vòng Mandala của Andrew Phạm vì chuyến du lịch của cô bằng xe gắn máy nghe giống như chuyến đi của Andrew bằng xe đạp, chắc cô sẽ rất thích. Tôi quyết định hát bài “Lòng mẹ” để cô Mirjam và những du khách khác thưởng thức nhạc Việt Nam. Trước khi hát, tôi nói các anh/chị hãy tưởng tượng là mình đang ngồi trong một quán café ở Buenos Aires vì quán café ở Sài Gòn cũng giống như thế:

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối…”

Trong khi hát, tôi nhìn ra cửa kiếng của tàu. Lúc đó đã hơn 1 giờ sáng, nhưng trời vẫn còn sáng. Mặt trời rất to màu cam đỏ, treo lơ lửng ở tận chân trời. Màu cam và hồng cộng với biển xanh và những băng đá trắng phản chiếu ánh nắng hồng từ mặt biển hết sức ngoạn mục. Tôi cảm thấy bài “Lòng mẹ” thật thích hợp với phong cảnh đẹp tuyệt vời, có một không hai này. Thính giả cũng rất cảm động khi nghe bài hát này trong phong cảnh như vậy, vì trước khi hát tôi đã giải thích cho người nghe về ý nghĩa của bài hát. Phong cảnh, bài hát, cảm xúc, tất cả hoà hợp lại như một bức tranh thuộc trường phái ấn tượng. Ngày hôm sau, cô Mirjam nói với tôi là bài tôi hát đêm vừa rồi làm cô hết sức cảm động; cô mong có mẹ bên cạnh trong giây phút đó để chiêm ngưỡng cảnh vật ở miền đất tận cùng của trái đất này. Tôi cũng có những cảm xúc như thế.

Ngày hôm sau, tàu trở lên phương bắc. Tàu ghé lại vịnh Thiên Ðàng (Paradise Bay), nơi chúng tôi đổ bộ lên châu Nam Cực. Những ngày trước, tàu chỉ ghé những hải đảo thôi. Nhưng hôm nay, chúng tôi thực sự bước lên mảnh đất của châu Nam Cực. Sau khi đổ bộ, tụi tôi leo lên một ngọn đồi cao gần đó để chụp hình và xem phong cảnh. Tôi nhờ cô Ðại Hàn chụp giùm tôi tấm ảnh với cờ vàng ba sọc đỏ trên đỉnh núi để kỷ niệm ngày tôi bước lên lục địa này. Lúc leo lên mất hết 45 phút, nhưng lúc xuống thì chỉ có mấy phút thôi vì tụi tôi chỉ cần nằm dài và trượt xuống dọc theo sườn núi. Thật tuyệt vời vì tuyết rất mịn. Trong lúc trượt xuống, tôi lấy tuyết bỏ vô miệng ăn để coi xem tuyết ở Nam Cực không bao giờ tan từ mấy triệu năm nay có khác với tuyết ở hồ Tahoe hay không. Một ông du khách Mỹ thì lấy cục nước đá trên bãi biển mang về thuyền để uống Coca Cola. Ông nói với tôi là tinh khiết vô cùng. Tôi cũng muốn tin ông, nhưng chỉ sợ là vì cục nước đá đó đã ở trên bãi biển ít nhất cả triệu năm, biết đâu có con chim penguin nào đó đã leo lên, thì còn gì là tinh khiết.

Ngày hôm sau, tàu ghé trạm Lockroy của Anh Quốc (Port Lockroy). Ðây là một bảo tàng viện sống. Mỗi năm, có hơn 3.000 người Anh nộp đơn xin đi sống ở bảo tàng viện này. Trong đơn của họ, họ phải trình bày rõ lý do tại sao họ muốn đến đây ở. Trong số 3.000 người nộp đơn xin đi, chính phủ Anh chỉ chọn ra 3 người. Vì đây là một viện bảo tàng, nên họ muốn làm lại cuộc sống giống như những nhà thám hiểm của Anh vào đầu thế kỷ 20. Từ tháng 12 tới tháng 3, ba người này sống ở đây trong những căn nhà hết sức thô sơ. Thay vì dùng điện để sưởi ấm, họ dùng đèn dầu đốt bằng mỡ. Áo quần cũng giống như đồ mà những nhà thám hiểm Anh dùng từ thế kỷ trước, nhìn thấy chẳng ấm tí nào. Bước vô nhà là thấy lạnh thấu xương, rất thiếu tiện nghi. Trong lúc ở đây, 3 người này làm việc bán hàng và chạy bưu điện Anh quốc. Ðây là có lẽ một trong những quán hàng hiếm có ở châu Nam Cực. Còn ở bưu điện, họ có tem đặc biệt của Anh chỉ ấn hành riêng cho châu Nam Cực thôi, không bán ở chỗ khác. Vì muốn có tem này, tôi gửi vài tấm hình về nhà. Tôi hỏi ông chủ quán thì ông cho biết là hình của tôi sẽ đi từ bưu điện này đến đảo Falkkand của Anh quốc nằm gần Á Căn Ðình; rồi từ đó, những tấm hình sẽ về London trước khi được gửi sang Mỹ. Chắc phải 2 tháng sau tôi mới nhận được hình gửi từ Nam Cực.

Sau khi thăm trại Lockroy, tàu ghé lại eo biển Lemair Channel. Ðây là một trong những cảnh đẹp nhất ở Nam Cực, vì hai bên là núi cao với những tảng băng hà nổi bềnh bồng trên mặt biển lặng như hồ. Ở nơi hẹp nhất, chỉ có 1600 mét chia cách hai bên núi, tàu đi ở giữa. Thuyền trưởng muốn đi qua chỗ hẹp nhất để chúng tôi chiêm ngưỡng. Nhưng vì là cuối mùa nên lúc tàu tôi vào eo biển, cả eo biển bị đóng băng, mặt biển chỉ thấy trắng xoá. Nếu đi qua chỗ hẹp nhất của eo biển, có thể tàu sẽ bị kẹt lại vì băng đá. Nếu bị kẹt lại, ít nhất phải 6 tháng sau mới thoát được khi mùa xuân trở về nơi vùng đất này. Tôi nghĩ đến những chuyện kể về mùa đông ở Nam Cực từ cuốn Endurance mà thấy ngán. 6 tháng trời trong bóng đêm lạnh thấu xương. Không biết tàu có đủ lương thực và khí đốt để sống qua 6 tháng mùa đông ở Nam Cực? Cả tàu đồng ý tốt hơn hết là quay hướng trở lại phương bắc như những con chim penguin. Theo dự báo thời tiết, có một cơn bão sắp đến; bởi vậy cả tàu đều nôn nóng muốn trở lên phương bắc càng sớm càng tốt.

Đêm xuống, sóng bắt đầu nổi lên. Tàu lắc qua lắc lại. Đôi khi tàu đụng vô mấy tảng băng hà. Mỗi lúc như thế, tàu lại rung lên, giống người giựt kinh phong. Tôi cứ lo tàu bị chìm như chiếc Titanic. Trong phòng tôi, cái ghế chạy từ góc này sang góc khác. Những đồ ở phía trên cũng bị văng xuống dưới đất. Đi trên tàu hết sức buồn cười, vì tướng đi còn hơn người say rượu. Người đi hết chạy từ tường bên này sang tường bên kia theo chiều hướng của cơn sóng. Tôi leo lên phòng điều khiển của thuyền trưởng ở tầng thứ tư. Sóng biển táp lên cửa kiếng phòng ông, nhìn ra thấy sóng và tuyết trắng xoá. Tôi nghĩ chắc sóng phải cao ít nhất là 50 feet. Đến giờ ăn, phòng ăn vắng teo. Hơn 80 phần trăm người trên tàu bị say sóng nằm rệp trên giường. Lúc đi thì ăn uống được xài đồ sành với ly thuỷ tinh, còn lúc về thì chỉ có dùng đồ plastic với giấy thôi. Đồ ăn ở trên bàn cũng văng xuống đất. Từ trong nhìn ra, ven tàu đều bị đông đá. Tuyết với sóng biển rớt xuống làm tôi hồi tưởng lại cảnh đi vượt biên năm xưa; tôi thật sự thấu hiểu nỗi hoảng sợ của những người trên những chiếc tàu nhỏ bé bị sóng bão ở đại dương. Giữa sự sống và cái chết chỉ là một cơn sóng hay một ngọn gió. Trùng hợp hơn nữa, cả hai đều có cái tên là biển Nam Hải (South Seas). Chắc tôi phải cầu Chúa hay niệm Phật để tai qua nạn khỏi. Đêm cuối cùng trước khi tàu cập bến, cả tàu mở tiệc ăn mừng vì sóng đã bớt nhiều và mọi người đều muốn chúc mừng nhau cho cuộc hành trình đầy thú vị. Tụi tôi hát, chơi trò chơi, nhảy múa cho tới sáng. Thuyền trưởng phát cho mỗi người một tấm bằng chứng minh là người này đã đặt chân lên châu Nam Cực.

Chuyến máy bay hãng Á Căn Đình cất cánh vào lúc 2 giờ chiều. Ngồi trên máy bay, tôi nhìn xuống thấy thành phố Ushuai, eo biển Beagle, rồi vùng Tierra del Fuego nhỏ dần rồi biến dần sau đám mây. Hơn một trăm năm đã qua kể từ khi người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này. Tôi cảm thấy rất hên là được cơ hội theo bước chân những người thám hiểm Nam Cực năm nào. Nam Cực có thể không còn là Tierra incognito (vùng đất không ai biết), nhưng nó vẫn là một mảnh đất xa lạ đối với con người. Bây giờ con người mơ về du lịch vũ trụ. Có thể vài trăm năm nữa, sẽ có một người Việt Nam ngồi trên con tàu vượt hành tinh giữa trái đất và Hoả Tinh. Cuộc hành trình đó cũng giống như cuộc hành trình của tôi hay của hàng triệu người Việt Nam năm nào vượt sóng Biển Đông. Tôi nghĩ về một khúc trong cuốn Catfish and Mandala của Andrew Phạm khi anh trở về xem lại nhà tù xưa của cha anh và được anh chở xe ôm khuyên: “Ở đây không còn một cái gì để mà anh trở về để gắn bó, anh nên đi ra mà xem thế giới.” Tôi suy ngẫm và cảm thấy anh xe ôm này nói đúng. Anh/chị Việt Nam nào du lịch vũ trụ có thể sẽ ngồi trong một phòng kính trên cung trăng với khung cảnh của trái đất, liệu có sẽ cất lên tiếng hát bài “Lòng mẹ” khi thấy mảnh đất Việt Nam hiện ra trước mắt?


Tài liệu tham khảo
  • Alfred Lansing, Endurance: Shackleton’s Incredible Voyage, Carroll & Graf Publishers, 1999.
  • Graham Collier & Patricia Graham Collier, Antarctic Odyssey “In the Footsteps of the South Polar Explorers”, Carroll & Graf Publishers Inc. 1999.
    Sara Wheeler, Terra Incognita “Travels in Antarctica”, Random House 1998.
  • National Geographic: articles on Antarctica from 1890s to the present (những bài viết về Nam Cực từ 1890 đến nay).

© 2008 talawas