trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
11.12.2003
N. Xu
talawas có thực sự hướng đến cộng đồng không?
 
Trong bài viết này tác giả N. Xu trực tiếp đặt ra một số câu hỏi với talawas: sự thiết thực và tính thực tiễn của các tranh luận trí thức, tính mục đích của một diễn đàn trong công luận, sự khách quan và trung lập của báo chí, v.v.

talawas sẽ có hồi âm trong thời gian sớm nhất cho phép, song đây cũng là những câu hỏi đặt ra cho các tác giả tham gia và các độc giả theo dõi diễn đàn này. Mong nhận được đóng góp của quý vị và các bạn.
talawas
Đọc bài trên talawas mấy tháng gần đây tôi thấy băn khoăn quá. talawas không phải là diễn đàn lớn, cũng chưa phải là diễn đàn cao cấp, vậy mà bài viết đăng trên talawas đã sặc mùi học thuật, tranh luận thì vô cùng phức tạp, các bài phân tích bình luận có rất nhiều tìm tòi công phu ... Chỉ một mảnh trời talawas con con mà đã có bao nhiêu vì sao lấp lánh, bầu trời cả nước có lẽ đếm không hết nhân tài. Vậy sao nước mình cứ nghèo và lạc hậu?

Tôi không biết ngày xửa ngày xửa các nền văn minh Hy La, Ai Cập hay Trung Hoa đóng vai trò như thế nào cho nền văn minh nhân loại. Nhưng tôi thấy văn minh phương tây hiện nay có vai trò rất lớn trong việc dẫn dắt thế giới trong nhiều lĩnh vực. Bằng chứng là tôi đang viết bài này bằng máy tính chạy hệ điều hành của Mỹ, bài viết xong sẽ gửi cho một diễn đàn internet được host ở Đức, và nếu bài này may mắn được đăng thì bạn đọc ở rất nhiều nơi trên thế giới có thể đọc được nó bằng tiếng Việt sử dụng unicode font.

Sao các nhân tài nước Việt nói riêng và Châu Á nói chung không làm được những việc mà nhân tài phương tây đã và đang làm được cho nhân loại nhỉ.

Tại sao những ngôi sao văn học kiểu như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài nổi đình đám trong nước nhưng bước chân ra ngoài biên giới lại gần là số không nhỉ? Tiếng Việt ít người biết chăng? Nếu chỉ là do rào cản ngôn ngữ thì các nhạc sĩ danh tiếng của Việt nam đã bao nhiêu người nổi tiếng trên thế giới (ngoại một album của Trịnh Công Sơn đã thành công ở Nhật).

Tôi hay thấy người ta nói "Xã hội phương tây khuyến khích phát triển tự do cá nhân còn xã hội phương đông phát triển theo hướng cộng đồng. Điều này dẫn đến cá nhân ở phương tây dễ phát triển đến đỉnh cao hơn ở phương đông, ngược sức mạnh cộng đồng ở phương đông mạnh hơn ở phương tây nhiều"

Thế thì tại sao các vĩ nhân phương tây làm ra được những tác phẩm vĩ đại không chỉ được cộng đồng bản xứ của họ mà cả thế giới ngưỡng mộ. Tại sao tác phẩm của Einstein và Freud làm thay đổi nền tảng khoa học của nhân loại. Tại sao nhạc của Beethoven (đã chết từ lâu lắm rồi), của Beatles (rã nhóm từ năm 70) vẫn được cả thế giới nghe. Tại sao bao nhiêu người say mê Mark Twain (đã khuất bóng từ lâu) đến thế. Và ngược lại đã bao nhiêu người trong nước mê Nguyễn Huy Thiệp (có thể thay tên Phạm Thị Hoài, Bùi Giáng, ... vào đây), theo thời gian số lượng fan trung thành của Nguyễn Huy Thiệp tăng lên hay giảm đi, và bao nhiêu "thằng Tây, con Tây" đã đọc và thích Nguyễn Huy Thiệp?

Có phải xã hội phương tây khuyến khích cá nhân phát triển hết cỡ và mỗi cá nhân đã thực sự phát triển tự do theo thiên hướng sáng tạo của mình nhưng luôn hướng về phục vụ cộng đồng. Vì lý do này mà các sản phẩm trí tuệ phương tây dù cao siêu đến mấy cũng cũng có thể tiếp cận được. Và người tiếp cận dù ở tầng lớp nào hay thế hệ nào cũng có thể tự mình thấy ít nhiều cái tinh hoa của tác phẩm mà mình đang tiếp cận.

Có phải xã hội phương đông không khuyến khích phát triển cá nhân mà thay vào đó là định hướng cộng đồng ngay từ trước khi cá nhân có ý định sáng tạo cho nên sự phát triển cá nhân chỉ dần dà chỉ đi theo một con đường duy nhất là tự hoàn thiện mình trong môi trường hẹp. Sự tự hoàn thiện mình nhìn theo khía cạnh tiêu cực tức là biến mình thành một kẻ xa rời cộng đồng, bị cô lập về tư duy sáng tạo.. Các vĩ nhân phương đông thường được nhìn nhận như một người rất cao siêu khó hiểu. Nói hay viết ra một câu mà cả ngàn đời sau vẫn không ai hiểu, hoặc thậm chí mỗi người hiểu một kiểu, nhưng tất cả đều đồng ý với nhau rằng những câu viết hay lời nói đấy quả là cao siêu và đầy ý nghĩa (điều này cực kỳ nguy hiểm). Sản phẩm trí tuệ chính vì vậy ít mang ý nghĩa xã hội hoặc biến hóa theo kiểu mị dân kiểu Khổng Tử (biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết, vậy là biết đấy). Kết quả đáng buồn là người Châu Á nói chung và người Việt nói riêng rất thích chạy theo những sản phẩm trí tuệ khó hiểu và có giá trị xã hội rất mơ hồ, rất thích thần tượng những người kiểu triết gia ăn nói mơ hồ đa nghĩa.

Có thể lấy một ví dụ rất điển hình là những ca khúc được yêu thích nhất của Trịnh Công Sơn lại chính là những ca khúc rất khó hiểu trong khi những ca khúc mang tính xã hội cao của ông lại không nằm trong lòng công chúng nhiều lắm. Hơi nghịch lý, nhưng lại là sự thực. Đây chính là lý do mà Trịnh Công Sơn, được coi là nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc hiện đại Việtnam, cũng chỉ một lần thành công ở nước ngoài. Để giải thích cho việc này không còn lý do nào khác ngoài việc chính đồng bào của Trịnh Công Sơn còn không biết ông muốn diễn đạt điều gì nữa là người nước ngoài.

Có thể lấy một ví dụ nữa là Nguyễn Huy Thiệp (có thể lắp tên Phạm Thị Hoài, Bùi Giáng ... thay vào tên Nguyễn Huy Thiệp). Nếu hỏi một người hâm mộ văn của Nguyễn Huy Thiệp, nhất là người đó lại là dân phê bình văn học, về các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp thì chắc chắn sẽ được nghe những lời ca ngợi hào nhóang về tính đa nghĩa và triết lý sâu sắc trong từng tác phẩm. Nhưng nếu hỏi tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp có tác động như thế nào đến đời sống văn học, nền văn học Việt nam ở thời điểm chúng ra đời, ở thời điểm hiện tại, và trong tương lai thì chắc chắn câu trả lời cũng sẽ mơ hồ như tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Hơn nữa nếu hỏi về tác động xã hội của tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp thì chắc chắn câu trả lời sẽ là tịt ngóm. Tịt là cái chắc vì rất ít, rất ít các bạn trẻ trong nước dưới 24 tuổi đọc các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp.

Quay trở lại diễn đàn talawas.

Gần đây có một vụ tranh luận khá vui về việc dịch My last tiger từ Anh qua Việt. talawas có vẻ thiên vị tác giả của bản dịch khi đăng khá nhiều bài ủng hộ trên diễn đàn chính còn những ý kiến chê bai thì giấu vào mục thư độc giả. Tôi không biết cách phê bình văn học dịch nhưng tôi biết chắc muốn dịch từ ngôn ngữ A qua ngôn ngữ B thì phải giỏi ngôn ngữ B (mà tốt nhất là giỏi cả hai). Tức là dịch Việt-Anh thì phải giỏi Anh, còn dịch Anh-Việt thì phải giỏi Việt. Nói như thế không có nghĩa là những người Việt giỏi tiếng Anh đều có thể dịch được Anh-Việt. Nếu tác giả Thường Quán dịch My last tiger cho chính mình, hoặc là dịch theo kiểu thử nghiệm cho một cộng đồng nhỏ thì Thường Quán thích dịch sao cũng được. Nhưng nếu Thường Quán muốn dịch một bài thơ của một tác giả nổi tiếng, qua tiếng Việt, để phục vụ rất nhiều bạn đọc người Việt thì bản dịch đó phải: đúng (so với bản tiếng Anh), có thể hiểu được (bằng tiếng Việt) và hay (có tính văn học). Bản dịch của Thường Quán thực chất đã sai (so với bản tiếng Anh) nên không cần tranh luận nhiều về hai tiêu chí sau. Bản dịch của Thường Quán lẽ ra nên coi là một tác phẩm phóng tác Borges theo phong cách Bùi Giáng. Những người ủng hộ Thường Quán chính là những người khoái trò triết lý đa nghĩa mù mờ và làm rối óc bạn đọc của talawas bằng những lập luận khó hiểu. Nếu Thường Quán (và những người ủng hộ) nghĩ đến cộng đồng thì sẽ chẳng bao giờ có vụ tranh luận vớ vẩn như vừa qua.

Nếu moderator của talawas muốn đây là một diễn đàn có ích cho xã hội, hoặc ít ra là có ích cho cộng đồng bạn đọc theo đúng như tiêu chí của talawas "chuyển tải thành tựu văn hóa thế giới và những thảo luận thời sự của trí thức quốc tế vào các tương quan Việt Nam ... là điểm gặp và cọ xát giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ khác" thì vụ tranh luận về bản dịch của Thường Quán đã đi lệch khỏi tiêu chí này.

Các bài viết có tính học thuật trên talawas thường có nhiều tìm tòi phân tích sâu sắc nhưng tính thực tiễn thì rất lờ mờ (cái này là bệnh chung của Việt nam, mỗi năm có không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu cấp quốc gia nhưng rất ít công trình có giá trị thực tế). Thế nhưng: đừng bao giờ reo vào đầu bạn đọc những hy vọng mơ hồ.

Xin lấy một ví dụ: Phạm Thị Hoài kêu gọi thành lập một giải thưởng mang tên Bùi Giáng. Bỏ qua vấn đề cái tâm của Phạm Thị Hoài với Bùi Giáng cũng như ý định tốt đẹp đối với giới cầm bút thì tính thực tế của giải thưởng này ở đâu? Giải thưởng này sẽ có ý nghĩa tài chính hay tinh thần? Hay cả hai? Nếu là giải thưởng lớn về tài chính thì việc gây quỹ cho giải thưởng sẽ như thế nào, khi gây được quỹ rồi thì ai quản trị quỹ đấy cho nó sinh sôi nảy nở hoặc chí ít là không bị tiêu xài lãng phí. Ai sẽ là người tham gia chấm giải Bùi Giáng, và tác giả hoặc tác phẩm như thế nào sẽ được trao giải. Kế hoạch hành động để biến ý tưởng của Phạm Thị Hoài thành sự thực là gì? Nếu giải thưởng chỉ có ý nghĩa tinh thần thì thành phần ban giám khảo và tiêu chí trao giải sẽ như thế nào để người nhận giải sẽ run lên vì hạnh phúc. Các độc giả khi nghe đến giải Bùi Giáng có biết Bùi Giáng là ai không, có đọc tác phẩm của Bùi Giáng không, và nếu đọc thì có hiểu không?

Trả lời các câu hỏi trên không dễ. Vì câu hỏi gốc "Phạm Thị Hoài có nghĩ đến cộng đồng (giới viết văn và giới đọc văn) không khi kêu gọi thành lập giải thưởng Bùi Giáng" cũng là câu hỏi không dễ trả lời.
Internet là một công cụ tốt để các cộng đồng khác nhau tiếp cận nhau, những con người khác nhau tiếp cận nhau, các mạch văn hóa khác nhau hòa vào nhau ... (có thể kể không hết ngày về lợi ích của Internet). Thế nhưng để một diễn đàn trên internet (ví dụ như talawas) mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng không phải là dễ. Nếu moderator của talawas và những người tham gia diễn đàn này không thực sự hướng đến cộng đồng thì rốt cục đây cũng chỉ là một loại báo tường mà thôi.

*

Từ thời điểm tôi viết bài này (lúc chưa được post) đến nay đã có thêm rất nhiều bài viết quanh chuyện Mãnh Cọp của Thường Quán. Tôi không biết sẽ còn bao nhiêu bài viết về câu chuyện con cọp này nữa nhưng xin các vị đã viết bài và sẽ biết bài bênh cọp cũng như chê cọp nên đọc lại những bài viết về việc dịch Hegel ra tiếng Việt (Phan Ngọc, Phạm Thị Hoài, Phạm Việt Vinh). Tôi tin chắc là các bài viết đấy sẽ bổ ích cho các vị đấy.

Tôi không biết tiếng Đức, cũng không biết mấy về ông Hegel lẫn ông Phan Ngọc nhưng tôi biết dịch tác phẩm của một trí thức lớn như Hegel (nhất là tác phẩm gốc không phải do tác giả viết ra mà do người khác tuyển lọc từ các bài giảng của ông) ra tiếng Việt (là tiếng của một nước Á Đông không có truyền thống triết học) không phải là việc dễ. Chưa kể còn phải dịch qua một ngôn ngữ trung gian. Tôi là con nít mới biết chữ còn thấy được khó khăn như vậy thì Phan Ngọc phải thấy hơn tôi nhiều lần. Chắc chắn trước khi Phan Ngọc bắt tay vào công việc khó nhọc là dịch Mỹ học của Hegel ông cũng biết bản dịch của mình dù cố gắng đến mấy cũng không thể hoàn thiện được cũng như sẽ phải nghe những lời thị phi. Nhưng cuối cùng Phan Ngọc vẫn dũng cảm dịch và đã dịch xong. Đó là vì Phan Ngọc không nghĩ đến bản thân mình, không nghĩ đến danh, không nghĩ đến lợi. Ông chỉ nghĩ đến những người Việt Nam muốn đọc Hegel mà thiệt thòi không biết ngoại ngữ (mà kể cả biết ngoại ngữ đọc cũng chưa chắc đã hiểu). Ông nghĩ đến những dịch giả khác có thể dịch hay hơn ông những quá bận chưa thể dịch Hegel được, vậy thì ông bỏ công ra dịch trước, coi như khai phá mở đường để những dịch giả tiếp sau nếu có dịch lại Mỹ học cho hay hơn, đúng hơn, sẽ bớt vất vả hơn. Công việc (dịch Hegel) của Phan Ngọc giống như một ông giáo làng chăm chỉ thu thập kiến thức mới (đối với người dân trong làng của ông) rồi dạy lại cho trẻ con (và cả người lớn nữa) trong cái làng ấy bằng ngôn ngữ mà dân làng có thể hiểu được. Đối với các ông trí thức khác trong làng thì cách truyền đạt và ngôn ngữ của ông giáo làng có thể không hay, thậm chí sai, nhưng họ không được lấy những cái sai đó ra để phủ nhận giá trị công việc của ông giáo làng cũng như để mỉa mai rằng ông giáo làng dốt nát.

Bài viết của Phan Ngọc để trả lời Phạm Thị Hoài theo tôi có thể đưa vào sách giáo khoa đạo đức dành cho người lớn. Ông biết cách dừng lại một cách lịch sự: "Việc hiểu Hegel cho đúng quả là rất vất vả và phải có chân truyền, nếu không chỉ cãi lộn nhau mãi mà thôi" đồng thời trách nhẹ Phạm Thị Hoài mới chỉ thấy cây mà tưởng như đã thấy rừng "chị là người đầu tiên (theo tôi biết?) đã cho rằng chỉ cần biết tiếng Ðức thông thường là hiểu được Hegel"

Là một diễn đàn trung hoà (neutral) nhưng không có nghĩa talawas được thực hiện sự trung hòa đó bằng cách post mọi bài viết. Việc đăng bài của Phạm Việt Vinh sau khi Phan Ngọc trả lời Phạm Thị Hoài là một động tác đáng trách. Nó làm mất tính trung hòa vì chất lượng bài viết của Phạm Việt Vinh quá kém. Một bài viết kém tự nó sẽ mất tính khách quan. Đăng một bài phê bình có lý luận kém là tự mình đánh mất đi tính khách quan của mình đấy talawas ạ (tiêu chí và chất lượng nó liên quan đến nhau ở chố đấy đấy).

Quay lại với ông Mãnh Cọp Thường Quán. Nếu Mãnh Cọp của Thường Quán không phải là một bản dịch thì nó rất hay, và tôi sẵn sàng "cảm" bài thơ này cùng với ông Đỗ Kh. Nhưng nếu nó là bản dịch thì tôi sẽ hơi nghi ngờ vì sao Borges làm thơ giống Bùi Giáng thế. Nếu dịch một bài thơ chỉ vì sĩ gái hay lấy le với anh em nghệ sĩ thì xin mời ông Thường Quán dịch kiểu gì cũng được. Nhưng nếu ông muốn lấy le với cả những trí thức nho nhỏ như bọn tôi (rất là đông đấy) thì ông nên dịch kỹ hơn. Bản dịch Mỹ học của Phan Ngọc nếu có dở thì vẫn có ích cho nền học thuật nước nhà vì nó là viên gạch Hegel đầu tiên, còn bản dịch Mãnh Cọp nếu có hay thì cũng chỉ làm vui tai cá nhân ông và một nhóm nhỏ ủng hộ viên của ông thôi.

© 2003 talawas