trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
6.10.2008
Nguyá»…n Mai SÆ¡n
“Ẩn ngữ”: một thách thức chính trị?
 
Hôm nay tôi lại có dịp được hân hạnh thưa chuyện cùng ông Phong Uyên. Thú thật, nếu ông Phong Uyên gửi bài viết này sớm hơn thì có lẽ ông Trương Công Khanh không phải dài dòng với việc “Bàn chuyện ở thì tương lai” nữa. Có nhiều người đã ưu ái với ông Khanh, không biết ông Khanh có thấy như vậy không. Tôi xin mạn phép làm điều chen ngang để có đôi điều một hai thưa với ông Phong Uyên.


1. Tôi cũng xin theo ông Phong Uyên dẫn lại lời của ông Trần Văn Tích: “Tôi mong dân tộc tôi sớm thoát khỏi sự toàn trị của chủ nghĩa cộng sản.” Với câu này của ông Tích mà ông Phong Uyên đã mát cả lòng. Chắc chẳng ai mát lòng mà lại “không mong” như ông Trương Công Khanh. Vậy thì tôi cũng không nghĩ rằng ông Phong Uyên là “người đứng ngoài quan sát”. Đúng như ông Trần Văn Tích đã nói với ông Nguyen Thang “tôi thấy dường như không ai trong chúng tôi – những người chống cộng mút mùa – mô tả một ‘thiên đường khác’ trên talawas”.

Trong đoạn viết này tôi buộc phải chú ý đến câu “chúng tôi – những người chống cộng mút mùa” để khẳng định thêm một lần nữa đến tinh thần “chống” (tuyệt đối) của ông Trần Văn Tích. Ông Trần Văn Tích đã thừa nhận vậy thì chẳng có ai “kết tội” ông Tích “hơi thái quá” phải không thưa ông Phong Uyên. Ô hay, thế thì ở đây phải chăng có sự chéo cẳng ngỗng khi ông Phong Uyên bào chữa “vì ‘mong ước’ không có nghĩa là ‘chống’, có ý dùng bạo lực hay kích động dùng bạo lực” (mặc dù ông đã cho chữ chống vào ngoặc kép). Tôi nghĩ ý này không những rất trái với lòng của ông Trần Văn Tích mà con “hoang tưởng” nữa. Vì ông Trần Văn Tích ở đâu đó bên Đức, một mình ông có thể “hàm ý dùng bạo lực hay kích động mọi người dùng bạo lực” được không?

Điều kiện nào để có một cuộc “bạo loạn lật đổ” ai cũng rõ. Nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng võ trang và đông đảo quần chúng, ai có thể đi làm cái việc “hái sao ở trên trời” này?

Tôi nghĩ ở cái phần “con người” với nhau chắc ông Phong Uyên chưa đọc Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chủ Tịch. “Mong ước” là bình đẳng thế thì theo tôi dù mong ước của ai đó có không cao đẹp như “Bác Hồ”, “Bác Tích” thì cũng có gì là “phạm thượng” mà ông Tích phải cả nghĩ.

Với những gì mà ông Uyên đã “mát lòng” ở trên thì tôi nghĩ câu “tôi cũng rất hiểu ông Tích” (sic) có vẻ như thừa vậy. Ông Uyên viết: “... ông Trương Công Khanh [...] cho rằng mong ước của ông Tích ‘rất có khả năng trở thành hiện thực do đã có trong thực tế.’ Tôi nghĩ việc ông Khanh dùng thừa từ ‘khả năng’ ở đây có một lí do nào đó, chứ một khi ‘đã có trong thực tế’ thì tức là đã trở thành hiện thực rồi.”

Tôi không hiểu rõ ý này lên buộc phải đọc lại nguyên văn lời của ông Khanh: “Còn ước muốn của ông Trần Văn Tích rất có khả năng trở thành hiện thực do đã có thực tế: một Liên Xô theo ‘chủ nghĩa cộng sản toàn trị’ đã sụp đổ rồi.” Ước muốn “Tôi mong dân tộc tôi sớm thoát khỏi sự toàn trị của chủ nghĩa cộng sản”, nói như ông Khanh là “chuyện ở thì tương lai” thì làm sao là “đã trở thành hiện thực rồi” được. Tôi còn đang sống ở Việt Nam đây mà. Chỉ thấy có vụ cầu nguyện đòi đất của Công giáo là nóng thôi, nhưng cũng đã phần nào lắng dịu sau lời phát biểu của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt rồi, có thấy Cộng sản nào sụp đổ như Liên Xô đâu.

Từ mong ước của ông Trần Văn Tích, tôi lại phải đọc thật kỹ lời của ông Uyên xem ông đã “rất hiểu” ông Tích đến thế nào.

“Tôi nghĩ việc ông Khanh dùng thừa từ ‘khả năng’ ở đây có một lí do nào đó, chứ một khi ‘đã có trong thực tế’ thì tức là đã trở thành hiện thực rồi. Hơn nữa, chế độ cộng sản toàn trị (thời ông Tích còn trong nước) một khi bị bắt buộc phải ‘đổi mới’ – đi kèm theo sự thiết lập / tái lập phần nào kinh tế thị trường – thì đã không còn nguyên vẹn tính chất ‘toàn trị’ được nữa”. Với câu này, chẳng khác ông Uyên bảo ông Tích ăn nói hồ đồ “đã không còn nguyên vẹn tính chất ‘toàn trị’ được nữa” khi đổi mới theo nền kinh tế thị trường, vậy mà ông Tích lại ước muốn dân tộc ông thoát khỏi “chủ nghĩa toàn trị”. Phải chăng đây là ước muốn hão huyền (dân tộc [của] tôi) thiếu thực tế, thiếu quan sát.


2. Tôi không biết ông Uyên có phải chuyên gia về chủ nghĩa Mác hay không. Nhưng chắc chắn một điều đọc những bài viết của ông tôi lại liên tưởng đến câu thơ: “Ông Lê-nin ở nước Nga. Tại sao ông đứng vườn hoa nước mình?” Tại sao ông Mác, ông Lê-nin lại được nhập khẩu vào Trung Quốc, vào Việt Nam và tư tưởng của hai ông đã được các “chuyên gia” hai nước này nhào nặn như thế nào? Hẳn thời kỳ đầu khi mà chủ nghĩa tư bản thoái trào, chủ nghĩa xã hội đã đáp ứng được mong mỏi của biết bao con người tại các dân tộc thuộc địa bị chủ nghĩa thực dân đế quốc cai trị. Ngọn cờ lịch sử của chủ nghĩa xã hội được đánh dấu một cách huy hoàng vào lịch sử diệt phát-xít, phần nào cứu nguy cho sự tồn vong của nhiều dân tộc.

Học thuyết Mác - Lê-nin là học thuyết kinh tế - chính trị - xã hội, vì vậy nó có những hệ lý luận của chính nó do đó ông Uyên hiểu “tính chất ‘toàn trị’ của nó, được thể hiện dưới hình thức chế độ bao cấp về cả chính trị - tư tưởng lẫn kinh tế - xã hội” là ông nói chuyện đương nhiên vậy. Vả lại nó có định chế xã hội của nó như luật pháp bảo vệ các quyền sở hữu, quyền con người, quyền tự do để thúc đẩy sáng tạo, kinh doanh..., trong đó có cả những cơ chế kìm chế và đối trọng để vận hành sự phát triển. Thế thì có gì đâu mà ông Uyên phải “phát hiện lại châu Mỹ” như vậy.

Nếu ông phát hiện ra được những gì mới hoặc chỉnh sửa được điều gì đó thì nói đúng như ông Trương Công Khanh là có thể ngồi ngang hàng với Mác - Lê-nin rồi, và tôi nghĩ những người cộng sản Việt Nam sẽ cảm ơn ông Uyên hết lời. Chứ ông cứ nói vo “cái chế độ thời ông Trần Văn Tích còn chưa đi khỏi Việt Nam đã biến chất, cho dù vẫn đội lốt là theo chủ nghĩa Marx - Lénine. Hiện nay những người cầm quyền ở Việt Nam chẳng hề theo chủ nghĩa nào cả, và Đảng Cộng sản Việt Nam với hơn 3 triệu đảng viên chỉ là sự liên kết có tổ chức của một đẳng cấp chuyên quyền đặc lợi đang thống trị xã hội Việt Nam. Nói như mấy em lái taxi ở Hà Nội: đó là một thứ Mafia có tên gọi ngang nhiên và gọn lỏn là ‘Đảng’, thì không biết tôi phải nói gì với ông nữa. Vì đó không phải là “khoa học” hay “lý luận” gì cả mà chỉ là một cảm nhận đầy chủ quan, đã vậy còn mang tiếng là “nghe hơi nồi chõ” qua mấy em lái taxi. Ở điểm này, nếu ông nói rằng nghe qua ông Hoàng Minh Chính, nguyên viện trưởng Viện Triết học Mác - Lê-nin thì còn phần nào thuyết phục.

Tôi không biết quý vị cảm nhận như thế nào về Hồ Chí Minh, nhưng rõ ràng ngay khi Pháp rút khỏi Việt Nam, ông Hồ từng tuyên bố “trải thảm đỏ” để mời Mỹ vào Việt Nam nếu Mỹ không can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Có nghĩa rằng “sẵn sàng làm bạn”. Nó trái với tinh thần phân chia rạch ròi của “quốc tế cộng sản”. Phải chăng chính điều này là một trong những cơ sở để những người cộng sản hiện nay vận dụng “đường lối tư tưởng” của Hồ Chí Minh?


3. Trung Quốc đang vận dụng “sức mạnh phần mềm”, spectrum của talawas gần đây có bài viết nói về điều này. Trong sức mạnh ấy, đạo Khổng đang được cổ xúy rộng khắp, tôi nghĩ nó còn hiệu quả hơn cả việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vốn không phải ai cũng có thể hiểu. Thực tế ở Việt Nam, triết học Mác - Lê-nin có thể xem là triết học của người đảng viên, người học ra làm quan, chứ không phải là triết học dành cho dân chúng. Điều này thì khác xa với những tư tưởng triết lý được du nhập vào Việt Nam như các đạo Nho, Phật, Lão. Ông Trương Công Khanh nói “chủ nghĩa xã hội” và “triết lý dân tộc” nắm tay nhau cùng tiến. Tôi nghĩ điều này không phải không có ý nghĩa “tranh thủ” những thành phần còn lại trong xã hội thay vì đóng khung vào cái “chủ nghĩa xã hội” và mấy triệu đảng viên. Câu hỏi tuy lấp lửng của ông Khanh: “Đạo thờ ông bà? Đạo Phật? Hay cả hai?”, nhưng không phải không là một gợi ý. Tôi xem là quan trọng.

Đúng như ông Khanh nói, ai bảo Trung Quốc “mất chất”, “tư bản hóa” thì bảo, bây giờ không phải điều quan tâm của họ nữa. Quan trọng là cứ phóng Thần Châu đều đặn, phát triển kinh tế, mở rộng truyền bá Hán ngữ trên thế giới, có bao nhiêu đặc thù của Trung Hoa đem hết ra khoe, đến nỗi cứ gặp màu đỏ là thấy Trung Quốc. Việt Nam muốn được như Trung Quốc thì cũng còn hụt hơi.

Ông Uyên viết: “Tôi tin chắc ông Khanh cũng thừa biết rằng cái sự ‘kết hợp chủ nghĩa Marx - Lénine với tư tưởng Hồ Chí Minh’ mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang rêu rao chỉ là một thứ quái thai trống rỗng: một chủ nghĩa đã chết trộn nháo nhào với một hư cấu thuần tuý được mệnh danh ‘tư tưởng Hồ Chí Minh’. Các phe nhóm trục lợi đang cầm đầu chính quyền Việt Nam hiện nay cũng dư biết điều đó nên miệng câm như hến, gần đây ngày càng hiếm viện dẫn chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ cho đỡ mất công và đỡ ngượng mồm.” Ông quả là có biệt tài nói vo. Nhưng ông tin chắc như thế thì cứ việc “tin chắc” như thế, nhưng nó có đúng không còn là chuyện khác.

Kể ra trong vô vàn thông số phát triển của Việt Nam hiện nay, nếu ông Uyên cho ra vài thông số tương đối chính xác thì mới thuyết phục. Bằng không những người cộng sản trong nước đọc những kiểu bài thế này là “không muốn nói nữa” ngay, người miền Nam thường nói là “chào thua”. Ông vẫn còn chưa tham ra vào quá trình nghiên cứu định lượng để có thể có những liên hệ tới một định chế mà những tính chất giữa quá trình phát triển và mở rộng dân chủ còn quá nhiều các thông số chưa thống nhất về mức độ ảnh hưởng và hậu quả của nó.


4. Nếu đọc kỹ bài viết “Còn có một ẩn ngữ” của ông Khanh, người đọc sẽ thấy ông Khanh rất hay “gợi”, vì mọi kết luận có thể sẽ rất nhạy cảm vào lúc này.

Với khái niệm “toàn trị”. Nếu định nghĩa thì có thể dẫn từ điển như:

Chủ nghĩa toàn trị là một thuật ngữ được sử dụng bởi những nhà khoa học chính trị, đặc biệt là những người trong lĩnh vực chính trị so sánh, để mô tả một chính thể trong đó nhà nước áp đặt chế độ chuyên chế (totalitarianism), hầu như qui định tất cả mọi hành vi cá nhân và công cộng trên mọi khía cạnh.” (Wikipedia)

“Chủ nghĩa toàn trị” không phải là “chủ nghĩa độc tài”. Cần phải xác định rõ với nhau như thế. Với định nghĩa phổ thông này mà nói Việt Nam là “chủ nghĩa toàn trị” e rằng cũng là nói vo, vì ai cũng biết về tính chính danh thì Việt Nam là nước theo “chủ nghĩa xã hội”, mọi người vẫn có quyền theo Chúa, theo Phật, theo Đảng và không theo cái gì cả. Khi đề cập đến nước Mỹ, ông Khanh nói: “Đa nguyên, đa đảng nhưng nhất quán trong chính sách đối nội, đối ngoại và muốn làm “bá chủ thế giới” thì xem ra nó cũng không xa lắm với nghĩa của khái niệm “toàn trị”. Còn đây là lời ông Uyên: “không thể nói như ông Trương Công Khanh rằng Mỹ “muốn làm bá chủ thế giới” nghĩa là “muốn toàn trị cả thế giới”. Tôi có thể hiểu như sau: Ông Khanh thừa nhận Mỹ không phải là “chủ nghĩa toàn trị”, nhưng muốn “bá chủ thế giới” tức áp đặt tiêu chuẩn Mỹ lên các nước khác, vậy thì cũng không xa lắm với khái niệm “toàn trị”. Với ông Khanh có thể “áp đặt” = “toàn trị”, áp đặt với một số nước được thì có thể dẫn đến áp đặt lên nhiều nước. Tuy nhiên, thực tế không phải cứ “áp đặt” là được như ý muốn, vì có áp đặt thì sẽ có bất mãn và phản kháng, đối đầu. Đó là lý do Mỹ muốn làm “sen đầm”, “bá chủ” mà vẫn chưa được.

Ông Uyên nói: “Ở những nước tư bản, sở dĩ kinh tế được phồn thịnh là vì nó chẳng những không bị chính trị chi phối mà còn có thể chi phối ngược lại chính trị”. Tôi nghĩ câu này có gì đó không ổn trong diễn đạt. Nhưng nếu hiểu “nó” là “kinh tế” thì có nước nào kinh tế chẳng những không bị chính trị chi phối không ạ? Trừ khi đó là nước vô chính phủ hay còn gọi là “chủ nghĩa vô chính phủ”. Đã là mối quan hệ phụ thuộc thì phải chịu sự tác động qua lại, cái này ảnh hưởng lên cái kia và ngược lại, làm gì có một cái gọi là “kinh tế” kỳ dị như vậy. Ngay cả học thuyết kinh tế - chính trị của chủ nghĩa Mác còn không có kiểu lý giải “kinh tế” một cách “toàn trị” như vậy: chẳng những không bị chính trị chi phối mà còn chi phối ngược lại chính trị. Chính phủ Mỹ đang làm gì để giải cứu nền kinh tế, chắc ông Phong Uyên biết chứ ạ.


5. Trong bài “cải đạo” ông Trần Kiêm Đoàn có đưa ra những thông số để tham khảo khi đạo Phật là tôn giáo phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Tuy có sự giao lưu văn hóa, tôn giáo tư tưởng từ Đông sang Tây, nhưng đạo Công giáo và Tin lành trong nhiều năm nay vẫn chưa thực sự thành công trong việc mở rộng tín đồ tại châu Á. Hai nước có số dân lớn nhất thế giới như Ấn Độ và Trung Quốc thì đạo Công giáo cũng vô cùng ít ỏi. Việt Nam có 6 triệu tín đồ Công giáo mà đã đứng thứ 2 sau Philippine Trong khi truyền đạo chủ yếu họ sử dụng các hình thức “cải đạo” bằng hôn nhân, dụ đạo bằng các hình thức viện trợ kinh tế (ở Việt Nam có câu nói phổ biến “theo đạo có gạo mà ăn”) thì đạo Phật phát triển ở phương Tây hoàn toàn tự nguyện và không nhằm mục đích “cải đạo”, người ta có thể vừa theo đạo Phật vừa giữ niềm tin tôn giáo truyền thống của mình.

Ông Uyên cho rằng “người trẻ Trung Quốc nào cũng lấy tên Mỹ và đeo ở cổ thánh giá to tướng” để nói rằng đạo Thiên Chúa giáo rất phổ biến thì thật khó tưởng tượng. Bởi tôi không biết ý ông muốn nói là họ đã chịu phép rửa tội để trở thành tín đồ hay chỉ là ăn theo trào lưu “thời trang”. Nếu ông thống kê được chính xác như ông Trần Kiêm Đoàn thì sẽ thuyết phục hơn là cứ nói vo như vậy.


Tôi xin bỏ qua phần 6 7 trong bài viết của ông Uyên để bước sang phần 8.

Có lẽ ông Uyên không theo dõi tin tức gần đây ở trong nước về việc bầu cử trực tiếp người lãnh đạo ở cấp xã. Đây là một bước đi quan trọng vì sao, vì cấp cơ sở mà làm tốt thì các cấp cao hơn sẽ “nhẹ gánh”. Chủ yếu những vần đề “nóng” của xã hội xảy ra đều từ ở cấp cơ sở. Trước Cách mạng tháng 8, ai cũng biết Việt Nam lúc đó gồm có nhiều đảng phái chính trị tham gia và hình thức bầu cử đó đã không được áp dụng khi Việt Nam thống nhất năm 1975. Tại sao phải “thử nghiệm” vì khi áp dụng nguyên tắc bầu cử trực tiếp này, nếu không thử nghiệm từ cấp xã thì sẽ không có cơ sở để đánh giá, đúc kết, vả lại như đã nói cấp xã mới thực sự là chủ trương “đẩy mạnh dân chủ ở cơ sở” của nhà nước. Trước kia, dân chỉ có nghĩa vụ đi bầu nhưng người được bầu là do mặt trận giới thiệu ra ứng cử. Nay ai có khả năng thu hút được nhân dân tại địa phương tín nhiệm là có thể ra ứng cử không phải thông qua mặt trận giới thiệu. Có nghĩa rằng để nhân dân tại địa phương quyết định lấy lựa chọn của chính họ. Thử nghiệm vì dân chủ phải được hiểu theo những mức độ mà người dân tại địa phương đó có thể thống nhất đồng ý. Bởi mỗi hình thức dân chủ đều có những hệ quả hết sức khác nhau. Tiến trình dân chủ ở cơ sở là động cơ để địa phương đẩy mạnh phát triển. Dân chú trọng vào lĩnh vực nào thì họ bầu người có khả năng làm tốt ở lĩnh vực ấy. Phải thử nghiệm không thể áp dụng đại trà ngay được vì lộ trình dân chủ phải hài hòa với bối cảnh lịch sử, phong tục văn hóa và cả những khác biệt về thể thế chính trị tại quốc gia đó. Nhiều nhà bình luận cho rằng dân chủ và phát triển là hai mục tiêu phải đánh đổi. Điều quan trọng là thể chế nào có khả năng để thực hiện sự đánh đổi này.

Qua những gì tôi trao đổi với ông Uyên, tôi không biết ông Khanh có suy nghĩ thế nào, song qua bài viết “Còn có một ẩn ngữ”, ông Trần Văn Tích đã nói một cách rất cô đọng: “Nhưng hầu như tất cả chỉ quy vào một đoạn đáng bình luận: ‘Nói đến mong ước của ông Trần Văn Tích, tôi hiểu được phần nào mong ước ấy của ông khi ông đang sống yên trong một xã hội phát triển và nhìn về quê hương với một con mắt khác. Còn tôi vẫn mang trong mình quốc tịch Việt Nam, tôi mong Việt Nam có một sự điều chỉnh lớn hơn trong đối nội cũng như đối ngoại, nhưng tôi không mong một sự thay đổi chế độ. Bởi muốn thay đổi một cái gì đó phải nghĩ kỹ lắm, nghĩ nhiều lắm, và không chỉ nghĩ cho mình thôi đâu mà còn phải nghĩ cho người, cho đồng bào, cho tương lai của dân tộc nữa. Và tôi nghĩ rằng vì đáng bình luận như vậy nên ông Khanh đã phải viết “Bàn chuyện ở thì tương lai”, tức nói về những nguyên nhân, mục đích mà hai ông “mong muốn”. Từ những mong muốn không tương đồng ấy mà dẫn đến những tranh luận không dứt của nhiều ý kiến chung quanh. Đúng là “gãi đúng chỗ ngứa”. Phải chăng ngoài “ẩn ngữ” Con Người còn là “ẩn ngữ” Một Thách Thức Chính Trị? Nếu không tại sao tôi ít thấy người ta quan tâm đến “ẩn ngữ” Con Người?

© 2008 talawas