trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
24.4.2006
Phan Quân
Một cung cách làm báo
 
Mùa thu năm 2005, cái chết của một cậu thanh niên ở Clichy-sous-Bois đã làm dấy lên một phong trào phản kháng mãnh liệt của giới trẻ ngoại ô Paris và châm ngòi cho một cuộc đối kháng gần như cùng khắp nước Pháp. Trong ba tuần lễ liền, ánh lửa căm hờn đã rừng rực như chừng để sưởi ấm những người vô gia cư khi trời đất đã lành lạnh vào thu. Cuộc bạo loạn đó, không những đã làm cho Paris lo âu mà còn làm cho bốn bể năm châu e ngại.

Nhìn xa, trông rộng, với một niềm lo âu chiến lược, tuần báo L'Hebdo của Thụy Sĩ phát động một phương thức nghiên cứu mới, xứng hợp với thời đại thông tin trên mạng. Dù rằng vấn đề chẳng liên quan trực tiếp gì với một đất nước làm đồng hồ nổi tiếng. Nhưng biết đâu vì có dây mơ rễ má với thời gian nên người Thụy Sĩ cứ muốn đi trước thời cuộc.

Nên chi, ban biên tập của tuần báo L'Hebdo (Thụy Sĩ) quyết định phái một nhóm tiền tiêu, đi thực tế, "tam cùng", cùng ăn, cùng ở, cùng làm, với quần chúng Bondy, một thành phố 70.000 dân cư, thuộc tỉnh Seine-Saint-Denis (Đông-Bắc Paris), nôm na là tỉnh "Chín mươi ba" (93), hai con số danh xưng của tỉnh mà cũng là hai con số đầu của ám hiệu bưu điện. Gần một nửa bộ biên tập của tuần báo đã luân phiên nhau sang Bondy để tìm hiểu hiện tượng quái gở, chỉ có xảy ra ở xứ sở "con gà trống".

Công việc của nhóm ký giả này là cố tình khêu gợi cho giới trẻ nói riêng và người dân nói chung thổ lộ hết tâm tư tình cảm của mình để giải bày những tiếng nói ấm ức của một vùng đất, tuy xa mà gần, dẫu gần mà xa, với Paris nội thành. Sở dĩ họ phải làm như thế là vì giới trẻ cũng như "người Pháp giấy" rất dị ứng với nhà báo. May mắn thay, nhờ ngành thông tin học phát triển, họ đã được khoa tham luận trên Web (Weblog) tiếp tay thật hữu hiệu.

Y như rằng, đối diện với màn ảnh máy vi tính cá nhân, đương sự ăn nói mạnh miệng hơn, như tâm sự với chính mình. Không bị mặc cảm "tuyên bố" với nhà báo có giấy viết cầm tay, có máy ảnh rình bấm, thôi thì tha hồ mà huyên thuyên. Sự vồn vã, tính niềm nở và thái độ nhiệt tình trong phát biểu cho người nhận hiểu ra rằng đã lâu lắm rồi những tiếng nói đó chưa từng được lắng nghe. Từ những tiếng nói của người Pháp chính hiệu con nai vàng (trước đây gọi là "Gaulois") đến những bộc lộ hậm hực của thế hệ di dân thứ hai, gốc đen hoặc xám, cũng như của những "người anh cả" các chung cư, bị gạt ra bên lề của đất nước cộng hòa, dù cho họ có công dập tắt biết bao trận hỏa hoạn trước khi có những cơn lửa của mùa thu 2005. Và đậm đà hơn hết là cơn thịnh nộ của thế hệ thứ ba, của các "cu cậu" cứ kiên quyết cho rằng nếu như họ chỉ trương biểu ngữ, xuống đường, la hét rát cổ họng, mà không đốt xe, đốt nhà thì dễ mấy ai chịu nghe.

Chiến dịch đi thực tế này của các nhà báo Thụy Sĩ, được mệnh danh là "Bondyblog", ngày một ngày hai bành trướng rộng ra và dư luận bắt đầu xôn xao. Trước tiên là báo chí Pháp, cảm thấy nhột vì quần áo dơ bẩn nhà mình lại được người hàng xóm đem ra giặt giũ. Cụ thể là nhật báo Le Monde, một tờ báo uy tín thường xuất bản buổi chiều ở Pháp, đưa vụ này lên trang nhất. Sau đó là một vài đài phát thanh tiết lộ sự hiện hữu của hiện tượng báo chí đó và vinh danh những ký giả đi thực tế, coi như là những "tiến sĩ chuyên về ngoại ô".

"Bondyblog" không những đưa tin mà còn có những lời bình luận, thậm chí có những cuộc tranh luận trực tuyến, lời đối lời nữa. Một trận bút chiến trực diện tự phát, đôi khi sỗ sàng, có lúc cũng màu mè giả tạo, nhưng là một cuộc đối thoại sống động càng ngày càng hăng say. Từ khu rừng tranh luận trên mạng đó, toát ra mấy vấn đề được đề cập nhiều nhất là tình trạng phi tôn giáo, vấn đề kỳ thị sắc tộc và quan hệ khó khăn giữa trai và gái. Thế nên, những lời bình luận mang màu sắc của một vở diễn trên sân khấu và lý luận bốp chát nhau tận tình vì thiên hạ "đấu khẩu" nhau đàng sau tấm khiên nặc danh.

Cuộc tranh luận này có sức hấp dẫn của ả phù dung nên có nhiều blogger lên mạng gần như mỗi ngày, cho người ta có cảm giác là họ quen biết nhau. Có những cuộc tham luận lẻ tẻ rời rạc, lắm khi thô bạo, có lúc kỳ thị cao độ, gây nên những lời văng tục thiếu thẩm mỹ ngôn ngữ. Có những cuộc tranh cãi phải chấm dứt vì đấu sĩ thấm mệt, có những trận đấu lý tạo ra những sự nhất trí bất ngờ giữa những cực đoan tuyệt đối như giữa người có tín ngưỡng với kẻ vô thần, giữa công giáo và hồi giáo,...

Đối với những ký giả trong cuộc, những ý kiến trên Blog đã đem lại cho họ những kích thích tố chưa từng thấy, gần như là một thứ bạch phiến cực mạnh. Và những phản ứng nhiều vô số kể, trong mười ngày lên phiên ở hiện trường, họ nhận được nhiều ý kiến phản hồi ngang bằng trong hai mươi năm làm báo.

Nói về hiện tượng này, tờ New York Times cho rằng đấy là một lối làm báo mới. Thế nhưng, tờ L'Hebdo thì nghĩ rằng chẳng có gì mới lạ vì họ chỉ áp dụng những điều cơ bản của thuật làm báo là đến tận hiện trường, hỏi han hết mọi người, đối chiếu nhân chứng, tả cảnh tả người với một thái độ khiêm tốn và trung thực. Có mới chăng là hiện tượng những nhà chuyên nghiệp trao tay nghề lại cho những đương sự địa phương, những người sinh ra và lớn lên tại chỗ, để họ tiếp tục nói lên tâm tư tình cảm của mình với tư cách là những "ký giả công dân". Những "blogger-citoyen" này đã được tuần báo L'Hebdo đưa sang Lausane luyện tay nghề để rồi trở về mảnh đất quê hương tiếp tục sự nghiệp nói lên nỗi niềm canh cánh bên lòng của những nạn nhân của một nước Pháp da trắng, của thói thực dân, của phường kỳ thị chủng tộc, của nạn thất nghiệp,... May ra, họ sẽ có dịp suy đi nghĩ lại để nắm lấy vận mạng của chính mình.

Những bloggers của Bondy

Kết quả của một thời gian tự cho là đã đủ để thấy được cái lý do của ngọn lửa căm hờn ở Seine-Saint-Denis hồi mùa thu 2005, tuần báo L'Hebdo đúc kết lại thành một quyển sách mang tựa đề BondyBlog. Des journalistes suisses dans le '9-3 vừa được phát hành hôm đầu tháng 4 năm 2006. Giờ đây, họ trao ngọn đuốc kia lại cho những cô cậu thành Bondy để tự mình soi sáng dư luận, chính quyền và chính khách Pháp.

Dưới cái nhìn của các ký giả tuần báo L'Hebdo, xa lộ vòng đai Paris chẳng khác nào một bức tường ngăn cách hai môi trường sinh sống khác biệt nhau của nhân dân Pháp. Một thứ tường rào ngăn cách như bức tường Bá Linh xưa kia. Một bên là Paris, kinh đô ánh sáng, nghìn năm văn vật, đời người như lễ hội đẹp xinh, mức sống khả ái. Bên kia là vùng ngoại ô mù mịt, như Đông Đức thời trước, đêm về đời sống cứ âm thầm, sản phẩm chất lượng kém và con người thấy như chẳng có tự do. Phải theo xu thế của lịch sử hiện đại, phải xóa bỏ tất cả những tường rào ngăn cách, phải hội nhập, phải mở rộng vòng tay huynh đệ. Không còn chối cãi gì nữa, tương lai của nước Pháp nằm ở vùng ngoại ô gần và xa.

Đấy là cội nguồn để cho nền kinh tế Pháp tăng trưởng vì tất tất đều phải làm lại, đều phải xây dựng lại. Tại sao lại phải dời xí nghiệp đến những vùng đất rẻ mạt ở Đông Âu, trong khi ở vùng ngoại thành ta còn có những tay nghề không được sử dụng tới. Ở đó cũng sản sinh ra biết bao là tài nghệ văn hóa được thiên hạ mến mộ, biết bao là lãnh tụ chính trị được lòng quần chúng và ngập đầy ý kiến mới lạ đang bị đè nén dưới đất đen. Hai chính đảng lớn của Tây-Gaulois, UMP (cánh hữu) và PS (cánh tả) nay đã bị xói mòn, cần phải xem xét lại thành phần cơ cấu của bản thân. Hãy để cho thành phần nhập cư dấn thân nếu không muốn để cho nó biến thành một mũi tên chính trị mới có tính cách khuynh đảo và quyết định ở chân trời chính trị nước Pháp của ngày mai.

Người Pháp-Gaulois là như thế, cứ quen thói ngủ yên trên chiến thắng, hân hoan trong ánh sáng của một hào quang xưa cũ, yếu lần và yếu lần mà họ không hay biết hoặc chẳng thèm biết. Chuyện người thì sáng mà chuyện nhà thì quáng.

© 2006 talawas