trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
8.3.2008
Nguyễn Phương Kiệt
Dostoevsky trong thế giới hiện đại
 
1. Tính thời sự từ những xúc động của Dostoevsky

Như một sự lựa chọn và thay thế của số phận, khi “cuộc sống hữu tử trong thân xác phù sinh” (Phạm Vĩnh Cư) của Dostoevsky kết thúc cũng là lúc cuộc sống trường cửu của ông bắt đầu. Bất chấp sự ngăn cách về thời gian – hơn một thế kỷ - khác với các nhà văn khác mà tác phẩm chỉ có ý nghĩa như những chứng nhân của nền văn minh dĩ vãng, Dostoevsky vẫn là người đồng hành vĩ đại của chúng ta. Quả là rất ít nhà văn quá khứ có được tính thời sự như ông, “đọc những tiểu thuyết của ông là đọc một pho biên niên sử của thế kỷ XX” (O.Paz – Dostoevsky: Quỷ sứ và nhà tư tưởng). Điều này thực sự làm cho chúng ta phải kinh ngạc.

Bất chấp quy luật lịch sử và sự nghiệt ngã của thời gian, tác giả “Anh em nhà Karamazop” không bị già cỗi. Tuy nhiên, khi nói tới tính chất tích cực và mức độ không hề thuyên giảm những quan tâm một cách khoa học đến nhà văn bậc thầy này, chúng ta không thể tuỳ tiện đặt ngang giá trị mọi yếu tố đã cấu thành toàn bộ di sản của ông, một phần ý thức hệ của bản thân Dostoevsky cũng như không ít những điều tạo nên hệ thống quan điểm tư tưởng của ông về các mặt của đời sống đã lùi sâu vào dĩ vãng, song tất cả đã trở nên thứ yếu khi ý nghĩa phổ quát trong toàn bộ các tác phẩm của Dostoevsky và những khám phá thẩm mĩ lớn lao của ông vẫn sống mạnh mẽ và ngày càng làm phong phú thêm nghệ thuật hiện đại. Chúng vẫn điềm nhiên hằn dấu vết của mình lên “dung mạo của lịch sử”.

Lịch sử vốn thuộc về quá khứ, và theo nghĩa này nó có thể hiểu đến gốc rễ những biến cố lớn lao đã xảy ra nhưng lại trở thành kẻ mù loà trước những vận động, xung đột, những bước nhảy phiêu lưu của sân khấu xã hội trong tương lai. Cố nhiên, dựa vào sự nảy nở mầm mống từ quá khứ và các động lực phát triển của thời đại, người ta có thể cảnh báo những gì sẽ xảy ra trong tương lai, song tương lai luôn tồn tại hai chữ “không ngờ”. Mà ngay cả điều này người ta cũng không ngờ tới nên thường mỉa mai, quy chụp mọi điều từ quá khứ, và thật oái oăm vì nó có thể làm đảo lộn tất cả, thay thế tất cả, để rồi khi tương lai đã trở thành quá khứ, người ta lại không khỏi bàng hoàng: “Thật không ngờ!”. Ở vào thời đại mình, đương nhiên Dostoevsky không thể nhìn thấy những biểu hiện cụ thể của các cuộc dấy loạn tương lai nhưng ông nghe thấy cái âm thanh cuồng nộ của nó, cảm thấy sự đứt gãy ngấm ngầm luật lệ của tự do và hài hoà. Và sở dĩ Dostoevsky tự gọi mình là nhà xã hội chủ nghĩa Cơ Đốc giáo bởi vì trong nhận thức của ông, các cuộc vận động, cải cách xã hội, các phương thức này kia nhằm đạt tới một trật tự hoàn hảo trên thế giới bằng bạo lực và đấu tranh huỷ diệt chính là “biểu hiện sự khước từ tập thể đối với việc tiến hành một cuộc chơi theo đúng luật lệ do Chúa quy định” (Mizanishkova – Sáng tác của Dostoevsky trong sự đánh giá của giới phê bình tôn giáo, triết học Nga). Tổng thống Mĩ G. Bush tuyên bố Hoa Kỳ là nước đặt nền tảng trên những nguyên lý Thiên Chúa giáo nhưng hàng chữ “In God We Trust” (Trước Chúa chúng ta nói sự thật) trên đồng USD chỉ có từ thời nội chiến và chữ “Under God” (Dưới sự bảo trợ của Chúa) trong lời tuyên thệ trung thành với Tổ quốc chỉ có từ năm 1954, thời McCarthy. Và giả sử nước Mĩ có thực sự nhân danh Chúa thì họ đã làm được gì cho nền hoà bình thế giới? Cuộc chiến Iraq do Mĩ khởi xướng dù với mục đích và động cơ nào chăng nữa rốt cuộc vẫn là một thảm hoạ đối với người dân xứ sở dầu mỏ. Và ở một khía cạnh nào đó, có thể hiểu nước Mĩ đã tiến hành chống “khủng bố toàn cầu” bằng chính những hình thức của sự khủng bố. Những hình ảnh binh lính Mĩ ngược đãi tù nhân Iraq khiến người ta không khỏi kinh hoàng khi liên tưởng đến những hình phạt man rợ trong chương “Nổi loạn” (Trong tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazop”) mà Dostoevsky đã dựng lên trước đó một thế kỷ.

Đối với Dostoevsky, con người là cả một vũ trụ bí ẩn, mọi thuộc tính triết học, kinh tế, văn hoá, xã hội… đều là sự khép mở cánh cửa của nhân cách con người. Tài năng của Dostoevsky được Nguyễn Tuân ví với hai nhà đại danh hoạ Leonardo da Vinci và Rembrant trong việc khắc hoạ tính cách nhân vật – ông “đã tóm con người đúng vào cái phút nó cuồng nhiệt nhất, kích động nhất, đúng vào lúc con người muốn vượt qua cái giới hạn những khả năng của con người”. Nói cách khác, Dostoevsky đã diễn tả khéo léo và tài tình sự căng thẳng đến mức cuồng loạn của tư tưởng, tính biểu cảm mãnh liệt của lời nói và sự sục sôi cao độ của hành động trong nhân vật đến mức người ta không nhận ra đâu là ranh giới tận cùng của tâm tính con người, tưởng như giữa tự do tinh thần (cái mà Dostoevsky luôn có thiên hướng săn tìm và kích thích ở con người) và ý tưởng nổi loạn (hậu quả của nó) dường như chỉ cách nhau đúng một bước chân. Và tất cả những cái đó xâu chuỗi, tập trung và làm nổi bật cái chấn động tinh thần dữ dội ở nhân vật. Tấn bi kịch tâm hồn, sự khủng hoảng thế giới quan, sự sụp đổ tinh thần đi liền với kết thúc chết chóc hoặc điên loạn là những biểu hiện cao nhất của những thảm hoạ, “những thảm hoạ xã hội và thậm chí những thảm hoạ vũ trụ” (Mizanishkova – Sđd). Đối với bản thân con người, đây cũng là một tấn bi kịch muôn đời.

Những khám phá thẩm mĩ của Dostoevsky không phải bắt nguồn từ sự quan sát lạnh lùng, hờ hững trước cuộc sống mà nảy sinh từ cội nguồn của cảm hứng sáng tạo, từ khát vọng cháy bỏng muốn tìm hiểu thế giới, tìm hiểu con người, tìm hiểu Chúa…, cả đến “những chi tiết vụn vặt của cuộc sống đang chảy trôi” (Dostoevsky - Nhật ký, thư từ) cũng được ông chú ý. Đó là những tài liệu về cuộc sống mà theo Paustovsky không phải là cái chỉ để nghiên cứu hoặc chiêm ngưỡng. “Đơn giản là nhà văn sống trong lòng tài liệu ấy, anh ta sống, đau khổ, suy nghĩ, tham gia vào những sự kiện lớn nhỏ và tất nhiên cuộc sống bao giờ cũng để lại những dấu, những vết khắc trong tim họ” (Paustovsky – Bông hồng vàng). Chính từ đó mà những khám phá nghệ thuật sâu sắc, những phát kiến thẩm mĩ lớn lao của nhà văn được hình thành và phát lộ cùng với quá trình tìm tòi căng thẳng của tư tưởng sáng tạo.

Bước sang tuổi thứ năm, thế kỷ XXI mang trong mình mầm mống của một tính cách ngỗ ngược, bạo tàn với không ít những biểu hiện hung hãn và bất trị. Cuộc khủng bố kinh hoàng 11/9/2001 trên đất Mỹ phải chăng là sự tô đậm và khuếch đại tư tưởng sát nhân kiểu Raxcolnikop? Bản chất chủ nghĩa khủng bố phải chăng là tính hư vô, phi chính phủ, là nguyên lý kiểu Ivan: “Mọi việc đều được phép làm”? Thảm hoạ sóng thần châu Á 26/12/2004 phải chăng là lời thách thức của định mệnh và từ trong sâu thẳm tâm linh nhân loại cất lên lời kêu gọi một thiên đường thần thoại như trong giấc mơ của một kẻ nực cười? Sự yên nghỉ của Giáo hoàng John Paul II trong vòng tay của Chúa và trong niềm tiếc thương vô hạn của hàng triệu con người trên trái đất cho người ta điểm nhìn tương hợp về sự ra đi của cha trưởng lão Zosima? Chẳng phải ngẫu nhiên mà Albert Camus cho rằng các loại nhân vật của Dostoevsky “đang lấp đầy xã hội, lấp đầy thế giới tinh thần của chúng ta”. Và dường như chẳng cần chăm chú gì nhiều, người ta cũng có thể nhận ra trên mọi nẻo đường phát triển của thế giới hiện tại, bóng dáng những Ivan, D’mitri, Zosima, Raxcolnikop, Xonya, Versilop, Stavrogin… xuất hiện không chỉ giữa đại lộ đời thường mà còn thấp thoáng sau những khúc ngoặt, những ngã rẽ và sẽ còn quay trở lại. Tôi gọi tất cả những hiện tượng này là: “tính thời sự từ những xúc động của Dostoevsky”. Chính nó đã được thế kỷ XX chỉ rõ và sẽ không bị mất đi trong thế kỷ XXI chừng nào những biểu hiện cao nhất của tinh thần con người chưa bị phá huỷ và tiêu biến bởi bất kỳ sản phẩm cao cấp nào của sự phát triển xã hội. Nói như Viện sĩ, giáo sư Igor Vongin, “Dostoevsky chính là chúng ta. Nhưng chúng ta ở đây không phải là những cá nhân riêng biệt theo chủ nghĩa kinh nghiệm mà là tất cả mọi người nói chung với sự biểu hiện bản lĩnh cao nhất của con người” (Báo Văn Nghệ, số 49-2004). Tuy nhiên, điều này có bao hàm trong nó cả tôn giáo của Dostoevsky hay không? Nghĩa là tôn giáo của Dostoevsky có phải là tôn giáo của chúng ta hay không? Chúng ta hãy thử ngẫm ngợi về sự phát triển của tôn giáo sau Dostoevsky để xem những tư tưởng tôn giáo và những hình tượng tôn giáo được ông sáng tạo ra có ý nghĩa và chỗ đứng như thế nào trong thế giới hiện đại?


2. Tôn giáo sau Dostoevsky

Lịch sử văn minh nhân loại bắt đầu từ thời Phục Hưng đã chứng kiến cuộc đối đầu dai dẳng, quyết liệt giữa khoa học và tôn giáo. Sau phát hiện của Kopernik và thuyết tiến hoá của Darwin, khoa học thực nghiệm đã lần đầu tiên đụng đến những hiểu biết nền tảng của niềm tin tôn giáo. Đặc biệt từ sau thế kỷ XX, sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học lần thứ hai nhanh chóng đưa loài người vào nền văn minh hậu công nghiệp và tin học, cơ học lượng tử… kéo theo hàng loạt các vấn đề toàn cầu hoá, mở cửa và hội nhập kinh tế, văn hoá… Thế giới quan và nhân sinh quan tôn giáo đứng trước sự đả phá mạnh liệt của tri thức khoa học. Đầu thế kỷ XX, một tờ báo lớn ở Mỹ đã nhắc lại câu nói nổi tiếng của Nietzsche: “Thượng Đế đã chết!” và một cuộc bàn cãi sôi nổi đã diễn ra. Một nhà thiên văn học tại trung tâm nghiên cứu Palorma kêu lên: “Tôi đã dùng kính viễn vọng tối tân nhất, có thể quan sát các tinh tú xa trái đất hàng triệu năm ánh sáng mà nào có thấy thiên đường và thượng đế cư ngụ nơi nào?” Tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo thế giới như Kitô giáo có đặc trưng thần học là “Sự vượt khỏi những giới hạn triệt để của thực tại khách quan”. Trên bình diện nhận thức, đặc trưng của tôn giáo này cho phép người ta có thể biết đến những cái không thể biết (mặc khải): sự sống sau khi chết, nguồn gốc trái đất, vũ trụ, không gian và sự kết thúc của nó… Ở đức tin của mỗi người, nó biểu hiện thành những mong ước, những khát vọng về sự hiện hữu của những điều tốt đẹp trong cuộc sống thực tại và tương lai. Tất cả những điều này đều bị các nhà khoa học (cũng với niềm tin không hề thua kém vào lý trí và thực nghiệm) bác bỏ, cự tuyệt vì cho rằng chúng chỉ là những ảo tưởng, chỉ truyền bá thứ đạo đức vụ lợi, và ấp ủ niềm trông chờ hão huyền ở mỗi cá nhân vào sự đền thưởng trên thiên giới.

Tuy nhiên, bản thân khoa học trong nhiều lĩnh vực không thể giải đáp tất cả những hiện tượng còn hết sức kì lạ với trí năng con người. Chẳng hạn, khoa học thực nghiệm tin rằng các hành tinh đều là sự kết hợp ngẫu nhiên của vật chất, song nếu là ngẫu nhiên tại sao chúng lại nằm ở những vị trí nhất định trong vũ trụ và di chuyển theo một quỹ đạo cố định? Mặt trời là nguồn sống của trái đất. Trái đất của chúng ta ở đúng một vị trí tốt đẹp, không xa quá cũng không gần quá, vừa vặn để đón nhận sự ấm nóng của mặt trời. Nếu sức nóng của mặt trời gia tăng một chút, ta sẽ bị chết thiêu và ngược lại nếu sức nóng của mặt trời giảm đi một chút, ta sẽ chết rét. Tại sao trái đất chúng nằm ở một vị trí chính xác và thuận lợi đến thế? Tại sao sự sống trên trái đất, từ loài người đến loài vật, cỏ cây, hoa lá, chim muông đều được hình thành và tạo lập trong sự quân bình tuyệt đối? Ai đã tạo nên sự quân bình tuyệt đối này? Phải chăng mọi vật tuân theo một định luật thiên nhiên nhưng đằng sau định luật đó luôn luôn có sức mạnh huyền bí, thiêng liêng cai quản? Những câu hỏi thế này sẽ còn vang mãi trong tâm thức loài người chừng nào những nguyên nhân cuối cùng về các sự vật và hiện tượng còn để ngỏ. “Có luật tức là có người lập luật” (Lời của Giáo hoàng John Paul II) và như thế con người sẽ vẫn tin vào Đấng Tối Cao đã sáng tạo ra thế giới và chi phối cuộc sống con người. Ngay đến nhà vật lý lỗi lạc người Nga, Sakharov cũng phải thừa nhận trong “hồi ký” của mình: “Tôi không tin vào một giáo điều nào cả, tôi không ưa những giáo hội chính thống, đặc biệt những giáo hội liên kết chặt chẽ với Nhà nước hoặc có đặc điểm chủ yếu là tính nghi lễ, hay lòng cuồng tín và bất khoan dung. Nhưng đồng thời tôi không thể hình dung được vũ trụ và cuộc sống con người mà lại không có một bản nguyên truyền ý nghĩa cho chúng, không có một nguồn nhiệt tinh thần, nằm bên ngoài vật chất và những quy luật của nó. Có lẽ cảm giác ấy là tình cảm tôn giáo” (Theo Phạm Vĩnh Cư – Freud với vấn đề quan hệ giữa văn hoá, tôn giáo và khoa học - Tạp chí VHNN, số 6-2004). Cái mà Sakharov gọi là “bản nguyên truyền ý nghĩa” ấy, trong Phật giáo gọi là tha lực, Ấn Độ giáo gọi là thần lực. Điều này cho thấy các tôn giáo dù khác nhau thế nào vẫn có điểm chung nhất là đức tin vào Đấng Tối Cao, nghĩa là đức tin tôn giáo là biểu hiện sức mạnh tinh thần của toàn nhân loại chứ không riêng một dân tộc, quốc gia nào. Có thể khoa học với tốc độ phát triển và ưu thế vượt trội của mình, được các quốc gia hiện đại coi trọng và thay thế vị trí xưa kia của tôn giáo trong nền giáo dục quốc dân, nhưng một khi tôn giáo còn biểu lộ ở mỗi con người cái chân ngã thâm diệu, cái mà ta gọi “Thượng Đế ngự trong tôi” thì khoa học không thể tiêu diệt được.

Vậy thì mối đe doạ tôn giáo lớn nhất từ đâu?

Không đâu xa mà ngay trong chính bản thể của mỗi con người, trong sự xung đột niềm tin của họ vào Chúa. Điều này đã được Dostoevsky chỉ ra từ lâu. Đối với Dostoevsky, sự hiện hữu của mỗi cá nhân cũng như sự tồn tại đầy mâu thuẫn của những tư tưởng thời đại là cuộc đối thoại không mệt mỏi giữa bản thân và cái khác mình, giữa cái tôi của chính mình với kẻ xa lạ thực ra cũng là mình. Thay vì tìm kiếm một chân lý tuyệt đối, con người hãy tìm kiếm sự tuyệt đối nơi mình, bởi chân lý để sống chứ không phải để rao giảng. Sự tồn tại và sức sống của tôn giáo nằm chính trong cuộc đối thoại này đây.

Thời đại ngày nay với xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra một cách nhanh chóng cho người ta cái nhìn đổi mới về vấn đề tôn giáo, tôn giáo dần được thế tục hoá và “diễn ra dưới một dạng khác với sự hiểu biết của chúng ta, cũng như Đạo Kitô đã làm với những tôn giáo cổ đại (ở Châu Âu). Nhưng nó sẽ không còn là vấn đề Đấng Tối Cao” (A.Malraux – Theo cuốn “Về tôn giáo và tôn giáo ở Việt Nam”, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, năm 2004). Tuy nhiên, song song với điều này, tôi cũng xin đặt ra vấn đề, với tư cách là một thực thể khách quan của xã hội, tôn giáo được sinh hạ trên mảnh đất xã hội, nhưng tính thế tục của xã hội lại đối lập với tính thần thánh của tôn giáo. Như vậy, ở một góc độ nào đó, thế tục hoá tôn giáo đồng nghĩa với việc loại trừ tính thần thánh của tôn giáo. Vậy thì xu hướng này sẽ đưa tôn giáo đến đâu? Nghiên cứu về Dostoevsky, tôi thấy vấn đề này đã được ông đặt ra trong nhiều tiểu thuyết của mình và thể hiện nó thành mâu thuẫn, xung đột giữa niềm tin và sự hoài nghi vào tính linh thiêng của Chúa Kitô. Tất cả thường diễn ra trong tâm tư những nhà trí thức, những con người thông minh và có trí tuệ hơn người, những người khiến chúng ta ít nhiều liên tưởng tới thành phần trí thức thời đại công nghệ đang phát triển.

Chúng ta đều biết rằng, một hằng số được luỹ thừa đến vô hạn trong nhân cách của Dostoevsky là tình yêu sâu sắc với Chúa Kitô. Phải chăng với riêng ông, đức tin cũng là một ý muốn sáng tạo? Chính Đức Jesus đã nói rằng: “Những gì mà ta làm được thì các ngươi cũng sẽ làm được và các ngươi sẽ làm được những việc lớn lao hơn nữa” (Kinh Thánh). Phải chăng sứ mệnh của Jesus trên trần gian là để cho quần chúng thấy rằng Ngài được Thượng Đế gửi xuống để sáng tạo cũng như Thượng Đế vậy? Nếu như Dostoevsky không có đức tin vào Chúa, không có tình yêu mãnh liệt vào Chúa, xa rời Thượng Đế bởi hoài nghi vào sự đồng nhất với Thượng Đế thì liệu ông có thể sáng tạo nên những tác phẩm kì vĩ cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật mà như một phép màu Chúa Trời đã truyền cho ông cái khả năng sáng tạo ấy?

Khó có thể hình dung tầm ảnh hưởng sâu rộng của Dostoevsky tới văn chương thế kỷ XX, thậm chí cả trong những lĩnh vực khác của cuộc sống như: triết học, thần học, tâm lý học, xã hội học, luật học… Chẳng phải ngẫu nhiên mà Albert Einstein lại yêu Dostoevsky đến thế, Dostoevsky đã cho ông “nhiều hơn bất cứ một nhà tư tưởng nào, hơn cả Gauss”, nhà tiền khu của ông trong toán học (Theo Phạm Vĩnh Cư – Dostoevsky, sự nghiệp và di sản, Tạp chí VHNT, số 6-2001). Riêng trong địa hạt văn chương, một làn sóng say mê và tôn sùng Dostoevsky lan tràn khắp Châu Âu với một cường lực mạnh mẽ chưa từng thấy. Khi Dostoevsky đặt vào nhân vật Ivan Karamazop lời phát biểu: “Thế giới được dựa trên những điều phi lý và không biết điều gì sẽ xảy ra nếu không có những điều phi lý đó” thì dường như ông đã cảnh báo trước một hiện tượng khủng hoảng của thực tế xã hội mà về sau trở thành chất liệu hình thành nên cái mà chúng ta vẫn hay gọi là loại hình văn học phi lý với những đại diện tiêu biểu là Kafka, Camus, Beckett, Ionesco… Họ đều coi ông là bậc thầy của mình. Gide, S.Zweig, O.Paz, M.Kundera… cũng ngưỡng mộ nhìn thấy ở Dostoevsky năng lực cảm xúc và sức mạnh tinh thần ghê gớm cho phép ông thâm nhập vào phần sâu thẳm nhất của tâm hồn con người, cùng đau khổ với nó, khám phá những điều bí ẩn ngự trị trong con người không chỉ ở sự tự ý thức mà còn ở dạng tiềm thức, thậm chí vô thức. Gide luôn trách các nhà văn khác vì nhân vật của họ không bí ẩn được như các nhân vật của Dostoevsky, Kundera thì cho rằng cần phải học tập cách viết của Dostoevsky, còn những trang viết của Zweig chịu ảnh hưởng rõ nét của ông. Chiều sâu của sự ảnh hưởng ấy còn vươn rộng tới cả nền văn học châu Á, với “một Akutagawa ở Nhật Bản, một Lão Xá ở Trung Quốc và một Nam Cao ở Việt Nam” (Phạm Vĩnh Cư)…


3. Dostoevsky và văn học Việt Nam

Có thể nói từ mấy chục năm trở lại đây, các tác phẩm của Dostoevsky đã trở nên khá quen thuộc với độc giả Việt Nam. Riêng với các thế hệ nhà văn Việt Nam, từ lâu Dostoevsky đã trở thành người bạn tri kỷ vong niên, đồng thời là người thầy khả kính. Rất nhiều truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết của Dostoevsky trở thành sách gối đầu giường của những người cầm bút trên cái xứ sở “bé nhỏ” này. Câu nói nổi tiếng của ông: “Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các hội thảo văn học, các dịp kỷ niệm ngày sinh các nhà văn Nga vĩ đại mà Dostoevsky được coi là đại biểu số một. Đặc biệt, cuộc đời và sự nghiệp của ông được truyền bá khá rộng rãi trong các khoá đào tạo bồi dưỡng các nhà văn trẻ.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu về tiểu thuyết Việt Nam, có thể thấy rõ sự ảnh hưởng sâu sắc nền văn học Nga với các dấu ấn của Puskin, Gogol, L.Tolstoi, Turgenev, Shekhov cho đến Erenburg, Solokhov, Paustovsky… (Trong lĩnh vực thi ca cũng nhiều người chịu ảnh hưởng của Lermontop, Maiacopsky, Exenin, Eptusenko…) Nhưng riêng với Dostoevsky thì hầu như không thấy điều này, có lẽ vì chúng ta vốn quen với nghệ thuật trong sáng, gọt dũa kiểu cổ điển, hoặc còn thụ động trước những biến đổi tinh thần, ưa chất trữ tình hơn tính triết học mà khuynh hướng triết học, tôn giáo cùng những tư tưởng trừu tượng vốn là dấu ấn đặc sắc nhất trong các tác phẩm nghệ thuật của Dostoevsky.

Một số nhà văn Việt Nam có khai thác đề tài tôn giáo như Chu Văn với “Bão biển”, Nguyễn Thế Phương với “Nắng”, Nguyễn Khải với “Cha và con, và…”… nhưng chỉ là dừng lại ở sự khai thác đề tài nhằm mô tả những xung đột trên bề mặt theo một quy trình đơn thuần, phục vụ cho một ý tưởng vĩ mô nào đó mà chưa đụng tới chiều sâu tư tưởng mang tầm triết học, bởi thế đã nhanh chóng bị lãng quên cùng với tủ sách được mệnh danh là “văn học của một thời” (Lời Vũ Tú Nam – Theo Trần Đăng Khoa – Chân dung và Đối thoại – NXB Thanh niên, năm 1998).

Văn học Việt Nam ngày nay đang đứng trước những thử thách to lớn mà sức ép trước tiên không phải từ những chuyển biến, phát triển của văn chương thế giới (văn học Việt Nam hiện đang tụt hậu rất nhiều so với thế giới, đó là một thực tế) mà đáng sợ hơn là chính trong nội lực phát triển của mình. Sẽ hơi quá đáng nếu nói rằng văn học Việt Nam đang đánh mất chính mình, song quả thực văn chương đương đại Việt Nam bình lặng như mặt nước hồ, đời sống văn chương bằng phẳng như một bình nguyên rộng lớn khiến cho những làn gió phê bình cứ bị trượt trên bề mặt. Cảm giác này xuất phát từ một thực tế, văn học Việt Nam trong vòng hai chục năm trở lại đây thưa thớt những tài năng đích thực và chưa có những tác phẩm đỉnh cao. Cố nhiên, nói như thế không có nghĩa là độc giả đang thờ ơ và đang quay lưng lại với văn học Việt Nam. Quả thực là sau thời kỳ mở cửa, chúng ta đã gặt hái được một số thành công. Các tiểu thuyết: “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Thời xa vắng” của Lê Lựu… tuy chưa khiến người ta phải sửng sốt nhưng đã chạm đến những nỗi đau thầm kín của con người, với những mảnh đời, những số phận, những tiếng nấc nghẹn ngào hoà trong âm hưởng bi ai của chiến tranh. Tiếp theo đó là một loạt các tác phẩm gây xôn xao dư luận như các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài…, các tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà, “Giàn thiêu” của Võ Thị Hảo, “Cõi người rung chuông tận thế” của Hồ Anh Thái, “Lão Khổ” của Tạ Duy Anh, “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, “Dòng sông mía” của Đào Thắng… Tuy nhiên, dư luận vẫn chỉ là dư luận, mọi cái còn phải đợi thời gian phán xét, điều đáng bàn ở đây là cái mốt văn chương. Nói như nhà văn Nga Aleksandr Melikhop: “Một trong những tiêu chí của sự lựa chọn giải Nobel văn học hiện nay là sự phá hoại” (Theo Báo Văn Nghệ, số 15/2005). Và gần như chạy theo thứ mốt tinh thần này, các nhà văn Việt Nam ngày nay có xu hướng nói bằng thứ ngôn ngữ “hối hả và hữu dụng” để diễn tả cái xã hội “hối hả và hữu dụng” đang hiện hữu trong cái “thời buổi tưng bừng và trộn trạo của nền văn minh công nghiệp” (Nguyên Ngọc) để rồi tự tước đi của mình khả năng “bay lượn trong từng khoảng hẹp” như Thánh Thán đã chỉ ra nhân bàn về tác phẩm Mái Tây của Vương Thực Phủ. Có cảm tưởng trong quá trình sáng tác, họ thử nghiệm nhiều hơn là trải nghiệm và điều đáng lo ngại là trong cuộc thử nghiệm này, có thể do bút lực chưa tới, tâm thế chưa cao nên mặc nhiên bám víu vào nền tảng của sự “phá hoại”. Melikhop cho rằng, ngày nay văn học chuộng những kẻ phá hoại, phá hoại những nề nếp truyền thống và phá hoại chính những giá trị của hiện thực. Điều này khiến chúng ta nhớ tới nhân vật của Dostoevsky – nhà trí thức, nhà thơ nổi loạn Ivan, những gì diễn ra trong tâm hồn nổi loạn này đều bắt nguồn từ sự không tin vào những điều tốt đẹp, hài hoà trên thế gian mà Chúa Trời mang lại. Tất nhiên, sự liên tưởng này có phần khập khiễng nhưng điều người viết muốn nói ở đây là vấn đề đức tin. Phải chăng các nhà văn Việt Nam đang thiếu đức tin (theo nghĩa rộng và hẹp của từ này)?

Theo dõi tiến trình phát triển văn học thế kỷ XX, có thể thấy một đặc điểm nổi bật là những tác phẩm lớn gây được tiếng vang trên toàn thế giới thường là những tác phẩm thể hiện cái nhìn mới mẻ về hiện thực vừa có sự cách tân to lớn về hình thức nghệ thuật, mở ra những trường phái khác nhau khiến cho đời sống văn học thêm phần phong phú: Kafka, M.Proust, J.Joyce, G.Marquez, M.Kundera, Cao Hành Kiện, Murakami… là những ví dụ điển hình. Tuy nhiên, nói tới ảnh hưởng của tác phẩm cũng như sức sống của các hình tượng nhân vật thì các nhà văn này không thể so đọ được với Dostoevsky. Ở Dostoevsky, “hiện thực không nằm hết trong cái hiện hữu mà phần to lớn còn tồn tại ở dạng tiềm ẩn, như là tiếng nói chưa được phát ra từ trong tương lai” (Dostoevsky). Và nếu hiểu rằng, “tiểu thuyết chính là cuộc đời ở tầng sâu nhất của nó” (Ma Văn Kháng – Tiểu thuyết, một giá trị không thể thay thế - Đổi mới tư duy tiểu thuyết, NXB Hội Nhà Văn, năm 2002) thì trong lĩnh vực này chưa ai vượt qua được Dostoevsky. Bởi trong khi lật xới những tầng sâu hiện thực một cách nhiệt thành và “khổ nạn”, ông luôn mang trong mình một đức tin tôn giáo. Chính điều này đã biến nhà đại văn hào thành nhà tiên tri huyền diệu. Ông không chỉ diễn tả một cách sâu sắc bản thân những hành vi đã được xác định mà còn nắm bắt được khả năng của những hành vi không xác định của con người.

Thiết nghĩ, trong khi dồn tâm lực để vượt qua thách thức của cuộc “đổi mới tư duy tiểu thuyết”, nên chăng các nhà văn Việt Nam hãy tìm gặp lại “ông già vĩ đại” này, dù chỉ một lần thôi và biết đâu, ông sẽ rất vui khi tiếp tục song hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường vô định trong thế kỷ XXI đầy biến động?

© 2008 talawas