trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
9.10.2008
Aleksandr Solzhenitsyn
Tầng lớp kĩ giả
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3 
 
7.

Nhân dân không còn à? Thế thì đúng: sự phục hưng dân tộc sẽ không thể nào xảy ra ư?... Sao lại khùng như thế! - Đúng vào lúc đã có những tín hiệu: từ sự phá sản của tiến bộ kĩ thuật, theo nghĩa là quay về với nền kinh tế ổn định thì khắp nơi đều sẽ diễn ra quá trình khôi phục mối liên hệ ban đầu của đa số dân chúng với ruộng đất, với những tư liệu và dụng cụ đơn giản nhất và với lao động chân tay (hiện những người dân thành phố quá dư thừa đang tự đi tìm cách sống như thế). Nhất định trong tất cả các nước, kể cả các nước phát triển, di sản của tầng lớp nông dân, giai cấp nông dân và thợ thủ công (dĩ nhiên là với kĩ thuật mới nhưng phân tán) sẽ được phục hồi. Chẳng lẽ người nông dân chỉ còn trong “tuồng chèo” của chúng ta lại không trở về hay sao?

Nhưng trí thức cũng không còn ư? Giới kĩ giả là cái cây khô, không thể nào phát triển được nữa.

Tất cả các giai cấp đều bị đánh tráo, thế thì làm sao mà phát triển cho được.

Nhưng vẫn phải còn ai chứ? Làm sao cấm được tương lai của con người? Chẳng lẽ người dân không thể sống tiếp hay sao? Chúng ta vẫn nghe thấy giọng nói mệt mỏi nhưng ấm áp của họ, đôi khi không nhìn rõ mặt, chỉ đi ngang qua trong ánh sáng lờ mờ, chúng ta nghe thấy những lo lắng tự nhiên của họ được thể hiện bằng giọng nói Nga, đôi khi rất sống động, chúng ta trông thấy những khuôn mặt và nụ cười hồn nhiên của họ, nhận được từ họ những cử chỉ thân thiện, đôi khi là bất ngờ đối với chúng ta, chúng ta quan sát các gia đình đầy lòng hi sinh, sẵn sàng chịu đựng tất cả thiệt thòi miễn là giữ được cái tâm – làm sao có thể cấm những người đó không được có tương lai?

Nhân dân không còn là một kết luận vội vàng. Vâng, làng quê đã chạy tứ tán hết rồi, số còn lại cũng chẳng còn mấy sức sống, còn trong các khu ngoại ô thì chỉ có tiếng đập của quân bài domino (thành tích của xoá nạn mù chữ) và tiếng chai vỡ, không thấy quần áo, cũng chẳng có vũ hội, ngôn ngữ thì méo mó, các suy nghĩ và cố gắng còn biến dạng và đi theo hướng sai lầm hơn nữa, nhưng ngay cả tiếng chai vỡ hay những đống giấy tờ bị gió cuốn khắp các khu phố cũng không làm người ta tuyệt vọng bằng thói đạo đức giả trong khi thừa hành công vụ của lũ kĩ giả kia. Vì đa số quần chúng không tham gia vào công việc dối trá của nhà nước và hôm nay đấy chính là chỉ dấu cho phép hi vọng rằng nhân dân chưa hoàn toàn quên Chúa, như người ta vẫn chê trách. Nói cách khác, trong trái tim nhân dân vẫn còn những chỗ chưa bị đốt cháy, chưa bị xéo nát hoàn toàn.

Trí thức không còn cũng là một kết luận vội vàng. Mỗi người chúng ta đều biết ít nhất là một vài người vẫn đứng cao hơn cái sự giả trá này, vẫn đứng cao hơn cảnh lăng xăng của giới kĩ giả kia. Tôi hoàn toàn đồng cảm với tất cả những người muốn thấy, muốn tin rằng họ đã thấy hạt nhân trí thức nào đó, đấy chính là hi vọng của chúng ta vào sự hồi sinh về mặt tinh thần. Chỉ có điều tôi nhận thấy và giới hạn cái hạt nhân này theo những dấu hiệu khác: không dựa vào chức danh khoa học, không dựa vào số đầu sách đã xuất bản, không dựa vào trình độ học vấn “của những người quen và thích suy nghĩ chứ không phải là cày ruộng”, không dựa vào tính khoa học của phương pháp luận dễ dàng tạo ra “tiểu văn hoá ngành”, không dựa vào sự vong thân khỏi nhà nước và nhân dân, không dựa vào “dân ngụ cư [1] ” (“ở đâu cũng là người xa lạ cả”). Mà dựa vào sự trong sáng của hoài bão, tinh thần hi sinh nhân danh chân lí, mà trước hết là vì cái đất nước nơi người đó đang sống. Cái hạt nhân được giáo dục không chỉ trong các thư viện mà còn trong các thử thách về mặt tinh thần nữa. Không phải cái hạt nhân muốn được coi là hạt nhân mà không dám hi sinh những tiện nghi của đời sống của tầng lớp kĩ giả trung tâm. Năm 1887 Dostoevski ước mong nước Nga có “một lớp thanh niên khiêm nhường và dũng cảm”. Nhưng lúc đó đã xuất hiện Lũ người quỉ ám [2] và chúng ta đã thấy mình đi đến đâu. Nhưng tôi xin làm chứng rằng trong những năm gần đây tôi đã được thấy bằng mắt của mình, đã được nghe bằng tai của mình cái tầng lớp thanh niên khiêm nhường và dũng cảm đó – nó, giống như một màng mỏng vô hình đã giữ cho tôi đứng giữa không trung mà không ngã. Không phải tất cả bọn họ hôm nay đều được sống ngoài tự do, không phải tất cả đều giữ được tự do vào ngày mai. Và cũng không phải mắt và tai ta có thể thấy được tất cả: như những mạch nước ngầm mùa xuân, từ bên dưới lớp tuyết dày, xám xịt, chúng sẽ phun ra ở đâu đó.

Đây là sai lầm của phương pháp: tiến hành thảo luận trong các “tầng lớp xã hội”, không thể khác được. Trong các tầng lớp xã hội thì không có hi vọng. Trí thức-kĩ giả như một tầng lớp xã hội đã kết thúc sự phát triển của mình trong một khu đầm lầy ấm áp và không thể nào cất mình lên được. Nhưng trước đây, ngay cả trong những giai đoạn tuyệt vời nhất, tầng lớp trí thức cũng không đúng: gọi là trí thức cả gia đình, cả dòng họ, cả nhóm, cả những tầng lớp xã hội. Người ta có thể coi cả gia đình, cả dòng họ, cả nhóm, cả tầng lớp là trí thức, thế mà theo ý nghĩa của từ thì từng cá nhân một phải trở thành và được coi là trí thức. Còn nếu đấy là một giai tầng thì chỉ có ý nghĩa tâm lí chứ không phải ý nghĩa xã hội và việc ra hoặc vào luôn luôn phụ thuộc vào hành vi của cá nhân chứ không phụ thuộc công việc hay địa vị xã hội của người đó.

Các giai tầng, nhân dân, quần chúng và tầng lớp kĩ giả cũng đều là những con người mà ra, mà đã là con người thì bao giờ cũng có tương lai: con người tự quyết định tương lai của mình và ở bất kì điểm nào của đường cong đang đi xuống cũng đều có thể quay trở về con đường hướng thiện, con đường tốt đẹp hơn.

Tương lai là bất diệt, tương lai nằm trong tay chúng ta. Nếu chúng ta biết lựa chọn đúng.

Trong các tác phẩm của Pomerants, giữa rất nhiều phát biểu mâu thuẫn nhau vẫn xuất hiện đó đây những ý kiến đúng đắn đến không ngờ, và nếu gom góp chúng lại thì ta sẽ thấy rằng từ các hướng khác nhau vẫn có thể đi đến giải pháp tương tự nhau. “Quần chúng hiện nay đang ở trong trạng thái vô định hình, giữa hai cấu trúc tinh thể… Nếu có một cái lõi, một cái cành, dù là yếu ớt, thì nó sẽ kết tinh và xung quanh cái lõi đó sẽ hình thành các tinh thể”. Không thể nào cãi được.

Nhưng vì quá trung thành với lí tưởng của tầng lớp trí thức nên Pomerants cho trí thức nắm độc quyền vai trò của cái lõi nói trên. Vì samizdat khó tìm nên cần phải trích dẫn một đoạn dài: “Quần chúng chỉ có thể kết tinh xung quanh tầng lớp trí thức”. “Tôi đặt hi vọng vào tầng trí thức không phải vì nó tốt… Bản thân sự phát triển trí óc chỉ làm gia tăng khả năng làm điều ác mà thôi… Nhóm người mà tôi chọn vốn chẳng ra gì, tôi biết như thế… nhưng những nhóm khác còn xấu xa hơn”. Đúng là “muốn làm cho đất mặn thì phải trở thành muối đã”, nhưng tầng lớp trí thức đã không còn là muối nữa. Ôi, “nếu bạn có đủ bản lĩnh để trả lại tất cả những vòng nguyệt quế, tất cả bằng cấp và chức danh… không phản bội, không ta thán… Coi trọng lương tâm trong sạch hơn là cổng vào sạch, sẵn sàng rau cháo qua ngày [3] ”. Nhưng: “Tôi tin rằng tầng lớp trí thức sẽ chuyển biến và sẽ kéo những người khác theo mình”…

Ở đây rõ ràng là Pomerants coi tầng lớp trí thức là những người phát triển về mặt trí tuệ, ông chỉ mong họ có thêm phẩm chất đạo đức nữa mà thôi.

Có phải cái ý tưởng cho rằng giới trí thức phủ nhận đạo đức tôn giáo để chuyển sang chủ nghĩa nhân đạo vô thần, cái chủ nghĩa sẵn sàng biện hộ cho những toà án cách mạng được dựng lên một cách vội vàng và những vụ hành quyết dưới tầng hầm của Uỷ ban Khẩn cấp mà không cần bất kì toà án nào chính là nguyên nhân của những mất mát trong quá khứ hay không? Có phải ý tưởng cho rằng “hạt nhân của giới trí thức” đang tìm cách quay trở về với đạo đức tôn giáo là nền tảng cho sự hồi sinh của nó trong những năm 1910 đã làm cho súng liên thanh nổ không? Cái hạt nhân mà hôm nay dường như chúng ta đã nhận ra có quay trở lại trên con đường đã bị cách mạng cắt đứt hay không, về thực chất nó có phải là “hậu thân của Những cột mốc” hay không? Nó có coi học thuyết mang tính đạo lí về cá nhân là chìa khoá đối với các vấn đề xã hội hay không? Berdaiev khát khao cái hạt nhân như thế: “Giới trí thức tôn giáo, kết hợp Thiên chúa giáo chân chính với sự hiểu biết mang tính khai minh và rõ ràng về những nhiệm vụ văn hoá và lịch sử của đất nước”. Còn I. S. Bulgakov thì: “Giai cấp có học với tâm hồn Nga và đầu óc sáng láng, lí trí cứng rắn”.

Cái hạt nhân này không những chưa được nén chặt như một hạt nhân, nó còn tản mát, chưa tập hợp được, chưa nhận ra nhau: nhiều người chưa nhìn thấy những thành tố của nó, không biết và không nhận ra nhau. Gắn bó họ không phải là tính trí thức mà chính là khát khao sự thật, khát khao được thanh tẩy về mặt tâm hồn và mỗi người sẽ mang theo bên mình cái không gian đã được tẩy uế đó. Vì vậy mà “những người mù chữ theo đạo” hay một cô nông trang viên mà chúng ta hoàn toàn không biết cũng có thể là thành viên của cái hạt nhân hướng thiện, được liên kết bằng ước muốn hướng tới một cuộc đời trong sạch. Còn một vị viện sĩ hay nghệ sĩ tham lam và thận trọng thì lại đi theo hướng ngược lại, quay về với đêm trường quen thuộc của nửa thế kỉ qua.

“Cái lõi-cành” ấy phải cần bao nhiêu người thì mới đủ sức “kết tinh” được cả một dân tộc? Phải có hàng chục ngàn người. Một lần nữa đấy chỉ là tầng lớp mang tính tiềm năng, nó không thể tuôn trào như một làn sóng không có cản ngại. Không thể tạo ra “xương sống của nhân dân” trong những ngày nghỉ cuối tuần, trong khi vui đùa một cách an toàn và vui vẻ, không cần rời bỏ viện nghiên cứu như người ta vẫn hứa đâu. Không, đó là việc phải làm hàng ngày, trên hướng chính của đời sống của bạn, ở những chỗ nguy hiểm nhất và từng người, trong cảnh cô đơn có thể làm tê tái tâm hồn.

Cái xã hội xấu xa, nhơ bẩn, đã tham gia vào từng ấy tội ác trong suốt nửa thế kỉ qua - bằng dối trá, bằng thái độ tôi đòi hớn hở hay bị bắt ép, bằng cách giúp đỡ nhiệt tình hay thái độ không tự nhiên đê hèn - xã hội như thế không thể phục hồi, không thể thanh tẩy nếu không đi qua bộ lọc tâm hồn. Mà đây là một bộ lọc kinh khủng, cho riêng từng người, một bộ lọc nhỏ, có những cái lỗ - cho từng người một. Đường tới thế giới tinh thần tương lai chỉ mở cho từng người một, phải ép thật mạnh mới qua được.

Bằng sự hi sinh tự nguyện, có ý thức.

Thời buổi đổi thay – qui mô cũng thay đổi theo. Một trăm năm trước người trí thức Nga coi án tử hình là sự hi sinh. Ngày nay chỉ cần có nguy cơ bị khiển trách đã là hi sinh rồi. Đối với những tính cách thấp kém và hoảng loạn thì thử thách như thế cũng chẳng khác gì lên đoạn đầu đài.

Ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất (đồng loạt hi sinh của rất nhiều người) thì cũng phải chấp nhận mất mát, không chỉ món trứng cá hồi như Pomerants cảnh báo, mà còn mất cả cam, cả món bơ mà trong các trung tâm nghiên cứu thường có bán nữa. Những kẻ phê bình độc mồm độc miệng tỏ ra hân hoan khi trong Tầng đầu địa ngục tôi đã phơi bày ra “sự thấp kém của tình yêu trong nhân dân” bằng câu tục ngữ “Muốn ăn canh bắp cải thì lấy vợ, muốn ăn thịt thì lấy chồng”, còn chúng tôi, họ nói, chúng tôi yêu nhau và cưới nhau chẳng khác gì Romeo! Nhưng tục ngữ Nga thì nhiều, đủ cho mọi tình huống và mọi hoàn cảnh. Có câu tục ngữ thế này:

“Cơm tẻ là mẹ ruột” [4] .

Chúng ta phải thể hiện tình yêu của mình với đất nước này, với những hàng bạch dương của nó khi chấp nhận ăn món ăn như thế. Chỉ yêu bằng mắt không thôi thì chưa đủ. Cần phải chinh phục miền Đông Bắc khắc nghiệt, những đứa con kĩ giả được nuông chiều của các vị sẽ phải đi, chứ không đợi để cho bọn tiểu tư sản đi trước. Tất cả những lời khuyên của các tác giả nặc danh - hoạt động bí mật, “không được xông ra một mình”, giáo huấn và phát triển cái nền văn hoá một cách bí mật như thế hàng ngàn năm cũng chỉ là đồ bỏ mà thôi. Tình trạng lộn xộn đáng khinh hiện nay chẳng để lại một lối thoát nào, muốn đi vào tương lai chúng ta chỉ có một con đường, đấy là từng cá nhân chấp nhận hi sinh, tốt nhất là công khai (làm gương). Buộc phải “Phát hiện lại các báu vật và giá trị văn hoá” không phải bằng sự uyên bác, không phải bằng chuyên môn khoa học, mà bằng phẩm hạnh, chấp nhận hi sinh hạnh phúc và trong trường hợp cần thiết thì hi sinh cả mạng sống. Chỉ khi nhận ra rằng trình độ học vấn và số tác phẩm khoa học được công bố hoàn toàn chẳng có giá trị gì, lúc đó chúng ta sẽ ngạc nhiên cảm thấy sự có mặt bên cạnh mình “những người truyền giáo vừa mới thoát nạn mù chữ”.

Danh từ “tầng lớp trí thức” đã bị xuyên tạc và bao gồm quá nhiều người, tốt nhất nên coi nó là đã chết. Dĩ nhiên là nhất định phải thay thế tầng lớp trí thức Nga rồi, nhưng từ mới sẽ được hình thành không phải từ “hiểu, biết” mà từ một cái gì đó có tính tâm hồn. Cái thiểu số nhỏ bé ban đầu, đã được ép qua bộ lọc, sẽ tự tìm cho mình định nghĩa, ngay khi còn trong bộ lọc hay sau khi đã sang phía bên kia, khi đã nhận ra mình và nhận ra nhau. Mọi thứ sẽ được nhận diện và liên kết trong quá trình hành động. Hay đám đông còn lại sẽ gọi họ đơn giản là chân nhân (để phân biệt với “thật nhân”) [5] . Hiện thời, sẽ không sai khi gọi họ là giới tinh hoa quên mình. Ở đây từ “tinh hoa” sẽ không làm ai ghen tị cả, không ai phàn nàn rằng tại sao không đưa họ vào: xin mời, vào đi! Tham gia đi, chui qua bộ lọc đi!

Từ những người đơn độc đi qua bộ lọc (trên đường đi có người sẽ phải hi sinh) sẽ hình thành nên cái tầng lớp tinh hoa có nhiệm vụ kết tinh toàn dân.

Cái bộ lọc này sẽ rộng hơn, dễ dàng hơn cho mỗi người đến sau và càng ngày càng có nhiều người đi qua được nó và ở phía bên kia, từ những người đơn độc xứng đáng sẽ hình thành, sẽ tạo ra một nhân dân xứng đáng (tôi đã trình bày cách hiểu về nhân dân của mình rồi). Để từ đó xây dựng nên một xã hội mà đặc trưng đầu tiên của nó không phải là hệ số sản xuất hàng hoá, không phải là mức độ giàu có mà là sự trong sáng của các mối quan hệ xã hội.

Tôi hoàn toàn không nhìn thấy con đường nào khác.

Chỉ còn một việc nữa, đấy là mô tả cơ cấu và hoạt động của bộ lọc.


8.

Người ngoài sẽ cười chúng ta mất thôi: một hành động rụt rè và khiêm tốn như thế cũng được coi là hi sinh. Trên khắp thế giới, sinh viên người ta chiếm trường đại học, họ ra đường biểu tình, thậm chỉ lật đổ cả chính phủ, không ở đâu có sinh viên hiền lành hơn chúng ta, chỉ cần bảo: học chính trị, không trả áo khoác là không ai dám bỏ về hết. Năm 1962 ở Novocherkassk xảy ra mấy vụ lộn xộn, kí túc xá trường Đại học Bách khoa bị khoá cửa, không có ai nhảy ra ngoài cửa sổ hết! Hay: những người dân Ấn Độ đói khát đã tự giải phóng khỏi ách nô lệ của Anh bằng cuộc đấu tranh phi bạo lực, bằng phong trào bất tuân dân sự - chúng ta không dũng cảm được như thế - cả giai cấp công nhân lẫn tầng lớp kĩ giả đều đã bị cha già-dân tộc Stalin doạ cho mất mật đến tận ba đời sau: sao lại không thực hiện chỉ đạo của chính quyền cho được? – nguy hiểm lắm đấy.

Nếu phải viết bằng chữ in hoa nội dung cuộc kiểm tra xem ai xứng đáng là người:

KHÔNG NÓI DỐI! KHÔNG THAM GIA VÀO NHỮNG VIỆC DỐI TRÁ!
KHÔNG ĐỒNG LOÃ VỚI DỐI TRÁ!

thì không chỉ người Âu châu mà từ các sinh viên Ả-rập đến những người đạp xích lô Sri Lanka cũng cười cho mất thôi: người Nga chỉ bị yêu cầu ít thế thôi ư? Đây cũng gọi là dũng cảm, là hi sinh à? Chứ không phải là dấu hiệu của một người trung thực, không bịp bợm ư?

Đành để người ta cười vậy, “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh” [6] , trong nhà ta ai đang ép mình qua bộ lọc thì sẽ hiểu: đây đúng là một hành động cực kì dũng cảm. Vì ở nước ta dối trá là việc thường ngày - đấy không phải là việc làm của những kẻ đồi bại mà là hình thức để tồn tại, là điều kiện để được sống yên ổn của bất kì cá nhân nào. Dối trá là cái móc quan trọng nhất của hệ thống nhà nước, hàng tỉ cái kẹp nhỏ như thế, mỗi người cũng phải mang ít nhất là vài chục cái.

Chính vì thế mà cuộc sống của chúng ta mới nặng nề đến như thế. Nhưng cũng chính vì vậy mà chúng ta phải đứng thẳng lên. Khi người ta đàn áp mà không dối trá thì phải cần những biện pháp chính trị mới giải phóng được. Nhưng khi người ta dùng móng vuốt của dối trá thì đấy không còn là chính trị nữa! Đấy là sự đột nhập vào thế giới đạo đức của con người, chỉ cần không nói dối là có thể đứng thẳng lên được liền, đấy cũng không phải là chính trị mà chỉ là sự trở về của nhân phẩm.

Thế nào gọi là hi sinh? - Từ chối thở thực sự nhiều năm liền và chỉ nuốt mỗi một mùi khai thối ư? Hay là bắt đầu thở như Thượng đế từng ban tặng cho con người? Kẻ vô liêm sỉ nào dám đứng lên công khai phản đối cách hành xử: không tham gia vào những việc dối trá?

Dĩ nhiên là có người sẽ lập tức phản đối: Thế nào là dối trá? Ai xác định một cách chính xác dối trá kết thúc ở đâu và sự thật bắt đầu từ đâu? Trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, biện chứng nào…? Bọn dối trá từng né tránh như thế suốt nửa thế kỉ qua. Câu trả lời thật là đơn giản: như anh thấy đấy, như lương tâm của anh đang nói với anh đấy. Chỉ cần như thế là đủ trong một thời gian dài nữa. Mỗi người, tuỳ thuộc vào nhãn quan, kinh nghiệm sống, trình độ học vấn, sẽ nhận chân được biên giới của sự bịp bợm của nhà nước và xã hội theo cách của mình: có người thấy nó còn xa, chưa động chạm tới mình, có người thấy nó như một sợi dây thừng đã quấn xung quanh cổ từ lâu. Thấy cái biên giới ấy ở đâu thì không khuất phục nó ngay tại đó. Hãy tránh xa cái phần dối trá mà chắc chắn là anh nhìn thấy một cách rõ ràng. Còn nếu quả thật anh không thấy dối trá ở bất kì đâu thì xin hãy tiếp tục bình thản mà sống như cũ.

Không nói dối nghĩa là thế nào? Đấy chưa có nghĩa là lớn tiếng cổ xuý cho sự thật một cách công khai (khủng khiếp lắm!). Đấy thậm chí chưa có nghĩa là nói thầm điều ta đang nghĩ. Đấy chỉ có nghĩa là không nói những điều ta không nghĩ, không nói thầm, không nói to, không giơ tay, không cúi đầu, không giả bộ cười, không có mặt, không đứng lên, không vỗ tay.

Lĩnh vực hoạt động, lĩnh vực đời sống của mỗi người khác nhau. Những người công tác trong ngành nhân văn-xã hội và những người đang đi học phải nói dối và tham gia vào những việc dối trá nhiều hơn, khó thoát hơn, dối trá tầng tầng lớp lớp vây quanh họ. Trong các ngành khoa học kĩ thuật có thể tránh một cách dễ dàng hơn, nhưng dù sao mỗi ngày cũng không thể tránh khỏi họp hành, kí tá hay làm một cái gì đó buộc ta phải chấp nhận dối trá. Dối trá bao vây chúng ta, cả lúc làm việc lẫn khi đi lại và khi nghỉ ngơi, dối trá hiện diện trong tất cả những gì ta thấy, ta nghe, ta đọc.

Có bao nhiêu hình thức dối trá thì cũng có bấy nhiêu cách phòng tránh. Những ai sẵn sàng đem trái tim mình ra thử thách và mở to đôi mắt để nhìn móng vuốt của sự dối trá người đó sẽ biết cách hành động mỗi ngày, mỗi giờ, từng lúc, từng nơi.

Jan Palach tự thiêu [7] . Đấy là một hành động hi sinh cao cả. Nếu đấy không phải là một hành động đơn độc thì nó có thể xoay chuyển cả nước Tiệp Khắc. Là một hành động đơn độc nó chỉ có thể đi vào lịch sử. Nhưng không cần phải hi sinh nhiều đến thế, mỗi người, tôi hay bạn không cần phải làm như thế. Không cần phải đi dưới súng phun lửa đang nhắm vào những người biểu tình. Chỉ cần mỗi một việc: hít thở. Chỉ cần mỗi một việc: không nói dối.

Không có ai phải nhảy ra làm người đầu tiên vì đã có hàng trăm “người đầu tiên” rồi, chỉ vì họ quá lặng lẽ nên chúng ta không nhận ra đấy thôi. Tôi có thể nêu tên hàng chục người làm nên cái hạt nhân trí thức đó, những người ấy đã sống nhiều năm như thế rồi! Và vẫn sống! Gia đình cũng không chết. Có nhà có cửa. Và có cả cơm ăn nữa.

Vâng, khủng khiếp lắm! Bộ lọc rất tinh, lỗ rất nhỏ, nhỏ lắm, người có nhiều nhu cầu có thể chui qua cái lỗ nhỏ ấy không? Nhưng xin bật mí: chỉ lúc mới vào, chỉ lúc đầu thôi. Sau đó nó sẽ nhanh chóng đẩy anh qua, sẽ không ép chặt nữa, còn sau này thì hoàn toàn không ép gì hết. Vâng, dĩ nhiên là như thế rồi! Sẽ phải trả giá, luận án sẽ bị xé, chức danh sẽ bị tước, lương sẽ bị giảm, bị đuổi, bị khai trừ, đôi khi còn có thể bị lưu đầy nữa. Nhưng chúng sẽ không vất vào lửa đâu. Chúng sẽ không cho xe tăng nghiến lên người đâu. Sẽ vẫn có nhà và sẽ vẫn có cơm.

Đấy là con đường an toàn nhất trong tất cả những con đường khả dĩ của chúng ta, vừa sức nhất cho bất kì người bình thường nào. Nhưng lại hiệu quả nhất! Chỉ có chúng ta, những người đã hiểu rõ hệ thống của mình mới có thể tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra khi có hàng ngàn, hàng chục ngàn người làm như thế - mới có thể tưởng được được đất nước ta sẽ được thanh tẩy và sẽ biến đổi như thế nào mà không có cảnh đạn lạc bom rơi, không có cảnh đầu rơi máu chảy.

Nhưng đấy cũng là con đường đức hạnh nhất: chúng ta bắt đầu công cuộc giải phóng và thay tẩy từ tâm hồn mình. Trước khi trị quốc chúng ta đã tu thân rồi [8] . Đấy là trật tự lịch sử đúng đắn duy nhất vì nếu chính chúng ta vẫn là những người bẩn thỉu thì làm sạch bầu không khí xung quanh làm gì?

Có người sẽ phản đối: tội nghiệp bọn trẻ quá! Nếu trong khi thi các môn xã hội mà không nói dối thì sẽ bị điểm hai, sẽ bị đuổi học, học vấn và cuộc đời sẽ thành dở dang hết.

Trong một bài khác của tập sách này ta sẽ tiến hành thảo luận việc liệu chúng ta có hiểu đúng và có tìm được con đường tốt nhất để tiến vào khoa học hay không. Nhưng không cần như thế: mất cơ hội học tập chưa phải là mất mát quan trọng nhất của cuộc đời, còn sửa chữa được. Việc ta sẵn sàng chấp nhận những mất mát về mặt tâm hồn ngay từ khi còn trẻ mới là mất mát không thể nào sửa chữa được.

Bọn trẻ có đáng thương không? Nhưng: tương lai không thuộc về chúng thì thuộc về ai? Ai sẽ là tầng lớp tinh hoa quên mình mà chúng ta chờ đợi? Chúng ta bị cái tương lai đó đoạ đày là vì ai? Chúng ta đã già cả rồi. Nếu bọn trẻ không tự xây dựng cho mình một xã hội trung thực thì họ cũng sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy nó.

Tháng Giêng năm 1974


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Xem chú thích 31.
[2]Tên một tác phẩm của Dostoevski.
[3]Nguyên văn “sống bằng mẩu bánh mì trung thực mà không cần trứng cá hồi” – ND.
[4]Dịch thoát ý, nguyên văn: Bánh mì và nước lã là món tuyệt vời.
[5]Tác giả chơi chữ: pravedniki (chân nhân) và pravdist (người làm cho tờ Sự thật - cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô).
[6]Dịch thoát ý, nguyên văn: cứ để cho những cái nấm trong giỏ khác cười – ND
[7]Jan Palach, sinh viên khoa triết trường Đại học Tổng hợp Karlova, tự thiêu ngày 16 tháng Giêng năm 1969 tại Praha để phản đối sự chiếm đóng Tiệp Khắc của quân đội Liên Xô từ ngày 21 tháng 8 năm 1968, khi anh vừa tròn 20 tuổi. Cái chết bi thảm của anh đã trở thành biểu tượng của phong trào phản kháng của nhân dân Tiệp Khắc chống lại chế độ cộng sản.
[8]Dịch thoát ý, nguyên văn: trước khi làm sạch đất nước, chúng ta đã tự làm sạch mình rồi – ND.
Nguồn: Nowy Mir (Thế giá»›i Má»›i), 1991, số 5, trang 28-46