trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
10.6.2004
Saint-Exupéry
Hoàng tử bé
Bùi Giáng dịch
 1   2   3   4 
 
Gửi Léon Werth


Tôi xin lỗi các bé con, vì đã đề tặng cuốn sách này cho một người lớn. Tôi có một lẽ chân xác để tự bào chữa, và xin được thứ lỗi: người lớn nọ là người bạn chí thiết trong đời tôi. Tôi còn một lẽ nữa: người lớn nọ có thể hiểu hết mọi sự ngay cả những cuốn sách viết cho bé con, người ấy cũng hiểu nốt. Tôi còn một lẽ thứ ba để được tha thứ: người lớn nọ hiện sống ở nước Pháp, và đang chịu đói và rét. Y thật cần được an ủi. Nếu tất cả những lẽ đó không đủ để bào chữa cho mình, thì tôi rất muốn đề tặng cuốn sách này cho đứa con mà xưa kia người lớn nọ vốn đã từng là (nó) vậy. Mọi người lớn, ban sơ, đều đã từng là những bé con. (Nhưng ít người trong số đó ghi nhớ điều kia). Vậy tôi xin sửa chữa lời đề tặng:

Gửi Léon Werth
Thuở ông ta còn là bé con


I.

Thuở lên sáu, một lần nọ tôi thấy một bức tranh lộng lẫy, trong một cuốn sách viết về rừng thẳm nhan đề Sự tích đã sống. Bức tranh đó họa một con trăn đương nuốt con mãnh thú. Trên đây là bản đồ mô phỏng bức họa kia.

Trong cuốn sách người ta nói: “Giống trăn nuốt toàn thể con mồi không nhai nghiền gì cả. Rồi sau đó, giống trăn không còn có thể rục rịch nữa, nên nằm ngủ ròng rã suốt sáu tháng trời là thời gian tiêu hóa".

Từ đó, tôi đã suy ngẫm rất nhiều về những trận lưu ly mạo hiểm của rừng sâu và, tới phen mình, tôi cũng đã dùng một cây bút chì màu mà vẽ nên bức họa đầu tiên. Bức họa số 1. Nó như thế này:

Tôi có đưa cho những người lớn xem kiệt tác của mình, và hỏi họ có kinh khiếp trước bức họa kia không.

Họ đáp: “Làm sao một cái mũ lại có thể xui người ta kinh khiếp?"

Bức họa của tôi không thể hiện một cái mũ. Nó vẽ một con trăn đương nằm tiêu hóa một con voi. Tôi bèn vẽ phía trong của cái bụng con trăn, cốt là để cho người lớn dễ lĩnh hội. Người lớn bao giờ cũng cần có những sự giảng giải thì họ mới hiểu. Bức họa thứ hai của tôi nó như thế này:

Những người lớn đã khuyên tôi nên gác lại một bên những thứ họa trăn, trăn mở bụng hoặc trăn khép bao tử, và hãy nên chuyên tâm vào bài học địa dư, sử ký, tính toán và văn phạm. Thế là thuở lên sáu, tôi đã đành bỏ dở một tiền đồ sự nghiệp họa sĩ huy hoàng. Tôi đã chán nản vì sự thất bại của bức họa số 1 và bức họa số 2. Những người lớn chẳng bao giờ tự mình hiểu được cái gì cả, và trẻ bé nếu cứ phải giải thích đi giải thích lại, mãi mãi, hoài hoài, cho họ hiểu, quả thật là điều mệt nhọc vô cùng.

Thế là tôi đành phải chọn một nghề khác, và tôi đã học lái máy bay. Tôi đã bay lăng quăng khắp chốn trên địa cầu. Và quả thật, môn địa dư đã có giúp ích tôi nhiều. Tôi chỉ cần thoáng nhìn qua một cái, là nhận ra được đất Trung Hoa từ quận Arizona. Sự đó rất cần ích, nếu ta lạc nẻo giữa ban đêm.

Và như thế, trong đời tôi, tôi đã từng tiếp xúc hàng đống bự, với hàng khối bự những nhân vật bảnh bao. Tôi đã từng sống nhiều ngày nơi nhà những người tai to mặt lớn. Tôi nhìn họ ở sát nhãn quan mình. Và điều đó chả có canh cải ý kiến của tôi được chi mấy chút.

Lúc nào tôi gặp một kẻ nào trong bọn họ, xem ra có vẻ sáng suốt một tí, thì tôi lại thử làm cuộc thí nghiệm về họ với bức họa số 1 của mình mà tôi vẫn còn giữ luôn luôn. Tôi muốn rõ xem họ có thật quả là sáng ý hay không. Hay vẫn tối dạ như lẽ hằng. Nhưng luôn luôn họ bảo tôi: “Đấy là một cái mũ". Vậy thì tôi chẳng nói gì nữa với họ, chẳng nói gì về giống trăn, về rừng hoang, rú thẳm, chẳng nói gì về những ngôi sao trên trời. Tôi hạ mình xuống cho ngang tầm khả năng của họ. Tôi nói về cách đánh bài, đánh cầu, về chính trị và về ca vát, những lối thắt “nơ". Và người lớn đã rất hài lòng được quen biết một con người sao mà lịch thiệp thấu lẽ thị phi đến thế.


II.

Thế là tôi đã sống cô đơn vậy đó, không ai để chuyện trò thật sự, cho tới ngày phi cơ hỏng máy rơi tòm giữa sa mạc Sahara, cách đây sáu năm. Một cái trục, một cái chốt nào đã gãy lìa trong máy. Và vì lúc lên phi cơ không có đem theo thợ máy, cũng không chở hành khách, tôi phải một mình lo toan cuộc chữa chạy hì hục khó khăn. Một vấn đề sống chết. Tôi chỉ còn đủ nước để dùng giỏi lắm là trong tám ngày thôi.

Đêm đầu, tôi đành phải nằm ngủ trên cát ở ngàn ngàn dặm để cách biệt với mọi miền có người ta cư trú. Tôi đã chịu biệt lập còn hơn một kẻ đắm tàu, bó gối ngồi trên chiếc bè giữa sóng gió đại dương. Thì hẳn bạn cũng hình dung ra cơn ngạc nhiên của tôi, lúc bình mình đến, chợt một giọng nói nhỏ lớ ngớ kỳ lạ bỗng đánh thức tôi dậy:

"Nếu vui lòng... hãy vẽ cho tôi một con cừu!"

"Hả!"

"Vẽ cho tôi một con cừu..."

Tôi nhảy nhổm dậy một cái trên hai chân như bị sấm sét đập vào lưng. Tôi giụi tay lên hai mắt. Tôi mở to mắt ra nhìn. Và tôi thấy một chú chàng tí hon rất mực kỳ lạ đương chằm chặp trầm trọng nhìn tôi. Đây là bức chân dung khá nhất về chú bé mà sau này tôi đã gắng thực hiện được. Nhưng cố nhiên, bức tranh của tôi, đẹp là thế đó, vẫn còn thua xa dáng dấp tuyệt vời của chú bé. Đó chẳng phải lỗi tại tôi. Từ lâu, từ thuở mới lên sáu, tôi đã quá nản lòng trong nghề nghiệp hội họa bởi tại những người lớn, và nào tôi có học vẽ được cái gì đâu, ngoài những con trăn khép bụng và những con trăn mở bao tử.

Thế là tôi chằm chặp nhìn sự đột hiện huyền ảo nọ, nhìn với hai con mắt tròn xoe kinh ngạc. Đừng quên rằng lúc đó, tôi hiện đương ở cách xa những miền cư trú của con người, xa đến ngàn ngàn dặm đất. Thế mà chú bé tí hon của tôi lại chẳng có vẻ gì lạc lối, chẳng có vẻ gì là mỏi mệt, hoặc chết đói, hoặc chết khát, hoặc chết vì kinh hoàng. Chú bé chẳng có vẻ gì một đứa trẻ lạc lỏng giữa sa mạc, ở cách cõi sống của con người ngàn ngàn dặm đất. Cho tới lúc tôi gắng gỗ thốt được lời ra tiếng, thì tôi bảo:

"Nhưng... nhưng mà chú bé làm cái gì tại đây vậy?"

Và chú bé dịu dàng lặp lại lời cũ, như dường coi đó là một sự vụ rất trang trọng:

"Nếu ông vui lòng... xin vẽ cho tôi một con cừu..."

Khi sự huyền bí nó quá mức kích động thì người ta không dám bất tuân. Dẫu sự vụ kia xảy ra có vẻ phi lý bao nhiêu đi nữa ở cách xa ngàn dặm mọi chốn cư trú của con người và đứng trước hiểm họa thập tử nhất sinh, tôi vẫn rút trong túi ra một tờ giấy và một cây bút máy. Nhưng tôi chợt nhớ ra là mình vốn nghiên cứu nhiều nhất là môn địa dư, sử ký toán tính, và văn phạm, và tôi bảo với chú bé (với một chút bực dọc) rằng tôi đâu có biết vẽ. Chú đáp:

"Không hề gì. Vẽ cho tôi một con cừu đi".

Vì tôi vốn từ xưa chẳng bao giờ có vẽ một con cừu, nên tôi đành vẽ lại cho chú một trong hai cái loại tranh trong vòng khả năng của tôi. Đó là bức tranh con trăn khép bụng. Và tôi đờ đẫn kinh ngạc khi nghe chú bé tí hon đáp:

"Không! không! Tôi không muốn, tôi không thích cái con voi trong bụng cái con trăn. Một con trăn, thật là nguy hiểm, và một con voi, thì thật là lịch kịch rầy rà. Quê tôi thì bé tí. Tôi cần một con cừu. Hãy vẽ cho một con cừu đi."

Và tôi đã vẽ.

Chú bé chăm chú nhìn, rồi nói:

"Không! Con này coi đã ốm yếu quá. Vẽ một con khác đi."

Tôi vẽ.

Người bạn nhỏ mỉm cười một cách thật dễ thương, với giọng bao dung:

"Bác thấy đó... đó không phải là một con cừu, đó là một con dê đực, nó có hai cái sừng..."

Vậy là tôi phải vẽ trở lại.

Nhưng bức này cũng bị từ khước, như mấy bức trước:

"Con này coi già nua cọm rọm quá. Tôi muốn một con cừu sống sao cho thật lâu."

Vậy là tôi mất kiên nhẫn, vì bận lo khởi sự vội vã tháo máy ra xem, tôi nguệch ngoạc vẽ bừa bức tranh sau đây.

Tôi văng ra một lời:

"Đó, đó là cái thùng. Con cừu chú muốn, nó nằm ở trong ấy."

Nhưng tôi kinh ngạc xiết bao khi nhìn thấy gương mặt chú “quan tòa" nhỏ dại bỗng rạng ngời ra:

"Thật đúng y như hệt! Đó là cái tôi muốn đó! Bác nghĩ có cần nhiều cỏ cho con cừu nó ăn?"

"Vì sao hỏi vậy?"

"Vì quê tôi, thật bé tí..."

"Không hề gì. Vẫn đủ được lắm, chắc chắn vậy. Tôi cho chú một con cừu thật bé tí đó mà."

Chú nghiêng đầu lên bức tranh:

"Không thật bé tí lắm đâu... Coi kìa! Nó đã ngủ rồi."

Và như vậy đó, tôi đã làm quen với hoàng tử bé.


III.

Phải một thời gian lâu tôi mới rõ chú bé từ đâu lại. Hoàng tử tí hon, vốn chất vấn tôi rất nhiều, lại chẳng bao giờ có vẻ nghe những câu tôi hỏi. Chỉ nhân những tiếng thốt tình cờ, những lời nói ngẫu nhiên, mà dần dà tôi rõ được hết mọi sự. Chả hạn như khi chú bé nhìn thấy phi cơ của tôi lần đầu tiên (tôi sẽ không vẽ phi cơ tôi, đó là bức tranh quá phiền phức đối với tôi) chú hỏi:

"Cái đó là cái vật chi thế?"

"Đó không phải là cái vật. Đó biết bay. Đó là phi cơ. Đó là phi cơ của tôi đấy."

Và tôi rất hãnh diện lúc cho chú bé biết rằng tôi là phi công bay. Chú thốt lớn:

"Sao! bác từ trên trời rớt xuống!"

"Vâng", tôi nhũn nhặn đáp.

"A! đó là cái lạ..."

Và hoàng tử bé cười rộ một cái thật tươi xinh, làm tôi phát cáu. Tôi muốn rằng thiên hạ phải coi trầm trọng những hoạn nạn của tôi. Rồi chú hoàng bé nói tiếp:

"Thế thì té ra bác cũng rớt từ trên trời xuống! Bác ở tinh cầu nào?"

Tôi chợt thoáng nhận thấy một tia mờ, lóe ra giữa huyền bí của sự hiện diện hoàng tử, và tôi đột ngột hỏi:

"Chú bé cũng từ một tinh cầu khác mà tới đây?"

Nhưng chú bé không đáp. Chú ngẩng đầu dịu dàng một cái, vẫn nhìn phi cơ tôi:

"Thật thì nằm ở trong đó, bác chẳng có thể nào tới đây từ một cõi xa xôi gì cho lắm..."

Và chú bé chìm vào trong một cơn mơ kéo dài dậm duộc. Rồi rút trong túi ra con cừu của tôi, chú triền miên ngắm nghía kho tàng mình.

Bạn cũng hình dung được là tôi đã xiết bao khích động hiếu kỳ bởi chút thổ lộ nửa vời về “những tinh cầu khác" nọ. Tôi gắng tìm cách hiểu thêm:

"Này chú bé ơi, chú từ đâu tới ? Đâu là cái chốn “quê của chú" ? Chú định mang con cừu tôi đi đâu?"

Sau một lúc trầm ngâm lặng lẽ, chú đáp:

"Cái tốt ấy là, với cái thùng bác cho tôi thì ban đêm, nó là cái nhà cho con cừu nó ngủ."

"Hẳn là vậy. Và nếu mà chú ngoan, thì tôi sẽ cho thêm chú một sợi giây nữa để cột con cừu lại ban ngày, và cho một cái cọc nữa."

Lời đề nghị này dường như làm phật ý chú bé:

"Cột con cừu lại? Cái ý gì kỳ cục vậy!"

"Nhưng nếu chú không cột nó lại, nó sẽ chạy quàng, nó sẽ lạc lối đi..."

Người bạn nhỏ của tôi lại một phen cười rộ:

"Nhưng bác sợ nó chạy lạc đi đâu mới được chớ!"

"Bất cứ đâu đâu. Thẳng tới trước mặt..."

Bấy giờ hoàng tử bé mới trang nghiêm nhận định:

"Cái đó không hề gì, quê tôi nhỏ chút xíu đó mà."

Rồi với một chút sầu tư, có lẽ, chú tiếp:

"Thẳng tới trước mặt, người ta đâu có thể đi xa chi mấy đâu..."


IV.

Và như vậy, tôi lại được một phen nữa biết được một sự vụ tối quan hệ: ấy là tinh cầu quê quán của chú bé, giỏi cho lắm thì cũng lớn hơn cái nhà một chút xíu thôi!

Điều đó cũng chẳng thể nào làm tôi ngạc nhiên chi lắm. Tôi biết rõ là ngoài những tinh cầu to bự như Trái Đất, như Jupiter, Mars, Vénus, được thiên hạ đặt tên tuổi cho, còn hàng trăm những tinh cầu khác, lắm khi nhỏ quá đến nỗi người ta khó nhọc lắm mới nhìn thấy sơ bóng dáng qua ống kính viễn vọng. Khi một nhà thiên văn học khám phá ra một trong những tiểu tinh cầu đó, thì ông cho nó một con số gọi là của tin canh thiếp làm ghi. Ông gọi nó chả hạn: “tiểu tinh cầu 325".

Tôi có nhiều lý lẽ chắc chắn để tin rằng cái tinh cầu của hoàng tử từ đó về đây là tiểu tinh cầu B 612. Tiểu tinh cầu nọ chỉ một lần được thấy bóng phía sau ống viễn vọng vào năm 1909, bởi một nhà thiên văn học người Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông ta đã từng mở một cuộc chứng minh đồ sộ về sự khám phá của mình tại một đại hội quốc tế thiên văn (Thiên văn quốc tế hội nghị). Nhưng thuở đó không ai tin lời ông cả. Vì lối y phục luộm thuộm của ông ta. Những người lớn, họ là như vậy đó.

May thay cho tăm tiếng của tiểu tinh cầu B 612, một nhà độc tài Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành đạo luật cho toàn dân phải ăn vận theo lối sành điệu Âu Châu, nếu bất tuân phải chịu tử hình.
Nhà thiên văn học nọ đến năm 1920, đã tái khai cuộc chứng minh một trận nữa, lần này ông chỉnh tế ngăn nắp trong một bộ y phục rất mực bảnh bao nhẵn nhụi. Và lần này mọi người thiên hạ cùng tán đồng nấc nở ý kiến của ông.

Nếu tôi kể lại cho bạn nghe những chi tiết này về tiểu tinh cầu B 612, và nếu tôi ký thác cho bạn cái số hiệu của nó, ấy chỉ bởi tại những người lớn. Những người lớn, họ ưa thích những con số. Khi anh nói với họ về một người bạn mới, họ chẳng bao giờ hỏi anh về cái cốt yếu. Họ chẳng bao giờ hỏi: “Giọng nói của anh ta nghe ra thế nào? Anh ta yêu chuộng trò chơi gì? Anh ta có thích sưu tập chuồn chuồn bươm bướm chăng?" Họ lại hỏi: “Y bao nhiêu tuổi? Tứ tuần? Anh em, tớ thầy của y, lao xao sau trước là bao nhiêu? Y cân nặng mấy trăm ký lô? Thân phụ của y lĩnh lương hằng tháng là bao nhiêu thế?" Và chỉ từ đó trở đi thôi, họ mới tin rằng mình biết gã nọ. Nếu anh nói với những người lớn: “Tôi có một ngôi nhà kiều diễm xây bằng gạch hồng thắm, với những chậu hoa phong lữ thảo ở bệ cửa sổ, và những cặp bồ câu đậu ở mái nhà..." họ sẽ không thể nào hình dung ra được cái nhà của anh. Phải bảo họ rằng: “Tôi có thấy một ngôi nhà trị giá một trăm nghìn phật lăng." Thì khi đó họ sẽ thốt to: “Ồ! Sao mà xinh thế nhỉ."

Vậy đó, nếu anh bảo: “Bằng chứng hoàng tử quả có thật ở trong đời, ấy là chú rất quyến rũ dễ yêu, chú cười, chú muốn một con cừu. Một phen người ta muốn một con cừu, thì đó là một phen có đủ bằng chứng là người ta hiện hữu", thì những người lớn sẽ nhún vai và coi anh là con nít! Nhưng nếu anh bảo: “Tinh cầu từ đó hoàng tử tới đây là tiểu tinh cầu B 612" thì khi đó họ sẽ tâm đầu ý hiệp với anh ngay, siết tay du khoái hả hê ngay, gọi rằng tâm phúc tương cờ ngay, và để yên cho anh túc mục an lành với bao câu hỏi họ lăng xăng ngay. Họ là như vậy đó. Cũng chẳng nên hờn giận họ làm chi. Con trẻ phải nên rất mực độ lượng với những người lớn.

Nhưng cố nhiên, chúng ta là kẻ am hiểu sự đời, chúng ta cứ mà tha hồ cợt cười những con số! Tôi còn muốn khởi đầu câu chuyện này theo điệu mở đầu chuyện thiên thần tiên nữ nữa là khác. Tôi còn ắt muốn nói:

“Thuở xưa kia từng đã một lần hoàng tử bé con, bé nhỏ, đã từng phen lưu trú tại một tinh cầu chơi với bé bỏng, bé tí, có lớn hơn tí chút hoàng tử mà thôi, và hoàng tử đã từng có thiết tha mong chờ một người bạn thiết..." Đối với những ai am hiểu cõi đời tồn sinh mát mẻ, thì đó thật quả ắt có vẻ xác thực chân chính hơn nhiều.

Bởi vì tôi không muốn người ta đọc cuốn sách tôi theo lối phiêu hốt lai rai. Tôi cảm thấy xiết bao sầu não khi kể những kỷ niệm này. Đã sáu năm tròn rồi, người bạn bé nhỏ của tôi đã từ biệt ra đi với con cừu của tôi. Nếu tôi gắng thử miêu tả lại chàng, ấy cũng là cốt để đừng quên nhau. Buồn xiết bao nếu phải quên một người bạn thiết. Đâu có phải ai ai trong thiên hạ cũng đã có một người bạn thiết. Và chính tôi, tôi cũng có thể từ sớm sang chiều, trở thành giống như những người lớn chỉ biết lưu tâm ý tới những con số mà thôi. Chính cũng vì đó mà tôi đã mua một hộp màu và bút chì vậy. Thật khổ nhọc xiết bao, cái việc khởi đầu trở lại vẽ hình, họa bóng, vào cái tuổi của tôi khi mà người ta từ bấy tới nay nào có bao giờ biết mưu đồ gì khác ngoài cái sự rắp ranh vẽ một con trăn khép bụng và một con trăn mở lòng, vào lúc lên sáu! Tất nhiên, tôi sẽ gắng thử họa những chân dung giống được chừng nào hay chừng đó. Nhưng tôi không hoàn toàn chắc dạ là mình sẽ thành công. Một tấm vẽ đi qua, hỏng rồi, một tấm khác không còn giống như hình được nữa. Một dư ảnh gái đã lạc gót sen hương, một dư huệ về sau không níu giữ trong ngón tay sầu xe chỉ nữa. Về tầm vóc hình dài, tôi cũng nhầm lẫn chút ít. Đây, hoàng tử quá to. Kia, hoàng tử quá bé. Tôi cũng ngại ngùng trước màu sắc y phục của em. Vậy nên chi tôi quờ quạng loăng quoăng thế này, thế nọ, thế đó, thế kia, được cũng tốt, không được cũng cam. Rồi nữa, tôi cũng sẽ còn lầm lẫn về đôi chi tiết quan trọng hơn. Nhưng cái đó, chỉ xin người hãy phải nên tha thứ. Người bạn thiết của tôi chẳng bao giờ ban cho tôi một lời giải thích. “C’est les vipères!". Rồi thôi. Tôi bước bên đường kêu gọi mãi. Nhớ người bạn cũ thuở anh niên. Nhưng bặt âm. Người bạn chắc có lẽ đã tưởng rằng tôi giống bạn. Nhưng khổ thay, tôi chẳng biết làm thế nào nhìn thấy cho ra những con cừu ở bên kia những thùng chứa. Có lẽ tôi cũng là có phần nào giống như những người lớn. Có lẽ tôi là kẻ đã phải về già.


V.

Mỗi ngày, tôi biết thêm chút ít về tinh cầu, về ly biệt, về viễn du. Cái đó tới rất dịu dàng, tùy cơn ngẫu nhĩ ưu tư. Vậy đó, ngày thứ ba, tôi được biết tấn bi kịch của những cây cẩm quỳ.
Lần này nữa cũng là nhờ con cừu, vì chứng đột ngột hoàng tử bé hỏi tôi, dường như chàng đang chịu một cơn nghi hoặc trầm trọng:

"Thật vậy chăng ru, rằng những con cừu ăn cây cối nhỏ?"

"Vâng. Chính thật là vậy."

"A! Tôi hài lòng lắm."

Tôi chẳng rõ vì sao cái việc cừu ăn cây cối nhỏ lại là việc trọng đại. Nhưng hoàng tử nhỏ tiếp:

"Vậy thì hẳn nhiên là cừu cũng ăn cây cẩm quỳ?"

Tôi bèn nói cho hoàng tử hiểu rằng cẩm quỳ không phải là loại cây cối nhỏ, mà thuộc loại cây to bự như những ngôi nhà thờ, và cho dẫu chàng có lôi theo với mình một bầy voi đồ sộ, cũng hồ dễ mà làm nao núng được mỗi một cây cẩm quỳ khổng lồ đơn độc đó thôi.

Ý tưởng một bầy voi lớn rộng xui hoàng tử cười to:

"Vậy phải sắp đặt con voi này nằm chồng chất trên lưng con voi khác..."

Nhưng rồi hoàng tử lại thâm thúy nhận xét thêm:

"Những cây cẩm quỳ, trước khi lớn rộng, thì cũng phải khởi đầu bằng hình thù thân thể nhỏ nhoi."

"Đúng vậy! Nhưng tại sao chú muốn rằng những con cừu của chú phải ăn cây cẩm quỳ?"

Chú đáp: “Hi! Khéo hỏi!" như chừng đó là một chuyện cố kỳ nhiên. Tôi phải gắng gỗ kịch liệt cho thông minh nảy nở ra mới tự mình tìm hiểu được một mình vấn đề nọ.

Thật vậy, trên tinh cầu của hoàng tử bé, cũng như trên mọi tinh cầu, có những cỏ lành, và những cỏ dữ. Do đó, có những hạt giống lành của cỏ lành, và những hạt giống dữ của cỏ dữ. Nhưng hạt giống thì nhỏ, nên mắt không nhìn ra. Chúng nằm ngủ yên trong thớ đất u huyền cho tới lúc cao hứng ùa về với một hạt nào trong lũ hạt nọ, và cao hứng hạt nọ đột khỏi cơn thức giấc bò ra. Thế là hột nọ duỗi thân một cái, và thoạt tiên e ấp nảy mầm, hướng tới ánh nắng mà ngoi đầu lên cho dài ra thành một đọt cỏ non bé bỏng diễm kiều vô hại thơ ngây như hồn tuyết bạch gái. Nếu là một ngọn lá cải củ, hoặc tường vi, thì thiên hạ có thể để mặc tình tha hồ nó mọc. Nhưng nếu là một ngọn cỏ dữ, thì phải liệu mà rứt nhổ nó đi liền liền, khi người ta nhận ra nó là bê bối. Mà trên tinh cầu của hoàng tử bé thì có những hạt giống kinh khủng... ấy là những chủng tử cẩm quỳ. Đất đai tinh cầu bị nhiễm độc bởi những phôi châu ác liệt nọ. Mà một cây cẩm quỳ, nếu người ta đối phó muộn màng một chút, thôi thì không còn mong chi trừ khử nó được nữa. Nó sẽ làm rầy rà cho toàn khối tinh cầu. Nó sẽ làm rầy rà cho toàn khối tinh cầu. Nó sẽ đâm rễ nó xuyên qua cho nứt rạn cả khối. Nếu tinh cầu quá nhỏ, nếu những cây cẩm quỳ quá nhiều, thì tinh cầu ắt vỡ toang vì chúng.

“Đấy là một vấn đề kỷ luật, sau này hoàng tử bảo tôi thế. Khi ta xong xuôi cuộc tắm rửa thân mình buổi mai, thì phải chăm sóc kỹ lưỡng tới cuộc tắm rửa tinh cầu. Phải tự ước thúc mình một cách đề huề đều đặn trong công việc trừ khử những cây cẩm quỳ ngay khi ta chợt phân biệt ra chúng với những cây tường vi. Hai loại này, thuở sơ sinh non dại trông giống hệt nhau. Công việc làm thật là chán ngấy, nhưng chả khó nhọc gì."

Và một ngày nọ, hoàng tử bé khuyên tôi hãy chịu khó gắng công hoàn thành một bức họa đẹp, để mà đem sự nọ tạc vào kỹ lưỡng trong đầu óc những trẻ con xứ sở tôi. Hoàng tử bảo: “Nếu có ngày chúng nó viễn du, thì việc đó sẽ hữu ích cho chúng lắm. Đôi lúc kể ra thì cái sự trì hoãn công việc làm cũng chẳng là điều đáng ngại. Nhưng nếu sự vụ có liên can tới cẩm quỳ, thì đó lại là một thảm họa khôn lường. Tôi có biết một tinh cầu, tại đó một gã lười lưu trú. Gã coi nhẹ ba cây cối nhỏ..."

Và, thể theo những chỉ bảo của hoàng tử bé, tôi đã vẽ tinh cầu nọ. Tôi không thích lấy giọng nhà đạo đức. Nhưng cái hiểm họa của cẩm quỳ lại rất ít kẻ am hiểu, và kẻ lạc lõng nơi một tiểu tinh cầu bị hăm dọa bởi những nguy cơ đồ sộ đến nỗi tôi phải xin phép, một lần, được sự dè dặt thường hằng vào trong vòng ngoại lệ, và xin nói liều. Tôi xin nói: “Hỡi các bé con! Hãy coi chừng đó, những cây cẩm quỳ!" Chính vì muốn báo trước cho những bạn thiết biết một mối nguy cơ từ lâu, cũng như tôi, họ đã từng cọ vào sát mép mà chẳng hay chẳng biết, vâng, chính vì thế mà tôi đã cố gắng mài miệt rất nhiều để hoàn thành bức tranh ấy. Bài học tôi đưa ra, thật cũng đáng cái công lao. Các anh sẽ tự hỏi có lẽ: Tại sao trong cuốn sách này chẳng có bức nào đồ sộ như bức tranh cẩm quỳ ? Lời đáp rất đơn giản: Tôi đã gắng gỗ, nhưng không thể thành công. Lúc tôi vẽ những cây cẩm quỳ, tôi đã bị thôi thúc bởi tình cảm bức bách.


VI.

A! Hoàng tử bé ơi, tôi đã lần hồi hiểu, theo vậy đó, cuộc đời bé bỏng sầu tư của chú. Từ lâu, chú chỉ có một chút khiển muộn, là bóng chiều vàng êm ả. Tôi đã rõ chi tiết mới mẻ này, vào buổi mai ngày thứ tư, lúc chú bảo:

"Tôi yêu chuộng những buổi chiều hồng. Chúng ta hãy đi nhìn một cảnh mặt trời lặn..."

"Nhưng phải chờ..."

"Chờ gì?"

"Chờ cho mặt trời lặn."

Thoạt tiên, chú đã tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi sau đó chú đã tự cười mình lẩn thẩn. Chú bảo:

"Tôi cứ tưởng mình luôn luôn ở tại quê hương xứ sở."

Thật vậy. Khi tại Huê Kỳ, mặt trời đứng ngọ, thì ai cũng biết rằng tại Pháp, mặt trời đương lặn. Chỉ cần có thể chạy bay trong một phút sang Pháp là có thể ngắm một cảnh hoàng hôn. Rủi thay nước Pháp lại quá xa vời. Nhưng, tại trên tinh cầu tí tẻo của hoàng tử bé, hoàng tử chỉ cần kéo đẩy sơ cái ghế ngồi một chút. Và hoàng tử nhìn thấy cảnh mặt trời lặn tùy thích bất cứ lúc nào...

"Một ngày nọ, tôi đã nhìn mặt trời lặn liên tiếp bốn mươi ba lần!"

Và ít lâu sau, chú nói thêm:

"Bác biết đó... lúc người ta buồn quá đỗi, người ta yêu dấu cảnh mặt trời lặn xiết bao..."
"Cái ngày chú nhìn bốn mươi ba lần nọ, chú đã buồn quá đỗi phải không?

Nhưng hoàng tử bé không đáp.


VII.

Ngày thứ năm, vẫn cũng vì con cừu, sự bí ẩn trong cuộc đời hoàng tử bé được biểu lộ. Đột ngột hoàng tử hỏi tôi, không nhập đề gì ráo, như đó là kết quả một vấn đề đã được trầm ngâm suy gẫm lâu rồi.

"Một con cừu, nếu có ăn cây cối nhỏ, thì nó cũng ăn những đóa hoa."

"Một con cừu thì ăn bất cứ cái gì nó gặp. Bạ đâu ăn đó rất mực bừa bãi vậy."

"Cả những cành hoa có gai nhọn?"

"Ừ. Cả những cành hoa có gai nhọn."

"Vậy thì những gai nhọn, dùng vào việc chi?"

Tôi không biết điều đó. Lúc ấy tôi hết sức bận, loay hoay vặn một cái đinh bù lon ăn cứng trong máy phi cơ. Tôi bận tâm lo lắng lắm, vì trận hỏng máy này đã bắt đầu cho thấy quá trầm trọng, và nước uống cứ hao cạn hoài xui tôi lo sợ nặng nề: càng ngày càng khốn đốn về sau.

"Những gai nhọn dùng vào việc chi?"

Hoàng tử bé không bao giờ rút lui câu hỏi, mỗi phen chú đã nêu nó ra rồi. Tôi đã bực mình vì cái bù lon, nên đáp bừa:

"Gai nhọn, không dùng vào cái tích sự chi ráo, đó chỉ là cái ác hại thuần túy của hoa!"

"Ồ!"

Nhưng sau một lúc im lặng chú văng ra một câu, với giọng thật là oán hận:

"Tôi không tin lời bác! Hoa mảnh khảnh lắm. Hoa thơ dại lắm. Hoa phải tự gắng làm cho mình yên dạ phần nào hay phần nấy. Hoa tự nghĩ là mình ắt ghê gớm lắm với những gai nhọn của mình..."

Tôi không trả lời. Lúc đó tôi tự nhủ: “Nếu cái đinh bù lon này mà còn cứng cổ, thì ta sẽ đập một nhát búa vào thì nó phải nhảy tung ngay". Hoàng tử nhỏ lại quấy rầy ý tưởng tôi:

"Và bác tưởng, bác tưởng rằng hoa..."

"Nhưng không! Không! Tôi chẳng tưởng tư gì ráo ráo! Tôi trả lời bạ đâu bù đó. Tôi bận tâm lo chuyện hệ trọng!"

Chú đờ đẫn nhìn tôi.

"Bận tâm lo chuyện hệ trọng!"

Chú nhìn tôi bàn tay cầm búa, ngón tay đen sì những dầu nhớt, đương nghiêng thân trên một cái vật chú xem ra xấu xí quá.

"Bác nói chuyện nghe như những người lớn!"

Câu đó làm tôi thấy hổ thẹn chút ít. Nhưng chú vẫn tiếp tục:

"Bác lẫn lộn tuốt luốt hết! Lẫn lộn tuốt hết."

Trông chú thật quả là cáu tiết. Chú lắc đầu tóc vàng óng bay tung trong gió:

"Tôi biết một tinh cầu có một Ông Cụ mặt đỏ như gấc chín. Chẳng bao giờ ông ta ngó một ngôi sao. Chẳng bao giờ ông ta yêu ai hết. Chẳng bao giờ ông ta làm một cái việc chi khác, ngoài cái việc làm những bài toán cọng. Và suốt ngày ông ta lặp đi lặp lại y hệt như bác: “Tôi là một con người trang nghiêm! Tôi là một con người trang nghiêm" và cái đó làm ông ta phình to lên cái lỗ mũi tự hào. Nhưng đó không phải một con người, đó là một cái nấm!"

"Một cái gì?"

"Một cái nấm!"

Hoàng tử bé bây giờ mặt mày tái xanh vì tức giận.

"Từ hàng triệu năm rồi, hoa đã tạo gai. Từ hàng triệu năm rồi cừu vẫn cứ ăn hoa. Và cái sự tìm hiểu xem tại sao mà hoa phải nhọc mệt tạo mãi những gai nhọn chẳng dùng được vào việc gì gì hết cả, sự đó chẳng phải là chuyện nghiêm trang hay sao? Cuộc chiến tranh giữa cừu và hoa, không phải là chuyện hệ trọng hay sao? Chẳng nghiêm trang hệ trọng hơn những bài toán cọng của ông cụ bự đỏ như gấc chín hay sao? Và nếu tôi có biết, chính tôi có biết một đóa hoa duy nhất ở đời, không đâu có cả, ngoài tinh cầu tôi, và nếu một con cừu bé có thể rỡn chơi liếm sơ qua một chút, mà tiêu diệt tan hoang mất cái đóa hoa ấy như vậy đó trong một buổi mai dịu dàng và chẳng nhận thấy rằng cái việc mình làm kia gớm guốc thế nào, đó không phải là chuyện hệ trọng hay sao?

Chú đỏ mặt, rồi tiếp:

"Nếu có một kẻ yêu một đóa hoa duy nhất chỉ duy có một mà thôi trong hàng triệu triệu tinh cầu, chừng đó đủ để kẻ ấy sung sướng lúc nhìn ngàn sao ở trên trời. Anh ta tự nhủ: “Đóa hoa của mình hiện nằm tại đó, nơi đó, chốn kia...". Nhưng nếu con cừu ăn đóa hoa, thì sự đó đối với anh ta cũng như thể là đột nhiên trong một nháy ngàn ngàn ngôi sao thình lình tắt lịm! Và đó, không phải là chuyện hệ trọng hay sao!

Chú không nói thêm gì được nữa. Đột nhiên, chú òa lên khóc. Đêm xuống rồi. Tôi bỏ rơi tay búa. Tôi chả còn sá gì búa dao bù lon nữa, chả thiết chi tới chuyện chết khác, chết đói. Trên một tinh cầu, tinh cầu của tôi, trên Địa cầu của tôi, có một hoàng tử bé cần được an ủi! Tôi ôm chú vào lòng. Tôi ru. Tôi bảo: “Đóa hoa chú yêu dấu đó không gặp nguy hại gì đâu... Tôi sẽ vẽ thêm một cái rọ bịt mõm vào cái mồm con cừu của chú... Tôi sẽ vẽ một tấm áo giáp sắt cho đóa hoa của chú... Tôi sẽ...". Tôi chẳng còn biết nói chi nữa. Tôi thấy mình vụng về quá. Tôi không biết làm cách gì để đi tới cõi lòng chú, gặp gỡ linh hồn chú... Thật huyền bí không xiết, là cái xứ sở của lệ vàng.
Nguồn: Hoàng tá»­ bé - Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry, bản dịch của Bùi Giáng. An Tiêm tái bản lần thứ nhất năm 1973. In 4050 cuốn trên toàn giấy bristol 120. Xếp chữ tại nhà in Hồng Hà, 82 Trần Bình Trọng, Sài Gòn. Chạy offset tại nhà in Võ Tánh, 29 Võ tánh, Sài Gòn. Xếp máy vô bìa tại nhà in Thăng Long, 220 TrÆ°Æ¡ng Minh Giảng, Sài Gòn. Hoàn thành sách ngày 9.11.1973