trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
11.10.2008
Trần Kiêm Đoàn
Tiêu Dao Bảo Cự và “Mảnh trời xanh trên thung lũng”
 
Mảnh trời xanh trên thung lũng là một tác phẩm “bút sự” của Tiêu Dao Bảo Cự do Văn Mới xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 2007 (ghi trong phần thông tin xuất bản); nhưng mãi tới năm 2008 mới đến tay độc giả ở Mỹ.

Tạm quên đi những thể loại văn chương quy ước để gọi cuốn sách dày 730 trang này là “bút sự” vì đây là một tập hợp tuyển văn mang đậm nét tự sự. Nhưng đây cũng là một sự phối hợp đầy mầu sắc của ký sự, hồi ức, khảo luận, chính luận, triết luận, thơ,… qua những dòng tâm bút của tác giả. Đã viết ra những hoài niệm, suy tư và cảm xúc của mình thì có con chữ, dòng chữ, mớ chữ nào mà không là… tâm bút nhỉ? Đành vậy, nhưng khi tính hư cấu và lý luận mờ nhạt; nhường lại cho một nhịp độ cảm xúc, suy tư, trăn trở dồn dập, dâng trào và chiếm lĩnh gần hết dòng văn của tác giả thì chất “tâm bút” sẽ đậm đà hơn.

Thực tế, không ai hiểu những nhà văn, nhà thơ viết truyện, làm thơ lúc nào. Ở quán cà phê, nơi thư viện, trong vắng lặng, giữa bão loạn… qua tâm thức ngục tù hay phơi phới tự do chăng? Không phải là văn phong, cũng chẳng phải là văn ý mà là cái Văn Tình tỏa chiết mông lung trong tác phẩm làm cho người đọc hiểu được tác giả: Đọc chữ bên ni trần gian mà hiểu được cái… vô ngôn bên tê trời diệu vợi! (Ý của Từ Thẩm Hạnh – Taiwan, 2007)

Hiểu được cái cao vời hay sâu thẳm mà vì sự bất tài (những nhà văn lừng lẫy xưa nay đều cảm nhận sự “bất tài” đó vì cảm xúc khởi phát là đại dương mà điều viết ra là những dòng kinh rạch) nên tác giả chỉ nói ra được bằng lời một cách… cà lăm, cà cặp. Sau 49 năm thuyết giáo, đức Phật nói: “Ta chẳng nói điều gì cả!” Nguyễn Du kết thúc một Truyện Kiều đầy tình, hận mênh mông bi tráng lại tự thú như anh cai mõ đầu làng, rằng: “Mua vui cũng được một vài trống canh…!” Tagore sau một trường thơ hoa gấm đã nhắn lại với đời: “Những cảm thức thi ca thì bay vi vút như sao băng. Mà ta không băng mình theo kịp nên cả đời… cà lăm cà cặp!”whispering on stuttering…! Vì xúc động, vì yêu thương, vì hận thù và vì phải hóa giải hận thù vây bủa nên người nghệ sĩ vừa phải dấn thân, vừa phải đầu hàng để có thể yên thân đứng giữa hai sự cuốn hút cực đoan mà người ta quen gọi lơi khơi là… trung đạo chân tâm chăng?

Đọc văn của Tiêu Dao Bảo Cự là đọc… Văn Tình. Một nguồn tình cảm lãng mạn, vỡ bờ; nhưng cũng rất đậm tình người và chân thật. Mấy năm trước đây, khi đọc tác phẩm đầu tay Nửa đời nhìn lại; và bây giờ đọc Mảnh trời xanh trên thung lũng của Tiêu Dao Bảo Cự, tôi như thấy được thấp thoáng bóng mình một thời trong đó. Thấy được mình là thấy được bạn bè, những người tuổi trẻ Việt Nam thuộc thế hệ Chiến tranh Việt Nam đã lớn lên bằng tuổi chiến tranh và bằng nỗi tự hào cùng khổ nhục của đất nước – hơn một nửa đã ra đi và còn một ít quanh đây – nên Bảo Cự tự nguyện làm trang sách mở rộng. Anh viết về những mảnh đời riêng của chính mình mà ngỡ như đang nói đến những vết thương xã hội, những ung nhọt còn đau nhức và những vết sẹo chưa lành qua những chặng đường thăng trầm của đất nước.

Tiêu Dao Bảo Cự là một “týp” con trai Huế điển hình thuộc thế hệ Chiến tranh Việt Nam: Bão nổi, lý tưởng, lãng mạn, cố gắng trung thành với chính mình dù phải trả những giá đời bất chấp. Huế là vùng đất trầm lặng. Ngỡ như sinh con gái để làm… Tôn Nữ và sinh con trai để làm thầy dạy học hay ra làm… quan. Cái “tướng” hay sự biểu hiện của người con trai Huế bên ngoài có vẻ an phận thủ thường như thế; nhưng cái “tánh” hay bản chất đích thực bên trong là những cơn mưa nguồn thác lũ mỗi năm mười hai tháng tạo nên những “chấn động dị thường” – nói như kiểu Bùi Giáng khi ra Huế học. Người con trai Huế nào được chút học hành cũng đều có những giấc mộng lớn, canh cánh và máy động hoài bên những giấc mộng con. Giấc mơ“quyết ném thanh khâm sang cẩm tú, quyết xây bạch ốc lại lâu đài” là những ảo-ảnh-có-thực như hạnh phúc, như tình yêu, như quyền lực, như vinh quang, như tuyệt vọng. Người ta ngỡ nắm trong tay chắc mẩm một gia tài giá trị nào đó, nhưng rồi đột ngột ra đi một hột nút áo cũng không được mang theo! Con trai Huế vừa là tình nhân, vừa là chứng nhân, vừa là nạn nhân của những ảo ảnh có thực như thế trùng trùng vây quanh cuộc sống từ lúc mới ra đời.

Tiêu Dao Bảo Cự đã nhìn thấy được ước mơ, lý tưởng, bản lĩnh… tuổi trẻ phương cường của anh phóng chiếu trên một “mảnh trời xanh”. Thế nhưng, tới lúc ngoái nhìn về một dòng đời vừa bão liệt, vừa long đong đầy bi tráng đã trôi qua, đang trôi qua – và tiến gần tới chân cầu biên giới của một cõi về… ở phù du – anh mới thấy chỉ còn “mảnh trời xanh trên thung lũng”. Giá như sách chưa xuất bản khi tôi ngồi ăn cơm trưa với Bảo Cự ở nhà Võ Văn Cần tại Sài Gòn hai năm trước, có lẽ tôi sẽ đề nghị với anh là cứ ôm một “mảnh trời xanh” ấy; nhưng hãy mang nó ra khỏi bóng dáng một thung lũng nào đó, mà qua tác phẩm của anh sao tôi hình dung nó chơ vơ và buồn hiu hắt… chi lạ! Một mảnh trời xanh trên ảo vọng có đỡ buồn hơn chăng?

Sự chơ vơ với nét buồn hiu hắt của một thung-lũng-Bảo-Cự hiện bóng trong tôi khi đọc tác phẩm của anh. Thung lũng ấy phảng phất vẻ xót xa của một sự “cũng đành” và nhận chịu qua sự tưởng tượng của riêng tôi về một Tân Sở của vua Hàm Nghi, rồi một Réunion giam giữ vua Duy Tân… Căn cứ địa hay là chốn giam cầm thì cũng chỉ là những ngõ đường cùng không lối thoát về hệ lụy nhân sinh; thế nhưng đó là nơi khởi đầu sinh động cho một dòng sống có ý nghĩa để mình tìm lại được chính mình. Tôi lạnh mình đọc những dòng thơ ghi đậm nét ở bìa sau cuốn sách Mảnh trời xanh trên thung lũng xuất hiện như một sự minh họa thêm cho 5 dòng tiểu sử khiêm tốn của tác giả:

“Tôi một mình kinh hoàng quằn quại
Tôi giữa vô cùng
Giữa nghìn trước nghìn sau
Giữa người người lớp lớp
Tôi khát khao hơn sa mạc
Tôi rỗng không hơn hư vô
Tôi chết giấc trong quan tài thịt xương bé nhỏ
Tôi chỉ là tôi
Ai còn là tôi
Một đời tôi đói khát”

Khát khao hơn sa mạc mà lại rỗng không hơn hư vô… là một cặp phạm trù mang tâm thức triết lý lãng mạn hơn là ý chí hành động cách mạng. Một thi sĩ lãng mạn thật đáng yêu, nhưng một chiến sĩ (hay ít nhất mang tâm thức chiến sĩ) lãng mạn sao mà xót xa đến thế. Mang hư vô mà gọi đàn – Ai còn là tôi – để cùng dấn bước về đâu quanh triền thung lũng cô đơn ấy? Chỉ có người biết “mang hư vô” như kẻ hành hương mang thánh giá vào đời mới mong đạt được một lý tưởng làm người cần thiết mà Tiêu Dao Bảo Cự đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm, rằng là, phải trả một giá rất đắt để được trung thành với chính mình. Kẻ không trung thành với chính mình, đánh đĩ với chân tâm, thì làm sao mà trung thành với tha nhân và thế cuộc...

Đối với những người ở phương Tây, có dịp đọc qua sự bi phẫn về thân phận làm người của các tuyến nhân vật trong Giờ thứ hai mươi lăm của Georghiu, Quần đảo Gulag của Alexander Solzhenitsyn, Những bàn tay bẩn của Jean Paul Sartre… thì quả thật những “sự cố” trong tác phẩm của Tiêu Dao Bảo Cự không còn xa lạ bao nhiêu. Thế nhưng, phần cuối mang tính tự truyện của cuốn sách được ghi lại một cách chi tiết sống thực và dồn dập như những dòng bút ký chiến trường: Vừa viết, vừa chạy, vừa dáo dác nhìn hầm hố chung quanh và mìn bẫy chết người. Tiêu Dao Bảo Cự và những người bạn đồng hành của anh như Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Mai Thế Lĩnh… cùng ở Đà Lạt, cùng một chí hướng phản kháng và đấu tranh bằng ngọn bút như nhau và cùng phải đương đầu trước một hoàn cảnh bức bách giống nhau.

Tiêu Dao Bảo Cự đã dành phần lớn số trang trong tác phẩm cho các đề tài đấu tranh chính trị với nhà cầm quyền Việt Nam. Đó là một cuộc vận động tranh đấu đòi tự do dân chủ qua hình thức báo chí như thời Nhân văn - Giai phẩm. Từ thái độ phê phán, phản kháng đến đối kháng và có khi bất chấp. Nhưng cơ hội Ra Đường như Nhân văn - Giai phẩm thời thập niên năm mươi tại miền Bắc và Xuống Đường như phong trào sinh viên tranh đấu phát khởi từ Huế và lan khắp miền Nam thời sáu mươi đã bị khống chế chặt chẽ từ trong trứng nước.

Trước thử thách, Bảo Cự có lúc liên tưởng tới một lối xử thế tiếp vật bình dân là nếu gặp một tảng đá cản đường thì hãy đi quanh tìm một lối rẽ khác chứ chẳng ai năng động tới mức lấy sức bình sinh, đưa tay không đấm vào đá để mở đường. Nhưng ở đây (trong phần cuối của tác phẩm) những người “chọi đá” đã chọn một thái độ không có sự lựa chọn nào khác là nhận chịu hoàn cảnh. Không rẽ lối, không chọi đá mà nhìn chằm chằm vào đá. Đá không rung động hay hiểu được tia nhìn. Người nhìn không làm thay đổi đá cho nên sức mạnh phản kháng chỉ còn dồn tụ vào tâm thức. Khi nói đến tâm thức “chiến thắng, chiến bại” trong một cuộc đương đầu nào đó, người ta thuờng nhớ tới lão ngư phủ Santiago của Hemingway. Trong tác phẩm khiêm tốn về lượng mà vĩ đại về phẩm mang tên Ngư ông và biển cả (The Old Man and the Sea), văn hào này đã đưa ra một hình ảnh tuyệt vời của kẻ Khải hoàn Chiến bại (The Victory of Defeat). Nhân vật chính, ngư ông Santiago, sau tám mươi bốn ngày vật lộn với biển khơi không bắt được mống cá nào. Đến ngày thứ tám mươi lăm ông bắt được kình ngư. Nhưng qua bao nhiêu vật lộn gian nan cho đến khi về tới bến thì con kình ngư đã bị bọn tôm cá “chôm chỉa” dọc đường rút rỉa chỉ còn trơ lại bộ xương. Lão ngư ông Santiago ca khúc khải hoàn trong chiến bại nầy có đôi mắt tươi mới vén được trời xanh mà nhìn đời: “Tất cả nơi ông đều cũ mèm, trừ đôi mắt trong xanh mầu biển của lão rực lên vẻ gọi mời đắc thắng.” Và nơi ông chỉ có một con đường sáng rực hướng đi: “Con người ta sinh ra có thể bị hủy diệt nhưng không thể nào bị đánh bại.”

Luận anh hùng chớ kể hơn thua! Một ý niệm cổ điển rất Kinh Kha, rất “hảo hớn Tàu”, nhưng cũng đầy thuyết phục trên giá trị nhân bản và vị trí làm người thực tế.

Những tháng ngày cô đơn với mảnh trời xanh trên thung lũng Đà Lạt, Tiêu Dao Bảo Cự đã sống một cách rất… thiền, nếu hiểu thiền như là một sự tỉnh thức để nhận ra mình và sống trung thành với chính mình trong từng mảnh nhỏ hiện hữu của thời gian. Anh đã hé mảnh trời xanh để thấy được mặt mình, mặt người. Những mặt thật trắng như thời trẻ dại! Trong cảnh tranh tối, tranh sáng anh em nhìn rõ mặt nhau thật khó. Có một nhà văn nào đã kêu lên đầy xót xa như thế đó! Bảo Cự đã sống với thần hồn tiêu dao và thần trí bão loạn trong những ngày cô đơn nhất trên thung lũng, dưới mảnh trời xanh để khám phá được một sự thật mà ai cũng thấy, nhưng lại ít người dám sống:“Mùa khô năm nay, chắc do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, dòng suối chảy qua vườn tôi và chiếc ao bé nhỏ của tôi bắt đầu cạn kiệt. Phải chăng khi nước trong ao khô cạn, tôi không thể nhìn bầu trời phản chiếu qua mặt nước cũng như khi tâm hồn ta không còn tình yêu, ta không thể hiểu được điều gì đẹp đẽ cao xa.” (Trang 719). Chính trị là cái ao khô cạn của tâm hồn nên chẳng có gì để nói và đáng nói trong thi ca thuần khiết.

Đã có một vài nhận định văn học cho rằng, nói đến tác phẩm văn chương của Tiêu Dao Bảo Cự là cần phải nói đến khía cạnh chính trị. Tôi lại nghĩ khác. Một nhà văn và một nhân vật chính trị khác nhau. Nhà văn nói đến thân phận của con người; trong khi nhà chính trị nói đến con người của thân phận – thân phận bị lãnh đạo, một cách nói khác là bị cai trị. Bởi vậy, nhà văn nhìn ngắm, chung sống và chia sẻ ngọt bùi với con người; trong khi nhà chính trị sử dụng, sở hữu và ngự trị con người. Nhìn nghệ thuật qua chính trị, chỉ thấy đền đài và văn bản. Nhìn Bảo Cự qua văn chương thì hãy trả anh về với mảnh trời xanh trên sương khói sông Hương…

*


Đất Huế, với phong thổ gian truân về mọi mặt đã tạo nên một tâm lý phản kháng: Phản kháng sự khắt khe của hoàn cảnh, phản kháng quyền lực áp bức đọa đày, và trên hết là phản kháng cái tâm thức an bài thủ phận. Nhưng bên cạnh đó, có một nguồn tâm lý thỏa hiệp, thanh thản, bình an đầy mâu thuẫn nẩy sinh. Thiên nhiên kỳ tú xung quanh đã mở ra những phương trời cao rộng cho những viễn tưởng – có khi chỉ là ảo vọng – về cuộc đời. Nhu cầu bứt phá bên cạnh nếp cũ an phận thủ thường đã thôi thúc tuổi trẻ Huế dấn thân đi tìm cái mới.

Người con trai, rồi đàn ông, Huế thường có một cái nhìn rõ nét và khắt khe lẫn tự hào về mình. Nhưng lại có cái nhìn mơ hồ và dễ dãi lẫn hoài nghi về người. Tâm lý vọng ngã (egoism) này là gốc rẽ của sự thành công bước đầu đối với các phong trào quần chúng nổi dậy chống áp bức và quyền lực thống trị. Thế nhưng, đấy cũng là nguyên nhân của hiện tượng “buông tay cho người khác cầm cương” ngay sau khi đợt gió đầu mùa của các cao trào phản kháng hay nổi dậy đã đi qua. Lịch sử cận đại với các biến cố từ Thất thủ Kinh đô, phong trào Cần Vương, kháng chiến chống Pháp, Phật giáo xuống đường, sinh viên tranh đấu… đã nói lên điều này.

Kẻ sĩ cả nước ngày xưa “tiến vi quan, thối vi sư”; nhưng riêng đàn ông con trai Huế thì bao đời qua vẫn “tiến vi kẻ sĩ, thối vi… nghệ sĩ”!

Xin tạm gác qua một bên những tiếng vọng xập xòe và những màu sắc lập lòe của những màn ảo thuật chính trị, để lạm bàn một chút về nghệ thuật… con trai đàn ông xứ Huế.

Những Nguyễn Thuyên, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Ưng Bình Thúc Giạ Thị… tiền bối. Những Phan Văn Dật, Bửu Kế, Văn Giảng Thông Đạt, Ngô Ganh, Phùng Quán, Võ Đình Cường, Lê Tuyên… thời cận đại. Và những Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Chỉ, Nguyễn Đính Trần Vàng Sao… thời đương đại hầu như đều xuất thân là những nhà giáo – nhà giáo vương phủ hay nhà giáo đại chúng thì cũng là thầy dạy học mà thôi. Thế nhưng cái khung nhà giáo với lớp học, bảng đen và bục giảng là những chiếc lồng bé tí xíu, làm sao nhốt được những tâm hồn bão nổi ấy. Những con người mang bản chất dậy sóng đã lăn xả vào cuộc đời theo một nhịp độ “bằng - trắc” khá giống nhau. Khởi đầu là những bước chân dè dặt tầm sư học đạo. Tiếp theo là bước đi cẩn trọng tiến lên bục giảng. Nhưng sách vở thánh hiền và bụi phấn bay bay làm sao ngăn được những cơn lũ thời cuộc theo chớp bể mưa nguồn từ Tây, từ Mỹ, từ biển Đông, từ đồng hoang, từ rừng sâu… không ngớt ùa vào rủ rê những chàng mày râu Huế ấy ra đi. Đi… xuống đường, đi lên núi, đi ra đấu trường, đi vào nhà ngục, đi viễn xứ tha hương hay đi là ly biệt với chính mình cũng đều là sự thể hiện trực tiếp hay gián tiếp của sự nổi loạn. Sự nổi loạn ấy có khi thực như những tô bún bò, cơm hến trên đường hay có lúc réo gọi vô hình vô tướng mà Lê Tuyên gọi là “tâm thức lãng mạng của kẻ bị lưu đày”. Hương vị lãng mạn ấy khi đi vào đời thường đã nhen nhóm thành tâm lý yêu nước lãng mạn, chính trị lãng mạn. Nhưng nếu đi vào nghệ thuật sẽ chuyển hóa thành sức bật khai phá nghệ thuật. Phải chăng đây là điều lý giải về hiện tượng những nghệ sĩ Huế đã thành danh hầu hết là những nghệ sĩ “vô sư tự ngộ”. Nghĩa là đi vào những nẻo đường khai phá và sáng tác nghệ thuật tinh chuyên nhất như cầm, kỳ, thi, văn, nhạc, họa… một cách tự nhiên gần như chín muồi và tự phát chứ không qua trường lớp đào tạo chuyên môn nào cả.

Toni Morrison, nữ văn sĩ Nobel da đen đầu tiên của Mỹ, trong một bài tham luận nói đến tác phẩm Mắt xanh tuyền (Bluest Eye; 1970) của bà, đã mô tả cái tâm thức lãng mạn ấy là một quá trình phản kháng mang tính nghệ thuật: “Phản kháng sự bất công áp bức, phản kháng thói đời chướng tai gai mắt và phản kháng luôn cả sự hèn yếu nhận chịu của chính mình. Vậy nên, người nghệ sĩ có thể là người ‘chung thân bất mãn’ nhưng cũng là kẻ trung thành với chính mình trước sự lay đổ không ngừng của ngoại cảnh và tha nhân.”

Trong hoàn cảnh Việt Nam, những dòng tự sự của Tiêu Dao Bảo Cự trong Mảnh trời xanh trên thung lũng cũng đã bày tỏ điều tương tự: “Từ trẻ đến giờ tôi đều luôn muốn sống như một người trung thực dù phải trả giá. Đó mới là điều quan trọng.” (trang 691)

Vâng, đó mới là điều quan trọng! Bảo Cự vẫn còn lại giữa lòng đất nước, bạn bè và chính anh; trong khi nhiều nhân vật đồng thời còn sống nguyên tại chỗ mà lại… đã ra đi!


Napa Valley, mùa Lá xay Rượu vàng 2008

© 2008 talawas