Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời
(Phạm Duy)
1. Văn nghệ sinh viên
Mỗi năm, khi tháng Tư về sinh viên Việt Nam tại các đại học California thường tổ chức văn nghệ. Hôm 15.04.2006, chương trình văn nghệ của sinh viên Đại học Berkeley đã diễn ra tại thính đường Zellerbach, trong khuôn viên trường, với sự tham dự của chừng 1.500 khán giả.
Tôi yêu thích những chương trình văn nghệ sinh viên, tại Berkeley nói riêng và những đại học khác ở miền Bắc California nói chung, vì nội dung chứa đựng nhiều nét sáng tạo, ít bài bản theo khuôn mẫu mỗi ca sĩ hát một hai bài, vài màn song ca, hợp ca xen với một hai khúc hài như những đại nhạc hội thương mại.
Văn nghệ sinh viên Berkeley những năm gần đây thường là một trường kịch dựng trên một chủ đề xã hội, so với những thời gian trước là về sử Việt.
Câu chuyện của sinh viên Berkeley năm nay là chuyện ba sinh viên cùng nguồn gốc Việt, sống chung với nhau suốt bốn năm đại học, nhưng vì bận rộn việc đèn sách, vì những lí do riêng tư mà các bạn dường như quên đi nguồn gốc. Gần đến ngày tốt nghiệp, chuẩn bị chia tay nhau để bước vào đời thì cả ba mới bắt đầu có những suy nghĩ và khám phá về bản sắc, về một nơi chốn gọi là Việt Nam. Nhưng đối với các bạn hai tiếng “Việt Nam” có thể là những gì rất gần như cha mẹ, gia đình, như tên họ, và cũng có thể là điều mơ hồ, xa lạ như văn hoá, lịch sử.
Anne, Leslie và Tuấn là ba nhân vật chính của trường kịch trong chương trình văn nghệ chủ đề “Việt Nam tên gọi” cho năm nay.
Anne đến từ miền Nam California, cô nữ sinh lúc nào cũng tưởng mình “đã bỏ lại nguồn gốc Việt Nam ở Los Angeles”, nơi ba mẹ và cô em gái đang sinh sống để lên Berkeley hòa nhập. Người yêu của Anne là Mark, một sinh viên da trắng, nhưng cuộc tình khác biệt màu da đó đã không được ba cô chấp nhận. Còn đi phỏng vấn xin việc, vì công ty nơi Anne muốn vào đang phát triển về vùng Đông Nam Á, khi được hỏi ít nhiều kiến thức về Việt Nam, Anne chỉ ấp úng, loanh quanh, chẳng biết gì để nói.
|
Anne và Mark trong một buổi hẹn hò ở Sproul Plaza |
Leslie mồ côi cha mẹ từ ngày còn rất bé, không biết về cội nguồn. Cô thích lang thang sân trường với máy hình trong tay, ghi lại nếp sống, sinh hoạt ở Sproul Plaza, điểm hội tụ của hoạt động sinh viên, chiếc nôi phát biểu của mọi tư tưởng. Thi thoảng cô tìm đến thăm một cụ bà người Việt, sống đơn côi vì chồng và con trai đã chết trong chiến tranh, và được bà an ủi. Qua những câu chuyện bà cụ kể lại, Leslie có hiểu biết thêm về nơi đã sinh ra.
|
Cụ bà đang kể chuyện Việt Nam xưa cho Leslie nghe |
Còn Tuấn là sinh viên du học đến từ Việt Nam. Sắp đến ngày tốt nghiệp Tuấn nhận được thư nhà. Lá thư mang lại cho Tuấn những băn khoăn, khắc khoải. Thư báo tin cha bệnh nặng, nhưng người cha cũng nhắn nhủ con đừng lo lắng nhiều mà hãy chú tâm cố gắng học thành tài, xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân. Lá thư mang lại cho Tuấn nhiều trăn trở: trở về lo cho cha già đau yếu, hay ở lại miền đất mới lập nghiệp?
Xoáy xoay trong những suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn của ba bạn sinh viên là những hình ảnh, nét đẹp Việt Nam thể hiện qua lời ca, tiếng nhạc, qua những chiếc nón lá, những áo bà ba nơi ruộng đồng, qua nét duyên dáng của khăn đóng áo dài trong ngày cưới cổ truyền, qua những tà áo trắng học trò, những hẹn hò thẹn thùng thuở học sinh, qua tiếng đàn tranh, đàn bầu, tiếng trống; bên cạnh những thời trang áo dài và âm điệu sôi động của đời sống văn hoá Hoa Kỳ.
|
Thuý An (trái) với trống và Song Mỹ với đàn bầu trình diễn trong chương trình văn nghệ |
Qua những hồi tưởng, tìm kiếm, bàn thảo, tranh luận quanh không gian nhà trường, qua sinh hoạt với các bạn trong hội sinh viên Việt Nam, đoạn kết của trường kịch là những chọn lựa và quyết định: Leslie sẽ thực hiện một chuyến đi Việt Nam tìm lại nguồn gốc. Anne trở về với gia đình, sống với bố mẹ. Còn Tuấn quyết định ở lại Hoa Kỳ để xây dựng cuộc đời mới.
Đèn thính đường bật sáng. Toàn ban văn nghệ ra chào tạm biệt, trên môi nở những nụ cười tươi, pha chút mệt mỏi sau mấy tháng tập dượt. Khán giả nồng nhiệt vỗ tay khen một chương trình văn nghệ có nội dung đặc sắc và tuy mang tính sinh viên nhưng không vấp phải những lỗi lầm kỹ thuật.
|
Đồng ca kết thúc chương trình với nhạc phẩm “Việt Nam tên gọi”, sáng tác của giáo sư Việt ngữ tại UC Berkeley Trần Hoài Bắc |
Những tràng pháo tay tán thưởng đó dành cho tất cả sinh viên đã góp công sức để chương trình thành công. Từ tác giả vở kịch là Jennifer Nguyễn, sinh viên năm thứ ba khoa y tế công cộng; Huân Đồng, phụ trách dàn dựng sân khấu, sinh viên năm thứ ba khoa sinh vật và có học thêm về sân khấu, kịch nghệ; cho đến những vai chính xuất sắc là Uyên Nguyễn (Anne), Kim-Mai Nguyễn (Leslie), Huy Vũ (Tuấn) và mấy chục sinh viên khác trong những màn vũ, những bài ca, trình diễn thời trang, những gã lang thang ở Sproul, những bạn đã vẽ phông hay thu dọn sân khấu.
“Việt Nam tên gọi” đã theo khán giả ra về với những suy tưởng còn đọng lại là những điều đã được các bạn sinh viên soi rọi, phản ánh lên.
2. Chút lịch sử
Mùa thu năm 1977 tôi được nhận vào Đại học Berkeley. Năm đó tôi chỉ biết có chừng năm bẩy sinh viên gốc Việt khác cũng vào trường. Một năm sau con số lên khoảng 50. Sinh viên Việt Nam chúng tôi họp nhau lại, vận động các bạn tham gia và sau đó quyết định thành lập hội.
Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Berkeley được chính thức thành lập vào ngày 20.01.1979 sau buổi khoáng đại tại phòng họp của ký túc xá Spens Black Hall, Unit 3, với 60 sinh viên, sau khi biểu quyết thông qua nội qui và bầu ra ban chấp hành đầu tiên với Dư Minh Trọng làm tổng thư ký; và các trưởng ban gồm: Lê Đức, học tập; Nguyễn Trọng Vũ, sinh hoạt; Đặng Hoài Điệp, liên lạc; Nguyễn Kim Phượng, tài chánh; và tôi là trưởng ban văn hoá.
|
Sproul Plaza tháng 11.1979 |
Tờ báo sinh viên
Nối vòng tay ra số đầu tiên vào mùa thu 1979. Chương trình văn nghệ đầu tiên là “Đêm Việt Nam” được tổ chức vào tháng 4.1980 tại nhà hòa nhạc Herzt Music Hall của khoa âm nhạc với tiết mục chính là kịch thơ
Hận Nam Quan.
Từ đó đến nay, đã 27 lần, khi tháng Tư về là lúc sinh viên Berkeley trổ tài văn nghệ. Những năm đầu thường có chủ đề lịch sử và trình diễn hoàn toàn bằng tiếng Việt: Hưng Đạo Vương, Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Ngô Quyền, Hội nghị Diên Hồng, Huyền Trân công chúa, Tìm lại nàng Kiều, Trọng Thủy Mị Châu. Gần đây sinh viên trình diễn bằng tiếng Anh, chủ đề mang nhiều tính xã hội, đi tìm về bản sắc, quê hương nguồn cội: Imagine, Taspery, Một niềm hy vọng, Tình yêu qua thời gian. Năm 2004 chủ đề “Tìm về chốn cũ”, năm ngoái là “Tình bao la” và năm nay “Việt Nam tên gọi”.
Ngoài văn nghệ, học hành, sinh hoạt nội bộ, các bạn còn tham gia sinh hoạt của cộng đồng người Việt miền Bắc California, từ giúp người vượt biển, trẻ em mồ côi, cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở quê nhà, đến những chương trình kèm trẻ, tham dự Diễn hành Xuân. Nhiều nữ sinh viên Berkeley dự thi hoa hậu và đã được bầu chọn. Đầu thập niên 1980 có Phạm Hiền Diệu Thúy là á hậu. Năm 2001 có Đào Việt Thi là hoa hậu áo dài Hội Tết. Năm ngoái và năm nay cũng có những á hậu áo dài được chọn từ đại học Berkeley.
Đầu năm 1979 có 60 sinh viên và một ban chấp hành 6 người, ngày nay hiện có hơn một nghìn sinh viên gốc Việt và một ban chấp hành 17 người - Vân Nguyễn hiện là chủ tịch - với nhiều sinh hoạt, thảo luận và một chương trình văn nghệ đặc sắc hằng năm là một dấu chỉ chứng tỏ những người trẻ không quên nguồn gốc của mình.
3. Một vài suy nghĩ
Văn nghệ sinh viên có lẽ là một truyền thống đặc biệt của sinh viên Việt. Trong những năm hoạt động sinh viên, cũng như sau này tuy rời ghế nhà trường và vẫn sống gần khuôn viên đại học, ít khi tôi thấy sinh viên các sắc tộc khác làm văn nghệ.
Đối với những sắc dân như Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên thì việc phô diễn văn hoá gốc đã có những đoàn hát, những tố chức chuyên nghiệp ngay tại Hoa Kỳ hay phát xuất từ những quốc gia đó đến trình diễn qua những chương trình trao đổi văn hoá giữa hai nước, nên việc cung cấp những món ăn tinh thần cho sinh viên và cộng đồng bạn không phải là trách nhiệm của sinh viên.
Riêng với sinh viên gốc Việt, vì hoàn cảnh lịch sử và vì chính sách văn hóa thiếu tự do ở quê nhà nên những chương trình văn nghệ của sinh viên gốc Việt đã đóng vai trò đại sứ văn hoá. Nội qui sinh hoạt của các hội sinh viên, học sinh gốc Việt ở những trường trung đại học thường có mục đích - trong nhiều mục đích - là: “bảo tồn và phát huy văn hoá Việt Nam tại Hoa Kỳ”.
Khi nào Việt Nam có thay đổi trong chính sách văn hóa để những đoàn văn nghệ từ trong nước đi lưu diễn được người Việt hải ngoại đón chào thì vai trò của văn nghệ sinh viên sẽ mờ dần đi. Vì văn hoá chính là hạt mầm mà sinh viên đã hằng gieo nơi đất lạ để nở rộ lên những hương hoa Việt Nam từ ba mươi năm qua.
(Hình trong bài của Bùi Văn Phú)
© 2006 talawas