trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
16.12.2004
TrÆ°Æ¡ng Tá»­u
Uống rượu với Tản Đà
(Phê bình và định giá một thi sĩ đại biểu cuối cùng của thơ cũ Việt Nam)
 1   2 
 
III. Tớ còn chơi!

Sau lúc tế nàng Chiêu Quân (1913), từ giã các bạn Non Tiên, lại xuôi về nam với quan huyện Nẻ Xuyên… Hết xuân sang hạ, ở Nam Ðịnh về Sơn Tây rồi vào ở tại ấp Cổ Ðằng. Trong giấc phù sinh lại sinh xuất có một đoạn rất ly kỳ quái ảo. Ấp Cổ Ðằng địa phận về hạt huyện Tùng Thiện; từ tỉnh lỵ Sơn Tây vào ấp chừng độ 14 cây số, đất sỏi đường đồi… Mình từ khi ở ấp, bốn bề phong cảnh phải đâu như Hàng Nón Hàng Bồ, gió hót giăng treo, rừng reo suối chảy. Cái bụng chán đời đến cực điểm, quyết mong tịch cốc để từ trần. Tiếc không nhớ là bắt đầu từ hôm nào thôi sự ăn cơm, chỉ khát không chịu được thời còn phải uống nước. Ba hôm như thế, sầu khổ không thể chịu được nữa, thời lại phải uống rượu. Rượu uống cũng uống suông, mà uống đến thật say. Nguyên đã ba hôm không ăn, trong bụng hư không lại một phen say rượu mê ly, thành ra từ đấy về sau khác hẳn từ đấy về trước. Bụng không biết no không biết đói; người không biết vui không biết buồn; chỉ cứ mỗi ngày một bữa rượu, hoặc uống suông hoặc ăn một đĩa rau dưa nhỏ con, xong rồi đem chõng ra nằm ở dưới cây ngọc lan, nghe những con chim kêu trên cành cây hoặc là xem những đám mây đi trên giời, con chim bay trên không xem kết cục đến đâu là hết …[1]

Ta tưởng vừa được đọc một đoạn nhật ký của tín đồ Trang Lão lấy yếm thế làm chủ nghĩa, lấy vô vi làm thái độ, lấy ẩn dật làm trạng thái sinh hoạt.

Ðâu phải thế.

Ở Cổ Ðằng ba tháng rồi theo mệnh lệnh gia đình phải về trên quê ở. Từ khi về ở quê, đương ăn rau đổi ra ăn thịt. Mỗi ngày cũng chỉ có một bữa ăn, hoặc là cái thủ heo hoặc con gà con vịt, hoặc con cá, tất toàn thể đặt trong mâm với con dao đĩa muối; rượu thì uống hũ không uống chai. Bữa ăn cũng rất vô thường; nếu về đêm có khi thắp hai mươi tám ngọn nến gọi là nhị thập bát tú, thắp bảy ngọn nến gọi là thất tinh đàn. Bữa ăn nếu về phần ngày thời sau khi ăn xong tất phải có con dao thanh quắm đi chém phạt ít nhiều cành cây như không thế thời không thấy thú sướng… Lại như những con gà con vịt nếu không được tự tay mình cắt tiết thời ăn không thấy ngon… Ở nhà quê cũng vừa đúng ba tháng rồi lại phải theo mệnh lệnh gia đình sang phủ Vĩnh Tường để ăn cơm. Trước khi ăn cơm phải học tập ăn cháo. Một người đàn bà có quen biết là con gái quan Tri phủ ở đó có nhắn: ông ấm đã biết ăn cơm chưa?” [2]

Mấy lời tự thuật này phải của một tín đồ Epicure, tôn thờ khoái lạc. Chính tư tưởng tôn thờ khoái lạc này, phần lớn, đã xua đuổi trạng thái chán đời ra khỏi tâm hồn thi sĩ Tản Ðà. Nó đem vào cuộc sinh hoạt của ông ấm Hiếu một số lượng vô tư lự rất cần thiết cho việc hưởng thụ khoái lạc. Nó được kết tinh rõ rệt nhất trong bài Còn chơi của nhà épicurien Nguyễn Khắc Hiếu. Và luôn luôn nó làm giường cột luân lý cho đời thi sĩ.

Tư tưởng épicurien ấy, ở Tản Ðà, phát lộ ra trong ba tâm lý: 1) Sợ già; 2) Sợ chết; 3) Khát sống.

Bởi sợ già nên tiếc xuân. Bởi sợ chết nên khát sống, mà sự sống lại vô tận, nên phải đem rất nhiều nghệ thuật vào cách sống. Mục đích là hưởng được rất nhiều khoái lạc trong một thời gian rất ngắn, - đời người.

Người có tình, xuân không có tình. Mình tiếc xuân, xuân tiếc chi mình; mình thương xuân, xuân chẳng thương mình, thời mình thương tiếc mình nên hơn tiếc xuân.

Xuân kia sáu bảy mươi lần
Của giời tham được độ ngần ấy thôi
Chơi hoang mất nửa đi rồi
Ngẩn ngơ ngồi nghĩ thân đời mà lo
Trông gương luống đã thẹn thò
Một mai tóc bạc vai gù mới dơ
Thương thay! Xuân chẳng đợi chờ
Tiếc thay xưa những hững hờ với xuân
Trăm nghìn gửi lạy đông quân
Hãy khoan khoan tới hãy dần dần lui
Lượng xuân xin chớ hẹp hòi [3]

Tình yêu đời thật là tha thiết, thật là đắm đuối! Nó được thi sĩ hàm dưỡng trong tâm hồn rất phong phú, ca tụng trong thơ ca rất đằm thắm, ứng dụng vào thuật sống rất ham mê. Nhưng ở Tản Ðà, nó khuynh về vật chất nhiều hơn về tinh thần. Ăn ngon, uống rượu ngon, nghe nhiều, trông nhiều, đi nhiều, nói nhiều, cười nhiều…, hưởng thú hương phấn nhiều, tất cả Tản Ðà ở chữ nhiều ấy, hoặc nói đúng hơn, ở chỗ nỗ lực đi đến cái nhiều ấy. Nhưng đây là cái “nhiều” có tổ chức, có mỹ thuật, phức tạp mà chẳng bộn bề, chồng chất mà không hỗn độn.

Ta hẵng nghe thi sĩ épicurien bàn về sự ăn ngon:

Ðồ ăn không ngon thời không ngon, giờ ăn không ngon thời không ngon, chỗ ngồi ăn không ngon thời không ngon, không được người cùng ăn cho ngon thời không ngon… ăn mà có lo nghĩ sao cho ngon? Có tức giận sao cho ngon? Có sợ hãi sao cho ngon? Có thương tủi sao cho ngon? Có hổ thẹn sao cho ngon?

Ta lại nghe thi sĩ luận về văn chương:

Văn chương có giống như mâm gỏi. Ðĩa cá lạng, đĩa dấm ngọt thời người thường dễ ăn, còn miếng mắt miếng xương phải đợi con nhà gỏi.

Văn chương có giống như thịt chim. Sào, thuôn, nướng chả thì dễ chín, hấp cách thuỷ lửa không đến mà nhừ hơn.”

Thật là duy vật hết chỗ nói!

Thêm vào những lời ấy, vài câu thơ nữa:

Thế sự nhất phù vân chi cảnh
Những ai mê ai tỉnh đã ai ai?
Khéo vô đoan khóc hão lại thương hoài
Thú trần giới có ăn chơi là bực nhất…

ta sẽ có chân dung trăm phần trăm của người épicurien.

Tớ còn chơi! Ðời chưa chán tớ tớ còn chơi !… Ðó là điệp khúc thân yêu của nhà thơ duy vật ấy! Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương… hẳn được hả hê có một người tiếp tục như thi sĩ Tản Ðà.


*


Ðã yêu cái sống vật chất đến say sưa, đã bận óc mưu toan cách sống cho được hưởng nhiều khoái lạc, tất nhiên không bao giờ tâm hồn bay bổng lên những từng tinh thần cao thẳm. Bởi vậy, thơ Tản Ðà thiếu cánh. Nó không phải là con hạc lượn khúc trên đám mây. Nó là con sơn ca nhảy nhót trên cành. Nó không là con chim bằng cưỡi gió vượt trùng dương. Nó là con sẻ tinh khôn biết tìm đến những vựa thóc thơm ngon. Nó nhiều cảm giác hơn cảm tình, nhiều cảm tình hơn tư tưởng. Nó thiếu nghị lực, thiếu thần bí.

Ðối với Tản Ðà cái quan trọng là sự sống, - một biển cảm giác; thơ ca chỉ là những bến vui rải rác men bờ. Tản Ðà không phải là một thi nhân thuần tuý. Tản Ðà chỉ là một khách tài hoa lạc vào thi giới.


III. Ðời đáng chán hay không đáng chán?

Ðời đáng chán hay không đáng chán?
Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm…

Ai là bạn tri âm của con người tài hoa ấy? Nàng Chu Kiều Oanh trong Giấc mộng con hay kỹ nữ Vân Anh trong Thề non nước?

Không!

Bạn tri âm của thi sĩ Tản Ðà chính là nhà nho Nguyễn Khắc Hiếu.

Ðời đáng chán biết thôi là đủ
Sự chán đời xin nhủ lại tri âm
Nên chăng? Nghĩ lại kẻo nhầm.

“Nên chăng?” Thi sĩ trả lời: Nên!; nhà nho trả lời: Không! Nhà nho đã thắng. Thắng rất dễ dàng vì thi sĩ, ngoài một vài phút quá chán chường, cũng phản đối tư tưởng chán đời. Thi sĩ là một người épicurien.

Có điều khác là thi sĩ yêu đời để chơi và hưởng thụ khoái lạc; còn nhà nho yêu đời để phụng sự đạo thánh hiền. Trong mỗi nho sĩ đều có một hoài bão kinh bang tế thế. Trong đầu óc nho sĩ Nguyễn Khắc Hiếu thì cái cái mộng Y Doãn, Chu Công lại càng quả quyết lắm.

Khoảng năm mười một mười hai tuổi, học ông anh ở nhà, có câu đối ra rằng: Nhiếp hồ đại quốc chi gian
đối: Ngật như cự nhân chi chí.” [4]

Cậu học trò mười một, mười hai tuổi mà khẩu khí đã hùng thế, tất phải dùng cuộc đời vào việc đẩy xe Khổng Khâu đi hành đạo. Chẳng may đã không được mặc áo xanh, lại để mất người hồng phấn, cậu học trò nho ấy đành xếp mộng Y, Chu một nơi, trốn vào ấp Cổ Ðằng làm anh chàng yếm thế.

Chợt đến “sang đầu năm Duy Tân thứ mười, ông anh tạ thế, đến tháng năm năm ấy một người cháu ruột lại từ trần; cái cảnh bi thương trong gia đình hợp với cái cảnh ngộ bần hàn của thân thế, khiến cho kẻ chán đời chẳng được thời lại phải tuỳ thời tuỳ thế mà sinh nhai lối dọc đường ngang ”. [5]

Ðời thực tại đánh tan cái váng chán đời trong tâm hồn nho sĩ và để lộ hẳn ra cái bản chất thực nghiệm di truyền của cậu ấm nhà họ Nguyễn. Sinh nhai lối dọc đường ngang, thi sĩ phải mang thơ văn làm hàng buôn bán.

Hai phen diễn kịch ở Hà Nội, Hải Phòng, cùng là các thứ sách, truyện Khối tình con, Giấc mộng con, Khối tình chính, phụ, Ðài gương kinh truyện, Lên sáu, Lên tám đều là những công việc làm ăn trong khoảng mấy năm nay vậy.

Hoàn cảnh gia đình đã khôi phục tinh thần thực nghiệm trong tâm trí chàng thư sinh nghèo nàn ấy. Phải lăn mình vào cuộc sống để thoả mãn những nhu cầu vật chất của gia đình, chàng không còn thời giờ mà thở than, buồn rầu, mơ mộng nữa. Muốn tranh sống phải thiết thực. Lãng mạn là thất bại. Luật chiến đấu này đã kích thích chàng rất mạnh. Bao nhiêu tính chất thực nghiệm của di truyền, phút chốc chồm dậy đòi quyền giám đốc bấy lâu nay bị Nàng Thơ chiếm đoạt.

Người thanh niên nho sĩ của chúng ta vội đi tìm những món ăn tinh thần mới để đủ sức tự ứng dụng vào hoàn cảnh mới. Chàng tìm đến nhà kinh tế học Anh Cát Lợi Stuart Mill, một tín đồ hăng hái của chủ nghĩa thực dụng (utilitarisme).

Trong các thứ sách dịch, có một quyển đáng nhớ hơn hết là quyển Quyền giới luận. Quyển sách này nguyên là của người nước Anh là Stuart Mill làm ra, người Tàu là Nghiêm Phục đứng dịch. Xem sách thời tự thấy có ích cho mình về tinh thần tiến thủ.

Ở Tản Ðà, nhà nho thực nghiệm đã thắng thi sĩ lãng mạn. Sự chán đời trở thành vô nghĩa lý.

Dần dần, trong công việc làm ăn của nhà nho Nguyễn Khắc Hiếu phôi thai một hoài bão vốn đã có hạt giống từ lâu, - cái mộng làm Chu Công, Y Doãn. Nho sĩ muốn giúp ích cho xã hội. Tinh thần thực nghiệm nhuộm màu hiền triết.

Thiên Tào tra sổ xét vừa xong
Ðệ sổ lên trình Thượng Ðế trông:
“Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu
Ðầy xuống hạ giới về tội ngông”
Trời rằng: “ Không phải là Trời đầy






Trời định sai con một việc này
Là việc thiên lương của nhân loại
Cho con xuống thuật cùng đời hay.

Nho sĩ đeo lên vai một sứ mệnh. Nhìn quanh ngó quẩn thấy thiên hạ bộn bề, mặt đất thênh thang không bờ bến, chàng lo ngại cho công việc thi hành sứ mệnh của mình. Chàng vội thu hẹp phạm vi hoạt động vào một cõi. Nhân loại thu hẹp trong biên giới quốc gia. Lòng yêu đời biến thành lòng yêu nước.

Vào chơi đất Trung Kỳ… rộng mắt nhân dân, sơn hải mà nặng lòng chủng tộc giang sơn. Trèo lên đỉnh núi Hoành Sơn mà trông quanh ngoài bể trong non có hơn như phục dưới đèo xanh đọc một thiên luận thuyết tự tôn vậy.

Kết quả của những tư tưởng, tâm trạng ấy là một ly dị triệt để giữa nhà nho và thi sĩ trong linh hồn Tản Ðà. Từ đấy về sau, mười mấy năm trời, lúc ta nghe người thanh niên bồng bột ấy diễn thuyết ở hội Trí Tri, lúc ta gặp chàng đứng làm chủ bút tap chí Hữu thanh, lúc ta thấy chàng chủ trương An Nam tạp chí, lúc ta đọc văn chàng trên tờ Ðông Pháp thời báo ở Sài Gòn… Trên vũ đài bút mực, chàng gắng công hoạt động với tất cả tài năng nghị lực của mình. Và chàng sung sướng thấy nguyện vọng được một đôi phần thực hiện.

Tôi viết “một đôi phần”. Tôi nghĩ đến mấy bản dịch thuật Ðại học, Kinh Thi, Ðài gương truyện. Thực ra, trong công cuộc xuất bản sách và báo, nhà nho Nguyễn Khắc Hiếu chỉ gặp toàn thất bại. Từ Bắc vào Nam, rồi lại từ Nam ra Bắc, mấy phen lận đận với nghề cầm bút, nho sĩ tự thấy nhiều điều kiện tinh thần để thành công. Trong thế kỷ có những quy tắc gang thép này, muốn thắng, phải nhanh nhẹn, căn cơ, gian hùng, độc ác, tàn nhẫn. Tóm lại phải có đủ đức tính của một người hoạt động, đủ mưu mô mềm cứng của một kẻ kinh doanh. Nho sĩ của chúng ta thiếu tất cả những điều kiện đó nên thất bại. Chàng có phải là một nhà kinh doanh đâu! Chàng chỉ là một khách tài hoa lạc vào địa hạt thương trường. Chàng cũng chẳng phải là một người hoạt động. Chàng chỉ là một kẻ giang hồ hăm hở ghé bến Y, Chu ít lâu rồi lại xuống tàu, nhổ neo sống nốt kiếp bình bồng.

Nhận lấy sứ mệnh làm sáng thiên lương, nho sĩ Tản Ðà đã làm một việc trên sức mình. Ðó chỉ là ảo mộng của nhà nho. Gặp những lực lượng tàn phá của đời thực tại, ảo mộng ấy vỡ tan như bóng xà phòng trước gió. Sự tan vỡ này ném nho sĩ Tản Ðà từ bên kinh doanh, hoạt động sang trả lại thi ca. Nhưng lần này, thi sĩ réo rắt tiếng cầm với một cung điệu khác. Cung điệu ngông cuồng của một người bất đắc chí. Trong cái ngông này hàm súc một buồn não thê thảm, - cái buồn của những chiều tàn.

Công danh sự nghiệp mặc đời
Bên thời be rượu bên thời bài thơ

Ngông và mộng ở Tản Ðà có hai thứ ngông: cái ngông của nhà nho và cái ngông của thi sĩ. Một cái dùng làm phương châm sinh hoạt, một cái dùng làm đề hứng thơ ca. Một cái ứng dụng vào đời, một cái ứng dụng vào mộng. Hai cái giảng nghĩa lẫn nhau, liên kết với nhau, in vào thơ Tản Ðà một sắc thái đặc biệt.

Trước hết Tản Ðà tiên sinh là một nhà nho. Nhà nho di truyền, vì giáo dục, vì hoàn cảnh gia đình. Nhưng tiên sinh là một nhà nho bất đắc chí, thất bại trong cuộc sống. “Mỗi phen ra đời lại một phen thất bại; mỗi một phen thất bại, đầu tóc lại bạc thêm ”. [6] Tiên sinh thất bại vì thiếu tất cả điều kiện để thành công. Hơn nữa, tiên sinh có tất cả điều kiện để làm hỏng việc. Tiên sinh đem tài hoa vào doanh nghiệp. Nhưng bởi quá giàu tự ái, tiên sinh vẫn tin rằng mình có tài, chỉ vì không gặp hoàn cảnh thuận tiện nên thất bại. Cái tin ấy là đầu mối của cái ngông. Người ngông, ít nhất, phải tự thấy mình cao hơn đời, giỏi hơn đời. Ngông chỉ là một biến thể của kiêu ngạo. Ngông để mà khinh. Cái ngông này ta đã thấy ở các nhà nho bất đắc chí như Cao Bá Quát, Tú Xương…

Tản Ðà tiên sinh cũng thuộc về loại nho sĩ ấy. Ở con mắt tiên sinh tất cả đều tầm thường. Tiền tài danh vọng đều vô giá trị. Những cái gì người đời ưa chuộng, tiên sinh khinh. Tiên sinh có phải là người đời đâu. Tiên sinh là một trích tiên! Suốt đời, tiên sinh chỉ khao khát có hai điều: gặp tri kỷ và gặp giai nhân.

Tri kỷ không gặp, tiên sinh đành nói chuyện với bóng, với ảnh, với…trời.

Ngồi đây ta nói sự đời
Ta ngồi ta nói, Bóng ngồi bóng nghe
Cõi đời từ cất tiếng ve
Ðã bên ngọn lửa lập loè có nhau
Tương tri từ ấy về sau
Ðôi ta một bước cùng nhau chẳng dời
Bóng nghe bóng cũng gật đầu

Người đâu cũng giống đa tình
Ngỡ là ai lại là mình với ta
Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình sao một mà hai?

Trời lại phê cho: “Văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển
Êm như gió thoảng tinh như sương
Ðầm như mưa sa lạnh như tuyết
Chẳng hay văn sĩ tên họ gì
Người ở phương nao ta chưa biết?”

Dạ bẩm lạy Trời con xin thưa
Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn
Quê ở Á Châu về địa cầu
Sông Ðà núi Tản nước Việt Nam”

Giai nhân không gặp, tiên sinh tạo ra một cô tình nhân không quen biết, một kỹ nữ tài hoa (Vân Anh)

Câu tri kỷ cùng ai tri kỷ
Chuyện chung tình ai kể chung tình
Bụi hồng vắng vẻ mắt xanh
Mình ơi ta nhớ mà mình quên ta

Rồi một lúc ngẫu hứng, tiên sinh kết tinh tri kỷ và giai nhân vào một người đẹp rất thông minh: nàng Chu Kiều Oanh. Từ đấy về sau tiên sinh chỉ giao thiệp bằng tinh thần với con người mộng tưởng ấy. Ngoài nàng ra, ai cũng nhỏ bé, ai cũng tục tĩu. Mà nàng là ai? Nàng chỉ là tiên sinh vậy. Tinh thần duy ngã độc tôn, ở Tản Ðà, phát triển đến cực độ. Tiên sinh chỉ nhìn thấy mình, chỉ nói đến mình, chỉ ca tụng có mình.
Toàn thể văn nghiệp tiên sinh là một tiểu sử trung thành và đầy đủ.

Vì lẽ đó nên Tản Ðà tiên sinh ngông mà nhận thức được cái ngông của mình. Ngông một cách sáng suốt và thích chí. Lúc theo quan huyện Tam Dương bỏ Vĩnh Yên về Hải Phòng, tiên sinh viết: “Lạ thay! Một kẻ bần nho không có thước đất nào trước sau đem hơn hai nghìn đồng bạc vừa ăn tiêu vừa sang sửa tô điểm khu đồi ở Ðịnh Trung, một khi bỏ đó như không, ở mạn rừng lại trôi về mạn bể. Nhân sinh phù thế, bịt mồm ai, ai dễ nhịn cười chăng?

Hình như tiên sinh lấy làm khoái lắm khi thấy thiên hạ cười mình là ngông cuồng, rồ dại. Viết đến đây tôi lại nhớ đến Baudelaire. Bình sinh, thi sĩ chỉ làm toàn những việc, nói toàn những câu ra ngoài lẽ thường. Và mỗi lần như thế, thi sĩ lại hỏi một người có mặt: “ông ngạc nhiên lắm có phải không?” Câu hỏi này mô tả đầy đủ cái sung sướng kỳ quặc của thi sĩ. Làm người khác ngạc nhiên vì mình chẳng phải là mục đích của thi sĩ đó sao?

Với ít suồng sã và trơ tráo hơn, Tản Ðà tiên sinh cũng có tâm lý ấy của thi sĩ Baudelaire. Tâm lý một người ngông có ý thức. Mỗi lần thất bại, tiên sinh lại ngông thêm một ít. Cái ngông này chính là nguyên nhân của cái thất bại sau. Và đời tiên sinh cứ như thế… Rút cục, ngông thành một triết lý của kẻ chiến bại tự trọng. Hơn nữa, nó thành một bản ngã thứ hai của Nguyễn Khắc Hiếu tiên sinh. Nó là dấu hiệu của tài hoa.

Cái ngông của thi sĩ chỉ là cái ngông của nhà nho, nhìn ở một cạnh khác. Thi sĩ ngông để giải thoát.

Một lần nói chuyện với tiên sinh, tôi có hỏi: “Thưa cụ, trong các bài thơ cụ đã làm, cụ có thể cho biết cụ thích bài nào nhất?” Không suy nghĩ, tiên sinh trả lời ngay: “Tôi thích nhất bài ca làm trong tập Giấc mộng con thứ hai để Tây Thi hát”.

Rồi tiên sinh ngâm, sảng khoái:

Non xanh xanh
Nước xanh xanh
Nước non như vẽ bức tranh tình
Non nước tan tành
Giọt lệ tràn năm canh!
Ðêm năm canh
Lụy năm canh
Nỗi niềm non nước
Ðố ai quên cho đành?
Quên sao đành?
Nhớ sao đành?
Trần hoàn xa cách
Bồng Lai non nước xanh xanh!

Ngâm xong, tiên sinh giải thích: “Ông tính, Chiêu Quân đánh tỳ bà, Dương Quý Phi say rượu đứng dậy múa. Tây Thi cất giọng hát mà mình ngồi nghe thì còn gì khoái hơn nữa! Bấy giờ mình cứ tưởng mình chính là Ðường Minh Hoàng trong cung điện đang cùng mỹ nhân thưởng thức điệu Nghê Thường.” Tiên sinh cười lớn, kết luận: “Nghĩ lúc ấy thật cũng sướng cho cái đời văn sĩ của mình!”

Câu chuyện này đủ chứng thực rằng, Tản Ðà thi sĩ chỉ mượn những mộng văn chương để sống cái ngông vô biên ấy của mình và dùng cái ngông vô biên ấy để thoả mãn một nhu cầu giải thoát. Mấy lần mộng, mấy lần lên trời, gửi thư lên cung trăng hỏi chị Hằng làm vợ… Tất cả những hành vi văn chương ấy chỉ là những mộng để tiên sinh vượt khỏi thực tế. Ở thực tế, mình nhỏ thì phải tạo ra mộng đẻ thành nhớn. Thế thôi!

Cho nên, mộng Tản Ðà mặc áo thơ mà thiếu chất thơ. Nó là sản vật của trí tưởng tượng hơn là bản thể của tâm hồn. Trong thai nghén của mộng vẫn có cái ngông của nhà nho thất thế.


*


Tôi nói nhà nho và tôi dụng tâm nhắc đi nhắc lại danh từ ấy. Vì tôi nhận thấy rằng Tản Ðà tiên sinh là nho sĩ hơn là thi sĩ, là nho sĩ tài hoa hơn là nho sĩ chính thống. Tiên sinh ngông hay mộng cũng vẫn giữ cốt cách nho gia.

Một lần, vào khoảng 1926, Nguyễn Thái Học, nguyên lãnh tụ đảng Việt Nam Quốc Dân, nhờ một người bạn giới thiệu làm quen với tiên sinh. Hồi đó, nhà nho của chúng ta đang nằm ở Vinh, sau lúc An Nam tạp chí đình bản. Nguyễn Thái Học vào thăm tiên sinh mục đích yêu cầu tiên sinh cho tái bản An Nam tạp chí, bao nhiêu tiền, bài vở, ông và các bạn đảm lĩnh hết. Tiên sinh cũng ưng thuận vui vẻ lắm. Câu chuyện bàn trong tiệc rượu. Lúc chủ và khách ngà ngà say, Nguyễn Thái Học mới ngỏ ý muốn tiên sinh viết sự nhượng quyền biên tập An Nam tạp chí thành giấy tờ dứt khoát. Ðó chỉ là tính cẩn thận trong công việc. Không ngờ vì thế mà tiên sinh hết sức bất bình, bảo Nguyễn Thái Học: “Thế tức là ông không biết tôi. Ông không hiểu thì hợp tác thế nào được ”. Rồi tiên sinh bỏ rượu, ăn cơm, vào nhà trong nằm nghỉ.

Hẳn có người ngạc nhiên về thái độ của tiên sinh đối với khách. Nhưng nếu ta hiểu tiên sinh hơn nữa, ta sẽ thấy rằng hành vi ấy tất nhiên phải có. Ðối với một nhà nho, sự thủ tín là một đức tính không thể thiếu được. Bắt làm giao kèo tức là không tin ở lòng bền vững của nhau. Một nhà nho không nổi giận sao được! Nhưng nếu tiên sinh là nhà nho thuần tuý thì tiên sinh phải giấu cái giận đi rồi tìm cớ mà từ chối sự hợp tác. Như vậy mới phải phép xử thế của người quân tử. Ðằng này bỏ khách không tiếp để lộ cái nộ khí của mình, tiên sinh đã tỏ ra một nhà nho phóng lãng không chịu đóng khung thất tình vào những lễ nghi thông dụng. Tiên sinh là một kẻ tài hoa lạc bước vào sân Trình cửa Khổng.

Ðời và thơ Tản Ðà đặc sắc và có ý nghĩa ở những lạc bước tiền định ấy.


Kết luận

Trong người Tản Ðà có ba yếu tố tinh thần: 1) bản chất épicurien (thờ khoái lạc); 2) di truyền Nho giáo; 3) tập quán lãng mạn.

Tiên sinh hưởng cuộc đời theo chủ não người épicurien, hành động theo hoài bão một nhà nho, xử thế theo cốt cách người lãng mạn. Ba yếu tố ấy kết hợp lại thành cái ngông vô biên của tiên sinh. Rồi suốt cuộc đời, tiên sinh chỉ lấy mộng để sống cái ngông ấy. Nhưng trong mộng và ngông, ta đều nhận được một buồn bã nặng nề. Ðó là cái buồn của những kẻ tài hoa sống trên đời như một khách lữ hành, không tin tưởng, không hy vọng. Ðã coi cuộc thế như một giấc mộng, đã coi sự vật toàn là ảo ảnh, thì còn tin tưởng làm sao được, hy vọng làm sao được?

Ðời và thơ Tản Ðà phù phiếm ngang nhau. Không có gì sâu sắc, không có gì lớn lao, không có gì bay bổng. Nói vậy không phải bảo là đời và thơ tiên sinh không lý thú. Trái lại.

Ðể kết luận quyển nghiên cứu nhỏ này, tôi nhắc lại:

Tản Ðà tiên sinh, vì bản chất, vì di truyền, không phải là một thi nhân thuần tuý.

Tiên sinh chỉ là một người thờ khoái lạc, một kẻ tài hoa lạc vào địa hạt thơ ca.

Phát hiện tuyệt đối của cốt cách tài hoa ấy là cái ngông của tiên sinh.

Phạm vi thực hiện được chu đáo cái ngông ấy là cõi mộng văn chương.

Thơ Tản Ðà chỉ là biểu thị lỗi lạc của những trạng thái tâm lý phức tạp ấy.


Ðọc tới đây, các bạn hẳn đã hiểu rõ tâm hồn Tản Ðà tiên sinh. Các bạn cũng đã thấy địa vị tiên sinh trong văn học sử hiện đại. Chỉ có một điều tôi chưa đem bàn luận cùng các bạn là nghệ thuật làm thơ của tiên sinh. Tôi hẹn các bạn đến một quyển sách khác.

Viết trong tháng Janvier 1939

Ðại đồng thi xã xuất bản, Hà Nội, 1939.



[1]Trích trong Giấc mộng lớn của Tản Ðà.
[2]Như trên
[3]Trích trong quyển Khối tình con, bản phụ.
[4]Trích trong quyển Giấc mộng lớn
[5] Như trên
[6] Như trên
Nguồn: Tạp chí Ngày Nay (Hà Ná»™i) tháng 11. 2004