Äá»— Kh.
Câu chuyện có hơi bị "thú vị" (từ gần đây thịnh hành trên talawas) này do nhà văn (người Ý) Curzio Malaparte thuật lại trong hồi ký
Kaputt. Ðó là trong thời Ðệ Nhị thế chiến, tại Helsinki (Phần Lan), một cuộc luận đàm giữa Ðại sứ Thụy Ðiển Westmann và Ðại sứ Tây Ban Nha, hầu tước Foxà. Trước khi sang Phần Lan công tác, ông Westmann từng làm Ðại sứ tại Tây Ban Nha và đam mê văn hoá nước này đến độ ghen tuông với hầu tước Foxà khiến ông Foxà phải phát biểu: "Tôi với ông không phải là tình địch, Tây Ban Nha đối với tôi là vợ và đối với ông là người yêu". Thoại diễn ra giữa 3 vị này, một Ý, một Tây Ban Nha và một Thuỵ Ðiển, bằng tiếng gì thì tôi không rõ nhưng Malaparte viết lại bằng tiêng Ý và tôi đọc bằng tiếng Pháp, bản dịch 1946 của Juliette Bertrand, được coi là ấn bản cuối cùng và hoàn chỉnh, hẳn đã được tác giả xem lại
[1] .
Hầu tước Foxà đang nói đến những từ huý mà ông tránh dùng trong tiếng Tây Ban Nha vì theo ông có thể mang đến điềm gở hay là xui xẻo. Ðó là những từ tên gọi của các loài rắn chứ Fox à không sợ người chết và cũng chẳng sợ ma (tôi đang đi xa dần điều mà tôi muốn nói trong bài viết này). Ðại sứ Westmann bèn ghẹo là rắn thì ghê gớm gì đâu, nhân vật Antony của Shakespeare còn dùng để gọi yêu bà Cléopatra là đằng khác. Và ông này đọc bằng tiếng Tây Ban Nha:
O mia culebra del antiguo Nil
Bản dịch Antony & Cleopatra tiếng Tây Ban Nha này của ai tôi không biết, Malaparte không dịch sang tiếng Ý câu trên để cho bà Juliette Bertrand còn dịch sang tiếng Pháp. Theo trí nhớ của ông Westmann trong chuyện, thì Shakespeare dùng từ "
snake" cho nên không "độc" (độc đáo? độc địa?) bằng từ "
culebra". Dù sao thì tôi cũng học lỏm được một câu của nhà đại văn hào xứ Stratford upon Avon, mà lại bằng tiếng Tây Ban Nha, để còn (nếu có dịp) mà tán gái (Tây Ban Nha) vung vãi. Nếu phải diễn ra bằng tiếng Việt, có lẽ tôi sẽ dùng "
Em hỡi rắn của giòng Nile thậm cổ". Nhưng đó là ý (lời) của tôi thôi. Cho đến khi được đọc nguyên tác (Màn V)
He's speaking now
Or murmuring, Where's my serpent of old Nile?
Tôi mới biết là dịch giả Tây Ban Nha trên sai bét mà cả ba ông Westmann, Foxà lẫn Malaparte đều không biết để mà lỡ dịp cho dịch giả lẫn cả thiên hạ một bài học đích đáng. Nói như Lê Ðình Khoa
Văn chương của Borgès biến thành "rap" nói ngọng? (
01.11.2003, talawas) thì chữ "O" từ đâu ra mà chữ "where's" lại biến đi mất! Mà như Dũng Vũ
[Những ví dụ về dịch thuậ]): Thường Quán. (25.11.2003, talawas) thì cần phải nhắc lại là Shakespeare, "một nhân vật lớn của nền văn chương thế giới" lại giản dị đến thế, chắc là không phải thuộc phái Tân Hình Thức. Danh hài Phi Thoàn (của miền Nam trước 1975), tôi đã từng thấy cởi trần mặc quần đùi da beo đu giầy mà hú "Ci-ra-Ki-wi (kem đánh giầy) ơi, em ở đâu?" Nếu dịch câu trên, Phi Thoàn chắc đã dùng "Mãng xà nữ vương ơi, em ở đâu?" "Mãng xà" so với "Serpent" có thể là cường điệu, nhưng Cleopatra thì đích thị là nữ vương rồi và "where's" đích thị là "ở đâu". Tôi chẳng tránh né gì chuyện dịch của Thường Quán, âu là mỗi người một kiểu và "Trải suốt đời tôi ôi bao nhiêu cọp" thì tôi thích còn Nguyễn Viết Thảo
Về chuyện dịch ngọng và những lời bênh vực. (27.11.2003, talawas) thì thích "Trong đời tôi, tôi đã luôn luôn có những con cọp"? Tinh thần này, mạnh ai nấy mà cảm nhận, hình như không được mọi người chia sẻ và "đúng" hay "sai" dựa vào bản tiếng Anh hay là ("Mi último tigre") bản tiếng Tây Ban Nha đây? Với tiếng Anh ngô ngọng của tôi (đủ xài ở ngoài cảng San Diego), tiếng Tây Ban Nha ngô ngọng của tôi (đủ xài ở trong bar Tijuana) và tiếng Việt ngô ngọng của tôi (đủ xài ở Ngã tư... Quốc tế Sài gòn, như trong
Ngã tư Quốc tế đứng xàng xê, thơ Cao Ðông Khánh) thì "My last tiger" là "Mãnh cọp cuối cùng của tôi" nghe rất đã.
Nhưng thực sự chúng ta đều biết, khỏi cần ngụy trang và cải dạng, những lôi đình ở đây không phải là vấn đề dịch mà thú vị là ở chuyện dùng tiếng Việt. Một kỉ niệm mà bài viết của Nguyễn Hoàng Văn
Tiếng Việt không biết cãi? (22.11.2003, talawas) gợi lại cho tôi là lúc bé, chữ "động" đối với tôi không hương tích thì cũng hoa vàng, thiên nhiên và thần tiên gì đó. Cho đến hôm, vào một căn hộ chui rúc, mái tôn vách ván, cọt kẹt mỗi lúc quạt máy trở mình và có ba cô gái nhếch nhác đang săn bắt rệp trong một cái chiếu nát thì mới biết nơi này gọi là động... đĩ, chẳng có hương hoa gì hết mà chỉ có bò, để thêm vào bộ sưu tập thú... vật của Nguyễn Hưng Quốc
Giữa cọp và chó (18.11.2003, talawas) và bài
...và những thứ con khác,( 24.11.2003, talawas) mà là bò lạc
[2] ! Bộ phận sinh dục thì tôi chưa đủ dữ kiện, chó thì tôi không phải thẩm quyền (từ quân đội miền Nam, tương đương với từ "lãnh đạo" ngày nay), có muốn đóng góp vào công trình nghiên cứu cũng chỉ có một câu đúng ngữ pháp và văn phạm là "nhà tôi có nuôi một ông nội". Nhưng sang đến cọp, từ "cọp" trong "coi hát cọp", "xem cọp", v.v... không phải chỉ loài thú thời oanh liệt không còn nưã của ông Thế Lữ mà cũng là từ "cóp", tiếng Pháp "copier" (cóp dê hay cọp dê) được trẻ con dùng để chỉ đồng bạn ít óc sáng tạo và mập mờ không chính đáng nhưng than ôi thích được đứng đầu lớp và được ban điểm cao.
Copier dictée onzième
(Chép lén bài tập chính tả lớp một)
Ðem về cho má mày xem
(Ðồng dao học sinh cấp 1 phổ thông chương trình Pháp)
Thuộc hàng mãnh cọp, có cọp ba đầu rằn (Tiểu đoàn 42 Biệt Ðộng Quân), cọp ba lằn sét (Lực Lượng Ðặc Biệt và binh chủng Biệt cách Nhảy dù, xin đừng lẫn với Lôi Hổ cũng cọp nhưng 1 lằn sét và là Biệt kích thuộc Nha kỹ thuật). Ông một lằn sét, ông ba đầu rằn do dân gian gọi vào thời chiến, nhưng "ông ba mươi" là tước do Nguyễn Ánh phong, nói cho chính xác. Lúc bôn ba di tẩu, bị Công an Tây Sơn tầm nã, ông này bèn tạo ra huyền thoại lúc ông đói trong rừng thì có cọp tha nai tơ (chứ không phải bò lạc) đến cho ông qua bữa, lúc đắm thuyền thì được cá voi vớt đưa vào bờ an toàn, khát đang trốn tránh trong một cái động (nữa), thì sữa thì trên trần nhỏ xuống để ông pha với cà phê. Vì vậy nên lên ngôi đế, mới có Ðộng Bà (ở Phú Quốc), Lăng Cá Ông (ở Vũng Tàu) tống táng theo nghi lễ những con cá voi bị mắc cạn và Ông ba mươi tức là cọp, ai bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền, ai giết phải thì phạt 30 roi.
Lại đến cò, cò trắng, cò đen, cò ăn đêm và cò cành mềm nhưng "thầy cò, thầy ký" tôi nghi là từ tiếng Pháp "commis" (thừa phái, tức là sai vặt văn phòng nhưng làm mặt quan trọng,
ú ú ơ ơ ngọn bút chì) cũng như ông cò là biến thái từ "commissaire", "commissariat" (quận trưởng, quận cảnh sát) cò bóp (poste) chứ không phải là vì ông đứng trên một chân để điều khiển lưu thông (chân kia co ro cò rò để xe máy khỏi cán phải). Cò con thì tôi không dám chắc nhưng cò nhà, cò đất là bởi vì họ ăn tiền cò, tiền "commission", tức là tiền hoa hồng trên những mối mà họ dắt đến. 80 năm đô hộ của người Pháp cũng có những đóng góp vào ngôn ngữ ở ngoài ngành sinh vật học, cũng như 20 năm hiện diện của người Mỹ, thành ngữ "ô kê sa lem"
[3] chẳng hạn không có nghĩa là gà đen lấm cát và gà thì cũng có nhiều loại, gà ác, gà lành, gà què (ăn quẩn cối xay), gà ta và cả gà tây (như "gà mên" trong Nam và "gà mèn" ngoài Bắc, để đựng thức ăn khi di chuyển nên mới có "Gà mèn phiêu lưu ký"?) nhưng tôi sợ tôi đi lạc đề và thiếu tính dân tộc.
Tôi không rõ những chuyện này có ghi chép trong từ điển, là thứ sách nặng vài ba cân, mỗi ngày tra cứu năm bảy bận cũng đủ tăng trưởng cơ bắp để mà lấy thịt đè nhà thơ, là những người viết sách loại mỏng, và vốn ốm yếu. Nhưng nếu tìm "mãnh cọp" hay từ nào đó trong 7 cuốn từ điển mà không có thì không hẳn đó là một từ "sai". Thiết nghĩ, từ điển theo người sử dụng tiếng chứ không phải là ngược lại. Ở những nơi có điều kiện, hàng năm từ điển phải cập nhật và bổ túc những từ mới. Mỗi thời đại, mỗi nơi, mỗi cộng đồng, mỗi ngành nghề đến băng (bande) nhóm đều có những từ riêng, những cũng "việt" chẳng kém, bình đẳng, dù là 130 năm về trước ở một cái xó làng miền quê nào đó hay là dưới chân cầu Muối hiện nay. Cái "đách" u nhà nó mà Nguyễn Hưng Quốc cất công tìm thấy ở mười thập niên trước cũng là cái "Lima" Bắc Bình Xung Phong (Bà Xã) mà tôi được biết trong thời chiến tranh và nó đều... ngang như nhau. Tiếng Việt là của chung, nghĩa là không phải của riêng ai đấy ông Nguyễn Viết Thảo (nhưng nhắc đến bài viết của ông tôi không còn mơ ngủ nữa mà cũng chẳng thấy tỉnh chút nào, chỉ thấy mệt quá ông ạ.)
(Dùng chút hơi tàn để) trả lời độc giả
K.Y. Lê (
15.11.2003, talawas) tôi không có ý chủ trương dẹp bỏ chương trình dạy tiếng Việt từ mẫu giáo trở lên mà chỉ dám có ý là Thường Quán chắc không cần theo chương trình dạy tiếng Việt từ mẫu giáo (trở xuống) của Lê Ðình Khoa. Không cớ gì mà mẫu mực phải là mẫu mực của ai đó và phàm đã có lề thì phải có... lề trên lề dưới, lề trong lề ngoài, trong và ngoài lề làm ơn cho thở chút xíu chứ để còn mà... phập phồng, để ngôn ngữ Việt tiếp tục...là một ngôn ngữ sống, nghĩa là chưa bia đá, chưa rửa chân, chưa lên bàn thờ ngồi, chưa mang vòng hoa cườm, chưa mặc sơ mi gỗ (sơ mi Tobia), chưa hai năm mươi, chưa đi tàu suốt, chưa vé khứ đôn lưu đáo miền cực lạc, nơi tiên cảnh, cõi bồng lai bất phục hồi, chưa tổ quốc ghi ơn, chưa về quân khu V, chưa qua sông Dịch (hề), chưa die, chưa ngáp, chưa nhe răng và chưa chết.
Ðể rành mạch hơn với độc gỉa
Phan Thị Lộc (
15.11.2003, talawas), không phải là "nhân danh nghệ thuật ai muốn viết sao cũng được" mà theo tôi ai muốn viết sao, nói sao cũng được cả mà chỉ cần nhân danh có chính họ nhưng đấy, bứt dây thì lại động rừng, đây đã ra khỏi pham vi của chuyện dịch thuật và chuyện ngôn ngữ mà chẳng lẽ lại phải nói đến tinh thần bình đẳng, ý thức tiến hoá, tự do cá thể và quyền (sai lầm và khác biệt của) thiểu số, tính thử nghiệm và óc sáng tạo. Tôi đợi đến kiếp "ôi" nào đó nhưng trong khi chờ đợi, ở trong nước những "học sinh viết tiếng Việt càng ngày càng tệ" chính là những người đang vận dụng tiếng Việt của ngày hôm nay để làm nên từ điển của ngày mai. Nếu tin vào những lời la toáng và những tiếng kêu hốt hoảng thì sẽ không ai cản được được họ hết! Nhưng ưu tư của bà Phan Thị Lộc cũng như của độc gỉa
Phạm Quốc Khánh (
29.11.2003, talawas) tôi ngờ là nằm ở một lãnh vực rộng lớn hơn. Mỗi thế hệ có những từ vựng và vận dụng riêng, phản ánh sự cá biệt của họ với thế hệ trước. Sự "tệ" này tôi đồ rằng chỉ vì là không rập khuôn cái tiếng Việt của phụ huynh đang chóng mặt với những thay đổi của xã hội nói chung (không riêng gì chỉ về mặt ngôn ngữ). Chẳng qua tội "không biết tiếng Việt" là tội đầu đinh mặc quần ngáp lòi rốn lại có khuyên vàng xỏ tai chăng? Phần Gs Cao Xuân Hạo tôi không được tường lắm nên không dám hoàn toàn nghe theo lời thuật của Nguyễn Viết Thảo (và nếu quả vì như vậy mà Gs lo buồn đến thế, thì may thay, may thay). Riêng về phần tôi, chỉ nhân danh chính tôi thôi, chẳng có Gs nào nhỏ lệ, tôi không cho phép Nguyễn Viết Thảo được nghi ngờ sự thành thật của tôi với chí ít là từ "mãnh cọp".
Ða nghi, thì cũng chẳng cấm ai được nhưng cũng phải cho tôi cái quyền xác định sở thích nếu không cho được Thường Quán cái quyền phóng bút. Mà nếu-giả-như tôi không ưa cụm tù này thì cũng chẳng sao hết, không phải vì thế mà thôi nổi cộm vấn đề. Tôi biết, tôn trọng (phong cách, tìm tòi, mọ mẫm sáng tạo xấu đẹp) là một đòi hỏi quá đáng và quá tầm quý vị, ngay đến việc tôi thích thôi cũng không được ông cho là ngay thẳng! Tôi thì lại chẳng nghi ngờ cái ghét của ông một chút nào, nếu như "người đàn bà đẹp nhất cũng chỉ cho được những gì mà họ có" thì sự hẹp hòi ngay cả khi mà ta ngửa tay xin ("chắp tay lạy người"), cũng chỉ nhận được từ nó cái bủn xỉn.
Sẵn đang gay gắt (nhân vật Rambo trong bộ phim đầu chỉ vắn tắt "They drew first blood", tôi không biết phải dịch sang tiếng Tây Ban Nha thế nào, chắc phải nhờ K.Y. Lê ở Mexico chỉ giáo) và trở lại bài viết của Dũng Vũ, theo tôi biết thì Thường Quán không hề làm thơ Tân Hình Thức là một, và có làm hay không làm thì cũng chẳng phải là cái tội, sao lại gán ghép vào? Thứ nhì, Tân Hình Thức chẳng phải ngược lại với giản dị hay đồng nghĩa với "tốn công hình thức hoá". Khéo Dũng Vũ lại nhầm với Tân Hình Dáng chăng hay là Tân Hình... Học được ông "hiển ngôn theo
ngữ pháp tạo sinh (Generative Grammar)" với những "→", "׀", và ":". Thế này thì sao tôi còn sức dù chỉ là ôn hoà với Nguyễn Hoàng Văn và cái ý chính trong bài viết của ông. Tôi nghĩ, phàm thì cái gì vay mượn, người ta đều phải thận trọng. Áo mượn đi ăn cưới thì phải tránh đổ rượu dính kem, xe mượn thì tìm chỗ ở bãi có bật đèn sáng an ninh, nhà mượn thì đồ dùng chỗ nào cất trở vào đúng chỗ của chủ, không ai tử tế, ở nhà mượn mà lại tự tiện thay tranh trên tường, gỡ lịch ca sĩ mà bày hình hoa hậu. Việc sử dụng tiếng nước ngoài có dè dặt cũng nằm trong tâm lý đó, phép lịch sự chẳng phải là tính thuần nô lệ ngoại bang hay là ngoại ngữ đâu. Còn ngược lại, của nhà mình mà nâng như nâng trứng (tôi phải cầu viện Nguyễn Hưng Quốc một lô từ truyền thống và thông dụng để chỉ các loài... gà vịt!) mà lại cẩu thả lưng tưng với của nhà người thì nó có-vẻ-hình-như-là bần tiện. Nhưng chính vì cái cẩn thận chấm phảy, ngữ pháp và văn phạm khi dùng ngoại ngữ mà hiếm khi nhà văn nhà thơ (ngoại cũng như Việt) lại hay được bằng tiếng người trong khi tự nhiên và bừa bãi với tiếng mẹ biết đâu nhờ vậy mà khối người (cả Việt lẫn ngoại) cũng được đấy?
Có thời tôi theo học tại một "viện" bên Anh cùng với nhiều vương tôn công tử dầu hoả (thú thật, ngoài các hí viện ra, đây là viện duy nhất mà tôi được đặt chân đến, mà chỉ có mỗi 1 tháng). Các anh đồng song này, 17 hay 19 tuổi đã mỗi người một chiếc xe con, Porsche Carrera hay Mercedes 2 cửa bỏ mui, loại xe mà mời tôi tôi cũng không dám lái, ngồi lên tôi cũng chỉ dám tựa có nửa bàn toạ. Một hôm, ngay ở bãi đậu, một công tử Iran (thời còn Shah hoàng) gài số gầm gừ thế nào trước mặt gái mà đâm chiếc SL mới toanh ngay vào cột, nát một bên mũi xe. Chàng bước xuống, nửa mặt tái ngắt vì tiếc của, nửa kia đỏ bừng vì thẹn bởi tiếng vỗ tay chế nhạo của đám vương tôn Saudi, Kuwait đang đứng tựa mấy cái GT của họ mà cười. Anh Iran này bèn đá luôn một cái vô cùng quyết liệt vào thành xe của mình (chỗ chưa hề bị đụng) và phát biểu "Cho nó hư luôn, tao kêu ông già tao mua cho cái khác!"
Cử chỉ này, có "ngon" hay không, cũng chỉ chủ nhân mới làm được. Tất nhiên, ta cũng có thể xúm vào đá thêm, đá giúp cho người vài ba cái và hãnh diện đã từng làm móp xe đắt tiền, đâu phải ai cũng có sẵn ông già, ông bô, khứa lão
Ðồng hồ Seiko mới mua về, túng quá
Mang đi cầm, về nhà khứa lão đinh
khứa lão la, bèn bụi đời...
(circa 1966, theo điệu nhạc bài "The House of The Rising Sun")
thầy, ba, bố, papa, cha, ông cụ, cụ thân sinh, bạn đời của má v.v... thuộc loại chìu con và nhiều dầu hỏa (hay giàu nhiều hỏa). Nhưng nó đá xe con sport của nó được thì ta cũng đá được xe đạp thồ của ta. Trong lãnh vực ngôn ngữ, xe nào thì cũng để di chuyển và ngang nhau, trừ những trường hợp gặp phải tử ngữ.
Tựa của bài viết này, bằng một thứ tiếng La tinh rất có thể là ngô ngọng hay chà và ấp úng . Nhưng việc gì một người viết, đã mang cái nghiệp đủ bạc bẽo và thừa vinh hạnh là thơ văn, lại phải giải thích bằng công thức này phương trình nọ cái hay và cái đúng của mình. Có sai hay có dở thì đã có "mưa gió đời" (chữ của Mai Thảo) vùi dập sau khi "ném vào" rồi, đã có ông cầm roi lại còn có ông túm áo, thế này thì khổ thật! Mãnh cọp là gì, tại sao, còn bắt phải cho mọi người hiểu (bắt mọi người phải hiểu), hiệu quả thế nào (!) lại phải dịch sang tiếng Anh, tiếng Hoa (!!) mà nghệ thuật (!!!) nữa cơ. Tôi hết dấu chấm than rồi tôi nửa khóc nửa cười, chắc là nhìn trời cao đất dầy mà, a thì ra đây là lối phê bình mãnh ngô mãnh nghê đấy. Ông Dũng Vũ thả tôi ra đã thì tôi sẽ trả lời. Phần tôi ("những người hiểu được cách dịch" của Thường Quán), tôi cũng như ông thôi, chẳng bao giờ hiểu cái gì về thơ văn cả. Nhưng tôi có thích và tôi có cảm khi nào bắt mắt, và khi nào liều, tôi cũng có yêu.
Chuyện cảm thì cần có cái tình ông ạ, mà không cảm thì cũng chẳng ai trách được ai, tôi nói thế thôi. Vào khoảng 76, 77 có một nhà nghiên cứu từ miền Bắc (tôi không nhớ tên) vào Nam bỏ 1, 2 năm tìm hiểu về văn hoá Mỹ Ngụy. Tuy mang đầu óc nghiên cứu, nghĩa là cởi mở để học hỏi, khi nhắc đến câu ca từ "Những ánh mắt hoả châu là hoa đăng ngày cưới" ông phải văng ra trên bài viết "thế là cái nghĩa lý gì'" khiến tôi đọc đến phải (thú vị mà) bật cười. Kể chuyện này tôi đành chịu mang lấy tiếng "phản động" thôi chứ đã khô cứng như vậy thì "trời đổ cơn mưa cái gạt nước xua đi nỗi nhớ" là cái nghĩa lý gì, khi không có "tâm" thì thôi khỏi nói.
Cho anh nhận diện quê hương, những đêm đen buồn
Bằng những giòng sông chảy xuôi đêm trường
với tôi và với cả triệu người miền Nam trong thời chiến chẳng có gì mà khó hiểu cả, còn hay não nuột (chữ của Nguyễn Hữu Liêm?) nữa là đằng khác. Dĩ nhiên, nếu bạn nấp trong rừng
[4] , thì hoả châu làm "lộ diện" chứ không phải giúp để nhận diện nhưng nhờ nghiên cứu trên chỉ lộ diện thiển cảm của ông, kém thông thoáng hơn một chị vợ cán bộ cải huấn ít học ở vùng quê Thanh Hoá. Cũng cùng thời điểm đó, chị này, vào một đêm mưa gió, đến mở cửa tù hỏi gặp tướng Lý Tòng Bá đang bị giam. Sau khi xác định "anh có phải là ông tướng miền Nam" chị bèn yêu cầu "thế thì giấy bút đây anh chép lại cho em lời của mấy bản nhạc vàng"! Chị được toại nguyện vì gặp trúng ngay Ðường Sơn Ðại Huynh, người có giọng và ưa hát, cho đến ngày nay vẫn chịu cầm micro biểu diễn nếu có mãnh tướng Lê Minh Ðảo giúp đàn. Riêng tôi, mừng là cũng có thể thấy rộn ràng khi tiếng chày khua trên sóc Bon Bo cất lên, nhưng tôi không ép ai hết và chẳng nghiên cứu gì.
Quân lực Mỹ hay xum xuê tiếng La tinh trên những phù hiệu đơn vị và binh chủng, "Semper Fidelis" (Marines), "De opresso liber" (Special Forces)...Tựa bài viết này tôi mượn của vài quân nhân nào nghịch ngợm trong thời chiến tranh Việt Nam, sáng tạo ra (dĩ nhiên là không chính thức) mà đeo trên cầu vai "Ne Conjuge nobiscum" dịch thanh và thoát sang tiếng Việt trong hoàn cảnh này là
(Thôi mà) đừng có gây (làm gì) với chúng tôi. Tiếng Tàu dịch thế nào thì tôi không biết
[5] nhưng tiếng Anh thì các tác giả của nó dịch rất không nghệ thuật là
"Don't screw with us" nhưng đó là một hoàn cảnh khác, không phải là tranh luận về ngôn ngữ và dịch thuật (đây tôi phải dùng một dấu than "!" de-generative) mà là hoàn cảnh giết người.
TB:
Sau khi được Lê Ðình Khoa cho xem trình diễn văn phong
Tin mừng cho văn giới: "Lê Ðình Khoa đã trở thành nhà thơ kiêm dịch gỉa lớn", (01.12.2003, talawas), những dăm ba mà lại đều độc đáo thì tôi thấy tôi có 1 văn phong cũng đã là nhiều rồi. Người viết nào thì cũng có 1 văn phong hết, và Lê Ðình Khoa cũng thế, có chăng là ông không biết đấy thôi. Lời thách đố của ông, đứa trẻ nào ăn nhiều...văn phong thì đứa ấy giỏi, tôi chẳng dám mà cũng không làm được, đành nhường cho ông hết vậy.
© 2003 talawas
[1]Tiếng Pháp ít nhiều thì Malaparte cũng biết tiến, lui. Năm 1914 khi nước Ý chưa tham gia Ðệ Nhất thế chiến, ông đã sang Pháp tự nguyện đầu quân, bị thương ở mặt trận Champagne và được Pháp ân thưởng Bội tinh chiến tranh với nhành dương liễu.
[2]Ở đây hơi cưỡng ép, từ "bò lạc" không hẳn chỉ gái ăn sương, ăn tiền mà là gái, một là chịu chơi, hai là dễ gạt, đằng nào thì cũng bị làm thịt?
[3]Sao Anh Làm Em Mệt và có thể đọc ngược lại là Mà Em Làm Anh Sướng. Tôi dành các câu PALL MALL, CAPSTAN cho những nhà ngữ học chuyên về tục tĩu.
[4]Tôi nói đến với tất cả sự trân trọng, lúc trẻ tôi chỉ từng mơ được tuyển vào Biệt cách Viễn thám, nghiã là "núp trong rừng".
[5]Theo Ts Ruan Caili, thuộc Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Ðông ở Paris, có thể dùng "biệt loạn lai" (bie luan lai) hay "bất yếu loạn cảo" (bu yao luan gao, "yếu" ở đây không biết có thể là "nhược"?)
Nhà văn Ma Desheng được ông tham khảo, có đề nghị "(nhĩ hòa ngã môn nhất tế) biệt tác ái" (ni he women yi qi bie zou ai) toàn là những từ thanh.