trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
24.5.2008
Bùi Văn Phú
Tháng Tư: 33 năm sau ở San Jose
 
30.4.1975 đánh dấu ngày chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà người Mỹ đã trực tiếp can dự chiến đấu, hi sinh gần sáu vạn binh sĩ để chuốc lấy một sự thất bại nhục nhã lần đầu tiên trong lịch sử. Vì thế trong dư luận Mỹ, mỗi cuối tháng Tư không ít thì nhiều hai tiếng Việt Nam lại được nhắc đến: về cuộc chiến Việt Nam, về người Việt trong và ngoài nước, về một nước Việt Nam đương đại.

Những số báo Việt ngữ ở San Jose về ngày 30.4

Trong những năm với con số ngũ niên kỉ niệm, như 10 năm, 15 năm hay 25 năm thì biến cố 30.4 được nhắc đến nhiều, những năm lẻ chỉ được nhắc thoáng qua và càng về lâu thì cuộc chiến ít còn được nhắc đến mà dư luận chú ý đến một Việt Nam đương đại và một cộng đồng người Mỹ gốc Việt ngày càng phát triển.

Trong tháng Tư vừa qua, đài truyền hình KTEH ở vùng San Jose và nhiều đài khác trong hệ thống PBS trên toàn nước Mỹ, đã chiếu một loạt những phim tài liệu chủ đề “The Vietnamese-American Journey” (Hành trình của người Mỹ gốc Việt), gồm 3 phim:
  1. Oh, Saigon của Hoàng Đoan chiếu tối 16.4
  2. Saigon, USA của Lindsey Jang và Robert C. Winn, tối 23.4
  3. Bolinao 52 của Nguyễn Đức, tối 30.4

Oh, Saigon

Đây là câu chuyện với nhiều xung khắc trong cách nhìn về quê hương Việt Nam.

Gia đình cô Hoàng Đoan có kẻ ở bên này, người ở bên kia của cuộc chiến. Cha cô là một sĩ quan Không quân Việt Nam Cộng hoà. Khi đi tìm họ hàng cô khám phá ra cha cô có một người anh là cán bộ cộng sản miền Bắc và một người em trốn lính ở miền Nam. Gia đình cô được di tản vào tháng 4.1975, lúc cô còn nhỏ và mẹ cô đã bỏ lại một người con gái riêng là cô Vân, coi như là chị của cô Đoan, mà sau này được đến Mỹ đoàn tụ thì cô Vân cũng bỏ gia đình đi tìm nơi sinh sống xa.

Cha cô Đoan từng có quan điểm là sẽ chỉ trở về khi không còn cộng sản trên quê hương cũ. Nhưng cuối cùng cô con gái đã thuyết phục được ông bố và cả gia đình làm một chuyến trở về cố hương năm 2005. Nhưng cuộc hội ngộ không lấy gì làm vui, cô Vân thường tạo ra những rắc rối, bực dọc khiến bố và mẹ cô không hài lòng, cãi nhau khi về đến Việt Nam. Cô Vân như vẫn còn mang mặc cảm và nỗi oán hận là đã bị gia đình bỏ lại khi di tản vào tháng 4.1975.

Buổi gặp gỡ giữa bố cô Đoan và ông bác, một cán bộ cộng sản, cũng không phải là một cuộc hội ngộ toát lên ý hướng hoà giải, ngược lại ám ảnh quá khứ như vẫn còn làm ngăn cách anh em. Còn cuộc gặp gỡ giữa bố và ông chú của cô, một người trốn lính thời chiến tranh, thì không khí phấn khởi, hài hoà hơn.

Oh, Saigon có ý hướng đi tìm sự hoà giải trong đại gia đình, nhưng điều đó chưa hiển hiện lên. Cũng như sự hoà giải trong lòng dân tộc Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có được, dù đã 33 năm sau ngày chiến tranh chấm dứt.


Saigon, USA

Saigon, USA do Lindsey Jang và Robert C. Winn thực hiện dựa vào một biến cố xảy ra đầu năm 1999, khi một thương nhân người Mỹ gốc Việt, ông Trần Văn Trường, đem hình ông Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng treo trong tiệm ở thành phố Westminster, miền nam California, nơi được coi là Little Saigon, thủ đô của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ.

Sự việc này đã khiến người Việt trong vùng tổ chức biểu tình nhiều ngày trước cửa tiệm để phản đối, được truyền thông Mỹ chú ý vì có lúc đã có hàng chục nghìn người tham dự, trong không khí tương đối ôn hòa, trừ đôi lúc sự xuất hiện của chủ nhân đã tạo ra những sự cố khiến cảnh sát phải can thiệp.

Sự việc hàng chục nghìn người Việt tập họp biểu tình là một điều lạ, ít khi điều này xảy ra trong cộng đồng gốc châu Á ở Mỹ. Jang và Winn làm phim Saigon, USA vì muốn tìm hiểu nguyên do tại sao người Việt lại có những phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt trước sự xuất hiện của những biểu tượng cộng sản.

Nhiều người Việt trong phim nói về lý do tại sao họ đã, hoặc không tham gia biểu tình. Người lớn tuổi kể lại những mất mát khi Sài Gòn rơi vào tay cộng sản. Đại tá Lê Khắc Lý mất hết quyền bính, mất cả quê hương. Qua Mỹ, dù ông biết tiếng Anh và đã chuẩn bị tinh thần để chấp nhận một cuộc sống mới, nhưng khi phải đi lau chùi nhà vệ sinh thì tự nhiên nước mắt ông cứ tuôn trào vì cảm thấy như đang từ đỉnh cao bị rớt xuống hố sâu. Ông vẫn mơ có một ngày lấy lại quê hương.

Gia đình của họa sĩ Vi Lý, người Việt gốc Hoa, phải ra đi khi Hà Nội có chính sách đánh tư sản mại bản. Lúc đầu cô Vi cảm thấy xấu hổ, cô không hiểu tại sao chỉ vì một lá cờ, một tấm hình mà người Việt lại xôn xao biểu tình. Cuối phim, khi nghe được những câu chuyện của người tị nạn thì cô nghĩ khác đi về cuộc biểu tình đó.

Bảo Nguyễn bênh vực người chủ cơ sở thương mại có quyền treo cờ và hình ảnh cộng sản. Thấy hành động này bị phản đối quá thì Bảo nói ở Mỹ không có tự do. Trong một lần khác, khi đông đảo người Việt tổ chức vận động bầu cử ủng hộ Thượng nghị sĩ John McCain, Bảo và các bạn có mặt để phản đối việc ông dùng một từ mang tính miệt thị: "gook", để gọi cai tù Việt cộng, nhưng Bảo cho rằng danh từ đó ám chỉ chung các sắc dân châu Á. Hôm đó Bảo và các bạn bị những người Việt khác đuổi khỏi nơi ông McCain đang vận động.

Vũ Nguyễn lúc đầu cũng suy nghĩ như Vi Lý về các cuộc biểu tình, sau hiểu được thì cùng bố là nhà hoạt động cộng đồng Chuyên Nguyễn tham gia sinh hoạt. Anh cho đó là một phần của cộng đồng dù chấp nhận nó hay không. Vũ nói một câu hết sức có lý: "Việt Nam Cộng hoà với lá cờ vàng ba sọc đỏ bên kia đại dương thì không còn nữa, nhưng đất nước đó đã được chuyển qua đây".

Vụ treo hình ông Hồ Chí Minh và cờ cộng sản Việt Nam ở Westminster là một biến cố đã khơi dậy những đau thương và tinh thần chống cộng của người Việt. Trong phim, nhà báo Andrew Lâm đã so sánh việc phô trương những biểu tượng cộng sản giữa Little Saigon chẳng khác nào đem hình Adolf Hitler treo giữa nơi có đông người Do Thái, hay đem hình Fidel Castro mà trưng giữa Little Havana.


Bolinao 52

Bolinao 52 là phim về hành trình đến Mỹ của nhiều người Việt đã một thời được vinh danh là “Boat People” - thuyền nhân - những người như bà Trịnh Tùng, nhân vật chính trong phim, và ông Nguyễn Đức là nhà đạo diễn.

Nguyễn Đức rời Việt Nam năm 1980, sau bốn ngày trên biển được tàu chiến của Hoa Kỳ vớt, coi như trúng số, và sớm được đi Mỹ định cư.

Tàu của bà Trịnh Tùng rời Việt Nam tháng 5.1988, hỏng máy, mất phương hướng, trôi trên biển 39 ngày, nhiều lần thấy bóng tàu lớn, kêu cứu nhưng không được đáp lời. Nhiều người trên tàu đã chết vì đói khát. Sau nhiều ngày trôi giạt trên biển, 30 người đã chết, nhưng khi gặp chiến hạm Hoa Kỳ USS Dubuque thì vị chỉ huy là Đại úy Alexander G. Balian đã không cho lệnh vớt, chỉ cung cấp thức ăn và nước uống. Có thuỷ thủ chứng kiến cảnh người từ con tàu vượt biển trong tuyệt vọng đã bơi đến hay tìm cách leo dây lên chiến hạm mà phải chết chìm. Khi chiến hạm Mỹ bỏ đi vì đang trên đường qua vùng biển Iran công tác, con tàu của bà Trịnh Tùng đã phải trôi nổi thêm 19 ngày nữa. Cạn lương thực khiến nhiều người đã chết, như cô Vân được bà Tùng ôm trong tay mà cô ấy chết lúc nào bà cũng không hay; và nhiều người đã phải ăn thịt bạn mình vừa chết để hi vọng sống sót.

Ra đi với 110 người, đến khi con tàu được ngư dân Phillippin cứu sống, đưa vào đảo Bolinao thì chỉ còn 52 người.

Đến Mỹ định cư, 17 năm qua bà Trịnh Tùng chưa đi đâu. Bà muốn trước tiên được trở lại Bolinao là nơi bà và 51 người khác đã được cứu sống để cám ơn ngư dân Phillippin đã cứu sống bà và những bạn đồng hành. Gặp lại nhau, giữa những con người là số phận. Người cứu nạn bà Tùng vẫn sống cuộc sống nghèo ở ven biển. Bà tặng cho đôi vợ chồng ngư dân ít tiền. Từ Bolinao bà Tùng thả những chiếc bè nhỏ kết hoa trái và nến ra biển để tưởng nhớ, cầu nguyện cho 58 người đã cùng bà ra đi từ Việt Nam nhưng phải chôn vùi thân xác trong lòng biển cả.

Năm 1989 khi toà án quân sự Hoa Kỳ xử vị chỉ huy chiến hạm USS Dubuque, những người sống sót từ Bolinao 52 đã kiến nghị yêu cầu toà án tha cho Đại úy Balian. Nhưng ông vẫn bị kết tội lơ là trách nhiệm cứu giúp những người trong cơn thập tử nhất sinh trên biển. Ông bị khiển trách và buộc phải rời quân đội sớm.

Một cựu thủy thủ của tàu USS Dubuque, ông William Coolagon, đồng ý xuất hiện trong phim và kể lại những gì ông chứng kiến trên biển. Ông đã thấy người chết đuối nhưng không làm gì được vì phải theo lệnh của cấp chỉ huy.

Cuộc gặp gỡ giữa bà Trịnh Tùng và ông William Coolagon giúp bà Tùng xoá bỏ đi nỗi oán giận vì sao tàu Mỹ đã không vớt, giúp ông Coolagon vơi đi mặc cảm tội lỗi chèn nén trong lòng từ bấy lâu nay.

*


Tháng Tư San Jose, hoa vàng vẫn còn chỗ nở.
Tháng Tư, muà xuân đang về. Như tên gọi thân thương cho vùng đất này la “Thung lũng Hoa vàng”, nơi mà hơn ba mươi năm về trước còn nhiều cánh đồng hoa vàng rực rỡ, nay hoa chỉ còn loáng thoáng, thay vào là hãng xưởng điện tử mọc lên dọc hai bên những con đường lộ.

Bảo tàng viện Thuyền nhân và Việt Nam Cộng hoà sắp mở cửa.
Tháng Tư San Jose, hoa vàng vẫn còn chỗ nở. Cờ vàng vẫn còn tung bay ở thủ đô của thung lũng điện tử. San Jose có non một triệu dân, với 10% con cháu của Âu Cơ và Lạc Long Quân. Trứng rồng lại nở ra rồng, sinh sôi phát triển theo nhịp tiến bộ của nước Mỹ. San Jose là nơi đầu tiên ở Mỹ có một bảo tàng viện nho nhỏ mang tên “Bảo tàng viện Thuyền nhân và Việt Nam Cộng hoà” sắp mở cửa cho công chúng vào xem lại những trang sử của một quốc gia đã mất, để biết về lịch sử của một lớp người gọi là người Mỹ gốc Việt.

Tháng Tư về, người Mỹ nếu có nhớ chăng là hình ảnh chiếc trực thăng bốc người di tản khỏi Sài Gòn. Còn người Việt có trí khôn thì làm sao quên được mốc thời gian như đã dừng lại vào ngày 30.4 đó để phân định trước sau.

Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã một lần nói rằng: “Ngày 30.4 có triệu người vui, nhưng cũng có triệu người buồn”. Ở trong nước từ 33 năm qua, những người vui với ngày 30.4 đã có biết bao cơ hội thể hiện tâm tình và ước vọng của mình. Còn những người buồn vẫn phải âm thầm che giấu nỗi đau, niềm xúc cảm.

30.4 ở San Jose vẫn còn là ngày của những tưởng niệm và đấu tranh.

(Ảnh trong bài của tác giả)

© 2008 talawas