trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
14.11.2005
Nguyá»…n Quang A
Về vai trò chống tham nhũng của truyền thông ở Trung Quốc ngày nay
 
(Bình luận về báo cáo “Vai trò của truyền thông trong việc chống tham nhũng và thúc đẩy phát triển lành mạnh khu vực kinh tế tư nhân: Kinh nghiệm Trung Quốc” [The Role of the Media as a Watchdog for Corruption and Promoter of ‘Clean’ Private Sector Development: China’s Experience] của G.S. Hu Zhengrong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc)
Tham nhũng là vấn đề gắn với xã hội loài người từ cổ xưa [1] , hiện tại và cả trong tương lai ở mọi nơi, mọi quốc gia không có ngoại lệ. Về các vấn đề liên quan đến tham nhũng bạn đọc có thể tham khảo nhiều tài liệu của tổ chức Transparency International, http://www.transparency.org. Đòi hỏi loại trừ và tiêu diệt tham nhũng chỉ là ước vọng. Vấn đề cần bàn chỉ là mức độ tham nhũng, nguyên nhân, tác hại, và các thể chế, phương pháp để phòng ngừa, ngăn chặn và giảm bớt tham nhũng mà thôi. Các phương tiện thông tin đại chúng là một trong các thể chế như vậy. Vai trò của media trong chống tham nhũng và thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân “sạch” ở Trung Quốc là đề tài của báo cáo do Giáo sư Hu Zhengrong và nghiên cứu sinh Li Jidong trình bày.

Đây là một báo cáo rất lí thú, nó cho thấy những nét tương đồng rất giống nhau (và xét cho cùng không mấy lạ) giữa tình hình tham nhũng và chống tham nhũng ở Trung Quốc và Việt Nam.

Báo cáo gồm có 5 phần, bốn phần chính và phần kết luận.

Trong phần dẫn nhập, báo cáo trình bày khái niệm tham nhũng. Định nghĩa cô đọng nhất về tham nhũng có lẽ là của Jeremy Pope [2] : “Tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực được giao vì lợi ích riêng” (Corruption is the misuse of entrusted power for private benefit). Lưu ý ở đây đến các từ quan trọng: lạm dụng, quyền lực được giao, lợi ích riêng. Các tác giả trình bày khái niệm tham nhũng được hiểu ở Trung Quốc nhìn chung phù hợp với cách hiểu trên (tuy không có bổ ngữ được giao khi nói đến quyền lực bị lạm dụng) và chi tiết hoá lợi ích riêng thành: lợi ích cá nhân, lợi ích của tổ chức hay đơn vị; lợi ích lại được phân tích thành các loại lợi ích vật chất trực tiếp, lợi ích liên quan đến hoạt động của tổ chức, mối quan hệ, v.v…

Có thể hạn chế lạm dụng quyền lực bằng cách đặt ra các ràng buộc bên trong và bên ngoài với quyền lực, bằng tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình; bằng cách tăng cường vai trò giám sát, phát hiện và nâng cao nhận nhức của media và đời sống dân sự (của các tổ chức phi chính phủ); và bằng nâng cao nhận thức của người dân.

Vai trò phát hiện, tố giác, giám sát và nâng cao nhận thức của media trong chống tham nhũng là to lớn. Song các tác giả nhận ra là ở Trung Quốc, Đảng và Nhà nước sử dụng media như cái loa của mình, nên vai trò đó bị hạn chế. Các tác giả cho rằng ở Trung Quốc “khu vực tư nhân là tương đối yếu. Các hiện tượng tiêu cực và không lành mạnh xảy ra trong khu vực tư nhân do đó ít”. Tôi nghĩ có lẽ nên xem xét kĩ hơn kết luận này, tôi cho rằng ngay cả khi khu vực tư nhân rất mạnh, thì tham nhũng xảy ra ở trong nội bộ khu vực tư nhân cũng không nhiều.

Trong phần hai, báo cáo phân tích tham nhũng ở Trung Quốc trước cải cách và vai trò của media. Các tác giả tìm câu trả lời cho câu hỏi “vì sao tham nhũng xảy ra ngay sau khi thành lập nước CHND Trung Hoa?”. Và nguyên nhân đầu tiên là sự tập trung quyền lực rất cao của Đảng Cộng sản và Nhà nước ở mọi lĩnh vực. Thứ hai là công hữu hoá mọi phương tiện sản xuất, nhất là đất đai, là tổ chức kiểu Leninist, là nền kinh tế thiếu hụt, là hệ thống pháp luật không hoàn chỉnh, v.v. đã tạo ra cơ hội to lớn cho các quan chức bị cám dỗ để tham nhũng. Các trường hợp tham nhũng được media nêu ra không nhiều nhưng cũng hơn 2000 trường hợp trong một năm rưỡi từ 1-1950 đến 7-1951. Các tác giả cho rằng “Tuy vậy, vấn đề tham nhũng không nghiêm trọng trước 1978, vì hệ thống giá trị cộng sản được xác định nghiêm ngặt và các phong trào chính trị được lặp đi lặp lại (Phong trào Ba Chống, Phong trào Năm Chống và Phong trào Bốn Trong Sạch) do Mao và những người theo ông tổ chức để ngăn chặn tham nhũng và tệ quan liêu”. Vì thiếu thông tin, thiếu số liệu, vì sự kiểm soát ngặt nghèo media, (và có thể các phong trào đó còn có mục đích chính là thanh trừng lẫn nhau?) thì liệu nhận xét như liệu có thật xác đáng không? Liệu các tác giả có thêm các chỉ số khác (ngoài số vụ, và tổng giá trị, v.v.) hay phương pháp đánh giá khác để hỗ trợ cho nhận xét của mình không?

Phần ba trình bày bốn làm sóng tham nhũng và các biện pháp chống tham nhũng của Trung Quốc thời cải cách từ 1978. Làn sóng thứ nhất gắn với hình thành thị trường hàng hoá tiêu dùng (1978- đầu 1980); làn sóng thứ hai (các năm 1980 đầu 1990) gắn với thiết lập thị trường tư liệu sản xuất, hai hệ thống giá; làn sóng thứ ba khoảng giữa các năm 1990 đến khoảng năm 2000 gắn với thiết lập thị trường yếu tố sản xuất (bao gồm thị trường cổ phiếu, vốn, bất động sản); làn sóng thứ tư gắn với tái cơ cấu các doanh nghiệp quốc doanh hiện nay. Số lượng, qui mô tham nhũng ngày càng tăng và các hình thức tham nhũng cũng đa dạng hơn trước. Tuy rất khó để tìm ra nguyên nhân, song các tác giả mạnh dạn đưa ra 5 nguyên nhân:

Thứ nhất, sự không tương thích giữa ý thức hệ và nền kinh tế thị trường; thứ hai, sự cùng tồn tại của hai hệ thống kinh tế kế hoạch hoá và nền kinh tế thị trường; thứ ba, thu nhập của viên chức nhà nước thấp; thứ tư, yếu kém về tổ chức, thể chế, thiếu kinh nghiệm; thứ năm, một số nhân tố truyền thống và quốc tế.

Sau đó báo cáo phân tích các biện pháp chính của Chính phủ Trung Quốc để chống tham nhũng từ 1978, cụ thể là bốn biện pháp sau. Thứ nhất, cải cách kinh tế sâu rộng hơn theo hướng kinh tế thị trường, cải tổ doanh nghiệp nhà nước (để giảm quyền lực độc quyền của quan chức); thứ hai, cải cách chính trị tiến đến dân chủ; thứ ba, cải cách hành chính theo hướng đơn giản hoá, minh bạch hoá; thứ tư, thiết lập hay tái thiết lập các tổ chức chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Không thấy báo cáo đề cập đến khuyến khích xã hội dân sự tham gia chống tham nhũng. Kết quả của các biện pháp có vẻ mạnh của Nhà nước cũng chưa được đánh giá. Nếu có thêm bình luận của các tác giả thì sẽ rất bổ ích. Một khía cạnh rất nóng bỏng của tham nhũng là việc mua bán quyền lực từ cấp nhỏ đến cấp to có phổ biến không ở Trung Quốc? Và nếu có thì biện pháp chống nó ra sao? Gắn với nhận xét của các tác giả ở mục trước, và tham nhũng tràn lan trong cải cách, liệu ở Trung Quốc có nhiều người hay thế lực cho rằng là do “mặt trái của kinh tế thị trường” không?

Phần bốn bàn về vai trò chống tham nhũng của media ở Trung Quốc ngày nay. Các tác giả phân tích các quy chế của Nhà nước nhằm tăng cường tính độc lập của các phương tiện thông tin đại chúng, như tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, cắt bỏ bao cấp, v.v. tuy vậy Nhà nước vẫn tìm mọi cách kiểm soát. Báo cáo nêu những biện pháp cải cách theo hướng đa dạng hoá, theo định hướng thị trường và vốn, phân biệt các tổ chức phi lợi nhuận và vì lợi nhuận; Nhà nước coi trọng hơn vai trò giám sát của các phương tiện thông tin; báo cáo cũng nêu một số chương trình “nóng” trên TV và báo chí. Tuy vậy số lượng các chương trình phê phán mạnh này thường bị cấm và giảm đáng kể. Các nhà báo dũng cảm thường bị xét hỏi thậm chí bị bắt.

Có thể thấy từ kinh nghiệm Trung Quốc, chừng nào:

Chưa có cạnh tranh chính trị [đối lập chính trị thực sự (đa nguyên chính trị)]

Chưa có tự do ngôn luận thực sự [các phương tiện truyền thông không còn là cái loa của Đảng và Nhà nước hay của một nhóm quyền lực nào (tức là có cạnh tranh lành mạnh ở đây)]

Chưa có nền pháp trị vững mạnh

Chưa có nền kinh tế thị trường lành mạnh

thì khó tạo ra tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, khó đưa ra các ràng buộc đối với quyền lực, và khó đấu tranh chống tham nhũng, khó năng cao nhận thức của người dân; và các phương tiện truyền thông khó có thể làm tốt vai trò giám sát của mình trong chống tham nhũng.


© 2005 talawas


[1]Theo cuốn sách của Jeremy Pope, năm 1997 các nhà khảo cổ học Hà Lan đã tìm thấy các tư liệu, bằng chứng về tham nhũng của các quan chức từ thời xưa ở Trung Đông vào thế kỉ 13 trước công nguyên.
[2]TI Source Book 2000: Confronting Corruption: The Elements of a National Integrity System

Nguồn: Tham luận tại há»™i thảo của Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung Æ°Æ¡ng, Bá»™ Kế hoạch và Đầu tÆ°, kết hợp vá»›i ChÆ°Æ¡ng trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), Hà Ná»™i, ngày 5/6 tháng 8.2004