trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
5.8.2008
Aleksandr I. Solzhenitsyn
Quần đảo ngục tù
Ngọc Thứ Lang, Ngọc Tú dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
Văn hào Nga Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn sinh ngày 11.12.1918, vừa qua đời ngày 03.8.2008. Tưởng niệm ông, chúng tôi hân hạnh đăng lại bản dịch tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Quần đảo ngục tù (The Gulag Archipelago), xuất bản tại miền Nam năm 1974. Bản gốc tiếng Nga Архипелаг ГУЛАГ có tại địa chỉ:
http://lib.ru/PROZA/SOLZHENICYN/gulag.txt
http://lib.ru/PROZA/SOLZHENICYN/gulag2.txt
http://lib.ru/PROZA/SOLZHENICYN/gulag3.txt

Các tác phẩm của Solzhenitsyn đã đăng trên talawas:

Bất ngờ tại nhà ga Krechetovka (Lê Vũ dịch, 1973)
Ngôi nhà của Matriona (Nguyễn Văn Son dịch, 1974)
Diễn từ Nobel 1970 (Đoàn Tử Huyến dịch, 2005)

Xem thêm: Trần Tử, Alexandre Soljenitsyne: Tác phẩm – Con người và Cuộc đời (1971)

talawas
Aleksandr I. Solzhenitsyn (1908-2008)
Tác giả chú thích

Thiên tiểu thuyết này viết xong đã lâu mà tôi vẫn ngần ngại chưa muốn xuất bản. Thà phụ lòng người chết còn hơn gây hại cho những người còn sống. Nhưng bản thảo bất ngờ lọt vào tay mật vụ thì tôi đành phải cho ra ngay, càng sớm càng tốt.

Xin lưu ý là trong Quần đảo ngục tù không có người bịa chuyện. Nhân danh, địa danh đều ghi rõ tên thực. Nếu có ghi tên tắt chỉ là bắt buộc cũng như nếu có thiếu sót chỉ vì người viết không nhớ nổi, nhớ hết. Vì tất cả trong Quần đảo ngục tù đều có thực, nghĩa là THẤY SAO VIẾT VẬY.

Aleksandr I. Solzhenitsyn


Tựa

Năm 1949, bọn tôi tình cờ đọc được một mẩu tin ngăn ngắn in chữ nhỏ li ti đăng trên tờ Thiên nhiên cơ quan của Hàn lâm Viện Khoa học. Bản tin tiết lộ là trong công tác khảo cổ khai quật một vùng sông Kolyma người ta đã tìm ra một lớp băng nằm dưới mặt đất nguyên là một con suối, một nhánh sông đông lạnh mà trong đó còn nguyên vẹn một số sinh vật tiền sử, cỡ vài chục ngàn năm. Cá hay thằn lằn cũng còn tươi nguyên, tươi đến nỗi những người có mặt lúc bấy giờ hăm hở phá vỡ lớp băng, đào lên KHOAN KHOÁI đớp ngay tại chỗ.

Độc giả tập san Thiên nhiên có bao nhiêu xong chắc chắn họ phải kinh ngạc không ngờ cá đông lạnh có thể giữ tươi nguyên lâu đến vậy. Tuy nhiên mấy ai đã thấu hiểu ý nghĩa đích thực của mẩu tin sơ hở, vụng về nói trên?

Bọn tôi, trái lại hiểu ngay tức khắc. Bọn tôi còn tưởng tượng ra đầy đủ từng chi tiết nhỏ của công tác khai quật kia. Bọn tôi biết người ta đào lớp băng hăng hái cỡ nào, tranh nhau như thế nào… Khỏi khảo cổ, nghiên cứu cá cua gì hết, thấy cá tiền sử cũng đào lên, xé ngay ra cho lên bếp lửa nướng đớp liền.

Bọn tôi hiểu vì bọn tôi cũng thuộc một lớp người với đám người đào băng đó – cũng là dân ZEK với nhau mà! Những thằng ZEK [1] thì quá đông quá nhiều và có thể nói là thế gian này chỉ có chúng là những thằng người duy nhất dám đớp cả cá tiền sử một cách SUNG SƯỚNG.

Bọn tôi cũng không xa lạ gì Kolyma, một hòn đảo lớn nhất trong cái hệ thống gọi là QUẦN ĐẢO GULAG [2] . Xét về mặt địa lý thì GULAG là cả một nhóm đảo ở rải rác, khắp nơi nhưng xét về tâm lý thì đây lại là một đại lục gắn chặt một khối, một vùng đất vô hình bí hiểm, đất sống của những thằng ZEK.

Đại lục ngục tù đó nằm trong lãnh thổ Liên bang Xôviết, nằm rải rác như bày trên một bàn cờ khổng lồ, nằm xen kẽ, nằm chen vào giữa các đô tỉnh thị. Chỗ nào cũng có nó, vậy mà dân Nga tối đại đa số, mù tịt, rất nhiều người chỉ nghe nói mù mờ… chỉ những tháng từng ở bên trong mới biết rõ sự thực.

Bọn họ biết hết nhưng dĩ nhiên họ phải câm nín, không hé mồm về sự thực bên trong GULAG.

Vì một tình cờ trớ trêu của lịch sử, một phần sự thực được phép công bố – dù chỉ một phần nhỏ nhoi, có nghĩa. Những bàn tay mới đây còn nắm cứng tay chúng tôi để viết còng cho chặt thêm… chính những bàn tay ấy giờ đây chia ra hoà giải: “Thôi dĩ vãng đã qua để nó qua luôn… gợi nhớ làm chi? Cứ nhìn về quá khứ hoài dám mất một mắt!”. Đồng ý. Tuy nhiên tục ngữ đất nước chúng tôi lại có câu: “Có quá khứ mà quên đi là mù cả hai mắt”.

Mấy chục năm đã qua rồi, bao nhiêu ung nhọt ghẻ lở đang lành lặn dần. Cùng thế gian đó trong quần đảo GULAG mấy hòn đảo đã sụp đổ tan tành, bị tràn ngập dưới lớp sóng lãng quên của biển Bắc cực. Biết đâu chừng một ngày nào đó thế hệ sau chúng tôi chẳng khai quật được một hòn, tìm ra được vết tích GULAG cùng với mớ xương tàn của một thằng ZEK còn nằm nguyên vẹn trong lớp băng như một con thằn làn tiền sử nói trên?

Tôi đâu dám liều lĩnh viết lại lịch sử quần đảo GULAG, xét vì có được ghé mắt đọc một tài liệu nào đó về nó đâu. Sợ rằng sau này cũng chẳng ai có cơ hội đọc được vì những người không muốn gợi nhớ lại, muốn quên phứt nó đi cho rồi đã có thừa quá nhiều thời giờ – họ sẽ còn nhiều thời giờ nữa – để thủ tiêu bằng hết tài liệu!

Bản thân tôi thì qua 11 năm ròng rã trong QUẦN ĐẢO GULAG tôi cảm thấy tuyệt nhiên không nhục nhã oán hờn mà trái lại còn có phần thương mến cái thế giới bao la vĩ đại đó, mà sau một loạt những biến chuyển tốt đẹp tôi còn được đón nhận khá nhiều tin tức, tài liệu, thư từ mới về nó. Nhờ đó may ra tôi có thể kể lại phần nào chứng tích thịt xương của chính con thằn lằn may mắn thay còn sống sót.

*


Xin nói rõ tôi chẳng thể một mình viết xong QUẦN ĐẢO GULAG. Dĩ nhiên sau mười một năm dài trong GULAG thì khi trở ra tôi phải mang theo một mớ kỷ niệm trong ký ức, ghi nhận trong thịt và trên da, mắt tôi từng nhìn thấy, tai nghe thấy nhiều chuyện. Ngoài ra tôi còn được sự đóng góp tài liệu của 227 nhân chứng qua nhiều thư từ, hồi ký. Tên tuổi những người đó sẽ được liệt kê hết trong chuyện.

Với những người bạn đó tôi xét thấy chẳng cần phải tri ân cá nhân họ, xét vì thiên truyện này là công trình chung, một tưởng niệm tập thể những người đã đau khổ và bỏ xác trong GULAG.

Tuy nhiên vẫn phải kể tới những người trong hoàn cảnh khó khăn đã giúp tôi sưu tầm, tra cứu nhiều tài liệu để làm sáng tỏ vấn đề trong cả núi sách ở Thư viện, huống hồ có nhiều cuốn bị cấm lưu hành, bị thủ tiêu và nhiều khi biết là chỉ còn sót lại một cuốn cũng ráng tìm bằng được. Lại còn những những dám cất giữ bản thảo giùm tôi và sau đó còn chép ra làm nhiều bản nữa.

Tên tuổi những người đó cho đến bây giờ tôi vẫn không dám tiết lộ.

Lẽ ra người nhuận sắc lại bản thảo Quần đảo ngục tù này phải là một ông bạn tù già trên đảo Solovetshy tên Dmitri Petrovich Vitkovsky, tác giả tập hồi ký Nửa đời tù ngục. Ông bạn Vitkovsky quả thực đã sống NỬA ĐỜI TÙ NGỤC nên sau cùng vướng chứng tê liệt đến câm luôn mới được đọc vài chương đầu để tin tưởng rằng tất cả sự thực sẽ có người nói lên bằng hết.

Theo ý tôi thì còn lâu lắm xứ sở chúng tôi mới được thấy ánh sáng tự do, vì vậy cần đọc cuốn truyện này, truyền tay nhau đọc cũng là một chuyện cực kỳ nguy hiểm. Do đó, tôi xin ngỏ lời chào mừng trước những bạn đọc can đảm đó, nhân danh những người đã bỏ xác trong GULAG.

Cho đến năm 1958, khi tôi khởi sự viết Quần đảo ngục tù vẫn chưa nghe nói tới một cuốn tiểu thuyết hay hồi ký nào nói về các trại cải tạo. Năm 1967, đang làm sách, tôi mới có dịp đọc Truyện tù Kolyma của Vaclam Shalamov và những tập hồi ký của Dmitri Vitkovsky, Giuzburg, Admova-Sliozberg. Đó là những truyện tù mà dân từng ở tù phải biết hết, trước khi phổ biến rộng rãi sau này.

Cũng phải nêu tên một số nhân vật từng có công đóng góp nhiều tài liệu vô giá cho cuốn tiểu thuyết này – mặc dù họ chẳng muốn chút nào – cũng như họ đã góp phần lưu giữ nhiều sự kiện, tài liệu quan trọng, chắt chiu như chính hơi thở của họ vậy. Đó là quý ngài Sudrabs-Latsis, N.V. Krylenko (người nhiều năm ngồi ghế chưởng lý trước khi trao quyền cho đàn em A.Y. Vyshinsky) cũng như các vị luật gia đồng lõa với họ, trong đám đó, nổi bật nhất là ngài thẩm phán I. L. Averbakh.

Tài liệu để viết cuốn tiểu thuyết này còn được cung cấp bởi một nhóm 36 nhà văn Xôviết, đứng đầu là Maxim Gorky. Họ là đồng tác giả một cuốn sách ô nhục nói về Kênh đào Bạch Hải. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Nga mới có một tác phẩm đề cao công trình lao động của những thằng đi cải tạo.

Aleksandr I. Solzhenitsyn

*


Phần I
1. Kỹ nghệ ngục tù

Thế là xong. Xong hết. Anh bị bắt! Còn biết làm gì hơn, đâu thể làm gì hơn là rên rỉ: “Tôi mà bị bắt? Sao vậy?”.

Bản chất của sự bắt người là vậy mà! Một cú sấm sét nháng lên thình lình, một cú động trời đẩy bật hiện tại vào quá khứ, để cái mình không ngờ có thể xảy ra đột biến thành thực tế phũ phàng trước mắt.

Bị bắt là vậy. Trọn một giờ đầu ngày đầu thì đầu óc người bị bắt chỉ quanh quẩn có mỗi câu hỏi ngớ ngẩn trên để may ra giữa cơn tuyệt vọng chợt le lói một tia hy vọng hão huyền: “Có thể mình bị bắt lầm. Thế nào họ chẳng xét lại… họ cho mình ra”.

Sau đó tất nhiên cuốn phim bị bắt sẽ được quay lại, những hình ảnh sẽ hiện ra, hình thành không phải ở trong đầu óc ngỡ ngàng mất hướng của anh mà là những người ở nhà, thân nhân gia đình hay bà con hàng xóm.

Thoạt đầu tiếng đập cửa rầm rầm nửa khuya hay một hồi chuông gắt gỏng. Những đôi bốt không thèm chùi của những ông Mật vụ không bao giờ ngủ đêm sẽ xông ào ào vô. Theo sau thế nào chẳng có ông phường, ông khóm rụt rằng đi vô để gọi là có đại diện hành chánh địa phương làm nhân chứng cho đúng luật.

Có hồi mật vụ muốn bắt người cũng phải có sự chứng kiến của giới chức địa phương. Hồi đó luật lệ còn cho phép và còn khuyến khích nhân dân hỏi lại các viên chức đi bắt người.

Tuy nhiên mấy ông khóm, ông phường cũng chẳng lạ gì vai trò bù nhìn của mình và sự bất chấp của Mật vụ. Họ đành phải đi theo cho có lệ để ngồi ru rú một chỗ ngó và sáng mai ký tên vào biên bản. Vả lại đêm nào cũng bị dựng dậy đi coi bắt người thì chẳng hứng thú gì… mà lâu lâu còn phải hướng dẫn đi bắt chính những bà con quen biết của mình!”.

Thế rồi thế nào chẳng có những bàn tay run rẩy, hối hả trao cho người bị bắt: nào gói đồ, thay quần áo lót… này cục xà bông, này mấy miếng thức ăn. Cuống quít đụng cái gì đưa cái nấy vì có ai biết thằng ở tù cần những cái gì, được phép giữ những cái gì, được mặc những quần áo nào… Trăm lần như một mấy ông Mật vụ sẽ nồ nạt, cấm đoán và chắc chắn sẽ có câu:

"Sao mang đồ lắm thế? Ở trong đó họ cho ăn đàng hoàng mà. Xách theo nhiều quần áo làm chi?”

“Dĩ nhiên họ nói láo vậy cũng như nguyên tắc là phải hối thúc, nạt nộ để khủng bố tinh thần nạn nhân.”

Cuốn phim bị bắt sẽ tiếp tục bằng một màn lục soát nhà cửa, sau khi nạn nhân bị xách cổ đi rồi. Phải nói là cả một màn lục lọi, phá phách, hành hạ chính chỗ ở của nạn nhân trong mấy giờ liền. Đã xét nhà thì mật vụ có tha cái gì.

Cần đập là đập, xét được là xét toang hoang, vạch vòi từ kẽ vách trở đi. Bao nhiêu đồ lặt vặt, bao nhiêu món quần áo trong ngăn tủ đều được moi móc ra, tung hê hết ra sàn nhà để lần mò, rũ ra từng món một, xé toạc ra xét phía trong…

Dĩ nhiên đồ đạc, quần áo đã liệng ra giữa nhà như vậy thì còn kiêng dè gì nữa. Những đôi bốt sẽ giẫm lên, chà đạp không thương xót. Một căn nhà đã bị mật vụ lục lọi thì còn cái gì được chừa ra, còn cái gì được nể nang?

Như trường hợp nhà kỹ sư hoả xa Inoshin đó. Đứa con nhỏ mới chết vừa liệm xong, quan tài đã đóng chặt, để ở một góc nhà. Mấy ông mật vụ đã nhân danh luật pháp buộc phải mở hàn, nhấc xác đứa bé ra để lục lọi, khám xét bên trong. Còn nói gì bệnh nhân bị xô xuống để xét nệm, băng bó phải xé ra coi có giấu gì bên trong.

Mật vụ đã khám xét thì cái gì cũng có thể xảy ra, cái gì họ cũng dám làm hết [3]

Mật vụ đã khám xét nhà chuyên viên sưu tầm cổ vật danh tiếng Chetverukin và tịch thu một số “tài liệu”. Hỏi ra mới biết đó là mớ giấy tờ cổ lỗ sĩ, mấy bản chỉ dụ từ thời Nga hoàng! Nào chỉ dụ ngừng chiến với Nã Phá Luân, chỉ dụ thiết lập Hội Thánh và cả đạo chiếu chỉ kêu gọi thần dân thành tâm cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi trong thời kỳ dịch tả lan tràn năm 1830.

Vostrikov, nhà học giả chuyên về Tây Tạng đứng số một nước Nga cũng bị mật vụ bắt và còn bắt theo một số thủ bản quý giá về cổ văn Tây Tạng. Người bất hạnh mệnh một mà đám môn đệ phải mất đúng 30 năm sau mới năn nỉ, xin xỏ KBG cho lại được mớ giấy tờ.

Nevsky, nhà Đông phương học lừng danh bị mật vụ tịch thu mớ cổ bản về văn tự Tangut. Hai mươi lăm năm sau khi đã mồ yên mả đẹp rồi người mới được truy tặng giải Lênin về công trình san định cổ ngữ này!

Karger thì bị vồ trọn bản thư tịch về sắc dân Ostyak vùng Yenisei. Chỉ vì mật vụ không chịu chấp nhận bản mẫu tự và bộ ngữ vựng mà Karger đã hoàn thành cho bộ lạc thiểu số này mà cho tới bây giờ dân Ostyak vẫn đành phải chịu, không có nổi chữ viết.

Có lời lẽ, ngôn ngữ nào diễn tả nổi một vụ khám xét? Xem ra chỉ có mỗi một câu trong kho tàng văn chương bình dân của chúng tôi là gói ghém đủ ý. Đại khái là “Họ lục lọi, khám xét đến phải bật ra… cái mà ta không hề cất giấu trong đó”. Mật vụ mà đã khám nhà, kiếm ra bất cứ một cái gì là đương nhiên, họ toàn quyền lấy mang đi. Nếu cần, còn trưng dụng luôn khổ chủ làm cu ly khuân vác nữa!

Như trường hợp vợ chồng Palchinskaya, nhà kinh tế học mà cũng là kỹ sư hầm mỏ lớn nhất nước. Ở địa vị người chồng hoạt động như vậy thì thiếu gì thư từ trao đổi, tài liệu lưu giữ mỗi ngày? Sau khi bắt người, mật vụ buộc bà vợ phải đích thân xách theo cả bao giấy tờ và sau đó hai vợ chồng phải chia nhau, nuốt bằng hết đồng giấy! Mang giấy tờ đi như vậy thì chỉ cần mang một làn, khỏi cần mang về.

Một người bị bắt là dĩ nhiên gia đình, thân nhân cuống cuồng lo cho cuộc đời sắp khốn đốn đến nơi. Nhưng biết vậy vẫn phải dành thời giờ, bỏ công việc để hỏi thăm tin tức, họ tiếp tế cho người thân. Gởi được tí đồ ăn cũng cực khổ trần ai! Tới chỗ nào, văn phòng nào hỏi cũng bị trả lời một câu nguyên văn: “Đây không có ai tên đó. Không ai nghe nói tên đó…”.

Khốn nạn, muốn được nghe thiên hạ sủa một câu gắt gỏng vậy đó nào phải dễ dàng gì? Hồi dân Lêningrad bị địch bắt bố dữ nhất, nhà tù nghẹt cứng người thì muốn hỏi tin tức người nhà cũng phải mất đúng 5 ngày… mới được từ chối kiểu trên.

Có khi 6 tháng, 1 năm sau mới có tin người nhà. Mà lại là “Đương sự không được phép thăm nuôi, tiếp tế.” Nghĩa là bị cấm đơn. Nghĩa là từ nay khỏi phải hỏi vì kể như chắc chắn là đương sự h et còn trên cõi đời này. Bị bắn bỏ rồi! [4]

Đại khái một vụ bắt người diễn ra như vậy đó.

Nói về những vụ bắt người ban đêm thì hiển nhiên phải có những nguyên do đích đáng, thuận lợi và vô cùng quan trọng.

Nửa đêm nghe đập cửa ầm ầm thì chưa biết gì người trong nhà đã hốt hoảng, bàng hoàng rồi. Người bị bắt đang chăn êm nệm ấm bỗng bị dựng cổ dậy, ngơ ngác nửa tỉnh nửa mê đầu óc mụ mẫm… còn suy tính được cái gì nữa? Đi bắt đêm mật vụ còn ưu thế. “Lấy thịt đè người”, bao nhiêu tay súng bất thần xông vô ào ào chỉ cốt để đàn áp tinh thần một thằng mê ngủ, có cái nút quần còn chưa cài xong thì chắc ăn quá! Bắt đêm lại còn cái lợi là khỏi phải lo đối phó với mấy người hàng xóm thấy đông bu lại coi. Lỡ họ can thiệp bậy thì sao?

Phương pháp bắt đêm, bắt kín, bắt lần lượt cái lối cóc nhảy của mật vụ còn hay ở điểm người ít mà xử dụng được tối đa lực lượng. Cứ từ từ chộp xong mối này tới mối kia là bao nhiêu cùng bắt gọn hết. Vì vậy nhiều khi số người bị bắt ở địa phương còn đông hơn cả lực lượng công an cảnh sát cộng lại. Hơn nữa còn đỡ gây xáo trộn chỉ ở người sát bên còn có thể biết chớ xa một chút là không tài nào hay. Công tác bắt người do đó êm ru để cùng một con đường mà đêm đêm mật vụ áo đen cứ việc đi bắt người mà ngày ngày bọn thanh thiếu niên vẫn vác cờ vác biển đi ca hát nghêu ngao.

Trên cương vị kẻ đi bắt người và bắt người đến phát ngán lên được thì bọn mật vụ phải rành rẽ bộ máy bắt người hơn ai hết. Dĩ nhiên là phải có lề lối, phương pháp mà ngây thơ đến mấy cũng phải biết. Bắt người là một khoa học, một bộ môn quan trọng của khoa hình sự, được yểm trợ bởi lý thuyết xã hội đàng hoàng.

Những vụ bắt người đều chia ra theo tiêu chuẩn đàng hoàng. Bắt đêm hay bắt ngày, bắt ở nhà ở sở hay ở dọc đường, bắt lần đầu hay bắt đi bắt lại, bắt cá nhân hay bắt tập thể. Còn phân biệt ở mức độ bất ngờ cần thiết, mức độ chống đối phải dự liệu. Đó là xét trên nguyên tắc mà thôi. Thực tế mật vụ có bao giờ phải đặt vấn đề chống đối cũng như cả chục triệu trường hợp bị bắt rồi đã có ai dám chống lại một lần?

Những vụ bắt người còn phân biệt ở điểm xét nhà sơ sơ hay lục lọi kỹ càng [5] có huấn lệnh lập bảng kê khai đồ vật tịch thu hay không, có phải niêm phong nhà cửa hay không, bắt chồng trước vợ sau rồi con cái tống vô Viện Dục Anh hay mời cả nhà đi một lượt, kể cả ông già bà già nạn nhân cũng tống vô trại lao động cải tạo.

Chỉ một vụ bắt người mà có đến bao nhiêu hình thức.

Như cô đào Hung Gia Lợi Irama Mendel năm 1926 được Komintern [6] biếu hai tấm giấy mời danh dự coi ca nhạc kịch Bolshoi. Hồi đó có đồng chí thẩm vấn viên Klegel đang theo đuổi người đẹp dữ nên Irma cùng mời chàng đi coi chung cho vui. Hai người cặp kè nhau ngồi coi đến khi vãn hát, coi bộ cực kỳ âu yếm nhưng sau đó chàng mời người đẹp lên xe đi về Lubyanka [7] .

Cô gái tóc vàng Anna Skeipnikova nhân buổi đẹp trời tháng 6, đi dạo đại lộ Kuznetsky vừa mua vài thước hàng xanh để may áo thì được một phong lưu công tử mời lên tắc xi đi chơi…

Nàng theo chàng lên xe nhưng dĩ nhiên chẳng đi du ngoạn tình ái! Nhìn bộ mặt nhăn nhó của gã tài xế là biết liền. Hắn đâu lạ gì gốc gác chàng và cũng biết được cơ quan có bao giờ chịu chi một cuốc tắc xi! Quả nhiên xe chạy một khúc là quẹo qua đại lộ Lubyanka để chàng xuống xe mời nàng vô khám…

Hai mươi hai năm sau, tức là năm 1949, có một ông hải quân trung tá tên Boris Burkovsky đi thăm người đẹp nên diện chiếc áo đại quân trắng toát, xức nước bông thơm lừng. Trước khi tới nàng, chàng còn ghé qua tiệm bánh ngọt mua một ổ bánh kem thứ chiến nhưng sau người được thưởng thức bánh không phải nàng mà chính là ông trung tá. Có tiền chàng nuốt trọn ổ bánh trong xà lim sau khi những lưỡi dao của mật vụ đã cắt vụn ra xét.

Những vụ chặn bắt người ban ngày, bắt khơi khơi giữa đám đông ở xứ sở chúng tôi quả là thường tình. Mọi việc đều diễn ra gọn gàng, xuôi rót và lạ nhât là những người bị bắt làm như còn muốn cộng tác chặt chẽ với những người bị bắt. Họ xử sự một cách chững chạc, lịch sự không ngờ có lẽ để người chung quanh, khỏi phải đau lòng chứng kiến một người đang bị mời đi vào cõi chết chắc?

Có phải ai ai cũng được bắt tại nhà hay tại sở đâu. Được bắt ở nhà còn được nghe một tiếng gõ cửa rồi thấy mặt ông gác dan hay bác đưa thư thò vô! Nếu muốn vồ một tay sừng sỏ thì khỏi có vụ tới sở. Phải cô lập nạn nhân, không để gia đình hay bạn đồng sở hay biết. Không ai giúp đỡ, che giấu gì được và có muốn thủ tiêu, truyền tay tài liệu tang vật hay nhắn tin cũng không xong.

Thông thường muốn vồ một đồng chí có thế lực trong Đảng hay trong quân đội thì sẽ có một vụ sắp đặt cho đương sự lên chức thuyên chuyển tới nhiệm sở mới – đi xe lửa cũng có toa xe riêng đàng hoàng – nhưng chưa tới nơi đã có người mời đi! Có trường hợp đồng chí đang giữ một chân cốt cán, giữa dịch bắt bớ thấy thiên hạ mời đi nhiều quá mà chưa tới lượt mình đâm rụt rè, e ngại. Ít lâu nay thấy không khí ngột ngạt, khó thở mà ánh mắt thượng cấp nhìn mình coi bộ mất cảm tình rõ càng rét thêm.

Giữa lúc đó đồng chí được triệu lên trụ sở Đảng đã tuyên dương thành tích, kèm theo là tấm giấy phép cho đi bồi dưỡng một thời gian ở bờ biển Sochi. Vui mừng để đâu cho hết và lúc bấy giờ chợt thấy bao nhiêu nỗi lo ngại, nghi ngờ ít lâu nay toàn là hão huyền, vô căn cứ. Thế là hớn hở cầm tấm giấy phép về nhà lo sửa soạn hành lý. Còn có hai giờ nữa xe đã chuyển bánh mà mụ vợ cứ chậm rề rề. Bèn la lối, thúc hối và may mắn quá xách va ly ra ga còn kịp!

Đi ngang phòng đợi ở chỗ quầy giải khát trước khi ra sân ga bỗng có một thằng trẻ tuổi tươi cười chạy lại reo ầm lên: “Kìa đồng chí Pyotr Ivanich! Còn nhớ em không. Đồng chí Ivanich ngỡ ngàng khựng lại, lúng túng “Xin lỗi… lâu quá rồi. Nhất thời không nhớ ra”. Nhưng không sao, nó cười hề hề, biểu: “Lại đây… lại đây anh em mình làm một ly nước hàn huyên đã nào! Xin phép bà chị cho anh em tụi tôi hàn huyên chút xíu. Cỡ một phút đủ rồi.”

Dĩ nhiên bà vợ Pyotr Ivanich phải gật đầu để chồng sóng vai đi hàn huyên cùng ông bạn cũ chớ? Nhưng cái một phút đó lại thành muôn năm… hoặc ít ra là 10 năm.

Vụ bắt người tiến hành gọn vậy đó. Vì ga nào chẳng có một trạm GPU [8] với vài ba cái xà lan nhốt người. Trạm GPU nằm rất kín, dân quanh năm đi xe lửa đại đa số còn không ngờ nó nằm sẵn ngay trong nhà ga kia mà.

Xét vì những xen “bạn cũ hàn huyên” được biểu diễn y như thực nên chẳng ai không mắc, trừ những tay từng quá nhiều kinh nghiệm tù ngục. Đừng tưởng mật vụ không dám giở trò này giữa ban ngày ban mặt, giữa thủ đô Mạc Tư Khoa! Như trường hợp của một tay từng làm việc ở Sứ quán Mỹ tên Alexander. D đó. Đang đi giữa đại lộ Gorlay, sát bên nhà giây thép lớn bông có ông bạn không hề quen vẹt đám đông chạy ra ôm cứng lấy reo mừng như người bắt được vàng:

“Saaasha! Lâu quá không thấy mặt, đi biến đâu thế? Nào, anh em mình phải có chầu hội ngộ chớ.”

Alexander đang lúng túng thì một chiếc Pobeda mui kín đã trờ tới tốp lại… Ít ngày sau thông tấn xã Tass bèn gởi đến tất cả các báo một thông báo ngắn đại để các giới chức Xôviết liên hệ không hề có tin tức gì liên quan đến vụ mất tích của một người tên Alexander D.

Chuyện đó có gì lạ đâu. Mật vụ còn dám làm lộng hơn nhiều. Chẳng hạn như Zhora Blednov cũng lại vồ khơi khơi, giữa ban ngày ban mặt như thế đó… nhưng ở thủ đô Bỉ Brussels chớ không phải Mạc Tư Khoa.

Xét ra cần phải ghi một điểm son cho lề lối bắt người thiên hình vạn trạng của cơ quan ở giữa một thời đại mà cái gì cũng sản xuất theo thể thức dây chuyền, đồng loạt… từ diễn văn, kịch phẩm đến y phục thời trang phụ nữ.

Có thể anh vừa trình giấy tờ vô cơ quan xí nghiệp thì đầu hàng ba đằng kia đã có người của mật vụ chờ sẵn. Đang năm quân y viện sốt nóng tới 40 độ cũng dám bị mật vụ vô mời đi… như trường hợp của Ans Berosthein mà có ông y sĩ nào hó hé! Sức mấy dám. Có người đang nằm trên bàn mổ còn bị kéo xuống đẩy tuốt vô sà lim như ông thanh tra học vụ Vorobyev năm 1936. Đang nằm bàn mổ cho các y sĩ giải phẫu chỗ ung nhọt bao tử bị mật vụ cho lệnh bắt nên máu me đầy người, thuốc mê chưa tan ông thanh tra cũng cứ vô nằm cát xô như thường, có đồng chí Karpunich làm chứng.

Hay như cô bé Nadya Levitskaya, nóng lòng không biết bà mẹ bị xử tội gì bèn đánh liều tới trụ sở hỏi thăm thì họ cũng cho biết tin tức, cho mẹ con gặp nhau. Té ra là một cuộc đối chứng để hai mẹ con cùng bị đi một lượt.

Hoặc tới tiệm thực phẩm thượng hạng gastronome mua vài món bỗng có người rỉ tai mời qua phòng còm măng hàng đặc biết… và được mời về cơ quan luôn.

Vì tình thương của Đấng Kitô có ông chủ nhà thấy một gã nói là đi lãnh lương lỡ độ đường bèn mời hắn vô nhà nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau chủ nhà được ông khách quý cho coi giấy tờ mời về Sở có việc.

Nói chung thì ông nhân viên nhà đèn vô coi công tơ điện bắt người cũng được. Một gã đi xe máy đụng té người ta rồi bắt luôn đi cũng là. Hay một tài công xe lửa, tài xế tắc xi, cô thâu ngân nhà băng, ông quản lý rạp hát… Ai ai cũng có quyền bắt người hết, chừng nạn nhân được chìa cho thấy tận mắt tấm thẻ hành sự nâu nâu thì đã quá muộn rồi!

Có nhiều vụ đi bắt người được dàn xếp, sắp đặt cứ như đóng kịch để mấy ông mật vụ có điều kiện trình diễn thật hăng say. Khốn nạn, có người bị bắt nào dám chống lại đâu… nhưng cơ quan vẫn phải “tổ chức” để ra điều có sẵn thiếu gì cán bộ, công tác liên miên vậy!

Sự thực thì công tác mật vụ có thể giản dị tối đa: muốn tống giam bất cứ mạng nào trong đám người đã được đánh dấu sẵn thì họ chỉ việc tống đạt “giấy mời”. Nhận được giấy mời là nạn nhân chắc chắn sẽ trình diện đúng ngày đúng giờ ở ngoài cửa trụ sở công an nhân dân, “khăn gói quả mướp” sẵn sàng để nghe kêu tên là mau mau chạy về chiếm một chỗ trên sàn xà lim.

Các tổ viên nông trại sản xuất thường bị bắt lối kêu tên trên. Đêm hôm tội gì phải đi mò mẫm từng nhà một mà nhiều khi chẳng có đường lộ mà đi nữa! Sao bằng gởi một danh sách đến nông trại để thằng nào có tên mau mau tới Cơ quan nạp mạng. Công nhân các xí nghiệp cũng chỉ cần kêu lên văn phòng là xong!

Tuy nhiên bộ máy bắt người có hữu hiệu đến đâu cũng chỉ là một bộ máy… nghĩa là nếu bắt nó làm việc quá sức ắt nó sẽ nằm ỳ ra bất động. Hai năm 1945, 1946 dịch bắt người lên đến cao độ, hết chuyến xe lửa này đến chuyến khác từ Âu châu sang đổ người cả rừng xuống, chờ phân tán đi các Gulag thì bộ máy bắt người bết bát chẳng làm sao giải quyết nổi nên bao nhiêu thể thức vẫn áp dụng đành phải liệng bỏ hết. Thôi thì chẳng cần lề lối gì, miễn cho xong việc nên công tác tống giam cả chục ngàn người một lúc bỗng biến thành một cuộc điểm binh! Ở ngay sân ga bọn cán bộ cầm từng tập danh sách đọc. Trúng tên ai thì cứ việc rời toa xe cũ lên toa xe mới để di chuyển tập thể đi nơi khác.

Từ mấy chục năm nay những vụ bắt giam vì lý do chính trị ở xứ sở chúng tôi vốn có đặc điểm là nạn nhân đâu có biết mình phạm tội gì để chuẩn bị ứng phó sẵn. Tuyệt đối không. Chẳng có một sự chống đối nào, mà hầu hết đều có cảm giác bị bắt là tàn đời, nhưng trốn khỏi tay GPU hay NKVD [9] là chuyện bất khả.

Đúng vậy. Trên thực tế thì làm sao trốn thoát nổi ở một chế độ mà muốn di chuyển từ một địa phương này sang địa phương khác ở trong nước cũng phải có “giấy phép di chuyển”.

Ngay trong thời kỳ dịch bắt người hoành hành dữ dội, buổi sáng trước khi đi làm lo từ giã, nhắn nhủ vợ con sẵn vì chưa chắc tối đã về nhà nổi… hầu như chẳng ai dám bỏ trốn, lâu lắm mới nghe nói có người dám tự tử. Cơ quan chỉ cần có vậy. Cứu thì trốn sao nổi hàm sói mà lo trốn?

Sở dĩ có chuyện cam chịu bị bắt ngoan ngoãn vậy cũng vì ít người biết bộ máy bắt người hoạt động ra sao. Mấy ai biết Cơ quan bắt là bắt, không bắt là không… chớ chẳng có lý do, lựa chọn gì hết. Đại khái Cơ quan cũng chỉ nhận được những chỉ thị tổng quát, ấn định “quô-ta” phải bắt cỡ bao nhiêu đó thì lo bắt cho đủ số, trúng cách cũng được mà bắt bừa bắt ẩu cũng chẳng sao!

Vì vậy mới xảy ra một vụ ở Ty Công an Nhân dân Novocherkassk năm 1937. Một thiếu phụ vô phòng khách của Thầy để hỏi mấy ông cán bộ làm sao giải quyết giùm cho bà hàng xóm có con nhỏ đang cho bú vừa bị bắt về đây. Đứa nhỏ khát sữa nhớ mẹ quá. Họ biểu ngồi đợi chút, sẽ có giải pháp. Cỡ hai giờ đồng hồ sau thì người ngồi đợi ngoài phòng khách được tông vô xà lim luôn.

Thì ra Thầy đã nhận được “quô-ta” phải bắt mà vồ chưa đủ số lại không đủ nhân viên cử đi làm lẹ lẹ cho kịp thì vừa vặn bà hàng xóm vô phòng khách ngồi đợi. Có người sẵn đấy thì tống giam luôn!

Ngược lại là trường hợp Andrei Pavel ở thị xã Orsha, Cộng hoà Latvia, bị NKVD vây bắt, hắn không chịu mở cửa mà vọt cửa sổ trốn thoát giông một mạch sang Tây Bá Lợi Á. Hắn sinh sống ở đây, vẫn giữ nguyên tên tuổi cũ, giấy tờ cũ mà Cơ quan có bắt bớ, đòi hỏi hay nghi ngờ gì đâu?

Thì ra lệnh truy nã chia ra làm 3 cấp: cấp tỉnh, cấp xứ và cấp liên bang. Trong dịp bắt người thì non nửa số người bị bắt thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, mà ở cấp bậc này việc bắt người quá dễ. Chỉ cần một thư tố cáo của người hàng xóm đủ rồi nên người này bị… hay người kia bị thì cũng như nhau!

Nhiều người từng liều như Andrei Pave và rút cuộc cũng chẳng sao. Chẳng hạn như thình lình bị bố ráp hay vây bắt trọn cư xá… họ đâu có đợi để công an vồ và thẩm vấn.

Họ cứ trốn chạy đại thì khỏi bị bắt, phiền phức. Ở lại chờ công an lấy khẩu cung – nghĩa là chờ công lý – thì hành chính sẽ bị giam và ra toà chắc chắn sẽ lãnh án. Vậy mà tối đại đa số lại lọt trường hợp sau, chán nản bó tay chờ tù tội mới lạ!

Cơ quan đã có thông lệ là tìm bắt một người không được sẽ buộc gia đình nạn nhân không được đi đâu hết. Để có gì thì còn có người trám vô chỗ đó. Vấn đề là tạo ra một hồ sơ thì quá dễ đi!

Cũng vì chẳng cảm thấy có tội tình gì nên những người bị bắt đều không phản ứng. Có thể họ bắt người khác, không bắt mình chăng? Họ bắt rồi cũng phải thôi chớ. Chẳng hạn như trường hợp của ông giáo Ladyzheusky, hiệu trưởng một ngôi trường ở quận Kologriv hẻo lánh năm 1937. Một hôm đang đi ngoài chợ bỗng có một nông dân rỉ tai: “Aleksandr Ivanich… có người cho hay tên ông đã có trên danh sách. Trốn đi cho mau!”.

Nhà giáo Aleksandr cứ ở lại, không chịu trốn. Cả trường có mình tôi trông nom. Con cái họ cũng học tôi… không lẽ họ bắt tôi?”. Ông ta tin vậy nhưng mấy hôm sau vẫn nằm khám như thường.

Đâu phải người nào cũng thấu hiểu thực tế như Vanga Levitsky, mặc dù Vanga chỉ là một thiếu niên 14 tuổi. Cậu bé cả quyết: “Người tử tế lương thiện chắc chắn vô tù. Hiện giờ cha tôi đang nằm khám và rồi đây lớn lên chắc chắn sẽ đến lượt tôi”. Vanga Levitsky đoán không sai. Năm 23 tuổi vô khám thiệt.

Đại đa số lặng thinh ngồi yên và chỉ dám ước thầm. Mình không có tội… cớ sao bị bắt kìa? Đúng, họ bắt lầm rồi. Bị nắm cổ tống vô tù rành rành như vậy mà cứ tự an ủi… thế nào họ cũng xét lại, cũng cho mình ra. Bị tống giam tập thể là cả một chán chường, ghê tởm, vậy mà vẫn không tránh khỏi ý nghĩ: “Có thể thằng cha ở bên đây bị bắt đúng… nhưng mình có làm gì, có tội lỗi gì? Rõ ràng là vậy, lẽ nào Cơ quan chẳng xét ra? Mình phải được trả tự do chứ”.

Vậy thì hà tất phải bỏ trốn, tại sao phải chống đối? Bỏ đi hay chống lại… chỉ tạo khó khăn thêm, không chừng vì vậy mà cơ quan không sớm phăng ra sự nhầm lẫn chỉ thiệt vào thân. Không những không chống lại mà thôi, họ đều im lặng, còn rón rén đặt bước chân khe khẽ cho hàng xóm láng giềng thôi hay biết nữa kìa!

Thử hỏi nếu chống lại thì chống vào lúc nào kia? Lúc bị lột thắt lưng hay lúc được lệnh úp mặt vô vách? Hay là chọn đúng lúc vừa đặt chân ra khỏi cửa nhà?

*


Nếu có những trường hợp bắt dễ dàng thì trường hợp của tôi phải công nhận là êm ả, trơn tru nhất. Khỏi có chuyện vợ con níu kéo, khỏi phải ly khai đột ngột với đời sống êm ả của nhà cửa, gia đình. Nếu có nhớ chỉ thấy nhớ ổ đại pháo quen thuộc, nếp sống nhà binh ba tháng vừa qua! Vùng đóng quân của chúng tôi ở trên bờ Baltic, vỏn vẹn có một khúc duyên hải mà bảo là quân Đức bao vây chúng tôi cũng đúng mà bảo là chúng tôi bao vây lại cũng không sai.

Bữa hôm đó tôi được ông Tư lệnh Lữ đoàn kêu lên Bộ Chỉ huy bảo nạp khẩu súng lục. Dĩ nhiên tôi đưa ngay, có ngờ vực gì đâu. Đám sĩ quan tham mưu đang ngồi yên lặng trong góc phòng bỗng có hai ông quan trong Ban Phản gián đứng bật dậy. Họ tiến nhanh về phía tôi, phải nói họ xông lại mới đúng. Bốn cánh tay đưa lên đều đặn, nhanh như máy để lột lon, lột phù hiệu gắn trên nón, lột thắt lưng, lột luôn tấm bản đồ tham mưu tôi đang giữ.

Hai cái miệng mở ra máy móc: “Anh bị bắt”… Tôi bỗng nóng bừng người, nhột nhạt ngứa ngáy từ đầu tới chân… nhưng chỉ thốt được một câu: “Tôi bị bắt? Sao vậy kìa?”.

Thông thường có ai giải thích lý do, nhưng bữa đó tôi lại được trả lời mới lạ! Sau khi hai ông Sĩ quan Phản gián làm xong thủ tục lột lon, tịch thu tài liệu và lẹ làng đẩy tôi ra phía cửa… giữa lúc mấy ô cửa kính còn rung động dưới loạt đạn Đức pháo kích, rõ ràng tôi nghe có người gọi tên. Đó là một xa lạ vì thông thường sau khi nhân viên SMERHS đã tuyên bố bị bắt thì dĩ nhiên cử toạ phải nín thinh không ai dám hó hé. Nhất là đã bị cặp tay lôi đi thì chẳng ai dám ngó thằng bị bắt bao giờ!

“Solzhenitsyn: Quay lại đây…”

Tôi hất tay ông SMERSH ra, quay phắt lại đi tới trước mắt vị chỉ huy trưởng. Phải nói là lâu nay làm việc dưới quyền ông ta thật nhưng chưa thể gọi là quen, chưa hề được nói chuyện riêng bao giờ. Thấy mặt ông ta chỉ thấy truyền lệnh, sai phải, giận dữ… nhưng bữa đó nét mặt ông ta sao trầm ngâm thế? Hình như ông ta ngượng vì mắt nhìn thấy một sĩ quan thuộc viên bị SMERSH bắt mang đi, không phải do mình gây ra mà bất lực không làm gì được. Cả một đời tuân lệnh quá nhiều giờ là lúc ông ta chịu hết nổi chắc?

Mười hôm trước tôi vừa lập chiến công cho Lữ đoàn. Đơn vị kẹt trong một trận địa pháo, nguyên một tiểu đoàn pháo nặng gồm 12 ổ súng lớn đành phải bỏ lại mà trọn pháo đội nhẹ của tôi rút ra an toàn. Vậy mà chỉ một tờ giấy với con dấu bên trên mà đành phải để chúng lôi cổ tôi đi sao?

Ông lên tiếng đắn đo:

“Solzhenitsyn… Anh có người bạn ở mặt trận Ukraine phải không?”

Gã Thiếu tá và gã Đại ủy Phản gián la lên phản đối: “Đại tá… Không được tiết lộ. Cấm mà!”. Ở góc phòng Sĩ quan tham mưu bèn xích lại ngồi xúm một chỗ nín thinh. Họ sợ bị tố cáo đứng về phía ông Lữ đoàn trưởng là dám có chuyện lôi thôi. Dĩ nhiên trong đám đó mấy gã sĩ quan chính trị phải ngấm ngầm ghi nhận sự “vi phạm” của ông Chỉ huy trưởng và sẵn sàng thâu góp “tài liệu” cụ thể, nếu cần.

Với tôi thì một câu hỏi của ông Lữ đoàn trưởng như vậy đã đủ rồi. Tôi đã biết nguyên do vụ này để còn biết đường đỡ. Chỉ tại bức thư tôi viết cho thằng bạn học mà ra hết.

Phải chi Đại tá Georgiyevich Travkin chỉ nói một câu đó rồi thôi thì hay biết mấy. Không. Làm như vậy ông ta muốn xác nhận với tôi là không can dự gì đến vụ này và lương tâm bắt phải đứng dậy nên Đại tá Travkin không ngần ngại đứng phắt lên đưa tay ra nắm tay tôi. Hồi nào tới giờ trước mặt tôi ông ta có đứng dậy bao giờ? Đứng dậy bắt tay thì khỏi, nếu không có vụ này!

Tôi là thằng ai nấy đang muốn xa lánh nên ông mới xích lại nắm chặt tay. Các sĩ quan tham mưu ngồi rét run ngó vị chỉ huy.

Gương mặt thường ngày vẫn khắc khổ bỗng thân mật hẳn, Đại tá Travkin nói thật thản nhiên, rành mạch:

“Đại úy. Chúc may mắn…”

Điều đáng ghi nhận là lúc bấy giờ tôi đâu còn là Đại úy. Không phải là một công dân nữa… mà là một thằng phản động, một kẻ thù của chế độ, của nhân dân! Ai bị mật vụ bắt chẳng vậy? Với một thằng phản quốc mà ông ta dám đứng dậy bắt tay chúc may mắn sao? [10]

Bỗng đâu cửa kính rúng động. Cách đó hai trăm mét là nhiều từng loạt đạn Đức đang cày tung lớp đất. Thì ra đây là tiền tuyến, nơi súng nổ đạn bay cái chết kế bên nên Travkin mới dám có cử chỉ đầy tình người ấy. Ở hậu phương an toàn, mọi việc sắp đặt đúng thứ tự thì chẳng dám! Cái chết quá gần gũi nên cái chết đã san bằng, làm đồng đều hết.

*


Đây là một cuốn tiểu thuyết chớ không phải hồi ký nên tôi sẽ không ghi nhận lại hết những chi tiết lý thú, không giống ai về vụ tôi bị bắt. Chỉ những chuyện đặc biệt thôi…

Chẳng hạn như mấy ông SMERSH tối hôm đó. Nhìn vào bản đồ quân sự họ có nhận ra đâu vào đâu, không biết đường đi đã đành, mà hiện đang ở địa điểm nào cũng mù tịt! Sự thực họ có học coi bản đồ bao giờ nên sau khi “đánh vật” mãi không mò ra, họ đành phải trịnh trọng đưa trả lại cho tôi để nhờ tôi chỉ đường cho tài xế bãi xe đến Phòng Phản gián Bộ Chỉ huy Quân đoàn. Chính tôi lại phải coi bản đồ, hướng dẫn họ tống mình vào tù và để trả ơn, các ông SMERSH dành cho tôi một xà lim đặc biệt, thứ “cát xô” chớ chẳng phải giam phòng chung. Đây là Bộ Chỉ huy tiền phương nên cơ sở đâu có gì? Phòng Phản gián đặt ở một nông trại của người Đức bỏ lại nên “cát xô” trừng trị còn nằm đâu ngoài chính cái cầu tiêu?

“Cát xô” chiều dài vừa vặn một người và bề ngang 3 người nằm thì chật cứng, 4 người là phải chồng lên nhau. Tôi là “khách hàng” thứ 4, quá nửa đêm mới được thảy vô. Ánh đèn dầu hôi lờ mờ, 3 kẻ đang nằm ngủ ngơ ngác ngó một chút rồi bảo nhau thu xếp, nhích người đi ép sát vào nhau. Tôi chỉ vừa nằm nghiêng người, nửa đè nửa chen nhưng lát sau nhờ sức nặng cũng choán được một khoảng sàn.

Cả bốn đứa tụi tôi cùng để nguyên quần áo nằm xếp lớp trên ổ rơm, bốn đôi bốt quay ra phía cửa. Bọn họ ngủ nhưng tôi nằm nôn nao: mấy giờ trước còn nghiễm nhiên mang lon Đại úy, giờ này là thằng tù nằm trên sàn cầu tiêu. Càng nghĩ càng đau. Lâu lâu có đứa cựa quậy, nằm nghiêng mãi một bên chịu sao nổi. Một đứa đổi thế nằm là tất cả bốn phải lục đục đổi theo.

Xét ra mỗi ca bị bắt là cả một tổng hợp những mâu thuẫn vô lý, những chi tiết không ra gì hết thì cớ sao lại thắc mắc riêng một trong những chi tiết nhỏ nhoi ấy… Trong khi đó bao nhiêu ý nghĩ của người bị bắt đều xoay quanh một dấu hỏi lớn: “Làm sao bây giờ?”.

Sau khi biết mình bị bắt đầu óc ai chẳng quay cuồng với những ý nghĩ nhiều khi kỳ cục không thể tưởng tượng nổi và biết bao nhiêu cuốn sách mới ghi chép đủ?

Như trường hợp người đẹp mười chín tuổi Yevgeniya Doyarenko năm 1921 nửa đêm đang ngủ bị ba gã Chekist [11] trẻ tuổi vô tận giường. Quần áo ngủ mặc hớ hênh bị ba cặp mắt ngó lom lom, bao nhiêu đồ lặt vặt trong ngăn kéo tủ bị chúng lôi ra xét từng chút, nhưng Doyarenko vẫn bình tĩnh như không. Nàng có giấu giếm cái gì mà sợ bị họ lục lọi kiếm ra?

Nhưng họ vừa đụng tới cuốn nhật ký thì thái độ của nàng vụt đổi hẳn. Đó là cuốn sổ ghi lại những tâm tình riêng tư, thầm kín mà ngay bà cụ thân sinh ra nàng coi cũng không được. Nay ba cặp mắt cú vọ lại công nhiên mở ra coi, trước mắt nàng thì Doyarenko chịu sao nổi mà không lồng lộn lên? Với nàng thì xâm phạm nhật ký ngang nhiên như vậy còn dã man tệ hại hơn tống vô Lubyanka nhiều!

Nhiều người cũng cùng chung một ý tưởng đó: họ không ngán ở tù bằng chính những xáo trộn, những đụng chạm gây ra cho họ hoặc những người, những vật thân yêu của họ. Họ đâu ngờ có ngày bị bắt, đâu ngờ bị đối xử phũ phàng nên làm sao bạo động cho bằng bọn đi bắt người? Dĩ nhiên phải trừ những trường hợp sáng suốt của những người dám gan góc có phản ứng cấp thời như Grigoryev, Giám đốc Viện Địa chất của Hàn lâm viện Khoa học Xôviết. Năm 1948 bị mật vụ tới nhà gõ cửa bắt, ông ta đâu chịu mở cửa mà chặn cứng lại trong hai giờ đồng hồ để hoả thiêu bằng hết giấy tờ đã.

Ai mà ngờ được cảnh trạng người bị bắt nhiều khi lại cảm thấy dễ chịu, sung sướng là khác! Thời kỳ tiền cách mạng chẳng đã có tấm gương chói lọi của cô giáo Serdyukova Trường Yekaterinodar đó sao? Bị liên hệ vào vụ Aleksandr Ulyanov nên khi bị bắt nàng chẳng biểu lộ một sự hoan hỉ đó ư? Sự hoan hỉ đó sau này quả thực còn mạnh gấp ngàn lần trong thời kỳ dịch bắt người lan tràn: những người y như mình, ở quanh mình bị họ bắt đi hết cả rồi… tại sao họ chưa hỏi han gì đến mình? Họ còn chờ cái gì kia?

Chính sự bồn chồn, lo lắng đó còn khó chịu hơn bị bắt nhiều. Thà bị bắt đại đi lại xong. Mấy người đã có đủ gan dạ chịu nổi tình trạng chờ đợi trong phập phồng, lo ngại?

Mấy kẻ đã gan dạ bằng Vasily Vlasov, một cán bộ cộng sản trung kiên, chủ tịch quận bộ Kady năm 1937? Bao nhiêu đồng chí trong Ban Chấp hành bị mật vụ vồ hết cả rồi, không lẽ Vasily cũng bỏ trốn luôn? Bao nhiêu người hối thúc hắn bỏ trốn nhưng Vasily quyết định không là không. Nếu họ đã cố tình kiên trì ra thì hắn cũng được toại nguyện, nên Vasil thú nhận là những ngày đầu tiên bị bắt quả thực đỡ khổ, có thể nói là tuyệt vời nữa!

Như năm 1934 ở Mạc Tư Khoa, linh mục Irakly đi Alma Ata thăm mấy giáo hữu đi đày ở đây. Trong thời gian đó mật vụ tới tận nhà kiếm 3 lần nhưng đâu có gặp. Vì vậy các tín đồ phải cắt phiên nhau ra ga đón ông linh mục, ngăn cản không cho về.

Sau đó họ chia nhau ra mỗi gia đình “chứa chấp” cha Irakly vài ngày. Thế mà cũng trốn được tới 8 năm. Nhưng theo lời ông giáo sĩ này thì khoảng thời gian trốn chui chốn lủi đó quả thực là một sự hành hạ chịu không nổi nên năm 1942 bị mật vụ săn bắt được ông đã vui mừng quỳ xuống đọc kinh Tạ ơn Chúa kia mà.

Trong chương đầu ANH BỊ BẮT, chúng tôi chỉ đề cập tới những vụ bị bắt tập thể… Rồi đây cũng sẽ đến lượt những người có hoạt động chính trị đích thực. Như trường hợp của Vera Rybakova, một nữ sinh viên có chân trong Đảng Dân chủ Xã hội. Cô bé này hồi còn tự do chỉ cầu mong, ước gì được dịp nằm khám Syzdal để gặp các đồng chí cũ. Họ bị tống hết cả vô đấy rồi mà. Chừng “cầu được ước thấy”, bị tống vô Syzdal thật sự cô nàng Vera mới thấu hiểu được ý nghĩa và thế nào là tự do!

Còn cô Yekaterina Olitskaya, đảng viên Đảng Xã hội Cách mạng năm 1924 cứ có mặc cảm tự cho mình không xứng đáng để bị bắt! Xứ sở này những người khác đều có một thời kỳ ở tù hết… mà riêng cô đã làm được gì cho tổ quốc? Cứ đi tìm mãi tự do không gặp, chừng vào tù mới hiểu ý nghĩa của tự do, tuy nhiên vẫn cứ lấy làm sung sướng, kiêu hãnh như thường.

Những người vừa đau khổ ở tù ra thường bị những kẻ chưa hề nếm mùi tù ngục chất vấn một câu ác ôn: “Phải chống cự lại chứ! Sao mấy người lúc đó không chống lại kìa?”.

Đúng vậy. Lẽ ra phải chống cự, phải chống ngay từ khi bị bắt! Nhưng thực tế có ai chống cự lại đâu!

*


Không chống cự có nghĩa là ngoan ngoãn để cho họ lôi đầu đi. Trong những vụ bắt ngày thế nào chẳng có một lúc nào đó nạn nhân bị dẫn đi công khai như đã ước định ngầm với những người đi bắt hay bị điệu đi khơi khơi giữa đám người chẳng biết gì mà mật vụ áp giải chẳng cần rút súng ra khỏi vỏ! Nạn nhân có bị trói ké, bị nhét giẻ vào mồm đâu! Nạn nhân dư sức kêu lớn lên, đáng lẽ còn phải la ầm lên cho mọi người chung quanh hay biết đang bị mật vụ bắt. Phải nói lên họ là những kẻ bịp bợm đánh lừa nhân dân. Họ chỉ cần có người tố cáo – dù tố cáo bậy là bắt bớ bừa bãi. Đáng lẽ phải la lớn lên rằng cả triệu người đang bị đàn áp đến phải câm nín. Phải chi mỗi ngày có vài vụ la lên như vậy biết đâu đồng bào chẳng rục rịch, có phản ứng. Biết đâu chừng vì thế mật vụ không bắt người quá dễ dàng.

Như năm 1927, hồi dân Nga chưa đến nỗi ù lì để cho người ta bắt ngoan ngoãn như vậy… có một thiếu phụ bị hai nhân viên Cheka chặn bắt giữa ban ngày ở công viên Serpukhov. Thay vì nín lặng để chúng lôi đi, bà ta nhất định níu cứng lấy cột đèn, la lối om sòm. Bà con thấy lạ bèn bu lại coi.

Nếu có một người đàn bà dám chống cự lại Cheka như thế thì cũng có những người dám đứng lại coi… chớ đâu phải ai ai thấy vậy cũng bỏ đi cho xong chuyện.

Thấy nhiều người xúm lại coi, dĩ nhiên hai ông Cheka đâm quê. Nghề mật vụ đâu cho phép bắt người lộ liễu vậy nên cả hai ông cùng đỏ mặt nhảy lên xe giông đi gấp!

(Lẽ ra thoát nạn lần ấy thì bà ta phải chạy ra ga đáp chuyến xe lửa sớm nhất bỏ trốn tức thì. Đằng này bà ta lại mò về nhà ở qua đêm cho nên ngay trong đêm đó lại bị họ cử người đến tận nhà bắt về Lubyanka!).

Nói chung, chỉ vì chịu để cho mật vụ bắt một cách ngoan ngoãn vậy, không nói không rằng nên mới có cảnh đao phủ thủ dẫn nạn nhân đi mà ai nấy cứ tưởng đâu bạn bè, bồ bịch nắm tay nhau đi dạo chơi.

Chính tôi cũng có nhiều trường hợp la lớn lên lắm chứ.

Sau này, những ngày nằm trong Gulag chúng tôi mới có nhiều dịp suy nghĩ, đặt câu hỏi về vấn đề chống đối. Giả thử hồi đó cứ liều chống lại thì sự tình sẽ khác hẳn. Đêm đêm trước khi đi bắt người bọn mật vụ chắc chắn sẽ phải từ giã vợ con… vì chắc gì còn sống mà trở về. Giữa dịch bắt người cao độ, tổng số dân Lêningrad bị bắt đâu dưới 1 phần 4 dân số. Giả thử đằng nào cũng bị bắt, cũng tàn đời… tại sao không thể chống lại, thay vì trốn chui trốn nhủi trong nhà, sợ từng tiếng gõ cửa, từng bước chân lên thang? Chỉ cần cỡ năm, sáu người võ trang gậy gộc, dao búa phục kích sẵn dưới nhà. Biết giờ nào họ sẽ tới và họ ác ôn, tàn nhẫn như thế nào rồi mà. Tại sao không sẵn sàng chống lại? Tại sao không bảo nhau “thịt” gã cán bộ ngồi đợi ngoài xe cùng tài xế, hay đập phá xe, chọc thủng vỏ xe? Cơ quan chắc chắn sẽ thiếu người thiếu xe, do đó bộ máy bắt người ắt phải khựng lại phần nào chớ.

Chao ôi, toàn những giả thử, phải chi! Xét ra chúng tôi chẳng tha thiết tự do mà cũng mù tịt tình hình. Sau đợt ra sức vùng lên năm 1917 chúng tôi đã đuối hơi và sau này chấp nhận đầu hàng quá dễ, quá ngoan.

Arthur Ransome đã ghi nhận một phiên đại hội công nhân ở Yaroslavl năm 1921, thảo luận những yêu sách của giới lao động, có đại biểu trung ương Đảng từ Mạc Tư Khoa xuống dự. Đại diện công nhân Yarin lên tiếng cảnh cáo phải quan niệm Nghiệp đoàn như một võ khí tự vệ của anh em lao động và nhưng quyền lợi của anh em tranh đấu mãi mới có thì không.

Như lần được hộ tống từ mặt trận miền Tây về Mạc Tư Khoa đó. Đúng là ngày thứ 11 mất tự do mà thực ra tôi vẫn thong thả vì 3 ông Sersh làm thành Tổ hộ tống đặc biệt thay vì canh chừng tôi còn phải lo trông nom tới bốn chiếc va ly đồ sộ, kềnh càng nên rút cực họ phải nhờ lại tôi coi sóc giùm! Áp giải tù thì dĩ nhiên phải vô trang sẵn sàng nhưng quả thực mấy khẩu súng chỉ làm họ vướng bận thêm… chỉ vì bốn chiếc va ly chật cứng những “chiến phẩm” mà họ và mấy sếp Phản gián đã kiếm chác, vơ vét được ở mặt trận miền Tây. Muốn mang về trót lọt để làm quà cho gia đình thì phải có công tác hộ tống đặc biệt chứ.

Phần tôi chỉ nhẹ nhàng có mỗi một va ly mà chẳng muốn xách theo chút nào. Toàn những giấy tờ nhật ký, bản thảo nghĩa là tang vật buộc tội mình sau này không!

Cả tổ hộ tống 3 ông có ông nào biết đường Mạc Tư Khoa đâu. Lại đến tôi phải làm hướng dẫn viên chỉ đường cho họ áp tải chính mình về Lubyanka, từ nhà ga miền Tây đi đường nào gần nhất. Trại giam trung ương của mật vụ nằm chỗ nào họ đâu biết… còn tôi thì cứ tưởng đấy là trụ sở Bộ Ngoại giao!

Trước đó ít hôm tôi đã nằm một ngày ở trại giam cục Phản gián Quân đoàn và sau đó còn ba ngày ở Sở Phản gián mặt trận miền Tây. Chỉ ngần ấy thời gian cũng đủ để mấy bạn tù chỉ giáo cho những mánh lới, thủ đoạn của bọn điều tra viên chuyên nghề nộ nạt, đánh đấm. Theo lời mấy ông bạn tù thì đã vô đây đừng hy vọng có ngày ra. Ngắn hạn nhất thông thường cũng là mười năm chẵn.

Vậy mà như có một phép lạ, mới vỏn vẹn có mấy ngày tôi đã được tống xuất khỏi chỗ đó và bốn ngày sau còn được đáp xe lửa, đi lại trên xe hoàn toàn tự do, như bất cứ một du khách tự do nào!

Chỉ có mấy ngày thôi nhưng lưng tôi đã nếm mùi ổ rơm mọc sàn xà lim, sát bên thùng phân người… mắt tôi đã thấy những con người bị đập tơi tả, không nhắm mắt ngủ nổi… tai tôi đã nghe bao nhiêu chuyện tù ngục… miệng nấu cơm tù. Như vậy sao tôi câm nín cho được? Tại sao trong những phút cuối cùng của cuộc đời tự do tôi không thét lớn lên cho những đồng bào còn bị bưng bít được hay biết sự thực?

Lúc về tới thị xã Brodniss tôi nín thinh. Có thể vì có la lên thì mấy người Balan ở quanh tôi lúc bấy giờ cũng không hiểu gì. Về đến Bialystok, đi ngoài đường phố tôi vẫn không lên tiếng. Cái vụ bị bắt của tôi đâu có liên quan gì đến họ, dân Balan. Về đến ga Volkovysk tôi cũng cứ im lặng, có thể vì chung quanh chẳng có mấy người. Đi dọc sân ga Minsk tôi vẫn ngoan ngoãn đi dạo chơi cùng ba ông bạn Smersh coi như chẳng có chuyện gì. Coi, cả một vùng hoang tàn đổ nát… có ai đâu.

Thế rồi về đến Mạc Tư Khoa tôi còn dẫn ba ông Phản gián đó đi vòng vo ngược lên tới nhà ga xe điện hầm, một miệng hầm trong hệ thống xe điện chạy dưới lòng thủ đô. Chúng tôi ngừng lại ngắm nóc nhà ga cao vút, trắng toát lung linh dưới ánh đèn điện. Trước mặt chúng tôi là hai cầu thang cuốn chạy song song, mỗi lần thang lên đều nhả ra biết bao nhiêu là người. Người nào đi ngang chúng tôi hình như cũng đưa mắt ngó. Biết bao nhiêu đợt người từ lòng đất tăm tối được thang cuốn lần lượt đưa lên vùng ánh sáng… Tất cả đều phải đi ngang chúng tôi tối hôm đó. Tôi lên tiếng nhất định họ sẽ nghe theo. Nhưng tại sao cho tới lúc đó tôi còn ngậm miệng?

Vẫn biết con người ta ai chẳng có sẵn cả chục lý do tại vì, bởi lẽ… để giải thích chẳng nên hy sinh lãng.

Sự thực não nề mấy ai hay biết – mà có ai nói cho hay – là ngay giây phút đầu tiên lọt vào tay mật vụ thì cuộc đời từ đó kể như tàn rồi… đã bị lái hẳn vô khúc quanh tệ nhất thì có làm gì nữa cũng chẳng có thể vì vậy mà tàn mạt hơn được.

Nhiều người thực sự chưa hề có kinh nghiệm trước đám đông phải như thế nào. Chỉ những tay từng làm cách mạng mới quen với kỹ thuật đang khóc cũng hô lớn khẩu hiệu được. Một thằng dân thường, không hề tham gia cái ni thì biết khẩu hiệu nào mà hô? Hô cái gì lúc bấy giờ?

Và sau cùng cũng còn những người tràn trề tình cảm, dễ xúc động, mắt từng thấy quá nhiều nên mới phát biểu đâu thể vỏn vẹn vài tiếng là hét mà xong.

Riêng cá nhân tôi, tôi đã nín lặng vì một lý do khác hơn. Tôi cho rằng số người tôi đã bắt gặp ở nhà ga xe điện hầm đi lên tối hôm đó quá ít, thực sự quá ít! Tôi có la lên thì bất quá cũng chỉ có hai trăm người nghe thấy hay hai lần con số hai trăm là cùng. Còn hai trăm triệu người thì sao? Ngay hôm đó tôi đã mường tượng ra thế nào cũng có ngày tôi sẽ la lớn để cho hai trăm triệu con người nghe thấy.

Đó là lý do tôi không mở miệng mà lẳng lặng để cho thang máy cuốn xuống lòng đất.

Lúc lên khỏi miệng hầm ở ga Okhotny tôi vẫn nín thinh.

Ngang qua lữ quán Metropole tôi cũng vẫn không nói một tiếng. Và cho đến lúc tới cao điểm Golgotha [12] là Công vien Lubyanka tôi cũng chẳng buồn vẫy tay…

*


Nếu có những trường hợp bị bắt dễ dàng thì phải nói là tôi bị bắt dễ nhất, gọn nhất. Tôi không bị lôi tuột ra khỏi gia đình vợ con níu kéo. Cũng khỏi phải ly khai đột ngột với nếp sống quen thuộc ở nhà.

Một ngày tháng hai giá lạnh tôi đi bắt, tức là bị bắt buộc phải rời cứ điểm đóng quân ở một vùng duyên hải Baltique nơi chúng tôi đang bị quân Đức bao vây hay quân Đức bị chúng tôi bao vây, tùy theo quan điểm từng người. Tôi chỉ bị rời xa pháo đội của mình.

Bất quá cũng chỉ bị kéo khỏi chiến trường sau ba tháng bén mùi giao tranh!

Gần sáng ba kẻ lục đục mò dậy, ngáp rống cằn nhằn, co chân duỗi tay cho giãn gân cốt, đi lại quanh quẩn và bắt đầu hỏi thăm tôi:

“Anh bạn làm sao bị vậy?”

Tự nhiên lòng tôi nảy sinh một tí ti thận trọng, có lẽ vì nằm trong vùng ảnh hưởng Smersh. Tôi làm bộ ngạc nhiên:

“Tôi biết gì đâu! Còn mấy anh… họ có cho biết tội gì không?”

Ba người bạn xà lim, trái lại, không thèm giấu giếm. Coi kỹ lại mới nhận ra họ thuộc binh chủng Thiết giáp nhờ cái mũ nồi đen.

Cả ba đều thuộc týp người bộc trực, cởi mở. Trong mấy năm chiến đấu tôi đâm chịu týp người này xét vì chính mình tính tình phức tạp, rắc rối và tệ hơn cả ba cùng là sĩ quan, cứ nhìn chỗ cầu vai bị lột lon có chỗ rách trơ tấm gòn lót trong là biết liền. Áo họ mặc dơ dáy nhưng chỗ trên miệng túi rõ ràng có những khuôn nho nhỏ sẫm màu một chút: đó là những hàng huy chương vừa bị tước đoạt. Cũng như mặt họ, tay họ đầy những vết sẹo cũ, mới. Những chiến thương, những vết cháy nám.

Đơn vị chiến xa của họ rút về hậu cứ sửa chữa trong một ngôi làng mà xui xẻo cho họ Cục Phản gián của Quân đoàn 48 đang đặt bản doanh. Hôm trước đánh như điên, hôm sau được rút về hậu cứ nên họ nhậu say và thấy bìa làng có cái ao bèn nhảy xuống tắm. Có hai đứa con gái ăn mặc hở hang cũng tính xuống tắm nhưng vừa thấy mấy ông lính bèn chạy trở lên. Cả ba bèn rượt theo nhưng rượu say loạng quang chạy sao kịp. Vô phúc cho họ là một trong hai đứa con gái là ưu vật cá nhân của chính ông Cục trưởng Phản gián Quân đoàn!

Chuyện chỉ có vậy! Ba tuần lễ nay Hồng quân đã tiến vào lãnh thổ Đức. Chẳng ai nói ra nhưng cũng chẳng ai lạ gì gặp đàn bà con gái Đức bắt được mang vào là cứ việc hiếp rồi bắn bỏ vô tội vạ. Kể như đoạt được trên chiến trường vậy!

Nếu là gái Ba Lan hay gái Nga lạc lõng lớ quớ ở chỗ đó, dĩ nhiên họ có quyền tồng ngồng rượt đuổi mấy đứa con gái ở truồng chạy quanh quanh vườn và bị bắt kịp là tha hồ nghịch ngợm, sờ soạng mà. Bất quá cũng chỉ là một trò chơi đỡ buồn.

Nhưng chỉ vì một trong hai đứa con gái Đức đó lại được ông Cục trưởng Phản gián chiếm làm của riêng, làm vợ chiến trường nên ba gã Sĩ quan Thiết giáp này bị Smersh chiếu cố gấp. Sĩ quan tác chiến, lon là lon do Bộ Tư lệnh tiền phương gắn mà bị một gã trung sĩ ở tuốt hậu cứ hăm he bóc vỏ… mà những huy chương do Chủ tịch đoàn Xôviết Tối cao ân thưởng cũng bị chung số phận mới đau!

Đau nhất là ba chiến sĩ từng xông pha chiến trường, từng phá tan đè bẹp bao nhiêu chiến tuyến địch lại sắp bị đưa ra toà án binh, thứ toà mặt trận mà nếu không có đoàn chiến xa của họ xung phong đi đầu thì chẳng ông toà nhà binh nào dám hẻo lánh tới nhóm xử.

Chúng tôi tắt đèn dầu hôi cho đỡ ngột ngạt vì cả xà lim chỉ có một khuôn chữ nhật tí xíu đục trên cánh cửa để lấy chút ánh sáng từ hành lang lọt vô. Đó là lúc mấy ông có phận sự lại tống thêm vô một thằng thứ năm làm như họ sợ ban ngày chỉ có bốn mạng thì quá thừa chỗ chăng. Đó là một dân Bộ binh quân phục mới toanh, chiếc nón cũng mới và chừng hắn quay mặt ra chỗ khuôn cửa mờ mờ tụi tôi mới nhìn rõ một khuôn mặt tươi tỉnh, lỗ mũi hếch và hai gò má đỏ hồng!

“Này, người anh em ở đâu tới đó? Làm gì vậy?”

“Ở bên kia… làm gián điệp!”

Hắn trả lời gọn lỏn, thản nhiên quá làm tụi tôi choáng người. “Người anh em giỡn chơi làm gì!”. Xưa nay có thằng gián điệp nào ngang nhiên là gián điệp bao giờ? Đến Sheinin và anh em nhà Tur cũng chẳng “nặn” nổi một trò gián điệp lạ đời cỡ đó [13] .

Gã trẻ tuổi bèn gật gù:

“Thời buổi chiến tranh bố ai dám giỡn chơi. Tôi gián điệp thứ thiệt mà. Bị tụi Đức vồ làm tù binh thì chỉ có cách đó là mò về được! Phải không?”

Thì ra mấy hôm trước gã bị bọn Đức bắt sống thật và đẩy ra tuyến đầu, bắt đi trinh sát, phá cầu. Có dịp thoát thân hắn chạy bừa về phía quân ta, tới ngay Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn gần nhất để đầu thú. Nghe hắn tường trình “công tác gián điệp” cho Đức, ông Tiểu đoàn trưởng đang mệt đừ và buồn ngủ gần chết bèn đuổi gã xuống trạm cứu thương để thằng y tá phát cho một viên thuốc an thần…

Đang mải mê nghe chuyện lạ bỗng có tiếng la chói lói:

“Ra mau… Ra đi ỉa đi đái… Hai tay chắp sau lưng nghe…”

Cánh cả xà lim cầu tiêu mở bật cho thấy bóng gã trung sĩ nhất, hộ pháp đầu bò. Đúng týp trời sanh ra để giật “quy-lát” đại bác 122 ly!

Tụi tôi được áp giải ra mé đất trống đằng sau kho lúa. Ngước mắt nhìn chung quanh chỗ sắp làm công tác vệ sinh bó buộc là cả một vòng vây đầy những họng đại liên chỉa vô. Chao ôi nghe cái giọng hách dịch “Hai tay chắp sau lưng” của gã trung sĩ nhất ngu dốt khốn nạn hét như chửi lên đầu mấy sĩ quan bọn tôi, tôi đã giận cành hông. Nhưng thấy 3 tay Thiết giáp y lệnh không nói gì thì đành phải bắt chước đi theo họ.

Mé sau kho lúa là một khu đất vuông vắn có tuyết phủ nhưng chỉ bị giày đạp nhẹp chớ chưa tan hết… và chao ôi chỗ nào cũng thấy lu bù những đống phân người! Phân nhiều đến nỗi khó lòng kiếm được một chỗ đủ đặt 2 chân ngồi chồm hổm mà không sợ đạp nhầm. Vậy mà 5 đứa tôi cũng tản ra được và cũng ngồi xuống được. Ngồi làm công việc đó mà trước mắt vẫn thấy 2 ông xạ thủ đại liên kế cận nhất chĩa súng lăm lăm và chưa được một chút thì gã trung sĩ nhất đầu bò đã hối thúc oang oang:

“Lẹ lên, lẹ lên mấy cha. Với tụi tôi thì đi ỉa cũng phải thật cấp tốc!”

Ngồi cạnh tôi là một tay Trung úy Thiết giáp gốc người Rostov cao lớn dềnh dàng, vẻ mặt rầu rĩ. Không hiểu khói ám hay bụi sắt bám lên mà mặt hắn xám xịt nhưng vệt sẹo dài đỏ ửng chạy dọc một bên má thì vẫn nổi bật.

Vừa ngồi xổm hắn vừa cất tiếng hỏi lại… coi bộ nhàn tản, chưa muốn trở về xà lim ngộp hơi dầu hôi vội:

“Này trung sĩ… với tụi tôi là tụi nào vậy?”

“Là Smersh… là cơ quan Phản gián. Còn hỏi!"

Hình như mấy ông trong ban P.B. khoái xài danh từ Smersh tối vô duyên, rút tắt từ mấy chữ đầu của Thủ tiêu Gián điệp lắm lắm. Họ cho là vừa nghe tới Smersh là nhiều thằng hết hồn rồi! Vì vậy gã Trung sĩ mới hứng chí, la lớn coi bộ hãnh diện lắm.

Tưởng sao gã Trung úy Thiết giáp đánh một câu tỉnh bơ:

"Thế hả? Còn tụi này lại quen ‘đi’ chậm, cứ từ từ…"

Chiếc nón Thiết giáp được gã đội lật ra sau gáy để lộ mớ tóc chưa cạo trọc. Còn cái “bàn toạ” chai cứng vì những năm chiến trận toàn ngồi xe tăng thì cắt cao lên để hứng chút gió mát cho khoái chắc?

Lập tức Trung sĩ đầu bò hét ầm lên, vặn lại:

"À, tụi này! Tụi này của mấy cha là tụi nào?"

"Là chiến sĩ Hồng quân, còn hỏi!"

Hắn vừa nhón gót nhấp nhổm vừa đáp tỉnh khô. Cặp mắt còn giương lên ngó thằng cha trung sĩ hộ pháp đáng lẽ phải là xạ thủ đại bác mới đúng người đúng việc.

Tôi đã hít thở thứ không khí tù ngục lần đầu tiên như thế đó.



[1]Chú thích của người dịch: ZEK là tên gọi tắt, đúng hơn là tiếng lóng của Zaklyuchenny, tiếng Nga là TÙ NHÂN. Rất thông dụng trong các gulag.
[2]Chú thích của người dịch: GULAG không phải là danh từ riêng, một địa danh nhiều người có thể ngộ nhận. Đó là chữ tắt của những danh từ chỉ định Nha tổng Quản trị các Trại Lao động Cải tạo, một chế độ lao tù đặc biệt dưới thời Stalin.
[3]Năm 1937, nhà bác học Kazakov, người đã phát minh ra chất kháng sinh Lysate bị tình nghi đã âm mưu dùng độc dược này để thủ tiêu một số lãnh tụ cao cấp. Bị đưa ra toà xử làm gương, Kazakov bị xử bắn năm 1938.
Lúc mật vụ ào vô, khám xét phòng thí nghiệm của ông, bao nhiêu bình thuốc Lysate đã làm xong đều bị họ nhắm trước hết và đập tan tành. Một số người đã điều trị lành bệnh và những người đang chữa bằng Lysate van lạy họ đừng đập bỏ những bình thuốc sinh mạng đó mà mật vụ cũng không tha. Điều trớ trêu là nếu Lysate là thuốc độc sao không giữ lại, đưa ra toà làm bằng cớ cụ thể buộc tội Kazakov mà lại thủ tiêu hết.
[4]“Chúng ta hiện sống trong một thời đại mà mạng người chẳng có giá trị gì, muốn bắn là bắn, muốn tống giam là tống giam. Có khi người chết cả mấy năm rồi mà cha mẹ vợ con vẫn chưa hay”. Đó là nguyên văn lời lãnh tụ Lênin trong bài điếu văn đồng chí Babuskin năm 1910. Đúng thế nhưng phải nhìn nhận rằng ít nhất Babuskin còn biết tại sao phải chết vì đang vận chuyển khí giới cho Cách mạng thì bị Chéka vồ và mang xử bắn tức khắc. Sau này biết bao nhiêu con người tù tội, chết mất xác… mà có biết mình phạm tội gì?
[5]Theo Solzhenitsyn thì nội công tác, khám xét cũng là một khoa học kỹ thuật được giảng dạy trong “cua” hàm thụ Đại học Luật khoa Alma Ata. Tác giả đã được coi một tài liệu đề cao phương pháp khám xét, tinh thần phục vụ cao độ của các đồng chí công an, mật vụ từng lập thành tích khám xét tìm tang vật, không ngần ngại rỡ hai tấn phân, 8 mét khối củi tạ, 2 đống rơm… quét sạch tuyết trên ruộng rau một nông trại, gỡ từng viên gạch trong lò gạch, đào ao sát đáy lật hổng cầu tiêu, lục lọi chuồng gà chuồng chó chuồng chim, rạch nệm giường băng, gở răng giả… Tài liệu còn đặc biệt lưu ý các học viên về 2 điểm sau đây: a)Trước khi khám xét một địa điểm phải xét người đã. Sau khi xét xong cũng phải lục lạo người để đề phòng thủ tiêu tang vật. b) Một địa điểm đã xét rồi phải bất thần trở lại để tái xét, bất luận đêm ngày và phải kể như chư hề xét bao giờ.
[6]Lời chú của người dịch: Komintern là danh xưng của tổ chức Cộng sản Đệ tam Quốc tế giữa hai cuộc thế giới đại chiến. Sau này biến thể thành Kominform, tức Phòng Thông tin Quốc tế (Cộng sản).
[7]Lubyanka là tên cũ của một đại lộ Mạc Tư Khoa, trụ sở trung ương và trại giam chính thức của mật vụ. con đường này đổi tên đại lộ Dezrxinsky nhưng danh từ Lubyanka vẫn tượng trưng cho tù ngục.
[8]Tên tắt của cơ quan Chính trị Nhà nước thành lập năm 1922, một tổ chức mật vụ chuyên lo công tác chính trị. Thường gọi Guépéou dù sau 1922 có thêm vô chữ O đầu để thành O G P U. Gầy đây dân Gulag ưa gọi tắt Gaypayóo và nhân viên sở này mang tên Gaypayóosbarik (nhấn mạnh ở vào vần thứ 3 thành yus).
[9]NKVD là tên bút danh xưng của Cơ quan Đặc trách Nội vụ (tức Công an Nhân dân) áp dụng từ 1943. Từ 1943 đến 1946 cơ quan này đổi tên thành Cơ quan An ninh Nhà nước, viết tắc NKGB.
[10]Điều lạ nữa là hoạt động “lệch lạc” của Đại tá Travkin bữa hôm đó lại không mang lại hậu quả phiền phức cho ông ta! Gần đây tôi còn gặp lại và mới có dịp chuyện trò thân mật lần đầu. Ông đã lên cấp tướng, hồi hưu và làm Thanh tra Hội Săn bắn.
[11]Lời chú của người dịch: Chekist là nhân viên của Cheka, cơ quan Mật vụ Nga từ 1917 đến 1922. Sau này đổi tên GPU, nhưng nhiều người trong nghề vẫn khoái xài danh từ Cheka.
[12]Chú thích của người dịch: Golgotha theo truyền tích Công giáo là đỉnh núi Sọ, cao điểm của con đường gian nan mà Đấng Cứu thế đã trải vượt trước khi chịu nạn trên Thập tự giá.
[13]Sheinin tức Lev Romanovich Sheinin (1906-1907) là một sếp tổng điều tra và buộc tội, hung thần của những tay đối đầu sa lưới. Từ 1950 nổi hứng viết truyện gián điệp, một Ian Fleming của Nga! “Anh em nhà Tur” là bút hiệu chung của hai anh em Leonid Tubelsky (1905-1963) và Lvovich Tubelsky (1908) chuyên viết về kịch và truyện gián điệp.
Nguồn: Quần đảo ngục tù (The Gulag Archipelago) của Solzhenitsyn. Bản dịch Ngọc Tú - Ngọc Thứ Lang. CÆ¡ sở Văn Khoa Trí DÅ©ng xuất bản lần thứ nhất tại Việt Nam. Bìa Nguyá»…n Hè. In tại Vân Long 68/12A Trần Quang Khải, Sài Gòn. Chủ trÆ°Æ¡ng xuất bản: ông Đỗ Đăng Đảng. Giấy phép cuốn 1: số 5122/BDVCH/PHBCNT/ALP/TP cấp 21.9.1974. Giấy phép cuốn 2: số 5240/74/BDVCH/PHBCNT/ALP/TP cấp ngày 1.10.1974. Số lượng 2.500 ấn bản – phát hành ngày 7.10.1974. Tổng phát hành Nam Cường, 185-187 Nguyá»…n Thái Học, Sài Gòn, ĐT: 23.867. Giá: 1.200Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.