trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
19.8.2008
Trần Trung Đạo
Từ Olympic đến Darfur, đế quốc đỏ trên lục địa đen
 
Hai tháng trước ngày khai mạc Thế vận hội mùa hè 2008, Diêu Minh (Yao Ming), một trong những cầu thủ bóng rổ nổi tiếng tại Trung Quốc và Mỹ, trong một buổi lễ rước đuốc Olympic, đã cùng với 150 ngàn người dành một phút im lặng để tưởng nhớ đến 70 ngàn người dân Trung Quốc bị thiệt mạng trong trận động đất tại Tứ Xuyên ngày 12 tháng 5. 2008. Các hệ thống truyền hình chiếu đi chiếu lại nhiều lần cảnh tượng đầy xúc động này cũng như khi nghe Diêu Minh tuyên bố “Ngày 12 tháng 5 người ta không còn nghĩ đến Olympic, không còn nghĩ đến rước đuốc mà chỉ nghĩ đến việc cứu người”. Lời tuyên bố của Diêu Minh chắc đã phát xuất từ trái tim anh, giống như nỗi đau của gia đình 70 ngàn người dân Trung Quốc là nỗi đau có thật. Cảm tình của thế giới dành cho Trung Quốc lên cao nhất kể từ cuộc tàn sát Thiên An Môn 1989. Đối với gia đình 70 ngàn nạn nhân động đất, những mất mát của họ sẽ không thể nào thay thế được, nhưng với chính phủ Trung Quốc biến cố đó là một điều may mắn. Suốt hai tháng sau ngày động đất xảy ra, Trung Quốc đã tận dụng cảnh hoang tàn ở Tứ Xuyên, thậm chí còn rước đuốc ngang qua những đống gạch vụn để khơi dậy lòng thương xót và cũng để xoa dịu sự công phẫn của thế giới trước tội ác nghiêm trọng của Trung Quốc đối với các dân tộc châu Phi. Trên những cánh đồng ở Darfur, Sudan, không phải chỉ 70 ngàn người chết mà 300 ngàn da đen bất hạnh đã bị chặt tay, chặt đầu, treo cổ, hiếp dâm và cũng không chỉ kéo dài trong hơn 3 phút như ở Tứ Xuyên mà đã và đang diễn ra từ hàng chục năm nay nhưng không ai cứu.

Ảnh hưởng và tội ác của Trung Quốc đối với châu Phi không phải là điều gì mới mẻ. Tháng 4. 1955, lãnh đạo của 29 quốc gia Á - Phi đã ngồi lại tại Bangdung, Nam Dương, để tìm cách thúc đẩy các mục tiêu kinh tế xã hội và hợp tác văn hóa giữa các nước chậm tiến, từng là thuộc địa và muốn giữ vị trí độc lập trong cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Hội nghị Bangdung là một cơ hội lớn của Trung Quốc để gây ảnh hưởng với các quốc gia vừa giành được độc lập và đang đi tìm một chỗ đứng trên chính trường quốc tế. Bản thân Trung Quốc trong giai đoạn đó cũng chưa thiết lập được mối quan hệ ngoại giao vững chắc với một nước tư bản nào. Chủ trương của Trung Quốc trong hội nghị rất mềm dẻo, như Chu Ân Lai xác định trong diễn văn tại Bangdung: “Không ai trong chúng ta phải từ bỏ các quan điểm riêng bởi vì đó là thực tế khách quan, nhưng không nên để những dị biệt làm cản trở việc hoàn thành các mục đích chung”. Bảy điểm do Chu Ân Lai đưa ra, từ điểm thứ nhất tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau cho đến các điểm về tôn giáo, bình đẳng giữa các quốc gia không phân biệt lớn nhỏ v.v… đều được hội nghị ủng hộ hoàn toàn. Tinh thần đoàn kết của khối Á - Phi, tuy nhiên, không kéo dài được bao lâu vì sau đó chế độ Sukarno tại Nam Dương bị lật đổ, chiến tranh bùng nổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, một quốc gia có ảnh hưởng lớn trong khối Á - Phi, đã tạo sự chia rẽ trong Phong trào Không Liên kết. Dù sao, hội nghị Bangdung vẫn được xem như là một trong những thành tựu ngoại giao lớn của Trung Quốc.

Đầu năm 1964, một phái đoàn đông đảo do Thủ tướng Chu Ân Lai hướng dẫn để thực hiện chuyến công du 10 quốc gia lục địa châu Phi bao gồm Algeria, Morocco, Tunesia, Ghana, Mali, Kali, Guinea, Ethiopia, Sudan, Somali. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo nhà nước cao cấp của Trung Quốc viếng thăm châu Phi trong một thời gian khá dài từ 14 tháng 12.1963 cho đến 4 tháng 1.1964. Mục đích của chuyến đi, như trong bài bình luận của Nhân dân Nhật báo trước ngày tiễn Thủ tướng Chu Ân Lai và Bộ trưởng Ngoại giao Trần Di lên đường, là để “tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Phi và củng cố hòa bình thế giới”, nhưng thực chất là để tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô và lót đường cho quan hệ Trung Quốc và châu Phi sau này. Cuộc đấu tranh giữa hai đàn anh trong phe xã hội chủ nghĩa đang diễn ra gay gắt. Phần lớn các tài liệu do phái đoàn Trung Quốc phổ biến trong chuyến viếng thăm cũng như được phát giác một cách tình cờ tại một phi trường Anh, đều nhằm chống Liên Xô. Cả Trung Quốc và Liên Xô đều ủng hộ công cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa tại châu Phi, tuy nhiên tại một số nước, sự ủng hộ của Liên Xô được thể hiện một cách cụ thể qua vũ khí và tiền bạc, đã đem lại các kết quả tích cực hơn là các ủng hộ có tính cách tinh thần của Trung Quốc. Chu Ân Lai gặp phải một số chống đối tại Algeria hay vài quốc gia như Kenya, Uganda, Tanganyika, đã rút lại lời mời vào phút chót. Dù sao, cá tính ngoại giao mềm mỏng của Chu Ân Lai cũng gây được nhiều cảm tình với lãnh đạo các quốc gia mà họ Chu thăm viếng và chuyến đi với mục đích giới hạn được đặt ra từ đầu, cũng được đánh giá là thành công.

Sau những thảm trạnh kinh tế và biến động chính trị dồn dập trong thời gian dài từ 1964 đến 1976 đã làm 30 chục triệu người chết đói và những cuộc thanh trừng đẫm máu trong nội bộ lãnh đạo Đảng, hội nghị lần thứ 3 của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Hoa lần thứ 11 tổ chức vào tháng 12.1978 đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử chính trị Trung Quốc.

Sau ba năm nằm gai nếm mật ở chuồng bò Giang Tây và hai lần sống sót thanh trừng, Đặng Tiểu Bình đã xuất hiện trở lại và đóng vai trò lãnh đạo của cánh cấp tiến trong Trung ương Đảng. Họ Đặng lần lượt loại bỏ các thành phần cực tả và giới hạn quyền hành của các thành phần đối lập, thiếu dứt khóat trong lãnh đạo Đảng mà một thời ông đã liên minh như Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng. Để thu phục nhân tâm, Đặng Tiểu Bình đánh giá lại vai trò của Mao Trạch Đông trong lịch sử và phục hồi danh dự cho hàng triệu nạn nhân của Cách mạng Văn hóa, trong đó có Lưu Thiếu Kỳ. Về mặt kinh tế, Đặng Tiểu Bình chủ trương hàng loạt chính sách đổi mới kinh tế. Từ 1981, họ Đặng đưa các trợ thủ đắc lực vào các chức vụ then chốt trong Đảng và nhà nước như Hồ Diệu Bang nắm quyền Tổng Bí thư Đảng và Triệu Tử Dương lãnh đạo nhà nước trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Các khẩu hiệu đấu tranh giai cấp đã được thay bằng “Bốn hiện đại hóa” (công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng, khoa học kỹ thuật). Các thành tựu về kinh tế là thước đo của lãnh đạo chính trị chứ không phải chính trị lãnh đạo kinh tế như trước nữa.

Đặng Tiểu Bình cũng đánh giá nhẹ các phong trào Maoxist một thời được Trung Quốc cung cấp vũ khí và yểm trợ tài chánh. Một số phong trào cực tả đang đấu tranh võ trang chống chính phủ khắp nơi đã kết án họ Đặng phản bội tư tưởng Mao Trạch Đông. Đặng Tiểu Bình không phủ nhận tư tưởng Mao nhưng như ông nhấn mạnh trong buổi phỏng vấn dành cho nhà báo Ý Oriana Fallcaci 1980: “Dân chúng cần sự ổn định và đoàn kết. Họ quá chán những cuôc biểu dương lực lượng ồ ạt”. Ý Đặng Tiểu Bình muốn ám chỉ đến những cuộc biểu tình, tập trung đông đảo như đã diễn ra nhiều lần tại Thiên An Môn dưới thời Mao. Mục đích của họ Đặng rất rõ ràng và dứt khoát là cần ổn định để thực thi “Bốn hiện đại hóa”. Không giống như trường hợp Khrushchev hạ bệ Stalin sau đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20, Đặng xác nhận, cũng trong buổi phỏng vấn của Oriana Fallcaci: “Tiếc thay, trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, đặc biệt trong giai đoạn ‘Cách mạng Văn hóa’, chủ tịch Mao đã phạm phải sai lầm – và không phải là sai lầm nhỏ - đã mang đến nhiều bất hạnh cho Đảng, nhà nước và nhân dân, nhưng công lao của Mao đối với Đảng và nhân dân Trung Quốc lớn hơn nhiều so với những sai lầm mà ông đã phạm phải.”

Những năm đầu thập niên 1990, Trung Quốc chính thức theo đuổi mục đích “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” với thị trường chứng khoán, các chương trình cải cách thuế má, trao đổi tiền tệ, kích thích sản xuất. Trước thời kỳ đổi mới, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước toàn quyền quyết định việc phân phối tư liệu sản xuất. Về giá cả, ngoài trừ một ít sản phẩm nông nghiệp do nông dân làm và bán trong các vùng nông thôn xa xôi, hầu hết giá cả hàng hóa đều do sự quyết định của Ủy ban Vật giá Nhà nước. Việc quyết định giá của một sản phẩm nhiều khi không liên quan gì đến mức lợi nhuận cũng như chi phí sản xuất ra sản phẩm đó. Tương tự, trước đổi mới, Trung Quốc không có thị trường lao động theo quan điểm kinh tế thị trường. Mức lương bổng của công nhân do nhà nước quyết định. Kết quả của chính sách do Đặng Tiểu Bình đề xướng đã thổi luồng gió mới vào nền kinh tế Trung Quốc và tức khắc đem lại nhiều thành quả cụ thể. Theo các tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Center For Strategic and International Studies) và Viện Peter G. Peterson về Kinh tế Quốc tế (Peter G. Peteson Institute for International Economics), các chính sách đổi mới kinh tế của họ Đặng tạo điều kiện tham gia của lực lượng lao động khổng lồ 803 triệu người, gia tăng tiết kiệm, hội nhập vào kinh tế toàn cầu, khuyến khích lượng đầu tư và nâng cao trình độ giáo dục phổ thông.

Đặng Tiểu Bình mất năm 1997, một thời gian ngắn trước khi Hong Kong được sáp nhập trở lại Trung Quốc nhưng Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, những người kế tục chính sách của Đặng, đã không dừng lại mà còn đẩy mạnh hơn các kế hoạch kinh tế của Trung Quốc vào thị trường kinh tế thế giới. Năm 2004, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia mậu dịch đứng thứ ba trên thế giới. Trong giai đoạn 5 năm từ 2000 đến 2005, kinh tế Trung Quốc gia tăng trung bình 9.5%. Giá trị hàng hóa nhập cảng cũng gia tăng từ 225 tỉ đến 660 tỉ USD trong cùng giai đoạn. Trung Quốc chiếm 12% trong tổng mức gia tăng kinh tế toàn cầu. Song song với phát triển kinh tế, Trung Quốc, nơi cư ngụ của một phần năm nhân loại, cũng chuyển mình từ một một nền kinh tế tự túc xã hội chủ nghĩa để dần dần trở thành một xã hội tiêu thụ. Năm 2005, số lượng xe cộ lưu thông tại Trung Quốc là 20 triệu chiếc. Năm 2010, con số được ước lượng sẽ là 56 triệu và với đà tăng đó năm 2020 sẽ có ít nhất 140 triệu chiếc xe trên đường sá Trung Quốc.

Đòi hỏi đầu tiên của các kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội tiêu thụ đang hình thành là năng lượng. Mỗi ngày Trung Quốc tiêu thụ 6.93 triệu thùng dầu trong khi chỉ sản xuất được một nửa số đó. Năm 1985, Trung Quốc còn là nước xuất cảng dầu hỏa hàng thứ 2 tại châu Á, nhưng chỉ 5 năm sau Trung Quốc đã phải bắt đầu nhập cảng dầu hỏa và đến năm 2005 Trung Quốc đã qua mặt Nhật Bản để trở thành quốc gia nhập cảng dầu hỏa thứ nhì thế giới. Nhu cầu nhiên liệu quá cao tại Trung Quốc một phần cũng phát xuất từ sự sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả trong các ban ngành và công ty nhà nước. Mặc dù GPD (tổng sản phẩm nội địa) của Trung Quốc chỉ bằng một phần bảy của Mỹ nhưng năng lượng được dùng tại Trung Quốc lại hơn một nửa của Mỹ. Không những chỉ dầu hỏa, Trung Quốc còn là nước nhập cảng hàng đầu các khoáng sản và nguyên liệu khác như bạch kim, đồng, sắt, vàng, bạc và gỗ. Từ 1990 trở về trước, 60% nguồn năng lượng của Trung Quốc được nhập từ các quốc gia châu Á và phần còn lại là Trung Đông. Hiện nay, Trung Đông đã hạ thấp tỉ lệ này, chỉ còn 45%; dầu hỏa nhập từ châu Phi đã gia tăng từ con số không năm 1990 đến 28.7% năm 2004. Mậu dịch giữa Trung Quốc và các nước châu Phi vào khoảng 50 tỉ Dollar và ước lượng sẽ lên đến 100 tỉ vào 2010.


Tạo sao châu Phi?

Thứ nhất, các quốc gia châu Phi dễ gần Trung Quốc hơn là Mỹ và các cường quốc phương Tây vì phần lớn các nước này đều mới thoát khỏi ách thực dân không bao lâu. Không ít các lãnh tụ độc tài tại châu Phi hiện nay xuất phát từ các phong trào giải thực, đã lấy tư tưởng Mác - Lê làm vũ khí lý luận và coi kinh tế xã hội chủ nghĩa như mục tiêu kinh tế trong chiến tranh chống đế quốc để giành độc lập. Trung Quốc khai thác mọi bất đồng giữa các nước phương Tây và các quốc gia nghèo nhưng giàu tài nguyên, đặc biệt là tại châu Phi. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần nhắc đến tinh thần Bangdung như là điểm hội tụ cho các quốc gia Á - Phi mặc dù vai trò của Trung Quốc sau 50 năm đã hoàn toàn đảo ngược. Trong diễn văn kỷ niệm 50 năm hội nghị Bangdung tháng Tư 2005, Chủ tịch Nhà nước Hồ Cẩm Đào tố cáo các nhóm khủng bố, tội ác, các lực lượng phiến loạn đã làm ảnh hưởng đến hòa bình ổn định tại châu Phi nhưng ông ta quên rằng khẩu súng các phiến quân đang cầm trên tay vốn được chế tạo tại Trung Quốc.

Thứ hai, hợp tác với Trung Quốc, lãnh đạo các nước châu Phi không phải bận tâm về các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền. Bản thân Trung Quốc là một trong những nước vi phạm nhân quyền hàng đầu thế giới nên vấn đề nhân quyền không bao giờ được đặt ra trong các buổi thương thuyết hay đàm phán các thỏa hiệp kinh tế. Trong khi các vấn đề nhân quyền đã đẩy các công ty phương Tây ra khỏi châu Phi thì Trung Quốc trở thành nước độc quyền đầu tư và khai thác kinh tế. Trung Quốc chủ trương chính sách không can thiệp vào nội bộ của các nước khác, nhưng chẳng qua cũng chỉ để che giấu cái lý lịch không mấy tốt đẹp của bản thân mình. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Châu Trọng Văn trong buổi phỏng vấn dành cho báo New York Times tháng 8.2004 biện hộ cho thái độ làm ngơ trước những bất công xã hội tại châu Phi: “Thương mại là thương mại. Trung Quốc tách rời thương mại khỏi chính trị”.

Thứ ba, trong khi vay tiền của IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), các quốc gia con nợ phải thông qua hàng loạt thỏa thuận về nguyên tắc, phải báo cáo hàng năm, phải bị kiểm soát chặt chẽ các khoản chi dùng và phải thực hiện các cải cách xã hội, giáo dục, nhân quyền cần thiết, điều kiện vay tiền của Trung Quốc dễ chấp nhận hơn nhưng bù lại cũng có nhiều điều khoản thuận lợi cho phía Trung Quốc. Ngoài ra, trong khi các công ty dầu khí phương Tây độc lập về thương mại nhưng lại lệ thuộc vào các chính sách đối ngoại của chính phủ họ thì cả ba công dầu khí lớn của Trung Quốc, gồm Tổng Công ty Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC), PetroChina và Tổng Công ty Hóa dầu Trung Quốc, đều là những công ty quốc doanh. Thảo luận hay ký kết các hợp đồng thương mại với các công ty này cũng chẳng khác gì ký kết với chính phủ Trung Quốc và do đó không cần phải thông qua sự chấp thuận của chính phủ lần nữa, nếu có cũng chỉ là vấn đề thủ tục giấy tờ.

Trung Quốc ngày nay đã thay thế vai trò của các đế quốc Anh, Pháp, Bồ Đào Nha đã từng đóng tại Châu Phi thế kỷ 19. Thay vì tạo sự bất ổn qua việc chi viện cho các nhóm phiến loạn, các mặt trận giải phóng dân tộc như Trung Quốc đã làm trước đây, họ cố bám vào các lãnh đạo tham nhũng, độc tài để duy trì một chính quyền tập trung, cứng rắn và ổn định. Để hút cạn nguồn dầu hỏa châu Phi, Trung Quốc không những nuôi dưỡng các tầng lớp lãnh đạo độc tài mà còn tiếp tay cho chúng để đàn áp các thành phần đối lập, tàn sát các tầng lớp nhân dân da đen thiếu học, không một tấc sắt trong tay bằng những phương tiện vô cùng ác độc. Giống như chế độ thực dân đế quốc trước đây, Trung Quốc bao che giới lãnh đạo, cung cấp cho chúng tiền bạc, súng đạn, che chở an ninh cá nhân và bảo vệ chế độ bằng quyền phủ quyết trong các cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc.


Vài trường hợp điển hình

Tại Angola, cuộc nội chiến giữa hai phe UNITA (Liên minh quốc gia vì độc lập hoàn toàn của Angola) và MPLA (Phong trào nhân dân giải phóng Angola) với sự can thiệp từ các phe bên ngoài như Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô, Cuba, trong thập niên 1980 đã để lại trên 350 ngàn người chết và trên một triệu người không nhà cửa. Phe MPLA, dưới quyền của lãnh tụ cộng sản José Eduardo dos Santos đã thắng cuộc nội chiến đẫm máu và cai trị dân tộc Angola bằng hệ thống an ninh khủng bố do các cố vấn Đông Đức giúp thành lập trước đây để nhằm tận diệt mọi mầm mống phản kháng. Giống như Kim Nhật Thành và phần lớn lãnh đạo cộng sản khác, dos Santos xây dựng chung quanh ông ta một hệ thống sùng bái cá nhân với sự toa rập của một tập đoàn đặc quyền đặc lợi chia sẻ hầu hết các chức vụ quan trọng trong chính quyền. Sau khi Johna Savimbi, lãnh tụ UNITA, bị giết 2002, dos Santos rảnh tay hơn để củng cố chế độ độc tài, tham nhũng thối nát tại Angola. Trong lúc giới lãnh đạo MPLA sống trong xa hoa, phung phí, con cái chúng được du học nước ngoài bằng tiền thu được từ các nguồn kim cương và dầu hỏa, hàng triệu dân Angola đã sống dưới mức nghèo quốc tế và mỗi ngày phải sắp hàng dài nhiều cây số chỉ để mua vài cân khoai tây. Từ 1997 đến 2001, các chương trình du học chiếm đến 18 phần trăm của toàn bộ ngân sách giáo dục, cao hơn cả ngân sách dành cho phát triển khoa học kỹ thuật, nhưng phần lớn du học sinh được tuyển chọn từ tầng lớp con ông cháu cha trong khi bốn chục phần trăm dân Angola trong nước không biết đọc biết viết.

Cũng trong cùng thời gian từ 1997 đến 2001, tổng thu nhập từ xuất cảng dầu hỏa của Angola là 17.8 tỉ USD, tuy nhiên con số tiền lời thật sự thì không ai biết. Một tường trình của IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) năm 2002 cho biết 21 phần trăm chi phí, tương đương vào khoảng 4.1 tỉ USD, của chính phủ trong giai đoạn từ 1991 đến 2001 đã không được kết toán. Bản thân José Eduardo dos Santos, được quốc hội bù nhìn ca ngợi là “thông minh” và “thành thật”, rất hiếm khi rời khỏi dinh thự nguy nga nhìn ra biển của y, trong khi phần lớn dân Angola phải chịu đựng nghèo nàn, bệnh tật trong các khu nhà bằng đất tồi tàn và tuổi thọ trung bình của người dân Angola chỉ 37 tuổi.

Đồng minh thân cận và cũng là người bảo trợ chính của chế độ độc tài tham nhũng dos Santos không ai khác hơn là Trung Quốc. Trung Quốc cho Angola vay 2 tỉ USD để tài trợ cho các công trình xây dựng phi trường, đường sá tại Angola, và để đáp lại khách hàng ưu tiên và hàng đầu của dầu hỏa Angola là Trung Quốc. Năm 2004, Angola là nước thứ ba sau Saudi Arabia và Iran, cung cấp dầu hỏa cho Trung Quốc. Chỉ riêng trong tháng 3.2006, Angola chuyên chở đến Trung Quốc 456 ngàn thùng dầu một ngày, vượt qua cả Saudi Arabia.

Tại Zimbabwe, tháng 3 năm 2008 vừa qua, đã tiến hành cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Ứng cử viên Morgan Tsvangirai của Phong trào vì Thay đổi Dân chủ (Movement for Democratic Change) đã thắng đủ đa số phiếu để buộc đương kim Tổng thống Magube, nhà chính trị có tư tưởng cộng sản, phải tham gia cuộc bầu cử vòng hai quyết định. Trước viễn ảnh thất bại sẽ xảy ra, trong ba tháng vận động tranh cử vòng hai, Magube đã sử dụng phương pháp khủng bố, đe dọa và ám sát các thành phần đối lập có khuynh hướng dân chủ. Kết quả là trên một trăm người ủng hộ ứng cử viên Morgan Tsvangirai bị giết, hàng ngàn người khác bị thương, nhà cửa, các cơ sở thương mại của phe đối lập bị đốt cháy. Morgan Tsvangirai cuối cùng đã phải quyết định rút ra khỏi vòng tranh cử. Không có đối thủ, Magube đã thắng vòng hai với 85 phần trăm số phiếu vào ngày 27 tháng 6.2008.

Mỹ, Anh và phần lớn các quốc gia trong Liên minh châu Âu đã kết án Magube vi phạm nhân quyền và ăn cắp cuộc bầu cử. Ngày 11 tháng 7 năm nay, cố gắng của các nước phương Tây, Anh, Pháp, Mỹ nhằm tái lập dân chủ và ổn định tại Zimbabwe tan vỡ khi Trung Quốc tuyên bố sẽ phủ quyết các quyết nghị của Liên Hiệp Quốc để trừng phạt chính quyền độc tài của Tổng thống Mugabe. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Vương Quang Á lý luận, “Về mặt quốc tế, sự sử dụng hay đe dọa sử dụng sự trừng phạt rất ít hay không giải quyết được vấn đề”.

Chính quyền Trung Quốc cho rằng họ chủ trương “chính sách không can thiệp” vào nội bộ các quốc gia khác, trong trường hợp này là Zimbabwe, nhưng thực chất họ đã can thiệp vào quốc gia này từ hai mươi năm trước. Theo giáo sư David Shinn, thuộc Đại học George Washington, Trung Quốc đã bán chiến đấu cơ J-7 và radar cho Zimbabwe, và mới đây không lực Zimbabwe đã nhận thêm 6 phản lực cơ K-8. Để trao đổi, Magube hứa sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú của quốc gia này. Trong suốt thời gian vận động tranh cử giữa Morgan Tsvangirai và Magube, các tàu chở vũ khí của Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng nhập vào các cảng Zimbabwe.

Và bất hạnh nhất là Sudan. Nhắc đến Sudan, người ta sẽ nghĩ ngay đến cuộc diệt chủng vùng Darfur. Trong cuộc xung đột giữa các bộ tộc vùng Darfur, phía tây Sudan, bùng nổ vào đầu năm 2002, chính phủ Sudan đã cung cấp tài chánh, vũ khí cho nhóm quân sự Janjaweed, cũng như đã tham gia các cuộc tàn sát các bộ lạc Fur, Zaghawa và Massaleit. Cuộc xung đột đã giết chết trên 200 ngàn người và khoảng 2 triệu rưởi người không nhà cửa, phải sống chen chúc trong các trại tỵ nạn. Đến nay, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, đã có 400 ngàn người bị giết, trong khi các tài liệu khác phỏng đoán từ 200 ngàn cho đến 400 ngàn.

Sudan, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Omar al-Bashir, đã tham gia trực tiếp vào cuộc tàn sát, hiếp dâm, đày ải hơn hai triệu người dân trong khu vực Darfur. Chính phủ Sudan bị Liên Hiệp Quốc và hầu hết các quốc gia hội viên kết án. Tháng 6.2008, biện lý Tòa án Quốc tế Luis Moreno-Ocampo, người Argentina, ngoài việc truy tố các viên chức trong chính quyền Sudan, đã có ý định truy tố chính Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir về tội diệt chủng chống lại nhân loại. Nếu điều đó xảy ra thì đây sẽ là lần đầu tiên Tòa án Quốc tế tại The Hague sẽ xử một nguyên thủ quốc gia. Phản ứng trước tin tức này, ngày 15 tháng 7.2008, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc bày tỏ “sự lo ngại trầm trọng” nếu tòa án quốc tế bắt giữ Tổng thống Sudan và đe dọa phủ quyết bất cứ quyết nghị Liên Hiệp Quốc nào chống lại chính quyền độc tài Bashir.

Trung Quốc bằng mọi giá bảo vệ chế độ diệt chủng Bashir cũng chỉ vì dầu hỏa. Công ty dầu khí quốc doanh của Trung Quốc là khách hàng đầu tư số một vào kỹ nghệ dầu khí Sudan. Trung Quốc sở hữu nhiều mỏ dầu chung quanh khu vực Darfur. Trung Quốc mua 70 phần trăm dầu của Sudan và thậm chí giúp Sudan xây dựng các xưởng chế tạo vũ khí. Theo tạp chí Sudan Tribune trong bài bình luận nhân chuyến viếng thăm của Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc tháng 5.2007, “Không có quốc gia nào có nhiều ảnh hưởng đối với Khartoum hơn Trung Quốc, khách hàng tiêu thụ 70 phần trăm tổng sản xuất dầu của Sudan, và đã nhiều lần dùng quyền phủ quyết để ngăn cản trừng phạt chế độ Bashir.” Mặc dù quyết nghị 1591 được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 2005 ngăn cấm việc cung cấp vũ khí cho chính quyền độc tài Bashir, theo một điều tra của phái viên Hilary Anderson của đài BBC công bố ngày 12 tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã cung cấp huấn luyện và trang bị vũ khí, kể cả các hỏa tiễn phòng không cho quân đội Sudan tại Darfur. BBC đã phỏng vấn trực tiếp các nhân chứng trong phe chống chính phủ và được xác nhận các vũ khí mà họ tịch thu được từ chính phủ Sudan vào tháng 12 năm 2007 được nhập từ Trung Quốc. Bà Abakar Mohammed, mẹ của bảy đứa con, đã tận mắt chứng kiến ba đứa con nhỏ của bà bị các chiến đấu cơ Trung Quốc bắn nát thành những mảnh thịt nhỏ.

Hôm nay 8 tháng 8.2008, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc tưng bừng khai mạc Thế vận hội mùa hè lần thứ 29 với chi phí tổ chức uớc lượng lên đến khoảng 1.3 tỉ USD. Thế vận hội cũng đánh dấu một chặng đường dài của Trung Quốc từ một nước khép kín trở thành một đế quốc đỏ đầy quyền lực. Con đường thành công của Trung Quốc, giống như hầu hết các đế quốc trước đây, đã nhuộm bằng máu, lót bằng xương của hàng triệu người dân các nước nhược tiểu nghèo nàn và bất hạnh. Một tuần trước ngày Thế vận hội khai mạc, nhà báo Corey Hunt trong một bài bình luận trên tờ Contra Costra Times, đã kêu gọi toàn thế giới khi ngọn đuốc Olympic vừa đi đến chặng cuối cùng trước khi được thắp lên trên quảng trường Olympic ở Bắc Kinh, hãy dành một phút im lặng để tưởng nhớ đến những nạn nhân của chính sách khủng bố Mugabe ở Zimbabwe, Omar al-Bashir ở Sudan, José Eduardo dos Santos ở Angola và nhiều chế độ độc tài khác trên lục địa châu Phi với sự ủng hộ và bao che của Trung Quốc.


Tài liệu tham khảo

© 2008 talawas