trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
9.12.2006
Bùi Văn Phú
Berkeley: Go Bears trong một ngày gió lộng
 
Football của Mỹ có người gọi là môn bóng bầu dục hay banh cà-na, tôi thích gọi đó là môn bóng chổng mông vì khi chuẩn bị giao banh hay đá, vận động viên cứ chổng mông lên chờ và khi chạy cũng chổng mông đưa đầu đi trước.

Big Game là trận đấu bóng chổng mông truyền thống vào mỗi dịp cuối năm giữa đội bóng sinh viên của hai trường đại học danh tiếng vùng Vịnh San Francisco là Berkeley và Stanford. Hai trường luân phiên tổ chức Big Game từ hơn 100 năm nay. Năm ngoái ở Stanford, năm nay tại Berkeley. Trưa thứ Bẩy 2.12 trận đấu lần thứ 109 đã diễn ra tại Memorial Stadium với hơn 72 nghìn cổ động viên, đại đa số mặc quần áo xanh vàng (mầu xanh quần học trò), mầu của đội nhà Golden Bears. Loáng thoáng hai ba khoang ghế trong sân vận động là mầu đỏ và trắng của fan đội Stanford Cardinal. Gấu vàng đấu với chim oanh đỏ.

Mỗi năm từ tháng Mười trở đi được coi là mùa football ở Mỹ, thời điểm của nhiều trận giao đấu các loại, các cấp. Ở cấp cao nhất có những đội banh chuyên nghiệp, những đội pro như Chargers (San Diego), Eagles (Philadelphia), Dolphins (Miami), Steelers (Pittsburgh), Raiders (Oakland), Seahawks (Seattle), 49ers (San Francisco), Cowboys (Dallas), Redskins (Washington) v.v... 32 đội tất cả, chia làm hai nhóm AFC và NFL. Đội về nhất của mỗi nhóm sẽ gặp nhau trong trận Super Bowl diễn ra vào cuối tháng Giêng. Cả nước Mỹ dán mắt vào trận này với tiền cá cược nhiều tỉ đô la, trong đó có vô số người Việt tan gia bại sản vì nạn cờ bạc. Mùa football là lúc nhiều đấng tu mi cuối tuần không ra ngoài đường, ở nhà uống Bud, nhâm nhi lạc rang, rủ thêm bạn đến xúm quanh màn ảnh nhỏ - cụm từ của thế kỷ trước - chứ bây giờ nhiều gia đình treo màn ảnh ti-vi cỡ một thước rưỡi là thường. Mỗi ngày cuối tuần hai ba trận đấu, còn kéo sang buổi tối đầu tuần làm việc với Monday Night Football.

Ở cấp đại học, môn này chia ra thành nhiều vùng, miền. Mỗi miền có hơn mười trường đấu với nhau. Những đội thắng sẽ tranh giải vô địch như Rose Bowl, Holiday Bowl, Sugar Bowl, Cotton Bowl diễn ra trong ngày đầu năm dương lịch để kết thúc cuộc thi đua thể thao đại học, dành một tháng còn lại cho những trận pro-football.

Football là văn hoá Mỹ, nhưng cũng có thể so sánh như một thứ tôn giáo.

Không là tôn giáo sao được khi mà hỏi trẻ con Mỹ ở tuổi hơn mười các em đã có thể vanh vách nói về luật chơi, biết đội nào đang thắng, thua.

Tôi đưa đứa con trai 10 tuổi và đứa cháu 9 tuổi đi coi Big Game. Trên xe hai đứa bàn luận với nhau về thành tích của mỗi đội, biết đội nào đã thắng, thua bao nhiêu trận trong mùa này dù ở nhà tôi chẳng phải là một big fan của football, hay bất kì môn thể thao nào.

Trong sân vận động, hai đứa cũng vung tay lên reo hò “Go Bears, Go Bears” để ủng hộ đội nhà, cũng nhảy lên la ó theo nhịp của cả mấy chục nghìn cổ động viên khi có những đường bóng đẹp; những màn intercept - bắt được bóng từ phe đối phương; những cú ném banh không trọn vẹn vì đồng đội chụp hụt, incomplete; hay những màn tackle ngoạn mục - đè vật đối thủ đang ôm bóng xuống, không cho chạy.

22 vận động viên, mỗi đội 11 người, chơi trên một sân dài 100 yard, rộng 53,33 yard (1 yard = 91 cm). Ở mỗi đầu sân thêm mảng đất 10 yard nữa, là đích phải đến của trái banh. Để thắng, đội phải làm sao đưa bóng vào mảng này. Vận động viên có thể ôm banh, cắm đầu chạy vào nếu gần đích, hay ném cho bạn mình nếu còn xa. Một đường ném banh cao bổng như đạn cà-nông, bay chừng 50 yard mà đồng đội chụp được, trong khi đối thủ cũng chạy theo tìm cách cướp banh, là một cú ngoạn mục trong cuộc chơi. Trong môn chơi này vận động viên húc nhau để cản đường tiến của đối phương là chuyện phải làm, như trâu bò húc nhau, vì thế vận động viên độn vai và đội nón an toàn, nếu không xương xẩu sẽ kêu răng rắc và bể sọ là thường. Nhiều khi quả bóng nằm một chỗ rất lâu, các vận động viên huých nhau oành oạch để đưa được banh tiến lên vài yard nhiều lúc cũng cam go, cực nhọc lắm. Bạn đọc ở ngoài nước Mỹ cứ để ý xem, vận động viên football thường có cái cổ to bằng cái đầu vì họ húc vào những tấm ván trong mỗi ngày luyện tập.

Football là môn thể thao có nhiều tính bạo động. Lúc nào cũng xô, đẩy, đè, vật, húc để giành banh. Vì cần thể lực mạnh nên người Việt khó vào được những đội bóng pro. Duy nhất mới chỉ có Đạt Nguyễn của đội Cowboys từ thành phố Dallas, bang Texas.

Trận Big Game năm nay không chờ đợi những ngạc nhiên vì trong cuộc tranh tài giữa các đại học, đội Berkeley đang thắng nhiều, 9 trận thắng 3 thua, còn Stanford thì ngược lại với 1 thắng 11 thua.

Chúng tôi ngồi cạnh hai bố con người Mỹ. Qua câu chuyện trao đổi thì biết ra cùng là cựu sinh viên Berkeley cả. Ông bố ra trường năm 1965, trên tay ông còn đeo chiếc nhẫn đá xanh kỷ niệm ngày đăng khoa mà ông hãnh diện khoe. Nay ông đã nghỉ hưu. Anh con trai tốt nghiệp năm 1984, sau tôi một năm. Ông già hay lớn tiếng “Holy Cow” khi banh không được giao đúng. Còn khi đội nhà chơi tệ, làm mất banh hay không chụp được banh để touchdown - đưa bóng vào đích lấy 6 điểm - thì ông lại kêu lên “Slowly Cal”.

Giờ giải lao, đội kèn đồng với 200 nhạc công và 20 nữ sinh viên tiến xuống giữa sân. Tiếng hiệu đoàn ca quen thuộc trỗi lên, những nữ sinh nhảy múa, di chuyển xếp thành những hình ảnh giúp vui khán giả. Chúng tôi nhắc lại trận Big Game năm 1982 còn ghi đậm trong lịch sử thể thao sinh viên đại học Mỹ, khi Bears đang thua Cardinal 19-20 và chỉ còn 4 giây đồng hồ là hết giờ. Đội kèn đồng Stanford tưởng như cầm chắc chiến thắng cho Cardinal nên tràn xuống sân trỗi lên khúc nhạc khải hoàn, làm đội nhà vui mừng, phân tâm và bị phân tán. Trong 4 giây đó, đội Berkeley đã chuyền banh qua tay các vận động viên mười hai lần để đưa banh vào đích, touchdown, lật ngược chiến bại thành chiến thắng cho Berkeley, tỉ số 25-19.

Gần sang đông, nhưng trời hôm nay còn trong vắt, rực nắng. Thỉnh thoảng có những cơn gió lốc thổi bay cát bụi, giấy rác lên bầu trời xanh của vận động trường. Có phải vì thế mà những đường banh phóng đi đôi khi vận động viên không chủ động được. Đó là một bài toán vật lí ứng dụng khiến nhà dìu dắt không cho vận động viên ném bóng nhiều về phía đích, để kết quả sau cùng với số điểm thắng thua không được cao so với thành tích năm nay của đội Berkeley, đã thắng Đại học Minnesota 42-17, thắng Đại học Portland 42-16, đè bẹp Đại học Arizona 49-21.

Cúp Big Game là chiếc búa rìu truyền thống (ảnh AP)
Trong trận đấu hôm nay Berkeley luôn dẫn đầu, nhưng chỉ với số điểm 3-0 ở hiệp đầu, 13-10 ở hiệp thứ hai. Lời kêu than “slowly Cal” của ông già hưu là đúng lắm. Sau 4 hiệp, mỗi hiệp 15 phút, trận đấu kết thúc với chiến thắng khiêm nhường 26-17 cho Golden Bears. Như thế chiếc búa rìu, cúp biểu tượng của chiến thắng, sẽ còn được Berkeley cất giữ thêm một năm nữa, là năm năm liền búa này tiếp tục được mang về đặt trong khuôn viên Đại học Berkeley.

Thời tôi là sinh viên, đám bạn ở chung ký túc xá thường bàn chuyện thể thao và khoa học vào mùa football, cũng là thời điểm những giải Nobel được công bố, và có đưa ra so sánh đùa vui rằng nếu đội nhà thua nhiều, tức thể lực kém, thì trường sẽ được nhiều giải Nobel hơn, trí tuệ cao. Điều này xem ra đúng vào thời đó, đầu thập niên 1980, và cũng còn đúng vào lúc này khi so sánh con số chiến thắng football với số giải Nobel nhận được giữa Berkeley và Stanford.

Sinh viên Berkeley tràn xuống sân vận động, vui mừng nâng cúp Big Game sau khi thắng đội Stanford 26-17 (ảnh: AP)
Xong trận đấu, đường quanh trường là dòng người tuôn đổ. Sân ký túc xá, nhà trọ, hội quán tràn ngập tiếng sinh viên reo hò, tiếng nhạc. Nâng lon, tu chai ăn mừng. Mùi thịt nướng, hot dog theo khói loang toả. Những hàng quán, đông nhất là pizza, nhưng cũng có Korean BBQ, burritos, satay.

Tôi mới từ Ý trở về nên còn ngao ngán cái món pizza chính hiệu Ý ở Roma, ít phô-ma, ít sốt cà, vỏ lại dầy, không ngon và còn đắt gấp đôi so với giá ở Berkeley. Món ăn Ý ở Mỹ đã được nấu nướng, chế biến lại ngon hơn. Nhìn lại nước Ý, tôi cũng nhận ra kiến trúc của vận động trường Berkeley giống như đấu trường Coloseo của La Mã cổ xưa, còn Campanelli là bản sao cổ tháp ở thành Venezia, nhưng không hoành tráng và đẹp bằng. Món ăn thì ngược lại, pizza ở La Val’s trên đường Durant, nay đã đóng cửa, hay Neopolitan dưới downtown Berkeley ngon hơn thức ăn chính gốc ở xứ sở của Leonard da Vinci. Còn ngán, tôi bỏ pizza đi tìm hot dog.

Đưa con đến tiệm Top Dog nho nhỏ trên đường Durant. Rất đông khách đứng tràn ra bên đường chờ được thưởng thức món đặc biệt của Berkeley. Nếu bạn đọc có dịp đến đây, phải tìm ăn hot dog ở quán này, tùy bạn chọn lựa New York, wurster, Frankfurt, hay kiel basa rất ngon. Đừng quên bỏ mù-tạt cay vào.

Gần ba mươi năm trước tôi biết đến hot dog ở tiệm này lần đầu tiên, ba mươi năm sau vẫn còn ngon, nhất là vào những ngày đi xem đấu banh chổng mông, Go Bears, trời se lạnh và gió lộng như buổi chiều hôm nay.

© 2006 talawas