Hậu hiện đại? Thú thật: tôi rất hoang mang! Tôi rất hoang mang khi thấy ông Nhật Chiêu trên
Giác ngộ Website cố công tạo mối liên hệ giữa thiền và hậu hiện đại, trong khi ông
Nguyễn Đăng Thường thì cho một cuộc triển lãm các tác phẩm hậu hiện đại gồm những bức tranh hấp dẫn một cách rất cởi mở trân mình: Kennedy rất “thiền”, Marilyn rất sexy, ba người không đầu không tay rất “quái trạng”, Adam và Eva rất hoan lạc, tranh cu dái rất lòng thòng… Xem các bức tranh này lần đầu thì rất ngất ngây nhưng chưa ngộ, phải xem hai ba bận mới bớt ngây ngất để mà giác ngộ. Trong khi Nhật Chiêu và Nguyễn Đăng Thường phơi bày cái hậu hiện đại khá vô thường (hay bất bình thường?) cho độc giả xem, thì ông
Tôn Thất Quỳnh Du xét lại lý lịch của ông Hoàng Ngọc-Tuấn theo truyền thống “chính danh” của Khổng Tử, rất tương phản với truyền thống “danh khả danh phi thường danh” của Lão Tử. Tôi cũng xin được phép nhắc đến các ý kiến ngắn của nhiều độc giả về hậu hiện đại: chúng đều rất là “talawas”, rất là lý thú!
Bây giờ chắc độc giả cũng hiểu lý do của sự hoang mang tôi khi theo dõi cuộc tranh luận về “hậu hiện đại”. Tôi cũng xin mạo muội đề nghị là mình đừng nên dịch
post-modernism là
hậu hiện đại vì
post- mà dịch là
hậu thì các nghệ sĩ hậu hiện đại còn chịu ảnh hưởng của cái vòng kim cô của phạm trù thời gian: đã có
hậu thời phải có
tiền và có
đương thời; mà hễ có
đương thời thì lại là
hiện đại, nhưng nếu
đương thời đã hay đang là
hậu hiện đại thì làm sao đây? Đề nghị của tôi là dịch
post-modernism là
việt hiện đại hay
vượt hiện đại để chuyển đổi một từ lệ thuộc nhiều vào phạm trù thời gian sang phạm trù tư tưởng và phạm trù hành động.