trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
2.9.2008
Kiệt Tấn
Sự đời
Bài 19 (đặc biệt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 

Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!

Phát triển – Tiêu thụ và le lói

DẪN NHẬP

“Sự đời như cái lá đa”! Tuy mới thoáng trông giữa một đêm không “giăng xao” thì nó giống và nó hấp dẫn như cái lá đa, nhưng khi mó vào thì sự đời nó khác hẳn: Nó thiên biến vạn hoá. “Xin đừng mân mó nhựa ra tay!” Nữ Kiều Xuân Hương đã cảnh cáo lũ đực rựa dê xồm như thế í, nhưng rốt cuộc có ngăn cản được ai đâu. Cái lũ mày râu (kể cả cái lũ không có râu để mài) và toàn thể lũ người nói chung, vẫn tiếp tục tự tử dài dài vì cái sự đời, nghĩa bóng cũng như nghĩa không bóng.

Sự đời thoạt sờ thì nó “phành ra ba góc da còn thiếu”, nhưng khi tiến xa hơn nữa thì mới biết “khép lại hai bên thịt vẫn thừa”. Không chỉ vỏn vẹn là cái lá đa, sự đời quả thiệt là một món tạp pín lù vô cùng hấp dẫn. Một cái lẩu thập cẩm của dân nhậu! “Cơm sốt canh nóng, bát đũa sạch sẽ, cả nhà ăn uống ngon miệng, no nê”. Và tất cả mọi người đều hài lòng, dĩ nhiên. Có chết cũng cam chịu. Khi đụng cảnh éo le đổ máu, cải lương về khuya vẫn thường hát: “Dù phải cam thác. Nào ta có than tiếc. Duyên tình chia lìa. Hỡi ai! Nhẫn tâm mà bày ra, mà bày ra?” Tạp pín lù gắp vài đũa, rượu được vài tuần “dô! dô!” thì dân nhậu cũng sướng miệng hát rân: “Kìa có con cóc. Rồi có con nhái. Hai con nầy đương ngồi. Còn con ễnh ương bò bò vô bò bò ra... bò bò vô bò bò ra...”! Bò mệt nghỉ.

Vì sự đời vốn là cái tạp pín lù nên khi viết loạt bài "Sự đời", bần tăng cũng cố gắng bàn xăm đủ hết mọi thứ tiết mục, giống như một cái lẩu thập cẩm, cho bà con ta có đủ hết mọi món để mà thưởng thức tuỳ theo khẩu vị, cho nó đỡ ngán miệng mà nuốt xuống cho trôi. Nhưng nói chung, cho dù Sự đời nó có lâm ly bi đát, nó có “nước mắt nhỏ sa, em lấy khăn mu soa em chặm”, nó có tàn canh gió lạnh cách mấy đi nữa, thì mục đích của bài viết cũng chỉ là để giúp vui văn nghệ. Cũng chỉ là, nói như cụ Tiên Điền Nguyễn Du, “mua vui cũng đặng một vài trống canh”. Canh ở đây phải hiểu là canh trong “canh gà Thọ xương”, diễn nôm tiếng Mẽo là “sích kên súp ốp Thọ xương”, đúng như lời giải thích của một vị cựu dân biểu thời Việt Nam cộng huề trong một chuyến công du thăm viếng xứ sở của phe Đồng minh ta thời chiến.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng bần tăng cũng cảm thấy cần phải bàn xăm thêm đặc biệt về một đề tài nào đó cho nó tới nơi tới chốn. Vì cứ nói sơ sơ “vành ngoài bảy chữ” hoài e bà con ta sẽ bị “bất mãn tình dục”. Dồn nén lâu ngày chỉn e bất tiện trăm bề, chỉ sợ nó biến chứng khôn lường, các đấng “trên răng dưới dế” phe ta sẽ biến hết thành loài quỉ râu (rất) xanh rồi đi phá làng phá xóm, sách nhiễu tình dục lung tung mấy bà nữ quyền thì bỏ mẹ cả đám. Nói tóm: “Quậy!”, và bị chửi tắt bếp. Vì lẽ đó, kể từ nay trong loạt bài Sự đời, thỉnh thoảng bần tăng sẽ cho thêm một “Bài đặc biệt” (kiểu như “Tình khúc không tên”, và cũng không có luôn tuổi) để thanh toán kỹ một đề tài nào đó, cho nó đã ngứa. Lần đầu tiên này, bần tăng sẽ đề cập đến một vấn đề vô cùng thiết thực của bà con ta trong đời sống: vấn đề kinh tế.

Thiệt ra thì đây cũng không phải là lần đầu mà bần tăng bàn về chuyện tiền bạc, cơm áo hằng ngày của mỗi người chúng ta. Bần tăng rất kỵ cái “đỉnh cao trí tuệ” hiu hiu đi mây về gió (cái kiểu “thấy hiu hiu gió thì hay chị về”!) Bởi lẽ cái “đỉnh cao” nó phải nằm trong một cái sọ đầu rỗng tuếch. Sọ đầu nằm trên cổ. Cổ nằm trên thân. Trong thân có phèo phổi ruột gan, và nhứt là có một cái bao tử khìa. Và bên dưới thân có một cái lỗ ỉa vuông vức. “Cogito ergo sum”, “Tôi suy nghĩ vậy tôi có”? Cái đó không chắc lắm. Tuy nhiên, chắc một điều là “nô côgitô” thì còn ỉa được, chớ “nô ỉa” thì vô phương “côgitô”. Vậy thì cái nào mới là ưu tiên? Cái bịnh kinh niên của côgitô là nó đẻ ra hoang tưởng. Và chính đó là nguồn gốc tai hoạ của loài người, rồi từ đó mà truyền nhiễm sang muôn loài khác, và làm ô nhiễm tất cả địa cầu. Thử nghĩ kỹ lại đi: Nếu không có cái “đỉnh cứt” thì liệu cái thằng người nó có le lói ỉa bậy ỉa bạ làm ô nhiễm “nổi” trái đất như hiện nay không? Quá lắm là cũng tới mức nó đem mấy củ khoai xuống ao nước mà rửa trước khi ăn như con khỉ của mấy ông Xoa mu (lai) rai là cùng. Vậy mà nó cứ làm riết tới, càng lúc càng côgitô ra những đống cứt vĩ đại khác nữa! Nếu phải chọn lựa giữa “cogito ergo sum” hoặc “ăn gatô ergo sum“ thì chọn cái nào chắc ăn hơn, ngon lành hơn và an toàn hơn?

Khi nghĩ lại thì cái bịnh “làm bi zi nết”, cái bịnh “làm kinh tế” cũng là cái bịnh đặc thù của loài người, nghĩa là một loại bịnh của côgitô. Ngay giờ phút này, giữa tháng 05.2008, miền Nam Miến Điện bị bão lụt cả trăm ngàn người mất hết nhà cửa cơm ăn áo mặc. Còn vùng Tứ Xuyên của Trung Quốc thì bị động đất cả trăm ngàn người lâm nạn, năm chục ngàn người lớn lẫn con nít bị đè chết liệt địa, đói khát và bịnh dịch đe doạ. Vậy mà đồng thời ở Thụy Sĩ, Liên hiệp quốc cũng báo động một tin chết người không kém: gạo thóc đã biến mất trên khắp thị trường quốc tế. Mạnh ai nấy đầu cơ tích trữ. Nhứt là cái bọn nắm tiền rừng bạc biển trong tay. Sau vụ khủng hoảng tài chánh bất động sản subprime ở Mẽo, thua lỗ hàng ngàn tỉ đô, bọn này chuyển sang đầu cơ nguyên liệu và thực phẩm để gỡ gạc. “Chết sống mặc bây, tiền thầy bỏ túi”. “Bizinết iiizzz bizinết”. Có biết đâu, một trăm ngàn người đói thì còn chận được, một triệu người đói thì may ra còn chận được. Nhưng mười triệu người đói, một trăm triệu người đói, một tỉ người đói thì con người sẽ ăn thịt con người, không thể nào khác hơn được.

Một điều nghịch lý: toàn thể khối lượng thực phẩm mà thế giới sản xuất được hiện nay có thể đủ để nuôi 12 tỉ người (dân số địa cầu là 6,5 tỉ). Nhưng trong 10 kí thực phẩm thì đã có 8 kí dùng để nuôi súc vật và tiêu thụ trong kỹ nghệ (để chế xăng chạy xe hơi chẳng hạn). Một cách cố tình. “Một đứa nhỏ chết đói là một đứa nhỏ bị nhân loại ám sát” (J. Ziegler). Ấy vậy mà bọn giết người vẫn chứng đúng được hành động của mình. Nhờ đâu? Nhờ ở cái “đỉnh (cứt) cao côgitô” dĩ nhiên. Chớ có chửi cư xử như vậy là tàn độc như ác thú. Không! Đó là lối hành xử “đỉnh cứt cao” hết sức đặc biệt của con người. Một lối làm kinh tế “có bộ mặt (rất là) người”, do con người chủ mưu từ đầu đến cuối. Vậy, thử tìm hiểu thêm về cái lối làm bizinết rất là “đỉnh cao côgitô” của con khỉ không lông (như Tình khúc không tên) để nhận diện cái computer đi trên hai cẳng coi coi “nghề ngỗng” của nó ly kỳ tới mức nào.

Bài “Sự đời đặc biệt” này chia làm ba tiết mục. Thứ nhứt, bàn về cái nguy cơ khủng hoảng kinh tế ở Mỹ. Thứ hai, tìm hiểu cái tâm lý đã thúc đẩy con người tiêu thụ một cách xuẩn ngốc. Thứ ba, phân tích liên hệ giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế. Bần tăng không rành về kinh tế gì cho lắm. Vì vậy, chỉ lược dịch lại đây bài viết của các chuyên gia kinh tế thế giới trong tạp chí Alternatives Economiques (AE) của Pháp, các số mới nhất năm 2008.


MỘT: NỀN KINH TẾ MỸ SẼ SỤP ĐỔ?

Tác giả: Anton Brender & Florence Pisani – chuyên gia kinh tế Dexia - AM

Nước Mỹ sắp sửa rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chánh trầm trọng nhứt trong lịch sử của mình? (Thời điểm: năm 2008). Ông Nouriel Roubini, giáo sư kinh tế đại học New York đã loan báo tin này hết sức tin tưởng. Ông còn vạch rõ 12 giai đoạn của cuộc sụp đổ tài chánh đó và tính ra sẽ có hơn ngàn tỉ đô lỗ lã sắp tới của hệ thống tài chánh. Và tệ hại hơn nữa, ông còn chỉ ra 8 lý do khiến cho giới chức Mỹ có nguy cơ bất lực để ngăn chận cuộc khủng hoảng sắp tới (xem bài viết của Martin Wolf: “America’s Economy Risks Mother of all Meltdows” báo Financial Times, số 19 tháng hai 2008). Nghe mà ớn xương sống!

Tuy nhiên, thực tế bắt buộc không thể nào loại trừ một tai hoạ có triển vọng xảy ra với cường độ chưa từng thấy: trong 10 năm vừa qua, nền kinh tế thế giới há chẳng đã tích tụ một khối lượng tài chánh với tầm vóc và bản chất chưa từng thấy trước đây bao giờ? Khi mỗi năm đi vay hàng ngàn tỉ đô để tiêu thụ, các gia đình Mỹ đã cho phép các vùng vượt tiến (régions émergentes) một mặt tích tụ một khối lượng tín dụng tương đương với số nợ trên nền kinh tế Mỹ, và mặt khác gia tăng lợi tức của mình nhanh chóng chưa từng thấy.

Cơ cấu tài chánh cho phép một sự tích tụ khổng lồ như vậy dĩ nhiên là không vững chắc. Khi đưa tiền tiết kiệm của các gia đình Trung Hoa cho gia đình Mỹ tiêu xài, dĩ nhiên là đã tạo ra nhiều rủi ro. Hệ thống tài chánh Mỹ đã nhận lãnh một phần lớn các rủi ro đó. Hơn nữa, các giới chức có trách nhiệm canh chừng lại chọn lựa đường lối khoanh tay “để mặc kệ” (laisser faire). Dưới sức nặng của các rủi ro chồng chất này mà tưởng tượng ra sự sụp đổ của cái hệ thống tài chánh kỳ quặc đó thì chẳng có gì là khó khăn. Vấn đề là thử xem lời tiên đoán về cái tai họa khủng khiếp của N. Roubini sẽ diễn ra y như vậy không.


Một đám cháy bộc phát quá muộn

Thói thường, khi nhận thấy nhiều điềm bất thường thì chắc chắn là ta phải thận trọng. Khi đối đầu với cuộc khủng hoảng tài chánh (subprime) xảy ra đã hơn năm, các giới chức Mỹ, trong một thời gian dài, hình như đã quên lửng những bài học quá khứ. Mà những bài học này thì quá rõ rệt: các cuộc khủng hoảng tài chánh, giống như các đám cháy, càng can thiệp sớm thì càng dễ trị. Điều cốt yếu là phải làm đủ mọi cách để ngăn ngừa nguy cơ suy giảm hoạt động kinh tế rõ rệt. Khi hoạt động suy giảm thì dĩ nhiên các tác nhân mắc nợ khó mà đáp ứng được các điều cam kết. Đứng trước sự suy giảm đó, các chủ nợ chỉ còn một cách duy nhứt là phải hết sức thận trọng. Và nguy cơ suy thoái vì thế mà càng gia tăng.

Thế nhưng, nếu Quỹ Dự trữ liên bang (Fed), từ mùa hè năm ngoái (2007), đã tác động trên thị trường liên ngân hàng để làm giảm bớt căng thẳng, thì Fed đã đợi tới đầu năm nay mới biểu lộ ý định loại trừ nguy cơ suy thoái, vì muốn chống lạm phát. Về phần Ngân khố Mỹ thì lẽ ra đã phải có sáng kiến đặt trước giàn “cửa chắn lửa” (coupe-feux) để ngăn chận cuộc khủng hoảng cháy lan từ căn hộc này qua căn hộc khác của hệ thống tài chánh. Bị tê liệt bởi chủ trương không can thiệp vào công cuộc điều hành tài chánh của tư nhân, Ngân khố Mỹ gần như đã không làm gì hết để giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng lan tràn, mặc dù nó đã biểu lộ ngay từ mùa hè 2007.

Tất cả các căn hộc của hệ thống tín dụng kể từ đây đã bị truyền nhiễm: tiền bảo hiểm rủi ro tăng vọt đối với các xí nghiệp, và ngay cả đối với các nghiệp vụ vay mượn thế chấp cổ truyền (prime); ngoài ra còn ngay cả đối với các công khố quận xã (municipales) vốn xưa nay là chỗ đầu tư tốt nhất của mọi gia đình Mỹ! Vì thế, vào mùa xuân 2008, nguy cơ suy thoái trầm trọng của nền kinh tế Mỹ đã tăng vọt khủng khiếp.


Khả năng đề kháng

Nếu thế, tại sao không coi sự sụp đổ như là chắc chắn? Trước hết, cho tới giờ, nền kinh tế Mỹ đã chứng minh một sức đề kháng lạ lùng: mức tăng trưởng năm 2007 của nó vượt hơn 2%, mặc dù đầu tư nhà cửa, vốn đã sa sút từ mùa hè 2006, lại giảm thêm gần 20%. Nhiều người đã tiên đoán suy thoái vào năm 2007: điều này đã không xảy ra, và còn đáng khen hơn nữa là vì giá dầu hoả đồng thời đã tăng lên gần gấp đôi trong năm. Thế nhưng, trong quá khứ, giá dầu tăng và suy giảm đầu tư nhà cửa luôn luôn làm thoái hoá hoạt động.

Tuy nhiên, cho dù sức đề kháng này có dũng mãnh thế mấy đi nữa thì nó cũng không phải là vô biên: kể từ tháng chạp 2007, các dấu hiệu giảm tốc chồng chất, tới mức hầu như bắt đầu suy thoái thực sự. Khác với năm 2000 (khủng hoảng internet), lần này các xí nghiệp đã biểu lộ các dấu hiệu trì trệ như tương đối ít mắc nợ, không có hàng tồn kho cũng như không có khả năng sản xuất thặng dư. Nhứt là một chương trình kích hoạt (stimulations) đã được biểu quyết trong một thời gian kỷ lục. Khi đem ra áp dụng vào tháng 05.2008, nó sẽ làm tăng lợi tức của các gia đình Mỹ thêm lên hàng trăm tỉ đô: kết quả gia tăng tiêu thụ tương ứng sẽ nâng đỡ hoạt động kinh tế thêm được vài tháng. Nguy cơ suy thoái nhanh chóng nhờ đó mà được giảm bớt: giới chức Mỹ sẽ có được một ít thời gian để củng cố lại toà cao ốc tài chánh mà trên đó các đường nứt to lớn giờ đây đã quá lộ liễu.


Nhà nước phải chữa cháy

Công cuộc củng cố này phải dựa trên sự ổn định thị trường bất động sản vốn là trung tâm của cuộc khủng hoảng. Nếu các cuộc chuyển nhượng và giá cả tiếp tục giảm sút, hơn nữa lại có mòi gia trọng thì những vụ không hoàn trả nổi sẽ tăng thêm và do đó mà hệ thống tài chánh sẽ còn lỗ lã nặng. Đồng thời, khi tài sản bất động bị giảm sút thì các gia đình Mỹ sẽ giảm bớt tiêu thụ và vì thế hoạt động kinh tế sẽ chậm lại và sự trì trệ này sẽ kéo dài thêm ra. Nhưng muốn loại trừ tình trạng giảm sút chuyển nhượng bất động sản thì phải làm thế nào cho các gia đình Mỹ có thể vay tiền với lãi suất hấp dẫn. [...]

Điều này bắt buộc giới chức Mỹ phải đích thân chấp nhận rủi ro tài chánh để dập tắt hoả hoạn. Ngoài ra, giới chức Mỹ cũng phải làm thế nào cho các chủ nợ chấp nhận phần nào các thiệt hại bằng cách xoá bỏ một số nợ cũ, thay vì tiếp tục tịch thu và trục xuất các con nợ. Điều này sẽ làm giảm bớt lỗ lã và giảm bớt áp lực bắt buộc giá cả bất động sản tuột dốc.

Kể từ nay, nếu không được Ngân khố và Quốc hội Mỹ hỗ trợ thì Fed sẽ tương đối bất lực. Fed chỉ có thể tiếp tục giảm bớt lãi suất của mình càng lúc càng lẹ, như đã bắt đầu từ tháng 01.2008. Dĩ nhiên, nếu các gia đình Mỹ không vay nợ được nữa thì các cuộc giảm bớt lãi suất sẽ không tạo được quân bình nhanh chóng; nhưng ít ra, chúng sẽ giúp cho các ngân hàng bù đắp phần nào các khoản lỗ lã của mình (qua sự giảm bớt chi phí trên tài nguyên), và sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tìm lại hứng thú để tiếp tục chơi trò rủi ro.

Tuy nhiên, sự bất lực của Fed cũng không to lớn như người ta tưởng: khi giảm bớt lãi suất thì đồng đô la sẽ giảm giá so với các ngoại tệ khác, nhứt là so với đồng euro của Âu châu. Điều này sẽ giúp cho nền ngoại thương Mỹ duy trì hoạt động tối đa, và sẽ gây thiệt hại cho Âu châu. Nhưng bằng cách đó, nó cũng nhắc nhở cho đồng minh Âu châu nhớ rằng cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu hoá này cũng phần nào là cuộc khủng hoảng của mình.

(AE n° 268, Tháng tư 2008)


HAI : CÁI ĐÓI BẤT TẬN

Tác giả: Guillaume Duvel

Trong các xã hội tiêu thụ hậu hiện đại của chúng ta, cuộc tranh giành để thụ đắc càng lúc càng nhiều của cải và dịch vụ vẫn gay gắt như từ thế kỷ 19, mặc dù các đối tượng giành giựt đã thay đổi sâu xa. Và mặc dù thời đó không có những cuộc thăm dò dư luận, nhưng bảo đảm là con người hiện đại cũng vẫn bất mãn y như là những kẻ khốn cùng mà Karl Marx đã mô tả tại các ngoại ô Luân Đôn hoặc Manchester hồi đầu thế kỷ 19.


Sự ganh đua bắt chước

Ngày xưa, người ta thường nghĩ rằng sự tăng trưởng sẽ đưa tới phồn thịnh, nhưng ý nghĩ này đã dựa trên một quan niệm sai lầm về bản chất con người: nó giả thuyết rằng, trong các hoạt động kinh tế của mình, con người sẽ hành động một cách hợp lý nhằm thoả mãn chủ yếu các nhu cầu cơ bản của thân thể vốn có giới hạn, theo định nghĩa. Thế nhưng, động cơ thúc đẩy thực sự các hoạt động của con người rất khác xa giả thuyết đó, và hơn nữa, xưa nay nó vẫn như vậy thôi. Ngoài việc thoả mãn các nhu cầu của cơ thể, sự đói khát bất tận về mặt tiêu thụ đặc biệt dính liền với một hiện tượng mà triết gia Pháp René Girard đặt ngay tại trung tâm của động lực vận chuyển xã hội từ thời thượng cổ: sự ganh đua bắt chước (la rivalité mimétique). Nghĩa là ham muốn thường trực những gì mà kẻ khác có hoặc mơ ước. Ngày xưa, theo Kinh Thánh, Caïn vì ganh tị mà giết chết em mình là Abel. Thời nay, nhờ phát triển kinh tế và tiền tệ nên con người giải quyết vấn đề ganh tị một cách ít bạo động hơn. (NDT: Chiến tranh kinh tế tài chánh mà không giết chết người như rạ ư? Và nghĩ cho cùng thì bất cứ cuộc chiến tranh tàn sát nào cũng đều do tham lam, ganh tị và giành giựt mà ra hết. Lý do chính trị chỉ là chiêu bài và là một cái cớ).

Một trong những nhà lập thuyết đầu tiên đã hiểu được sự sai lầm trong lập luận của các kinh tế gia về vấn đề tiêu thụ là Thorstein Veblen. Ông là người Mỹ gốc Na Uy sống ở buổi giao thời giữa hai thế kỷ 19 và 20. Vì thế, ông đã chứng kiến sự cất cánh ngoạn mục của nền kinh tế Mỹ đã tạo ra được sự giàu có khổng lồ của một thành phần trong xã hội Mỹ - cũng giống như trường hợp Trung Quốc vọt tiến hiện nay. Nhờ đó, ông hiểu được động cơ cực mạnh thúc đẩy tiêu thụ chính là sự ưa thích “le lói” (l’ostentation), cái ham muốn loè mắt thiên hạ của mọi người. Và hoạt động kinh tế không phải chỉ đơn giản nhằm thoả mãn các nhu cầu căn bản của cơ thể. Hệ quả đi trái ngược với nhãn quan của các kinh tế gia cổ điển, và người ta nhận thấy thường xuyên là khi giá cả của một sản phẩm nào đó càng đắt đỏ thì nhu cầu về nó lại càng gia tăng.

Và cơ chế này không chỉ liên quan tới nhu cầu của các sản phẩm đại xa xỉ của giới giàu sụ. Nó cũng là nền tảng của một hiện tượng rất đáng ngạc nhiên xảy ra thường xuyên ở ngoại ô: giới trẻ thuộc từng lớp nghèo kém nhứt đã dốc hết “xương máu” gia đình mình để mua cho bằng được những loại kiếng mát hiệu “gộc” hoặc những đôi giày có “dấu ấn” (!) riêng, trong khi đó siêu thị bày bán dẫy đầy những kiểu hàng có công dụng tương đương mà giá rẻ hơn rất nhiều.


Sự tích luỹ hủy diệt

Cái lòng đói khát tiêu thụ không thể nào “no thỏa” nổi này là nguyên do trực tiếp đưa tới sự tàn phá khủng khiếp mà con người gây ra trong môi sinh, và hiện nay lên tới mức đe doạ ngay cả sự tồn vong của chính loài người. Chủ nghĩa tư bản rõ rệt đã bành trướng hiện tượng này lên đến tột đỉnh: nó đã xô ngã các hàng rào giai cấp, xoá bỏ các biên giới, cho phép từng lớp nghèo có nơi ăn chốn ở khá tử tế (ít ra là tại các quốc gia mở mang). Khi làm như vậy, nó đã dân chủ hoá mạnh mẽ việc đua đòi tiêu thụ “le lói” và trải rộng lãnh thổ “ganh đua bắt chước” lên khắp xã hội, lên khắp địa cầu. Giờ đây, các công ty đa quốc khai thác triệt để hiện tượng “le lói” và “bắt chước” này để gia tăng thương vụ của mình, nhứt là qua thủ đoạn quảng cáo. [...]

Nhưng hiện tượng tiêu thụ quá trớn và hệ quả tàn phá môi sinh của nó cũng không phải là mới có đây. Nhà khảo cứu Mỹ Jared Diamond đã chứng minh một cách hùng hồn rằng cái ý tưởng về một “người mọi rợ tốt” (le bon sauvage) biết tôn trọng môi sinh là rất xa rời sự thật. Ông đã giải thích như thế nào các thổ dân châu Mỹ đầu tiên đã làm tuyệt chủng nhiều loài thú vì săn giết chúng quá trớn. (NDT: Có lẽ vì lẽ đó mà họ đã dạy cho các thế hệ thổ dân kế tiếp phải biết tôn trọng thiên nhiên chăng?) Và ông cũng giải thích vì sao công cuộc khai thác môi sinh quá trớn đã làm sụp đổ cả vùng Mésopotamie vốn mà chiếc nôi phát sinh của văn minh nhân loại.

Tuy nhiên, những lối hành động sai lầm đó, vốn đã ăn sâu trong bản tánh con người, hiện nay đã đạt tới một tầm vóc thảm hoạ. Chúng được khuếch đại bởi sự gia tăng khủng khiếp nhân số thế giới và bởi các kỹ thuật tinh xảo hiện đang nằm trong tay con người. Các xã hội bất công vô cùng lộ liễu hiện đang có mặt ngay trong lòng các quốc gia mở mang, và nhứt là hiện diện trên khắp cả thế giới giờ đây, chính cái tệ trạng này là mầm mống thúc đẩy con người đua nhau rượt đuổi sự “tích lũy hủy diệt”.

Còn một hy vọng duy nhứt: giờ đây chúng ta đã hiểu rõ các cơ chế xã hội và tâm lý nào vốn là nguồn gốc của những tình trạng bất quân bình vừa nói. Điều này may ra sẽ cho phép chúng ta tiếp tục chiêm ngưỡng cái đẹp và cái vô ích, và đồng thời ngưng hủy diệt ngay chính các điều kiện sống của mình?

(AE n° 267, Tháng ba 2008)


BA : PHÁT TRIỂN VÀ CHỐNG NGHÈO ĐÓI

Tác giả: Gilles Dostaler

Bà Irma Adelman là giáo sư kinh tế tại đại học Berkeley, Mỹ. Trong những hiện tượng liên quan tới tăng trưởng và phát triển, bà đặc biệt nghiên cứu vấn đề phân phối lợi tức và tệ nạn nghèo đói. Theo lý thuyết kinh tế chính thống thì sự tăng trưởng kinh tế sẽ tự động đưa tới giảm nghèo và thu ngắn khoảng cách giữa các lợi tức. Hệ quả của việc phân phối lợi tức là khi kẻ giàu làm giàu thêm thì đương nhiên sẽ có những mảnh vụn rơi rớt xuống vừa đủ để nuôi kẻ nghèo (NDT: kẻ nghèo ăn mót cơm rơi gạo rớt của kẻ giàu).

Trong kết quả khảo cứu ấn hành năm 1973 về các mối liên hệ giữa tăng trưởng và bình đẳng tại các quốc gia đang phát triển, bà Adelman đã cho thấy cái lý thuyết đó là sai bét. Bà cũng đã đi tới kết luận y như vậy trong bản nghiên cứu ấn hành năm 1978 về cách mạng kỹ nghệ tại Nam Hàn. Sự tăng trưởng kinh tế trong trường hợp này hoặc là trong thời kỳ sau đệ nhị thế chiến đều luôn luôn kèm theo, trong những giai đoạn đầu, hiện tượng gia tăng cách biệt lợi tức và sự gia trọng của nghèo đói. Chỉ những sự can thiệp có tính cách chánh trị mới làm chậm lại và lật ngược tiến trình này.

Cần phải phân biệt tăng trưởng và phát triển kinh tế, như Schumpeter đã làm. Tăng trưởng là một tiến trình lượng tính (quantitatif), nó không hề bảo đảm số phận của các quốc gia. Không những nó có thể làm tăng thêm nghèo đói và bất công, mà nó còn cho phép khai thác các tầng lớp yếu kém, hạn chế các tự do chính trị và gây tổn hại cho môi sinh. Trong khi đó, phát triển là một tiến trình phẩm tính (qualitatif). Vì vậy, chính nó phải hướng dẫn tăng trưởng trong công cuộc giải trừ nghèo đói, theo ý kiến của bà Adelman. Vì lẽ đó, trái với chủ trương của thoả hiệp Washington, của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, phân phối lợi tức phải đi trước tăng trưởng, cải cách điền địa phải đi trước tăng trưởng năng suất canh nông, phổ biến giáo dục cấp tiểu học phải đi trước kỹ nghệ hoá. Cái quan niệm cho rằng phải “tạo ra sự giàu có” trước rồi mới đem nó ra phân phối sau là một ảo tưởng rất nguy hiểm.

Dĩ nhiên, cần phải có những thay đổi chính trị triệt để mới có thể đạt được các mục tiêu này. Không phải chỉ cần khuếch trương lãnh vực công hoặc thúc đẩy dân chúng tham gia chính trị là xong. Chỉ có những định chế mới, những chính sách mới, một sự phát triển “của nhân dân, bởi nhân dân và cho nhân dân” mới có thể chấm dứt nghèo đói và thiết lập công bằng xã hội. Đối diện với nguy cơ mà các biến chuyển gần đây tạo ra cho thế giới, cần phải tìm ra một con đường giữa cam chịu và cách mạng: một chủ nghĩa xã hội thị trường hoặc một chủ nghĩa tư bản cải cách sâu xa.

Bà Irma Adelman đã thú nhận sự bi quan của mình qua các bài viết gần đây. Tình trạng hiện nay đã trở nên càng trầm trọng thêm nữa xuyên qua các cuộc khủng hoảng tài chánh được tạo ra bởi sự giải toả hối suất và việc bãi bỏ luật lệ điều hành các chuyển động tư bản. Bởi lẽ những sự thay đổi này khiến cho các quốc gia bị cướp mất quyền tự chủ tài chánh vốn rất thiết yếu cho công cuộc theo đuổi các chính sách phát triển của mình.

(AE n° 267, Tháng ba 2008)

Khủng hoảng, tiêu thụ và phát triển là ba đề tài cứ trở đi trở lại hoài trong nền kinh tế hiện đại: Đề tài một cho thấy đưa tiền cho nhà giàu vay để tiêu thụ là làm chuyện phiêu lưu văn nghệ, mà không cho dân Mỹ mượn tiền để mua sắm cũng sẽ có nguy cơ khủng hoảng lớn làm liên lụy cả thế giới. Mới biết tiêu thụ là một thứ nghiện ngập cũng giống như là ghiền ma túy. Không phải chỉ trong một sớm một chiều mà bỏ dứt được. Lạng quạng bỏ “choác” bất tử thì nó sẽ hành cho mà chết luôn... cả đám! Nhưng cứ đua nhau mà tiêu thụ ào ào thì trái đất này sẽ sập tiệm vì ô nhiễm, nghĩa là cũng bỏ mẹ... cả đám! Bà con ta mới tính sao đây? Xin cho biết để bần tăng mừng, yêu đời hơn, để tóc mọc trở lại và đi cưới vợ mới, còn “nhí” nheo nhẻo!

Nhưng nói tiêu thụ không hẳn là nói chuyện hợp lý. Bài hai cho thấy người ta đi shopping không phải chỉ để mua cơm ăn áo mặc cho vừa đủ no thân ấm cật. Khi có tiền rủng rỉnh thì người ta lật đật chạy đi mua sắm những thứ gồ ghề và có dấu ấn (!) để “le lói” với thiên hạ. Trong Sự đời bần tăng cũng đã có dịp phát biểu là nhu cầu thiết yếu cho đời sống và sức hưởng thụ của mỗi người rất là có giới hạn. Chẳng hạn như nói về tứ khoái ăn, ngủ, “đê”, ỉa: không một ai có thể ăn đều đều bốn bữa thịnh soạn trong một ngày, ngủ cùng lúc trên hai cái giường bự lớn cẩn vàng và hột xoàn mỗi đêm, “đê” đều đều hai em thơm phức hai lần mỗi tối, ỉa bốn lần bốn đống vĩ đại mỗi bữa - trừ phi ỉa bằng cái “đỉnh cứt trí tuệ” hiu hiu bự xộn, vì ỉa kiểu này thì là ỉa... mệt nghỉ! Bởi lẽ đó, bần tăng vẫn hằng tin rằng phần lớn con người rượt đuổi theo những nhu cầu giả dối và mua sắm những thứ hoàn toàn không cần thiết cho đời sống hằng ngày. Để làm gì? Thì để “le lói” với thiên hạ! Hỏi cái gì mà lãng nhách! Anhđượcxítten? Comppờrenđô? Cứ thử nhìn vào cái đời sống để mà shopping và mua sắm những loại đồ vật nhằm mục tiêu “show up”, như nhà cửa cao cấp, xe cộ gồ ghề, nữ trang le lói, quần áo “dấu ấn”, giày dép hoa hoè hoa sói mà kiều bào Á nàm dành ta đua đòi ở cái xứ Mẽo phồn vinh của Bush con thì thấy liền. Bần tăng có thằng bạn đại cù lần nằm vùng lâu năm ở Cali. Bạn ta ngoan cố phản động không chịu chạy marathon kiểu đó cho theo kịp đồng bào cật ruột nên bị phe ta liếc xéo và nói xỏ xiên riết nên đành phải di tản chiến thuật đi chỗ khác chơi. Cho khuất mắt “Việt kiều yêu nước... Mẽo” ở xóm mình. Như một con chó ghẻ!

Đề tài ba cho thấy mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển và phân phối lợi tức. Trong thống kê kinh tế, có hai con số đứng hàng đầu: nội sản thô (PIB) và tăng trưởng. Tăng trưởng đại khái có nghĩa là giàu thêm. Nhưng ai giàu, vấn đề là ở chỗ đó. Lần trước, khi bàn về khủng hoảng bất động sản subprime ở Mỹ, bần tăng có phân tích hiện tượng “toàn cầu hoá” đã đẻ ra nền tư bản tài chánh hiện nay, lấy TIỀN làm cứu cánh. Từ đó nảy sinh hai hệ lụy: bất ổn và bất công. Bất ổn là khủng hoảng kinh tế tài chánh liên miên. Bất công là phân phối lợi tức hết sức chênh lệch, kẻ giàu thì càng giàu thêm khủng khiếp liên tục, người nghèo thì càng nghèo thêm sặc máu dài dài. Lịch sử đã từng cho thấy một tình trạng bất công như vậy sẽ đưa tới chiến tranh, bạo động và cách mạng. Mọi người và nhứt là bà con ta đã từng thưởng thức cái món cách mạng vô sản Mác Lê nên đã quá biết nó mặn ngọt như thế nào rồi. Trên nguyên tắc, cách mạng vô sản là để giải phóng và nâng cao mức sống của dân nghèo mạt rệp “trên răng dưới dế”. Thế nhưng trên thực tế, sau khi cách mạng thành công thì những kẻ vô sản “cách mạng chí cốt” nhảy lên nắm chính quyền và bắt đầu tham nhũng vô cùng hồ hởi (hỡi Hồ!). Một khi đã nếm mùi tiền và thấy nó ngọt sớt thơm phức không chịu nổi rồi thì đâm ra mê mẩn, ham hố và ghiền nó như ghiền ma túy. Cái bọn này ra tay bóc lột nhân dân kỹ hơn ai hết. Khi trước, tư bản chỉ mới lột có cái áo. Giờ đây cộng sản lột tuốt luôn cái quần, tịch thâu luôn đất đai, thắt cổ luôn cái bị gạo. Kinh nghiệm xương máu về cộng sản thời chiến tranh lạnh sau Đệ nhị Thế chiến vẫn còn chưa dứt nọc độc. Hiện nay, cái hội chợ tham nhũng ở bốn nước cộng sản anh em “đổi mới” còn sót lại: Trung Quốc (vô Mao), Cu Ba (Cu má), Việt Nam (hậu Hồ), Bắc Hàn (cao thủ Kim Dung) vẫn đang tiếp tục diễn ra sờ sờ trước mắt đó. Sự chênh lệch lợi tức giữa giàu và nghèo tại bốn nước “hậu hiện đại” này thiệt là vô cùng khủng khiếp, và càng lúc càng sâu rộng. Bây giờ về xứ ta hỏi khơi khơi ai giàu nhứt thì từ bà già lẩm cẩm chống gậy cho tới thằng con nít ke ở truồng lòi rún đều tự động đáp liền một cái rụp: “Cán bộ!”. “Các em nên lấy đó làm gương mà giữ (cửa) mình!”

Nói tăng trưởng thì phải tăng sản xuất và tăng tiêu thụ. Để hốt phiếu, đảng cầm quyền nào cũng hô hào tăng trưởng – cũng vì lẽ đó mà Bush con không chịu ký thoả ước Kyoto nhằm giảm đốt dầu hoả (giảm hoạt động kỹ nghệ) để giảm xả hơi độc làm nóng địa cầu. Tăng trưởng đã được loài người nâng lên hàng “Tôn giáo”, y chang như “Tôn giáo Tiền” và “Tôn giáo Tiêu thụ”. Hai ba thế kỷ trước, loài người tương đối còn ít ỏi, hoạt động kinh tế không mãnh liệt, trái đất còn đủ sức cung cấp cho loài người tăng trưởng kinh tế. Nhưng tới đầu thế kỷ 21 này thì trái đất bị con người bóc lột cạn kiệt, khí hậu trở nên hỗn loạn và nhứt là nạn ô nhiễm sắp giết chết mọi loài. Cái loài có “đỉnh cứt trí tuệ” không thể nào cứ đòi hỏi được tiếp tục tăng trưởng kinh tế, tiếp tục tăng trưởng tiêu thụ, tiếp tục bóc lột trái đất hoài hoài được. Đó là cách tự tử tốt nhứt và lẹ nhứt – cho các thế hệ con cháu, dĩ nhiên. Giả thử 1 tỉ 330 triệu ông Ba tàu, 1 tỉ 130 triệu ông Chà và, và nói chung hết thẩy 6 tỉ 500 triệu “đỉnh cao hai cẳng” đều tiêu thụ ào ào thực phẩm, quần áo, nước nôi, rượu mạnh, thuốc lá, ma túy, son phấn, keo xịt tóc, nhà cửa, xe cộ, xăng nhớt, sắt thép, đồng nhôm, hambơgơ, xanhgum, klinéc, quảng cáo, giải trí, xì líp, nịt vú, răng giả, móng giả, vú giả... y hịch như dân Mẽo hết thì nhân loại sẽ bắt buộc phải cử Tề thiên đại thánh xách thiết bảng lên đánh Trời một lần nữa để đòi thêm 10 trái đất mới toanh khác đem về cho loài “đỉnh cứt” tàn phá banh xà rông, và giải quyết thêm gấp 10 lần nạn khủng hoảng kinh tế, gấp 10 lần nạn ô nhiễm. Và nhứt là gây thêm 20 lần thế chiến, liệng thêm 20 trái bom nguyên tử, bắn thêm... ném thêm... giết thêm... Mệt quá! Mệt quá!... Bà con làm ơn làm phước cho bần tăng xin chút nước lạnh có dấu ấn, 10 viên thuốc nhức đầu cao cấp và một cái mền hoành tráng để bần tăng rút sâu xuống địa đạo Củ Chi oai hùng của dân tộc vô địch của ta mà nằm vùng với em bé hậu phương thơm phức cho thiệt kỹ.

Tuy nhiên, “nói gần nói xa không qua nói thiệt”. Xuyên qua ba đề tài kinh tế đã bàn ở trên, bà con ta thấy gì? Có thấy lòng tham không đáy của cái loài khỉ đi trên hai cẳng, không có lông nhưng có cái “đỉnh cứt trí tuệ” le lói rất bự trong đầu?

© 2008 talawas