trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
26.8.2008
Vũ Quí Hạo Nhiên
Tiết lộ đáng sợ trong “Quận chúa biệt động” về người cộng sản
 
Một cô gái nhà giàu, thế gia vọng tộc, nhưng lại ham mê cách mạng, hoạt động nằm vùng cho cộng sản ngay trong lòng tầng lớp thượng lưu của Việt Nam Cộng hòa, bí mật đó tới nay, hơn 30 năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, mới được tiết lộ. Đó là những yếu tố đặc biệt để tạo nên một câu chuyện lôi kéo độc giả, và có lẽ chính vì vậy mà quyển Quận chúa biệt động, viết về một nhân vật có thật, đã từng được báo chí Việt Nam thổi phồng rầm rộ trước đây vài tháng, và mới đây trong dịp lễ 19 tháng Tám và 2 tháng Chín, lại được mang ra quảng cáo tiếp tục.

Bìa cuốn Quận chúa biệt động của Đặng Vương Hưng, Nxb Công an Nhân dân, 408 tr., 6.2008
Tất nhiên, quyển sách có đưa lời giải thích đầy đủ tại sao câu chuyện này tới nay mới kể. Nhưng cũng chính trong những lời giải thích đó mà ta có thể đặt câu hỏi bao quát hơn về cách người cộng sản đối xử với chính đồng chí của mình.

Câu chuyện về bà Phạm Ngọc Diệp (từ sau 1975 mang tên Đặng Hoàng Ánh) có thể tóm tắt như sau. Bà là dòng dõi thông gia với vua nhà Nguyễn: Cụ nội bà là thân sinh của Từ Dũ Thái hậu. Bà tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi qua Pháp học Y khoa. Về nước thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, bà được cách mạng giao nhiệm vụ phải vào làm tại một bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Qua quan hệ gia đình, bà được Tổng thống Diệm ưu đãi, và từ đó bà dùng lợi điểm này để lập nhiều công trạng cho phía cộng sản.

Trong thời gian chiến tranh, đã có lần bà được cử ra ngoài Bắc và gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo lời kể, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc đến đích danh thân phụ bà là “Lệ Chất tiên sinh”. Cũng trong thời gian chiến tranh, bà đã có gặp các nhân vật Nguyễn Văn Linh và Phạm Hùng, sau này đều nắm những chức vụ cao nhất trong giới cầm quyền Việt Nam.

Tuy nhiên (và ở đây tôi trích lời tóm tắt của báo Thế giới Phụ nữ, vì ngôn ngữ trong báo này có phần ngộ nghĩnh), vì công trình hoạt động của bà “gắn quá nhiều với mỹ nhân kế... nên nhiều người cho rằng bà Diệp là người sống buông thả”.

“Một trong các đồng chí của bà đã yêu bà và có hành động thiếu kiểm soát của lý trí. Bị bà cự tuyệt thẳng thừng, người ấy đã ra lệnh thu giữ giấy tờ chính thức của bà rồi nói là mất.”

Không biết chuyện sau đó thế nào nhưng tới sau ngày 30-4-1975, “tình hình vẫn chưa được ổn định nên chính ông Vũ Ngọc Nhạ, nhân một lần gặp gỡ tình cờ đã khuyên bà tạm thời chưa liên lạc vội.”

Và thế là bà “quận chúa biệt động” sống ẩn danh từ đó tới khi ông Phạm Hùng tìm ra bà.

Không có giấy tờ tùy thân, năm 1984 bà mới xin được giấy chứng minh mang tên Đặng Hoàng Ánh. Và thay vì sống tại Sài Gòn, nơi bà từng hoạt động thời chiến tranh, từng là bác sĩ, giám đốc bệnh viện, bà dời lên Lâm Đồng thầm lặng làm rẫy trên miếng đất bà mua từ trước 1975, trong tình trạng không hộ khẩu, không tem phiếu.

*


Bây giờ, hẵng cứ giả sử chuyện này là có thật, không phải chuyện bịa ra do nhu cầu tuyên truyền gì đó.

Câu hỏi đầu tiên, tất nhiên, là “một trong các đồng chí của bà” là ai, ông ta đã làm gì và có bị kỷ luật gì chưa?

Không nói tới chuyện xúc phạm tới bà Diệp, chỉ riêng việc người này đã “làm mất” giấy tờ chính thức của bà, là có thể gây khó khăn cho công tác biệt động của bà. Nói cách khác, người này vì tư thù (mà lỗi ở ông ta) mà làm một hành vi có thể gây thiệt hại tới công tác cách mạng. Riêng việc đó đã đáng kỷ luật nặng nề rồi.

Hãy xem tới chuyện gì xảy ra sau ngày “giải phóng miền Nam”. Câu hỏi nặng ký hơn, là nguyên do gì đã khiến bà Diệp không ra mặt?

Đây không phải là lần đầu tiên một gián điệp của “cách mạng” đã không ra mặt công khai (không dám hay không thể) sau khi cách mạng đã toàn thắng. Trước đây đã có trường hợp nhà văn Vũ Bằng. Ông qua đời rồi con cháu mới dám công khai.

Chuyện bất thường như xảy ra một lần thì giải thích vòng vo lý do như thế như kia, người ta còn tạm tin được.

Tới lần này nữa thì khó mà tin lắm.

*


Hãy tự đặt mình vào vị trí bà Diệp. Bà là một người trí thức, nằm trong giới thượng lưu Sài Gòn mà vẫn hoạt động cho cộng sản, từng được chọn để ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lúc hai miền Nam Bắc còn đang đánh nhau.

Nói tóm lại, bà Diệp không phải “tay mơ”, không ngu dại gì, và cũng không phải là loại người dễ bị hù dọa hay dụ dỗ.

Trong thời gian sau 1975, bỏ qua chuyện bà có thể muốn được tưởng thưởng xứng đáng, là một người của cách mạng ít ra bà chắc hẳn muốn được cùng đứng với các đồng chí của mình trong hàng ngũ công khai vui mừng chiến thắng chứ.

Như vậy, nếu ông Vũ Ngọc Nhạ chỉ bâng quơ “khuyên bà tạm thời chưa liên lạc vội” với lý do mù mờ là “sau 30/4/1975, tình hình vẫn chưa được ổn định” – liệu bà có nghe theo không?

Hãy thử tưởng tượng đoạn đối thoại đại khái như này.

Vũ Ngọc Nhạ: “Thôi, tạm thời chị đừng liên lạc vội.”

Phạm Ngọc Diệp: “Tại sao vậy anh?”

Vũ Ngọc Nhạ: “Vì tình hình vẫn chưa được ổn định.”

Phạm Ngọc Diệp: “Vâng, thế tôi nghe lời anh.”

Không thể tin được. Không lọt tai chút nào. Một người như bà Diệp không thể khờ như thế được.

Để có thể tin được, để có thể hiểu được vì sao sau đó bà Diệp lại bỏ Sài Gòn đi về tỉnh, vì sao chính ông Phạm Hùng cho người đi tìm mà phải “rất lâu sau đó” mới tìm được bà, vì sao bà phải lấy một tên tuổi hoàn toàn mới, cuộc đối thoại phải thuộc một trong hai trường hợp sau:

Khả năng “A” – Lời cảnh cáo của ông Nhạ có liên quan tới cá nhân bà Diệp:

Vũ Ngọc Nhạ: “Thôi, tạm thời chị đừng liên lạc vội.”

Phạm Ngọc Diệp: “Tại sao vậy anh?”

Vũ Ngọc Nhạ: “Chị có nhớ ông XYZ, người nói là ‘làm mất’ giấy tờ của chị không? Hắn hiện nay đang nắm chức vụ rất cao, và vẫn còn căm thù chị lắm.”

Phạm Ngọc Diệp: “Tôi không sợ. Tôi còn biết rất nhiều điều về hắn, tôi mà mở miệng ra khai là hắn mất chức, mất Đảng tịch ngay. Tôi quen anh Hai Hùng, anh ấy bây giờ là Phó Thủ tướng Phạm Hùng, anh ấy sẽ giúp tôi.”

Vũ Ngọc Nha: “Chị suy nghĩ kỹ đi. Phạm Hùng sẽ bênh chị hay bênh hắn? (Hay: Phạm Hùng với hắn, ai ngon hơn ai?) Giữa cái miệng của chị và lâu la bộ hạ của hắn, chị tố cáo hắn nhanh hơn hay hắn thủ tiêu chị nhanh hơn?”

Và sau đó bà Diệp đổi tên đổi họ, chạy ra khỏi khu đô thị, lên rừng làm rẫy.

Khả năng B – Lời cảnh cáo của ông Nhạ liên quan tới toàn bộ nhóm biệt động thành:

Vũ Ngọc Nhạ: “Thôi, tạm thời chị đừng liên lạc vội.”

Phạm Ngọc Diệp: “Tại sao vậy anh?”

Vũ Ngọc Nhạ: “Tình hình hiện nay rất gay đối với nhóm biệt động thành chúng mình. Họ không tin tưởng mình, họ cho là mình đã bị nhiễm bả tư bản”.

Phạm Ngọc Diệp: “Không lẽ lại như vậy?”

Vũ Ngọc Nhạ: “Chị chưa nghe nói vụ anh A bị đi cải tạo? Vụ chị B bị đánh tư sản? Anh C? Chị D?”

Phạm Ngọc Diệp: “Tôi có nghe, nhưng cứ tưởng là tin đồn.”

Vũ Ngọc Nhạ: “Ngay cả tôi, ngay cả anh Phạm Xuân Ẩn, còn bị nghi ngờ, nói gì đến người khác.”

Phạm Ngọc Diệp sững sờ, cứng họng, không biết nói sao.

Vũ Ngọc Nhạ: “Tôi cũng khuyên anh Vũ Bằng rồi, đừng ra mặt, chỉ có hại.”

Bà Diệp tỉnh ra, tính ngay tới việc thay đổi họ tên, chạy ra khỏi khu đô thị, lên rừng làm rẫy.

*


Hai đoạn thoại ở trên là tưởng tượng, dĩ nhiên, nhưng phải như vậy mới giải thích được tại sao trong mấy chục năm trời bà Diệp lẩn trốn những người đồng chí của mình, chịu thân phận không tên không tuổi, không hộ khẩu không tem phiếu, không được chia sẻ vào “niềm vui đại thắng” mà bà đã góp phần dựng nên.

Khi một người vốn thông minh và dũng cảm lại chịu mất mát nhiều như vậy mà không có lời giải thích nào khác có lý, chỉ còn mỗi một lời giải thích duy nhất: Người đó đã khôn ngoan “bỏ của chạy lấy người”.

*


Nếu nhìn lại lịch sử của nhà cầm quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, không phải một lần mà những người cộng sản đã xử tệ với những người cộng sản khác. Trong thập niên 1950 là vụ Cải cách Ruộng đất, và sau đó là vụ sửa sai. Trong thập niên 1960 là vụ án xét lại. Tới thập niên 1970 chắc hẳn là những vụ mà tới nay vẫn còn chưa tiết lộ – những vụ ghê rợn tới mức một người như bà Diệp còn phải sợ hãi bỏ chạy.

Tiềm ẩn trong quyển Quận chúa biệt động của nhà xuất bản Công an Nhân dân, do đó, là những câu hỏi rất đáng đặt ra về cách đối xử nguy hiểm đáng sợ của những người cộng sản với chính những đồng chí của mình.

© 2008 talawas