trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
9.10.2006
Lữ Phương
Vài lời nói lại với ông Hoà Nguyễn
 
Trong bài “Vài lời trao đổi với ông Lữ Phương” (talawas 3-10-2006), tác giả Hoà Nguyễn cho rằng “ông Lữ Phương không bác bỏ được, ít ra bằng lập luận rõ ràng, thuyết phục, các lý lẽ ông Đinh Từ Thức đưa ra là miền Bắc đã không tôn trọng hiệp định Genève, hay đúng hơn cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam đều không tôn trọng hiệp định này, và miền Nam không bội ước vì không hề ký kết giao ước về việc tổ chức tổng tuyển cử để quyết định chế độ chính trị (duy nhất) trên phạm vi cả nước”.

Những ai đã đọc kỹ ý kiến của tôi đều thấy rất rõ cái khía cạnh của vấn đề mà tôi đặt ra để thảo luận với bài viết của ông Đinh Từ Thức không phải là như vậy: không phải là miền Nam hay là miền Bắc bội ước Hiệp định Genève, cũng không phải là vấn đề miền Bắc có “ý đồ” dùng võ lực để giải phóng miền Nam hay không mà vấn đề là miền Bắc có toan tính dùng võ lực để thôn tính miền Nam ngay khi Hiệp định Genève vừa ký kết xong (với sự lén lút quay về của Lê Duẩn khi tập kết ra Bắc) như ông Đinh Từ Thức đã lập luận hay không.

Tôi cho rằng ngay từ khởi điểm, cách đặt vấn đề kiểu “ông nói gà, bà nói vịt” như vậy là rất khó trao đổi, nếu không nói là không thể nào trao đổi được.

Ông Hoà Nguyễn đã cố tình bẻ quặt vấn đề cần thảo luận sang một chiều hướng khác để có thể kể với tôi về cái gọi là “câu chuyện cũ về lịch sử” theo một kịch bản chính trị đã được ông trình bày như một cuộc độc thoại nội tâm hoàn toàn xa lạ với tinh thần nghiên cứu, khách quan, có dựa vào tư liệu thực tế để biện luận. Tôi mong ông hiểu rằng bài thuyết minh ấy chỉ có ý nghĩa với ông thôi. Còn với tôi thì nó lại chứa đựng rất nhiều khẳng định chủ quan, suy diễn, có thể phản bác dễ dàng bằng tài liệu, nhưng ở đây tôi không muốn làm việc ấy, chỉ với lý do đơn giản như đã nói ở trên: tất cả đều lạc đề, cho nên không cần lao vào tranh cãi, chỉ làm mất thêm năng lượng và thì giờ. [1]

Nếu có gì đáng được tôi quan tâm trong điều ông gọi là “câu chuyện cũ về lịch sử” của ông thì đó là việc ông đã vài lần đụng chạm đến bản thân tôi, không phải ở bên trong mà là ở bên ngoài vấn đề đang bàn cãi: từng chặp từng chặp ông đã lôi sự dấn thân chính trị một thời trong quá khứ của tôi vào đó (không biết qua nguồn thông tin nào) với một thái độ thù địch không giấu giếm. Điều này chẳng đã bộc lộ khá rõ rệt trong câu ông viết sau đây hay sao: “Khi không sử dụng được các thế mạnh chính trị, ngoại giao để buộc miền Nam phải chấp nhận tổng tuyển cử, miền Bắc đã ra lệnh cho các cán bộ còn lại trong Nam "đồng khởi" qua Mặt trận mà về sau ông Lữ Phương tham gia, và đưa cán bộ, quân chính quy từ miền Bắc vào, mở đầu cho cuộc chiến khốc liệt, lâu dài”?

Chú ý đến chuyện đó, tôi không thấy cần phải giãi bày với ông lúc nào và với lý do nào tôi tham gia “Mặt trận” và cũng với lý do nào, vào lúc nào tôi từ giã “Mặt trận” (và đã làm gì bấy lâu khi từ giã cái gọi là “Mặt trận” ấy), nhưng chỉ muốn bày tỏ sự nghi ngờ về tính chất nghiêm chỉnh trong cái cung cách gọi là “trao đổi” của ông thôi. Nói thật, tôi không cho đó là sự trao đổi có tác dụng làm sáng tỏ một vấn đề đã trở thành lịch sử mà chỉ là dịp để ông phô diễn lập trường chính trị một cách hằn học với những gì ông cho là không phù hợp với những xác tín trước sau của mình về chủ nghĩa cộng sản. Tôi hiểu tại sao những điểm cốt yếu trong bài viết của tôi, với chủ đề “Đàng sau một câu trả lời…”, nói về quan điểm chống cộng cực đoan của ông Đinh Từ Thức lại chẳng hề được ông chú ý thảo luận, vì thế tôi cho rằng những điểm cốt yếu đó nay vẫn còn nguyên ý nghĩa với ông. Nếu ông muốn tiếp tục trao đổi thì hãy trao đổi về điều đó trước hết.

Chuyện các tài liệu tôi viện dẫn được ông nhắc đến, theo tôi, cũng chỉ với tinh thần nói trên của ông và vẫn có tác dụng như vậy: chỉ đủ để ông tiếp tục bộc lộ lập trường chính trị chủ quan đặc biệt của mình, mỗi khi có dịp. Thú thật với ông, khi đọc những gì ông viết về việc nhà văn Nhất Linh uống thuốc độc tự sát với những dòng sau đây, tôi không hiểu rõ ý ông là gì: “đối với luật pháp thời đó, khi thất bại Nhất Linh không nói mình vô tội, nhưng ông chỉ không thể chịu được chuyện người khác kết án mình vì hành động ông cho là đáng”? Chẳng lẽ theo ông thì nhà văn Nhất Linh đã nhận là mình có tội vì đã chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng chỉ vì không muốn bị người khác xử nên đã tự xử?

Phải chăng qua thí dụ này ông muốn biện hộ cho sự chính đáng của đường lối “độc tài” (mà ông cũng thừa nhận) của chế độ Ngô Đình Diệm trong việc trấn áp và giết hại những đối thủ không cộng sản của mình? Nhưng giả sử (giả sử thôi) trường hợp Nhất Linh là đúng đi nữa thì đâu phải vì đó mà ông có thể coi như là không có, không đáng kể cả một phong trào chống đối đồng tính chất dấy lên mạnh mẽ trong những năm 1959-1960, tiếp diễn sau đó một cách cực kỳ căng thẳng với phong trào Phật giáo, cuối cùng tạo ra hợp lực đưa đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm trong cuộc đảo chính 1963? Chẳng lẽ ông muốn khẳng định dứt khoát rằng những mâu thuẫn, thối nát của chế độ Ngô Đình Diệm đã không góp phần gì vào sự nổi dậy của cộng sản như tình báo Mỹ đã báo cáo và được khẳng định trong Hồ sơ mật của Ngũ Giác đài?

Việc ông khuyên tôi không nên “sử dụng cái chết của Thích Quảng Đức và Nhất Chi Mai” để biện minh cho hoạt động của mình chống lại chính quyền miền Nam thời đó – vì cho rằng hai người này đã chết vì niềm tin tôn giáo riêng của họ không cùng đường với tôi – thật sự chỉ là một thứ lập luận hết sức giả tạo và bè phái. Nếu tôi nói với ông rằng trước tôi và nhiều bạn bè hồi đó đã qua con đường đấu tranh của phong trào Phật giáo mà đến với phong trào cộng sản thì chẳng lẽ ông cho là không thể được? Và với những thanh niên trí thức khởi đầu chẳng biết cộng sản là gì nhưng qua cái chết của Nhất Chi Mai (người theo gương mục sư Morisson tự thiêu) – tất nhiên không một mình Nhất Chi Mai là đủ – để phản đối cuộc chiến tranh huỷ diệt của Mỹ ở Việt Nam, đã dần dà xáp lại gần rồi đi đến chỗ cùng hành động chung với những người cộng sản đòi Mỹ rút quân khỏi đất nước, chẳng lẽ ông cho rằng điều đó không phải là một thực tế và do đó không thể viện dẫn như chứng liệu của một thời?

Hiển nhiên trước những câu hỏi ấy ông vẫn có thể đưa ra lý do này nọ để trả lời. Nhưng về việc ông tỏ ra là một nhà nghiên cứu uyên bác để phê bình việc tôi sử dụng tài liệu thì cho tôi được bày tỏ sự nghi ngờ không dè dặt. Ông cho rằng vì tôi “chỉ lấy từ các tài liệu của Ngũ Giác đài, hay Bộ Ngoại giao Mỹ là những cơ quan thừa hành, thực hiện theo chức năng đã định cho các sách lược do tòa Bạch ốc đề ra về cuộc chiến ở Việt Nam” cho nên những tài liệu mà tôi sử dụng đó làkhông có giá trị bao nhiêu”, từ đó ông đưa ra lời khuyên nên “sử dụng các tài liệu cho thấy nhiều đời tổng thống Mỹ, từ Truman đến Nixon (từ 1949 đến 1973) đã có chính sách gần như nhất quán về Việt Nam và Đông Dương để dễ thuyết phục hơn khi nói về bản chất của cuộc chiến Việt Nam trong suy tính của người Mỹ (như Mỹ có chủ trương "xâm lược" Việt Nam hay không). Tôi không hề khước từ lời khuyên phải tìm đọc thêm nhiều tài liệu khác để hiểu rõ thêm “câu chuyện về lịch sử” đã qua của ông, nhưng riêng về việc nói trên thì tôi xin được nói thẳng với ông rằng những nhận định ấy của ông, xét về mặt nghiên cứu, là quá chủ quan và liều lĩnh.

Tôi dám khẳng định điều đó là vì tôi đoán chừng có lẽ ông chưa rờ tới cái cuốn sách mang nội dung Hồ sơ mật của Bộ Quốc phòng Mỹ mà tôi đã sử dụng trong bài tranh luận với ông Đinh Từ Thức. Nếu trực tiếp lật vào bên trong cuốn sách dày 677 trang đó, ông sẽ thấy sự liều lĩnh của ông là như thế nào: tuy chủ yếu dựa vào kho tài liệu của Bộ Quốc phòng để viết nên Hồ sơ mật, nhưng (như Heindrich Smith đã viết trong lời tựa của cuốn sách) trong cái kho tài liệu của Bộ Quốc phòng ấy vẫn có vô số những tài liệu tràn về từ Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Cục Tình báo Trung ương, Bộ Tham mưu liên quân… tuy còn thiếu sót nhiều mảng, nhưng vẫn đủ tin cậy để dựng lại toàn bộ đường lối can thiệp của Mỹ vào Việt Nam từ 1950 đến bấy giờ (giữa năm 1967), đặc biệt nhất là thời kỳ Mỹ bắt dầu dính líu đến Đông Dương.

Có một điều cần nói thêm về Hồ sơ này. Những gì tôi biết được về nó là qua cuốn sách mang tên The Pentagon Papers, do The New York Times sưu tập, bình luận (kèm theo một số tài liệu nội bộ chủ yếu của các cơ quan trực thuộc Nhà nước Mỹ, liên quan đến vấn đề), xuất bản dưới hình thức phổ thông bìa mỏng vào tháng 7-1971 [2] . Tất nhiên dưới hình thức xuất hiện này, nội dung cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, dù đã hiện ra với những nét chính yếu nhưng vẫn còn thiếu sót. Tuy vậy, những ai quan tâm đến tư liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam đều biết rằng sự thiếu sót ấy ban đầu của Hồ sơ ấy đã được khắc phục bằng sự đăng tải toàn bộ nội dung của nó trong những năm sau đó (bây giờ có thể tìm thấy trên mạng toàn cầu). Đề nghị ông hãy tìm đọc đầy đủ để thấy cần thận trọng hơn.

Còn nhiều sai lầm khác trong bài viết của ông, có thể kể thêm để bổ sung cho “vài lời nói lại” này, nhưng thiết tưởng bao nhiều đó cũng tạm đủ rồi. Nếu ông muốn tiếp tục thì tôi sẽ chiều ý ông bàn luận thêm. Chỉ với một vài đề nghị tiên khởi. Trước hết đề nghị ông chú ý bám sát khía cạnh của vấn đề đặt ra để tránh bớt lạc đề đi một chút! Thứ nữa, ông hãy dằn bớt sự hằn học quá đáng với những người cộng sản (nhất là mấy ông “cựu” chiến binh) để nhìn lại những chuyện đã qua một cách nhiều mặt hơn, thanh thản hơn – bây giờ tình thế đã khác xưa lắm rồi. Cuối cùng, đề nghị ông tỏ ra chính xác hơn trong vấn đề tư liệu để tránh được chừng nào hay chừng đó những sai lầm sơ đẳng trong những trao đổi mà chúng ta đều mong muốn được gọi là nghiêm chỉnh, dù cách nhìn khác nhau, vẫn có thể mang lại bổ ích cho hai bên – quan trọng hơn nữa – cho những người đọc không đứng về bên nào cả.

Sài Gòn 5.10.2006

© 2006 talawas



[1]Cách lập luận của ông Hoà Nguyễn làm tôi liên tưởng đến một khái niệm được ông Phạm Quang Tuấn gọi là "luận cứ người rơm" (strawman arguments ) bị giới nghiên cứu phương Tây xem là “thủ đoạn thông thường nhất của những người tranh luận kém cỏi”, “không ‘đánh’ thẳng vào luận lý của đối thủ mà làm một người nộm thay thế rồi đánh vào đó cho... chắc ăn”. Xem Phạm Quang Tuấn, “Alexandre de Rhodes: Tổng kết và trả lời ông Bùi Kha” (talawas 22-5-2006).
[2]Xin được dẫn lại một chú thích về tài liệu mật này trong một bài viết của tôi mang tên “Chiến tranh Việt Nam: Chủ quyền quốc gia, xung đột ý thức hệ và hoà giải dân tộc” (talawas 30-5-2005): “The Pentagon Papers do Bentam Books xuất bản năm 1971 theo bản của The New York Times. Đây là công trình của 36 tác giả giấu tên (do Mc. Namara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ thời Johnson chỉ thị thực hiện), đa số là nhân viên dân sự và quân sự trong trong chính quyền Mỹ, khởi đầu từ giữa 1967, mất một năm rưỡi mới xong và mang tên là Lịch sử tiến trình tạo lập và quyết định của Hoa Kỳ về chính sách Việt Nam, dài hơn 7000 trang, gần một triệu rưỡi chữ về phần kí sự lịch sử cộng thêm một triệu rưỡi chữ tài liệu. Phúc trình đã vạch rõ chính sách của Hoa Kỳ với Đông Nam Á từ những lời tuyên bố của Tổng thống Roosevelt tới giai đoạn khai diễn cuộc hoà đàm về Việt Nam vào mùa hè 1968. Hồ sơ bí mật này đã bị Daniel Ellsberg, một nguời góp phần soạn thảo, tiết lộ, được The New York Times, The Times, The Washington Post thay nhau đăng tải vào khoảng giữa tháng 6-1971. Nhà thơ Diễm Châu (lúc bấy giờ cũng có bút hiệu Võ Hồng Ngự) của tạp chí Trình bày ở Sài Gòn đã dịch một phần (từ thời Truman, sau lá bài Bảo Đại cho đến thời Kennnedy, sau khi Diệm đổ), đăng liên tục từ số 26 tháng 8-1971 đến số tháng 9-1972. Đây là một tài liệu phải có cho bất cứ ai muốn nghiên cứu về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.”
[Ghi chú thêm: có tin cho biết Daniel Ellsberg (sinh năm 1931), người tiết lộ Hồ sơ mật của Ngũ giác đài cho báo chí Mỹ năm 1971, đã được Hội đồng giải thưởng Alternative Nobel của Thụy Điển ngày 28-9-2006 quyết định trao giải này cho ông, với lý do Daniel là người “đã chấp nhận những rủi ro đáng kể để đặt sự thật và hoà bình lên trên hết và đã cống hiến đời mình tạo ra nguồn cảm hứng để người khác noi theo” (Xem http://www.ellsberg.net/)].