trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
6.8.2005
Phạm Viết Ðào
Cần làm rõ một số khái niệm của Pháp lệnh 35/2004 về thuế thu nhập
 
  • Công dân có quyền có nhiều nguồn thu nhập, ngành thuế chỉ được phép thu thuế những loại thu nhập, mức thu nhập do pháp luật quy định.

  • “Cơi nới” trong các văn bản pháp quy là điều tối kỵ. Tại Nghị định 147/2004/NÐ-CP, Thông tư 81/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính, đã xảy ra điều tối kỵ này.

Thuế thu nhập là loại thuế đánh vào thu nhập cá nhân, được ban hành ở các quốc gia có kinh tế phát triển. Loại thuế này nhắm vào những đối tượng có thu nhập cao, do những lợi thế khách quan về nghề nghiệp. Nhà nước ban hành loại thuế này nhằm điều tiết thu nhập cá nhân trong xã hội để tăng thêm nguồn thu, tăng phúc lợi xã hội. Mặt khác, thuế thu nhập cao còn nhằm vào những ngành nghề mà nhà nước không chủ trương khuyến khích, nhưng không cấm, mà dùng chính sách thuế để hạn chế... Loại thuế này không nhằm cào bằng thu nhập, càng không có ý nghĩa đánh tràn lan theo kiểu gom, vét các nguồn thu của dân, nhắm vào dân để thu lợi cho mình, mà là một sắc thuế có chủ đích, và nhằm điều tiết, định hướng kinh tế, xã hội... Ðể luật thuế này thật sự đạt được những tiêu chí nhân văn đó, đòi hỏi việc biên soạn và áp dụng luật thuế này phải hết sức khoa học, nghiêm cẩn, bởi vì nó đụng chạm đến những tầng lớp có thế lực trong xã hội, có thu nhập cao. Trên tinh thần đó, chúng tôi muốn đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện văn bản Pháp lệnh 35/2004 về thuế thu nhập, được Ủy ban thường vụ quốc hội ký ban hành ngày 19-5-2001, và được sửa đổi bổ sung bằng Pháp lệnh số 14, ban hành ngày 24-3-2004, gọi tắt là Pháp lệnh 35/2004 (đã sửa đổi).

Hiện nay, luật thuế này đã được áp dụng rộng rãi, và đang vấp phải một số vấn đề cần được làm rõ trên phương diện pháp lý khi áp dụng. Bởi vì, đã là luật pháp thì phải nghiêm minh, tránh tính trạng riết róng với người này nhưng lại tù mù với người khác, tùy tiện, tiền hậu bất nhất; đối với địa phương này áp dụng như thế này, ở chỗ khác lại áp dụng khác. Trước hết, theo chúng tôi, cần phải làm rõ hai khái niệm cơ bản của Pháp lệnh 35/2004: Thu nhập thường xuyên và Thu nhập không thường xuyên chịu thuế. Ðây là một “bài toán pháp lý” cần có đáp án thống nhất để tránh sự tùy tiện, cơi nới khi áp dụng.

Nghiên cứu toàn bộ văn bản Pháp lệnh 35/2004, chúng tôi hiểu khái niệm Thu nhập thường xuyên là loại thu nhập được lặp đi lặp lại trong chu kỳ 1 năm của một cá nhân về một ngành nghề, hoặc nguồn thu nhất định mà cá nhân được hưởng. Loại thuế thu nhập thường xuyên là loại thuế dựa vào 3 tiêu thức: tổng mức thu nhập của cá nhân trong một năm chia bình quân tháng cao hơn mức luật định; các hình thức thu nhập đã được pháp lệnh quy định nằm trong phạm vi điều tiết; loại thu nhập này được lặp đi lặp lại trong chu kỳ một năm (thường xuyên). Nếu không đáp ứng đủ 3 tiêu chí kể trên thì được xếp vào diện không thường xuyên. Xin lấy ví dụ:

  1. Nhà báo A công tác tại báo B, có các khoản thu nhập tại bản báo, bao gồm: tiền lương, tiền biên tập, tiền ăn trưa, tiền nhuận bút, tiền công tác phí tại bản báo. Ngoài ra, nhà báo A cộng tác thêm với báo C, báo D, có thu nhập nhuận bút. Nhà báo A còn có thu nhập trong việc xuất bản sách, viết văn, đoạt giải thưởng, tham gia giảng dạy tại các trường báo chí, tham gia nói chuyện tại các câu lạc bộ, đọc thơ, v.v...

  2. Công chức Ð công tác tại một cơ quan quản lý nhà nước, hoặc ở một doanh nghiệp, có các các nguồn thu: Lương, thưởng theo năng suất, tiền ăn trưa, tiền phong bì do dự họp hành, thu nhập báo cáo viên do cơ sở mời, tiền tham gia giảng dạy, tham gia viết văn, viết báo và có thu nhập và có thu nhập từ giải thưởng văn học hoặc đề tài nghiên cứu nào đó, v.v...

Trong tất các các loại thu nhập mà chúng tôi tạm liệt kê ra trên của nhà báo A và công chức Ð, loại nào xếp vào diện Thu nhập cao thường xuyên, phải chịu sự điều tiết của thuế thu nhập, loại nào thuộc diện Thu nhập cao không thường xuyên, không phải chịu điều tiết thuế thu nhập? Theo chúng tôi, nếu xác định thuế thu nhập theo cách cộng tất cả các loại thu nhập kể trên của nhà báo A và công chức Ð lại trong một năm, khi thấy vượt mức thu nhập 60 triệu thì lập tức áp thuế thu nhập cao thường xuyên là không đúng. Bởi vì như chúng tôi đã đặt ra từ đầu: Công dân có quyền có nhiều nguồn thu nhập; ngành thuế chỉ được phép thu thuế ở những loại thu nhập, mức thu nhập chịu thuế do pháp luật quy định. Luật chỉ định thu thuế “củ xu hào” thì chỉ được thu thuế củ xu hào; không thể suy diễn “bắp cải” to hơn xu hào và đều là rau nên phải chịu thuế như xu hào! Xin trở lại trường hợp nhà báo A.
Ðối với nhà báo A, theo chúng tôi thì chỉ các loại thu nhập: tiền lương, tiền nhuận bút tại bản báo và báo ngoài, tiền thưởng tăng năng suất là những thu nhập được xếp vào diện thu nhập cao thường xuyên, nếu vượt ngưỡng 60 triệu/năm thì mới phải chịu thuế thu nhập cao. Các thu nhập còn lại, không được gộp tính với loại thu nhập thường xuyên kể trên. Những khoản thu nhập đó đều thuộc diện thu nhập cao không thường xuyên và không trong diện phải chịu thuế thu nhập, cho dù có mức thu nhập lên tới 59 triệu đồng. Trong 1 năm, ngoài thu nhập cao thường xuyên tại bản báo, nhà báo còn thu nhập nhuận bút in sách, hoặc một loại thu nhập nào đó, nếu vượt ngưỡng 60 triệu thì mới bị áp thuế.

Ðối với trường hợp công chức Ð, lương, thưởng là khoản thu nhập thường xuyên, nếu vượt trên 60 triệu đồng/ năm thì mới phải chịu điều tiết của Pháp lệnh 35/2004. Những khoản thu nhập khác đều vận dụng như trường hợp nhà báo A, loại trừ hai loại thu nhập mà mục 2, điều 2 của Pháp lệnh 35/2004 quy định là loại thu nhập không thường xuyên, phải chịu thuế khi vượt “ngưỡng” thu nhập 15 triệu đồng: đó là chuyển giao công nghệ và trúng thưởng xổ số...

Cách hiểu của chúng tôi về Pháp lệnh 35/2004 hoàn toàn khác với các quy định trong Thông tư 81/2004/TT-BTC; một văn bản hướng dẫn việc thi hành Pháp lệnh này. Về nguyên tắc pháp lý: Thông tư là văn bản dưới luật, do đó không được hướng dẫn khác, trái, ngoài những điều mà luật đã quy định. Thông tư chịu trách nhiệm làm rõ văn bản pháp luật để áp dụng thống nhất, chứ không được phép cơi nới thêm những nội dung mới.

Chúng tôi xin nêu trường hợp mục 3.3.1.1, tại gạch đầu dòng thứ hai của Thông tư 81/2004 quy định: “Thực hiện khấu trừ 10% trên tổng số thu nhập đối với các khoản chi trả cho cá nhân có thu nhập từ 500.000 đ/ lần trở lên mà các khoản thu nhập này có được từ các các khoản thu nhập từ tiền nhuận bút, tiền giảng dạy, hoạt động thể dục thể thao...”
Theo chúng tôi, việc Thông tư 81/2004 hướng dẫn như trên là sai Pháp lệnh 35/2004, sai với nội hàm quy định thu nhập thường xuyên của Pháp lệnh này, và sai với cả Nghị định 147/2004. Ngay đối với loại thu nhập từ nhuận bút cũng có nhiều loại: nhuận bút viết báo, viết sách là hai loại thu nhập khác nhau. Khía cạnh này về phương diện pháp lý phải phân biệt rạch ròi, vì đó là hai loại thu nhập của hai loại hình lao động hoàn toàn khác nhau. Một nhà văn có thể tham gia viết báo và một nhà báo có thể tham gia viết văn. Về phương diện pháp lý: nếu một người có cả hai loại thu nhập kể trên thì ngành thuế phải tách ra làm hai khi tính toán. Loại thu nhập nào vượt ngưỡng 60 triệu/năm thì mới được áp thuế, còn dưới mức đó thì không phải chịu thuế, chứ không thể cộng gộp.

Trong Pháp lệnh 35/PL/2004, các loại thu nhập như: hoạt động biểu diễn, hoạt động thể dục thể thao, tiền giảng dạy là những hoạt động không được quy định phải chịu thuế thu nhập thường xuyên, nhưng Thông tư 81 của Bộ Tài chính đã đưa thêm vào. Thông tư 81 đã có sự nhầm lẫn về nội hàm của thuật ngữ dịch vụ đào tạo với hoạt động giảng dạy. Pháp lệnh 35/2004 quy định dịch vụ đào tạo phải chịu thuế thu nhập cao chứ không quy dịnh dịch vụ giảng dạy phải chịu loại thuế này. Hoạt động giảng dạy chỉ là một trong những mắt xích, công đoạn của dịch vụ đào tạo. Ví dụ, dịch vụ đào tạo lái xe là dịch vụ trong đó có rất nhiều công đoạn: từ thuê xe, thuê điểm tập lái xe, tổ chức hướng dẫn tập lái, tổ chức thi và cấp bằng... Ở đây, việc dạy lái chỉ là một mắt xích, một công đoạn của dịch vụ đào tạo lái xe thôi.

Theo cách hiểu của chúng tôi, Pháp lệnh 35/PL/2004 chỉ quy định đánh thuế thu nhập cá nhân vào các ông “trùm”, các ông “cai”, những người thật sự có thu nhập cao, ra tấm ra miếng, tại các cơ sở đào tạo có thu phí. Những người trực tiếp giảng dạy lái xe chỉ là những người làm thuê cho các ông trùm đào tạo, được trả tiền công theo giờ giảng thì làm sao mà có thu nhập cao được. Pháp lệnh 35/PL/2004 quy định một đường, Thông tư 81/2004 riêng điểm này lại hướng dẫn sang một nẻo khác.

Tại Pháp lệnh 35/2004, Quốc hội đã dành chương IV quy định cho việc miễn giảm thuế và các thủ tục ủy quyền việc miễn giảm. Trong Pháp lệnh 35/2004, Quốc hội không có điều khoản nào quy định và ủy quyền cho bất cứ cấp nào được đặt thêm ra những lọai hình thuế thu nhập mới, cho những đối tượng không nằm trong diện, mức thuộc phạm vi Pháp lệnh 35/2004 điều tiết thu nhập.

Chúng ta đang gánh chịu hậu quả nặng nề về tình trạng lấn đất, cơi nới nhà cửa tại các đô thị lớn. Việc làm này đã làm biến dạng, mất an toàn không ít những khu đô thị, những chung cư cao tầng. Cơi nới trong một văn bản pháp quy là một điều tối kỵ vì nó sẽ làm méo mó, biến dạng bộ mặt pháp lý, giải thiêng tính chất nghiêm minh của luật pháp, đây là một biểu hiện của cái mà dân gian quen gọi là: “Thượng bất chính”. Bản thân cả quan tham mưu soạn thảo của Chính phủ mà không gương mẫu, nghiêm túc tôn trọng những gì giấy trắng mực đen đã ban hành, thì tránh sao khỏi khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn sẽ “tam sao thất bản”...

Sự cơi nới này xuất hiện ngay cả trong Nghị định 147/2004 ở khoản b, mục 2, Ðiều 2. Mục này của nghị định 147/2004 quy định về loại thu nhập chịu thuế thu nhập không thường xuyên: “Trúng thưởng xổ số dưới các hình thức, kể cả trúng thưởng khuyến mại”. Trúng thưởng xổ số và trúng thưởng khuyến mại là hai loại thu nhập có tính chất khác nhau. Pháp lệnh 35/2004 không quy định loại thu nhập trúng thưởng khuyến mại vào diện chịu thuế thu nhập không thường xuyên, Nghị định 147/2004 đã đưa thêm vào cũng là một dạng cơi nới.

Mục 2.2, Chương V của văn bản Thông tư 81/2004, chương Giảm thuế và miễn thuế đã hướng dẫn trái với Nghị định 147/2004 và trái với Pháp lệnh 35/2004. Chúng tôi xin trích nguyên văn:

“Cơ quan thuế kiểm tra xem xét và ban hành quyết định miễn giảm, thuế hoặc kiến nghị cơ quan thuế cấp trên xử lý theo phân cấp sau đây:

  • Cục trưởng cục thuế được quyết định các trường hợp số thuế miễn, giảm dưới 5 triệu đồng/năm;
  • Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế được quyết định các trường hợp số thuế miễn giảm từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm;
  • Bộ Tài chính quyết định các trường hợp số thuế miễn, giảm trên 100 triệu đồng/năm.”

Quy định về việc miễn giảm thuế, chương IV của Pháp lệnh 35/2004 tại Ðiều 20, mục 2 quy định: “Người nộp thuế được xem xét miễn giảm thuế thu nhập trong một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Chính phủ quy định cụ thể việc giảm thuế, miễn thuế thu nhập”... Như vậy, tại Pháp lệnh 35/2004 Quốc hội đã ủy quyền cho Chính phủ quy định việc này.

Thể chế điều luật này, Nghị định 147/NÐ-CP ở Chương IV, chương Miễn giảm thuế, tại Ðiều 15 phần 2 quy định: “Trường hợp đặc biệt, nếu việc nộp thuế của cá nhân làm ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Quyết định miễn, giảm thuế đối với từng trường hợp cụ thể. Bộ Tài chính quy định thủ tục xét miễn, giảm thuế thu nhập quy định tại điều này”.

Tóm lại, Pháp lệnh 35/2004 ủy quyền cho Chính phủ, Nghị định 147/2004 ủy quyền cho Thủ tướng “ra quyết định miễn, giảm từng trường hợp cụ thể”. Các cơquan chức năng của Bộ Tài chính chỉ được Chính phủ ủy quyền quy định thủ tục xét miễn, giảm chứ không được quyền ra quyềt định miễn giảm như mục 2.2 của Thông tư 81/2004 đã hướng dẫn sai luật.

Theo Luật tổ chức chính phủ, khi đã có văn bản Nghị định, ngay cả Thủ tướng cũng không được phép ban hành những văn bản khác, trái với Nghị định mà Thủ tướng nhân danh Chính phủ ký. Khi Nghị định chưa thay đổi mà Thông tư 81 của Bộ Tài chính hướng dẫn như trên là sự tùy tiện cơi nới.

Công dân có thu nhập cao phải có trách nhiệm đăng ký, thông báo thu nhập chịu thuế của mình với ngành thuế, nếu không làm là vi phạm pháp luật. Nhưng khi công dân chưa có thu nhập tới mức phải chịu thuế, mà ngành thuế lại tiến hành thu giữ tiền của họ thì cũng là một dạng xâm hại tài sản hợp pháp của công dân. Việc kiểm tra, thanh tra, giám sát thu nhập của công dân thuộc thẩm quyền và trách nhiệm nghiệp vụ, hành chính của ngành tài chính. Thuộc thẩm quyền nhưng lại phải tránh lạm quyền. Xin lấy ví dụ: ma túy là một loại kinh doanh nguy hiểm, toàn xã hội lên án, ngành công an được giao trách nhiệm, thẩm quyền đấu tranh với tệ nạn này. Không vì được giao thẩm quyền và để bảo vệ xã hội mà ngành này được quyền tùy tiện lục túi, soát nhà của mọi công dân để ngăn ngừa ma túy.

Ðiều 10, tại mục 1 của Pháp lệnh 35/2004 quy định: “Ðối với ca sĩ, nghệ sĩ xiếc, múa, cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp được trừ 25 % thu nhập khi xác định thu nhập chịu thuế”. Về điều khoản này của Pháp lệnh 35, điều 1.1 của mục II Căn cứ tính thuế của Thông tư 81 đã “cơi nới” thêm: “Riêng đối với ca sĩ, như diễn viên thanh nhạc biểu diễn các loại hình nghệ thuật ca-nhạc kịch, cải lương, tuồng chèo, dân ca; nghệ sĩ xiếc, múa, cầu thủ bóng đá, vận động viên chuyên nghiệp...được trừ 25 % thu nhập khi xác định thu nhập chịu thuế”...

Mục 2b của điều 3 Pháp lệnh 35/2004 là mục cần được hướng dẫn rõ vì đã xảy ra sự áp dụng mỗi nơi mỗi cách. Thông tư 81 đã không hướng dẫn khoản thu nhập không chịu thuế này: giải thưởng quốc gia. Thế nào là là giải thưởng quốc gia không phải đóng thuế? Quốc gia ở đây cần được hiểu dưới danh nghĩa lãnh thổ hay danh nghĩa quyền lực hành chính? Giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Ðiện ảnh, giải của cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền phong đều mang danh nghĩa quốc gia về địa lý, nhưng lại không mang ý nghĩa quốc gia về hành chính vì nó là giải của hội, đoàn thể, người nhận giải có phải chịu thuế thu nhập không? Giải thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam, của báo Văn nghệ, của Nhà xuất bản Giáo dục đều là quốc gia trên danh nghĩa lãnh thổ, nhưng có giải đã bị khấu trừ thuế thu nhập như giải thưởng của Nhà xuất bản Giáo dục trong năm 2004 vừa qua, v.v... Trong Pháp lệnh 35/2004 hiện còn nhiều điều khoản đang nằm ở dạng khái niệm, trách nhiệm của các văn bản dưới luật cần phải thể chế, làm rõ điều này, nhưng đáng tiếc Thông tư 81 lại chưa làm được.

Như chúng tôi đã vào đề: Thuế thu nhập cao là loại thuế nhắm vào các đối tượng thật sự có thu nhập cao, hoặc là những ngành nghề mà nhà nước không chủ trương ưu tiên, khuyến khích, nên dùng thuế để hạn chế. Trong mặt bằng chung và trong dư luận xã hội, các đối tượng như nhà văn, nhà báo, nhà giáo, phần lớn vẫn được xếp vào diện “nhà nghèo”. Tất nhiên, trong tầng lớp này cũng có một số ít nhà văn, nhà báo, nhà giáo thật sự có thu nhập cao, nhưng không thể là số đông. Một sắc luật thuế ra đời trước tiên phải nhằm đạt hiệu quả kinh tế. Nếu thu từ tầng lớp này, chúng tôi tin ngành thuế cũng không thu được bao nhiêu. Việc thu gom, xếp các đối tượng này vào diện chịu thuế thu nhập, khi số đông họ còn thu nhập thấp, sẽ dễ gây cho xã hội những dư luận bất lợi: hình như những nghề như nhà văn, nhà báo, nhà giáo chắc Nhà nước chủ trương phải hạn chế, không khuyến khích, nên dùng thuế để điều tiết; có khoản thu nhập nào từ 500.000 đ/lần đã bị xiết thu 10 %; các đối tượng này còn bị xiết thuế ngặt hơn những đối tượng trúng thưởng xổ số và trúng thưởng khuyến mại.

Trong khi đó, các văn kiện chính thức của Ðảng và nhà nước thì laị coi họ là những kỹ sư tâm hồn, những chiến sĩ xung kích trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Họ được giao nhiêm vụ không được thương mại hóa nghề nghiệp, phải đóng góp cho xã hội những “đứa con tinh thần khỏe đẹp,” góp phần đẩy lùi, hạn chế, khắc phục những mặt trái do cơ chế thị trường gây ra...

Với những bất ổn kể trên, theo chúng tôi, Bộ Tài chính cần soạn thảo lại Thông tư 81/2004. Bởi vì, tất cả mọi rối loạn trong xã hội đều khởi nguồn từ sự lộn xộn trong các hoạt động pháp lý...


Trao đổi thêm một số mục của Pháp lệnh 35/PL/2004 về thuế thu nhập:

Một văn bản pháp lý, khi ban hành, có giá trị như một hàng lang, nhằm tạo giới hạn cho các hoạt động xã hội một cách có tổ chức, khoa học và nhân văn. Vì vậy, văn bản pháp lý phải tính đến, phải đề cập cho tới cái tối đa và cái tổi thiểu; cái số đông và cái thiểu số, cái cá thể; mọi yếu tố phải được cân đong đo đếm cả về góc độ kinh tế lẫn đạo lý. Có như thế, văn bản pháp lý mới có sức sống lâu bền, mới đi được vào lòng người, để người dân tự giác, thoải mái chấp hành; thậm chí coi chấp hành đúng pháp luật giống như một thứ chuẩn mực danh dự, đạo đức... Trên tinh thần này, chúng tôi muốn bàn đến Ðiều 9 Pháp lệnh 35/PL/2004.

Theo quy định của Ðiều 9 thì đối với công dân Việt Nam có mức thu nhập bình quân tháng trong năm trên 5 triệu đồng; trên 8 triệu đồng đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và công dân Việt Nam lao động cư trú tại nước ngoài. Quy định này đối với người nước ngoài đang cư trú, làm việc tại Việt Nam thì không có vấn đề gì nổi cộm. Bởi vì, những người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, thường là công dân của những nước giàu có, mức thu nhập của họ thường rất cao, nên mức thuế này không ảnh hưởng nhiều đến đời sống vật chất, không ảnh hưởng tới gia đình, vợ con của họ. Mặt khác, những người nước ngoài đến làm ăn ở Việt Nam, phần lớn gia đình họ đều từ các quốc gia giàu có, con cái, bố mẹ đều có được sự bảo hiểm từ phía nhà nước và các quỹ phúc lợi xã hội của các quốc gia đó. Ðối với người Việt Nam trong nước và người Việt làm ăn ở nước ngoài, mức thu nhập phải chịu thuế là mức cần phải được bàn thảo kỹ dưới nhiều góc độ. Chúng tôi có cảm giác, mức 5 triệu đồng/ tháng/năm đối với người Việt trong nước và 8 triệu đồng/tháng/năm đối với người Việt ở nước ngoài là một con số áng chừng, không xuất phát từ các tiêu chí kinh tế và đạo lý. Bởi vì, đã là người Việt Nam thì còn phải chịu sự điều tiết của Luật hôn nhân và gia đình, luật quy định: Cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dạy con cái và con cái phải có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ.

Theo thời giá hiện nay, nuôi một đứa con học đại học bình quân tháng tối thiểu không dưới 1,5 triệu; hai con phải chi 3 triệu. Còn phụng dưỡng bố, mẹ, tối thiểu 1 triệu/ tháng. Nếu anh có mức thu nhập thấp thì cha mẹ anh, con cái anh phải cam chịu cảnh bần hàn, thất học đã đành, còn khi anh đã đạt tới mức 5 triệu/tháng thì buộc lòng anh phải có nghĩa vụ san sẻ. Ðây là trách nhiệm cả về pháp lý lẫn đạo lý. Như vậy, nếu người nước ngoài có mức thu nhập trên 8 triệu được xếp vào diện thu nhập cao, thì người Việt Nam phải trên 8 triệu mới gọi là người có thu nhập cao.

Ngoài những nhu cầu thiết yếu trên, người lao động còn có nhu cầu tích lũy tiền để mua nhà và phương tiện, tiện nghi thiết yếu cho cuộc sống. Do vậy, mức xác định đánh thuế thu nhập cao 5 triệu đồng/tháng/năm theo chúng tôi là mức cần được tính lại.

Mục thứ hai của Pháp lệnh 35/2004 chúng tôi muốn trao đổi là Ðiểm a, mục 2 Ðiều 2; theo chúng tôi đây là một khe hở của văn bản Pháp lệnh 35/PL/2004 cần được điều chỉnh. Chúng tôi xin trích nguyên văn mục này, xác định loại thu nhập không thường xuyên chịu thuế: “Chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp biếu tặng...”

Ðối với nhiều quốc gia, loại quà biếu là một loại thu nhập bị đánh thuế, thậm chí rất cao. Ðối với loại đối tượng như công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước, loại quà biếu thường bị đánh thuế đôi khi còn cao hơn bản thân giá trị quà. Ban hành sắc luật thuế này nhằm mục đích chống sự lạm dụng công vụ để tham nhũng.

Loại quà biếu thứ hai là loại quà người thân như bố, mẹ, anh, chị em trao tặng cho nhau đều phải chịu thuế. Có những nước loại thuế này lên tới 70-80% giá trị quà, giá trị của tài sản thừa kế. Khi ban hành sắc luật thuế này, những quốc gia đó thường có quan điểm: mỗi thành viên trong xã hội đều phải chịu trách nhiệm cá nhân và hưởng những quyền lợi vật chất do chính mình làm ra, không được dựa dẫm hay ỷ nhờ vào lao động của ngưười khác. Thế hệ này không nên trút nợ cũng như làm thay thế hệ khác. Ban hành sắc thuế này nhằm theo phương châm: “Ðời cua cua máy, đời cáy cáy đào”; hạn chế thói xấu: “Hy sinh đời bố để củng cố đời con” như thực trạng đang phổ biến trong xã hội chúng ta.

Chỉ được miễn thuế khi tài sản được đem biếu tặng cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, các cơ sở từ thiện. Chính vì vậy mà quỹ từ thiện, quỹ nghiên cứu khoa học ở một số nước phương Tây rất lớn vì do có nguồn hiến tặng này. Khi hiến tặng tài sản cho cơ sở này, người hiến tặng sẽ được lưu danh. Ở chúng ta, việc biếu tặng theo Pháp lệnh 35/PL/2004 lại được miễn thuế, thậm chí còn được khuyến khích.

Ở đây, theo chúng tôi, cần phải phân định rõ mục đích: biếu tặng vì mục đích từ thiện và biếu tặng vì mục đích chuyển giao tài sản, một hình thức “rửa” tài sản. Nếu là chuyển giao tài sản thì phải chịu thuế. Ðây là một vấn đề phức tạp, cần có chế định rõ ràng để không hạn chế tinh thần tương thân tương ái, nhưng mặt khác lại phải hạn chế sự chuyển giao những tài sảan phi pháp, một hình thức “rửa tiền”, “rửa” tài sản bất minh.

Một vấn đề đặt ra: một bộ phận nhân dân chúng ta còn nghèo, rất nhiều người hiện đang trông chờ những khoản ngoại viện từ nước ngoài; đây cũng là nguồn thu ngoại tệ của nước ta. Nên chăng chúng ta chỉ miễn thuế đối với quà biếu từ nước ngoài trong các quan hệ biếu tặng dân sự.

Sắc thuế đánh vào loại quà biếu, tài sản biếu tặng rõ ràng có liên quan tới một loạt các bộ luật như: Luật thừa kế, Luật chống tham nhũng... Sắc thuế này cần phải cân đối với các bộ luật trên, để tránh sự vênh nhau giữa luật này với luật kia.

Ðiều cuối cùng chúng tôi đề nghị bổ sung thêm vào mục b khoản 2 Ðiều 3 của Pháp lệnh 35, là mục quy định những loại thu nhập không chịu thuế: Thù lao cho các công trình nghiên cứu khoa học. Xưa nay hiền tài vẫn được coi là nguyên khí của các quốc gia, có thể thu nhập của các nhà khoa học chưa tới ngưỡng chịu thuế, nhưng khi Pháp lệnh ghi điều này, sẽ cho thấy sự quan tâm của nhà nước đối với loại lao động gian khổ này. Trong Pháp lệnh 35/2004 có mục quy định: Trừ 25% thu nhập chịu thuế cho các đối tượng như ca sĩ, nghệ sĩ xiếc, cầu thủ bóng đá, vận động viên chuyên nghiệp... Cần bổ sung thêm vào diện miễn thuế thu nhập đối với loại thù lao các công trình nghiên cứu khoa học để tránh sự hiểu lầm của xã hội: Hình như nhà nước mới chỉ quan tâm và ưu tiên những tài năng trong lĩnh vực cơ bắp...

Nguồn: Báo Pháp luật - Bá»™ TÆ° pháp, từ số ra ngày 24-4 tá»›i số ra ngày 30-5-2005