trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
9.8.2006
Nguyễn Hoà Mai
“Việt kiều thiên tả”: trí thức hay phi trí thức?
 
Đọc những gì Hoàng Mai Thi viết về mấy vị “Việt kiều cánh tả” (do Nguyễn Hữu Liêm gợi ra trên talawas), người ta không thể không ái ngại cho sự ngốc nghếch đến bất thường của mấy ông trí thức này. Có ai khoa bảng đầy mình mà lại kỳ cục đến thế hay không? Bị người ta lợi dụng, bỏ rơi như một mảnh giẻ rách vậy mà vẫn cứ… nhào vô một cách thật trơ trẽn! Không lạ gì khi thấy ông Trà Đoá, sau khi đọc Hoàng Mai Thi, đã “ngậm ngùi” tỏ vẻ hoài nghi về tính chất “trí thức” của mấy vị đó.

Tôi nghĩ nếu có ai sau khi đọc Hoàng Mai Thi mà tán cho rộng thêm cái nhận xét của Trà Đoá thì cũng là tất nhiên thôi: cái cách mà Hoàng Mai Thi viết về những nhà trí thức được mệnh danh là “thiên tả” đó đã làm cho người ta nghĩ về họ một cánh tất nhiên như vậy. Cách viết ấy đã dựa trên một số ngộ nhận (tôi không dám nói là thiên kiến), không sát thực tế, mà những người có hiểu biết chút ít về những trí thức thiên tả ấy có thể nhận ra. Ít nhất thì cũng ở hai điểm sau đây:


1.

Việc họ bị cộng sản “sử dụng chủ yếu như một phương tiện tuyên truyền”. Với những chuyên viên lợi dụng như cộng sản thì bất cứ cái gì có thể lợi dụng sẽ bị họ lợi dụng, điều này không đáng nói. Điều đáng nói ở đây theo Hoàng Mai Thi, họ đã bị sử dụng chủ yếu để tuyên truyền “cho tính chính đáng của miền Bắc trong cuộc chiến chống Mỹ và chống chính quyền miền Nam”.

Cách nói này hơi cường điệu: cộng sản bấy giờ không cần phải nhờ đến mấy ông trí thức này mới có được “tính chính đáng” cho cuộc chiến đấu của họ. Là bực thầy về tuyên truyền họ có điều kiện để làm điều này, nhất là đã được hỗ trợ mạnh mẽ từ đối thủ của họ là toàn thể nước Mỹ, với những chính sách can thiệp trắng trợn bằng chiến tranh của chính quyền và cả những cuộc xuống đường ồ ạt của chính những công dân chống lại cuộc chiến tranh ấy.

Nếu những trí thức ấy có nằm trong phong trào gọi là “phản chiến” bấy giờ thì cũng chủ yếu nhân danh nhân quyền và công lý để bảo vệ cho cái quyền tồn tại tự quyết của một dân tộc. Họ có tỏ ra “thân cộng” vào lúc bấy giờ thì điều đó chỉ là sự chọn lựa trước một tình thế sinh tử liên hệ đến dân tộc của chính họ: phải liên hiệp cùng với những người cộng sản tìm cách chấm dứt cuộc chiến tranh ngày càng trở thành huỷ diệt đang diễn ra trên toàn bộ đất nước (cả miền Nam lẫn miền Bắc).


2.

Việc họ bị Đảng cộng sản ruồng rẫy nhưng vẫn chưa từ bỏ được “ảo tưởng chính nghĩa của Đảng” (theo cách diễn tả của Trà Đoá) vì thế vẫn “khao khát” cộng tác với Đảng. Điều này thì không đúng hoàn toàn. Sau chiến tranh Việt Nam, khi phe xã hội chủ nghĩa bắt đầu tan vỡ với sự sụp đổ của bức tường Berlin, chính họ là những hạt nhân đầu tiên đã vận động trí thức hải ngoại (với sự xuất hiện của “Tâm thư” 1990) lên tiếng đề nghị nhà cầm quyền trong nước cải tổ chính trị theo hướng dân chủ đa nguyên. Chính việc làm này đã tiếp sức cho xu hướng bất đồng chính kiến trong nước phát triển mạnh về sau.

Nhưng cũng chính vì vậy mà bắt đầu từ đó họ bị Đảng liệt vào hàng ngũ những kẻ “thâm thù cộng sản từ trong máu”, bị báo công an của Đảng hài tên ra đả kích nhiều lần (không ít người trong họ không được về nước, tờ Diễn Đàn do họ chủ xướng bị coi là quốc cấm). Như vậy đâu có chuyện Đảng bỗng nhiên “phũ phàng” bỏ rơi họ để bắt tay hết sức tự nhiên với những phần tử thù địch của Đảng trước đây. Hãy xem: Nguyễn Cao Kỳ về Việt Nam đâu còn đòi đem bom dội xuống miền Bắc nữa! Và có gì gọi là “chống cộng” trong những chương trình ca nhạc của Phạm Duy hiện nay?

Còn chuyện những trí thức ấy muốn về Việt Nam hoạt động mà được giải thích như một “khao khát cộng tác với chính quyền trong nước” theo ý nghĩa là chưa dứt được “ảo tưởng” về tính chính đáng của Đảng thì điều đó là rất hồ đồ. Với tư cách là những chuyện viên họ muốn về nước làm việc thì có gì là lạ: đã có nhiều chuyên viên hải ngoại và nước ngoài về Việt Nam làm việc vì thấy đã có điều kiện để làm việc. Nhưng chẳng có dấu hiệu gì chứng tỏ việc cộng tác trong làm việc đó của họ đã mang ý nghĩa thoả hiệp chính trị với nhà nước toàn trị, thối nát đương quyền.

Nêu ra hai vấn nạn trên đây, tôi không có ý tranh biện gì với các ông Hoàng Mai Thi và Trà Đoá cả. Chủ yếu tôi chỉ dựa vào những gì đã đọc được trên các website Diễn Đàn, Thời Đại Mới, Hội thảo mùa hè do các vị gọi là “Việt kiều thiên tả” ấy chủ trì, cộng với một số sự kiện thực tế mà tôi biết được qua nhiều nguồn để làm sáng tỏ một số nhận định mà tôi cho rằng họ đã bị ngộ nhận và không được đánh giá thoả đáng thôi.

Với những gì đã trình bày (quá sơ sài, hời hợt), nếu tôi có ý muốn đề nghị hai ông Hoàng Mai Thi và Trà Đoá nên xem xét lại những ý kiến của mình về những người trí thức được nói tới thì đó chỉ là một phần. Mong mỏi nhiều hơn của tôi chính là sự lên tiếng thẳng thắn của những trí thức ấy, những người dù muốn hay không cũng là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử cực kỳ phức tạp đã qua của đất nước, một giai đoạn mà dấu vết của nó vẫn còn đè nặng lên đời sống hiện nay của chúng ta – không thể không làm sáng tỏ.

Sài Gòn 8-8-2006

© 2006 talawas