trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
12.5.2005
Trương Trọng Trác
Một Việt kiều kiện nhà nước Việt Nam trước toà quốc tế đòi bồi thường 100 triệu đô-la
 
Ông Trịnh Vĩnh Bình, “Vua Chả Giò” ở Hòa Lan, trên tạp chí Business của Hòa Lan, tháng Hai, 1990
Một thương gia người Hòa Lan gốc Việt đã kiện nhà nước Việt Nam lên tòa án quốc tế của Liên Hiệp Quốc đòi bồi thường tới cả trăm triệu mỹ kim.

Ðây là lần đầu tiên một cá nhân đầu tư vào Việt Nam bị mất hết tài sản đã đưa vấn đề này ra trước tòa án quốc tế, đúng vào lúc Hà Nội cần chứng tỏ thiện chí “trong sáng hóa” các luật lệ đầu tư để xin vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) cũng như đang nhắm lôi kéo người Việt nước ngoài đem tiền về đầu tư vào trong nước qua nghị quyết 36 đưa ra hồi cuối năm qua. Nhân vật trên là ông Trịnh Vĩnh Bình, một thương gia người Việt có quốc tịch Hòa Lan.

Ông Trịnh Vĩnh Bình là một triệu phú ở Hòa Lan, 58 tuổi, đem hơn 3 triệu mỹ kim về làm ăn và đầu tư trong nước từ đầu thập niên 1990, đã mất hết cơ nghiệp và bị lãnh án 11 năm tù vào cuối năm 1998. Ông đã bị tạm giữ 18 tháng và trong khi được tại ngoại, đã thoát ra khỏi Việt Nam cách nay sáu năm, đã chính thức nhờ tổ hợp luật sư nổi tiếng của Mỹ Covington Burling ở Hoa Thịnh Ðốn đại diện để kiện nhà cầm quyền Việt Nam, đòi bồi thường thiệt hại.

Luật sư của ông Bình đã chính thức đưa vấn đề ra từ cuối năm 2003 nhưng phải tới cuối năm nay, 2005, tòa án quốc tế giải quyết các tranh chấp về đầu tư mới họp ở thủ đô Thụy Ðiển để xét xử sự tranh chấp sau khi mọi dàn xếp trực tiếp đã không đạt được kết quả và phía ông Bình chính thức nộp đơn kiện hồi tháng Năm, 2004.

Ðiểm căn bản trong vụ này là ông đã đem tiền về Việt Nam đầu tư theo sự khuyến khích của chính phủ Hòa Lan sau khi nước này và Việt Nam ký kết một thương ước về đầu tư.

Tổ hợp luật sư Covington Burling của Hoa Kỳ đã đại diện ông Bình dựa trên điều 9 của bản hiệp ước giữa Hòa Lan và Việt Nam liên hệ tới việc “phát huy và bảo vệ đầu tư” ký kết vào năm 1994.

Ðại diện phía Việt Nam ký vào hiệp ước trên lúc đó là Ngoại Trưởng Nguyễn Mạnh Cầm.

Ðã có những bằng chứng cho thấy vụ án ông Bình đã được đưa lên tới lãnh đạo cấp cao của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Bình, với sự bao che của cấp chỉ huy ngành Công An lúc đó là ông Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng Bộ Công An và cũng là tổng cục trưởng vụ an ninh, vụ án đã không được giải quyết theo luật pháp ở Việt Nam, dù chính Thủ Tướng Phan Văn Khải đã ra lệnh “xem xét lại” trường hợp của ông Bình.

Mặt khác, bà Nguyễn Thị Bình, vào giữa năm 1999 với tư cách dân biểu và cũng là phó chủ tịch nước cũng đã nêu vụ ông Bình về Việt Nam đầu tư bị mất hết vì nạn lộng quyền ở địa phương ra trước Quốc Hội mà lúc đó ông Nông Ðức Mạnh làm chủ tịch (nay là tổng bí thư Ðảng Cộng Sản Việt Nam).

Theo các tin tức từ Hòa Lan thì vào đầu thập niên 90, ông Bình đã rất thành công trong việc sản xuất chả giò và đã được giới truyền thông Hòa Lan gọi là “Vua Chả Giò.” Ông Bình đã bán công ty làm chả giò của mình ở Hòa Lan, đem khoảng 2.5 triệu mỹ kim và 96 ký vàng về Việt Nam làm ăn và đầu tư.

Theo luật sư của ông Bình thì “trong thập niên những năm 1990, ông Trịnh Vĩnh Bình đã thực hiện những đầu tư vào động sản và bất động sản như trong các công ty ở Việt Nam được nằm trong định nghĩa tiêu biểu” của hiệp ước đầu tư giữa Việt Nam và Hòa Lan.

Ðầu tư chính của ông Bình là vào hai xí nghiệp Tín Thành Ltd ở thành phố Hồ Chí Minh và công ty liên doanh Bình Châu đặt tại Bà Rịa Vũng Tầu và TP. HCM.

Phía luật sư của ông Bình cho biết ông Bình cũng đã bỏ tiền đầu tư vào mua bất động sản ở Bà Rịa và TP. HCM cũng như tham gia vào một dự án điền thổ lâm sản.

Luật sư của ông Bình cho biết: Căn cứ trên lời vu cáo của một người tên Trịnh Hiền Thanh ngày 4 tháng Mười Hai năm 1996, và mặc dầu vu cáo này sau đó đã được y cải chính rồi rút lại, ông Trịnh Vĩnh Bình vẫn bị giam giữ và bị cáo buộc ba tội trạng có liên hệ đến hoạt động đầu tư của ông.

Ông bị giam cầm cho đến ngày 25 tháng Sáu năm 1998, và từ đó được ra khỏi tù nhưng vẫn bị quản thúc tại gia. Ông không được xét xử về những cáo buộc, mãi cho đến tháng Chạp 1998, lúc mà ông bị phán quyết có hai tội trạng: hoạt động đầu tư bất hợp pháp và hối lộ viên chức chính quyền. Ông bị xử án 11 năm tù ở và phạt vạ 480 lượng vàng và 6.2 tỉ đồng.

Thêm nữa, tất cả tài sản đầu tư của ông Bình ở Việt Nam đều bị tịch thu.

Trong suốt vụ xét xử và trong các vụ chống án liên tiếp, ông Trịnh Vĩnh Bình luôn luôn khẳng định mình vô tội đối với các cáo trạng đó. Vụ chống án đầu tiên của ông bị phán xét khước bỏ hồi tháng Năm, 1999.

Tài sản của ông Bình ở Việt Nam qua hai công ty Tín ThànhBình Châu theo sự ước tính của gia đình ông lên tới từ 20 tới 30 triệu mỹ kim (vào năm 2000) sau sáu năm làm ăn ở Việt Nam từ 1990 tới 1996.

Theo lá thư của luật sư Mỹ đại diện ông Bình gửi nhà cầm quyền Việt Nam hồi cuối năm 2003 thì “Thật sự, sự vô tội của ông Trịnh Vĩnh Bình bây giờ có thể được chứng minh một cách dứt khoát. Ngày 24 tháng Sáu năm 2002, Trịnh Hiền Thanh đã thú nhận bằng văn bản với nhà chức trách Việt Nam là y đã vu khống tố cáo ông Trịnh Vĩnh Bình về những hành động khiến ông bị xét xử.

“Căn cứ trên lời thú nhận đã bạch hóa mình như vậy, ông Trịnh Vĩnh Bình đã dấn mình vào trong một cuộc tranh đấu dài để rửa sạch tên tuổi của mình. Ông đã tiếp xúc với nhiều viên chức tư pháp và nhân vật đảng ở Việt Nam, đã kêu gọi sự can thiệp ngoại giao của chính phủ Hòa Lan và đã nhận được sự ủng hộ của các ủy viên thuộc Quốc Hội Âu Châu.

“Tất cả những người được nghe trình bày sự việc của ông Trịnh Vĩnh Bình, kể cả Thủ Tướng Phan Văn Khải, đều nhìn nhận có sự bất công trong vụ này; dầu vậy, tài sản của ông Trịnh Vĩnh Bình chưa được hoàn trả và ông chưa được phục hồi danh dự.”

Trong việc kiện nhà nước Việt Nam trước tòa án quốc tế về đầu tư qua lời luật sư của ông Bình thì ông đã “thực thi quyền lợi của mình như một nhà đầu tư Hòa Lan tại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dựa theo hiệp ước đầu tư giữa Hoà Lan và Việt Nam.”


Diễn biến vụ kiện ra tòa quốc tế

Ông Bình cho biết từ cuối năm 2003, trước khi khởi kiện, luật sư của ông đã viết thư thông báo cho giới chức lãnh đạo Hà Nội và yêu cầu phía Việt Nam trả lại toàn bộ tài sản cho ông Bình đã đầu tư ở Việt Nam.

Sau đó, chính quyền Hà Nội qua tòa đại sứ Việt Nam ở cả Hoa Thịnh Ðốn lẫn Hòa Lan đã liên lạc với ông Bình để thương lượng.

Tuy nhiên, theo lời ông Bình thì các cuộc thương lượng đó đã không mang lại kết quả mong muốn, vì đại diện phía Việt Nam chỉ yêu cầu suông ông Bình là đừng nên đem ra kiện, vì họ e ngại báo chí thông tấn viết bất lợi cho Việt Nam mà không đưa ra được giải pháp công lý nào cả.

Một giới chức nhà nước Việt Nam khi được hỏi về vụ kiện này, cho biết người trách nhiệm hiện chưa thể trả lời về vấn đề trên trước khi báo lên khuôn.

Phiên tòa quốc tế nhằm giải quyết vụ tranh chấp đầu tư này sẽ khởi sự vào tháng Chạp, 2005 và quá trình xét xử sẽ kéo dài cả năm sau khi ông Bình đã đóng tiền ký quỹ tới 150.000 mỹ kim và phía nhà nước Việt Nam cũng đã đóng số tiền tương đương.

Sự tốn kém về án phí có thể lên tới hàng triệu mỹ kim và tuy phía ông Bình chưa tiết lộ số đòi hỏi thiệt hại nhưng nguồn tin cho hay số tiền này lên tới cả trăm triệu mỹ kim.

Phía chính quyền Việt Nam đã thuê tổ hợp luật sư có tiếng của Pháp Glide Loyrette Rouel có văn phòng ở Hà Nội đại diện.

Ông Bình cho biết “Hành lang pháp lý cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa an toàn, đã có không ít Việt kiều gặp phải rắc rối khi về đầu tư ở Việt Nam... Cần phải chờ cho đến khi nào hành lang pháp lý của Việt Nam an toàn hơn và ở mọi trường hợp nên làm việc, tham vấn chặt chẽ với sứ quán của quốc gia mà mình mang quốc tịch. Tuyệt đối không cả tin vào sự vẽ vời từ người trong nước, cho dù họ là người thân...”

Theo một chuyên viên kinh tế ở Hoa Thịnh Ðốn thì vụ này sẽ gây bất lợi cho vấn đề kêu gọi đầu tư vào Việt Nam của Hà Nội và sẽ được coi như một kinh nghiệm điển hình cho người Việt hải ngoại muốn về làm ăn ở Việt Nam. Chắc chắn việc này sẽ được nêu ra khi Thủ Tướng Phan Văn Khải viếng thăm Hoa Kỳ vào mùa hè năm nay.

Nguồn: Viet Mercury, số 328, ra ngày 6.5.2005