trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
7.6.2008
Phan Cẩm Thượng
Bóng đá và tôi
 
Lúc nhỏ thì ai cũng mê bóng đá, riêng tôi rất vụng về nên ra sân thường phải ngồi chầu rìa, khi nào thiếu người mới được vào đá. Bọn trẻ con chúng tôi tổ chức một trận bóng đá bên thua phải cởi truồng, gỡ được mới được mặc quần. Tối hôm đó ông trưởng khối gọi tất cả bố mẹ chúng tôi đến nói rằng: "Chơi đùa cũng phải có đạo đức". Chúng tôi được một trận đòn nên thân, từ đấy không đi đá bóng nữa. Năm ba mươi tuổi tôi tự nhiên rất thích đá bóng và tham gia với đội sinh viên của Trường Mỹ thuật. Cánh sinh viên cũng thích có một ông giáo trong đội, thỉnh thoảng đi đấu chỗ nọ chỗ kia, được mọi người quý mến. Đội chúng tôi cũng một lần được mời đá ở sân Hàng Đẫy, với điều kiện sau đó mời đội bạn đi uống bia. Sau này mới thấy hố, tiền thuê sân chỉ bằng 1/3 tiền bia. Tôi đá một mạch từ đó đến bốn nhăm tuổi thì hai đầu gối lủng lẳng. Bè bạn nói rằng "thể thao thì nghiệp dư còn chấn thương thì chuyên nghiệp". Thực ra, những danh thủ bóng đá không xa lạ với tôi. Tôi học cùng trường với Chính Cối và Phương Tròn (tên thực thì không nhớ), hình như là cầu thủ của đội Đường sắt cũ, lại học cùng với em của Ba Đẻn và Cao Cường, còn Quản Trọng Hùng là hàng xóm. Chúng tôi đi xem tất cả các trận đấu của họ nếu có vé, còn không thì nghe tường thuật qua đài truyền thanh. Có ông già nói với tôi: "Tại sao lại gọi là sân Hàng Đẫy, cái tên xấu quá, sao không gọi là sân vận động Công viên các Hoàng tử, như người Pháp, có phải ai cũng muốn đến không." Hình như bóng đá của ta nghiệp dư ngay cả cách đặt tên. Vào bộ đội, đóng quân ở Thanh Xuân, chúng tôi đấu với đội bóng làng Triều Khúc. Làng này căng một khẩu hiệu: "Đội bóng đá Quân đội Nhân dân Việt Nam thi đấu hữu nghị với Đội bóng đá làng Triều Khúc". Kết quả Quân đội Nhân dân Việt Nam thua 0-5. Ông chính ủy rất tức, động viên mọi người tập hàng ngày để phục thù, nhưng tháng 4 năm 1975, phần lớn bộ đội chuyển vào Nam, nên không bao giờ có trận lượt về nữa. Tôi thấy văn hóa làng vừa có nét vênh vang vừa hóm hỉnh.

World Cup 1974, chúng tôi được xem lại năm 1976 trong bộ đội. Thủ trưởng tính giờ bắt mọi người đến sớm nghe đọc hết hai tờ báo Quân độiNhân dân, rồi mới được xem. World Cup 1978 chúng tôi nghe tường thuật qua bản tin buổi chiều, rồi sau này cũng được xem băng hình. Đến Espana 1982 thì người Hà Nội được xem truyền hình trực tiếp. Thực ra hàng ngày nếu có điện chúng tôi vẫn theo dõi giải vô địch bóng đá Liên Xô và không bỏ qua trận nào của các đội Việt Nam. Phần lớn mọi người rất yêu đội Liên Xô, vì truyền hình bóng đá quốc tế hình như do Liên Xô giúp, vả lại đội Liên Xô đá rất thật thà, hậu vệ thì không biết chém chân, tiền đạo thì không biết ăn vạ, lại hay bị trọng tài phạt oan. Người yêu Liên Xô nhất có lẽ là ông Dương Tường, mỗi lần chúng tôi chê đội Liên Xô là ông rất cáu. Chơi và xem bóng đá dần dần trở thành một phần của đời sống, ở đó con người bộc lộ rất rõ tính cách. Người ta có thể cố làm chức này chức nọ, giáo sư tiến sĩ, nhưng không ai cố làm Pele được, thể thao như vậy rất rõ ràng. Sự thắng thua trong thể thao thoạt tiên chỉ là sĩ diện, sau dần thành cá độ, người ta mất tiền và thất vọng vì đội mình hâm mộ, dẫn đến những cay cú lạ thường. Tôi thấy hình như ở đâu người ta cũng thích cá độ. Khi nghe bình luận viên bóng đá thấy anh ta cũng đứng về một đội nào đó, khen hết lời, rồi khi đội đó thua giọng anh rất chua xót thất vọng. Ví dụ trận Cameroun thua Anh trong World Cup 1990, bình luận viên rú lên: "Ôi Mila, ôi Mila!" Đọc tự truyện của một vận động viên nhảy cao Xô-viết, khi bị tai nạn ô tô, anh hỏi bác sĩ rằng anh có nhảy cao lại được nữa không. Bác sĩ nói anh chỉ nên hỏi rằng có đi được nữa hay không. Vận động viên rất thất vọng và nói thế thì chữa làm gì. Người bác sĩ trả lời: "Thể thao nếu không làm cho người ta vươn lên, khắc phục những yếu đuối thì chỉ là trò ngọ ngoạy chân tay". Vua cờ Nguyễn Tấn Thọ từng nói với tôi: "Đánh ván cờ cũng phải trang trọng. Đối phương trọng nể mình, thế là đã thắng một phần". Bóng đá, và thể thao nói chung đã làm thế giới thay đổi hẳn. Ít ai nhớ tên một chính khách, nhưng lại thuộc tên hàng chục cầu thủ. Xã hội chính trị đã nhường chỗ cho một xã hội văn hóa dân chủ và những nghệ sĩ, những danh thủ có ảnh hưởng sâu rộng đến nhân loại ở cả thành tựu của họ, và cả sự nhanh chóng bị đào thải của họ. Đó chính là đặc điểm của xã hội hiện đại không chấp nhận bất cứ sự trì trệ nào, mà phải thay đổi phát triển hàng ngày, trong đó cái đẹp của sức mạnh, sự cao thượng của tinh thần làm nên sức quyến rũ của thể thao, cũng như mang lại rất nhiều tiền bạc. Cuộc đấu trí giữa hai huấn luyện viên được biến dạng rất nhiều chiều bởi 90 phút của 22 con người, gây ra những trạng thái tình cảm khác nhau. Khi xem bóng đá ở nước ngoài, chủ nhà dặn tôi rằng đừng có vỗ tay lung tung mà ăn đòn đấy nhé.

Cổ động viên nước ngoài chỉ đứng về một đội, như là một thứ tôn giáo. Trước trận đấu tôi cũng có tình cảm với đội này đội kia, nhưng kết thúc thì nghĩ rằng đội nào thắng cũng thế mà thôi, 1-0 cũng giống 5-0. Khi tôi in một quyển sách gặp rất nhiều lỗi, tôi rất phàn nàn về ban biên tập, thầy giáo tôi nói rằng: "Có sách là tốt rồi, giống như đá bóng cần gì phải thắng 3-0, thắng 5-4 cũng là thắng".
2006
Nguồn: Phan Cẩm Thượng, Nghệ thuật ngày thường, NXB Phụ nữ, Hà Ná»™i, 2008, tr. 350-353