trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
16.9.2006
Lữ Phương
Đàng sau một câu trả lời: “Ai phá hoại Hiệp định Genève?”
 
Để phản bác một ý kiến của Trần Văn Trạng (bài “Đối thoại dân chủ hay vận động chiêu hồi?” trên talawas 24-8-2006), Đinh Từ Thức đã đặt ra câu hỏi: “Ai phá hoại Hiệp định Genève?” (talawas 7-9-2006) để sau đó trả lời: chính là cộng sản chứ không phải là Mỹ. Ông lập luận như sau:

Với chính quyền Mỹ, Hiệp định Genève không phù hợp với đường lối chính trị của một siêu cường chống cộng sau thế chiến thứ hai, cho nên Mỹ có đến Hội nghị Genève nhưng lại không ký kết. “Không thể kết tội ai đã bội ước, vì chưa hề có giao ước. Văn bản chỉ là tờ giấy. Vì mang nội dung chính trị hoàn toàn có lý do, không thể nói là không “chính nghĩa” hành động của chính phủ Ngô Đình Diệm (được Mỹ ủng hộ) từ chối bầu cử hai năm sau.

Với Đảng Cộng sản Việt Nam ông cho rằng Hiệp định Genève chỉ là một bước đi trên con đường thống trị cả nước bằng vũ lực, “ý đồ” ấy đã nằm trong bản chất của chủ nghĩa cộng sản với tham vọng bành trướng không ngừng của nó. Ông khẳng điều đó bằng câu viết dứt khoát, chắc nịch này: “Không phải đợi đến 1956, vì không có bầu cử nên Bắc Việt mới quyết định chiếm miền Nam bằng võ lực, mà kế hoạch đã định ngay khi Hiệp định Genève chưa ráo mực, lúc đang chuyển quân tập kết”.

Sở dĩ các chính quyền miền Nam thua cộng sản là vì theo ông, đã rất dở. Huyền thoại “nhân dân miền Nam nổi dậy” là do cộng sản tạo ra bằng tuyên truyền, nhưng lại thành công rộng rãi nên việc miền Nam mất chính nghĩa trở thành đương nhiên. Trong khi để cộng sản len vào nội bộ phá hoại thì các chính quyền Sài Gòn lại bắt bớ những chính khách quốc gia. Còn Mỹ can thiệp nhưng lại bày trò đảo chính, sau đó gặp khó khăn thì “bỏ của chạy lấy người”.

Miền Nam trong suốt thời kỳ được Mỹ ủng hộ, hầu như chẳng có chính quyền nào hoàn toàn ra hồn. Nhưng “những người sống tại miền Nam trước 1975 đã phải chọn cái không ra hồn tương đối dễ thở hơn, thế thôi”. Ý chính của ông Đinh Từ Thức rút lại có thể hiểu là: trong những lựa chọn đã qua, việc đứng về phe chống cộng vẫn là điều bất khả kháng, nếu không nói là tốt đẹp hơn thì cũng đáng giá hơn, dễ chịu hơn sự chọn lựa cộng sản.

Qua bài viết nói trên, ông Đinh Từ Thức đã sử dụng vừa tư liệu vừa suy diễn để lập luận, nhưng phân tích cách lập luận đó, tôi thấy những tư liệu đã không đủ sức nâng đỡ cho phần suy diễn, hơn nữa chính phần suy diễn này đã ảnh hưởng không tốt đến phần tư liệu. Tất cả, theo tôi, đều bắt nguồn từ một quan niệm chống cộng rất “đặc biệt” của ông. Tôi tạm mượn khái niệm hình như đã có người dùng rồi để gọi đó là chủ nghĩa chống cộng thánh chiến mà mấy trang viết sau đây sẽ làm xuất lộ những giả định nền móng biện minh cho tính chất “đặc biệt” của nó.


*


Giả định quan trọng chi phối chủ nghĩa chống cộng này dựa vào cái gọi là “ý đồ xích hoá” tổng quát của chủ nghĩa cộng sản để diễn dịch và gán ghép cho bất cứ hành động cụ thể nào của những người tự xưng là đồ đệ của Marx. Để chứng minh cho bản chất xâm lược của cộng sản miền Bắc – “chiếm miền Nam bằng võ lực” – ông Đinh Từ Thức đã nhanh chóng khai thác việc thủ tướng cộng sản Võ Văn Kiệt mới đây tiết lộ rằng Lê Duẩn trên đường tập kết ra Bắc đã lén quay lại miền Nam, để ông khẳng định sự tất yếu của “ý đồ” miền Bắc xâm chiếm miền Nam bằng võ lực, chẳng cần chờ đợi gì cả, mà đã diễn ra “ngay khi Hiệp định Genève chưa ráo mực”. Nếu ông đọc lại bài viết của mình, tôi tin rằng ông đã thấy cách diễn dịch ấy là quá đơn giản khi chỉ căn cứ vào việc cá nhân một Lê Duẩn (lúc bấy giờ chưa là Tổng Bí thư Đảng) có mặt tại miền Nam để lập luận.

Vấn đề tình thế chung mới là quan trọng mà tình thế của cộng sản Việt Nam sau Hiệp định Genève không cho phép xuất hiện một kế hoạch như thế. Từ 1954-1958, 1959, miền Bắc mới qua chiến tranh, lại phải trả nợ cho những sai lầm về ý thức hệ mượn của Trung Quốc trước đó (cải cách ruộng đất, đấu tố), bị ảnh hưởng không ít đường lối chung sống hoà bình của Liên Xô (biểu hiện ở phong trào Nhân văn Giai phẩm), nội bộ chia rẽ, mất uy tín với nhân dân, nên hàng ngũ lãnh đạo cộng sản bấy giờ mới chỉ đưa ra khẩu hiệu “chiếu cố miền Nam”; dù biết không có triển vọng nhưng vẫn dựa vảo Hiệp định Genève như một căn cứ pháp lý để tranh thủ một giải pháp hoà bình, chứ chưa thể nẩy ra ngay “ý đồ” dùng bạo lực thống nhất đất nước. (Xem Dương Trung Quốc, “Tư tưởng coi thường giá trị Hiệp định Genève là sai lầm”, VietnamNet, 21-7-2004).

Trong chính trị, vấn đề “ý đồ” không phải là tất cả và “ý đồ” thống trị thế giới bằng chiến tranh cũng không phải chỉ cộng sản mới có. Quy cho cộng sản là người sở hữu duy nhất mưu tính thống trị thế giới bằng bạo lực để căn cứ vào đó kết án cộng sản về phương diện đạo đức, điều này quá dễ dãi. Thật sự thì tham vọng nhuộm đỏ bản đồ thế giới của cộng sản là có thực (có thực như tất cả những mưu đồ của các thế lực bá quyền hay không bá quyền khác) nhưng ai đã nghiên cứu những toan tính sách lược và chiến lược của Đệ tam Quốc tế đều biết rằng với những người cộng sản, bất cứ ý đồ nào mà không dựa vào hoàn cảnh thực tế, không dựa vào những gì mình có trong tay thì sẽ trở thành “chủ nghĩa duy ý chí”, “chủ nghĩa phiêu lưu” thuần tuý. Rõ ràng ý đồ là một chuyện còn việc thực hiện ý đồ là chuyện khác hoàn toàn. Không phải ai cứ muốn lấy thế giới là lấy được thế giới.

Ông Đinh Từ Thức không thể không biết điều đó (ông đã nói đến hồi ký của Lansdale nêu lý do như trên để chủ trương từ khước tổ chức tổng tuyển cử vào 1956) nhưng do cái cách nghĩ về cộng sản của ông nên ông đã tự mâu thuẫn. Tệ hơn nữa, cách nghĩ ấy đã đưa ông đến những kết luận bất lợi ngoài ý muốn: trong khi cứ nhất định muốn biến cộng sản thành những con quỷ khát máu và xảo trá, ông đã tự ám thị đến nỗi đâm ra sợ quỷ và cho rằng quỷ đang tràn ngập xã hội con người. Không là quỷ thì làm sao cộng sản lại có thể đổi trắng thay đen, đem chuyện giết người dã man của mình dựng nên huyền thoại “nhân dân miền Nam nổi dậy” lừa được tất cả thế giới, tràn lan vào cả hàng ngũ những học giả để họ tạo ra “những chứng cớ đàng hoàng” tố cáo Mỹ vi phạm Hiệp định Genève. Không phải chỉ một ngày một tháng mà trong cả một cuộc chiến tranh. Ông Đinh Từ Thức nghĩ sao nếu căn cứ vào đó tôi nói rằng chính cái quan niệm coi cộng sản là quỷ đã đưa ông đến chỗ miệt thị các đồng nghiệp của mình hơi quá đáng: bọn trí thức không biết ăn học ra sao mà lại là cái nắm bột mì mềm xèo để cộng sản muốn nhào nặn ra sao cũng được!

Việc ông chê chính quyền Ngô Đình Diệm “dở”, “không ra hồn” cũng bắt nguồn từ thái độ vừa ghét vừa sợ cộng sản theo kiểu đó: phải cố bảo vệ bằng mọi cách cái thực thể chính trị mình cho là tốt hơn để chống lại cộng sản như một cách trừ tà. Căn cứ vào bài viết của Võ Văn Kiệt tiết lộ sự kiện Lê Duẩn lén quay về Nam và cho rằng chính Lê Duẩn là nguồn gốc của những “quấy phá tại nông thôn để gây tiếng vang, tạo tình trạng bất ổn. Kích đồn, ngăn chợ, phá trường, khủng bố hương chức hương sư..., là bước đầu của “cách mạng giải phóng”, dựa vào đó trả lời Trần Văn Trạng rằng nếu chính phủ Ngô Đình Diệm có tiến hành những “những chiến dịch trả thù cộng sản”, thì cũng là một cách nói không xa sự thực”. Mục đích không có gì khác hơn là đổ lên đầu cộng sản tất cả tội lỗi để bảo vệ cho cái tính chất dù sao cũng “tương đối dễ thở” của một miền Nam được Mỹ ủng hộ không cần thực thi Hiệp định Genève. Ở đây tôi không hề có ý định phản bác niềm tin của ông về cái thực thể chính trị mà ông cho là “tương đối dễ thở” ấy, nhất là khi ông dựa vào ý muốn phủ định cái hôm nay để bảo vệ niềm tin ấy.

Nhưng ông sẽ nghĩ sao khi tôi dẫn ra đây những lời lẽ được viết ra từ ngay hồi đó, bởi những người Mỹ chống cộng, những người Mỹ trong khi đang đánh nhau với cộng sản, đã dựa vào những tài liệu nội bộ, chân thực được giấu kín của chính phủ Mỹ để nói ngược lại hoàn toàn ý kiến của ông:

“Nghiên cứu mật của Ngũ Giác đài về chiến tranh Việt Nam nói quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ cho rằng cuộc chiến được áp đặt cho Nam Việt Nam là do sự xâm lược từ Hà Nội là “không hoàn toàn thuyết phục”. Các chính quyền kế tiếp nhau ở Washington, từ John F. Kennedy đến Richard M. Nixon đã sử dụng cách giải thích về nguồn gốc chiến tranh này để biện minh cho sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Nhưng những thẩm định của tình báo Mỹ trong những năm 1950 chứng tỏ rằng cuộc chiến đã khởi đầu phần lớn là một cuộc nổi loạn ở miền Nam để chống lại chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng trở nên áp bức và thối nát”? (The Pentagon Papers, bản của The New York Times, Bantam Books, Inc, 1971, tr. 67).

Tôi phải tin ông hay tin vào những người Mỹ soạn thảo ra Hồ sơ mật đó? Đấy không phài là vấn đề. Vấn đề vẫn là cái cách ông chống miền Bắc cộng sản để bảo vệ miền Nam không cộng sản. Ông trách chính quyền Ngô Đình Diệm “bắt các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần Văn Văn..., và tệ hơn nữa, thủ tiêu các ông Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Tam Anh, Tạ Chí Diệp…”. Nhưng ông không cho biết tại sao một miền Nam ông gọi là “dễ thở” mà lại đi làm một công việc cũng “bạo lực” với những người cùng chiến tuyến với mình chẳng khác gì cộng sản miền Bắc? Ông chê là “dở” việc làm của những chính quyền miền Nam không chịu trừng trị tới nơi tới chốn bọn “khủng bố” cùng với bọn gián điệp cộng sản, nhưng tại sao ông lại làm ngơ không giải thích tại sao – như Trần Văn Trạng đã nêu ra – chính quyền Ngô Đình Diệm đã đẩy nhà văn Nhất Linh đến chỗ phải tự vẫn? Thích Quảng Đức và Nhất Chi Mai phải tự thiêu?

Tại sao ông không nói gì đến lý do khiến máy bay mang cờ vàng ba sọc dội bom xuống Dinh Độc lập, không nói đến cuộc đảo chính năm 1960 của Quân đội Việt Nam Cộng hoà thất bại, cuộc đảo chính 1963 cũng của Quân đội Việt Nam Cộng hoà nhưng thành công? Chẳng lẽ những việc chống chính quyền Ngô Đình Diệm đó cũng là mưu đồ của cộng sản hết? Là do gián điệp cộng sản gài vào xúi giục hết? Hay là ông sẽ viện ra lý lẽ cho rằng dù sao thì những chuyện bắn giết thanh toán chính trị hỗn loạn ở miền Nam cũng nên xem là tốt hơn những cuộc thanh trừng, trấn áp ở miền Bắc? Nền độc tài xanh vẫn thú vị hơn nền độc tài đỏ? Việc Mỹ đem B52 và thuốc khai quang dội xuống đất nước là dễ chịu hơn rocket của VC? Ca từ của một nhạc sĩ bên đây vĩ tuyến lòng súng nhân đạo cứu người lầm than là mùi mẫn hơn cái ý thơ của một thi sĩ bên kia vĩ tuyến đánh Mỹ là niềm vui lớn?

Dựa vào những giả định về ta địch, bạn thù như trên của ông, tôi có thể nêu ra khá nhiều câu hỏi khác. Ông nói Mỹ và miền Nam (được Mỹ ủng hộ) sở dĩ thua cộng sản là vì “dở” hơn cộng sản nhiều chuyện. Nhưng nếu tôi dựa vào những cái “dở” ấy để dẫn tới cách giải thích này: Mỹ và miền Nam tuy lắm tiền nhiều của, súng đạn thừa thãi, nhưng lại thua cộng sản chỉ vì Mỹ và miền Nam không ác độc, không mưu mô, lừa đảo như cộng sản, thì ông nghĩ sao? Và như thế thì bài học để đừng thua cộng sản nữa là gì nếu không phải làm sao trở nên lưu manh, gian xảo, ác độc hơn cộng sản? Một câu hỏi khác và một bài học khác: Mỹ và miền Nam thua cộng sản vì Mỹ và miền Nam là “dân chủ”, mà dân chủ thì gây bất đồng lộn xộn, do đó muốn thắng cộng sản thì nhất định mình phải cố gắng mà làm “độc tài” sao cho hơn cộng sản, nghĩa là “trả thù cộng sản”cho nhiều hơn nữa, bắt mấy tay chống đối cho nhiều hơn nữa? Về việc ông trách móc “đồng minh” Mỹ “bỏ của chạy lấy người” tôi thấy bài học có lẽ cũng vậy: muốn thắng cộng sản, Mỹ phải làm gì nếu không đổ thêm quân (từ nửa triệu đến một triệu) cùng với thật nhiều bom đạn (có bom nguyên tử thì càng tốt) rồi kéo dài chiến tranh thêm 10 năm để bày tỏ quyết tâm giúp đỡ miền Nam?


*


Bây giờ chắc hẳn ông đã cảm thấy nội dung của khái niệm chống cộng thánh chiến mà tôi đã gợi ra. Và chắc hẳn ông cũng khó mà không cho là kỳ cục những kết luận mà tôi đã rút ra được một cách tất yếu từ cái khái niệm chống cộng đặc biệt ấy. Nhưng đó lại là sự thuận lý của lập luận. Chỉ là vì khi người ta khởi xuất từ một tiền giả định nào đó không có cơ sở vững chắc trong thực tế rồi cứ theo đó mà đẩy mọi việc đi tới thì những kết luận có được cũng sẽ không thể nào không chứa đựng những tính chất phi hiện thực có sẵn trong cái tiền giả định ấy. Nếu ông Đinh Từ Thức chia sẻ được điều này thì việc ông phải chấp nhận những hậu quả phi lí trong suy luận của cái chủ nghĩa chống cộng mà ông dựa vào để biện giải cho những luận cứ của ông về Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương cũng là không tránh khỏi, mặc dù về mặt chủ quan ông không muốn chấp nhận chúng, trừ khi ông tìm cách làm cho cái tiền giả định ấy mang bớt vẻ “thánh chiến” đi.

Theo tôi hiểu thì thứ chủ nghĩa chống cộng “đặc biệt” ấy chỉ là sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử cũng rất đặc biệt của thế giới vào thế kỷ 20, ai cũng biết: đó là cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai phe chống cộng sản và cộng sản, (bên này là Mỹ bên kia Liên Xô). Do hai bên hiểu nhau quá rõ về thực lực của các loại vũ khí tàn phá và tự sát, cần phải tránh đụng độ trực tiếp, nên chiến trường “ai thắng ai” được hai bên chọn lựa để mở rộng uy lực của mình đã là những nước mà trước đây người ta gọi là thế giới thứ ba, những nước kém phát triển hoặc đang phát triển trong đó có Việt Nam. Cuộc chiến đấu của Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân Pháp để giành độc lập bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, lùng nhùng mãi trong máu lửa mà không chấm dứt được, sau Thế chiến II, đã trượt dài vào vùng tranh chấp của cuộc Chiến tranh Lạnh đó, cho nên đất nước nếu thừa mứa những phương tiện giết người của cả hai bên thì cũng tràn ngập những danh từ, những khái niệm công cụ về chiến tranh tâm lý của cả hai bên.

Về lý lẽ của cái gọi là “phe xã hội chủ nghĩa” từ Liên Xô, Trung Quốc tràn vào như thế nào thì chúng ta đều nhớ (nào chủ nghĩa cộng sản là “mùa xuân nhân loại”, nào chủ nghĩa Mác-Lênin “đỉnh cao trí tuệ của loài người”…) và những lời xưng tụng ấy lại không thể tách rời việc tố cáo đế quốc Mỹ và chủ nghĩa tư bản như một hoả ngục trần gian chứa đựng tất cả những tồi tệ nhất của lịch sử mà người ta có thể hình dung ra (một xã hội tồn tại bằng bóc lột, cướp đoạt vô độ, suy đồi, tàn tạ, giẫy chết…). Bên cạnh những luận điệu tuyên truyền cộng sản của Liên Xô, Trung Quốc như vậy, cũng không hề thiếu những luận điệu tuyên truyền chống cộng sản do Mỹ và phe Mỹ đưa vào. Đọc những lời lẽ sau đây trong một văn bản gọi là Phúc trình 1954 của “Uỷ ban đặc biệt về mối đe doạ của chủ nghĩa cộng sản” mà chính phủ Mỹ đã vạch ra cho Đông Nam Á (do The Pentagon Papers công bố), không ai có thề phủ nhận sự chu đáo, cặn kẽ của nhà nước Mỹ với công việc tuyên truyền ấy:

Cần phải đảm nhiệm những nỗ lực đặc biệt và đơn phương cũng như cùng với nhiều quốc gia khác để tiêm sinh lực ở vùng Đông Nam Á cho quan niệm đế quốc cộng sản là mối đe doạ ghê gớm cho mỗi quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Những nỗ lực phải tiến hành sao cho có vẻ là sáng kiến địa phương hơn là như kết quả của sự xúi giục của Mỹ hoặc Anh hoặc Pháp. Hành động: USIA, Bộ Ngoại Giao, CIA” (The Pentagon Papers, tr. 37).

Cùng với quá trình hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, bên cạnh cái uy tín mà nó gầy dựng được trong dân chúng (nhất là trong thời kỳ chống thực dân Pháp) những sai lầm trầm trọng do những người cộng sản gây nên trong nhiều trường hợp (1931, 1945, 1953) cũng đã tạo ra những bất mãn đưa đến một thứ thái độ nghi ngại với cộng sản là điều không thể nào phủ nhận được. Nhưng cái phản ứng tự nhiên ấy của dân chúng, khi gặp được điều kiện thuận lợi do cuộc Chiến tranh Lạnh tạo ra (Hiệp định Genève 1954) đã được nhân lên gấp bội để mang một ý nghĩa mới hoàn toàn: một triết lý chống cộng nhất quán, đa dạng, từ triết học, kinh tế, chính trị, tôn giáo, mỹ học, lối sống… đã được mang ra thực hiện bởi một quy mô chiến lược, dưới rất nhiều hình thức. Một mệnh danh mới cho một chủ nghĩa chống cộng mới đã ra đời: cuộc “chiến tranh ý thức hệ giữa cộng sản và tự do”, và hơn thế nữa: “cuộc thánh chiến” chống lại “vương quốc của bọn ma quỷ ”.

Tính chất kích động, khuếch đại, thổi phồng, giản lược hoá trong cái triết lý chống cộng đặc biệt này đã được khai thác triệt để. Nguồn gốc ra đời của Tuyên ngôn cộng sản do Marx và Engels công bố năm 1848 với mục đích rất rõ rệt là chống lại những bất công áp bức hiển nhiên và quá đáng của chủ nghĩa tư bản sơ kỳ đã bị bỏ qua hoàn toàn và chỉ được giải thích như là tuyên ngôn của một cái Ác hiện đại, không có lý do nào để tồn tại ngoài việc kích động hận thù, nô dịch loài người. Phong trào mácxít và cộng sản thực tế, bao gồm nhiều khuynh hướng khác nhau về nội dung và tổ chức (trong đó không thiếu những yếu tố dân chủ, tiến bộ, góp phần không nhỏ vào việc hạn chế sự lộng hành của tiền bạc và lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản rừng rú…) đã bị giản lược vào cái gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực” có nội dung Stalin và Mao Trạch Đông, từ đó đưa ra những kết án toàn diện, toàn bộ, không cần phân biệt, không cần phân tích.

Trong những lý lẽ của ông Đinh Từ Thức thông qua sự nhận định của mình về Hiệp định Genève 1954 để kết án cộng sản Việt Nam trong bài viết của ông, mặc dù không được diễn giải đầy đủ, có hệ thống, nhưng qua đó tôi vẫn cảm thấy được những giả định tiềm ẩn của thứ chủ nghĩa chống cộng nói trên. Mối quan hệ toàn diện của phong trào cộng sản Việt Nam với truyền thống dân tộc, quan hệ với các nước thuộc thế giới thứ ba, với phong trào chống thực dân trong nước đã bị tháo rời ra, vất sang một bên, coi như không tồn tại, để sau đó đưa lên hàng chính yếu toàn bộ những mặt tiêu cực của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những tình thế nào đó, rồi khái quát lên và cột chặt những tiêu cực ấy vào phong trào cộng sản thế giới trong đó sai lầm của Liên Xô và Trung Quốc qua những thời đen tối đã được phóng đại để thành thuộc tính duy nhất và chính yếu. Vấn đề đáng nói ở đây không phải là chống cộng hay không mà là thực chất của một quan niệm chống cộng chứa đựng trong bản thân nó rất nhiều yếu tố phản trí thức, cực đoan, cực hữu.

Chính cái quan niệm chống cộng đó đã đưa ra những cách nhìn méo mó về lịch sử Việt Nam thời hiện đại, giải thích không đúng thực tế mối quan hệ của Đảng Cộng sản với cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, từ đó coi là hư vô tất cả những gì mà những người cộng sản đã đem lại cho đất nước trong cuộc đấu tranh đó. Chỉ với một thao tác về lý lẽ hoàn toàn tạo ra bằng diễn dịch tư biện: cộng sản là một cái xấu mang tính quốc tế, cho nên không thể nào gọi được là yêu nước để có thể tranh đấu cho một đất nước độc lập thật sự. Ngược với lý lẽ chính thống sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam, bắt chủ nghĩa cộng sản phải gắn liền với dân tộc để củng cố quyền lực cho Đảng, ở đây chủ nghĩa chống cộng cực đoan đã đưa ra một lý lẽ sai lầm khác: tách rời dân tộc khỏi cộng sản để phủ nhận hoàn toàn vai trò của Đảng Cộng sản trong quá trình tranh đấu cho một nước Việt Nam thoát khỏi sự thống trị của các ngoại bang.

Lý lẽ đó hoàn toàn ngược lại những gì đã được công nhận từ lâu với đông đảo người Việt Nam, không phải với cuộc chiến tranh thời chống thực dân Pháp mà ngay cả với cuộc “chiến tranh Việt Nam” sau này:

“Đối với một phần lớn dân chúng tại Việt Nam thì đây là sự tiếp tục của cuộc chiến giành độc lập và thống nhất cho Việt Nam. Phía cộng sản đã thành công trong việc làm cho dân chúng tin rằng họ đang đấu tranh cho độc lập và thống nhất đất nước – một phần bởi vì họ đã biết dùng cơ hội đứng ra tổ chức Mặt trận Việt Minh thành lập nước Việt Nam độc lập sau Thế chiến thứ Hai và kiên trì đấu tranh chống lại sự quay trở lại của chế độ thuộc địa Pháp. Còn phía Việt Nam Cộng hoà thì ngày càng phụ thuộc vào Mỹ và đã không duy trì được vai trò độc lập của họ trong con mắt của người dân (nhất là sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại) – đặc biệt là khi đa số các nhân vật lãnh đạo của họ là những người trong chính phủ Trần Trọng Kim, hình thành dưới chế độ bảo hộ của phát xít Nhật, hay đã từng làm việc cho Pháp. Cuộc chiến này, do đó, mang tính dân tộc rất cao: sự độc lập và thống nhất của đất nước đã trở thành yếu tố quyết định giúp những người cộng sản thắng lợi chứ không phải là nhờ vào hệ tư tưởng hay ưu thế quân sự của họ.” (Chiến tranh Việt Nam, Bách khoa toàn thư Wikipedia tiếng Việt).

Lý do tại sao Mỹ đã thất bại trong cuộc “chiến tranh Việt Nam” đã qua có thể rất nhiều, nhưng lý do đã được những dòng trên đây do Wikipedia khẳng định là quan trọng, và đó chính là một lý do hiện thực, một sự thật mà cùng với thời gian, đã trở thành hiển nhiên không dễ dàng phủ nhận.


*


Cuối cùng thì trên thực tế ai đã phá hoại Hiệp định Genève?

Qua những gì đã trình bày, nếu tôi cho rằng cách lập luận của ông Đinh Từ Thức không đủ sức nặng thuyết phục thì điều đó cũng không phải vì còn giữ lại được một chút tinh thần gọi là “thiên tả” mà tôi tán thành ý kiến của ông “cựu chiến binh” Trần Văn Trạng. Ông này chưa nói gì nhiều để chứng minh ý kiến của ông ta (ông ta nói chỉ tin mấy “học giả” thôi) nhưng tôi vẫn cho là vào lúc đó ông tin như vậy là phải, bởi vì với kinh nghiệm của mình, tôi có một chút điều kiện để biết khá rõ rằng vào lúc bấy giờ cộng sản Bắc Việt chưa muốn dùng vũ lực để phá hoại Hiệp định Genève vì họ không dại gì xé đi cái tờ giấy đang mang lại ích lợi cho họ, đã làm cho họ có được cả một không gian pháp lý, một hậu phương an toàn để chuẩn bị lực lượng, tuỳ theo tình thế, mà toan tính những cuộc chinh phục về sau.

Nhưng nếu đối với Bắc Việt, Hiệp định Genève là một cái cầu cần phải bảo vệ để đi tiếp thì đối với chính quyền Mỹ lại là khác hoàn toàn: Mỹ không “phá hoại” (vì họ viện cớ là không ký) nhưng họ tìm mọi cách để từ chối, không để đối phương thực hiện với những lý do thực tế phù hợp với lập trường Chiến tranh Lạnh của họ: tiếp tục chính sách chống cộng vạch ra từ sau Thế chiến II , đã bắt đầu với việc giúp đỡ Pháp trong cuộc chiến trở lại Việt Nam chống chính quyền của Hồ Chí Minh, bấy giờ đã có dấu hiệu là cộng sản. Hành động đó có chính đáng hay không, đây cũng không phải là chỗ để bàn luận, nhưng với Mỹ lại là sự tất yếu của một đường lối. Mọi thứ đều trở nên minh bạch, một lần nữa lại qua tường trình về Hồ sơ mật của Ngũ Giác đài:

Không có sự yểm trợ của Hoa Kỳ, Diệm hầu như chắc chắn không thể đứng vững được ở miền Nam (…) Không có sự hăm doạ can thiệp của Mỹ, Nam Việt Nam không thể nào từ chối hiệp thương tổng tuyển cử 1956 do Hiệp định Genève quy định mà không bị tràn ngập tức khắc bởi quân đội Việt Minh (…) Không có viện trợ của Hoa Kỳ những năm sau đó, chế độ Diệm không thể nào sống sót được (…) Nam Việt Nam về bản chất là một sáng tạo của Hoa Kỳ” (The Pentagon Papers, tr. 25).

Một đường lối chống cộng của nhà nước Mỹ ra đời trong những điều kiện chính trị cụ thể như vậy có được hỗ trợ bởi một ý thức hệ chống cộng như vậy cũng là điều tất yếu. Nhưng điều đó không hề đồng nghĩa với niềm xác tín cho rằng thứ chủ nghĩa chống cộng “đặc biệt” ấy là miên viễn với thời gian. Trong chính trị, điều này có lẽ cũng bình thường. Để thấy rõ thêm một chút, tưởng cũng nên tham khảo mấy dòng trong một tài liệu bí mật sau đây (trích từ một hồ sơ an ninh quốc gia của nhà nước Mỹ) về cuộc bàn tính kết thúc chiến tranh Việt Nam của Kissinger (Cố vấn An ninh Quốc gia, sau đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ) với thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào năm 1972 – mới vừa được công bố:

Trước đây tôi đã nói với ông thủ tướng rằng chúng tôi không muốn duy trì một căn cứ quân sự nào tại Đông Dương hoặc theo đuổi chính sách của vị ngoại trưởng không chịu bắt tay ông thủ tướng (ngoại trưởng Foster Dulles không chịu bắt tay thủ tướng Chu Ân Lai trong cuộc hội đàm tại Geneva năm 1954). Thời đại đó qua rồi. Và tôi tin rằng tương lai quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh quan trọng đối với Á châu hơn là những gì có thể xẩy ra tại Phnom Penh, Hà Nội hay Sài Gòn.

Khi tổng thống Johnson đưa quân vào Việt Nam ông ta nghĩ Bắc Kinh đang có kế hoạch thôn tính thế giới. Ngoại trưởng Dean Rusk đã nói trắng ra như vậy. Nhưng tôi nghĩ lúc đó Trung Quốc đang vướng tay với cuộc Cách mạng Văn hóa chắc không nghĩ đến chuyện phiêu lưu ở nước ngoài.

Hôm nay tôi ngồi ở đây chứng tỏ cái căn bản dựa trên đó Hoa Kỳ đưa quân vào Đông Dương không còn giá trị nữa. Chúng tôi thừa hưởng một chính sách và bây giờ chúng tôi phải thanh lý thế nào để không ảnh hưởng đến vị thế của chúng tôi trên thế giới và sự ổn định trong nước. Chúng tôi thật tâm muốn chấm dứt cuộc chiến này. Và ông thủ tướng biết từ năm 1967 tôi đã mở đầu cuộc thương thuyết với Hà Nội. Và trước đây tôi đã nói với ông thủ tướng rằng chúng tôi quan niệm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một thực tế mạnh nhất tại bán đảo Đông Dương. Chúng tôi không có lợi gì làm tan vỡ hay đánh bại thực thể đó. Sau khi chúng tôi rút quân xong chúng tôi ở xa 12.000 dặm trong khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ cách Sài Gòn 300 dặm. Tôi không hiểu tại sao Hà Nội không thấy được sự việc đó.” (Trần Bình Nam: “Ôn cố tri tân”, www.danchu.net).

Số phận của thứ chủ nghĩa chống cộng thánh chiến do Mỹ hết sức chăm lo để “tiêm sinh lực” vào cái thực thể miền Nam do nó “sáng tạo ra” trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, với những lời lẽ của Kissinger vào 1972 như trên, đã lộ nguyên hình là một huyền thoại – và là một huyền thoại đã bị đập vỡ tan tành. Tôi tự hỏi cho đến hôm nay, để tranh cãi với một “cựu chiến binh cộng sản” (hình như “cựu” với Trần Văn Trạng có nghĩa là “không còn nữa” thì phải!), khi nhìn lại cái sự kiện đã xảy ra trên đất nước cách đây đã hơn nửa thế kỷ, trong tình thế cuộc Chiến tranh Lạnh ấy không còn tồn tại, chẳng lẽ ông Đinh Từ Thức lại chưa biết được điều đó hay sao?

Sài Gòn 14.9.2006

© 2006 talawas