trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
Loạt bài: World Cup 2006
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
9.8.2006
Peter Sloterdijk
Một đội lưỡng tính
Trịnh Hữu Tuệ dịch
 
Spiegel: Thưa ông Sloterdijk, ông xem World Cup bằng con mắt của một người hâm mộ bóng đá hay bằng con mắt của một triết gia?

Sloterdijk: Có lẽ là bằng con mắt của một người quan tâm đến nguồn gốc của đực tính. Bóng đá mang tính lại giống, và là một công thức thí nghiệm nhân chủng học. Từ hàng ngàn năm nay con người giống đực vẫn chưa trả lời được cái câu hỏi là phải làm gì với đám thợ săn mà hiện nay không ai cần đến nữa. Về mặt nhân chủng học, đàn ông được thiết kế để đi săn. Nhưng từ ít nhất 7000 năm nay, tức là từ khi có nông nghiệp, chúng ta đã thi hành một chính sách ru ngủ khổng lồ với đám thợ săn này. Tôn giáo phát triển càng cao, đám thợ săn lại càng hay bị người ta rót vào tai rằng thực ra làm thằng đàn ông là nhục, và lũ đàn ông sẽ không bao giờ được dự phần vào sự cứu rỗi.

Spiegel: Trừ phi họ chơi bóng đá và thay trò săn thú bằng săn gôn?

Sloterdijk: Đúng thế. Khó có trò thể thao nào tái hiện rõ những cảm xúc săn bắn nguyên thuỷ của chúng ta như vậy. Giả sử làm tê liệt hay hoàn toàn tiêu diệt được tên thợ săn trong ta, ta sẽ thấy rằng không có gì ngu xuẩn hơn cái phản ứng của những cầu thủ mỗi khi ghi được bàn thắng. Phải nói là bệnh hoạn. Những cơn cực khoái kỳ cục của các cầu thủ bóng đá khi ghi bàn thắng, được thể hiện một cách điêu luyện trước mắt đám khán giả trả tiền, đủ để làm một nữ diễn viên phim sex phải cúi đầu kính phục. Nhưng nếu để tên thợ săn trong ta được sống và cho phép những cảm xúc săn bắn xa xưa trong ta hoành hành, ta sẽ hiểu ngay những gì diễn ra trên sân cỏ. Ở đó cái cảm giác chiến thắng cổ xưa nhất được diễn lại: người ta tìm cách bắn một vật thể vào một con mồi đang tìm đủ mọi cách để tự vệ. Tôi nghĩ rằng ta có thể dùng khái niệm deep play ở đây được. Khái niệm này được dùng để chỉ những trò thi đấu mà khi chơi con người ta bị cuốn hút hoàn toàn vào chúng.

Spiegel: Vậy là con đực nguyên thuỷ trong đàn ông gần như là vô dụng và chỉ được dùng đến trong thi đấu. Đàn bà có khá hơn không?

Sloterdijk: Đàn bà vốn là những kẻ hái lượm, và loại này hiện đang được cần đến hơn bao giờ hết, vì từ hái lượm đến đi mua hàng là một con đường cực ngắn. Về điểm này thì đàn bà phù hợp với chế độ tư bản hơn đàn ông nhiều. Bản chất hái lượm vẫn hiện ra trong cái sướng âm ỉ của một người mua hàng khi cô ta mang được về nhà cái giỏ đựng thứ này thứ kia. Cái đặc điểm phổ quát và huyền bí của phái nữ - tức là cái túi cầm tay - cũng có thể tìm được lời giải thích từ đây. Một người đàn ông không có giáo mác hay không có trái banh thì vẫn còn chấp nhận được, nhưng một người phụ nữ không có túi cầm tay là trái tự nhiên.

Spiegel: Bản thân ông có bị cuốn vào bóng đá không?

Sloterdijk: Tôi đã học bổ túc để có được một quan hệ tương đối ổn với bóng đá. Nhưng để thành được người bình thường, tôi phải đi vòng, qua con đường của nhân chủng học. Có nghĩa là với tư cách một nhà nhân chủng học, tôi tự cho phép mình làm người. Và đã là con người thì nhiều khi cũng phải điên cùng những con người khác một chút. Tôi già rồi nên thỉnh thoảng cũng tự cho phép mình làm như vậy.

Spiegel: Ông có mua con Goleo [1] nào không?

Sloterdijk: Tôi không phải loại người mê thú nhồi bông.

Spiegel: Ông có hát quốc ca không?

Sloterdijk: Tôi không đủ khả năng sinh lý để làm điều đó. Nhiều lúc, khi có quốc ca, tôi thấy vài cầu thủ mấp máy môi. Một số khác thì trầm tư, đúng kiểu Đức. Có lẽ tôi cũng sẽ như vậy. Còn không thì tôi rất thích nghe hát, nhưng chỉ những hình thức hát có nghệ thuật một chút. Tôi không được đào tạo để hát quốc ca.

Spiegel: "Đội tuyển quốc gia / dân tộc" (Nationalmannschaft) là một trong số ít những khái niệm trong đó chúng ta dám dùng từ "quốc gia /dân tộc" (Nation). Riêng với người Đức chúng ta, đội tuyển quốc gia /dân tộc có ý nghĩa gì?

Sloterdijk: Trước hết, nó có đúng cái nghĩa mà các đội tuyển của những quốc gia hiện đại khác có: nó làm đại diện. Tôi đang nói đến những nghi lễ đại diện mà số đông quần chúng muốn tham gia. Trong vấn đề này – cũng như trong phần lớn những vấn đề khác - thì người Đức chúng ta có một vị thế đặc biệt, vì lịch sử nước Đức, ít nhất là từ năm 1918 và từ Hiệp ước Versaille, đã biến chúng ta thành một tập thể thương tật, thậm chí hận thù. Và sau năm 1945 chúng ta lại trở thành một tập thể luôn sợ hãi chính những cơn hận thù của mình, và luôn kiểm duyệt chúng. Chúng ta là một nhóm người khá quái đản, một nhóm người chỉ tìm được sự gắn kết nội bộ trong hối hận.

Spiegel: Ông đã từng viết rằng một quốc gia là một cộng đồng có khả năng phấn khích cao. Còn gì có thể gây hưng phấn hơn cho một cộng đồng bằng World Cup ngay tại nước mình? Vẫn còn khá nhiều người cảm thấy không thoải mái cho lắm khi nghĩ đến một nước Đức ở trạng thái phấn khích.

Sloterdijk: Tất nhiên. Khi kinh nghiệm đã cho thấy rằng sự phấn khích tập thể, nói như Thomas Mann, là "địa hạt của quỷ sứ", thì ta sẽ thận trọng hơn khi nghe thấy hò reo. Chúng ta đã nếm đủ đòn, từ khi nhận ra rằng sự phấn khích tập thể luôn có thể là sản phẩm của một chủ ý chính trị nào đó. Những nghi thức tế lễ dạt dào cảm xúc như vậy được sản sinh theo những quy luật nhất định và về bản chất có thể biến thành công cụ. Giải trí cuối tuần và lòng hiếu chiến, theo khía cạnh tâm lý học, là họ hàng. Vậy nên có thể thấy rằng nhiệt huyết là một hiện tượng có thể lợi dụng được. Vì thế chúng ta cũng không nên coi sự thận trọng của người Đức là chứng bệnh thần kinh. Ngược lại cũng phải nói rằng bản thân sự thận trọng này nhiều lúc cũng có tác hại. Khi thấy người Anh ăn mừng và hát quốc ca, người Đức sẽ cho rằng chủ nghĩa phát-xít đã dời sang Anh quốc. Trong chúng ta có một nhà giáo dục luôn muốn mang cái chương trình cải tạo made in Germany ra áp dụng cho tất cả mọi người, trên toàn thế giới.

Spiegel: Ở Đức, sự phấn khích rất hay trở nên xấu tính, như trong vụ cãi cọ xung quanh Jürgen Klinsmann [2] chẳng hạn. Tại sao chúng ta không thể tin vào huấn luyện viên quốc gia và đội tuyển?

Sloterdijk: Tin cậy không phải là đặc tính của người Đức. Chúng ta biết câu nói của Lenin rồi đấy: "Tin cậy là tốt, kiểm tra còn tốt hơn". Người Đức biến nó thành: "Tin cậy là tốt, phàn nàn còn tốt hơn". Những người đồng bào thân mến của chúng ta thích chỉ trích kinh khủng. Vậy làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia ở đất nước này còn mệt hơn ở những nước khác. Nhưng nói cho cùng thì huấn luyện viên đội tuyển quốc gia cũng như người dẫn đầu đám thợ săn, và thành công của anh ta sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của cả đám.

Spiegel: Chúng ta đang giết nốt những anh hùng cuối cùng của mình bằng những lời chỉ trích chăng?

Sloterdijk: Anh hùng thì đằng nào cũng hết rồi. Họ đã được thay thế bằng các minh tinh.

Spiegel: Minh tinh và anh hùng khác nhau ở chỗ nào?

Sloterdijk: Anh hùng chết sớm, còn minh tinh lại sống lâu quá mức cần thiết – đây là quy luật chung. Thực ra, định mệnh của cả hai là một cuộc đời ngắn ngủi. Kết thúc của anh hùng là ngã trên bãi chiến trường, kết thúc của minh tinh là hoà mình trở lại vào đời sống thường tình, tức sự thải hồi, tức một cái chết tượng trưng. Như vậy, phần lớn các nhà thể thao cũng nên chết sớm, vì sau khi sự nghiệp của họ chấm dứt, gần như ai cũng trở nên rất khó ưa. Kể cả những người có tính cách hấp dẫn nhất, khi tiếp tục làm việc với chức năng cán bộ lãnh đạo, cũng biến thành những ông già cáu kỉnh. Trong phần đời còn lại họ không làm gì khác ngoài việc chứng minh những nguyên nhân khiến họ từng được nổi tiếng là sai. Họ bắt đầu một cách huy hoàng, và kết thúc trong sự tự huỷ hoại. Achilles thoát được số phận này, vì phải trải qua một trận quyết chiến rõ ràng.

Spiegel: Khó mà nhận ra được người thợ săn trong những ngôi sao bóng đá hiện đại, như David Beckham hay Ronaldinho.

Sloterdijk: Trong thời đại này, những ngôi sao phải sống thường trực dưới một ánh đèn quá sáng. Họ có một lợi thế là luôn được mọi người chú ý, nhưng cái lợi thế này lại mang tính bị động: Họ được người khác nhìn – nhưng bản thân lại gần như không nhìn thấy gì cả. Cách tốt nhất để sử dụng lợi thế đó là trở thành người mẫu. Vậy nên những cầu thủ ít gặp vấn đề với địa vị ngôi sao của mình là những cầu thủ chủ tâm nhảy sang thế giới tạo mốt, ví dụ như Beckham. Beckham cho thấy bản thân người cầu thủ đã ý thức được rằng mình không còn là anh hùng nữa. Ngày nay, thà làm một người mẫu lưỡng tính còn hơn làm một anh hùng nam tính. Những chân sút kiêm người mẫu là sản phẩm của một chiều hướng tiến hoá bắt đầu từ những năm 60: chiều hướng lưỡng tính hoá. Đó là một quá trình lâu dài, trong đó cánh đàn ông tháo giỡ dần vũ khí của mình và trở thành khách hàng mua mỹ phẩm.

Spiegel: Đội tuyển quốc gia Đức có phải một đám lưỡng tính không?

Sloterdijk: Về cơ bản là phải. Klinsmann có chống cự một chút. Tôi cho rằng Klinsmann hất Kuranyi ra khỏi đội không phải vì Kuranyi đá kém như mọi người nói, mà là vì chàng này cần đến nửa tiếng đồng hồ để tỉa tót bộ râu, điều mà Klinsmann không thể chịu nổi. Đây cũng là một cử chỉ chống lưỡng tính hoá, chống người mẫu hoá từ phía Klinsmann.

Spiegel: Đồng nghiệp của ông, nhà triết học người Berlin Gunther Gebauer, nói: Cho đến nay môn thể thao với đôi chân này vẫn là một sự phản đối không lời chống lại văn hoá chữ nghĩa.

Sloterdijk: Tôi cũng thấy thế. Đối với tôi, một trong những câu hỏi kỳ thú nhất của lịch sử văn hoá cận đại là: Tại sao chúng ta luôn coi thời Phục hưng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 chỉ là sự hồi sinh của nền văn học và nghệ thuật Hy-La cổ đại? Đứa trẻ nào cũng biết rằng ở thời cổ đại đã tồn tại một thứ văn hoá quần chúng rất hấp dẫn, đó là thể thao. Phục hưng, theo cách hiểu kinh điển của chúng ta, lại chỉ là sự khai quật những gì được sinh ra để phục vụ nhu cầu giải trí của tầng lớp thượng lưu mà thôi. Người ta ngần ngại mãi rồi mới dám đặt cái nhân vật kỳ thú nhất của thời cổ đại – nhân vật vận động viên – bên cạnh nghệ sĩ, triết gia và nhà khoa học. Chỉ từ 100 năm trở lại đây, nhân vật này mới xuất hiện trở lại, và cho đến nay anh ta là người nổi nhất. Từ khi anh ta xuất hiện, con người hiếu chiến trong chúng ta mới có việc mà làm. Theo lý thuyết tâm lý của người Hy Lạp cổ đại, trong con người ta không chỉ có Eros, tượng trưng cho sự thèm muốn, mà cả Thymos, tượng trưng cho nhu cầu chứng tỏ những ưu thế của bản thân.

Spiegel: Ngày nay chúng ta chứng tỏ ưu thế của mình qua những cú dẫn bóng ngoạn mục?

Sloterdijk: Cũng một phần. Cuối cùng thì chúng ta cũng dám trích dẫn văn hoá quần chúng cổ đại một cách thực sự - tức là tổ chức những trận chiến. Vậy nên gần đây chúng ta bắt tay vào xây dựng những đấu trường cổ đại mới - những stadion Hy Lạp và những arena La Mã.

Spiegel: Tại sao người ta lại phát hiện ra nhân vật vận động viên muộn như vậy?

Sloterdijk: Người ta cảm thấy được sự nguy hiểm của những nguồn năng lượng được huy động khi chơi thể thao. Một đám dân đen tụ tập trong đấu trường rất dễ trở thành thuốc nổ chính trị. Chỉ khi đã chắc chắn được là những hình thức hội họp như thế không biến thành cách mạng, người ta mới bắt đầu dựng nên những tụ điểm văn hoá quần chúng mới. Và chúng được thiết kế theo cái mẫu đã được hoàn chỉnh từ thời cổ đại, tức là cái đấu trường với những chỗ ngồi bậc thang của nó. Kể cả khi ta nhìn những sân vận động hiện đại nhất, như sân Allianz Arena ở München chẳng hạn, ta vẫn nhận ngay ra đấu trường La Mã Colosseum.

Spiegel: Nhưng tại những sân vận động hiện đại, với các phòng nghỉ sang trọng và những khu vực hạng business, các nhà tài trợ và khách VIP đang đánh giạt những cổ động viên theo nghĩa cổ điển.

Sloterdijk: Sự thay đổi này nằm trong một trào lưu căn bản của xã hội tư bản phát triển: người lao động biến thành kẻ chơi bạc, kẻ đầu cơ chứng khoán. Một đặc tính của loại người này là họ sẵn sàng cắt đứt mối quan hệ giữa lao động và tiền công. Chúng ta hiểu đại khái tiền công là gì, vì tiền công liên quan đến lao động. Nhưng ngày nay người ta không chỉ bằng lòng với tiền công mà thôi, người ta muốn “trúng quả đậm” kia. Muốn “trúng quả đậm” là một hình thức muốn thắng. Đám người “đánh quả” tất nhiên cũng sẽ gặp nhau tại sân vận động. Ở đó họ tìm được đồng loại. Trái tim của những người trên sân cỏ và những người ngồi trong các khu vực hạng sang thực ra có cùng một nhịp đập. Tất cả đều biết rằng mọi thứ chỉ xoay quanh “trúng quả” mà thôi. Sự nguy hiểm của cái tâm lý này ngày càng được chúng ta nhận ra, vì sức tha hoá con người của cái hệ thống này chỉ hiện ra dần dần. Ngoài ra cũng phải nói rằng cái đấu trường hậu hiện đại là một cỗ máy chân lý phũ phàng. Không giống như trên sân khấu hiện đại, nơi ngay từ đầu ta đã chỉ thấy những kẻ thất bại lảm nhảm về những vấn đề của họ và mọi thứ càng ngày càng trở nên rối rắm, trên sân vận động hiện đại tất cả chỉ xoay quanh cái thú của sự phân biệt nguyên ủy: thắng hay thua.

Spiegel: Bóng đá cũng là một ví dụ cực đoan của toàn cầu hoá. Trong một số câu lạc bộ hạng quốc gia của Đức, gần như không có cầu thủ nào là người Đức cả. Trong trận chung kết của Giải Ngoại hạng Champions League vừa qua, CLB Arsenal London chỉ có hai cầu thủ Anh, CLB Barcelona chỉ có hai cầu thủ Tây Ban Nha.

Sloterdijk: Những gì chúng ta nhìn thấy trong trận chung kết đó thực ra là cuộc chơi của hai đội tuyển quốc tế, đóng vai các câu lạc bộ địa phương. Điều này cũng có nghĩa là các câu lạc bộ bóng đá và các thành phố mà chúng mang tên đang biến thành những địa điểm mang tính thuần tuý địa bàn. Trong thời đại toàn cầu hoá, tức là từ năm 1492, quê hương biến thành địa bàn.

Spiegel: Nếu Champions League là một cuộc thi đấu giữa các địa bàn thì Giải Vô địch Thế giới là gì?

Sloterdijk: Thực ra nó là một nỗ lực phục hồi. Trong cái bối cảnh hiện nay, khi các quốc gia dân tộc đang ngụp lặn trong trào lưu hậu quốc gia, Giải Vô địch Thế giới là một dịp để các quốc gia lại trình diện với tư cách quốc gia. Kể cũng khá lạ.

Spiegel: Tại sao?

Sloterdijk: Ngoài cái giải này ra, những đội tuyển quốc gia gần như không hiện thực. Trong giải thì họ đóng vai các quốc gia để nhắc đám dân chúng rằng nếu muốn thì ta vẫn có thể tự coi mình là công dân một nước nào đó.

Spiegel: Và họ đã thành công?

Sloterdijk: Thành công lớn ấy chứ, vì nhu cầu thuộc về một cộng đồng nào đó của con người thường xuyên không được thoả mãn. Chúng ta đang sống trong một thế giới không nhằm phục vụ cái nhu cầu này. Ngược lại: con người ta thực ra luôn thuộc về chính mình, cùng lắm là thuộc về tương lai của chính mình. Ta có vài mối quan hệ chỗ này chỗ kia hoặc nói một cách thi vị là nằm trong một mạng lưới nào đó. Nhưng kể cả có nằm trong một mạng lưới đi chăng nữa thì cũng vẫn là sống trong một xã hội hậu quốc gia. Nói chung là người ta không muốn bị một cộng đồng nào đó sở hữu nữa. Xã hội văn minh đang tiến đến chỗ giải thể các cộng đồng, vì một lý do hết sức chính đáng là những cá nhân có khả năng suy nghĩ độc lập ngày càng khó chịu với sự quấy rầy thường xuyên của tập thể. Ta không muốn làm đại diện cho bộ lạc hay quốc gia của mình nữa. Mặc dù vậy, thỉnh thoảng vẫn có những hoàn cảnh để ta có thể làm thành viên một dân tộc trong vài giờ đồng hồ.

Spiegel: Nếu căn cước một quốc gia được thể hiện qua đội tuyển bóng đá của nó thì có lẽ ta nên hỏi một người đang xin vào quốc tịch Đức là ai đá trong đội Đức ở trận chung kết năm 1974? Như vậy ta sẽ biết anh ta quan tâm đến nước Đức tới mức nào?

Sloterdijk: Tại sao lại không? Ngược lại, nếu một người nước ngoài không trả lời được câu hỏi này, ta cũng phải thấy đấy cũng là một cách để anh ta chứng minh rằng mình là một thành viên của cộng đồng Đức. Chẳng phải là từ trước đến nay, những người Đức thực thụ chính là những người Đức tồi hay sao? Và ta cũng phải cho người nước ngoài cái cơ hội làm một người Đức tồi chứ. Ai muốn vào quốc tịch Đức cũng nên có quyền tuyên bố rằng: "Tôi là một công dân không yêu nước, vì vậy tôi thuộc về cộng đồng này. Tôi không quan tâm đến cái đám Beckenbauer [3] hay gì gì đó. Tôi thấy thể thao là một trò ngu xuẩn, và tốt nhất là chúng ta hãy thua. Vì vậy tôi có quyền là công dân nước này."

Spiegel: Nhưng một người nhập cư cũng cần phải biết đến Phép màu tại Bern [4] chứ?

Sloterdijk: Có thể đặt câu hỏi như sau: “Ông/bà thấy cái gì là ớn nhất?”. Ở phần trả lời, ai đánh dấu vào ô “Phép màu tại Bern” thì kẻ đó dứt khoát là đối tượng cho cảnh sát chuyên trách người nước ngoài theo dõi. Ai nghi ngờ Phép màu tại Bern, kẻ đó chắc phải là cảm tình viên của một tổ chức khủng bố nào đó.

Spiegel: Ông giải thích sự khuếch trương cái danh hiệu vô địch thế giới năm 1954 của Đức thế nào?

Sloterdijk: Vấn đề này liên quan đến quá trình trí thức hoá bóng đá. Từ khi có ngành nghiên cứu về văn hoá đại chúng, toàn bộ văn hoá bình dân được coi trọng hẳn lên. Ngành nghiên cứu này đã và đang là nơi lánh nạn của những kẻ còn sống sót sau chủ nghĩa Tân Mác-xít và đang đi tìm việc làm sau cái chết của chủ nghĩa này. Trong bóng đá người ta tìm ra cách trung thành với quyền lợi của giai cấp vô sản. Việc còn lại chỉ là tìm ra lời diễn giải cao siêu cho những sự kiện tầm thường mà thôi.

Spiegel: Kỷ niệm của ông về Giải Vô địch năm 1954 là gì?

Sloterdijk: Hồi đó tôi còn là trẻ con, sống ở München. Một hôm, mẹ tôi, một người không quan tâm gì đến bóng đá, gọi tôi ra và hối hả dẫn tôi đến phố Prinzregentenstrasse, nơi đội bóng của Đức ra mắt công chúng sau chiến thắng tại Bern. Và thế là tôi nhìn thấy Fritz Walter cầm cái cúp. Lúc mẹ kéo tôi về cũng là lúc tôi cảm thấy ở bà có cái gì đó không ổn. Có thể mọi việc khiến bà nhớ đến thời gian bà ở trong Hiệp hội Thiếu nữ Đức [5] , nơi người ta có nhiệm vụ phải tự hào vì quốc gia. Còn không thì bà là người phi chính trị nhất mà tôi từng gặp trong đời. Bản thân tôi thì không hiểu gì cả. Tôi chỉ thấy người lớn ai cũng xử sự khác mọi ngày và ai cũng vui mừng vì một lý do nào đấy mà tôi hoàn toàn không hiểu.

Spiegel: Khi đội Đức đoạt giải năm 1974 ông có hiểu hơn không?

Sloterdijk: Tinh thần chung của hồi đó là "cực khoái còn trục trặc thì việc gì phải quan tâm đến chiến tranh Việt Nam". Phương châm này có giá trị cho mọi thứ, kể cả bóng đá.

Spiegel: Vậy chắc là ông sẽ không trở thành một fan bóng đá thực thụ nữa?

Sloterdijk: Tôi e là không. Cái duy nhất gây ấn tượng cho tôi trong bóng đá là khả năng đứng dậy ngay sau khi ngã của các cầu thủ. Tôi thấy thật đáng khâm phục.

Spiegel: Ông muốn xem những pha phạm lỗi nặng?

Sloterdijk: Không, tôi chỉ muốn xem những cầu thủ đứng dậy như thế nào. Tôi thấy đó là một tuyên ngôn của phản trọng lực. Khi đã già và nặng nề hơn, ta mới hiểu rõ điều đó hơn. Thỉnh thoảng tôi ngã xe đạp, và những khó khăn tôi gặp phải trong việc gượng dậy là một sự xúc phạm khủng khiếp. Vậy nên tôi rất kính trọng khả năng đứng dậy ngay tức thì sau khi ngã của các cầu thủ. Đấy là những giây phút mà tôi hoàn toàn bị cuốn hút vào trận đấu. Ngã là việc tất nhiên, nhưng đứng dậy là một sự huy hoàng. Thế cho nên tôi phản đối cái luật bắt buộc phải có bác sĩ chạy ra sân: một cầu thủ bị thương bắt buộc phải nằm lên cáng để người ta đưa ra khỏi sân, mặc dù anh ta vẫn đi được. Thật rùng rợn.

Spiegel: Không được giống thợ săn cho lắm?

Sloterdijk: Trước kia, các cầu thụ khập khiễng ra khỏi sân một cách anh hùng. Giờ đây họ bắt buộc phải để người khác khiêng ra, tôi cho đấy là một sai lầm.

Spiegel: Thưa ông Sloterdijk, chúng tôi xin cảm ơn ông.


Cuộc phỏng vấn do Dirk KurbjuweitLothar Gorris, biên tập viên báo Spiegel, thực hiện.

Peter Sloterdijk (1947), triết gia Đức, một trong những học giả Đức được công chúng rộng rãi biết đến nhiều nhất, tác giả của tác phẩm gây nhiều tranh cãi: Kritik der zynischen Vernunft, 1983, thuộc hàng tác phẩm triết học bán chạy nhất của thế kỷ 20. Tác phẩm mới nhất: Im Weltinnenraum des Kapitals, 2005.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Goleo: Con sư tử, tay cầm một quả bóng biết nói, biểu tượng cho World Cup 2006 tại Đức. (Các chú thích trong bài đều của người dịch.)
[2]Jürgen Klinsmann, cựu cầu thủ đội tuyển quốc gia Đức, vô địch thế giới 1990, vô địch châu Âu 1996, huấn luyện viên đội tuyển Đức từ 2004 đến hết World Cup 2006.
[3]Franz Beckenbauer, cựu cầu thủ đội tuyển quốc gia Đức, cựu huấn luyện viên quốc gia, vô địch thế giới 1974 và 1990, vô địch châu Âu 1972, chủ tịch CLB Bayern-München, chủ nhiệm ủy ban tổ chức World Cup 2006 tại Đức
[4]Phép màu tại Bern: Đội tuyển Đức thắng trong trận chung kết với Hungary tại Thuỵ Sĩ ngày 4.7.1954. Cùng với Phép màu Kinh tế, Phép màu tại Bern được coi như giây phút khai sinh của một nước CHLB Đức (Tây Đức) đã hùng mạnh trở lại, 9 năm sau thất bại trong Thế chiến II.
[5]Một tổ chức đoàn thể thời Quốc xã