trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
30.10.2008
Thuận

"… Những người đọc nhiều nói giỏi thì làm nghệ thuật ý niệm… Ai vẫn thích tạo tác khéo léo thì thành nghệ sĩ sắp đặt, sử dụng những vật liệu ưa thích nhất của mình. Ai ưa trình diễn thì tất nhiên là sẽ trình diễn… Những người sống trong các tầng văn hóa đường phố hoặc thế giới ngầm thì làm nghệ thuật bình dân... Những ai có biết hoặc học vẽ hẳn hoi như Georg Baselitz thì khai thác kỹ năng hội họa của mình theo hướng tân biểu hiện… Ai thích video thì làm nghệ thuật video… Còn những ai có khiếu ẩn dụ và thích lợi dụng những gì sẵn có, thì làm nghệ thuật vay mượn, nghĩa là cóp nhặt những vật phẩm hoặc tác phẩm của người ta rồi ghép nối thành một cái gì đó của mình… kệ cho ai muốn hiểu thế nào thì hiểu…"

"Góp chuyện hậu hiện đại" của ông Trịnh Lữ cho cảm giác rằng nghệ thuật hậu hiện đại dễ như trở bàn tay, rằng các nghệ sĩ hậu hiện đại cứ thích gì thì làm nấy, chủ yếu dựa vào "khiếu" và sở trường của mình, rồi lợi dụng ba chữ hậu hiện đại mà đánh lừa công chúng…

Trên thực tế, trừ những kẻ lăng xăng tạo dáng, nghệ sĩ (hậu hiện đại hay không) ngoài say mê, đều phải có nguyên tắc sáng tạo, lớn hơn nữa là phải bộc lộ được quan điểm nghệ thuật của mình.

Chọn nghệ thuật sắp đặt để đưa không gian nghệ thuật vượt khỏi bức tường quét sơn trắng, để thay đổi quan hệ giữa người xem và tác phẩm, chứ không phải vì "thích tạo tác khéo léo" như ông Trịnh Lữ đánh giá (chữ "khéo léo" có lẽ nên dành cho thợ thủ công thì hơn). Nhờ không gian mới này mà nghệ sĩ có thể liên kết các hình thức nghệ thuật khác nhau, các vật liệu khác nhau, và trong nhiều trường hợp, chính người xem cũng biến thành một bộ phận của tác phẩm. Một bức tranh treo ở đâu cũng vẫn là bức tranh ấy, nhưng một tác phẩm sắp đặt nếu bày ở phòng triển lãm, hay giữa quảng trường, hoặc trong rừng hoang… sẽ mang những ý nghĩa khác nhau.

Sửa chân dung Mao không phải đơn giản là "cóp nhặt", "biến báo gạch xóa đi một tí", rồi "kệ ai muốn hiểu thì hiểu" như ông Trịnh Lữ nhận xét, mà phải có một ý đồ nghệ thuật nhất định, để ít ra thì tác phẩm của mình không rơi tõm vào hàng nghìn dị bản chân dung cùng thể loại, trong đó có một xê-ri của danh họa Andy Warhol (hài hước nhất có lẽ là khuôn mặt Mao đỏ hồng trên nền xanh nước biển). Warhol đã đưa ra những cái nhìn khác về Mao, những hình ảnh khác của Mao, và thông qua đó, biểu lộ thái độ chính trị của ông với cựu chủ tịch Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Tương tự, nhân loại cũng được thưởng thức loạt chân dung của minh tinh màn bạc bí hiểm bậc nhất hành tinh. Thế đấy, mỹ thuật của thế kỉ 20 không thể không mang dấu ấn của chính trị và truyền thông. Marxismmedia. Mao Trạch Đông và Marylin Monroe.

"Cái bệ xí” (thực chất là chiếc bồn tiểu) mà ông Trịnh Lữ đề cập trong bài sẽ khó lòng trở thành một tác phẩm nghệ thuật, nếu Marcel Duchamp đã không lật ngược nó rồi đặt lên bệ trắng, tìm cách chiếu sáng làm nổi rõ những đường cong và cuối cùng, chọn cho nó cái tên Fountain. Những đường cong (được sản xuất một cách công nghiệp) của Fountain có thể sánh ngang các đường cong mà tạo hóa dành cho nàng trinh nữ, bởi cái đẹp không là vật bất biến, mỗi thời đại có một thẩm mỹ riêng. Vâng, mỹ thuật của thế kỉ 20 cũng không thể không mang dấu ấn của capitalism và công nghiệp.

Theo quan điểm này, chữ "mỹ" không biến mất, chỉ có điều nó không còn giống như trước.

Vài nhận xét dựa trên hiểu biết cá nhân, không từ đó suy ra bất cứ điều gì, nhất là về kiến thức của ông Trịnh Lữ.

Cá nhân tôi không phải là một cuồng fan của hậu hiện đại, không có chuyện bửu bối hay cứu cánh ở đây. Nhưng tôi tin rằng, như mọi lý thuyết, nó có ích cho những ai làm nghệ thuật (thơ lục bát cũng cần lý thuyết nữa là). Có ích tới đâu, còn phụ thuộc vào từng cá nhân. Ngu muội sẽ mãi mãi là phận học đòi. Sáng dạ cũng chỉ là chớp được cái nháy mắt của hiền nhân. Còn lại vẫn là thử thách.