trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
1.9.2008
Đỗ Kh.
Đêm cuối cùng ở Bắc Kinh Thế vận
 
Tôi không có chủ ý tẩy chay hay tham gia tham dự tham quan Thế vận hội thứ 29 này tại Bắc Kinh. Môn thể thao ưa thích nhất của tôi là uống bia nhìn mặt trời mọc ở những vùng biển Nam bán cầu khi tôi chưa đi ngủ và thức dậy kịp để được nhìn mặt trời lặn, cho nên với những việc thi đua sức khỏe này tôi hết sức lơ là. Nhưng ở đời, mấy khi được toại nguyện (uống bia nhìn biển) cho nên sự có mặt của tôi tại Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 8 là do hoàn cảnh đưa đẩy vào giờ chót. Tôi và các con đang tạm ở Hàn Quốc, mà vợ tôi (vốn chẳng có thâm thù truyền kiếp gì với dân tộc Đại Hán) lại đang thăm Thượng Hải. Gia đình tôi thì có ý muốn đi Mông Cổ mà tiện lợi và kinh tế nhất là qua ngả Bắc Kinh. Thay vì vợ tôi sang Hán Thành thì bố con tôi sang Bắc Kinh vậy để cả nhà đoàn tụ, bởi đoàn tụ gia đình cũng là một trong những quyền làm người được công nhận bởi Liên hiệp quốc.

Tôi chỉ từng biết Bắc Kinh hai năm trước đây vào một dịp ngắn. Lần này, chào đón chúng tôi là trạm T3 mới toanh của Phi cảng Thủ đô Bắc Kinh, vừa khai mạc vào dịp đầu năm nay (một cách có phần hoành tráng hơn là chuyện khai mạc trạm T5 của phi cảng London Heathrow năm vừa rồi, nếu phải so sánh). Các phi cảng quốc tế, cũng như điện thoại di động, mẫu nào mới nhất là ăn. T3 mới hơn Chep Lap Kok Hương Cảng, mới hơn Pudong Thượng Hải, mới hơn Incheon Hán Thành, mới hơn trạm F Charles de Gaulle Paris, mới hơn Suvarnabhumi Vọng Các. Đâu thì cũng là thép và kính, là khung nhôm và WiFi chằng chịt nhưng T3, chí ít là trong dịp này, phòng vệ sinh có phục vụ đưa khăn đến tận tay của khách như là trong khách sạn 5 sao rưỡi (tôi đoán vậy, vì tại các khách sạn 5 sao tôi cũng không thấy phục vụ tận tình như thế). 100 mét lại có phòng hút thuốc, không có ghế ngồi nhưng có máy hút khói và bật lửa điện (kiểu trên xe con), nhưng chẳng qua là người Trung Hoa hút thuốc lắm và quen hút đứng; ở lối ra chỗ nhận hành lý có phòng thay đồ nhưng chẳng qua là người Trung Hoa thích diện sau 10, 12 tiếng ngồi tàu và trước khi lên xe taxi. Nhưng T3 Bắc Kinh là phi trường đầu tiên trên thế giới tôi được mục kích cảnh mới đến quầy nhận hành lý đã có xe đẩy sắp sẵn cho khách đến, cứ cách hai mét lại có một cái ngay ngắn như chiến xa vào ngày diễn binh quốc khánh 1 tháng 10, và hành lý chạy lên dây quay không bị ném văng vật và chồng chéo mà có ba vị phụ trách đặt cách nhau đều đặn 50 phân, với quai cầm hướng lên trên hoặc ra phía ngoài để cho khách nhận dễ nhấc lên. Cha con tôi nhìn nhau, hay là mình lạc sang Bình Nhưỡng và cảnh va ly nhịp nhàng này là một hoạt cảnh của mass game Arirang của Bắc Triều Tiên? Nhưng hẳn là không phải chúng tôi đang ở Bình Nhưỡng, vì thủ tục nhập cảnh hết sức nhanh chóng và đơn giản, các công an cửa khẩu miệng chúm chím như là sắp sửa cuời duyên và trước mỗi quầy làm thủ tục của mỗi vị có đặt sẵn một máy chấm điểm đề nghị khách nhập cảnh đánh giá việc thi hành công vụ của vị công an này trên bốn nấc, từ “tôi hết sức hài lòng” đến “tôi vô cùng bất mãn”! Đây là chuyện thật mà người Việt như tôi chỉ có thể tưởng như là đang mơ. Khách nhập cảnh Việt Nam, nhìn mặt công an là đã muốn đổi ý, thôi khỏi vào nước này, ta quay ra máy bay còn kịp. Chạy theo Trung Quốc những gì tôi không biết, nhưng nếu cửa khẩu Việt Nam mà có máy chấm điểm công an thì sẽ là một bước tiến nhảy vọt. Tất nhiên, chắc cũng phải đợi năm ba Thế vận hội nữa thì mới có máy để người dân chấm điểm… chính quyền, cái này bốn hay năm năm một lần, người ta gọi là dân chủ đại nghị thì phải.

Nhưng đòi hỏi này hiện nay vẫn còn quá đáng, tạm thời thì vào ngày 24.8, Bắc Kinh ngăn nắp, tươi cười và sạch sẽ, ai nấy có khạc nhổ thì đều khạc nhổ vào các gạt tàn thuốc lá hay là chỗ đựng rác chứ không khạc nhổ xuống sàn (“Xin đừng khạc nhổ lên bàn” là một tấm bảng tôi từng thấy trong một phạn điếm thập niên 60 tại Việt Nam, chính xác là tại Phước Tuy Bà Rịa, ngay chợ cách quốc lộ 50 mét về phía trái, khi đến từ hướng Long Thành). Đâu cũng thấy nhân viên hay là người tình nguyện hướng dẫn Thế vận, theo báo chí thì có đến 1,7 triệu người để phục vụ cho dịp lễ, hẳn là đếm cả các bô lão khu vực và "dân binh" (dân phòng) ngồi khắp phố với áo polo do hãng bia Yanjing tài trợ. Năm mươi bước lại có một nhà vệ sinh công cộng, tuy chưa có bàn cầu xịt nước ấm như là Nhật Bản nhưng đã có máy xối nước bồn tiểu tự động và thật xa vời với một quá khứ hãi hùng của mới một vài năm trước nếu không nói là của (tôi chắc là) năm ngoái. Công an, cảnh sát, an ninh, bảo vệ, trật tự có mặt khắp nơi nhưng đầy một vẻ dễ mến (“Cảnh sát là bạn của dân” là một khẩu hiệu tôi cũng đã từng thấy tại miền Nam trong thời kỳ chiến tranh), trong trường hợp bạn không phất cờ Tây Tạng hay là tập Pháp luân công. Nói đổ đồng, so với World Cup 1998 tại Pháp hay là Thế vận 2004 tại Athens, Thế vận 1984 tại Los Angeles, thì bầu không khí an toàn và thoải mái vượt hơn hẳn, theo kinh nghiệm chủ quan và giới hạn của bản thân tôi.

Đường vào trung tâm không bị tắc, nhờ luật tạm thời bớt lưu thông xe con của tư nhân xuống một nửa, bảng số chẵn mới được ra đường vào ngày chẵn, ngày lẻ dành cho xe bảng số lẻ (vâng, còn bảng số chống chính quyền thì nằm nhà giam, tôi biết, nhưng chẳng lẽ mỗi câu khen tổ chức lại cứ phải nhắc đến tội ác của cộng sản, mất hết một nửa vui). Vì Bắc Kinh hôm nay là một ngày hội, nông dân từ tỉnh lẻ, lao động các phố lên quần áo đẹp hớn hở túa ra đường tràn ngập Wangfujing thanh lịch hay nô nức Thiên An Môn hào nhoáng. Mao sếnh sáng (tiên sinh) thì vẫn đó, nốt ruồi thấy có duyên hơn là thường lệ và các cửa hàng Cartier, Boucheron, Chopard tại khu bách hoá APM gần như là mang một dáng dấp bình dân. Tại hiệu Nike, một gia đình đứng chụp hình lưu niệm trước một chiếc giày Air Force (made in Việt Nam) như là tranh nghệ thuật (và trị giá tương đương, 400 USD một cặp). Đây đó chủ nghĩa Đại Hán được thể hiện bằng áo thun "I love China" trên ngực nam thanh và nữ tú hay quốc kỳ trong tay của em bé, cụ già. Nhưng nói thế thì cũng oan cho Trung Quốc, vì chẳng cần đến Thế vận hay thi đấu thể thao, tại Mỹ vào bất kỳ ngày nào, bất kỳ ở đâu, cũng có thể đếm áo thun "USA", "I love NY" hay "I love LA" nhiều gấp ba và cờ Hoa (Kỳ) nhiều gấp bảy mà không thấy bị phê bình là biểu dương tính cách bá quyền nước lớn, có lẽ bởi vì đây đã được cả thế giới chấp nhận như là một lẽ đương nhiên, trong khi trong trường hợp Bắc Kinh thì có rụt rè vẫn thấy là chướng.

Tôi không mặc áo thun "Beijing 2008" và không cầm cờ giấy năm sao vàng nhưng vẫn hoà được vào dòng người náo nức. Vào giờ bế mạc này Trung Quốc dẫn đầu bảng về huy chương vàng (duy có một huy chương bạc về môn cử tạ thì đừng hòng, đã bị Việt Nam ta đoạt). Đại lộ Đông Trường An trước khách sạn Bắc Kinh bị cản ở bên hông, mấy anh công an phân bua gần như là xin lỗi ấy là vì khách sạn này có nhiều VIP quốc tế đến dự vào ngày cuối. Tôi ngạc nhiên là vì các anh này nói được tiếng Anh, chắc là nhờ một khoá huấn luyện đặc biệt (nhưng theo tôi biết, nói cho công bằng thì kỳ Thế vận thứ 28, không có công an Hy Lạp nào phải trải qua một lớp học tiếng Hoa). Tôi nhìn lên từng bảy từng tám, cố đoán ra là tấm ảnh người thanh niên cản mũi chiến xa năm 1989 là chụp từ cửa sổ của phòng nào. Phòng này ngày hôm nay, có thể là dành cho bà Bộ trưởng Mỹ Elaine Chao ngụ để thay mặt cho chính phủ Hoa Kỳ dự lễ bế mạc? Tôi không biết, ngược lên phía Bắc vài trăm thước, trước cửa hàng bách hoá Haoyu một đám đông tụ tập reo hò. Đây có lẽ là sơ suất kỹ thuật duy nhất của cả Thế vận, màn hình khổng lồ ở tại đây không chịu bật, và reo hò vui vẻ hơn là trách móc của đám đông là "TV! TV!". Màn hình này, made in China và hình như là vừa đúng hết thời gian được bảo đảm, nên mặc reo hò thì vẫn là câm nín và đám đông rã ra để vào bên trong các thương xá xem tường thuật. Đã ngoài 9 giờ tối, vợ tôi bảo thôi cho các con đi ăn vịt quay ở cửa hàng Quanjudie vì Thế vận rồi sẽ rơi vào quên lãng nhưng vịt quay Quanjudie thì cũng như Kim tự tháp (tôi xin lỗi, như Trường thành) mà thách đố thời gian. Bên hông Wangfujing, con ngõ ọp ẹp dẫn vào nhà hàng của hai năm về trước đã được bít, giờ Quanjudie lên năm sáu từng lộng lẫy tôi nhìn không ra. Chẳng may, quán lại đóng cửa vào đúng giờ này, chúng tôi phân vân. Níu áo một công an gần đấy thì ông cho biết, 10 giờ sẽ bắn pháo bông, đứng ở Thiên An Môn sẽ trông thấy. Gia đình tôi đang bàn tán với nhau bằng tiếng Pháp thì một cặp vợ chồng người Pháp đi ngang nghe thấy, họ bảo lấy taxi xuống sân vận động Thế vận vẫn còn kịp, đường vòng đai thứ tư chỉ cách có 15 phút. Vậy là nghe lời xui giục của họ, chúng tôi hối hả quay ngược về Đông Trường An để tìm xe. Ngang đường hầm dẫn xuống tàu điện, tôi thấy một đại đội an ninh sắc phục đang ngồi vật ra mà nghỉ, đang đêm nhưng thời tiết vẫn nóng bức và oi ả khó chịu. Thường thì công an một người thôi trông thấy tôi đã phát rét, nhưng hôm nay một hay hai trăm vừa thở vừa quạt (nhưng không dám phưỡn rốn) tôi lại thấy thương phần công vụ nhọc nhằn của những chiến sĩ này. Nhưng chúng tôi không có thì giờ mà làm má nuôi mang nước đến cho họ, vội đâm vào những con đường tối mà giành giật được một chiếc xe hiếm hoi.

Khu vực ở gần sân tại khu Chiêu Dương này, ngã ba ngã tư nào cũng lúc nhúc người, bình dân và lao động, những mặt mày ngờ nghệch của cả một đời quần quật sáng lên trong phút này một niềm vui háo hức. Chạy vòng ba mặt sân, chiếc xe lại thả chúng tôi đến ngay trước cổng. Nơi đây lại chỉ có một ngàn người đổ lại, đứng ngồi. Phần lớn là gia đình tam tứ đại, trẻ con lăng xăng, thiếu phụ bụng chửa ngồi bệt trên vỉa hè, ông già xắn ống quần chồm hổm phì phà. Vài doanh gia cơ hội chủ nghĩa bán đèn pin chiếu hình Thế vận, cờ quạt hay là đèn đom đóm xanh đỏ chớp nháy nhưng không nhiều. Một chiếc xe lôi kéo theo cả một mô hình sân Thế vận được thiên hạ thi nhau chụp ảnh, đứa con tôi nhận ra một chiếc xe khác từng được lên truyền hình ở Mỹ, được xây dựng theo hình một quả cầu thế giới, thì “Thống nhất cô thế giới/ Thống nhất cô mộng tưởng”, One world/ One dream. Anh chủ xe này nghe đâu ăn ngủ ở trên xe và đạp từ Thượng Hải đến mất mấy tháng trời, giờ hớn hở giương cờ Trung Quốc cho thiên hạ chụp hình. Điều chắc chắn là anh này tự hào và những người chung quanh cũng chia sẻ hãnh diện, một niềm hãnh diện dân tộc hay quốc gia trẻ con nên tôi khó mà gọi đó là Đại Hán hay là lăm le gì đó bá quyền thế giới. Mọi người với gọi nhau vui vẻ, thiếu điều ôm vai bá cổ người lạ (là điều không thông thường chút nào trong văn hoá Trung Hoa), tôi cũng được mấy lần chiếu cố. Tôi trả lời ngon lành bằng tiếng Việt chứ sao, chú Ba ơi và thím Xẩm, tôi không nói được tiếng Phổ thông. Mỗi lần như vậy họ lại nhăn nhở, à anh chỉ nói tiếng Quảng Đông! Vì nếu bạn là người Đông Á, dù có nói tiếng Nhật Bản, Đại Hàn gì đi nữa hay là Tây Tạng thì ở Bắc Kinh họ vẫn cứ tưởng đó là tiếng Quảng. Và đơn giản là nếu tôi người Trung Quốc, tôi cũng sẽ vui niềm vui con trẻ như họ vào hội này, một Bar Mitzvah hay Quinceanera đánh dấu sự "vào đời" của Trung Hoa cùng với thế giới. Nhưng tôi không phải là người Trung Quốc, và nếu có thì cũng chỉ trong vài phút này, lúc pháo bông lần lượt nở rộ trên đầu sân Thế vận. Tôi không phải dân tộc Đại Hán, tôi dân tộc Đại Việt, tôi ghen, tuy đất nước tôi cũng mới vừa chào đón thành công trên một trăm người đẹp rực rỡ của thế giới (chứ không phải là người đẹp Cam Bốt đâu nhé).

Và cho là người Trung Quốc trong cái phút ấy thì tôi cũng chỉ có một nửa, vì ở chỗ tôi đứng bị các cao ốc chung quanh khuất mất hai vòng rưỡi của năm cái vòng Thế vận thăng thiên lúc mọi người nhất loạt cùng "Ồ".

Vậy là gia đình tôi mắc cái mưu thâm độc của ông Tây thực dân bảo hộ, nếu không xuống đây và ở lại tại Thiên An Môn thì đã thấy pháo rõ hơn, giữa một đám đông vài trăm ngàn người hay nửa triệu. Bụng chưa có gì, ở khu vực này thì lại ít hàng quán, đường phố thênh thang, băng qua lộ cũng đã thấy ngại. Pizza Hut lại vừa đóng cửa, giờ lựa chọn là giữa Mc Donald và KFC. Đã không có vịt quay thì thôi ta ăn gà chiên cũng vậy, chưa hẳn là Quanjudie đã ít mỡ hơn là Kentucky. Bên trong cái náo nức của mọi người vẫn chưa hết, một cô chân dài và gót cao quần cộc qua lại, trên làn da trứng gà (hay trứng vịt) bóc của bắp chân vẽ năm cái vòng thế vận, phía đùi trên lên gần đến bẹn dán một cái cờ Trung Quốc năm sao vàng lấp lánh. “Sống trong lòng người đẹp Tô Châu/ Hay là chết bên dòng sông Danube/ Những đêm sáng sao”, đây không phải là lựa chọn. Một ông sao sáng, năm ông sáng sao, cô không mặc áo hở rốn (mô đen thiếu nữ hở rốn chưa bắt sang Trung Quốc, có lẽ vì hở rốn là độc quyền của đàn ông trung niên vén áo mai-ô), không mặc quần xệ (quần xệ lại là mốt của các bà lớn tuổi chồm hổm), chứ biết đâu trên đáy lưng cô đã có hàng chữ “Một thế giới” và trên bụng là hàng “Một giấc mơ”.

*


Quán The Tree Bar nằm tít ở trong cuối một con ngách đâm ra ngõ Nam La Cổ ở Đông Thành nên tương đối yên ả và vắng những khách ồn ào lại qua. Nếu vào dịp Thế vận này nửa triệu (?) người lao động tạm cư ở Bắc Kinh bị chính quyền tạm đuổi về quê để cho khỏi bẩn phố thì từ mấy năm nay, dân cư lâu đời của các hutong gần trung tâm bị kinh tế thị trường vĩnh viễn trục xuất về những khu tập thể lem nhem ở ven đô. Thay vào đó, điển hình là ngõ Nam La Cổ, là các cửa hàng thời thượng, quán nước nghệ sĩ, la liệt những người nước ngoài không còn đeo ba-lô nhưng vẫn còn Lonely Planet và đang chực nâng cấp lên sách hướng dẫn Frommer’s nay mai đây. Ở đây có bán bia Corona, có bán càfê Lavazza espresso (nhưng tôi như thường lệ lại cường điệu, vì Lavazza espresso ở chân Trường Thành Mutienyu còn có bán), ríu rít tiếng Anh. Trong cái oi lơi lả của đêm hè, cạnh nhà trọ trang trí theo kiểu nửa Mãn Thanh, nửa triều Minh và 100% kiểu thời kỳ Hồng Vệ binh, tôi nghe thấy một anh người Mỹ gọi một cô người Pháp “Christine ơi, lại đây ngồi và sống cuộc đời mà em muốn sống!”. Nhưng trở lại The Tree Bar, chúng tôi vào đây vì chỉ có khách người Hoa.

Tôi uống bia Yên Kinh (vì dù sao cũng phải ủng hộ một trong hai hãng bia tài trợ Thế vận 29, nhà tài trợ kia là hãng bia Budweiser), tôi uống bia Yanjing với nhạc sĩ rock Tài Lực và một người bạn Trung Quốc là dịch gỉa Lâm Lân. Anh Lân đang dịch The Naked Lunch của William S. Burroughs sang Hoa văn.

Tôi hỏi, “Dạng này ở Việt Nam bán được 2.000 bản, vậy ở Trung Quốc chắc phải in 20.000?” Lân lắc đầu, “Chẳng biết họ định in bao nhiêu, nhưng 20 là không có, chắc in 10 và bán được 5”. Chúng tôi nói chuyện lan man sang đến Tangier và Paul Bowles, The Red Room và cái biệt thự ông từng ngụ tại Sri Lanka và ngày nay là một nhà trọ. Cô phục vụ xen vào câu chuyện bằng tiếng Anh lưu loát, cô là hoạ sĩ trình bày và quê ở miệt Bắc, Liaoning. Cô này cắt tóc vuông như thời Giang Thanh nhưng lại mang quần cộc, như là Củng Lợi thời cô ta còn là sinh viên Trường Sân khấu nằm cách đây có vài bước (tục truyền Củng Lợi là người nữ đầu tiên ở Bắc Kinh mặc quần cộc ra đường, tất nhiên người nam thì vô khối kể từ đời loạn Đại Bình). Cô phục vụ này mấp mé 1 mét 80, gầy lòng khòng và có lẽ vì ở đây quá khổ nên tuy mới ngoài 20 nhưng đã mang một dáng đứng gù, lưng cong và hai tay dài buông thõng. Ở đây không ai (buồn) nhắc đến Thế vận, như là không có vậy, đây là chuyện của quần chúng nông dân, bình dân và lao động tối mặt tối mày trong những cơ xuởng và vào dịp này ngửng đầu với thế giới hay là của doanh gia business xe con Range Rover rủng rỉnh, không phải là chuyện của chúng tôi đây thành phần nghệ sĩ và trí thức.

Đã ngoài 2 giờ sáng, khi tôi đứng dậy và cô ta hỏi “Sao, vậy thì đêm của anh thế nào?”, vẫn với cái dáng cong cong đứng tựa vào quầy. Tôi nhìn ngang, một chồng sách đặt ở lối vào hờ hững, một quyển bằng Hoa văn nhưng tôi nhận ra tên Michel Foucault bằng mẫu tự La-tinh. Tôi chắc đây là bản dịch của Les mots et les choses nhưng không muốn hỏi, tôi nói tàng:

“Thì cũng như là Trung Quốc vậy, đêm của tôi chỉ vừa mới bắt đầu.”

(Ảnh trong bài của tác giả)

© 2008 talawas