trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
13.2.2008
Hans Michael Kloth
Khi Hoa Kỳ biết sợ
Trình Mân, Lu Tuấn dịch
 
Cảm tử quân tấn công vào Tổng hành dinh Mỹ, lính Mỹ tử vong trong bẫy chất nổ, các tướng lĩnh thì tuyệt vọng: cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân cách đây 40 năm đã lật thế cờ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, gây bất lợi cho Hoa kỳ và đẩy siêu cường quốc này vào một thảm họa lịch sử.
Nhân vật quyền uy nhất thế giới đã phát hoảng. "Tôi không muốn ăn một đòn Điện Biên Phủ chết tiệt!", Tổng thống Mỹ Johnson đã quát với vị tham mưu trưởng của mình lúc ông này đang có mặt để báo cáo về tình hình Việt Nam vào tháng Giêng năm 1968. Johnson yêu cầu quyết giữ cho bằng được căn cứ quân sự thủy quân lục chiến Khe Sanh đang bị Việt cộng bao vây. Để một tiền đồn quân sự Mỹ bị vây hãm và chà nát như quân Pháp bị đánh ở Điện Biên Phủ năm 1954 sẽ là một thảm họa. Phải ngăn chặn bằng mọi cách.

Trước đó, với ưu thế gần bốn chọi một về quân số, du kích quân Việt cộng đã tấn công một làng sơn cước ở tỉnh Quảng Trị, vốn là nơi xuất quân của gần 6.000 thủy quân lục chiến Mỹ đang tìm cách chặn đường tiếp tế của kháng chiến quân cộng sản. Chỉ trong vòng vài ngày, tướng Tổng tư lệnh William C. Westmoreland đã điều động tổng cộng 50.000 quân, trong đó có 15.000 lính tinh nhuệ, để bảo vệ căn cứ. Suốt mấy tuần sau, cứ điểm của phe tấn công đã phải hứng chịu trận mưa bom trăm ngàn tấn. "Tính ra là mật độ chất nổ cao nhất từ trước đến nay đã trút xuống trên một dải đất", như nhà sử học Marc Frey đã mô tả trong tác phẩm kinh điển Lịch sử Chiến tranh Việt Nam của mình.

Trong khi ấy, Tổng tư lệnh Việt cộng Võ Nguyên Giáp thì xoa tay: Quân đội Mỹ đã thực sự lọt vào bẫy mà ông đã kỹ lưỡng chăng ra. Như chuột trước nanh rắn, họ chỉ còn cách trơ mắt nhìn căn cứ của mình đang bị đe dọa, với ác mộng Điện Biên Phủ sau gáy - và Nam Việt Nam thì trở thành một miền đất sơ hở không còn được phòng ngự chặt chẽ trước các đội quân du kích của tướng Giáp.

Hoàn toàn bị bất ngờ

Một khu phố Sài Gòn sau ngày 31.01.1968
Một khu phố Sài Gòn sau ngày 31.01.1968
Vào lúc gần 3 giờ sáng ngày 31.01.1968, một tiếng nổ ầm vang đã bật cả Sài Gòn khỏi giấc ngủ. Một đơn vị cảm tử quân Việt cộng đã đánh bom dọn đường vào Đại sứ quán Mỹ, họ vừa bắn dữ dội tứ phía, vừa tràn vào khuôn viên. Khi mặt trời lên thì sân cỏ của Đại sứ quán đã đầy xác chết. Thật ra cuộc tấn công bất ngờ vào trung tâm quyền lực của Mỹ tại Đông Nam Á này chỉ mới là màn mở đầu. Trong đêm đó, tổng cộng 80.000 quân cộng sản đã tấn công lực lượng Mỹ và đồng minh Nam Việt trên bình diện toàn miền, riêng tại Sài Gòn đã lên tới 4.000. Ngoài ra, thêm 4 trong những thành phố lớn nhất miền Nam, rồi 36 trong số 44 thủ phủ các tỉnh cũng như 64 trung tâm hành chánh địa phương bị tấn công. Chiến dịch tấn công quy mô được hoạch định nhiều năm trời nay đã bùng nổ: Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân.

Đúng là một tình huống hoàn toàn bất ngờ. Không ai trong quân lực Mỹ có thể ngờ rằng đối phương, với toàn những phương tiện thô sơ, lại có khả năng thực hiện được một cuộc tổng tấn công phức tạp dường ấy. Các cơ quan tình báo rõ ràng đã không hay biết gì về mọi chuẩn bị này! Cho đến mấy tuần sau khi bị tấn công, Johnson và Westmoreland vẫn cứ đinh ninh, không phải các thành phố miền Nam, mà chính tiền đồn Khe Sanh mới là mục tiêu chiến lược. Ngay cả trong việc chọn lựa thời điểm, các chiến lược gia Việt cộng cũng đã tỏ ra khôn ngoan: 3 ngày Tết Nguyên đán - năm ấy rơi vào cuối tháng Giêng - vẫn luôn được ngầm hiểu là thời gian hưu chiến. Vì tấn công đúng vào ngày lễ trọng đại nhất của người Việt, lúc cứ hai binh sĩ miền Nam thì một người được về quê nghỉ phép, nên chiến dịch lừng danh này đã được mang tên như thế.

Mãi đến ngày 24.02.1968, quân đội Mỹ và Sài Gòn mới tái chiếm được cố đô Huế
Mãi đến ngày 24.02.1968, quân đội Mỹ và Sài Gòn mới tái chiếm được cố đô Huế
Toàn bộ 27 vị trí phòng thủ quanh thị xã Bến Tre đã lọt vào tay Việt cộng. Cố đô Huế bên dòng sông Hương cũng bị 7.500 bộ đội chính quy Bắc Việt chiếm. Tại Sài Gòn, 4.000 chiến binh chia thành từng nhóm đặc công nhỏ, không chỉ tấn công sứ quán Mỹ mà còn tấn công cả Dinh Độc Lập của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, phi trường Tân Sơn Nhất, cũng như Tổng hành dinh của tướng Westmoreland. Dùng trực thăng chiến đấu, các đơn vị lính Mỹ đã phải bắn nát một phần thành phố Sài Gòn thành gạch vụn để không bị mất khả năng kiểm soát thủ đô.


Thất bại là một nước cờ tính trước?

Tuy được chuẩn bị xuất sắc, nhưng về mặt quân sự thì cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân quả là một thảm họa cho phía Việt cộng. Cuộc nổi dậy chống Mỹ tại các thành phố đã không xảy ra như họ hy vọng và đáng ngạc nhiên là phe phòng vệ đã nhanh chóng lấy lại được tinh thần sau cơn hốt hoảng ban đầu. Trong vòng chưa đầy một tháng, các lực lượng Mỹ và đồng minh miền Nam đã tái chiếm tất cả các vị trí bị thất thủ, phần lớn chỉ trong vòng vài ngày.

Theo ước đoán, trong 3 tháng đầu năm 1968, Việt cộng đã chịu tổn thất khoảng 2 phần 3 lực lượng vì tử vong, bị thương hoặc bị bắt sống. Cơn mất máu tàn bạo này đã làm "Mặt trận Giải phóng Dân tộc" (như Việt cộng tự xưng) không hồi sức nổi. Kể từ đó, mọi chủ động quân sự đều dần lọt vào tay quân đội chính quy Bắc Việt. Các chuyên gia về chiến tranh Việt Nam, như nhà sử học Bernd Greiner ở Hamburg, đã suy đoán rằng hệ quả này nằm trong sự tính toán tỉnh táo ngay từ đầu của những người cầm quyền Hà Nội. Nghi vấn này sẽ chỉ có thể được giải đáp khi Việt Nam bạch hóa các hồ sơ lưu trữ của họ.

Tuy nhiên về mặt tâm lý, cuộc Tổng tấn công Tết đã là một thành công phi thường về mặt tuyên truyền. Trên truyền thông quốc tế, những tổn thất nặng nề cũng như những tội ác về chiến tranh khủng khiếp của Việt cộng chỉ được phản ảnh mờ nhạt: Chỉ riêng tại cố đô Huế, những người chiếm đóng đã dựa vào những danh sách đen mà tàn nhẫn thủ tiêu gần 6.000 người thuộc hàng ngũ những người Việt ưu tú. Các nạn nhân đã bị đập chết, bị chặt đầu hay chôn sống. Trong những người bị sát hại có cả các tu sĩ người Pháp và 4 bác sĩ Cộng hòa Liên bang Đức.


"Chuyện quái quỷ gì đã xảy ra ở đó vậy?"

Thế nhưng công chúng tại Mỹ cũng như tại châu Âu lại bị chi phối bởi hình ảnh của một đội quân Mỹ đang thất điên bát đảo bởi các đối thủ dường như trang bị thô sơ, chân mang dép râu, đánh vào tận những hang ổ thuộc quyền kiểm soát của người Mỹ ở Nam Việt Nam. "Chuyện quái quỷ gì đã xảy ra ở đó vậy?", người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Walter Cronkite đã kinh hoàng thốt lên trước ống kính: "Thế mà tôi lại cứ tưởng rằng, chúng ta sắp sửa chiến thắng!"

Tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan bắn Việt cộng Nguyễn Văn Lém
Tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan bắn Việt cộng Nguyễn Văn Lém (tức Bảy Lốp) ngày 01.2.1968 giữa đường phố Sài Gòn trong bức ảnh nổi tiếng của Eddie Adams. Theo Nguyễn Ngọc Loan, ngay trước đó Nguyễn Văn Lém đã tham gia vào vụ giết cả gia đình một sĩ quan cảnh sát Sài Gòn.
Tệ hơn nữa, thế giới buộc phải chứng kiến cảnh lực lượng bảo vệ dân chủ và tự do đã biến thành những kẻ khủng bố. Hình ảnh viên Giám đốc Cảnh sát đô thành Sài Gòn tự tay hành quyết một nghi can Việt cộng đang bị trói đã được tung ra khắp thế giới, cũng như câu tuyên bố của một thiếu tá Mỹ đã được Peter Arnett, phóng viên chiến trường của hãng thông tấn AP, cung cấp: "Chúng tôi đã phải tàn phá Bến Tre để cứu lấy nó". Vượt trên tất cả là cuộc thảm sát tại Mỹ Lai vào tháng 3 năm 1968 do một đơn vị lính Mỹ gây ra. Chỉ trong vòng 2 tiếng rưỡi đồng hồ, họ đã tàn sát khoảng 500 thường dân, từ trẻ sơ sinh cho đến các cụ già. Đối với người Hoa Kỳ, vụ này đúng là một Guantanamo của chiến tranh Việt Nam, là vết thương mưng mủ dai dẳng của uy tín bản thân Hoa Kỳ.

Cuộc Tổng tấn công Tết đã mang đến cho Tổng thống Johnson một thảm họa về tuyên truyền đại chúng, là điều ông ta hết sức muốn tránh. Về quân sự thì cuối cùng ông cũng giành lại được thế chủ động, nhưng về mặt tuyên truyền thì đấy quả thật là một Điện Biên Phủ trong truyền thông. Suốt mấy năm, vị Tổng thống này đã tuyên bố rằng đối phương đang trên bờ sụp đổ. Thế mà bây giờ lực lượng kháng chiến đã biểu dương quá rõ khả năng hành động của mình và qua đó chứng tỏ rằng Tổng thống nói láo!


"Hôm nay ông đã giết bao nhiêu trẻ con?"

Các vị chỉ huy quân sự của Johnson đã phản ứng đúng như giới này vẫn thường làm: Đòi tăng quân. Khi tờ New York Times ngày 10 tháng 3 năm 1968 đưa tin về ý đồ còn trong bí mật của giới lãnh đạo định gởi thêm 200.000 lính sang Việt Nam – và điều này đồng nghĩa với việc phải động viên lực lượng dự bị – thì công luận, Quốc hội và ngay cả đảng của Johnson đều nổi loạn. Câu: "Hey, hey, LBJ - how many kids did you kill today?" - “Này, này ông Johnson, hôm nay ông đã giết được bao nhiêu trẻ con rồi?" - đã được lực lượng chống chiến tranh hô vang trên đường phố. Tại Thượng viện, Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk đã bị công kích bằng giọng gay gắt chưa từng có. Chỉ hai ngày sau công bố của tờ New York Times, trong cuộc bầu cử chọn ứng viên tổng thống ở bang New Hampshire, con số như trong mơ là 42% cử tri đã dồn phiếu cho thượng nghị sĩ Eugene McCarthy của bang Minnesota, một nhân vật phản chiến rạch ròi đang vận động để được đề cử làm ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 1968. Ngay sau đó, thượng nghị sĩ được nhiều người ưa thích Robert Kennedy, em của Tổng thống bị ám sát J. F. Kennedy, cũng đã đăng đàn tranh cử chức Tổng thống cho Đảng Dân chủ, và như thế Johnson lại thêm phần chật vật.

Lúc bấy giờ, đồng đôla cũng bị áp lực. Bởi kinh phí chiến tranh khủng khiếp, các ngân hàng kinh doanh châu Âu mất lòng tin vào nền kinh tế Mỹ và bắt đầu tống tháo những khối lượng lớn đôla ra thị trường. Nội nhật ngày 14.03.1968, họ đã đổi 370 triệu đôla lấy vàng tại Ngân hàng Trung ương Mỹ ở Washington, qua đó Tổng thống Johnson bị dồn vào thế phải tuyên bố chấm dứt nghĩa vụ giải ngân, vốn là cột trụ cơ bản của hệ thống tiền tệ quốc tế lúc bấy giờ. Điều này “đồng nghĩa với sự thú nhận rằng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ không còn đủ sức để thực thi toàn bộ những nghĩa vụ với quốc tế nữa”, sử gia Frey kết luận. “Nó báo hiệu sự cáo chung của uy thế áp đảo của Hoa Kỳ đối với phương Tây”.

Ngày 31.03.1968, Tổng thống Johnson xuất hiện trước quốc dân qua kênh truyền hình. Ông tuyên bố chấm dứt ném bom Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 20 và đề nghị giới lãnh đạo Hà Nội thương thuyết hòa bình mà không đòi hỏi một điều kiện nào trước đó. Và Johnson, nhân vật thế lực nhất hoàn cầu, đã thông báo với toàn thể nhân dân qua câu kết thúc diễn văn cực kỳ quan trọng: “Tôi sẽ bỏ ý định vận động để được đề cử làm ứng viên tổng thống cho nhiệm kỳ sắp đến”.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Spiegel Online 31.01.2008. Ảnh trong bài của Spiegel Online.