trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
2.11.2006
Tạ Văn Tài
Hai mươi năm cải tổ kinh tế và luật pháp ở Việt Nam
(Bài tham luận bằng tiếng Anh của luật sư Tạ Văn Tài trình bày trước Hội đồng Quan hệ Ngoại giao - Council on Foreign Relations - tại New York City ngày 21 tháng 3 năm 2006. Bản tiếng Việt do ông Ngô Văn Ban sơ thảo và luật sư Tài hiệu đính.)
 
Lời dẫn

Ngày 21 tháng 3 năm 2006, ở New York, tại Council on Foreign Relations, một diễn đàn hàng đầu về các vấn đề ngoại giao của Mỹ, luật sư Tạ Văn Tài, nguyên giáo sư các Đại học Luật và Trường Quốc gia Hành chánh Việt Nam trước 1975 và nguyên giảng sư/nhân viên nghiên cứu trường Đại học Luật Harvard, đã trình bày một cái nhìn tổng quan về các cải tổ kinh tế và luật pháp tại Việt Nam trong 20 năm qua, trong một ban hội thảo gồm có Giáo sư Jerome Cohen của Đại học Luật New York là chủ toạ, với hai thuyết trình viên khác là Giáo sư Brian Quinn, Đại học Luật Stanford, và Giáo sư Mark Sidel, Đại học Luật Iowa.

Sau buổi thảo luận này tại New York vào tháng 3. 2006, các thay đổi trong tháng 4 năm 2006 của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam chứng tỏ Đảng chưa chấp nhận một tiến trình dân chủ ngay trong hàng ngũ đảng viên, dù nhiều người Việt Nam thuộc nhiều giai tầng xã hội khác nhau, đặc biệt nhiều viên chức cao cấp đã về hưu (trong đó có cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã kêu gọi dân chủ hoá trên báo chí: con số ứng cử viên vào Ban Chấp hành Trung ương được đề cử và giới thiệu cho Đại hội chấp thuận bầu vào ngày 24 tháng 4. 2006 chỉ hơn nhân số cần được bầu chừng 10%. Điều đó cho thấy ngay trong Đảng chưa có cạnh tranh thực sự trong một cuộc bầu cử đích thực; những người sẽ làm Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã được Bộ Chính trị hay Ban Tổ chức Trung ương quyết định trước và được tiết lộ cho báo giới, rõ ràng Đảng không quan tâm đến tiến trình hiến định là những chức vụ này phải được bầu lên trong một phiên họp Quốc hội, cuộc bầu đó chưa xảy ra mà kết quả đã định sẵn. Nhưng trào lưu dân chủ trong lòng dân tộc Việt Nam tại quốc nội cũng như hải ngoại không ai ngăn cản nổi, như đã thấy rõ qua sự xuất hiện gần đây của những nhóm người can đảm trong nước, nhất là trong giới trẻ, đứng lên đưa ra những tuyên ngôn và tập hợp lại để đòi tự do ngôn luận, nhân quyền nói chung, và dân chủ cho cả dân tộc - mà người Việt hải ngoại cũng đã biểu dương sự ủng hộ.

Riêng về caỉ tổ luật pháp để thoả mãn các đòi hỏi về pháp trị (theo đúng các tiêu chuẩn luật thương mại quốc tế) của Hoa Kỳ trong diễn tiến thi hành Thoả ước Thương mại Mỹ-Việt, và của các hội viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong diễn trình đàm phán đa phương, thì Việt Nam đã cố gắng tối đa -như liệt kê trong bài thuyết trình này - để vượt nhiều khó khăn, và có lẽ Việt Nam sẽ sớm có được quy chế thương mại bình thường (normal trade relations) với Hoa Kỳ, và sẽ được Đại hội Đồng WTO chấp nhận cho gia nhập vào đầu tháng 11.2006.

Bài tham luận dưới đây tóm lược nhiều cải cách khác nhau cùng với bối cảnh ở Việt Nam cũng như những nhận xét phê bình để cống hiến cho độc giả, trong nước cũng như hải ngoại, hay quốc tế.

Báo Pháp luật và Đời sống (Houston) là tờ báo đầu tiên đã giới thiệu bài của Giáo sư Tạ Văn Tài đến độc giả và Hội Ái hữu Luật khoa Sài Gòn và tất cả các cựu sinh viên Luật khoa Việt Nam.

Chúng tôi đăng tải bài thuyết trình này để rộng đường dư luận.


*


Hôm nay, hiện diện trước quý vị là một đội ngũ những vị chuyên gia giỏi mà tôi đã may mắn được gặp trong sinh hoạt nghề nghiệp kể từ khi tôi đến Mỹ như một người tị nạn sau biến cố 1975.

Thứ nhất, tôi được gặp Giáo sư Brian Quinn nhiều năm trước đây, khi ông đang theo học tại Đại học Harvard trong nhóm các sinh viên hậu đại học từ Việt Nam sang, sau khi chính phủ Mỹ bỏ cấm vận năm 1994. GS Brian cùng với nhóm này đã trở lại Việt Nam để làm việc trong một tập thể, mà lúc đó chúng tôi gọi đùa là nhóm Harvard mafia, tựa như nhóm Berkeley mafia ở Indonesia gồm các sinh viên từ Đại học Berkeley, California. Tôi được nghe nhiều về các công việc ông làm tại Việt Nam và coi ông là một nhân chứng đáng tin cậy về các cải cách kinh tế và luật pháp ở Việt Nam.

Tiếp theo là Giáo sư Mark Sidel, nguời mà tôi đã có dịp cùng tham gia trong Hội nghị Việt Mỹ Thường niên của Viện Aspen Institute, năm 1993 họp tại Hawaii, để bàn luận tìm cách tháo bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ Việt Mỹ, mà một biện pháp là gửi một điện văn cho Tổng thống Clinton. Tôi ở trong phái đoàn Mỹ, và tôi biện luận rằng trong diễn tiến thực hiện các cuộc cải cách kinh tế và luật pháp trong thời kỳ Đổi mới tại Việt Nam, nếu người Mỹ bỏ cấm vận và trở lại Việt Nam như những người hỗ trợ cho những biện pháp cải tổ, xây dựng trường học, bệnh viện, nâng cao mức sống người dân v.v... thì họ sẽ có thể chiến thắng trong hoà bình và có thể quên đi chiến tranh Việt Nam và các hội chứng đi kèm vì họ đã góp phần để người Việt Nam thực hiện được những lý tưởng được Hồ Chí Minh long trọng phát biểu trong “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945, mà nhiều đoạn đã trích từ “Tuyên ngôn Độc lập” của Hoa Kỳ, như: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hoá đã ban cho họ những quyền không thể bị tước bỏ, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Mai đã lên phát biểu, nói rằng ông cảm kích vì vừa rồi có người đã đặt đúng trọng tâm vấn đề. Mark Sidel và tôi đã chứng kiến những cố gắng chung này để bỏ cấm vận (Tổng thống Clinton đã tuyên bố biện pháp này vài tháng sau đó trong năm 1994) và tiến tới bình thường hoá bang giao Việt Mỹ vào năm sau, 1995, những điều đó đã giúp rất nhiều cho việc cải tổ kinh tế và luật pháp tại Việt Nam.

Người thứ ba là Giáo sư Jerome Cohen, người đã giúp tôi, một trí thức di cư lỡ vận, thăng tiến nghề nghiệp kể từ khi chân ướt chân ráo đến Mỹ năm 1975. Ông đã phát khởi hai dự án nghiên cứu lớn của tôi về luật pháp Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu Luật pháp Đông Á của Đai học Luật Harvard mà ông sáng lập từ đầu thập niên 1960 và đã phát triển tốt đẹp. Năm 1990, ông mời tôi cùng ông viết quyển sách đầu tiên về Luật đầu tư ở Việt Nam, tập sách mỏng nhưng là quyển đầu tiên tại thế giới Tây phương về khởi đầu cải tổ luật pháp ở Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới bắt đầu từ 1986. Tập sách đã bị vượt qua bởi sự phát triển luật pháp nhanh đến chóng mặt ở Việt Nam, nhưng tôi thiết nghĩ GS Cohen, chuyên viên lỗi lạc về luật pháp Trung Quốc, có thể đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc liên tục cải tổ luật pháp ở Việt Nam, bởi vì nếu ông đến Việt Nam và tuyên bố: “Đây là cách người Trung Quốc đang làm trong lãnh vực luật pháp”, tôi tin chắc nhiều viên chức có thẩm quyền của Việt Nam sẽ rất chú tâm nghe, vì Việt Nam vẫn thường bắt chước đàn anh lớn cộng sản Trung Quốc. Thí dụ, Trung Quốc bắt đầu chính sách Mở cửa (Open Door) thì Việt Nam theo sau với Đổi mới (Renovation), Trung Quốc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân thì liền sau đó Việt Nam cũng làm như vậỵ. Tôi có đùa với GS Cohen là nếu ông đến Việt Nam để thuyết trình về những cải tổ kinh tế và luật pháp ở Trung Quốc, thì cũng giống như ông mang theo một cái gậy lớn ở sau lưng, như Tổng thống Theodore Roosevelt vậy, vì mỗi lời ông nói rất có trọng lượng, dù ông có nói rất nhỏ nhẹ đi chăng nữa để thôi thúc cải tổ.

Để bổ túc vào phần trình bày của GS Quinn và Sidel, và trong khi chờ đợi sự thảo luận cuả Giáo sư chủ toạ Jerome Cohen, tôi muốn thêm những nhận xét trong 4 phần sau về những cải tổ kinh tế và luật pháp ở Việt Nam sau Đổi mới từ 1986:


1. Những cải tổ ở Việt Nam diễn ra chậm chạp vì thiếu “một Đặng Tiểu Bình Việt Nam” trong đám lãnh tụ già cả lớp cũ, họ chỉ miễn cưỡng cải cách khi kinh tế Việt Nam gần như phá sản vào đầu thập niên 1980.

Trong 10 năm hối hả tiến lên chủ nghĩa xã hội từ 1975 đến 1985, tất cả các nhà lãnh đạo của Việt Nam lúc đó, những người cả đời đã đấu tranh cho chủ nghĩa Mác-Lê, luôn trừng phạt nặng nề những đối thủ của họ và luôn theo tập thể lãnh đạo, đều chậm chạp trong các quyết định theo phương thức đồng thuận hoặc thoả hiệp, và vì thế, như Quinn nói, họ rút cục theo đuôi sáng kiến đổi mới của dân chúng trong các thí nghiệm “xé rào” của dân. Việt Nam không có một Đặng Tiểu Bình, một nguời lãnh đạo vượt trội, để dứt khoát quyết định thay đổi chính sách và tuyên bố: “Mèo trắng hay mèo đen đều tốt, miễn bắt được chuột” hoặc “Làm giầu là vinh quang”. Mãi đến khi các lãnh đạo nhận thức được mối hiểm nguy, như một trong số họ là Trường Chinh nói: “Đổi mới hay là chết”, thì Đại hội Đảng năm 1986 mới thừa nhận các sai lầm và quyết định Đổi mới. Vào lúc đó, tình trạng bị quốc tế cô lập và khó khăn kinh tế như nạn lạm phát đến 700% và ngân quỹ bị thâm thủng nặng nề, đã được coi là nghiêm trọng, theo sự đánh giá của người cực kỳ bảo thủ là Lê Đức Thọ (người đối tác với Kissinger trong Hội nghị Paris 1973), trong tạp chí Cộng sản. Năm 1987, tờ nhật báo Nhân dân đã quy trách cho lãnh đạo về sự tập quyền hành chánh thiếu khả năng.

Một khi các cải tổ kinh tế được chấp nhận, các lãnh đạo đã nhận thức đươc phải cải tổ luật pháp song hành với cải tổ kinh tế, để ngăn chặn các đảng viên cấp dưới làm trì trệ tiến trình cải tổ.

Tuy vậy, vì lãnh đạo miễn cưỡng cải tổ, nên cũng có nhiều chao đảo. Năm 1989, sau khi hệ thống cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ cùng với cuộc khủng hoảng ở Thiên An Môn bên Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cảnh cáo báo chí đừng viết các bài xã luận làm mất niềm tin vào Đảng và Chính phủ hoặc đề cập đến dân chủ đa nguyên. Trong khi một số lãnh đạo như Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách cổ võ cho việc cởi trói song hành cả chính trị lẫn kinh tế, thì những người bảo thủ trong Đảng đã lo lắng là cải tổ kinh tế có thể làm xói mòn uy tín độc quyền lãnh đạo của Đảng, nên họ đã cấm Câu lạc bộ Kháng chiến hoạt động. Nhưng rồi năm 1991, khi Đại hội Đảng lần thứ 7 diễn ra, thì Lê Đức Thọ mất. Sau chuyến thăm Liên Xô, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười nhận thức được là sẽ không thể nhận được sự giúp đỡ nào từ phía Đảng Cộng sản Liên Xô vì chính bản thân Liên Xô cũng đang gặp nhiều khó khăn. Bộ Chính trị tái phối trí (6 thành viên già nua về hưu) theo chiều hướng thuận lợi cho những người có đầu óc cải tổ (Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Võ Trần Chí), tuy rằng vẫn chỉ là cải tổ kinh tế mà không có đa nguyên chính trị.

Nhưng có nhiều lợi ích kinh tế do chính sách Đổi mới từ 1986 đến nay, như số thu do xuất cảng đã gia tăng từ việc xuất khẩu dầu thô, nông sản và sau này, cả các sản phẩm kỹ nghệ ra thế giới bên ngoài; đặc biệt là thị trường Mỹ sau khi Thoả ước Thương mại song phương Mỹ-Việt được ký kết. Không còn có thể đi ngược lại chính sách cải tổ kinh tế theo định hướng thị trường nữa. Một phụ tá của ông Võ Trần Chí, Uỷ viên Bộ Chính trị, đã nói với tôi khi tâm sự trong một bữa ăn: “Ông Tài này, Việt Nam không còn cộng sản nữa đâu”. Khi đảng viên cộng sản ở Việt Nam được phép kinh doanh tư nhân như bên Trung Quốc và trở thành chủ sở hữu của các công cụ sản xuất lớn, thì chủ thuyết Mác-Lê đã hay sẽ mệnh một ở Việt Nam. Ngay cả thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam đối với kiều bào hải ngoại, trước kia vốn bị coi như đội quân bại trận hoặc thành phần đĩ điếm, ma cô, thì nay càng ngày càng hoà hoãn hơn: chế độ gọi người Việt hải ngoại là “Khúc ruột ngoài ngàn dặm”, bởi vì họ đóng góp hàng năm từ 3 đến 4 tỷ Mỹ kim qua đầu tư hoặc gửi về cho thân nhân, trong khi tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam chỉ khoảng 12 tỷ Mỹ kim.


2. Khởi đầu, mục đích chủ yếu của cải cách kinh tế là nhằm đáp ứng đòi hỏi của những đối tác quốc tế hầu gia tăng viện trợ phát triển của các chính phủ, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và giao dịch ngoại thương. Do đó Việt Nam sẵn sàng chấp nhận các trợ giúp quốc tế về luật pháp từ mọi phía, để từ đó xây dựng một nền pháp trị cần cho phát triển kinh tế và giao dịch thương mại quốc tế trong thời đại toàn cầu hoá.

Nếu các mục đích vừa nói trong tiểu đề trên là các mục đích chính của cải cách kinh tế thì Việt Nam phải tỏ cho thế giới bên ngoài rằng đây là đất nước có pháp trị - Rule of Law (hay ít ra là cai trị bằng luật pháp - Rule by Law) chứ không phải là được cai trị độc đoán.

Hiến pháp 1992 ghi rõ: Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và là một lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội (không còn là “lực lượng duy nhất lãnh đạo xã hội” như trước đây). Hiến pháp bảo đảm các đầu tư ngoại quốc không bị quốc hữu hóa.

Đạo luật đầu tiên khích lệ đầu tư ngoại quốc được ban hành năm 1987.

Sau đó, nói rộng ra, về phương diện luật quốc tế lẫn luật quốc nội, chế độ muốn chứng tỏ là có một nền pháp trị: mặc dù nghị quyết của Đảng vẫn là nguồn gốc của chính sách và luật lệ (nghị quyết dẫn tới luật lệ), tôn chỉ mới của giai đoạn này là văn bản lập pháp của Quốc hội (luật) hay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (pháp lệnh) và những văn bản thi hành của hành pháp (nghị định của Thủ tướng hay các Bộ truởng, hay thông tư của chính quyền trung ương hay các tỉnh) là các nhân tố căn bản của các đổi mới kinh tế.

Các trường luật mới được xây dựng thêm với số sinh viên ghi danh đông gấp mười lần và vai trò của luật sư có nhiều ý nghĩa hơn, đồng thời các thẩm phán và nhân viên công tố được đào tạo chuyên nghiệp hơn.

Đã có tiến triển phần nào trong việc đi từ quan niệm coi luật là phương tiện, tức là “cai trị bằng luật”, tới quan niệm pháp trị, tức pháp luật ngự trị trên mọi người. Luật lệ được soạn đầy đủ hơn trong nhiều lãnh vực: luật hiến pháp, luật hành chánh (thí dụ: luật báo chí, luật về nghề luật sư), luật dân sự (bộ luật 1995) và luật gia đình (1986), bộ luật tố tụng dân sự (1989, tu chính gần đây), bộ luật hình sự (1985), bộ luật tố tụng hình sự (1988, tu chính 2004), bộ luật thương mại, các luật kinh tế và tài chánh (luật công ty, thuế khoá, ngân hàng, bảo hiểm, phá sản), luật đất đai (1987, tu chính 1993), bộ luật lao động (1994), luật ngoại thưong (xuất nhập khẩu, luật hàng hải, hối đoái), luật đầu tư (tổng quát về đầu tư, luật dầu hoả và khí đốt, khoáng sản, đánh cá, lâm sản, hàng không). Lãnh vực kinh tế đối ngoại là phần quan trọng đặc biệt trong chương trình cải tổ luật pháp. Cũng vì những cải tổ này, Ngân hàng Thế giới đã khen ngợi Việt Nam làm mau hơn Trung Quốc. Bản dịch của hầu hết luật lệ về đầu tư và ngoại thương được một công ty luật của Úc thực hiện gồm 7 bộ sách đồ sộ, đủ làm cho một người nhìn thấy chóng mặt, chưa nói chi đến đọc chúng.

Việc cải tổ luật pháp này đươc sự trợ giúp của nhiều cơ quan đa quốc gia chuyên về trợ giúp pháp luật, hoặc các chính phủ ngoại quốc hay các tổ chức đa phương. Mục đích chung của các nước song phương tài trợ, như Thụy Điển, Đan Mạch, Canada, Pháp (một hoạt động là lập “Ngôi nhà Luật /Maison de Droit” tại Trường Luật Hà Nội, hy vọng Việt Nam trở lại với hệ thống luật của Pháp), Úc, Nhật (ít hơn nước khác), Mỹ (bắt đầu ít, nhưng nay là quốc gia tài trợ nhiều sau Thoả ước Thương mại Mỹ-Việt - xem dưới đây) là : cổ võ quan hệ ngoại thương và đầu tư vào nền kinh tế thị trường mới mẻ tại Việt Nam, và tăng cường tính chuyên nghiệp của các luật sư Việt Nam qua việc huấn luyện kỹ năng nghề luật, đồng thời tránh các đề tài chính trị nhạy cảm như nhân quyền, dân chủ - với hy vọng là chính phủ nước mình sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn ở Việt Nam. Bên cạnh đó còn nhiều chương trình của các quỹ tặng lập (foundations) của tư nhân từ Mỹ (Asia, Ford), các đại học (Harvard với Chương trình Việt Nam về kinh tế, British Columbia, State University of New York/Buffalo), và các tổ chức phi chính phủ (như US-Vietnam Trade Council). Tuy nhiên chính phủ Việt Nam thích các chương trình đa quốc gia như Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UN Development Program - UNDP) (có chương trình “Củng cố khả năng luật pháp của Việt Nam” - hoạch định một khung cảnh pháp luật cho phát triển, huấn luyện luật sư và các viên chức lo về luật, họ cố vấn cho chính quyền về soạn thảo văn bản luật và lập hệ thống thông tin và huấn luyện cả sinh viên), Ngân hàng Thế giới (cải cách luật sở hữu tài sản, luật thương mại, luật tài chánh, đầu tư ngoại quốc và giải quyết tranh chấp) và Ngân hàng Phát triển Á châu (cổ phần hoá xí nghiệp quốc doanh, tu nghiệp về luật cho các luật sư), vì mang tính trung lập về chính trị hơn. Một viên chức của UNDP cho biết: “Việt Nam không tiếp nhận những quan niệm áp đặt từ bên ngoài. Vấn đề sẽ hoàn toàn bế tắc nếu Đảng Cộng sản bị chỉ trích về nhân quyền”. Tất cả các học gỉả, luật sư, viên chức của Việt Nam đều phản kháng lại ảnh hưởng quá mạnh của bất luận hệ thống luật pháp nào. Họ theo chủ trương tổng hợp, học hỏi từ mọi phía.

Gần đây, với việc ký kết Thoả ước Thương mại song phương Mỹ-Việt (TUTM) và những chuẩn bị của Việt Nam để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization / WTO), đã có nhiều nỗ lực - qua chương trình STARR (Support for Trade Acceleration Project) với sự trợ giúp tài chính mạnh mẽ từ năm 2001 của cơ quan viện trợ Mỹ USAID - để giúp chương trình cải tổ luật pháp của Việt Nam được cập nhật theo kịp đòi hỏi của Thoả ước Thương mại song phương và việc gia nhập WTO. Chương trình STARR đã hoạt động và sẽ tiếp tục trong 4 lĩnh vực sau:

1. Yểm trợ để phát triển các quy phạm luật pháp (45 luật và nghị định) nhắm tới pháp trị và cải tổ kinh tế (qua các lời bình chi tiết và các hội nghị và buổi tập huấn). Gồm các việc như: huấn luyện các viên chức chính quyền và các doanh gia để hiểu rõ các chuẩn mực và đòi hỏi của TUTM và WTO, tập huấn các thẩm phán và viên chức toà án để họ hiểu các đòi hỏi của TUTM về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh tụng; tăng cường tính minh bạch bằng việc công bố luật lệ đúng thời điểm và thường xuyên hơn trên Công báo, kể cả Công báo điện tử; bổ túc cho tố tụng dân sự để ngăn chặn kịp thời các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; tạo sự bình đẳng trong hệ thống tài chính cho những ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài 100%; cởi mở hơn và thi hành án của hệ thống trọng tài thương mại; kích thích cạnh tranh qua luật cạnh tranh mới; hình thành luật chống bán phá giá theo tiêu chuẩn của WTO; cải tổ luật về khế ước, tài sản, và các giao dịch có bảo đảm cầm thế trong các bộ luật dân sự và luật thương mại; tăng cường luật về quyền sở hữu trí tuệ trong bộ luật dân sự bằng một đạo luật mới cho phù hợp với các hiệp định quốc tế, và một điều hướng dẫn mới trong bộ luật tố tụng dân sự; duyệt xét lại luật thuế quan.

Kế hoạch cho năm 2006: duyệt xét lại toàn bộ các luật về đầu tư và về xí nghiệp (công ty) bằng việc triển khai luật đầu tư chung và luật doanh nghiệp thống nhất, để cho các xí nghiệp tư nhân, quốc doanh và ngoại quốc có cơ hội đồng đều, theo như đòi hỏi của TUTM, cũng như thay thế chế độ chuyên quyền cấp giấy phép kinh doanh bằng chế độ đăng ký dễ dàng; phát triển một bộ luật mới về thi hành án văn; một sự sửa đổi lớn lao về luật khiếu nại và tố cáo (kháng cáo các quyết định hành chánh lên các toà án độc lập, rồi các toà án tư pháp) trù liệu hoàn tất vào giữa năm 2007, như là sự cải tiến quan trọng theo tôn chỉ pháp trị, đáp ứng đòi hỏi về “quyền kháng cáo” theo đòi hỏi của TUTM và WTO; ngoài ra làm một luật mới về chứng khoán và chuyển nhượng kỹ thuật.

2. Hỗ trợ cho 123 buổi hội thảo và tập huấn cho 9800 viên chức chính quyền, chánh án, các lãnh đạo doanh nghiệp, để đẩy mạnh một cải cách luật pháp nào đó, hay xây dựng khả năng thi hành một cải cách, hay giúp dân chúng hiểu biết các vấn đề đặt ra bởi TUTM và WTO.

3. Giúp xuất bản và phân phối trên toàn lãnh thổ Việt Nam hơn 43.500 bản tài liệu tham khảo khác nhau.

4. Giúp 77 viên chức cao cấp tham dự 19 khoá du hành nghiên cứu.

Tuy với các cố gắng nêu trên, cũng như với số thu ngoại thương gia tăng và số cổ phần của các xí nghiệp quốc doanh lớn bán được trên thị trường thế giới cũng tăng, và sau hết Việt Nam được sự ủng hộ rộng rãi của các nước Tây phương, nhưng Việt Nam vẫn bị trì hoãn việc gia nhập WTO có thể đến cuối 2006, vì thương thuyết với Mỹ có tính quyết định và sau khi đại diện thương mại Mỹ thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 6 năm 2006, Việt Nam còn phải trải qua các cuộc biểu quyết tại Quốc hội Mỹ để được hưởng qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn, và nhất là phải kết thúc các đàm phán đa phương với các hội viên khác trong WTO. Vụ kiện bán phá giá cá ba sa và tôm cho ta thấy Mỹ có thói chơi bài poker với Việt Nam: Việt Nam càng thặng dư ngoại thương với Mỹ, thì thành phần bảo vệ mậu dịch Mỹ càng tìm cách chống lại Việt Nam, do đó giải pháp duy nhất cho Việt Nam là cố gắng gia nhập WTO. Cần lưu ý là việc gia nhập WTO không tuỳ thuộc vào quy chế thương mại bình thường với Mỹ.

Nếu dùng cách nhìn tổng quan xét toàn thể công cuộc cải tổ luật pháp, cả luật trong tương quan đối ngoại lẫn luật về các vấn đề nội bộ, chúng ta thấy luôn luôn có cách biệt giữa luật lệ trên giấy tờ và luật trong đời sống thực tế. Bà Ngô Bá Thành, một dân biểuQuốc hội, có một thời gian bị thất sủng, đã nói một cách mỉa mai: “Đó là rừng luật hay luật rừng?”

Tình trạng luật rừng có phải vì tham nhũng và sự không muốn thi hành luật pháp hay không?

Đôi khi, vài người yếm thế qui trách sự không thi hành luật lệ cho những nhà soạn luật cố ý viết chúng một cách mơ hồ và thiếu chính xác để họ có thể luồn lách, thoát ra khỏi các cam kết khi muốn. Ví dụ như giả vờ vi phạm các qui định của thành phố để bãi bỏ việc đặc nhượng cho Singapore một khu đất tốt và thay vào đó một lô đất ở xa hơn.

Nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng hơn về vị thế mong manh của nền pháp trị là sự tham nhũng lan tràn, như Giáo sư Quinn đã đề cập, điều đó làm người ta bi quan về triển vọng đựơc đối xử vô tư và công bằng tại Việt Nam, khi phải tiếp xúc với các giới chức hành chánh và đặc biệt khi phải đối đầu với toà án và viện kiểm sát. Viện kiểm sát là cơ quan bị người dân ghét và cô lập nhất và được coi là thành phần tham nhũng. Hiện tại, toà án có tính tự trị và được tổ chức thành ba cấp thẩm quyền để bảo đảm việc xử án công minh và kỹ lưỡng (xử sơ thẩm, rồi toà kháng cáo sẽ xử lại cả về sự kiện và luật áp dụng và sau hết, Toà án Tối cao sẽ tái thẩm chung quyết); dù vậy, toà án vẫn bị coi là chưa đủ công bằng và còn thiếu vô tư, vì thiếu sự độc lập, lý do là vì các quan toà chỉ được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ 5 năm (thay vì suốt đời), vì vậy họ dễ bị lung lạc do sợ mất chức và sợ bể nồi cơm, và vẫn giữ thói quen “thỉnh thị án”, xin ý kiến của tổ Đảng mỗi khi xử án, mà ông Quinn cũng đã nhận xét. Nhưng nguyên nhân đáng sợ nhất gây ra thiếu vô tư khi xử án là tham nhũng và hối lộ. Ngay cả một luật sư xuất sắc, người lãnh đạo trong số 400 luật sư tham dự lớp tập huấn tại Hà Nội năm 2004, người đã thay mặt 400 người tóm lược các đòi hỏi của các luật sư để chính quyền nhận cải tổ, và khiến tôi phục vì lý do đó, nhưng nghe tin tức người ta nói thì sau này ông cũng nhận hối lộ. Một ví dụ khác về tham nhũng là vụ của một Tổng thanh tra Nhà nước (tháng 2/2006), ông đã nhận hối lộ để giảm hay xoá án cho các viên chức thuộc kỹ nghệ dầu hoả, họ đã làm giấy tờ giả mạo để ăn cắp vật liệu xây dựng và tiền bạc trong một công trình tại Cảng Thị Vải.

Có lẽ lo âu nhiều về tham nhũng/hối lộ nên Bộ Chính trị đã ra hai nghị quyết để cải tổ luật pháp. Nghị quyết 48-NG/TU ngày 18 tháng 10 năm 2005 về Chiến lược Cải tổ Tư pháp từ nay đến 2020, nhằm cải tiến công tác, khắc phục những thiếu sót về phẩm chất, đạo đức cũng như tính chuyên nghiệp. Nghị quyết 49-NG/TU về Chiến lược Xây dựng và Hoàn chỉnh Hệ thống Luật pháp Việt Nam đến năm 2010 là phát triển hệ thống tư pháp trong sạch, vững chắc, dân chủ, nghiêm ngặt và phục vụ nhân dân - thông qua những chính sách phù hợp với kinh tế thị trường, bảo đảm tính dân chủ, trong sáng, tôn trọng nhân quyền, cũng như qua sự huấn luyện một lớp cán bộ ngành tư pháp hội đủ các tiêu chuẩn cao về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên nghiệp, và kinh nghiệm, đồng thời khuyến khích nhân dân tố cáo tham nhũng.


3. Pháp trị là một nền tảng căn bản cho một xã hội văn minh và công bằng mà Việt Nam muốn đạt đến qua phương châm của mình. Mục đích cao hơn tiếp theo là tôn trọng nhân quyền trong hệ thống luật pháp.

Trong Bạch thư ngày 19 tháng 8 năm 2005 về “Thành tích Bảo vệ và Phát huy Nhân quyền ở Việt Nam” của Bộ Ngoại giao Việt Nam - phát hành nhân dịp 60 năm kỷ niệm Cách mạng tháng Tám - chính quyền đã lặp lại bản “Tuyên ngôn Độc lập” được Hồ Chí Minh đọc năm 1945 trong đó ông đã viện dẫn và long trọng tuyên bố một câu nổi tiếng trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hoa Kỳ: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hoá đã ban cho họ quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Bạch thư đề cập đến những văn bản quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, như “Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, bản “Tuyên ngôn Nhân quyền” (1976) và hai hiệp định quốc tế về các quyền chính trị, dân sự, và các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (1982), rồi tái khẳng định sự tôn trọng nhân quyền và tôn trọng mỗi con người vốn là tâm điểm của mọi chính sách và những cố gắng tối đa của chính quyền Việt Nam, trong việc cổ võ nhân quyền thông qua: (a) cải thiện không ngừng hệ thống luật pháp, và (b) nâng cao điều kiện kinh tế và xã hội.

Những tiêu chuẩn nhân quyền mà Việt Nam chấp nhận trong hệ thống pháp lý gồm có các quyền trong các văn kiện sau đây:
  • Các văn bản quốc tế đề cập ở trên và các văn bản quốc tế về tội diệt chủng (1981), loại bỏ kỳ thị chủng tộc (1981), không áp dụng thời tiêu cho các tội ác chiến tranh chống nhân loại (1981), loại bỏ và trừng phạt sự phân biệt chủng tộc (1981), kỳ thị nữ giới (1982), quyền của trẻ em (1990).

  • Điều 50 và chương V (các điều 49-82) của Hiến pháp Việt Nam năm 1992

  • Bộ luật hình sự, bộ luật tố tụng hình sự, các luật lệ về trại cải tạo (1961) và về chỉ định cư trú (1997)

  • Các luật về tôn giáo (Pháp lệnh 2005), xuất bản, báo chí, công đoàn lao động, bầu cử quốc hội, hội đồng tỉnh và xã.
Trong Bạch thư có nói rằng Việt Nam “đã và đang tiếp tục xây dựng” một hệ thống luật pháp bảo đảm đầy đủ nhân quyền, trong đó có Hiến pháp gồm cả một chương nói về nhân quyền và những luật lệ khác (có đến 13.000 văn bản luật pháp các loại từ 1986 đến nay, gồm cỏ 40 bộ luật và luật, hơn 120 pháp lệnh, gần 850 nghị định của chính phủ, và 3000 văn bản lập qui của các bộ; riêng năm 2004 đã có 13 đạo luật và 8 pháp lệnh).

Bạch thư duyệt xét lại các thành tích Việt Nam thực hiện nhân quyền trong nhiều lãnh vực khác nhau, tương tự như báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình trạng nhân quyền trong các quốc gia trên thế giới.

Sau đây là các loại nhân quyền mà Bạch thư khẳng định về các thành tích tốt đẹp Việt Nam đạt được, trong số đó chúng ta có thể bác bỏ một số với các sự kiện trái với sự tuyên bố của chính quyền:

1. Bảo đảm quyền chính trị và dân sự: bầu cử và tranh cử, tham gia điều hành đất nước và xã hội, tự do ngôn luận, báo chí và thông tin, tự do hội họp và lập hội, bình đẳng giữa các sắc tộc, quyền sống, có nhân phẩm, quyền toàn vẹn thân thể, quyền tự do đi lại và cư trú.

2. Bảo đảm thi hành các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội: quyền được phát triển kinh tế và cải thiện mức sống, quyền y tế và xã hội.

3. Bảo đảm quyền cho phụ nữ, trẻ em; bảo vệ gia đình, người già và người tàn tật (gồm cả những nạn nhân chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam).

Việt Nam cũng đồng ý hợp tác với các tổ chức quốc tế về nhân quyền dựa trên căn bản bình đẳng, không can thiệp nội bộ của nhau và tôn trọng lẫn nhau. Tưởng cũng nên đề cập đến Thoả ước với Mỹ về vấn đề tự do tôn giáo, trong đó Việt Nam hứa sẽ đẩy mạnh tự do cho mọi tôn giáo, kể cả các giáo hội Tin lành.

Trong khi thừa nhận tính toàn cầu (phổ quát) của nhân quyền, thì Bạch thư vẫn nói tới sự hạn chế là tính phổ quát phải dung hoà với các đặc thù chính trị, kinh tế, văn hoá của Việt Nam và không quốc gia nào có quyền áp đặt một mẫu mực chính trị, kinh tế và xã hội đối với nước khác, hoặc dùng nhân quyền như công cụ để can thiệp vào việc nội bộ nước khác, hay dùng áp lực chính trị hoặc quân đội để áp đặt lên người khác.

Trong lý luận này và trong sự lo âu về can thiệp của ngoại bang, ta thấy tư tưởng của nhiều chính trị gia Á châu như Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore, và Mahatir, cựu Thủ tướng Mã Lai; họ đã bóp méo lịch sử và coi thường chính dân tộc họ khi khước từ cho chính dân tộc của họ sự hưởng thụ đầy đủ nhân quyền. Đối với Việt Nam, trong quyển sách của chúng tôi: The Vietnamese Tradition of Human Rights (Truyền thống nhân quyền Việt Nam), Univ. of California/Berkeley, 1988, đã minh chứng rõ rệt là tại Việt Nam, ngay trong chế độ quân chủ, dù không có dân chủ nhưng nhân quyền được tôn trọng ở mức độ khá cao. Năm 1993 tại Hội nghị của Học viện Aspen giữa hai phái đoàn Mỹ và Việt Nam thảo luận về việc bỏ cấm vận, cô Sidney Jones của Human Right Watch đã cho ông Lê Mai, Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam, xem quyển sách đó và hỏi “Liệu chính quyền Việt Nam vẫn còn tôn trọng những truyền thống tốt đẹp đó không?”, thì ông Lê Mai đã mời ngay cô Jones đến thăm Việt Nam để du hành điều tra sự kiện và thời gian sau đó, khi đi dự Hội nghị Quốc tế về Nhân quyền, ông Lê Mai tuyên bố: “Việt Nam đến Vienna [nơi Hội nghị họp] với quyết tâm của nhân dân và chính quyền Việt Nam đề cao chính nghĩa nhân quyền”.

Bản Bạch thư 2005 hình như biểu lộ nhiều lo âu về sự can thiệp của ngoại quốc vào Việt Nam bằng chiêu bài nhân quyền. Nhưng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã cảnh cáo những người Việt Nam tại Mỹ là không ai được làm bất cứ hành động bất hợp pháp nào ở Việt Nam vì chính phủ Mỹ không có chìa khoá để mở cửa nhà tù tại Việt Nam.


4. Có cải tổ luật pháp cho có dân chủ không?

Chúng ta có thể định nghĩa một nền dân chủ đích thực là một chế độ trong đó: (1) Chủ quyền tối thượng trong tay nhân dân, họ có thể thay đổi cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước thông qua những cuộc bầu cử đích thực định kỳ, trong đó có sự cạnh tranh thực sự bằng tự do ngôn luận và báo chí, giữa các ứng viên và các nhóm xã hội, và giữa những ý tưởng khác nhau về việc điều hành đất nước; (2) Chính quyền phải có giới hạn, chứ không phải là một chế độ cai trị độc đoán hay toàn trị, giới hạn trong ý nghĩa thứ nhất là phải có pháp trị và sự tôn trọng các quyền căn bản của con nguời, các quyền đó được bảo vệ bởi một nền tư pháp độc lập; chính quyền giới hạn trong nghĩa thứ hai, là phải có sự phân lập giữa các ngành của chính quyền để phòng ngừa tình trạng một ngành chính quyền trở thành vừa là cầu thủ đá bóng vừa là trọng tài thổi còi trên vũ đài chính trị.

Đánh giá chế độ hiện hữu của Việt Nam, ta phải nói là chưa có một nền dân chủ: Người dân chưa có thể thay đổi cấp lãnh đạo cao nhất qua bầu cử trung thực, vì các ứng viên được Đảng Cộng sản chọn lựa trước, hoặc trực tiếp hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc; ngoài ra sự cạnh tranh rất giới hạn hoặc không có, dù dưới hình thức tự do ngôn luận hoặc báo chí hay các vận động bầu cử. Tại Việt Nam chưa có nhật báo hoặc báo định kỳ của tư nhân, tất cả đều được điều hành bởi các cơ quan của Đảng và nhà nước. Đối với việc bầu cử vào các chức vụ chính quyền, liệu có thể tin vào lập luận mà chế độ có thể đưa ra là Việt nam có một chế độ dân chủ, bởi vì Quốc hội chỉ đơn thuần chọn ứng viên cho các chức vụ chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chủ tịch Toà án Tối cao v.v., thủ tục này tương tự và bình thường như sự chọn lựa các ứng viên Tổng thống hoặc Phó Tổng thống trong các đại hội Đảng Cộng hoà hoặc Đảng Dân chủ tại Mỹ để ra tranh cử, và các ứng viên này vẫn phải được bầu bởi các đại biểu nhân dân trong Quốc hội Việt Nam. Nhưng để trả lời lập luận ấy, có thể nói là phân tích cho kỹ, ta thấy là vì không có các ứng viên ngoài Đảng Cộng sản vào các chức vụ cao cấp ấy, và quan trọng hơn nữa, không cho phép sự cạnh tranh thực sự cho một vài ứng cử viên độc lập tranh cử vào Quốc hội (phần lớn họ bị Mặt trận Tổ quốc loại bỏ trong các giai đoạn tiền bầu cử - ngay trong cấp địa phương hay đơn vị), cho nên các cuộc bầu cử vẫn là do độc đảng kiểm soát, như hàm nghĩa trong câu “Đảng cử dân bầu”, và chưa có dân chủ thực sự.

Tuy nhiên chúng ta phải nhận thức là dân chủ đòi hỏi các điều kiện tiên quyết về các lãnh vực kinh tế và xã hội: mức sống tối thiểu để dân có được phương tiện sinh sống phải chăng và một trình độ học vấn đủ để biết suy nghĩ các vấn đề chung, thì mới tham gia có ý nghĩa vào các cuộc bầu cử; ngoài ra người dân phải có một đồng thuận tối thiểu về các vấn đề cơ bản của đất nước (nếu không, sẽ xảy ra nội chiến và không có dân chủ). Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã xây đắp các điều kiện tiên quyết của dân chủ nàỵ. Cũng có cởi trói phần nào, và chấp nhận cho các nhóm xã hội độc lập hoạt động, như các tổ chức kinh tế hoặc xã hội phi chính phủ. Những nhóm này đã bổ túc cho các thiếu hụt công tác của nhà nước. Thoạt đầu chính phủ muốn kiểm soát họ, nhưng sau đó, luật năm 1992 khuyến khích họ, đặc biệt đối với các tổ chức khoa học và kỹ thuật.

Trong bộ luật dân sự năm 1995, các tổ chức xã hội này được thừa nhận như những cá thể hoặc chủ thể pháp luật, do đó làm dễ dàng hơn việc các tổ chức vay tiền ngân hàng và việc bảo vệ tài sản cá nhân của hội viên, tài sản ấy được luật pháp tách biệt khỏi tài sản của tổ chức. Hàng trăm tổ chức như vậy được thành lập, đó là nền móng cho dân chủ, tương tự như vai trò của các tổ chức thiện nguyện ở Mỹ, như Alexis de Tocqueville trong quyển sách nổi danh Democracy in America (Dân chủ tại Mỹ) đã nhận xét. Hiện có một dự thảo luật về các tổ chức thiện nguyện, chi tiết hoá các điều của bộ luật dân sự, để đăng ký và hợp pháp hoá các tổ chức thiện nguyện, dù rằng chính phủ vẫn muốn hạn chế sự thành lập các tổ chức mới, và đòi hỏi các tổ chức phải báo cáo các hoạt động của họ cho nhà nước.

Nhưng gần đây, có lẽ một luồng gió mới dân chủ đang thổi vào Việt Nam: những đòi hỏi dân chủ của những người tranh đấu đòi nhân quyền và dân chủ trong quần chúng và những lời kêu gọi của một số đảng viên hay nhân viên chính quyền cao cấp đã về hưu. Thí dụ như ông Võ Văn Kiệt đã viết một số bài báo kêu gọi bầu cử dân chủ trong Đảng và ca tụng một số thành viên của cấp lãnh đạo miền Nam trước đây là ái quốc. Có nhiều tập hợp tranh đấu cho dân chủ đã xuất hiện công khai tại Việt Nam. Người anh lớn của Việt Nam là Trung Quốc, có Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố tại Đại học Harvard tháng 12 năm 2003 là mục đích tối hậu của Trung Quốc cần nhắm tới là dân chủ, vì sự tôn trọng quyền tự do của nhân dân để theo đuổi hạnh phúc đã đưa đến kết qủa là kinh tế phồn vinh của Trung Quốc và ông ta cam kết là dần dần cho nhân dân Trung Quốc có đầy đủ dân chủ - điều đó cần nhiều năm để trình độ giáo dục được nâng cao hơn. Việt Nam có lẽ sẽ quan tâm đến bài học này tại Trung Quốc.

Nguồn: Pháp luật và Đời sống (Houston), 2006