Trước kia talawas có đề cập tới
một giải thưởng mang tên cố thi sĩ Bùi Giáng, tuy đã lâu nhưng chưa thấy thực thi, nay tôi xin được góp một vài ý kiến xung quanh dự kiến nêu trên.
Một giải thưởng mang tên một cá nhân thường dễ mang tính khuynh hướng liên quan đến cá nhân ấy. Nói vậy không có nghĩa là giải mang tên của tổ chức hoặc đoàn thể không mang tính khuynh hướng, thí dụ giải thưởng của Tự lực Văn đoàn mang tính khuynh hướng chung của Tự lực Văn đoàn, nhưng nếu giải thưởng này mang tên Nhất Linh chắc chắn sẽ khác.
Một tên tuổi lớn có thể mang tầm vóc bao trùm, nhưng tính khuynh hướng gắn với nó vẫn khó có thể rộng. Như giải thưởng mang tên Nobel chẳng hạn, vì lý do cá nhân nào đó (điều này đã được bàn nhiều) không có giải Nobel cho Toán hoặc Triết (hai "hạt cơ bản" tạo ra sự phụng hiến chung cho loài người).
Gần đây Tiền Vệ có trao giải hàng tháng cho tác phẩm xuất sắc trong tháng. Một giải thưởng như vậy dễ được trao và cũng dễ được chấp nhận hơn là giải mang tên một cá nhân nào -như Nguyễn Hưng Quốc chẳng hạn, vì rất có thể có những người viết không hài lòng với khuynh hướng của Nguyễn Hưng Quốc - tôi nói thí dụ thế. Nhưng “Giải Tiền Vệ" cho thấy khuynh hướng chung của một văn đàn, không thuần túy chỉ là chủ trương của Ban biên tập mà còn là sự đóng góp của nhiều tác giả có thể mang nhiều khuynh hướng khác nhau (ví như trăm hoa đua nở, như con gà cất tiếng gáy trong một khu rừng có nhiều gà đã, đang và sẽ cất tiếng gáy).
Với giải thưởng mang tên Bùi Giáng, tôi e rằng tính khuynh hướng hơi hẹp vì giọng thơ của Bùi Giáng không phải là tiêu biểu cho phong cách thơ ngày nay (ngay cả trong sự tìm kiếm cũng không ai chọn khuynh hướng đó nữa). Nếu là một giải để tưởng niệm hay hoài niệm những tư tưởng kiểu "chớp bể, mưa nguồn" hay tự do kiểu "cào cào, châu chấu" thì tôi e rằng như thế là "khiếm nhã" với những giá trị tự do, dân chủ mà cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng văn chương, thi ca và giới trí thức văn nghệ nói chung đang hướng tới.
Nói về khuynh hướng cá nhân, nếu giải thưởng thơ mang tên Bùi Giáng ra đời, sẽ rất "vô duyên" nếu nó được trao cho một số giọng thơ tiêu biểu đương đại. Thí dụ, nếu giải này được trao cho Nguyễn Quốc Chánh thì nó sẽ rất phản cảm vì giữa thi ca của Nguyễn Quốc Chánh và thi ca của Bùi Giáng hoàn toàn không có một "tiêu điểm" nào chung. Nhiều giọng thơ tự do "kiểu" Nguyễn Quốc Chánh rất "dị ứng" với thơ của Bùi Giáng. Nếu một giải thưởng mà ngay từ khi chưa trao đã có khuynh hướng loại bỏ những cây bút tiêu biểu đương thời thì giải thưởng ấy có còn cần thiết và tiêu biểu cho tinh thần mà cá nhân và thời đại ấy đang hướng tới không?
Với một giọng thơ tự do kiểu khác - là thi sĩ Phan Nhiên Hạo, tôi không dám chắc là ông có muốn nhận giải mang tên Bùi Giáng không (dĩ nhiên tôi không suy luận mà chỉ nêu "thí dụ như là".) Và xin trích một câu thơ của Phan Nhiên Hạo mà tôi thích, hình như câu này nằm trong bài thơ "Chuyến xe điện ở New York":
“Khi đã chán chường mùi hôi nách của nhau,
Tôi đi ra biển và xem những con còng gió chạy đua với chiếc bóng của chính mình"
Tôi rất muốn được "chế tạo" lại hai câu thơ trên như sau:
"Khi đã chán chường mùi hôi nách của nhau
Tôi đi ra biển và xem Nữ thần Tự do của nước Mỹ khỏa thân chạy đua cùng con ngựa trắng của Bin Laden"
Dĩ nhiên khi Phan Nhiên Hạo làm bài thơ trên thì chưa có vụ khủng bố ngày 11-9.
[1]
Có cần thiết phải cho ra đời một giải thưởng thơ mang tên Bùi Giáng (nếu giải này do thân tộc nhà thơ chủ trương thì tôi hoàn toàn không có ý kiến). Tại sao không là một giải thưởng thi ca hoặc văn chương mang tên talawas (Giống như Tiền Vệ hay Tự lực Văn đoàn với tính khuynh hướng rộng rãi và tiêu biểu hơn)?
Cá nhân tôi đề nghị một giải thưởng mang tên: "Văn chương Tự do"!
Bất kỳ cá nhân hoặc hội đoàn nào có những sáng tác hoặc hành động văn nghệ hướng tới tự do dân chủ đích thực đều xứng đáng được trao giải thưởng mang tên "Văn chương Tự do" này.
Khi tên gọi của giải là "Văn chương Tự do", ra đời nhằm hướng tới một "giá trị tinh thần cao quý", thì đồng thời nó giải quyết luôn "vấn nạn" tài chính. Không cần phải chạy vạy, xin xỏ tổ chức hoặc cá nhân nào tài trợ cho giải thưởng. Vì vật phẩm trao tặng cho cá nhân hoặc tổ chức được giải chỉ đơn giản là một phiên bản của tượng Nữ thần Tự do (thu nhỏ) được đúc bằng một thứ kim loại nào đó như bạc hoặc đồng? Trên đế tượng ghi tên cá nhân hoặc tổ chức được giải (giải xét hằng năm) và năm trao giải kèm theo “giấy công nhận" của talawas (nếu có thể thêm một tấm kỉ niệm chương để đeo thì càng tốt).
Ngoài những vật phẩm kể trên thì giải "Văn chương Tự do" hoàn toàn không kèm theo tiền bạc hay ngân phiếu. Vì tinh thần Tự do cần phải đứng trên mọi thị phi về vật chất. Hơn nữa trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, một giải văn chương kiểu trên là hoàn toàn cần thiết và nên sớm thực thi.
Người đầu tiên tôi đề cử cho giải "Văn chương Tự do" là nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh, người mà hơn hai mươi năm qua đã cố gắng (qua thi ca của mình) hướng tới một tinh thần thực sự Tự do và Dân chủ.
Tại sao giải thưởng lại là phiên bản thu nhỏ của bức tượng Nữ thần tự do của nước Mỹ?
Vì hình ảnh Nữ thần Tự do cầm ngọn đuốc đứng bên bờ đại dương là giá trị tiêu biểu mà lâu nay loài người hướng tới chứ không thuần túy là một sản phẩm"made in Hoa Kỳ".
Vì sau khi đã thất vọng với tinh thần cách mạng và tự do ở châu Âu, nhiều triết gia và tư tưởng gia hướng tới Hoa Kỳ như một "miền đất hứa" của tự do và dân chủ.
Trong tinh thần đó, ngay sau khi Hoa Kỳ tuyên bố độc lập, thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Anh, cha đẻ của tháp Eiffel đã tạc nên bức tượng Nữ thần Tự do và cho tàu chở sang Hoa Kỳ như quà tặng của nhân dân và cách mạng Pháp cho nền độc lập non trẻ và đầy hứa hẹn một tinh thần tự do khai phóng của Hoa Kỳ.
Cũng trong tinh thần hướng tới tự do và dân chủ kiểu biểu tượng mà thanh niên, sinh viên trong các đô thị miền Nam trước kia xuống đường tranh đấu cho những giá trị mà họ hằng mơ ước. Và hơn 2000 sinh viên Hàn Quốc đã ngã xuống trong cuộc biểu tình chống lại chế độ độc tài quân sự Phác Chung Hi tại Quang Du vào thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, nhằm mở đường cho một xã hội tự do dân chủ của nước Hàn Quốc mới như ngày nay. Cũng vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, hàng ngàn sinh viên Trung Quốc đã ngã xuống tại quảng trường Thiên An Môn của nước Trung Hoa cộng sản, trong tiếng súng nổ và tiếng nghiến của xích xe tăng, nhưng trước khi mãi mãi nằm xuống họ đã kịp gởi ước mơ vào biểu tượng Nữ thần Tự do mà họ đã chính tay đắp nên ngay trên quảng trường ấy. Ðó là ước mơ đời đời của những tinh thần tự do, của những Tuổi Trẻ bất diệt.
Trước những giấc mơ Tự do của loài người thì những cơn mơ kiểu "chớp bể, mưa nguồn", cơn mơ kiểu "cào cào, châu chấu" của thi sĩ Bùi Giáng có lẽ cuối cùng chỉ là trò "cát bụi" vô vi...
Sài Gòn 28 tháng 09 năm 2006
© 2006 talawas
[1]Tôi xin lỗi tác giả vì sự trích dẫn theo trí nhớ của tôi có thể thiếu chính xác.