Bây giờ còn đặt câu hỏi trên, giống như người vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài nửa thế kỷ. Nhưng chuyện cũ vẫn phải nhắc lại, khi nó chưa thể hoàn toàn đi vào quên lãng. Trong bài “
Đối thoại dân chủ hay vận động chiêu hồi?” trên talawas ngày 24-8-2006, tác giả Trần Văn Trạng viết:
Cho đến bây giờ, sau bao nhiêu năm tháng, chúng tôi vẫn không thể nào từ bỏ được ý tưởng cho rằng những chính quyền ấy, không có cái nào ra hồn cả. Có nhiều vị động lòng khi nghe có người nói các chính quyền ấy là “sản phẩm của Mỹ”. Không đúng sao? Không có Mỹ đứng sau lưng, yểm trợ về mọi thứ (tiền bạc, súng đạn, chính trị…) thì làm sao các chính quyền ấy ra đời và tồn tại được (từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu)! Các học giả khắp nơi dựa vào chứng cớ đàng hoàng đã chứng minh rằng chính Mỹ đã phá hoại Hiệp nghị Genève (quy định sự chia cắt đất nước tạm thời) để biến miền Nam thành một “quốc gia” riêng biệt, như vậy từ đầu cái chế độ gọi là “Việt Nam Cộng hoà” đâu có tư thế của một chính nghĩa đại biểu cho “dân tộc”.
Người viết đã tô đậm câu trên đây để dễ thấy. Tác giả Trần Văn Trạng tự nhận là một “cựu chiến binh cộng sản”, và đã theo cộng sản “hoàn toàn không phải do ngu si, ngây thơ để bị lợi dụng, lừa dối”, đã theo “các học giả khắp nơi dựa vào chứng cớ đàng hoàng” để nói quyết rằng chính Mỹ đã phá hiệp định Genève.
Ông
Dương Phẩm, qua ý kiến ngắn trên talawas ngày 25-8-2006, khuyên ông Trạng “có thể tìm đọc những hồ sơ, tài liệu liên quan đến cuộc chiến tranh vừa qua do các tác giả có quan điểm trung dung (chứ không thiên hữu hay thiên tả), may ra ông sẽ hiểu "trò chơi" chính trị hơn. Nói đến chính trị là nói đến âm mưu và thủ đoạn, trong khi ông lại phán đoán vấn đề hết sức đơn giản, chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài mà không lưu ý đến thủ đoạn và ý đồ thực sự che giấu ở bên trong”.
Thật ra, trước đây, để che mắt dư luận thế giới, cộng sản Việt Nam đã tạo ra huyền thoại là chính nhân dân miền Nam Việt Nam tự động nổi dậy chống chính quyền Sài Gòn. Họ đã thành công về điều này, nên mới có “các học giả khắp nơi dựa vào chứng cớ đàng hoàng...” Những “chứng cớ đàng hoàng” ở đây rất phù hợp với tài liệu tuyên truyền của Hà Nội một thời. Nhưng từ sau khi làm chủ cả nước, cộng sản Việt Nam chẳng những không cần che giấu ở bên trong ý đồ thực sự của mình, mà còn khoe những điều từng che giấu như một thành tích vĩ đại đáng đề cao. Vậy, để cập nhật những chứng cớ đàng hoàng, chẳng cần tìm đâu xa, cứ dựa ngay vào tài liệu của cộng sản mới đây, cho tiện.
Trên báo Nhân Dân ngày 16-8-2006, nhân dịp kỷ niệm hai mươi năm ngày Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết trong bài “Nhớ đồng chí Lê Duẩn”:
Năm mươi năm nhìn lại và suy ngẫm, càng thấu hiểu ý nghĩa lớn lao và phẩm cách cao cả của nhà yêu nước và nhà hoạt động cách mạng Lê Duẩn với quyết định xin ở lại miền Nam sau khi đã hoàn thành những nhiệm vụ mà Bác Hồ và Trung ương giao cho sau Hiệp định Geneva. Chiếc tàu áp chót neo đậu ở thị trấn Sông Đốc, Cà Mau. Anh Ba lên tàu như người đi tập kết để che mắt kẻ thù, đến nửa đêm Anh bí mật rời tàu, quay trở lại.
Người viết tô đậm câu chót trên đây để nhấn mạnh. Hiệp định Genève đã quy định: Những người theo phe quốc gia Việt Nam (do Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu) tới địa điểm chót là Hải Phòng để được di chuyển vào sinh sống ở phía Nam vĩ tuyến 17; Những người theo phe Việt Nam Dân chủ Cộng oàhoà (Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu) tập trung tại địa điểm chót ở Cà Mâu để được chở ra sinh sống tại phía Bắc vĩ tuyến 17. “Anh Ba”, một cán bộ cao cấp của cộng sản, đã lên tàu, theo đúng Hiệp định Genève, nhưng chỉ theo đến đây thôi. Với sự đồng ý của “Bác Hồ”, “Anh” đã vi phạm Hiệp định, khi trốn ở lại vào nửa đêm.
Lê Duẩn không lén ở lại miền Nam vì mê gái, hay để rong chơi ngày tháng, mà ở lại với một sứ mạng. Không cần gán ghép hay suy đoán, vì ông Võ Văn Kiệt đã nói rõ trong bài báo thượng dẫn:
"Đề cương Cách mạng miền Nam" được đồng chí Lê Duẩn hoàn thành vào tháng 8 năm 1956 ngay tại Sài Gòn, ở số nhà 29 đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1, Sài Gòn, nay là TP Hồ Chí Minh.
Và như để người đọc khỏi thắc mắc tại sao Anh Ba lén xuống tầu từ 1955 mà mãi hơn một năm sau mới hoàn thành kế hoạch chiếm miền Nam, ông Kiệt đã nói rõ hơn:
Cũng phải nói thêm rằng, tuy "Đề cương" hoàn thành vào tháng 8 năm 1956, nhưng nó được hình thành dần trong tập kết chuyển quân và nhất là sau khi kết thúc chuyển quân từ mùa khô 1955.
Như vậy, không phải đợi đến 1956, vì không có bầu cử nên Bắc Việt mới quyết định chiếm miền Nam bằng võ lực, mà kế hoạch đã định ngay khi Hiệp định Genève chưa ráo mực, lúc đang chuyển quân tập kết. Vẫn theo ông Võ Văn Kiệt, chính “Đề cương” của Lê Duẩn đã là cái sườn cho quyết định của Đảng Cộng sản tiến chiếm miền Nam. Ngoài ra, ông Kiệt cũng chẳng cần che đậy sự thật là cộng sản Việt Nam đã sử dụng đất Căm Bốt để xâm chiếm Nam Việt Nam.
Đề cương được thảo luận kỹ trong Hội nghị Xứ ủy mở rộng tháng 12 năm 1956 và mấy tháng đầu năm 1957 ở Phnôm Pênh, là một điểm tựa cơ bản, trở thành cái khung để hình thành Nghị quyết T.Ư lần thứ 15.
[1]
Ông Trần Văn Trạng cho rằng Việt Nam Cộng Hhoà vì là “sản phẩm của Mỹ” nên thiếu chính nghĩa, không đủ tư cách đại diện dân tộc của một quốc gia. Rất tiếc, là người theo cộng sản mà ông không biết, vào đầu năm 1957, chính Liên Xô đã từng đề nghị cả VNCH và VNDCCH cùng vào Liên Hiệp Quốc như là hai quốc gia hội viên riêng biệt.
[2] Mỹ đã sai lầm quan trọng khi chống lại đề nghị này, vì không muốn thừa nhận chế độ cộng sản Bắc Việt, cũng như hồi đó chưa thừa nhận Trung Cộng.
Đầu năm nay, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Dennis Hastert thăm Hà Nội, Quốc hội Việt Nam đã tặng ông bản điện văn Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman ngày 28-2-1946, cầu cứu Mỹ giúp để đối phó với Pháp. Mỹ không giúp vì ông Hồ là cộng sản. Năm 1954 Tổng thống Eisenhower giúp ông Diệm, vì biết ông chống cộng, cũng như Mỹ đã giúp ông Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) cầm quyền tại Nam Hàn năm 1948. Ông Lý cũng là “sản phẩm của Mỹ” như ông Diệm, và Nam Hàn cũng từng trải qua biểu tình và đảo chánh như VNCH. Ngày nay không ai có thể bảo Nam Hàn không có chính , và không đủ tư cách một quốc gia. Ông Trạng viết thêm:
Không có chính nghĩa dân tộc, các chính quyền ấy cũng chẳng có gì gọi được là hoà bình, dân chủ, tự do cả. Nói đó chỉ là do tuyên truyền “chiến tranh tâm lý” dựng nên tôi thấy chẳng có gì là sai. Hồi nhỏ học ở Sài Gòn, tôi hay ê a mấy câu “kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát, ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác, chiếu đồng quê bao khúc ca tuyệt vời!” nhưng khi về quê thăm nhà mới thấy ở đây không lúc nào ngớt diễn ra những cuộc hành quân, hết chống phe này đến phái nọ (“bài phong, đả thực”), ồn ào khốc liệt nhất là những chiến dịch trả thù cộng sản rất dữ dội (“chống cộng”)…
Cuộc sống thanh bình từ thành thị tới nông thôn tại Nam Việt Nam đã là điều có thật, nhưng chỉ được vài năm. Điều này dễ hiểu, vì hình ảnh êm đềm như trong tiếng hát ông vẫn ê a không phù hợp với “Đề cương” của Anh Ba. Lê Duẩn và các đồng chí của ông, những người trốn ở lại và những người lén trở về, bắt đầu quấy phá tại nông thôn để gây tiếng vang, tạo tình trạng bất ổn. Kích đồn, ngăn chợ, phá trường, khủng bố hương chức hương sư..., là bước đầu của “cách mạng giải phóng”.
Vào đầu thập niên 60, người viết đã từng đi theo phái đoàn của Tổng Liên đoàn Giáo giới Quốc tế, do giáo sư Shri Natarajan người Ấn Độ cầm đầu, với sự phụ tá của giáo sư người Đại Hàn Tai Si Chung, tới các quận Thới Bình (Cà Mâu), và Giồng Riềng (Kiên Giang) – hình như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bây giờ, hồi ấy đang làm giao liên tại vùng này – để tìm hiểu về các trường hợp giáo chức bị du kích sát hại. Thân nhân các giáo viên xấu số này cho biết: Khởi đầu, du kích ra lệnh đóng cửa trường, không được dạy. Nhưng là thành phần ăn lương nhà nước, giáo chức không thể nghe lời du kích, thế là bị giết. Có đánh phá, giết người, tất nhiên phải có hành quân bình định. Nếu cho đó là “những chiến dịch trả thù cộng sản”, thì cũng là một cách nói không xa sự thực.
Không hiểu ông Trần Văn Trạng đang sống ở đâu, và cái chính quyền đang chi phối cuộc đời ông có ra hồn không. Dầu sao, tôi cũng có thể đồng ý với ông là mấy cái chính quyền VNCH, “chẳng có cái nào ra hồn cả”. Bằng chứng hiển nhiên là chính quyền ông Diệm, thay vì bắt Lê Duẩn và các đồng chí của ông ấy hội họp tại đường Huỳnh Khương Ninh, ngay giữa Sài Gòn để thảo “Đề cương”, thì đi bắt các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần Văn Văn..., và tệ hơn nữa, thủ tiêu các ông Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Tam Anh, Tạ Chí Diệp... Còn chính quyền ông Thiệu thì ra luật bóp nghẹt báo chí để đề phòng cộng sản trà trộn, trong khi nhà báo cộng sản nằm vùng Huỳnh Bá Thành vẫn làm báo khơi khơi, và mấy tay tình báo Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ được mời vào Dinh Độc Lập làm cố vấn.
Ngay cả chính quyền Mỹ, một nước đang đóng vai vô địch thế giới về nhiều mặt, cũng đâu có ra hồn. Những quyết định liên can tới vụ đảo chánh ông Diệm, chuyện mang quân vào Việt Nam, rồi “bỏ danh dự chạy lấy người”, là bằng chứng cụ thể. Cả những kẻ kiêu ngạo như giới truyền thông Mỹ cũng đâu có ra hồn. Họ lớn tiếng chỉ trích VNCH lấy tiền viện trợ do dân Mỹ đóng góp mà không chống cộng hữu hiệu, trong khi họ mướn và tin cẩn điệp viên cộng sản tay tổ Phạm Xuân Ẩn hàng chục năm mà không hề nghi ngờ. Hầu như chẳng có chính quyền nào hoàn toàn ra hồn. Những người sống tại miền Nam trước 1975 đã phải chọn cái không ra hồn tương đối dễ thở hơn, thế thôi.
Có lẽ ông Trần Văn Trạng cho rằng, vì ông Diệm không chịu tổ chức bầu cử năm 1956, và vì Mỹ ủng hộ quyết định này, nên đó là bằng chứng đàng hoàng Mỹ đã phá Hiệp định Genève. Năm nay là kỷ niệm 50 năm cuộc bầu cử không thành, nên cũng cần tìm hiểu thêm. Từ trước tới nay, nhiều người thường nói tới “Hiệp định Genève” như là một thoả ước, trong đó quy định mọi vấn đề, từ ngừng bắn, chuyển quân, di dân, cho tới tái thống nhất bằng bầu cử. Thật ra, “Hiệp định Genève” gồm tới 10 văn kiện:
- Sáu tuyên bố đơn phương;
- Ba thoả hiệp ngừng bắn song phương, có hiệu lực thi hành đối với các bên ký kết;
- Một tuyên bố không có chữ ký, dự trù thống nhất bằng bầu cử. Chỉ có bốn trong chín nước tham dự Hội nghị can dự vào bản tuyên bố này. Cả Hoa Kỳ, Bắc và Nam Việt đều không can dự. Văn kiện này không có giá trị pháp lý buộc phải thi hành. [3]
Như vậy, việc thống nhất bằng bầu cử dự trù vào tháng Bảy năm 1956 không phải là một thoả hiệp đã đạt được tại Hội nghị Genève, mà mới chỉ là ước vọng của bốn trong chín nước tham dự. Một ước vọng không bó buộc ai phải thi hành. Giống như trường hợp có mấy người họ hàng tự ý bầy tỏ nguyện vọng đôi trẻ sẽ thành hôn trong hai năm. Đến ngày đến tháng, một hay cả hai đương sự không muốn tiến tới hôn nhân, vì nghi ngờ lẫn nhau. Không thể kết tội ai đã bội ước, vì chưa hề có giao ước.
Ngoài ra, vào tháng 4 năm 1956, dịp phái đoàn Khrushchev và Bulganin viếng Luân Đôn, Lord Reading đại diện Anh và Gromyko đại diện Liên Xô, hai nước bảo trợ Hội nghị Genève 1954 đã ra tuyên bố đồng ý rằng cuộc tổng tuyển cử dự liệu không thể thực hiện được trong những điều kiện hiện tại, nên sẽ không được tổ chức. Tin tức về vụ này bị chìm vì những “xì căng đan” lớn quanh chuyến đi của Khrushchev. Chuyện nổ lớn hơn cả là một sĩ quan người nhái thuộc tổ chức tình báo quân sự Anh (M16) tên là Lionel Crabb bị mất tích gần chiến hạm Ordzhonikidze, chiếc tầu chở Khrushchev và Bulganin đậu tại Cảng Portsmouth. Vụ này vô cùng sôi nổi, và bí mật còn bao trùm tới ngày nay. Phải đợi tới năm 2057 hồ sơ nội vụ mới được giải mật.
Qua hồi ký
In The Midst Of Wars (Harper & Row, 1972), tướng Edward Lansdale, người đã giúp ông Diệm ổn định chế độ lúc đầu, kể rằng: Vào đầu năm 1956, ông về Washington gặp anh em ông Dulles, một người là Ngoại trưởng, một người là Giám đốc CIA, yêu cầu cho ông được về Mỹ, coi như đã hoàn tất nhiệm vụ tại Việt Nam. Anh em ông Dulles đã yêu cầu ông Lansdale lưu lại Việt Nam cho đến hết năm 1956, để giúp về tổng tuyển cử.
Tướng Lansdale đã trả lời anh em ông Dulles là theo ông, sẽ không có tổng tuyển cử, vì trong khi uy tín ông Diệm lên cao nhất vào lúc đó ở miền Nam (nền Cộng hoà mới ra đời, dẹp xong các phe phái chống đối, ổn định xong gần một triệu dân di cư...), theo tin tức từ những người mới vượt tuyến, miền Bắc đang gặp nhiều khó khăn, vì Việt Minh thạo đánh nhau hơn là cai trị (dân thiếu thực phẩm, phẫn uất về chiến dịch đấu tố Cải cách Ruộng đất, vụ nổi dậy ở Quỳnh Lưu, nghệ sĩ bất mãn vụ Nhân văn-Giai phẩm, sinh viên đại học Hà Nội đòi rút bớt mức độ huấn luyện chính trị, đảng viên giao động sau Đại hội 20 tại Liên Xô...) Nếu có bầu cử thực sự tự do, miền Bắc sẽ thua. Ông Lansdale viết: “Vì những lý do ấy, tôi cảm thấy rằng các lãnh tụ cộng sản ở Hà Nội có thể đã kín đáo thông báo cho Liên Xô bớt hối thúc việc tổ chức tổng tuyển cử trong các cuộc gặp gỡ với Anh quốc”.
Ông Lansdale đã tiên đoán như trên bốn tháng trước khi Anh và Liên Xô đồng ý không có bầu cử. Tin tức về thoả thuận này bị chìm, nhưng dư luận vẫn nhớ những gì được loan báo về tổng tuyển cử vào năm trước: Nhân tuần lễ kỷ niệm một năm Hiệp định Genève, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố vào ngày 16-7-1955, “Việt Nam không ký Hiệp định Genève, nên không bị ràng buộc, song vẫn trung thành với chính sách hoà bình, và sẵn sàng tổ chức tổng tuyển cử, nếu có thể bầu được tự do”. Từ miền Bắc, ngày 10-8-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi hiệp thương và hứa tự do tổng tuyển cử. Nhưng ngày 12-12-1955 tại Hoa Kỳ, Đại sứ VNCH Trần Văn Chương tuyên bố: “Sẽ không có tổng tuyển cử năm 1956 ở Việt Nam. Hiệp định Genève không bắt buộc”.
Ông Diệm hứa sẽ tổ chức tổng tuyển cử, nếu có điều kiện bầu cử tự do, khi ông còn đang làm Thủ tướng. Sau khi truất phế Bảo Đại và làm Tổng thống, Đại sứ của ông tuyên bố sẽ không có bầu cử vì không bắt buộc. Quả thật địa vị có làm thay đổi con người. Ông Hồ hứa tự do tổng tuyển cử. Lịch sử còn ghi nhiều lời hứa của ông, nhưng có mấy điều đã thành sự thật? Ngày nay, nửa thế kỷ sau, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn bỏ tù những ai đòi bầu cử tự do, làm sao có tổng tuyển cử tự do vào năm 1956?
Ông Diệm đã chứng tỏ kém ông Hồ về phương diện vận động dư luận. Nếu ông cứ gặp ông Hồ, thảo luận tích cực về việc tổ chức tổng tuyển cử, đòi hỏi bằng được những điều kiện bảo đảm một cuộc bầu cử thực sự tự do và công bằng, rồi cuộc thảo luận có tan vỡ, không đưa đến bầu cử, dư luận cũng không thể kết tội riêng bên nào. Vì không làm như thế, ông Diệm đã bị mang tiếng sợ thua, vi phạm Hiệp định Genève vì đã từ chối tổng tuyển cử. Hà Nội còn có cớ nói rằng: Vì miền Nam không chịu thống nhất đất nước bằng bầu cử, miền Bắc mới phải làm việc này bằng chiến tranh.
Sự vụng về của ông Diệm, được Mỹ ủng hộ, đã trở thành “chứng cớ đàng hoàng” của “các học giả khắp nơi”, biến kẻ cố tình vi phạm Hiệp định Genève từ lúc đầu, thành kẻ có chính nghĩa.
© 2006 talawas
[1]“Hội nghị lần thứ 15 của BCH TƯ khoá II đã phải tiến hành hai đợt. Đợt 1, từ ngày 12 đến 22 tháng 1 năm 1959. Đợt 2, từ ngày 10 đến 15 tháng 7 cùng năm ấy”. Võ Văn Kiệt, “Nhớ đồng chí Lê Duẩn, Nhân Dân. 16-8-06.
[2]Stanley Karnow, Vietnam A History, nxb Viking – 1983, tr. 224
[3]“
Văn bản của Tuyên cáo Genève về bầu cử không có giá trị pháp lí buộc Hoa Kỳ hay Nam Việt Nam phải thi hành. Chín nước gặp nhau tại hội nghị đã sản xuất ra sáu tuyên bố đơn phương, ba thoả thuận ngừng bắn song phương, và một tuyên bố không có chữ ký. Chỉ riêng các thoả hiệp ngừng bắn có hiệu lực thi hành đối với các bên ký tên; dự trù liên hệ tới thống nhất bằng bầu cử xuất hiện trong tuyên bố riêng sau cùng. Chỉ bốn trong chín nước có mặt can dự vào nội dung tuyên bố. Hoa Kỳ đã không tham dự. Nam Việt Nam, không hiện diện ngay cả ở Genève, giữ lại quyền tự do hành động của mình bằng cách chính thức lên tiếng phủ nhận bản tuyên bố. Bắc Việt cũng không liên hệ tới bản tuyên bố. Rất giản dị, vì nó không có giá trị pháp lý”. No More Vietnams, Richard Nixon, Avon Books 1985, bìa giấy tr. 41