trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
17.6.2006
Đoàn Tiểu Long
Tăng thẩm quyền cho các cơ quan tố tụng cấp huyện: Bao nhiêu là vừa?
 
Phải chăng tội phạm càng nghiêm trọng thì càng phức tạp?

Cách đây 2 năm, khi thảo luận vấn đề có nên tăng thẩm quyền cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) cho cả các tội danh có mức hình phạt tới 15 năm tù, tức là các tội phạm rất nghiêm trọng, nhiều ý kiến cho rằng chưa nên, hoặc phải cần lộ trình 3–5 năm, bởi đội ngũ cán bộ cấp huyện còn yếu, tăng thẩm quyền như vậy nhiều khả năng họ không kham nổi. Nhưng cuối cùng việc tăng thẩm quyền vẫn được thông qua.

Hôm 13 và 14–6–2006 vừa rồi, tại kỳ họp Quốc hội vấn đề hoạt động của các cơ quan tố tụng cấp huyện được tăng thẩm quyền được đưa ra xem xét. Ý kiến của nhiều đại biểu cho thấy mặc dù đã triển khai gần 2 năm, nhưng chất lượng hoạt động của các cơ quan tố tụng cấp huyện vẫn còn rất yếu kém, chứng tỏ mối lo ngại lúc trước tỏ ra có cơ sở.

Thực ra vấn đề không hẳn như vậy.

Có thể thấy, việc phân cấp thẩm quyền dựa trên quan điểm sau: tội càng nghiêm trọng, khung hình phạt càng cao thì việc điều tra, truy tố, xét xử càng phức tạp, và ngược lại, tội càng ít nghiêm trọng thì càng đơn giản. Cấp huyện yếu hơn cấp tỉnh thì chỉ nên làm những vụ đơn giản.

Điều này xem ra không hoàn toàn đúng.

Nghiên cứu luật hình sự cho thấy: mức độ nghiêm trọng của tội phạm tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hại mà tội phạm đó gây ra cho xã hội, nhưng không đồng nghĩa với mức độ phức tạp của việc điều tra, truy tố, xét xử.

Thực tế, có những vụ án với tội danh nhẹ hều lại khiến các cơ quan tiến hành tố tụng đau đầu hơn những vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Ví dụ, tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” (khoản 1 điều 96 BLHS 1999) là tội ít nghiêm trọng, nhưng xét xử thường rất phức tạp, bởi lẽ xác định mức độ vượt hay không vượt giới hạn phòng vệ chính đáng không hề dễ dàng, mà điều này lại quyết định có tội hay vô tội. Một vụ án cướp của, giết người hay buôn bán ma túy, nếu có đủ chứng lý, có khi đơn giản hơn nhiều so với việc truy tố mấy kẻ rải đinh, “khoan cắt bê tông”. Hay như có vụ án thế này: bị cáo chở bị hại bằng xe của bị hại, sau đó vờ đánh rơi dép để bị hại nhảy xuống nhặt giúp, rồi phóng xe đi mất. Đây là một tội không nghiêm trọng, tình tiết thoạt nghe rất đơn giản, nhưng té ra không đơn giản chút nào. Chỉ riêng việc định tội danh: “công nhiên chiếm đoạt tài sản”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đã khiến các chuyên gia pháp luật cãi nhau ỏm tỏi, bất phân thắng bại.

Cùng một tội danh, ở khoản này là tội ít nghiêm trọng, sang khoản khác đã là tội nghiêm trọng hoặc hơn thế. Chúng khác nhau ở chỗ có hay không các tình tiết định khung, nhưng không nhất thiết khiến vụ án phức tạp hơn. Ví dụ, gây thương tích 15% thì xử theo khoản này, còn 70% thì theo khoản nọ; nạn nhân của vụ hiếp dâm là thành niên thì xử theo khoản này, là trẻ em thì xử theo khoản khác, điều khác, cứ chiếu theo luật mà tuyên án, sao lại cho rằng xử vụ này khó hơn vụ kia?

Ai đó có thể nghĩ: giá mà các vụ án đừng có các tình tiết tăng nặng thì có phải dễ dàng cho cơ quan điều tra hơn không! Đây là cách nhìn thiếu xác đáng. Về nguyên tắc mọi vụ án phải được điều tra, xem xét một cách toàn diện, trên cơ sở đó mới kết luận có hay không có các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ (không điều tra thì làm sao biết có hay không?!). Đôi khi chính các tình tiết đó lại khiến công việc tố tụng đơn giản đi. Ví dụ tội dâm ô với trẻ em mà ca sĩ Gary Glitter vừa bị tuyên án 3 năm tù, nếu chỉ phạm tội một lần duy nhất thì rất khó truy tố vì thiếu bằng chứng, nhưng nếu kẻ đó phạm tội càng nhiều lần, với càng nhiều người thì việc chứng minh tội phạm càng dễ dàng hơn, bởi vì từ hàng chục lần đó chỉ cần chứng minh kẻ đó đã phạm tội hai lần, hoặc với hai người, là đủ kết tội với tình tiết “phạm tội nhiều lần hoặc với nhiều người” với khung hình phạt cao hơn, mặc dù không thể chứng minh một cách chính xác kẻ đó trên thực tế đã phạm tội bao nhiêu lần.

Việc đồng nhất mức độ nghiêm trọng của tội phạm, thể hiện qua khung hình phạt, với mức độ phức tạp của công tác điều tra, truy tố, xét xử, chẳng khác gì đánh giá mức độ phức tạp của một giải thi đấu bóng đá thông qua… quỹ giải thưởng vậy! Giải thưởng càng lớn nghĩa là các trận đấu càng phức tạp, đòi hỏi trọng tài cấp FIFA, còn giải thưởng thấp thì chỉ cần trọng tài địa phương là đủ!

Như vậy cuộc tranh luận về việc tăng hay không tăng thẩm quyền cho các cơ quan tố tụng cấp huyện ngay từ đầu đã thiếu cơ sở khoa học, bởi có vẻ như chưa thấy có công trình nào chứng minh mối quan hệ khăng khít giữa mức độ nghiêm trọng của tội phạm và sự phức tạp của công tác tố tụng nói chung và xét xử nói riêng.


Vì sao người ta lại cho rằng tội càng nghiêm trọng thì xét xử càng phức tạp?

Dường như điều này có lý do lịch sử sâu xa từ thủ tục tố tụng xét hỏi, trong đó hội đồng xét xử, mà chủ yếu là thẩm phán chủ tọa, thường cùng (thậm chí làm thay) công tố viên trong việc chứng minh tội phạm. Với những tội có mức hình phạt thấp thì bị cáo dễ chấp nhận bản án, nghĩa là “xét xử dễ dàng”. Trên thực tế, nhiều khi luật sư thấy thân chủ vô tội, hoặc không đáng chịu hình phạt từng ấy năm tù, nhưng vẫn khuyên thân chủ không nên kháng án, vì làm thế lại phải tiếp tục bị tạm giam chờ phiên tòa phúc thẩm mà chưa chắc đã được giảm án, trong khi nếu thi hành bản án sơ thẩm trừ đi thời gian tạm giam thì còn sớm được ra tù hơn.

Nhưng với những tội có mức hình phạt cao thì bị cáo và luật sư tìm mọi cách gỡ tội (do đó thường bị coi là ngoan cố, gian xảo, chối tội, cãi lấy được!) khiến việc xét xử “khó khăn” hơn hẳn. Nếu như công tác điều tra ban đầu yếu kém, chứng lý không vững, thì rất dễ bẽ mặt với các luật sư. Mà theo cách thức tổ chức của Việt Nam hiện nay thì cán bộ cấp càng thấp năng lực càng yếu, cấp huyện yếu kém hơn cấp tỉnh, từ đó sinh ra mối lo ngại các cơ quan tố tụng cấp huyện không kham nổi các vụ án nghiêm trọng.

Tuy nhiên việc lo lắng về năng lực của thẩm phán cấp huyện vô hình trung đã loại bỏ vai trò của hội thẩm nhân dân, người mà về nguyên tắc có quyền ngang với thẩm phán. Ngoài ra, căn cứ vào đâu mà cho rằng hội thẩm cấp huyện thì năng lực kém hội thẩm cấp tỉnh? Còn nếu lựa chọn hội thẩm như kiểu bên Mỹ - ai cũng được, không cần có kiến thức pháp luật – thì sự lo ngại về năng lực của hội đồng xét xử càng vô nghĩa.

Khi chuyển sang tranh tụng, gánh nặng điều tra, truy tố, bào chữa hoàn toàn nằm trên vai cơ quan điều tra, viện kiểm sát và luật sư, còn hội đồng xét xử chỉ giữ chức trách trọng tài, hẳn không còn chỗ cho khái niệm khó, dễ trong việc xét xử nữa. Tòa cứ việc ngồi nghe, thấy bên nào chứng lý thuyết phục hơn thì tuyên án theo bên đó, thật dễ như uống bia ôm vậy.


Tổ chức lại hệ thống tòa án

Những phân tích trên cho thấy đối với tòa án thì về nguyên tắc tội nào xét xử cũng khó (hoặc dễ) như nhau, vấn đề chỉ là chứng lý có đầy đủ, thuyết phục hay không (đó lại không phải việc của tòa, mà của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và luật sư), vì thế tòa án cấp huyện hoàn toàn có khả năng xét xử mọi vụ án, chứ không phải chỉ hạn chế ở mức 15 năm tù như bộ Luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) quy định. Nếu năng lực của tòa yếu kém, thì xét xử vụ án nào cũng có nguy cơ thiếu chính xác, chứ không chỉ các vụ án rất nghiêm trọng.

Nhưng về căn bản có lẽ nên sớm tổ chức lại hệ thống tòa án theo hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm chứ không theo cấp hành chính như hiện nay. Tòa sơ thẩm (tổ chức theo khu vực tùy thuộc mật độ dân cư, chứ không theo đơn vị quận, huyện) xét xử mọi vụ án, tòa phúc thẩm chỉ là cấp xét xử lại cho thêm phần khách quan, công minh, chứ không phải là cấp trên của tòa sơ thẩm như quan hệ giữa tòa cấp tỉnh và cấp huyện hiện giờ. Hội đồng xét xử ở tòa phúc thẩm cũng không nhất thiết phải tài giỏi hơn các đồng nghiệp cấp sơ thẩm. Trái lại là đằng khác, nếu năng lực tòa sơ thẩm càng cao thì tòa phúc thẩm càng có điều kiện ngồi chơi xơi nước, và điều đó là rất tốt. Tổ chức theo cách này sẽ giúp tòa án tránh được áp lực của các cơ quan hành chính địa phương và của cả tòa cấp trên, mới thật sự độc lập.

© 2006 talawas