Thưa ông Bùi Việt Bắc!
Ông đã nói: “
Gọi là một "thảm họa" thì hơi nặng. Có thể bạn đọc đó hơi khắt khe. Để đánh giá toàn bộ bản dịch không chỉ căn cứ trên các lỗi đó.”
Xin hầu chuyện ông:
Tôi có khắt khe hay không, đông đảo bạn đọc - trong đó có những người đầy đủ thẩm quyền chuyên môn hơn ông và tôi - sẽ phán xét. Dĩ nhiên, tôi có thể đồng ý với ông rằng, để đánh giá một bản dịch nói chung cần phải xét không chỉ các lỗi, nói cách khác là những cái “chưa được”, mà còn phải để mắt đến những cái “được” của nó.
Tiếc thay, trong trường hợp
Mật mã Da Vinci, như độc giả
Doãn Hiệp, tôi và nhiều độc giả khác đã chỉ ra, số lượng lỗi quá nhiều, trong đó có rất nhiều lỗi sơ đẳng về tiếng Anh, tiếng Việt, kiến thức văn hóa, tôn giáo, lịch sử..., đó là chưa kể một thứ tiếng Việt lủng củng, nhiều khi ngô nghê; đến nỗi, cứ cho là bản dịch có đôi ba cái được, nó vẫn cứ là một bản dịch
không thể chấp nhận chừng nào
tất cả các lỗi đó chưa bị loại bỏ.
*
Ông đã nói: “
Ở NXB, trình độ tiếng Anh của biên tập viên chỉ đạt chứng chỉ B, C thì làm sao hơn chị Hà được. Nếu muốn "bắt lỗi" thì trình độ phải cao hơn người ta.”
Xin hầu chuyện ông:
Có phải ông hoàn toàn không chút áy náy rằng các biên tập viên của mình trình độ tiếng Anh chỉ ở mức bằng B, bằng C, trong khi NXB của ông liên tục mua bản quyền từ nước ngoài hết cuốn này đến cuốn khác, và trong khi NXB của ông có những người dịch mà trình độ ngoại ngữ và/hoặc đạo đức nghề nghiệp là rất đáng ngờ như bà Đỗ Thu Hà?
*
Ông đã nói: “
Với cuốn này, tôi cũng rất cẩn thận giao cho hai trưởng ban là chị Đặng Thị Huệ và anh Nguyễn Thế Vinh đọc chéo, trong đó có Thế Vinh là người giỏi về tôn giáo.”
Xin hầu chuyện ông:
Nếu Thế Vinh thật sự là người “giỏi về tôn giáo” như ông nói, thì không biết ông ta nghĩ gì (hay liệu có nghĩ gì) khi đọc những câu như “Giáo hội kết tội nhà thờ” hay “Đền thờ đi vòng quanh cái đầu bằng đá của ông ta”. Liệu một người thật sự “giỏi về tôn giáo” có thể thấy những câu trên (bằng tiếng Việt, chứ chưa cần đối chiếu với tiếng Anh) là những câu không có gì "cấn cái" về phương diện tôn giáo?
Một độc giả bình thường đọc bản tiếng Việt cũng có thể nhận ra sự lôi thôi, yếu kém của bản dịch. Ở đây xin nói ngay, ông đừng vội chặn lời tôi rằng "đó chỉ là nhận xét cảm tính". Hầu hết độc giả bình thường chỉ đọc và nhận xét bằng cảm tính chứ không bỏ công đối chiếu nguyên tác như tôi hay vài người khác, nhưng điều đó không có nghĩa là, cái "nhận xét bằng cảm tính" đó của độc giả là không đáng tin cậy, không có "trọng lượng" bằng nhận xét "chuyên môn" của bà Đặng Thị Huệ. Liệu bà Đặng Thị Huệ có khả năng đọc bản tiếng Việt như một độc giả bình thường, hay khả năng đọc và cảm nhận tiếng Việt của bà ta có vấn đề?
*
Ông đã nói: “
Nhưng, không ngờ, lỗi lại do phần dịch, lại đúng cuốn nổi tiếng và bị để ý... Thực tế, có khi, nhiều cuốn có lỗi mà không ai phát hiện ra.”
Xin hầu chuyện ông:
“Lỗi do phần dịch”, như vậy người biên tập của NXB không có lỗi ru? Có phải, theo ông, do có “nhiều cuốn (khác) (cũng) có lỗi” nên việc
Mật mã Da Vinci có lỗi không phải là chuyện gì to tát? Độc giả như tôi không có nghĩa vụ phát hiện lỗi ở "nhiều cuốn khác" - sách thì vô thiên lủng -; độc giả chúng tôi chỉ cần biết rằng cuốn sách của nhà ông có quá nhiều lỗi, thế là đủ để ông phải trả lời chúng tôi cho ra nhẽ. Đừng đánh lạc hướng sang chuyện khác, thưa ông.
*
Ông đã nói: “
Không dịch lại, vì nếu thế chẳng lẽ bản dịch hỏng. Với một cuốn như Mật mã Da Vinci
, không mua được cũng gay, mua được cũng gay. Có khi cũng tại ra mắt "ồn ào", họp báo hẳn hoi lại thành ra...”
Xin hầu chuyện ông:
Ông không có quyền tuyên bố “chẳng lẽ bản dịch hỏng”, nói cách khác là “bản dịch chưa đến nỗi hỏng, nên không cần dịch lại”. Ông không có quyền tuyên bố như vậy. Quyền đó trước hết thuộc về người đọc, và, dĩ nhiên, thuộc về cái hội đồng thẩm định mà, như ông nói, sẽ được thành lập để đánh giá bản dịch, với điều kiện hội đồng đó bao gồm những người thật sự có trình độ, có năng lực, công tâm, có lòng tự trọng, và làm việc thật sự, không chịu bất kỳ sức ép nào dù bất cứ loại gì.
*
Ông đã nói: “
Nhưng tôi vẫn tin, với dịch giả Đỗ Thu Hà, bản dịch không đến nỗi như thế.”
Tôi và các độc giả khác không biết - không cần phải biết - Đỗ Thu Hà là ai, đã dịch những cuốn nào trước đây cho NXB của ông và dịch ra sao. Nhưng, qua bản dịch này (do chính Đỗ Thu Hà hay do một (số) người khác thực hiện) ký tên Đỗ Thu Hà, chúng tôi có đầy đủ lý do để không tin tưởng ở khả năng dịch thuật và/hoặc đạo đức nghề nghiệp của bà Hà.
Ông có thể tin rằng với bà Hà, “bản dịch không đến nỗi như thế”, nhưng với tôi và nhiều độc giả khác, bản dịch này là “tồi tệ”, “không thể chấp nhận được” (xem “Mật mã Da Vinci dịch ẩu, nhà xuất bản VHTT nói gì”, Tiền Phong 21/10/2005). Ông đã bán cho độc giả chúng tôi một món hàng kém chất lượng, thế mà khi khách hàng (độc giả) chúng tôi lên tiếng phản đối, ông chối đây đẩy: “Ứ ừ, hàng của tôi đâu đến nỗi kém thế!”. Thưa ông, việc tốt nhất và duy nhất mà người bán hàng nên làm trong trường hợp đó là nhũn nhặn lắng nghe, cẩn trọng ghi nhận, không biện bác, không phân bua, và cám ơn khách hàng đã góp ý thẳng thắn về sản phẩm/dịch vụ của mình. Đó là đạo đức nghề nghiệp, cái phân biệt một người bán hàng lương thiện với một người bán hàng trí trá, và là cái bảo đảm chắc chắn nhất cho thành công.
*
Ông đã nói: “
(Còn trong khi chưa có hội đồng thẩm định) thì cũng chưa thể khẳng định điều gì cả.”
Xin hầu chuyện ông:
Ông vẫn một mực không muốn xin lỗi chúng tôi - những độc giả bình thường - đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua một cuốn sách tồi. Ông vẫn cho rằng độc giả - hay khách hàng - không có quyền phán xét về chất lượng sản phẩm của ông. Ông cho rằng thẩm quyền đó chỉ có thể thuộc về một hội đồng đầy đủ tư cách. Được thôi, thưa ông. Nhưng nếu vậy, kẻ đứng ra thành lập hội đồng đó chỉ có thể là chúng tôi - các độc giả - hay một bên thứ ba, chứ không phải NXB của ông. Có ai chấp nhận nổi một phiên tòa xử kẻ làm hàng giả mà ở đó từ hội thẩm đoàn cho tới quan tòa là do chính bị can triệu tập?
*
Ông đã nói: “
(bản dịch dù có như thế thì không vi phạm hợp đồng đã ký), chỉ ảnh hưởng đến uy tín NXB thôi.”
Xin hầu chuyện ông:
Uy tín của NXB bị ảnh hưởng đã là quá nhiều. Hay ông cho rằng chỉ khi nào vi phạm hợp đồng thì mới đáng lo? Ấy là chưa kể, một số đoạn trong nguyên tác đã bị cắt bỏ một cách khó hiểu trong bản dịch. Nếu tôi không lầm (bởi tôi cũng từng tiếp xúc với một số hợp đồng chuyển nhượng bản quyền của nước ngoài), bên mua bản quyền không được phép cắt xén tùy tiện nguyên tác. Tôi không cho rằng hợp đồng giữa NXB Văn hóa - Thông tin với đại diện của Dan Brown có miễn trừ điều khoản này. Và, nếu Dan Brown bằng cách nào đó biết được ở Việt Nam người ta đã dịch cuốn sách của ông ấy như thế nào, liệu ông ấy có thừa nhận đó là tác phẩm
của mình?
(Ghi chú của toà soạn: Ông Bùi Việt Bắc, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hoá-Thông tin, trùng tên nhưng không phải là tác giả của bài viết "Nạn dịch sai đang phá hỏng tiếng Việt" đăng trên talawas ngày 07.01.2005.)