trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
8.10.2008
Aleksandr Solzhenitsyn
Tầng lớp kĩ giả
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3 
 
4.

Tất cả mọi người sống trong đất nước này đều phải đóng góp vào việc nuôi dưỡng sự dối trá bắt buộc về mặt tư tưởng. Nhưng giai cấp công nhân và hơn nữa nông dân thì phải đóng góp rất ít, đặc biệt là sau khi bãi bỏ việc mua công trái bắt buộc hàng năm (có hại và bực mình vì phải giả vờ tự nguyện, tiền thì thu kiểu nào mà chả được), chỉ thỉnh thoảng mới có những vụ giơ tay biểu quyết trong các cuộc họp, mà việc điểm danh cũng không còn gay gắt như cũ. Mặt khác, có những cán bộ quản lí nhà nước và cán bộ dân vận thực sự tin vào tư tưởng của mình, nhiều người đã dành cho nó biết bao công sức, do kém hiểu biết, do tâm lí con người ta là có thế giới quan phù hợp với công việc chính của mình.

Nhưng giới kĩ giả trung tâm thì sao? Họ nhìn thấy rõ tình trạng thảm hại và mục ruỗng trong những trò lừa bịp của Đảng, và thường đem ra chế giễu khi chỉ có họ với nhau - thế mà họ lại có thể trắng trợn lặp lại những lời dối trá đó một cách hoàng tráng và bóng bảy trong những bài báo phản đối “đầy giận dữ”, thậm chí còn dùng phong cách và giọng văn hùng hồn của mình để triển khai và củng cố cho nó nữa! “Nước đôi” của G. Orwell [1] là lấy từ đâu, ai là nguyên mẫu? Nếu không phải giới trí thức Liên Xô những năm 1930 và 1940 thì còn ai vào đây nữa? Từ bấy đến nay cái “nước đôi” này càng ngày càng được trau chuốt thêm và trở thành một mánh khoé quan trọng.

Thế mà chúng ta lại đang khao khát tự do, chúng ta lên án (thì thầm) bất cứ kẻ nào tỏ vẻ nghi ngờ về sự cần thiết và đáng ao ước của tự do trên khắp đất nước này! (Có lẽ phải nói thế này: đáng mong ước không phải cho tất cả, nhưng chắc chắn là cho giới kĩ giả ở trung tâm. Trong bức thư gửi cho Đại hội XXIII của Đảng, Pomerants đề nghị thành lập liên hiệp “hạt nhân trí thức với một cơ quan ngôn luận độc lập, đóng vai trò trung tâm lí luận”, ban phát lời khuyên cho bộ máy của Đảng). Nhưng chúng ta lại đang chờ đợi cái tự do đó như chờ đợi một phép màu, nó sẽ đột ngột rơi xuống, không cần sự cố gắng của chúng ta, chúng ta sẽ không cần phải tranh đấu gì hết. Mặc kệ những truyền thống cũ - ủng hộ những người hoạt động chính trị, cho kẻ bỏ trốn ăn, cho kẻ không có căn cước, không nhà tạm trú (dù có phải mất việc) - giới kĩ giả trung tâm vẫn làm việc một cách trung thực, đôi khi còn thể hiện tài năng để gia cố cái nhà tù chung nữa. Thế mà họ lại không cho phép lên án mình! - những lời biện hộ bằng nhiều thứ tiếng được chuẩn bị, cân nhắc, gọt giũa. Những vụ chơi khăm đồng nghiệp, những lời dối trá trên báo chí được biện hộ rằng chuyện đã xưa rồi, được chấp nhận bằng một dàn đồng ca: nếu tôi (hắn) không làm như thế thì người ta đã đuổi tôi (hắn) và đưa lên một kẻ còn xấu xa hơn! Thế là để làm điều thiện cho mọi người thì dĩ nhiên là mỗi ngày phải làm điều ác cho một số người khác (“người tử tế chỉ làm hại người khác khi không thể tránh được”). Nhưng mấy người kia chính là bọn có lỗi: tại sao lại không nghĩ đến tập thể, tại sao lại dám nhảy xổ ra trước mặt lãnh đạo như thế?... Zhelnov (Tờ tin của Phong trào Sinh viên Công giáo Nga, số 97) đã gọi thái độ của tầng lớp trí thức là khom lưng, họ coi “đứng thẳng là tư thế kì cục”.

Nhưng luận cứ biện hộ chính vẫn là: con cái! Trước luận cứ này thì tất cả đều phải ngậm miệng hết: ai có quyền hi sinh hạnh phúc của con mình cho cái nguyên tắc trừu tượng của sự thật!... Sức khoẻ tinh thần của những đứa con còn quan trọng hơn địa vị của họ - nhưng những ông bố bà mẹ nghèo nàn về đạo đức làm sao có thể nghĩ được chuyện đó. Những đứa con lớn lên rồi cũng trở thành như thế: những kẻ thực dụng ngay từ trên ghế nhà trường, sinh viên năm thứ nhất ngoan ngoãn chấp nhận những điều dối trá trong những giờ học chính trị, biết tính toán để làm sao bước chân được vào lĩnh vực khoa học béo bở. Thế hệ này không hề trải qua một cuộc đàn áp thật sự nào mà sao nó lại tỏ ra thận trọng đến như thế! Một vài chàng thanh niên - niềm hi vọng của nước Nga, những người dám nhìn thẳng vào sự thật thì thường lại bị những bậc cha mẹ sang giàu chửi bới, thậm chí đàn áp nữa.

Không thể biện hộ cho giới kĩ giả trung tâm, như người ta từng biện hộ cho những người nông dân khi xưa, rằng họ sống tản mát, không biết chút gì về các sự kiện công cộng, bị đè nén ngay tại chỗ. Giới trí thức trong suốt những năm tháng dưới chính quyền Xô-viết có thông tin, biết trên thế giới người ta đang làm gì, có thể biết trong nước người ta đang làm gì, nhưng họ đã quay mặt đi, họ đã nhũn như con chi chi ngay trong từng công sở, trong mỗi văn phòng, họ không quan tâm đến sự nghiệp chung. Tất nhiên là càng ngày người ta càng đè nén thêm một cách từ từ, không thể nhận ra được (chưa gặp thì người châu Âu không thể tưởng tượng nổi). Những người có sáng kiến, sẵn sàng tham gia các hoạt động nhân đạo, hoạt động nghiệp dư thì bị đe doạ, bị đè nén, còn hoạt động cứu trợ của xã hội thì trở thành những động tác giả của nhà nước. Và rút cục người ta cho ta biết rằng dường như không có cách thứ ba: khi một đồng nghiệp bị hãm hại thì không ai có thể đứng ngoài, chỉ cần tỏ thái độ chần chừ là trở thành đối tượng phê phán ngay lập tức. Nhưng ngay cả trong hoàn cảnh như thế vẫn còn một lối thoát: cứ để cho người ta phê phán! Thà để các con tôi sống bằng rau cháo [2] nhưng lớn lên chúng sẽ là người trung thực còn hơn! Nếu có một giới trí thức như thế thì ai có thể khuất phục được.

Còn một loại người nữa - những người nổi tiếng, không ai dám động tới, những người mà tên tuổi đã được bảo vệ một cách an toàn bởi danh tiếng toàn Liên bang, thậm chí trên tầm quốc tế nữa, ít nhất là trong giai đoạn hậu Stalin, cảnh sát cũng chẳng làm gì được họ, chuyện này thì ai cũng biết, ở gần cũng như ở xa, thiếu thốn họ cũng không sợ - tích cóp được nhiều rồi. Họ có thể giương cao thanh danh và sự độc lập của giới trí thức Nga một lần nữa hay không? Họ có thể đứng lên bảo vệ những người bị đàn áp, bảo vệ tự do, đứng lên chống lại những bất công đang làm ô nhiễm bầu không khí, đứng lên chống lại sự dối trá bệnh hoạn này hay không? Chỉ cần hai trăm người như thế (cả thảy có khoảng năm trăm) xuất hiện và sát cánh bên nhau thì họ đã có thể làm sạch được bầu không khí tinh thần của xã hội ta, thậm chí có thể làm thay đổi được toàn bộ đời sống nữa! Trong giới trí thức trước cách mạng có hàng ngàn người hành động như thế, họ không cần chờ cho đến khi nổi tiếng để được an toàn. Trong giới kĩ giả của chúng ta số người như thế có thể đếm đủ mười đầu ngón tay hay không? Những người khác không có nhu cầu! (Ngay cả nếu bố có bị bắn thì cũng không sao, chấp nhận hết). Phải gọi tầng lớp chóp bu của chúng ta là gì – kĩ giả cao cấp ư?

Trong thời Stalin, không kí vào một bài báo vu khống, một kiến nghị hoặc yêu cầu tử hình hay bỏ tù đồng nghiệp là có thể đã bị tử hình hay bắt tù rồi. Nhưng hôm nay, cái gì có thể đe doạ, có thể buộc những người nổi tiếng, đầu đã hai thứ tóc phải cầm bút, xun xoe hỏi “chỗ nào?”, rồi kí vào một cái văn bản nhảm nhí không phải do họ viết nhằm chống lại Sakharov [3] ? Chỉ có sự hèn hạ của chính người đó. Sức mạnh nào có thể buộc người nhạc sĩ vĩ đại của thế kỉ XX biến thành con rối trong tay các viên chức loại ba của Bộ Văn hoá và theo lệnh họ kí bất kì văn bản đáng khinh nào, bảo vệ bất kì ai ở nước ngoài khi họ ra lệnh và hãm hại bất kì ai ở trong nước khi họ ra lệnh? (Người nhạc sĩ đã tiếp xúc trực tiếp được với tâm hồn đen tối ác hại của thế kỉ XX mà không gặp bất kì cản ngại nào. Ông đã nắm bắt được, không phải, nó đã nắm bắt được ông ta với một sự chân thực xuyên thấu tim gan, nếu một lúc nào đó con người được sống trong một thời đại sáng sủa hơn, con cháu chúng ta sẽ được nghe nhạc của Shostakovich [4] và tưởng tượng ra cảnh chúng ta đã nằm trong móng vuốt của quỉ sứ, bị nó khống chế hoàn toàn, thế mà những móng vuốt đó và cả hơi thở của nó nữa lại có vẻ như là đẹp đối với chúng ta.)

Trong quá khứ từng có những nhà bác học Nga vĩ đại với những hành động tiểu nhân như thế hay không? Cả các nghệ sĩ lớn nữa? Truyền thống đã bị phá tan tành, chúng ta đã trở thành một bọn kĩ giả.

Sự xấu hổ còn tăng gấp ba khi không phải là sợ bị đàn áp mà chính là những toan tính lắt léo của tính háo danh, của lòng tham, của tâm lí cầu an đã buộc “những ngôi sao Moskva” và những người trung bình thuộc giai đoạn “tan băng” của tầng lớp kĩ giả phải khom lưng uốn gối như thế. Lidia Zhukovskaya [5] đã có lí khi nói: đã đến lúc phải loại bớt một vài người ra khỏi tầng lớp trí thức. Nếu không loại hết bọn đó thì chúng ta sẽ vĩnh viễn đánh mất ý nghĩa của từ này.

Những người dũng cảm đây rồi! - Đứng lên bảo vệ một ngôi nhà (không phải thánh đường) đang bị phá và cả hồ Baikal nữa. Dĩ nhiên là phải cám ơn, ngay cả chuyện này. Có một người xuất chúng, đã từng giành được đủ thứ danh hiệu và phẩm trật, được đề nghị tham gia viết bài cho tập sách này. Trong những cuộc trao đổi riêng tư, trái tim ông ta như quặn thắt lại - về sự cáo chung không thể nào hồi phục nổi của nhân dân Nga. Ông ta hiểu rõ từ cội nguồn lịch sử và nền văn hoá Nga. Thế mà ông ta từ chối: Để làm gì? Chẳng ăn thua gì đâu… Một cách thoái thác thường gặp tương xứng với giới kĩ giả.

Chúng ta xứng đáng như thế. Chúng ta đang sống mòn trên cái đáy như thế.

Khi ở bên trên người ta giật dây, bảo tích cực lên (1956, 1962) thì chúng ta mới dám khởi động chút xíu cái lưng đã tê dại. Khi người ta bảo dừng lại (1957, 1963) là chúng ta cụt hứng ngay lập tức. Cũng có lúc tự phát: 1967-1968, tác phẩm in theo lối samizdat nhiều như nước mùa xuân, tên tuổi tăng lên gấp bội, nhiều tên tuổi mới lên tiếng phản đối, tưởng như chỉ cần thêm tí nữa, một tí con con nữa thôi là chúng ta sẽ có thể bắt đầu thở được. Còn đàn áp, có cần nhiều không? Khoảng năm chục người bạo gan nhất bị điều chuyển, không được làm đúng chuyên môn nữa. Mấy người bị khai trừ ra khỏi Đảng, mấy người nữa bị khai trừ ra khỏi các hội, khoảng bảy tám chục người “kí tên” bị gọi lên văn phòng đảng uỷ. Thế là sau khi “tâm sự”, mặt người nào cũng tái mét, thất thần.

Và cái phát minh quan trọng nhất, điều kiện tồn tại, tái sinh và tư duy của mình tức là samizdat đã bị giới kĩ giả bỏ của chạy lấy người. Những người có học săn lùng các tác phẩm mới của samizdat, đề nghị tái bản và bắt đầu thành lập thư viện samizdat lâu chưa? Đã gửi về các địa phương chưa? Thế mà họ đã bắt đầu đốt các thư viện đó, họ để cho máy chữ nằm yên một chỗ, thỉnh thoảng, trong những hành lang tối tăm nếu có vội vàng nắm lấy một tài liệu bị cấm đoán thì cũng chỉ đọc vài dòng rồi đem trả ngay, tay run bắn.

Nhưng trong những vụ đàn áp như thế đã hiện ra, đã xuất hiện hạt nhân của tầng lớp trí thức: đấy là những người tiếp tục liều thân và tiếp tục hi sinh, họ công khai hoặc bí mật tham gia lưu trữ tài liệu, dũng cảm giúp đỡ những người bị tù đầy hoặc đem tự do của chính mình ra đền nợ nước.

Nhưng cũng xuất hiện một “hạt nhân” nữa, đấy là những người phát hiện ta một túi khôn mới: bỏ chạy! Để cứu cái tính cá nhân độc đáo của mình (“ở bên đó tôi sẽ có điều kiện đóng góp cho sự phát triển của nền văn hoá Nga”). Sau đó là cứu những người ở lại (“ở bên đó chúng tôi sẽ có điều kiện bảo vệ quyền lợi của các bạn ở nhà”). Cuối cùng là cứu con mình, chúng có giá trị hơn con của những người đồng bào khác.

Đấy là “hạt nhân của tầng lớp trí thức” mới vừa được phát hiện, cái hạt nhân có thể tồn tại mà không cần nước Nga…


5.

Vâng, chúng ta có thể được tha thứ tất, có thể thông cảm - cả sự nhịn nhục của chúng ta, cả việc chúng ta tiếp tay cho sự bịp bợm, nếu như chúng ta công nhận rằng mình yếu đuối, mình thích an nhàn, mình chưa sẵn sàng chấp nhận những thử thách khắc nghiệt như thế: chúng tôi chỉ là nạn nhân của lịch sử, cái lịch sử đã diễn ra trước khi có chúng tôi, chúng tôi được sinh ra trong lòng nó, chúng tôi đã phải chịu đựng quá nhiều rồi, chúng tôi chỉ còn một cách là giãy giụa, chẳng biết làm sao mà thoát ra được.

Nhưng không! Chúng ta đã tìm được những lí lẽ khéo léo đến kinh ngạc, theo đó chúng ta “cần nhận thức được mình về mặt tinh thần mà vẫn không rời bỏ viện nghiên cứu” (Pomerants), làm như là “nhận thức được mình về mặt tinh thần” là công việc suy tư nhàn tản chứ không phải là một thách thức nghiêm trọng, không phải là những thử thách không khoan nhượng vậy. Chúng ta vẫn chưa từ bỏ được thói tự cao tự đại. Chúng ta đòi được thừa kế cái tên cao quí là trí thức, đòi quyền đóng vai những quan toà thượng thẩm, đòi phán xét tất cả những việc đang diễn ra trong lĩnh vực tinh thần ở trong nước cũng như trên toàn thế giới: từ trong cái hang an toàn của mình, đưa ra những đánh giá về các lí thuyết xã hội, các phong trào, các xu hướng, các tiến trình lịch sử và hoạt động của những người tích cực, mà không ai được quyền bác bỏ. Ngay khi lấy áo khoác trong tiền sảnh ở viện nghiên cứu, chúng ta đã sắp sẵn các ý tưởng ở trong đầu và trong lúc uống trà buổi tối thì đưa ra đánh giá cuối cùng: hành động nào hay ai có thể được “giới trí thức tha thứ” hay “không tha thứ”.

Không thể tin được khi nhìn thấy những hành vi đáng khinh trên thực tế của giới trí thức trung tâm trong bộ máy của chính quyền Xô-viết, giới kĩ giả đang thấy mình đứng trên nền tảng lịch sử nào: từng người tự nhìn mình, nhìn bạn bè, đồng nghiệp. Kiến thức chuyên môn càng ngày càng thu hẹp, tạo điều kiện cho cả những kẻ gần như không biết gì cũng có thể trở thành tiến sĩ, cũng không làm cho kĩ giả băn khoăn gì hết.

Quan niệm của giới kĩ giả về chính mình khống chế toàn bộ những người có học đến mức ngay cả Altayev, một người thường xuyên tìm cách vạch mặt nó, xen giữa những lời tố cáo, vẫn thỉnh thoảng phải tuân theo truyền thống: “Ngày hôm nay rõ ràng là giới trí thức (của chúng ta) đang nắm trong tay số phận của nước Nga, và cùng với nó là số phận của toàn thế giới”!... Thật là cười ra nước mắt… Theo kinh nghiệm đã đi qua của nước Nga và trước phương Tây đang bối rối như thế mà nó lại giữ được ư! – Tay thì yếu, tim thì đập loạn xạ…

Trong năm 1969, áp lực của thói tự mãn của giới kĩ giả khoa học kĩ thuật đã bung ra trong một bài báo samizdat của Semyon Telegin (dĩ nhiên là bí danh [6] ). “Làm sao?”. Giọng văn của một người biết tuốt, kiên cường, đầy sức sống, nhanh chóng gợi lên những liên tưởng phụ bằng những câu đùa nhả theo kiểu “trí thức trí ngủ”, hay coi thường cái đám đông mà ông ta cùng chia sẻ không gian sống (“trong cái chuồng lợn người”)…

Nhưng tác giả không phải là quan trọng, quan trọng là những người đồng chí hướng mà ông ta phong cho là: “những người trí thức tiến bộ” (có chân trong Đảng vì được ngồi trong các cuộc họp chi bộ và lãnh đạo “những phần việc cụ thể”), “chúng ta là tinh hoa của nước Nga”, những người “tạo ra các quan điểm của mình, để có thể sống trong đó mà không bị bối rối vì những mâu thuẫn khác nhau”. “Hãy tự tưởng tượng ra một giai cấp những người có trình độ cao, được vũ trang bằng các tư tưởng của khoa học hiện đại, khôn khéo, tự chủ, dũng cảm trong tư duy, quen và thích suy nghĩ, chứ không phải là… cày ruộng”.

Telegin không che giấu cả những đặc điểm sau đây của tầng lớp mình: “Chúng ta là những người nghĩ thế này nhưng lại nói thế kia và làm thì hoàn toàn khác hẳn… Sự phi đạo đức một cách toàn triệt liên quan đến cả chúng ta”. Ông ta đang nói đến tâm hồn ba mặt, đạo đức ba mặt – để xử sự “với mình, với xã hội, với nhà nước”. Nhưng đây có phải là khuyết tật hay không? Anh chàng vui tính Telegin cho rằng: “Đấy là thắng lợi của chúng ta”! Tại sao lại như thế được? Trả lời: Chính quyền muốn chúng ta phải khuất phục cả trong tư duy, trong lời nói cũng như việc làm, còn chúng ta thì suy nghĩ một cách dũng cảm! “Chúng ta đã bảo vệ được tự do nội tâm”! (Thật đáng kinh ngạc: nếu chửi thầm được coi là tự do về mặt tâm hồn thì nô lệ về mặt tâm hồn là gì? Dù sao chúng ta cũng gọi tự do về mặt tâm hồn là khả năng tư duy và hành động mà không phụ thuộc vào các chướng ngại bên ngoài, còn tự do ở ngoại giới là khi các chướng ngại đó không còn.)

Trong bài báo của Telegin, “tinh hoa của nước Nga” đã thể hiện mình một cách rất thẳng thắn và phù hợp. Làm quen với các quan điểm đó sẽ chỉ có lợi cho chúng ta.

“Dưới chế độ áp bức” dường như đã xuất hiện “một nền văn hoá mới”, “một hệ thống các quan hệ và tư duy mới”, đấy là “một người khổng lồ đứng trên hai chân - nghệ thuật và khoa học”. Trong lĩnh vực nghệ thuật? – Các nghệ sĩ tự biên tự diễn chơi đàn ghi-ta và văn học samizdat độc lập với nhà nước. Trong lĩnh vực khoa học? - “Phương pháp luận hùng mạnh của môn vật lí học”, và từ đó là cả “một nền triết học đầy sức sống”, đã có hàng chục nền văn hoá cấp ngành và khu vực đâm chồi nảy lộc trong các phòng làm việc và hành lang của các viện nghiên cứu - thiết kế và trong đại sảnh của Viện Hàn lâm Khoa học.” “Đấy là không gian bao la cho những người sáng tạo và họ đã có mặt.” “Không chính quyền nào có thể ngăn chặn được khoa học.” Và: có thể “áp dụng phương pháp luận của vật lí học vào những điều tế vi của đạo đức” (xin Chúa phù hộ cho chúng con…). “Trên cái nền văn hoá bí mật đó, một thế hệ mới, thế hệ của những vĩ nhân sẽ xuất hiện và sẽ lớn nhanh như thổi, những nỗi sợ hãi của chúng ta chỉ làm họ buồn cười mà thôi.”

Tiếp theo là một kế hoạch táo bạo, tức là muốn cứu chúng ta thì phải sử dụng nền văn hoá này như thế nào. Vấn đề là “đứng lên chống lại những điều kiện sống của chúng ta một cách công khai không phải… bao giờ cũng là phương pháp tốt nhất”. “Lấy oán báo oán, oán ấy chất chồng”, “những âm mưu bí mật và các đảng phái mới” cũng chẳng có ích gì và không cần thiết, không thể kêu gọi đứng lên làm cách mạng được.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với kết luận cuối cùng, mặc dù tác giả đã tỏ ra sai lầm khi lập luận như sau: sự sụp đổ của chế độ chuyên chế là do xã hội đã bác bỏ hệ tư tưởng quốc doanh chứ không phải là do bất kì hoạt động cách mạng nào. Không phải như thế, không thể so sánh như thế được: phải có hoạt động cách mạng thực sự, còn chế độ chuyên chế thì kháng cự không còn hung tợn nữa, chỉ bằng một phần trăm trước đây và một tầng lớp trí thức dám hi sinh. Nhưng chúng tôi đồng ý với kết luận mang tính thực tiễn: vứt bỏ tư tưởng cách mạng, “chúng ta sẽ không xây dựng kế hoạch thành lập một đảng mang tính quần chúng, theo kiểu đảng của Lenin”.

Thế thì sao? Đây: “trong giai đoạn đầu sẽ không có nhiều người phải hi sinh” (giới kĩ giả hoàn toàn yên tâm). Giai đoạn 1: “không chấp nhận nền văn hoá của bọn áp bức” và “xây dựng nền văn hoá” của mình (đọc và hiểu một cách sâu sắc samizdat trong hành lang các viên nghiên cứu). Giai đoạn 2: dốc “sức cho việc quảng bá nền văn hoá đó trong dân chúng”, thậm chí “tích cực đưa nền văn hoá đó vào trong quần chúng” (phương pháp luận của vật lí học ư? hay là hát có ghi-ta đệm theo?), “làm cho nhân dân nhận thức được tình trạng của đất nước”, muốn thế cần phải có “những biện pháp khéo léo. Con đường đó trước hết không đòi hỏi lòng dũng cảm (dầu cù là loại này đã được dùng biết bao lần rồi) mà cần khả năng thuyết phục, giảng giải, biết gây sự chú ý của nhân dân một cách lâu dài mà lại không làm cho chính quyền để ý”, “nước Nga cần không chỉ các nhà hùng biện và các chiến sĩ đấu tranh quên mình mà còn cần… những người phê phán sâu cay, những nhà truyền giáo khéo léo của nền văn hoá mới nữa”. “Chúng ta có chung tiếng nói với nhân dân, trong khi nói về bóng đá, nói về câu cá cũng cần tìm các hình thức cụ thể để xâm nhập vào quần chúng”. “Chả lẽ chúng ta, những người có thế giới quan… (vân vân)… lại không giải quyết được nhiệm vụ mà những người truyền giáo chưa thoát nạn mù chữ đã giải quyết một cách thành công ư?” (Không phải là vấn đề thoát nạn mù chữ như giới kĩ giả tự cao tự đại và mù dở tự nghĩ về mình, mà là sức mạnh tinh thần.)

Chúng tôi đã trích dẫn khá nhiều, bởi vì: đấy không chỉ là của một mình ông Telegin mà là tất cả các nhà tư tưởng tự tin của giới kĩ giả trung tâm. Người nào cũng chỉ nói có một điều: khai minh một cách thận trọng! Bài báo của Zhelnov (Tờ tin, số 97, đã dẫn), không hẹn mà gặp cũng có tên là “Làm sao?”. Trả lời: “thành lập các hội Công giáo bí mật”, việc cải thiện đạo đức được dự kiến kéo dài cả ngàn năm. L. Ventsov (Tờ tin, số 99) với bài “Suy tư!”, không hẹn nhưng đơn thuốc cũng hệt như của Telegin. Trong một thời gian ngắn các tờ tạp chí samizdat xuất hiện như nấm sau mưa: đấy là những tờ Tia sáng tự do, Người gieo hạt, Tự do tư tưởng, Người dân chủ, tất cả đều xuất bản bí mật, dĩ nhiên rồi, và tất cả đều đưa ra một lời khuyên: không được lộ diện, không được vi phạm nguyên tắc hoạt động bí mật, và phải nhanh chóng phổ biến cho quần chúng những nhận thức đúng… Sao thế? Vẫn là những vở đã có tuổi thọ cả ngàn năm rồi, các sự kiện của thời đại tên lửa này có tốc độ gấp hàng trăm lần như thế. Thật là dễ: nằm trong hang rồi tung ra các ý tưởng đó cho samizdat, mọi sự sẽ tự diễn ra.

Không, không diễn ra đâu.

Trong các phòng làm việc đầy đủ tiện nghi và chan hoà ánh sáng của các viện nghiên cứu, các nhà khoa học “chính xác” và các kĩ sư, trong khi lên án một cách nghiêm khắc các đồng nghiệp nhân văn của mình vì họ đã “làm tôi đòi cho chế độ”, có thói quen tha thứ cho những hoạt động của mình, những hoạt động cũng không kém phần khủng khiếp và trách nhiệm trước lịch sử cũng không phải là nhỏ hơn. Nhưng nếu không thế, chúng ta có thể mất một nửa các viện nghiên cứu, mất những viện quan trọng nhất và bí mật nhất, khoa học sẽ ngưng trệ thì sao? Không được, còn chủ nghĩa đế quốc. “Tạo ra nền văn hoá phi toàn trị có thể dẫn đến tự do mang tính vật chất nữa”, Telegin khẳng định như thế - biết phản đối như thế nào đây? Suốt ngày làm việc, các khoa học gia (từ khi khoa học trở thành một ngành công nghiệp, thực chất họ chỉ là những công nhân công nghiệp có tay nghề) đã đưa ra nếu không phải là “nền văn hoá” thì cũng là nền văn minh vật chất (còn hơn thế - vũ khí), và chính người ta đã dùng vật chất để củng cố những dối trá và khắp nơi người ta đều giơ tay và đồng ý rồi nhắc lại theo yêu cấu của cấp trên – làm sao mà cái văn hoá ấy lại có thể cứu chúng ta cho được?

Mấy năm sau bài báo của Telegin, đã có nhiều dịp để cho thế hệ vĩ nhân kéo đàn kéo lũ ra rồi – Không! Người ta đã kí, khi có yêu cầu, lúc thì chống Dubček, [7] khi thì chống Sakharov, chỉ cần cấp trên ra lệnh là chống tất, miệng vẫn chửi thầm và chen vai thích cánh ngoài hành lang nhằm phát triển “nền văn hoá ngành” và rèn rũa “phương pháp hùng mạnh”.

Hay là các bác sĩ tâm thần của Viện Serbsky [8] cũng sống bằng “đạo đức ba mặt” và cũng tự hào có “tự do về mặt tâm hồn”? Còn các công tố viên và các quan toà ở toà án tối cao thì sao? – trong bọn họ cũng có những người có trí tuệ sắc sảo, chẳng kém gì các vĩ nhân của Telegin.

Lời tuyên bố đầy tự đắc rằng nó đã tiến gần đến chân lí này rất dễ làm người ta lẫn lộn và bị lừa và buả vây tâm hồn người đọc và đến điểm nguy hiểm nhất thì quay sang hướng khác. “Ohne uns [9] !” – Telegin gào lên. Đúng. “Không chấp nhận nền văn hoá của bọn áp bức!” - Chính xác. Nhưng: khi nào? Ở đâu? Không chấp nhận dưới hình thức nào? Không phải trong phòng thay áo mà là trên các cuộc hội nghị - không nói leo những điều mình không nghĩ, không giơ tay trái với lương tâm mình! Còn trong phòng làm việc thì không kí những văn bản mà mình không tự soạn theo đúng lương tâm mình. Bác bỏ “nền văn hoá” nào? Không ai đi ép buộc nền văn hoá, người ta chỉ ép buộc những điều dối trá – còn dối trá thì không được chấp nhận, mà phải ngay lúc đó, ngay tại chỗ chứ không phải là tỏ ra bực bội trong lúc uống nước trà ở nhà vào buổi tối. Bác bỏ những điều dối trá – ngay lúc ấy mà không cần suy nghĩ về hậu quả đối với lương bổng, gia đình và thú vui phát triền “nền văn hoá mới”. Bác bỏ mà không cần lo lắng liệu những người khác có làm như mình hay không, không nhìn quanh xem chuyện đó sẽ được người ta bàn ra tán vào ra sao.

Vì câu trả lời thật là rõ ràng, người ta sẽ đi theo sự đơn giản và chân thật đó, cho nên nhà tư tưởng nặc danh của thế hệ vĩ nhân vô tích sự, nhỏ mọn và kiêu kì mới phải dùng tất cả thuật hùng biện để kéo người ta tránh xa nó [10] .

Ai không dám mạo hiểm – xin hãy để cho chúng tôi ở yên trong đống bùn nhơ, hèn mạt của mình, xin đừng bắt chúng tôi phải nghe những luận thuyết, những lời tố cáo và những chỉ dẫn thông thái của quí vị về cội nguồn của những tệ đoan của nước Nga.


6.

Giới kĩ giả trung tâm quan niệm về vị trí của mình ở trong nước, quan hệ của mình với nhân dân như thế nào? Sẽ lầm to nếu cho rằng nó đã sám hối về vai trò đày tớ của mình. Ngay cả Pomerants, người đại diện cho giới kĩ giả thuộc ngành nhân văn, không nằm trong bộ máy, không giữ vị trí lãnh đạo, không phải đảng viên, ở ngay thủ đô mà vẫn không quên ca ngợi “cuộc cách mạng văn hoá của Lenin” (đập tan các hình thức sản xuất cổ lỗ, cực kí quí giá!), bảo vệ hình thức cai trị trong những năm 1917-1922 (“chuyên chính tạm thời trong khuôn khổ dân chủ”). Và: “Tiểu tư sản dĩ nhiên xứng đáng bị những người cách mạng vừa chiến thắng đối xử một cách tàn bạo”. Thái độ nô lệ đó của ông ta chứ không phải là của chúng ta!... Giới kĩ giả trung tâm hành xử có gì xứng đáng hơn những người được gọi là “tiểu tư sản”? Cả những người ca ngợi giới kĩ giả lẫn những người phê phán nó đều không hề nghĩ đến những tội lỗi, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, trước nhân dân, cái tội lỗi mà giới trí thức trước cách mạng từng thường xuyên dằn vặt. Lúc đó mọi người đều có chung ý kiến, còn Altayev thì viết: “Đáng lẽ ra nhân dân phải cảm thấy có lỗi đối với tầng lớp trí thức”.

Trong quan hệ với nhân dân, giới kĩ giả trung tâm luôn luôn đưa ra những kết luận có lợi cho mình. Pomerants viết: “Trí thức là hiện thân của các lực lượng xã hội, cả tiến bộ lẫn phản động. Đối lập với trí thức, toàn thể dân chúng hợp lại thành một đám đông phản động”. “Đây là một phần của tầng lớp có học của xã hội, trong đó diễn ra sự phát triển về mặt tinh thần, diễn ra sự phá vỡ của những giá trị cũ và xuất hiện những giá trị mới, thực hiện từng bước sự tiến hoá từ súc vật thành Chúa trời… Giới trí thức là cái mà giới trí thức tìm trong quần chúng, trong giai cấp vô sản, v.v…, là chất men thúc đẩy lịch sử”. Hơn nữa: “Tình yêu đối với nhân dân còn nguy hiểm hơn (tình yêu đối với súc vật); không có giới hạn nào cản trở người ta trở thành loài bốn chân hết”. Vâng, đơn giản là: “Ở đây… đang hình thành trụ cột mới của nhân dân”, “một cái gì đó mới sẽ thay thế cho nhân dân”, “những người lao động trí óc đầy sáng tạo sẽ trở thành nhân dân của thế kỉ XX”!

Gorky (một bí danh nữa, Tờ tin, số 97) cũng viết hệt như Telegin: “Con đường dẫn đến những giá trị cao cả không liên can gì đến sự hợp nhất với nhân dân”. Ngược 180 độ so với những suy nghĩ của những bậc tiền bối trí thức dốt nát của họ.

Xin chuyển sang lĩnh vực tôn giáo. Pomerants: “Nông dân không phải là những người lí tưởng trong tôn giáo” vì họ không đạt được đỉnh cao triết học: “các vị có thể gọi đấy là Chúa Trời, là Tuyệt đối, là Chân Không… tôi không gắn bó với bất cứ từ nào”, chỉ đơn giản là lòng trung thành với tín ngưỡng, với tín điều và thậm chí nghi thức, nông dân không phải là người lí tưởng trong tín ngưỡng “cũng như trong ngành nông học”. (Theo nông học của nông dân thì chúng ta có cả bánh mì lẫn những mảnh đất màu mỡ, còn theo khoa học thì đất bạc màu đến nơi.) Nhưng “các nhà trí thức hiện nay đang tìm Chúa. Tôn giáo không còn là biểu tượng của quần chúng nữa. Nó đã trở thành biểu tượng của giới tinh hoa”. Gorky cũng viết như thế: “Lẫn lộn giữa việc trở lại với nhà thờ và thâm nhập vào quần chúng là một thành kiến nguy hiểm”.

Một người thì viết cho samizdat ở Moskva, người khác thì viết cho tờ tạp chí ở tận Paris, có lẽ là họ không quen nhau, thế mà có sự thống nhất đến kinh ngạc, cái kim cũng không thể lọt được! Nghĩa là đây không phải là chuyện bịa đặt của một hai người mà là cả một xu hướng.

Chúng ta khuyến nghị cho nhân dân điều gì? Chẳng có gì hết. Chẳng có nhân dân nào hết, tất cả bọn họ đều thống nhất như thế: “Nền văn hoá, giống như một con rắn, đơn giản là nó lột da, còn nhân dân thì nằm đó, chết, rồi hoá thành tro bụi”. “Đạo đức cũ, đối với nhân loại, đã là quá khứ xa xôi rồi.” “Chúng ta bị nhân dân bao vây. Nông dân trong các nước phát triển còn rất ít, không thể bao vây được chúng ta”, “các dân tộc có nhiều nông dân là các dân tộc đói khổ, các dân tộc không còn nông dân là các dân tộc không còn bị đói”. (Đấy là khi chúng ta còn chưa rơi vào tình trạng bế tắc của công nghệ.)

Nếu các nhà tư tưởng của giới kĩ giả cho là nhân dân đang ở tình trạng như thế vậy thì số phận các dân tộc sẽ như thế nào? Cả những điều này cũng được cân nhắc kĩ. Pomerants: “Các dân tộc và những nền văn hoá khu vực sẽ biến mất dần.” Còn “người trí thức thì bao giờ cũng ở giữa đường… Về mặt tinh thần, tất cả các trí thức hiện đại đều là dân ngụ cư cả [11] . Ở đâu chúng ta cũng không phải là người xa lạ. Nhưng cũng không hoàn toàn là người của mình.”

Tất cả thế hệ chúng ta đều được giáo dục theo tinh thần quốc tế-thế giới chủ nghĩa như thế cả. Quả thật (nếu bỏ qua, nếu có thể bỏ qua chính sách dân tộc trong những năm 1920) nó đẹp và cao thượng, có thể một lúc nào đó nhân loại sẵn sàng vươn lên tầm cao đó. Quan điểm đó đã chi phối được một phần xã hội phương Tây rồi. Ở Tây Đức nó làm cho người ta không còn quá bận tâm đến việc thống nhất nước Đức nữa, không có nhu cầu bí hiểm nào trong việc thống nhất nước Đức hết, họ nói như thế. Ở Anh, tuy người ta vẫn còn bám một vào Khối Liên hiệp Anh huyền thoại, nhưng chỉ cần một sự bất bình nho nhỏ của xã hội chống lại bất kì biểu hiện phân biệt chủng tộc nhỏ nhất nào là đất nước đã tràn ngập người châu Á và người vùng caribbean rồi, người ta chẳng còn quan tâm gì tới đất nước, văn hoá và truyền thống Anh nữa, chỉ còn tìm cách có một tiêu chuẩn sống cao là đủ. Có hẳn là tốt hay không? Chúng ta, ở xa, chẳng có quyền phán xét. Nhưng thế kỉ của chúng ta, mặc cho những lời kết án, lên án, khẩn cầu, hoá ra ở đâu cũng cứ là thế kỉ của sự hồi sinh, của tự nhận thức và hợp quần của các dân tộc. Sự hồi sinh và củng cố một cách thần kì của nhà nước Israel, sau hai ngàn năm li tán, chỉ là một trong hàng loạt thí dụ rõ ràng nhất.

Các tác giả của chúng ta lẽ ra phải biết chuyện này, nhưng khi nói về nước Nga thì họ lại lờ đi. Gorky phản đối gay gắt “chủ nghĩa yêu nước thiếu ý thức”, phản đối “việc lệ thuộc bản năng vào môi trường quen thuộc của tự nhiên và chủng loài”, ông cấm chúng ta yêu một cách vô lí, theo bản năng cái đất nước nơi ta sinh ra và đòi mỗi người phải tự nâng mình lên đến “hành động tự quyết về mặt tinh thần” rồi sau đó mới lựa chọn cho mình tổ quốc. Ông cho rằng cả tiếng mẹ đẻ (kém ngay cả một lí thuyết gia như là… Stalin) lẫn cảm thọ về lịch sử đất nước không phải là những biểu trưng liên kết dân tộc. Kẻ giả mạo coi “sự đồng nhất về sắc tộc và lãnh thổ” là những biểu trưng phụ và coi sự thống nhất dân tộc là ở tôn giáo (đúng, nhưng tôn giáo có thể rộng hơn dân tộc) và “văn hoá” tuy vẫn không xác định là văn hoá nào (có phải là cái văn hoá “trườn như rắn” của Pomerants không?). Ông ta khăng khăng cho rằng việc tồn tại của các dân tộc là trái với tinh thần của Chúa Ba Ngôi (Còn chúng ta lại nghĩ rằng cho các thánh tông đồ nói bằng những ngôn ngữ khác nhau là Thượng đế đã công nhận tính đa dạng của nhân loại và tính đa dạng đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay). Ông ta run rẩy van vỉ rằng đối với nước Nga “ý tưởng sáng tạo chính” không thể là “sự phục hưng dân tộc” (ông ta để trong ngoặc kép, còn chúng ta thì bị cấm sử dụng khái niệm ngu xuẩn đó), mà là “cuộc đấu tranh giành Tự Do và các giá trị tinh thần”. Còn chúng ta thì vì ngu dốt cho nên không hiểu được mâu thuẫn ở đây: làm sao mà cái nước Nga đã bị đày đoạ về mặt tinh thần như thế, không thông qua việc hồi sinh dân tộc thì làm sao có thể lấy lại được các giá trị tinh thần? Cho đến nay toàn bộ lịch sử loài người đều diễn ra dưới hình thức lịch sử các bộ lạc hay các dân tộc, và bất kì phong trào mang tính lịch sử lớn nào cũng đều bắt đầu trong khuôn khổ của các dân tộc chứ chưa có phong trào nào bắt đầu bằng tiếng Esperanto [12] hết. Dân tộc cũng như gia đình là liên kết tự nhiên của con người với mối thiện cảm hỗ tương bẩm sinh của các thành viên, hiện nay chẳng có cơ sở gì để lên án hoặc đòi xoá bỏ nó. Còn trong tương lai xa, chúng ta sẽ chẳng thể nào biết được.

Dĩ nhiên là Pomerants cũng rút ra kết luận như thế. Ông ta bảo rằng “… Đấu tranh với các thể chế của quốc gia mà lại đứng hoàn toàn trên lập trường quốc gia thì chẳng khác nào nắm tóc mình mà lôi lên vậy”. Một lần nữa vì ngu dốt mà chúng ta không hiểu: phải đứng trên lập trường nào thì mới đấu tranh chống lại được những tệ nạn quốc gia? - Từ lập trường quốc tế ư? Mạng sườn và gáy của chúng ta đã trải qua thử thách của cuộc đấu tranh bằng báng súng của người Latvia hay súng lục của người Hungaria rồi, xin cám ơn! Cần phải tự mình sửa chữa chứ đừng nên kêu người khác đến sửa giùm.

Có người sẽ nói: tại sao tôi lại vặn vẹo hai ông Pomerants và Gorky, đúng ra là một rưỡi (nặc danh chỉ tính một nửa), cùng với Altayev là hai và Telegin là hai rưỡi, làm gì?

Vì đấy là một xu hướng, tất cả các lí thuyết gia, rõ ràng là sẽ còn xuất hiện dài dài. Để cho chắc ăn chúng ta cho hẳn một nhát như thế. Mùa hè năm 1972 vì thiếu trách nhiệm mà mấy cánh rừng Nga bị cháy thành tro (chúng ta còn phải lo công việc ở Cận Đông và Mĩ Latinh cơ) – anh chàng vô thần vui tính Semyon Telegin đã tung ra một tờ truyền đơn samizdat, nơi, lần đầu tiên anh ta cho thấy tầm vóc cực kì to lớn của mình và chỉ rõ: đấy là trời phạt nước Nga vì những hành động tàn ác! Thật tức cười vỡ bụng mất thôi.

Giới kĩ giả trung tâm quan niệm vấn đề dân tộc như thế nào? Để hiểu điều đó xin hãy dạo qua một số gia đình kĩ giả có nuôi những giống chó kiểng và hỏi xem họ đặt tên chó như thế nào. Bạn sẽ thấy: Phoma, Potap, Makar, Timophei [13] … Thế mà không ai cảm thấy ngứa tai, không ai cảm thấy xấu hổ gì cả. Vì người nhà quê chỉ còn trong “tuồng chèo” [14] , nhân dân không còn thì tại sao lại không lấy tên nông dân, tên theo Thiên chúa giáo mà đặt cho chó?

Ôi làm sao có thể đi theo con con đường núi chênh vênh đó mà lại không làm người thân giận hờn, không trút tội lỗi của mình lên người khác đây?...

Tuy nhiên bức hoạ về nhân dân của Pomerants nói chung là đúng. Chúng ta làm ông thất vọng bao nhiêu khi nói rằng ở nước ta trí thức đã không còn, đã tan vào trong đám kĩ giả thì ông cũng làm chúng ta đau khổ bấy nhiêu khi khẳng định rằng nhân dân cũng không còn.

“Nhân dân không còn. Chỉ có một đám đông, còn nhớ một cách mù mờ rằng đã có thời họ là nhân dân và mang trong mình Thượng đế, còn bây giờ chỉ là một đám đông rỗng tuếch.” “Nhân dân theo nghĩa là nhân dân - người mang theo linh hồn Thượng đế, cội nguồn của những giá trị tinh thần đã không còn. Chỉ còn lại một lũ trí thức thần kinh – đông lắm.” “Nông trang viên đang hát những bài nào? Một vài tàn tích của di sản” vẫn được nhồi nhét “trong trường học, trong quân đội và trên sóng phát thanh”. “Nhân dân đang ở đâu? Nhân dân chính hiệu, nhân dân đang nhảy những vũ điệu truyền thống, đang kể những câu chuyện cổ tích, đang thêu thùa? Ở nước ta chỉ còn những vết tích của nhân dân, hệt như vết tích của tuyết giữa mùa xuân vậy… Nhân dân, như là sức mạnh của lịch sử, xương sống của nền văn hoá, nguồn động viên của Pushkin và Goethe đã không còn”. “Cái mà người ta thường gọi là nhân dân hoàn toàn không phải là nhân dân mà là tiểu thị dân.”

Đen tối và đáng buồn thật.

Nhân dân làm sao mà còn cho được? Có hai quá trình chồng chất lên nhau, đuổi theo nhau về cùng một hướng. Một quá trình chung (nhưng ở Nga nó còn bị ngăn chặn trong một thời gian dài và chúng ta có thể bỏ qua), gọi là đại chúng hoá (cái tên thật kinh tởm, nhưng quá trình cũng chẳng hơn gì), liên quan đến nền công nghệ mới ở phương Tây, với sự phát triển nhanh chóng của các thành phố, các phương tiện thông tin và giáo dục được tiêu chuẩn hoá, chung cho tất cả mọi người. Quá trình thứ hai, là đặc thù của chúng ta, nhằm xoá bỏ khuôn mặt có từ lâu đời của nước Nga và bôi lên đó một khuôn mặt nhân tạo khác, quá trình này hoạt động còn quyết liệt hơn, khả năng đảo ngược còn khó khăn hơn.

Nhân dân làm sao mà còn cho được? Người ta đã bắt đem vứt tượng đi, bắt không được vâng lời người lớn nữa, cả lò nướng bánh mì lẫn xa kéo sợi cũng bị vứt nốt. Sau đó là hàng triệu ngôi nhà đầy đủ tiện nghi bị bỏ hoang, tàn tạ hoặc là giao cho những người chẳng ra gì trông coi, và cuối cùng là 5 triệu gia đình khoẻ mạnh, cần cù lao động, có cả trẻ con còn ẵm ngửa đã bị đưa đi và chết hoặc là trên đường trường mùa đông hay sau khi đã đến vùng đầm lầy ở Sibiria. (Giới trí thức của chúng ta không giật mình, không thét lên, thậm chí thành phần tiên phong của nó cũng tham gia xua đuổi nữa. Đấy là lúc nó không còn là trí thức nữa, nhân dân có phải xin lỗi nó vì giây phút đó hay không?). Làm cho những ngôi nhà khác và các gia đình khác phá sản là việc dễ dàng hơn nhiều. Người ta đã tịch thu ruộng đất, cái phần ruộng đất đã làm cho nông dân là nông dân ấy, biến đất đai thành ra vô chủ, một điều chưa từng có, kể cả trong chế độ nông nô, làm cho tất cả mọi người đều trở thành một lũ “mackenô [15] ” hết, một số người thì bị đẩy tới những khu Magnitogorsk [16] , một số khác - đấy là cả một thế hệ những người đàn bà Nga đã chết như thế, bị buộc phải nuôi bộ máy nhà nước cho đến thời kì chiến tranh, rồi cuộc chiến tranh vĩ đại của bộ máy đó và cả sau chiến tranh nữa. Tất cả những chiến thắng trên trường quốc tế của nước ta và sự phát đạt của hàng ngàn viện nghiên cứu là kết quả của sự tàn phá nông thôn Nga, tàn phá phong tục của nước Nga. Người ta đã kéo vào những căn nhà ở nông thôn và những cái hộp quái gở ở ngoại ô thành phố những cái loa truyền thanh, khủng khiếp nhất là họ còn lắp chúng trên tất cả các cột điện ở những nơi công cộng nữa (hôm nay trên khắp nước Nga cái dấu hiệu tuyệt đỉnh của văn hoá đó vẫn còn ra rả nói từ sáu giờ sáng đến tận mười hai giờ đêm, bịt miệng nó thì sẽ bị kết tội chống chính quyền Xô-viết ngay lập tức). Chính những chiếc loa phóng thanh đó đã hoàn thành công việc: chúng đã đánh bật khỏi đầu óc người ta tất cả những dấu ấn cá nhân và tính dân gian, nhồi nhét vào đầu người ta những điều rập khuôn, chà đạp và làm bẩn tiếng Nga, ông ổng tru lên những bài hát trống rỗng và nhạt thếch (cũng do trí thức viết). Người ta đã phá đến những ngôi nhà thờ cuối cùng ở nông thôn, giày xéo và vấy bẩn lên các nghĩa trang, tịch thu ngựa, rồi đem máy kéo và xe năm tấn phá nát những con đường đã có hàng thế kỉ, rất phù hợp với phong cảnh chung. Ai và còn chỗ nào để có thể nhảy múa, thêu thùa?… Thanh niên nông thôn được giải trí bằng những bộ phim ngu ngốc (trí thức: “cần phải sản xuất nhiều phim bộ vào”), những điều ngu ngốc đó cũng được tống vào sách giáo khoa trong nhà trường và những quyển sách viết cho những người lớn hơn (bạn có biết ai viết không?) - để cho chồi non không thể nào mọc lại trên khu vực rừng vừa bị phá. Người ta đã dùng xe tăng là phẳng trí nhớ của nhân dân, thế thì nhân dân làm sao mà còn cho được?

Chúng ta đang ngồi nghiên cứu trên cái đống tro tàn đó.

(Còn 1 kì)


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]George Orwell (1903-1950) tên thật là Eric Arthur Blair — nhà văn nổi tiếng người Anh, các tác phẩm chính: 1984, Trại súc vật, Tưởng niệm Catalonia… - ND
[2]Dịch thoát ý từ корочка, nghĩa là vỏ bánh mì - ND
[3]A. D. Sakharov (1921 – 1989), nhà vật lí học và hoạt động xã hội nổi tiếng. Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, cha đẻ của quả bom khinh khí đầu tiên của Liên Xô, được tặng rất nhiều huân huy chương của nhà nước Liên Xô, nhưng về sau trở thành nhà hoạt động đối kháng. Năm 1975 được tặng Huân chương Hoà bình Nobel, năm 1980 bị bắt đi đày ở Gorki, trở lại Moskva vào năm 19875, trở thành đại biểu Xô-viết Tối cao Liên Xô vào năm 1989 và mất trong cùng năm đó.
[4]D.D. Shostakovich (1906-1975), nhạc sĩ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Liên Xô.
[5]Lidia Zhukovskaya (1907-1996), nhà văn, nhà thơ và nhà báo đối kháng nổi tiếng của Liên Xô.
[6]Theo khẳng định của K. Liubarsky (tờ Tin Moskva, 1990, số 39) thì tác giả 3 bài báo là Herzen Kopylov (chú thích của biên tập viên bản tiếng Nga).
[7]Alexander Dubček (1921-1992) là nhà hoạt động nhà nước và xã hội nổi tiếng của Tiệp Khắc, giữ chức Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Tiệp Khắc từ tháng 1 năm 1968 đến tháng 4 năm 1969, người khởi xướng chủ yếu công cuộc cải cách được gọi là Mùa xuân Praha.
[8]Bệnh viện tâm thần, nổi tiếng trong việc dùng các biện pháp y khoa nhằm đàn áp những người chống đối chế độ.
[9]“Không có chúng tôi!” - tiếng Đức.
[10]Sau này Telegin đã thay đoạn cuối như sau: “những bước đầu tiên - tẩy chay không tham gia, coi thường”. Coi thường cũng chỉ là chửi thầm, còn không tham gia là không tham gia ở đâu?
[11]Dịch thoát ý từ Diaspora (Дипспор) có nghĩa là khối người Do Thái giữa những cộng đồng không Do Thái, sau khi họ phải lưu vong năm 538 trước Công nguyên.
[12]Esperanto, ngôn ngữ quốc tế nhân tạo do một bác sĩ người Ba Lan, tên là L. L. Samenhof nghĩ ra vào năm 1908.
[13]Đây là tên con trai thường gặp ở vùng nông thôn Nga.
[14]Dịch thoát ý từ opera.
[15]Dịch thoát ý, nguyên văn: làm cho tất cả mọi người đều không quan tâm đến gì hết.
[16]Trung tâm công nghiệp ở vùng Siberia
Nguồn: Nowy Mir (Thế giá»›i Má»›i), 1991, số 5, trang 28-46