trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
26.9.2008
Tưởng Năng Tiến
Buộc cẳng chim trời
 
The “world wide web” is not a conspiracy of spiders.
Khuyết danh

Trong mục Ý kiến ngắn trên diễn đàn talawas, vào ngày 9 tháng 9 năm 2008, ông Phan Hoàng Sơn phát biểu như sau: “Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ phức tạp nhất của thế kỷ vừa qua. Hai chiến tuyến được thành lập để công kích và ca ngợi ông, mặc dù cả hai bên đều yêu mến các tình ca của ông.”

Vụ thiên hạ thành lập chiến tuyến “để công kích và ca ngợi Trịnh Công Sơn” ra sao, nếu có, để đó, bữa nào rảnh, tính sau. Nhưng chuyện cả nước đều yêu nhạc của đương sự là một sự kiện hoàn toàn khách quan. Muốn bài bác hay nói ra (e) hơi khó. Mà nói vô thì (nghe) có vẻ xu thời.

Còn nói tình ngay thì tui hoàn toàn không hề có ý bài bác, cà khịa, nói ra (hay nói vô) gì ráo. Tiện đây, tui chỉ muốn nói (thêm) rằng họ Trịnh không chỉ có tài mà còn có... thời nữa kìa. Ổng không những đã hay mà còn... hên (dữ) lắm!

Ngay sau khi đương sự vừa xuất hiện (trong những buổi sinh hoạt văn nghệ bỏ túi, giản dị với chiếc đàn guitar, trầm lắng bên cạnh Khánh Ly), mấy cái máy Akai cồng kềnh cũng – theo chân nguời Mỹ – tràn vào nước Việt, mang sáng tác của Trịnh Công Sơn đến mọi hang cùng ngõ hẻm ở miền Nam.

Rồi đất nước thống nhất. Trong lúc bộ đội và dân chúng miền Bắc ào ạt vào Nam, âm nhạc của Trịnh Công Sơn lặng lẽ đi chiều ngược lại – từ Nam ra Bắc. Và ông đã chinh phục được luôn số thính giả của nửa phần quê hương còn lại.

Trịnh Công Sơn tài ba (thấy rõ) nên được rất nhiều người coi là niềm hãnh diện của dân tộc Việt. Tôi, tiếc thay, không có cái may mắn được chia sẻ niềm hãnh diện này – như “rất nhiều người” khác.

Vì sinh ra trong một gia đình sống nhiều đời bằng nghề lý số, bất cứ ai không phải dân “pro” mà thích bói toán hay dự đoán bậy bạ (và trật lất) là tôi không thích. Nghỉ chơi, ít ra (cũng) cho tới tết. Hoặc (không chừng) tới chết luôn!

Với riêng tôi, Trịnh Công Sơn đã mắc phải lầm lỗi (chí tử) như thế. Hơn ba mươi năm trước, khi cuộc chiến Việt Nam còn đang ở giai đoạn khốc liệt, ông đã mường tượng ra một viễn ảnh thanh bình – làm say đắm lòng nguời: “Khi đất nuớc tôi không còn chiến tranh, trẻ thơ đi hát đồng dao ngoài đường.”

Chiến tranh chấm dứt. Nam, Bắc hoà lời ca. Tôi ca (hơi) khó nghe nên bị túm. Dù vào trại cải tạo nhiều năm, giọng (ca) tôi vẫn không thay đổi được bao nhiêu. Bởi vậy, vừa ra khỏi tù là tôi... vù luôn ra biển. Sau khi đã đi hết biển, mặc cho ông Trần Văn Thủy kêu gào, tôi cứ bỏ đi luôn. Cho nó chắc ăn!

Do đó, cái vụ “trẻ thơ đi hát đồng dao ngoài đường” – nếu có – tôi cũng không được thấy. Mà hình như thì không (có) đâu.

Không dám mua vé máy bay về (thiệt) nhưng nhiều đêm – những đêm thâu, sâu hun hút ở Nam Dương, ở Thái Lan, ở Tân Gia Ba, hay ở Hoa Kỳ... – tôi vẫn thường lò dò, bằng những bước chân của kẻ mộng du, trở lại cố hương.

Tôi lang thang, qua khắp mọi miền đất nước. Phần lớn là những địa danh mà tôi chưa bao giờ có dịp ghé qua, trước khi (đành đoạn) bỏ đi. Không nơi đâu có chuyện (“trẻ thơ đi hát đồng dao ngoài đường”) thần tiên như thế. Sau cuộc chiến, quả nhiên, con nít có la cà và tụm năm tụm ba (hơi nhiều) trên đường phố nhưng tuyệt nhiên không thấy đứa nào vui đùa hay hát hỏng gì xất cả.

Từ Hà Nội, ký giả Huw Watkin tường thuật rằng “cứ năm đứa bé đang lê trên vỉa hè của ba mươi sáu phố phuờng là có một đứa... ăn xin. Bốn đứa còn lại, xem chừng, cũng bận: đánh giầy, năn nỉ người đi đường mua vé số, dắt mối, bán ma túy...” (“Children Sold Into Begging, Pimping And Drug Dealing”, South China Morning Post, 18 April 2000).

Cũng vẫn theo y như lời Huw Watkin thì lực lượng trẻ con đi ăn mày, làm ma cô và bán ma túy... ở Việt Nam đang dần được đưa vào tổ chức (“... recent media reports that children are being increasingly used by organized begging gangs, pimps and drug dealers”).

Chuyện này thì thằng chả nói hơi... thừa! Ở một xứ sở mà Nhà nước bao biện mọi chuyện, và lãnh đạo khắp nơi – kể cả chùa chiền, giáo đuờng hay thánh thất... – làm sao để cho trẻ em (những mầm non tương lai của Tổ quốc) sống vô tổ chức được, cha nội?

Tôi còn dự đoán rằng, trong tương lai gần, lũ trẻ thơ bụi đời ở Việt Nam (dám) sẽ được đoàn ngũ hoá – và cho thắt khăn quàng có màu sắc khác nhau – để dễ điều phối. Đại loại như, khăn quàng xanh: đánh giầy; khăn quàng tím: dắt mối; khăn quàng trắng: ma túy; khăn quàng hồng: mãi dâm; khăn quàng nâu: ăn mày; khăn quàng đỏ: thu thuế và theo dõi hoạt động, cũng như tư tưởng, của những loại khăn quàng khác!

Cũng như Trịnh Công Sơn, tiếc thay, tôi đoán... trật! Cho tới bữa nay, vẫn không thấy những sắc mầu khăn quàng (đỏ, xanh, vàng, tím) phất phới mọi nơi – trên đường phố Sài Gòn hay Hà Nội – như tôi đã hình dung!

Đảng chưa rảnh để cho đám trẻ em bụi đời vào khuôn phép. Nhà Nước Việt Nam còn phải bận tâm về nhiều “đám” khác (xem chừng) cấp thiết hơn nhiều: xây dựng lại đội ngũ trí thức, chấn chỉnh lại đội ngũ báo chí, củng cố lại đội ngũ công nhân... Và quan trọng hơn hết là tìm cách quản lý cái đám blogger, một giới người vừa mới xuất hiện – hết sức đột ngột và lộn xộn – ở xứ sở này.

Blog có thể được mô tả như là một hình thức “dân báo”, và blogger là một nhà báo tự do – theo như quan niệm của bà Tạ Phong Tần, một trong những blogger đang được công luận chú ý, ở Việt Nam:

“Đã qua rồi cái thời người dân chỉ được biết những gì nhà cầm quyền muốn cho họ biết, và không được biết những gì nhà cầm quyền muốn bưng bít, giấu nhẹm bằng cách quản lý chặt chẽ toàn bộ hệ thống báo chí trong nước...”

“Khi bạn đưa thông tin lên blog của bạn, tức bạn đã đem sự hiểu biết của bạn truyền tải cho người khác để mọi người cùng được biết, qua đó, mọi người cùng bàn luận, cùng kiểm tra xem, dùng quyền công dân của mình đòi hỏi công chức Nhà nước phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà luật pháp quy định.”

“Có thể sự hiểu biết của bạn chỉ là một phần nhỏ nào đó trong đời sống xã hội, nhưng nhiều người góp lại sẽ tạo nên một bức tranh hiện thực xã hội hoàn chỉnh. Khi tự mình làm một nhà báo công dân, chính bạn đã góp phần công khai, minh bạch hóa xã hội, cùng chung sức xây dựng một xã hội dân sự cho đất nước chúng ta.”

Quan niệm tích cực vừa nêu, tiếc thay, đã không được chia sẻ bởi những kẻ đang nắm quyền lực ở Việt Nam. Vốn đa nghi, giới người này có khuynh hướng xem blog (nói riêng) và web (nói chung) chỉ là “âm mưu của những con nhện” – những kẻ đang âm mưu “diễn biến hoà bình” – cần phải được theo dõi và kiểm soát, nếu được.

Mà tui thì sợ còn lâu mới được. Tầu còn bó tay thì nói chi ta. Chuyện quản lý Internet ở nước láng giềng, được giáo sư giáo sư Cao Huy Thuần tóm gọn, như sau: “80 muơi triệu con chuột thì mèo đâu ra mà bắt cho hết.”

Nhà nước Trung Hoa vĩ đại đã từng thành công mỹ mãn trong việc huy động dân chúng tóm gọn vài tỉ con chim (sẻ) mà nay đang loay hoay không biết đối phó ra sao với mấy triệu con chuột (điện). Quyết tâm của họ, xem chừng, hơi thấp. Quyết tâm của ta, xem ra, cũng... không cao!

Công cụ truyền thông “gang thép” nhất của nuớc Việt Nam, Công an Nhân dân Online (Cơ quan Ngôn luận của Bộ Công an), đọc được hôm 5 tháng 10 năm 2007, đã mô tả blog như là một thứ “hệ lụy” và “quản lý blog” là... “Chuyện buộc cẳng chim trời”. Thiệt, nghe mà muốn ứa nước mắt:

“Theo ước tính từ Bộ Thông tin và Truyền thông, có khoảng 3 triệu blog tại Việt Nam. Và mỗi ngày có hàng chục ngàn blog mới được khai sinh và việc một người sử dụng nhiều blog với những mục đích khác nhau là hoàn toàn có thể. Đã có những phát sinh và hệ lụy từ blog...”

“Tuy nhiên, liệu có quản lý được không? Quản lý một blog mà danh tính của nó có thể thay đổi trong chớp mắt và những thông tin hiển thị không thực sự chính xác thì đó là cách buộc cẳng chim trời. Hầu hết các blog đều là dịch vụ của một nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, vì vậy việc quản lý sẽ càng trở nên nan giải hơn...”

“Trong bộn bề của những ngày bắt đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, trong rất nhiều những vấn đề cần giải quyết và đưa ra những hướng dẫn cụ thể, đưa ra việc quản lý blog với những quy chế hướng dẫn cụ thể là điều chưa khả thi.”

“Việc truy tìm chủ nhân blog có thể được đối với cơ quan an ninh mạng hay lực lượng cảnh sát mạng. Nhưng đó là việc làm mang tính đối phó chứ không phải là cách làm mang tính chiến lược.”

Trời đất, làm sao mà có “chiến thuật” hay “chiến lược” gì cho kịp chớ? Coi: mới hôm qua còn cả đống cà phê chui, bữa nay (tất tần tật) đều biến thành... cà phê Internet hết trơn hết trọi!

Giấc Nam Kha khéo bất bình.
Bừng con mắt dậy thấy mình trắng tay!

Khi khổng khi không, nhà đương cuộc Hà Nội mất (độc) quyền thông tin (mà họ đã từng nắm chặt được) từ hơn nửa thế kỷ nay. Bằng nỗ lực tuyệt vọng – để... hòng “cứu vãn tình thế” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet ở Việt Nam, theo như tường thuật của phóng viên Thiện Giao (nghe được qua RFA) hôm 5 tháng 9 năm 2008 vừa qua.

Ta không có tới tám mươi triệu con chuột như Tầu nhưng tính rẻ cũng (đâu chừng)... bốn triệu! Mèo đâu ra mà bắt cho kịp chớ?

Công an mạng và cảnh sát mạng lại không thể đào tạo dễ dàng như mấy ông bạn đồng nghiệp, bên ngành giao thông. Loại sau, khỏi cần huấn luyện, cứ quăng ra đường là tụi nó xông xáo đi ghi giấy phạt để... kiếm thêm chút cháo. Chớ còn rình bắt chuột (điện) thì đòi hỏi cần phải có nghiệp vụ cao mà lại chả được ăn cái... giải (rút) gì, ngoài số tiền lương... chết đói.

Buộc cẳng chim trời hay buộc chỉ chân voi đều là những chưyện (rất) khó thành công.

– Ủa, không thành công thì thành nhân chớ có mất mát gì đâu mà sợ?

– Sợ chớ, theo luật tiến hoá thì đi tới mới có hy vọng thành nhân. Còn cố kìm giữ cả một dân tộc trong tăm tối, dốt nát và nghèo đói... là đi giật lùi. Bước lui thì chỉ có thể thành dã nhân mà thôi!

© 2008 talawas