trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
3.12.2005
Trần Kiêm Ðoàn
Vô lý phải nhường cho công lý
 
Sáng sớm mùa lễ Tạ Ân (Thanksgiving) của Mỹ, từ bên nầy biển, kẻ xa quê đọc tin quê nhà. Báo Lao Ðộng số 327 ngày 26-11-2005 đưa tin: Một ông "quan" to nhất tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng với một số quan chức nhỏ khác vào ăn trưa tại một nhà hàng ven Cố Ðô. Quan động mối "tà" tâm trước sắc đẹp của cô tiếp viên chỉ đáng tuổi con mình, nên đã ghì đầu cô ta lại rồi hôn đánh chụt một cái vào má trước sự chứng kiến của mọi người. Bất ngờ và nhục nhã trước hành động sàm sỡ của "quan", cô tiếp viên đã phản ứng tức thời bằng cái tát nên thân vào mặt "quan lớn". Quan vào phòng vệ sinh "suy gẫm" trong giây lát và hầm hầm trở ra chỉ tay lớn tiếng ra lệnh cho chủ quán phải đuổi ngay cô tiếp viên nạn nhân và đe dọa sẽ ra lệnh cho đóng cửa nhà hàng nơi xẩy ra nội vụ... và các nhà hàng bên cạnh (?!) Chủ quán xanh mặt, phải vội vàng thanh toán tiền công và cho cô tiếp viên nghỉ việc ngay sau đó.

Giữa thế kỷ 21 và giữa lòng Cố Ðô xinh đẹp, nơi đã được thế giới biết đến và công nhận là một địa danh có di sản văn hóa cổ truyền của nhân loại, lại có thể là nơi xẩy ra những chuyện như thế nầy chăng?

Nếu sự việc nầy xảy ra tại Mỹ hay bất cứ tại một nơi nào đó ở xã hội phương Tây thì người bị đuổi việc sẽ không phải là nạn nhân vô tội mà chính là thủ phạm gây tội. Dù là tổng thống hay thủ tướng thì trước hết phải là một công dân. Không một công dân nào có quyền đứng trên hay đứng ngoài luật pháp và luật lệ của quốc gia và xã hội của mình. Quan thuộc phường mê man hủ hóa ấy sẽ lập tức bị còng tay và dẫn độ vào nhà giam chờ công lý xét xử vì đã vi phạm đến 4 tội: (1) sách nhiễu tình dục (sexual harassment); (2) lạm dụng quyền thế (power abuse); (3) không tôn trọng luân lý chức nghiệp, uống bia rượu trong phạm vi giờ hành chính (unethical, misdemeanor); (4) hăm dọa (threatening).

Tôi không có ý định đem những tiêu chí của xã hội phương Tây để áp đặt vào bối cảnh văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, dù Ðông hay Tây thì con người vẫn có mẫu số chung phổ quát về nhân cách, nhân tính và nhân văn.

Văn minh và văn hóa cổ truyền Việt Nam mang sẵn những hệ thống giá trị phổ biến của nhân loại về tinh thần cũng như về vật chất. Những giá trị luân lý và đạo đức Việt Nam khi mang ra hành xử ở xứ người luôn luôn được trân trọng và kính nể. Lòng nhân ái, sự hiếu thảo, tình cảm chung thủy, tinh thần hiếu học, cung cách hiếu hoà... của người Việt đang sinh sống ở nước ngoài đã được mọi giống dân trong cộng đồng thế giới đón nhận nhiệt thành và mến mộ sâu sắc.

Ta không chê của người, không khen của ta; hay làm ngược lại, một cách chủ quan và thuần cảm tính. Tuy nhiên, nhìn rõ mặt nhau để thấy được mình, thấy được người không những chỉ là một thái độ hợp lý mà còn là một nhu cầu để đưa mình và xã hội vươn lên trong thời đại toàn cầu hoá và kinh tế thị trường nầy.

Một lần ghé về Huế, quê ruột của mình, tôi mặc bộ áo quần vải và mang đôi dép "lẹc xẹc" của ông anh. Với mầu da rám nắng, tôi trông chẳng khác gì bà con nông dân ở làng. Thế nhưng khi vào một quán ăn trở ra, em bé dọn bàn hỏi nhỏ: "Chú là Việt kiều phải không?" Ngạc nhiên, tôi hỏi lại em: "Sao con biết?" Em bé trả lời: "Vì chú hay nói tiếng 'cám ơn' với con". Nhận xét của em bé làm những ngày sau đó tôi quan sát kỹ hơn. Ðúng là dân mình rất tiết kiệm tiếng "Cám ơn" và "Xin lỗi". Trong lúc đó thì dân phương Tây, nhất là Mỹ, lại lạm phát quá đà hai tiếng nầy. Ngôn ngữ là cái bóng của văn hóa. Ta và Tây tuy không cùng văn hóa, không giống ngôn ngữ nhưng vẫn có cái chung. Ðó là lòng nhân ái, là tình người.

Sau nhiều năm sống xa quê, khi về thăm lại quê nhà, được đi nhiều nơi khắp các miền đất nước. Bên cạnh niềm vui được nhìn thấy những thành quả tốt đẹp của đất nước và con người, tôi vẫn còn cảm nhận như có một sự phôi pha hay xao lãng thật xót xa về quan hệ tình người trong đời sống công cộng tại một số nơi.

Phần đông những người tôi gặp qua sinh hoạt hàng ngày trong tiệm ăn, ngoài phố chợ, trên đường phố... may mắn có đời sống sung túc hơn lại nỡ đối xử một cách vô tình và thiếu nhân ái đối với người nghèo, nhất là đối với các em bé dọn bàn, đánh giày, bán báo, bán vé số, bán quà vặt... Người có tiền thường ra lệnh, thậm chí có khi nạt nộ, lớn lối và khắt khe vô lý với người nghèo phục vụ quanh mình một cách thản nhiên. Và hình như người bị ra lệnh cũng cho rằng, "miệng nhà quan có gang, có thép..." là luật trời sinh tự nhiên nên chẳng có ai phản kháng.

Mong sao, thế hệ đàn anh đừng quên rằng, các em bé đang trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại cũng là những mầm non tương lai của đất nước chúng ta. Trong số các em có thể là những nhà lãnh đạo đất nước sau nầy. Gieo trong tâm thức hoa niên của các em mầm thương yêu và tương kính ngay từ bây giờ cũng là một sự đầu tư to lớn tinh thần nhân bản cho xã hội và đất nước mai sau.

Giải thích về những hiện tượng xã hội tiêu cực như thế, có người đã đem điều kiện kinh tế, quan hệ sản xuất để phân tích và giải thích. Tôi cho như thế là đi hơi xa bởi vì ngôn ngữ và phong cách giao tiếp là thói quen tích lũy của môi trường văn hóa và xã hội quanh mình. Người ăn nói, cư xử cộc cằn thô lỗ hay tế nhị thanh tao không phát xuất từ hoàn cảnh giàu hay nghèo; quan chức hay thường dân mà phát xuất từ cái tâm nhân bản, cái trí công bằng trong mối tương quan xã hội nhất định nào đó.

Trong một khung cảnh trầm lặng với mối tương giao xã hội an hòa và nếp suy tư giàu tính văn hóa truyền thống như Huế thì hành động và thái độ của vị chức sắc cao cấp nói trên là một sự phá đổ giá trị nhân văn truyền thống của Huế. Ông ta vi phạm luân lý chức năng của vai trò lãnh đạo đã đành, nhưng sự vi phạm có một hệ quả tinh thần sâu xa hơn cả là làm vẩn đục nếp sống văn minh và văn hóa mà Huế đang cần và đáng ra, ông phải là người có trách nhiệm bảo tồn và phát huy.

Trước một sự cố xã hội mang tính chất quan lớn sách nhiễu dân lành đang trở thành đề tài nhận định và phê phán lan rộng trong cộng đồng người Việt trong nước và ngoài nước, không rõ rồi đây hướng giải quyết của cấp lãnh đạo trong nước như thế nào. Về mặt luật pháp và xét khía cạnh hình sự thuần túy, nội vụ tự nó không có gì quá nghiêm trọng nếu chỉ xét đơn thuần mối quan hệ và sự xung đột giữa viên chức vi phạm, cô tiếp viên và chủ quán. Nhưng vấn đề đặt ra trong vụ nầy có tính chất điển hình và quy ước về mối quan hệ giữa quần chúng và lãnh đạo trong xã hội Việt Nam đương đại. Câu hỏi then chốt ở đây là: "Khi người lãnh đạo trở thành kẻ sách nhiễu, lạm dụng và đe dọa người dân thì sẽ bị xử lý như thế nào?" Ðây là câu hỏi rất cũ, nhưng vẫn rất mới. Nó được dùng làm chỗ dựa và tiêu chuẩn xác định phẩm chất, quyền lực và trách nhiệm của cá nhân cũng như tập thể lãnh đạo trong bất cứ chính quyền và chế độ chính trị nào.

Vừa tròn nửa thế kỷ, toàn nước Mỹ đã vinh danh Rosa Parks về một hành động "bình thường mà phi thường" của bà. Một thái độ phản kháng bất bạo động sự bất công đã đánh động trái tim toàn nước Mỹ và đã góp phần quan trọng làm thay đổi sự phân biệt chủng tộc trầm trọng trên đất Mỹ. Người phụ nữ da đen nầy, trên chuyến xe buýt công cộng ở Montgomery, đã cương quyết từ chối nhường chỗ cho một người đàn ông da trắng theo luật kỳ thị chủng tộc thời bấy giờ. Người da đen thắng. Công lý đã thắng. Rosa Parks đã có một hành động công lý. Tôi tin rằng, cô gái tiếp viên trong nhà hàng ở Cố Ðô Huế cũng đã có một phản ứng gần với công lý trước hành động mang tính Nghị Hách của vị "quan" đầu tỉnh. Truyền thống dân tộc Việt Nam xem người lãnh đạo là bậc "dân chi phụ mẫu" nên luôn luôn phê phán và lên án gay gắt những hành động lạm dụng quyền lực một cách ấu trĩ và thô thiển như thế. Một phản ứng kêu đòi công lý đòi hỏi một sự đáp ứng công lý. Người ta đang chờ đợi thái độ đáp ứng công bằng và hợp tình, hợp lý về phía "nhà quan".

Trần Kiêm Ðoàn
Ðịa chỉ liên lạc: Doantran@sbcglobal.net

© 2005 talawas