Dù làn sóng du học hiện nay chỉ rất nhỏ so với đội quân thanh niên khổng lồ ở nông thôn đang vừa làm ruộng vừa ngóng ra thành phố, và có thể Đỗ Kh. nghi ngờ độ quan trọng của nó, tôi cho rằng hiện tượng này đang báo hiệu một sự thay đổi cơ bản. Đó là việc hình thành một tầng lớp
elite mới, chuẩn bị cho một cuộc đổi chỗ giữa những người chèo lái Việt Nam. Chúng ta đang chứng kiến quá trình đánh mất quyền lực và vị trí một cách đáng kể của tầng lớp elite cũ: của giới quân sự, của các đoàn thể, của những cựu nông dân hay vô sản tiến thân bởi cỗ xe mang tên ý thức hệ. Bộ máy kinh tế Việt Nam, và điều này rõ hơn hết trong khu vực kinh tế tư nhân, đang trở thành một hệ thống mang tính năng suất (meritocracy), và những mấy năm gần đây, các nhà công nghệ (technocrat) đầu tiên đã leo lên những tầng trên của bộ máy đó. Họ chính là những anh chị của những sinh viên và du học sinh bây giờ, và những technocrat tương lai sẽ là ai nếu không phải những thành viên của Thế hệ @ ngày nay. Chúng ta đang ngấp nghé một thời kỳ được trị vì bởi chỉ số thông minh, đang chứng kiến những ảnh hưởng văn hoá đầu tiên của nền kinh tế mới, ưu đãi những cá nhân có chất xám và có khả năng tiếp cận nguồn vốn quan trọng nhất: thông tin. Trong nền kinh tế này, các ứng cử viên của giới elite mới đang cạnh tranh ráo riết và rất thành công với những tay đua có chỉ số IQ thấp mà ưu điểm duy nhất là được sinh vào một gia đình "bề thế". Nhóm người này, nếu ra đời sớm hơn 15 năm thì vẫn còn hiển nhiên được đặt vào những vị trí "thơm" mà không phải động chân động tay.
Sự xuất hiện một tầng lớp có ảnh hưởng của những technocrat tại Việt Nam chỉ là sự bắt đầu của một quá trình tương tự đã xẩy ra trong mấy thập kỷ vừa rồi ở phương Tây: quá trình lớn mạnh của meritocracy. Quá trình này tới những năm 90 đã sản sinh ra một lớp người mới, những người có sự cơ động và tự do tinh thần như người Bô-hêm, kết hợp với sự giàu có và khẩu vị sang trọng của giới bourgeois. Những bourgeois bohemian, hay
bobo này, có thể nói là con đẻ của đám cưới của những năm 60 phóng túng trong tư duy và những năm 80 đam mê kiếm tiền. Sự giao thoa này là kết quả của một sự phát triển kinh tế mà trong đó chỉ số thông minh và học vấn ngày càng trở nên quan trọng hơn. Những ông chủ tư bản mới từ lâu đã không bụng phệ hút xì-gà nữa, ngày nay họ là những Bill Gates, vừa là những tay quản lý rắn như đá, vừa để tóc và mặc áo len như một thiếu niên trung học.
Không đáng ngạc nhiên khi giới elite mới của Việt Nam cũng chính là những bobo đầu tiên chúng ta chứng kiến. Thanh niên du học, trong những năm tháng định hình của mình, đã và đang được nhào nặn một cách cơ bản bởi cái tinh thần bobo này. Và khi nhìn họ khởi động laptop, ta sẽ thấy họ giống những đồng nghiệp của họ ở Bangalore Valley hơn là đứa em họ xa ở Quảng Ninh. Bạn có thể nhận ra những bobo Việt Nam như thế nào ư? Bobo luôn luôn di chuyển. Họ hẹn nhau: "Tối mai ta đi ăn muộn đi, tôi có
meeting về chiến lược năm tới của công ty, tám giờ mới từ Sài Gòn ra". Các bobo
check email tại sân bay Bangkok, và xem CNN ở sân bay Singapore. Họ chia sẻ kinh nghiệm: "Tớ viết có hiệu quả nhất trong những lúc đợi
transit". Bobo thích kết thúc bài viết của mình bằng một câu tiếng Anh.
Không chỉ những technocrat trẻ, chỉ trong dăm năm qua, giới họa sĩ, ca sĩ, giới truyền hình, giới thời trang v.v… đã thoát khỏi vai trò phục vụ chính trị của mình và trở thành những đại diện tiêu biểu của tầng lớp elite mới. Họ không uống "Napoleon" nữa, mà bắt đầu uống rượu vang đỏ cùng với olive. Thay vì sú-vơ-nia tháp Eiffel đặt cạnh bộ ly uống rượu mà người ta có thể thấy trong nhà bất cứ một ông lãnh đạo bậc trung nào, họ đặt những mặt nạ châu Phi trên giá sách của mình. Bobo đầu tư vào một cái bếp rộng rãi sáng bóng kim loại, chứ không treo vàng trên người. Họ trang trí nhà bằng gùi của người Hmong, và dùng ánh sáng halogen đặt trong những đó bắt cá. Giá trị cá nhân của họ không chỉ đơn thuần được đo bởi sự giàu có, mà là kết quả của phép nhân số tiền trong tài khoản với sự lịch lãm thể hiện qua bộ sưu tập bình gốm hay dẫy xe vespa cổ. Nếu một trong hai yếu tố trên bằng không, kết quả cũng sẽ là không.
Dường như khi tới đích, giới elite mới đặt một quan hệ thực dụng và sòng phẳng với giới elite cũ, những người hiện nay vẫn đang nằm đầy trong bộ máy chính trị và khu vực kinh tế nhà nước. "Chúng tôi chẳng ưa gì các anh, chúng ta chẳng có gì điểm gì chung nhau. Các anh không có bằng cấp, không có thẩm mỹ. Các anh uống rượu mật gấu, trong nhà các anh treo đồng hồ con mèo trên ghế tràng kỷ. Chúng tôi biết các anh cổ hủ trong tư duy và mờ ám trong thu nhập. Nhưng chúng ta hãy là hàng xóm, chúng ta cùng xây hàng rào bảo vệ khu biệt thự. Chúng tôi không muốn lật đổ các anh, và các anh cũng để chúng tôi làm việc và kiếm tiền bằng chất xám của mình".
Sẽ không có một đe dọa đáng kể nào xẩy ra đối với những người elite mới. Trong cái trật tự đang được sắp xếp lại, các giai cấp được định nghĩa không phải qua sở hữu phương tiện sản xuất nữa, mà qua khả năng tiêu thụ. Nông dân và tầng lớp lao động bắt đầu đánh mất tiếng nói của mình, trong chính trị cũng như trong xã hội. Thậm chí họ bắt đầu bị mất dần không gian công cộng tại các thành phố. 45 triệu thanh niên nông thôn sẽ coi mình là may mắn nếu được làm gác cổng và ngửi khói xăng ở khu đô thị Nam Sài Gòn, hay làm bảo vệ, ngửi mùi nước hoa ở Diamond Plaza. Sẽ không có những làn sóng phản kháng, sẽ không có bất an xã hội. Lý do chính là hệ thống giáo dục công cộng hiện nay vừa vặn tạo điều kiện để cho giới elite có thể hấp thụ được những tài năng của tầng lớp dưới, cho họ trở thành thành viên của tầng lớp mình. Trong khi phần lớn trẻ em Mường Tè không học hết cấp I thì đứa trẻ khá nhất, với một chút may mắn, hai mươi năm sau, có thể thấy mình ngồi ghế sau xe Mercedes kính đen. Việc cho phép những thành viên ưu tú của lớp dưới "vượt rào" là hình thức chắc chắn nhất để giới elite giữ được vị trí của mình.
Cũng giống như những technocrat ở phương Tây đang chịu sự phê phán rằng họ đã mất đi cái gọi là "public service ethos" đặc trưng cho những thế hệ khai phá đi trước, cũng như cho những tầng lớp quý tộc cũ, giới elite mới của Việt Nam dường như thiếu cái tinh thần phục vụ, tinh thần phấn đấu cho một cái gì chung cho cộng đồng. Họ có thể sẵn sàng quyên góp tiền cho từ thiện nhưng không muốn làm bất cứ điều gì đòi hỏi thời gian hay tâm sức quý báu của mình. Họ có thể nói chuyện thân mật và mua quần áo cho người làm, nhưng không bao giờ bận tâm đặt câu hỏi xem nó có muốn đi học hay không. Tạo cho mình một khu vực đạo đức ôn đới, họ không cực đoan, nhưng họ cũng tránh xa những câu hỏi đòi hỏi một quan điểm rõ ràng.
Abraham Lincoln nói về nước Mỹ "Đất nước này không được phép giàu có về vật chất nhưng nghèo nàn về tinh thần". Không câu nói nào có thể hợp hơn cho Việt Nam của 2003. Giới elite mới có thừa kiến thức và khả năng để đóng một vai trò hàn gắn và xây dựng trong xã hội, nếu như họ thôi không say sưa tự ngắm những thành công của mình. Nếu họ cho rằng văn minh không chỉ được thể hiện qua những shopping mall sạch như lau, du dương nhạc đông lạnh, và tự do không chỉ được định nghĩa rằng năm thành viên của gia đình có thể dùng năm loại thuốc đánh răng khác nhau; nếu họ không chỉ giam mình trong "Nhà Đẹp" mà sẵn sàng nhìn xa hơn mép bàn ăn của mình, thì họ hoàn toàn có cơ hội dẫn Việt Nam tới một thời kỳ đẹp đẽ mới.
We will see.
© 2003 talawas