Sử là một khoa học. Nếu có những cuốn sử hay về văn chương thì nó cũng được xem là những văn phẩm, nhưng không mất, và không được phép mất tánh cách khoa học của nó, tánh cách này quan trọng hơn tánh cách văn chương nhiều lắm vì một quyển sử văn hay đến đâu mà viết sai sự thật thì chẳng còn giá trị nào, trong khi một quyển sử đúng sự thật một cách khoa học mà văn dở, vẫn còn đủ giá trị một quyển sử quan trọng.
Với Michelet, thiên hạ sắp môn sử vào văn học, nhưng với Augustin Thierry thì quan niệm của thế giới đã khác rồi. Ngày nay mặc dầu sử cứ còn được giảng ở các phân khoa văn khoa, ở bất cứ nước nào cũng thế, nhưng người ta vẫn xem nó là một khoa học gần như là chính xác, hay có tham vọng vươn tới sự chính xác.
Khoa học cốt đúng sự thật không gây ngộ nhận, chớ không ham cạnh tranh với văn chương.
Là khoa học, môn sử phải có căn bản và tiêu chuẩn khoa học.
Giáo sư Kim Định đã gây ngộ nhận (
Việt lý tố nguyên) làm cho nhiều người tưởng lầm rằng chỉ dùng khoa học để viết sử không còn hợp thời nữa, và ở Âu Mỹ, người ta dùng huyền thoại và truyền thuyết.
Làm gì có chuyện ấy. Những quyển sách mà giáo sư ám chỉ đến, chúng tôi đều có đọc, giáo sư đọc Granet nhiều nhứt, chúng tôi cũng đọc Granet nhiều nhứt. Và chính Granet khoa học triệt để đó chớ. Họ chỉ bổ túc những điểm sử thiếu tài liệu chính xác bằng truyền thuyết và huyền thoại, chớ họ không bao giờ dám đặt Mythos lên trên Logos cả.
Sự bổ túc ấy thỏa mãn được nỗi bực tức của kẻ bí vì thiếu tài liệu, nhưng không hề được xem là sự thật, mà chỉ là sự thật thoáng thấy, có khi đúng, có khi không, nhưng những người dùng phương pháp đó, phải là những nhà khoa học lỗi lạc, tức họ sử dụng sự mơ hồ một cách rất khoa học, chớ không phải vá víu càn bừa.
Nhưng Granet không có viết sử. Ông chỉ tìm hiểu văn minh cổ của Tàu qua các cổ thư Tàu, nhứt là qua
Kinh Thi. Ông đã thấy được một cách bất ngờ những điều mà chính người Tàu cũng không thấy, từ hơn hai ngàn năm nay. Nhưng ông vẫn có những kết luận sai, kể cả ông H. Maspéro, cũng là người dựa theo Granet thường nhứt, bởi những điều mà các ông ấy thoáng thấy và ngỡ là đúng, chỉ là thoáng thấy. Các ông ấy đã lầm mà không hay biết, mà nay khoa khảo tiền sử và khoa chủng tộc học đã cho thấy là các ông ấy sai ở rất nhiều điểm.
Về nguồn gốc của một dân tộc thì khoa học chỉ nhìn nhận có ba chứng tích sau đây:
- Khoa chủng tộc học
- Khoa khảo tiền sử
- Khoa ngôn ngữ tỷ hiệu (études comparatives des langues).
Sở dĩ ba cuộc sa lầy nói trên mà đã xảy ra, chỉ vì các sử gia đã bất chấp cái bản khoa học đó. Có người muốn sử dụng nó, nhưng không đủ điều kiện, thí dụ giáo sư đại học Nguyễn Phương đã sử dụng khoa khảo tiền sử, nhưng chỉ vì đọc có tài liệu Đông Pháp, nên hóa ra như không có sử dụng khoa khảo tiền sử. Ông chỉ khai thác khoa khảo tiền sử có một phần mười là các công trình đào bới ở Bắc Việt, trong khi đó thì dân ta lại từ 15 ngàn cây số cách đó, di cư đến mà không phải là từ các đảo Mã Lai đâu nhé, hóa ra, có tiến bộ, ông vẫn sa lầy như L. Aurousse là người dùng độc một nguồn sử Tàu.
Chỉ khi nào thiếu ba chứng tích nói trên, người ta mới bắt buộc dùng huyền thoại và truyền thuyết. Nhưng đó không phải là trường hợp của dân tộc ta. Ta còn đủ cả ba chứng tích mà còn một cách chính xác ngoài sức tưởng tượng của những người không tìm tòi học hỏi.
Người có sách sau hơn hết là giáo sư đại học Kim Định. Nhưng ông này thì công khai tuyên bố rằng không thèm sử dụng khoa khảo tiền sử vì nó mơ hồ (
Việt lý tố nguyên).
Nhưng chúng tôi có bằng chứng chắc chắn trong tay rằng giáo sư Kim Định không hay biết kết quả của khoa khảo tiền sử ở Á Đông nên mới dám nói như thế. Kết quả ấy đúng và chính xác đến làm cho người ta có cảm giác rằng họ nhìn được vào quá khứ u minh bằng một con mắt thần, không có mơ hồ một chút xíu nào hết.
Đây là bằng chứng cho thấy giáo sư Kim Định chưa biết kết quả của khoa khảo tiền sử ở Á Đông.
Kết quả ấy có đã lâu rồi, nhưng chúng tôi không có được, vì như đã nói, phần lớn chưa in thành sách, còn tạp chí thì tản mát khắp thế giới, lại viết bằng nhiều thứ tiếng mà chúng tôi không thạo. Nhưng ông G. Cocdès đã tóm lược lại trong một quyển sách xuất bản tại Ba Lê năm 1962, mà mãi cho đến năm 1964 chúng tôi mới được đọc.
Theo kết quả đó thì chủng Mã Lai từ Hoa Bắc di cư đến Đông Nam Á cách đây năm ngàn năm.
Trong khi đó thì giáo sư Kim Định, sau khi bác bỏ nguồn gốc Mã Lai bởi ngộ nhận vì lời của ông O. Jansé, khuyên ta đừng tìm nguồn gốc tổ tiên ta trong khối Mã Lai ở phương Nam. Ông nói thế vì ông chỉ biết có khoa địa lý sai vào các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, khoa đó cho rằng chủng Mã Lai phát tích tại Nam Dương, và ông chỉ biết có vụ Đông Sơn là một cuộc sa lầy.
Không thể chối cãi rằng giáo sư không có học khoa khảo tiền sử. Ấy thế mà giáo sư lại dám lên án rằng nó mơ hồ, trong khi nó chính xác một cách làm ta kinh ngạc.
Nếu có học khoa ấy, ông đã biết rằng sách xưa nói đến gốc phương Nam của Mã Lai chủng là sai, ông đâu có khuyên ta đừng tìm gốc nơi khối Mã Lai ở phương Nam.
(Nhưng thật ra thì Mã Lai chủng cũng không có nguồn gốc ở Hoa Bắc đâu. Chủng đó xuất phát từ phía Tây nước Tàu, quanh Cao nguyên Tây Tạng, nhứt là dưới chơn núi Himalaya, như ta sẽ thấy ở các chương sau).
Nhà triết học Kim Định có ý kiến khác hơn giới khoa học về vấn đề căn bản sử. Theo vị giáo sư đại học triết đó (
V.L.T.N. trang 35), thì “Đám tân học nay lại chỉ căn cứ trên một số sử kiện khách quan hẹp hòi”.
Thật tình thì đám tân học không căn cứ trên sử kiện, mà trên sự kiện nhưng không có hẹp hòi chút nào cả, chỉ vì họ biết chắc một trăm phần trăm rằng nhảy ra khỏi vòng rào sự kiện là sai. Và khoa viết sử nghiêm khắc của họ càng ngày càng chính xác, nó tiến chậm, nhưng trên những bước vững chắc vô địch.
Ở trang 58 và 59 giáo sư cho rằng Tần là chính gốc Viêm tộc mà theo giáo sư Viêm tộc là Việt tộc.
Nhưng sao Tàu lại có câu tục ngữ ngàn đời “Tần phi Việt sấu?”. Nếu Tần là Việt thì phải Sấu y hệt như Việt ấy chớ?
Nói như thế xong thì ở trang 216, ông lại cho rằng văn minh phương Tây là của Hoa tộc, văn minh phương Đông là của Việt tộc, và ở trang 217 ông phát triển cái ý đó ra là bên Chiêu vì là Việt văn minh nên được trọng, và ở trang 218 ông lại cho rằng Tần là đại diện Tàu du mục và hung hãn từ Tây tràn sang Đông tàn phá văn minh của Việt ở đó.
Vậy Tần là Việt hay là Tàu đây?
Muốn biết Tần là Tàu hay Việt mà Việt là ai, bọn tân học và khoa học thỉ chung như nhứt, chỉ bằng vào cái sọ mà hễ nói rồi là không nói ngược lại như ông ở trang 58-59 và trang 218.
Cứ hẹp hòi, dốt nát như bọn tân học vậy mà có đầu có đuôi, người học sử còn biết đâu là đâu, chớ lung tung thì chẳng ai còn biết ai là ai nữa. Tần là Việt, nhưng Tần lại phì, Việt lại sấu, Tần là Việt, nhưng lại là Tàu phương Tây tàn phá văn minh Việt ở phương Đông.
Rốt cuộc người học sử cứ vẫn như chưa học vì vẫn chưa biết Tần là Tàu hay là Việt.
Muốn biết Tần là Tàu hay là Việt thì quá dễ. Cứ học lại sử Tàu (sử thành văn chớ không phải truyền thuyết). Nhà Thương phong cho tổ nhà Chu là người Tàu cái đất Thiểm Tây cũng gọi là đất Kiểu (đọc theo miền Bắc là Cảo) để tiêu diệt rợ Khuyển Nhung.
Khi nhà Chu lên thay thế cho nhà Thương thì nhà Chu cũng lại phong cho một người Tàu khác là tổ của nhà Tần để tiếp tục công việc diệt rợ Khuyển Nhung ở đó, vì khi xâm nhập vào Hoa Bắc họ định cư ở Sơn Tây mà chừa Thiểm Tây ra vì đó là đất của Khuyển Nhung, một thứ dân Lạc bộ Chuyện, rất dữ tợn mà họ phải mất hàng ngàn năm mới tiêu diệt được.
Thế thì Tần làm sao mà là Việt, mà là Khuyển Nhung được hở trời!
*
Nhưng nếu có ai học khoa khảo tiền sử và biết kết quả của các công trình đào bới ở Á Châu, và nhứt là hiểu được những danh từ bác học trong đó, cũng không viết về nguồn gốc của dân ta mà đúng được, vì phải kiểm soát lại khoa đó bằng hai khoa quan trọng khác là khoa chủng tộc học và ngôn ngữ tỷ hiệu, như đã nói.
Khoa khảo tiền sử cho biết chủng Mã Lai từ Hoa Bắc di cư sang Đại Hàn, Nhựt Bổn, Đài Loan, Đông Nam Á và Nam Dương. Chỉ có thế thôi. Họ có đủ bằng chứng là cái sọ và dụng cụ của chủng đó trên lộ trình di cư. Nhưng cái sọ của dân ta là sọ Tàu như sử gia Nguyễn Phương đã quả quyết, hay là sọ Mọi? Ngôn ngữ của ta là tiếng Tàu như sử gia Nguyễn Phương đã khẳng định hay là tiếng Tây?
Ấy thế, ba khoa đó kiểm soát lẫn nhau một cách chằng chịt mà nếu học sót một khoa là không làm nên việc rồi, phương chi đa số lại bất chấp cả ba khoa căn bản ấy, còn giáo sư Nguyễn Phương có kể đến một khoa, nhưng lại chỉ biết phiến diện là công trình đào bới ở Bắc Việt mà thôi, lại không hiểu Anh Đô Nê-diêng có nghĩa là cổ Mã Lai.
Chúng tôi làm việc theo phương pháp quốc tế là sử dụng ba khoa nói trên làm chứng tích chủ lực, và theo tinh thần quốc tế là tinh thần khoa học.
Tuy nhiên, những yếu tố phụ thuộc vẫn được dùng để kiểm soát thêm, thí dụ truyền thuyết Việt Nam, thượng cổ sử Trung Hoa, Ấn Độ v.v.
Nơi đây cũng xin nhắc lại ông Kim Định, giáo sư đại học Kim Định đã vơ đũa cả nắm, mạt sát những người Việt Nam làm việc theo tinh thần khoa học là bọn học chưa tiêu hóa mà muốn bảo hoàng hơn ông vua, không hay biết rằng Âu Mỹ đã bỏ khoa học trong địa hạt tìm vết xưa mà trở về với huyền thoại và truyền thuyết nhiều hơn.
Sự thật thì ở xứ ta quả có một bọn khoa học tập sự, chưa tiêu hóa nổi tinh thần Cartésien và bảo hoàng hơn vua, nhưng không phải là người Việt Nam nào cũng thế.
Mà chính giáo sư mới là chưa tiêu hóa nổi tinh thần làm việc mới của Âu Mỹ là trở về với huyền thoại và truyền thuyết. Họ dung hòa, chớ không bao giờ họ bỏ khoa học của họ.
Giáo sư cũng chủ trương rằng mình dung hòa, nhưng trong
Việt lý tố nguyên, ta thấy giáo sư bỏ tinh thần khoa học từ trang đầu đến trang chót, tưởng tượng cái gì nói cái ấy ra, theo ý muốn của mình, bất chấp cả những sự kiện lịch sử rõ ràng nhứt mà không ai cãi được hết.
Giáo sư chỉ đọc có Colani, Mansuy mà ngày nay đã bị thấy là sai rồi, nhưng giáo sư không hay, cứ trích dẫn họ, rồi lại chê khoa khảo tiền sử là mơ hồ, trong khi nó đúng một trăm phần trăm. Giáo sư dựng đứng lên một chủng tộc, chủng không bao giờ có mặt trên quả địa cầu.
Giáo sư có những quả quyết bất chấp lý trí sơ đẳng, không cần gán tội cho khoa học, người thường cũng không ai nhìn nhận quả quyết đó.
Thí dụ Tư Mã Thiên cho rằng dân Sở họ
Mị. Giáo sư bảo rằng Mị do Mễ đọc trại ra, mà Mễ là vì dân Việt ở nước Sở theo văn minh nông nghiệp, có lúa gạo.
Sự thật thì văn Tàu nói không minh bạch chớ chỉ có vua nước Sở tức tổ tiên của họ Hùng là mang họ
Mị còn dân thì không. Dân Sở đông bao nhiêu, ta không thể biết, nhưng cứ bằng vào quân số mà Tần dùng để đánh Sở, mà sử Tàu có chép là 600 ngàn, thì ta ước lượng nước Sở phải đông lối 10 triệu dân.
Nếu 10 triệu người đều mang họ Mị cả thì làm thế nào để kết hôn với nhau?
Đó là chúng tôi suy luận để biết sự thật, vì thấy Tư Mã Thiên viết một điều kỳ diệu, nhưng rồi sự thật ấy cũng hiện rõ ra ở các sách khác, là chỉ có tổ của họ
Hùng là ngày xưa mang họ
Mị, còn dân thì không, vì dân đã di cư vào Kinh Cức 500 năm trước khi họ Hùng được phong tước Tử ở Sở.
Dân đó mang đủ thứ họ, y như ở Hoa Bắc, chớ không hề mang họ Mễ, mặc dầu họ trồng Mễ và ăn Mễ, khác hơn dân Hoa Bắc.
Hơn thế tổ tiên của vua nước Sở lấy họ Mị vào thời mà dân Trung Hoa chưa biết lúa gạo, thời chưa có nước Sở, chưa được phong ở Sở mà ở Hoa Bắc thì cây Mễ lại không mọc được.
Như vậy làm thế nào để họ biết Mễ hầu dùng cái từ đó để làm
Họ rồi biến âm ra là
Mị?
Ta sẽ thấy rằng mãi cho đến ngày nay, dân Hoa Bắc vẫn ăn lúa mì, vì cây Mễ không mọc được ở đó. Chỉ có khác là nhờ thông thương dễ nên họ biết cây Mễ và danh từ Mễ, còn vào thời mà tổ tiên của họ Hùng còn lấy họ
Mị, chưa cải sang họ
Hùng thì Hoa Bắc không biết Mễ.
Hai chữ đó lại đọc hơi giống nhau là hơi giống trong Việt ngữ chớ trong Hoa ngữ thì không, mà tự dạng cũng rất khác nhau, không thể có vấn đề lầm lẫn được.
Lần lượt ta sẽ thấy rằng giáo sư Kim Định không có dung hòa gì cả mà hoàn toàn tưởng tượng để lập thuyết theo ý muốn của ông.
*
Phương pháp khoa học quá khắt khe thường làm cho thiên hạ bị vấp ngã khi làm việc theo phương pháp, đành phải bỏ dở công trình, thành thử nhiều người có thiện chí tức mình, đâm ra oán ghét nó, mà tiêu biểu nhứt là nhà học giả Lê Văn Siêu.
Chúng tôi nói tiêu biểu là ông Lê Văn Siêu là người độc nhứt đủ can đảm tấn công một cách nghiêm trang phương pháp học và tinh thần khoa học, chớ không phải chửi bậy bạ như nhiều người khác, họ cho rằng Tây muốn dìm ta nên bày ra những hàng rào ngăn đón để ta không làm việc được.
Ông Lê Văn Siêu cho rằng phương pháp học quá “cứng rắn” đối với trường hợp Đông Sơn nó là “một ngoại lệ” (?), ngoại lệ vì lớp sơn Trung Hoa quá dày đã xóa gần hết rồi, còn làm sao mà tìm ra cái gì cho được nữa.
Ông Lê Văn Siêu chủ trương
“biến phương pháp học theo đối tượng nghiên cứu”, còn các nhà bác học Âu Châu thì
“ép đối tượng nghiên cứu theo phương pháp học”.
Nhưng phương pháp học không phải được lập ra không cân nhắc. Không ai mua dây buộc mình làm gì, mà chỉ vì không có phương pháp học thì phải sai lầm nên các nhà bác học mới cúi đầu khuất phục phương pháp học.
Ông Lê Văn Siêu đã sai lầm ngay tức thì, sau khi bất chấp phương pháp học, sau khi
“biến”, sau khi
“dễ dãi” trong việc nghiên cứu.
Ông viết:
“Ta phải kết luận rằng gốc chính nằm ở trung bộ đồng bằng sông Mã, tức Thanh Hóa bây giờ, mà không phải ở Phong Châu (Phú Thọ), (trang 57).
Ông kết luận như vậy, bất kể khoa học, vì ông thấy quả cổ vật đã đào được ở Thanh Hóa. Nhưng để rồi xem.
Rồi ông lại cắt nghĩa tại sao trung tâm lại ở Thanh Hóa
“Muốn tới Phong Châu, phải vượt qua cả một vùng lầy lội (vì) nước biển Bắc Việt còn lênh láng tới Việt Trì bây giờ”.
Nhưng những cuộc khai quật liên tiếp từ năm 1924 đến năm 1970 đã chứng tỏ hai điều trái hẳn với kết luận của ông Lê Văn Siêu:
1. Cổ vật của nền văn minh Đông Sơn tại lưu vực sông Nhị Hà, sáu lần nhiều hơn tại lưu vực sông Mã.
Phương pháp học đã phải nín im non 40 năm mới dám kết luận, và phương pháp học đúng, còn ông Lê Văn Siêu, vì bất chấp phương pháp học thì như thế đó. Phương pháp học không cho phép kết luận cái gì hết khi chưa có bằng chứng. Chưa đào đủ khắp nơi, sao lại dám quả quyết rằng trung tâm văn minh là ở Thanh Hóa?
Chỉ có sự vắng mặt của cổ vật ở các nơi khác; hoặc sự hiếm hoi của các cổ vật ở các nơi khác mới là bằng chứng rằng trung tâm là Thanh Hóa. khoa học có lý mà cứng rắn, và các nhà khảo cứu có lý mà nô lệ khoa học.
2. Cuộc khai quật ở Việt Khê (Hải Phòng) đã cho thu lượm được cổ vật trước thời Đông Chu Liệt quốc, cổ vật nhập cảng, chưa được dùng tới vì chưa có dấu vết được dùng tới. Thế nghĩa là dưới thời Đông Chu Liệt quốc, vịnh Bắc Việt đã thành hình rồi chớ không hề có vấn đề nước biển lênh láng tới Việt Trì.
Phương pháp học không cho phép tưởng tượng để quả quyết cái gì hết. Muốn biết thuở ấy tại vịnh Bắc Việt, có đất hay chưa, chỉ có một phương pháp độc nhứt là nghiên cứu đất ở Hải Phòng để xem coi đó là đất còn trinh, đất mới bồi, hay đất có chứa cổ vật, mà cổ đến mức nào, tức phải định tuổi đích xác cổ vật đào được. Thấy đồ Tàu thời Đông Chu, không có nghĩa là đồ ấy được chôn ở đó vào thời Đông Chu mà còn phải xem bằng kính hiển vi coi nó có được dùng lần nào chưa. Nếu đồ đã được dùng thì có thể người ta nhập cảng vào Việt Trì thời Đông Chu, dùng cho tới thời Đinh Bộ Lĩnh, nó mới trôi dạt tới Hải Phòng. Cổ vật Hải Phòng không có dấu vết được dùng thì mới kết luận được rằng đúng là cổ vật bị chôn vào thời ấy, và ở đó đã có đất rồi, hơn thế, đó là đất trọng yếu vì cổ vật tìm thấy trong một ngôi mộ, rất có vẻ là mộ vua, bằng vào sức lớn của chiếc hòm (săng), chiếc hòm ấy dài tới 4th70, trong khi những chiếc hòm kế cận và đồng thời, chỉ dài có 2 thước mà thôi.
Sử gia Nguyễn Phương cũng đã dựa vào sự đất chưa thành hình ở đó để bác thuyết của Madolle.
Nhưng cả ông Lê Văn Siêu lẫn giáo sư Nguyễn Phương đều không có đọc sách địa chất học về Đông Dương. Sách ấy đã có rồi vào năm mà hai ông bác bỏ người khác, các sách ấy cho biết rằng đất châu thổ Bắc Việt đã thành hình hẳn từ sáu bảy chục ngàn năm rồi.
Tiếc rằng cuốn sách phổ thông
Lịch sử thành lập đất Việt ra đời quá trễ (cuối 1970).
Cuộc đào mồ ở Việt Khê là chứng tích của Việt Nam do sự tình cờ hơn là do khoa học. Chứng tích của ông G. Cocdès còn kinh hồn hơn nữa.
Ông nghiên cứu tỉ mỉ địa chất ở bờ biển Bắc Việt với những con số đích xác, và ông cho thấy các con số sau đây:
- Từ năm 1830 đến năm 1930 đất lấn ra biển được 10 cây số trong vòng 1 trăm năm đó.
- Nhưng từ 1470 đến 1830 thì chỉ lấn được có 3 cây số mỗi một trăm năm.
Tại sao mà xưa đất lấn ra ít mà nay thì nhiều? Nay có những ông Phạm Công Trứ, còn xưa thì không, càng xưa càng không. Chính ở miền Nam cũng vậy. Đất phù sa ở bờ biển, không thể thành đất được, nếu con người không xen vào, đắp đê, trồng mắm, trồng tràm, để cho phù sa chìm, nổi lần lên. Phù sa có tuôn ra thật đó, nhưng nó cứ ở dưới mặt biển khá sâu, và bờ biển xưa sao, nay vậy, nếu không có công trình nhân tạo. Từ 1830 thì dân ta noi gương Phạm Công Trứ tự động biến thương hải thành tang điền, còn trước Phạm Công Trứ thì đất đai ta xưa nay không khác bao nhiêu.
Bờ biển Trung Việt thì lại lở, nhưng cũng chẳng bao nhiêu. Việc lở bồi phải mất hàng trăm ngàn năm, chớ hàng ngàn năm cũng chẳng cho thấy gì đáng kể, khoa địa chất học đã chứng minh như vậy.
Kỹ thuật lấn đất cũng do ông Phạm Công Trứ phát minh ra năm 1660 nhưng từ 1660 đến 1830, không phải dân ta bắt chước được như từ 1830 về sau, bởi thường có giặc giã, biến loạn, vả lại thuở ấy cũng chưa thiếu đất một cách bi thảm như từ năm 1830, nên tuy sáng kiến đã có nhưng trong (1830-1660) 170 năm đầu thì sự áp dụng không đáng kể. Nhưng cũng còn tùy nơi. Như ở Việt Khê thì xưa sao nay vậy vì phù sa không phải nằm bất kỳ ở đâu, dọc theo bờ biển, mà tùy thuộc dòng nước biển ngầm rất nhiều.
Trường hợp điển hình nhứt là sông Cửu Long. Sông ấy đưa phù sa ra biển còn nhiều hơn sông Hồng Hà nữa. Thế mà theo nghiên cứu của ông Malleret thì đất ở các cửa biển Cửu Long từ xưa đến nay không được bồi thêm chút nào cả!
Vậy phù sa ấy đi đâu? Nó đánh một vòng thật lớn, đi qua khỏi mũi Cà Mau rồi nó mới tấp vô bờ, nhờ ảnh hưởng của gió mùa Tây Bắc tại miền Nam nước Việt.
Nhưng nếu ông Lê Văn Siêu không có học địa chất Việt Nam, ông cũng có thể biết được rằng ông sai lầm, bằng vào những đoạn sử Tàu đã được phổ thông từ lâu rồi.
Hậu Hán thư cho biết rằng thuở Mã Viện tới, tức sau khi người Đông Sơn được chôn có 31 năm, thì dân Giao Chỉ đã giỏi làm ruộng, còn dân Cửu Chơn thì còn săn bắn và câu kéo.
Thanh Hóa thuộc Cửu Chơn. Làm thế nào mà trung tâm lại nằm ở cái nơi mà dân chưa biết trồng trọt, chớ không phải ở cái nơi mà dân đã giỏi làm ruộng.
Hậu Hán thư lại cho biết rằng luật pháp của Giao Chỉ khác luật pháp Tàu đến 10 điều. (Thành ngữ Tàu “Khác 10 điều, có nghĩa là mỗi-mỗi mỗi khác). Thế nghĩa là Giao Chỉ đã có luật pháp, còn Cửu Chơn thì không?
Sao trung tâm lại nằm ở nơi man dã được?
Trên đây chỉ là suy luận, nhưng suy luận cũng là một yếu tố mà phương pháp học thường dùng, khi nào không có tài liệu.
Tưởng mấy trường hợp nêu ra trên đây đủ chứng minh giá trị không thể chối cãi của phương pháp học mà nếu bỏ học đi, hoặc mềm dẻo một chút là các nhà khảo cứu sẽ phải đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.
Khoa học cho phép lập giả thuyết, khi nào tuyệt đối không có tài liệu. Nhưng lập xong, phải kiểm soát giả thuyết bằng những sự kiện khác xem có ăn khớp với giả thuyết đó hay không. Việc lập giả thuyết thì quá dễ, nhưng kiểm soát thì khó khăn vô cùng, chính vì việc kiểm soát đòi hỏi phải biết quá nhiều việc khác.
Ông Lê Văn Siêu, ở trang 114 đã lập ra cái giả thuyết này là loạn Chiến Quốc bên Tàu, đã khiến một số hảo hán Trung Hoa chạy trốn sang Thanh Hóa (cũng cứ Thanh Hóa) và chính bọn ấy đã dạy vua An Dương Vương bí quyết chế tạo nỏ.
Ông Lê chứng minh giả thuyết đó bằng luận cứ này: tại sao khi thua Triệu Đà, An Dương Vương không chạy đi hướng nào khác mà chạy về phía Thanh Hóa, có phải chăng là để tìm các tay hảo hán đó? Ta thử kiểm soát lại xem:
- Vua An Dương Vương làm thế nào để chạy hướng khác được? Bắc là Triệu Đà, Đông là biển cả, Tây là nước nào đó, vào thuở ấy, cái nước có nền văn minh cánh Đồng Chum ấy chăng? Ông ta chỉ còn hướng Nam là đất Cửu Chơn, tức đất Việt, thì ông không chạy về đó sao được, chớ nào phải để tìm hảo hán tưởng tượng nào đâu.
- Trong chương Ngôn ngữ, chúng tôi sẽ chứng minh rằng cái Nỏ là phát minh của chủng Mã Lai Bách Việt và Trung Hoa đã học của Mã Lai Bách Việt tại đất Kinh Man, cách chế tạo vũ khí đó cả danh từ Nỏ của Trung Hoa cũng là phiên âm danh từ Pnả của Mã Lai nữa.
Nhưng mà, phải biết tiếng Mã Lai, và biết khoa chiết tự để tìm nguồn gốc của tự dạng
Nỏ của Tàu, như vậy hơi nhọc trong việc kiểm soát giả thuyết lắm.
Ông Lê Văn Siêu luôn luôn công kích những đòi hỏi khắt khe của khoa học, vì ông tin rằng không còn dấu vết cũ nào đâu mà mong tìm tòi. Nhưng tại chính ông không hề tìm tòi và cũng không hề theo dõi các nhà tìm tòi, chớ thật ra thì còn rất nhiều, càng ngày người ta càng khám phá được đủ thứ việc, không phải chỉ dưới lòng đất sâu, mà ngay trong sử Tàu xưa, tài liệu cũng đã nằm sẵn ở đó rồi, tại ta không có đọc kỹ đó thôi, thí dụ Đào Duy Anh đã tìm được một lô cổ thư Trung Hoa nói về trống đồng của dân Việt ở Hoa Nam, mà trước đó không sử gia nào có đọc những sách ấy cả.
Ông Lê tin rằng tình trạng ở xứ ta khác, vì không có những kiến trúc bằng đá như ở Âu Châu, nơi đó tài liệu rất dồi dào phong phú.
Nhưng có đâu chuyện ấy ở Âu Châu? Đời sống của dân Gô Loa trước khi họ bị La Mã chinh phục, người Pháp cũng tưởng là không còn gì cả, cách đây ba trăm năm, y như ông Lê Văn Siêu ngày nay tin như vậy, đối với nước ta. Thế mà rồi các nhà khảo cổ Pháp họ cũng tìm được cả, tôn giáo Druidisme ra sao, Gô Loa đắp lũy thế nào, rèn vũ khí làm sao, họ tìm được cả và vẽ đúng lại được đời sống của Gô Loa, mà Pháp lại không có lấy được một chiếc trống đồng thau để mà nghiên cứu như ta đã có hàng trăm và hàng ngàn món bằng đồng khác. Dân Gô Loa đâu có xây cất bằng đá bao giờ.
Nghe các nhà bác học Âu Mỹ đòi chứng tích, ông Lê Văn Siêu lại nghi oan cho họ, và viết (trang 27)
“Chúng ta không cần suy nghĩ nhiều cũng thấy ngay chứng tích và tài liệu, phần lớn chỉ là những thứ để đón ý kẻ mạnh”.
Kẻ mạnh bị ám chỉ ở đây hẳn là người Pháp tiền chiến. Và nếu ta đưa ra được chứng tích mà họ đòi hỏi là cái đẳng thức:
Việt Nam = Mã Lai
thì họ hưởng được cái gì? Được ăn hiếp ta mạnh tay hơn chăng?
Hoặc được khinh ta nhiều hơn chăng? Không, họ chỉ có hại mà không có lợi, vì cách đó một trăm năm, họ vừa khám phá ra được một quá trình văn minh lớn của Mã Lai ở Nam Dương. Ta sẽ hãnh diện hơn, bớt mặc cảm hơn, và họ sẽ khó trị ta hơn.
Kẻ đưa ra chứng tích không hề đón ý kẻ mạnh nào hết. Và giờ đây, kẻ mạnh đó không còn, sao chúng tôi và bao nhiêu nhà khoa học đều cứ cần đưa ra chứng tích, để đón ý ai đây? Giới khảo cổ Thụy Điển chẳng hạn, cũng cứ đòi chứng tích, nhưng họ có cai trị ta bao giờ đâu, họ có bao giờ là kẻ mạnh thích được ta đón ý bao giờ đâu? Thụy Điển đòi ta đón ý họ để làm gì kia chớ?
Ông Lê Văn Siêu bất chấp khoa học và ông có những lập luận rất lạ lùng trong quyển sách của ông. Ở trang 116, ông cho rằng dân Giao Chỉ đón tiếp dân Việt ở Dương Tử chạy lọan Chiến quốc xuống xứ lạ, rồi đồng hóa được họ, nếu không
“đất Bắc Việt đã trở thành một tỉnh của Trung Quốc từ lâu”.
Câu sử của ông Lê Văn Siêu thật là lạ kỳ. Theo lối dùng chữ của ông, ta phải hiểu rằng dân Giao Chỉ không phải là Việt. Thế nên họ mới đồng hóa Việt Dương Tử, chớ nếu họ cũng là Việt thì làm gì có sự kiện nhóm Việt A đồng hóa nhóm Việt B. Họ tự nhiên mà có chung văn hóa với nhau, mặc dầu họ ở hai địa bàn khác nhau.
Chúng ta chỉ biết đoán mò chớ không thể hiểu được câu sử kỳ diệu của ông. Chúng ta giả thiết:
- Ông Lê Văn Siêu cho rằng dân Giao Chỉ không phải là Việt. Mà như thế là sai với sự kiện: người Tàu xưa gọi dân Giao Chỉ là Việt. Danh xưng Giao Chỉ có sau danh xưng Việt rất lâu mà cũng chỉ dùng để trỏ đất chớ không trỏ dân.
- Ông Lê Văn Siêu vẫn biết rằng ta là Việt nhưng tin rằng Việt Dương Tử đã biến thành Tàu rồi. Ông dùng chữ nhiêu khê như vậy để phân biệt hai nhóm Việt. Nói lối dùng chữ ấy nhiêu khê vì viết như thế này, sẽ dễ hiểu hơn “Việt Giao Chỉ đã đồng hóa Việt Dương Tử, nhóm này đã biến thành Tàu rồi, theo văn hóa khác rồi”.
Nhưng sự đoán mò thứ nhì của ta lại vấp phải sự kiện văn minh của ta hiện nay mang đến 70 phần trăm yếu tố Trung Hoa. Sao kẻ đồng hóa lại bị tô màu của kẻ bị đồng hóa?
- Bằng vào câu “Nếu không, đất Bắc Việt đã trở thành một tỉnh của Trung Hoa”, ta có thể hiểu rằng ông Lê Văn Siêu cho rằng Việt Dương Tử đã biến thành Tàu rồi.
Nhưng thành Tàu rồi, thì họ làm sao mà chạy ngang qua ba nước Việt mà Khổng Tử đã nói đến. Thật thế, trong Xuân thu, Khổng Tử cho biết rằng khi nước Sở cướp được nước Việt Cối Kê rồi thì tướng Ngô Khởi ký hiệp ước thân hữu với ba quốc gia độc lập ở dưới Cối Kê, mà ai cũng biết đó là ba quốc gia Việt không phải là Giao Chỉ: Đông Âu, Mãn Việt và Tây Âu.
- Nếu họ đã thành Tàu, thì không thế nào mà họ được phép chạy ngang qua ba quốc gia độc lập và khá hùng cường đó, hùng cường nên Tàu đã phải ký hiệp ước thân hữu.
- Nếu họ chưa thành Tàu, thì họ mà có chiếm được Giao Chỉ thì làm thế nào mà Giao Chỉ lại biến thành một tỉnh của Trung Quốc vì họ không là Tàu kia mà!
Nếu họ chưa thành Tàu, mà rủi ro họ thắng ta thì ta vẫn không bao giờ biến thành một tỉnh Trung Quốc mà chỉ biến thành một nước trong đó gồm có hai thứ Việt.
Câu sử kỳ dị của ông Lê Văn Siêu rất hữu lý với người bất kể đến phương pháp học, nhưng nó lại không thể hiểu được đối với người khác, không cần gì là nhà khoa học, tiêm nhiễm tinh thần khoa học, mà người thường nhưng biết suy luận theo lẽ phải cũng không thể hiểu được câu sử đó muốn nói gì bởi nó mâu thuẫn rối ren hết, mà như vậy cũng chỉ vì tác giả không kể đến phương pháp nào hết.
Phương pháp đó là tự hỏi xem có phải ta là Việt hay không? Nếu không, sao Mã Viện lại gọi ta là Việt?
Nếu ta là Việt thì sự kiện Việt dưới đồng hóa Việt trên không hề xảy ra vì tất cả các nhóm Việt đều có văn hóa giống nhau.
Rồi lại tự hỏi xem Việt Dương Tử đã thành Tàu chưa?
Nếu họ đã thành Tàu, họ đã không có quyền chạy qua ba nước Việt độc lập và hùng cường đến nỗi Tàu phải ký hiệp ước thân hữu, chớ không dám gọi là man di nữa.
Họ chưa thành Tàu thì làm gì lại có sự kiện Việt dưới đồng hóa Việt trên.
Còn cái sự rủi ro không có xảy ra mà họ Lê cũng biết, là họ không thắng Việt dưới, sự rủi ro ấy nếu có, không sao biến Giao Chỉ thành một tỉnh Trung Hoa được cả vì chính kẻ thắng (nếu có thắng) không là Tàu, chưa thành Tàu kia mà! Nó chỉ biến Văn Lang thành một nước Việt trong đó có hai nhóm Việt nhập lại, và đồng văn hóa một cách đương nhiên chớ chẳng hề thành một tỉnh Tàu được.
Xin nhắc rằng câu sử của ông Lê Văn Siêu ngược lại với một câu sử khác, cũng sai, nhưng sai cách khác mà ông Hoàng Trọng Miên đã lặp lại, câu sử sai đó là của ông G. Cocdès, nguyên Viện trưởng Viện Viễn Đông bác cổ, ông ấy nói là người Việt Dương Tử tràn xuống, đuổi hết người Cổ Mã Lai lên núi rừng.
Câu sử này cũng sai tuốt. Người Thượng ở Cao nguyên và người Chàm đích thị là người Cổ Mã Lai đồng chủng với ta và cùng ta di cư xuống Cổ Việt
một lượt với nhau, nhưng họ chiếm địa bàn bất lợi nên họ không tiến, sau đó họ lại không có thọ lãnh văn hóa của Tàu như ta, hoặc văn hóa Ấn Độ như Chàm để mà tiến thật mạnh như ta và Chàm. Nhưng mặc dầu sai, ông G. Cocdès vẫn có mạch lạc từ đầu đến cuối vì ông có tinh thần khoa học, chớ không mâu thuẫn lung tung như ông Lê Văn Siêu trong một câu thật ngắn. Và ông G. Cocdès đã tự đính chánh ông. Hai mươi năm sau, trong một quyển sách ra đời năm 1962, nhưng ông Hoàng Trọng Miên không hay biết lời đính chánh đó.
Theo phương pháp khoa học, phải kiểm soát lại giả thuyết, điều mà ông Lê Văn Siêu không có làm. Chúng tôi kiểm soát thì thấy như sau: Cuộc kiểm tra dân số của Mã Viện cho biết ở Giao Chỉ có 92.440 nhà, ở Cửu Chơn có 37.743 nhà.
Riêng huyện Tây Vu của Giao Chỉ đã có số nhà gần bằng toàn quận Cửu Chơn là 32 ngàn nhà. Như vậy, Đông Sơn, thuộc Cửu Chơn không thể là trung tâm của nền văn minh Lạc Việt được vì luôn luôn trung tâm nằm giữa nơi nào đông dân cư nhứt.
Vậy nếu không hay biết những cuộc khai quật liên tiếp nói trên, nếu không có đọc
Hậu Hán thư, ông Lê Văn Siêu vẫn có thể kiểm soát kết luận của ông bằng cách đọc sử từ thời Mã Viện. Nhưng vì bất chấp khoa học, nên ông không có kiểm soát, vì sự kiểm soát là một yếu tố của cái khoa học mà ông không nhìn nhận.
Ông có ám chỉ sơ đến một cuộc dời đổi trung tâm từ Thanh Hóa đến Bắc Việt, nhưng không có bằng chứng, mà trái lại có bằng chứng ngược hẳn bao nhiêu cổ tích và ca dao của ta đều lấy khung cảnh núi Tản sông Đà, chớ không phải khung cảnh Thanh Hóa trừ một chuyện truyền thuyết độc nhứt là truyện đền Thần Đồng cổ ở núi Khả Lao.
Đọc mấy trang này, có lẽ ông cho rằng cuộc kiểm tra dân số của Mã Viện không đáng tin, nên ông không dùng.
Nhưng thử hỏi Mã Viện bịa ra những con số đó để làm gì? Và y sẽ chết, vì vua Tàu sẽ cho người kiểm soát, bởi y đâu có phải là kẻ ở lại sau chiến tranh. Y không có lý do bịa, mà cũng không dám bịa.
Cái gì cũng còn cả, khoa học biết thế, nên cứ đòi hỏi gắt. Mà khoa học biết thế là nhờ kinh nghiệm. Khoa khảo cổ và khoa chủng tộc học dạy họ thấy chắc một trăm phần trăm rằng sự sống sót của các chủng tộc cổ, các nền văn minh cổ, bị ai cố xóa đi, những thứ ấy trường thọ ngoài sức tưởng tượng của con người.
Chủ đất cũ của Ấn Độ, cách đây 6 ngàn năm, hiện cứ còn. Chủ đất thứ nhì là chủng Drawidien, bà chủ Ấn Độ cách đây 5000 cũng cứ còn và còn cả lâu dài, thành phố Harappa và Molienjo Daro vừa đào lên được cách đây không lâu mặc dầu bọn xâm lăng đã cố xóa tất cả.
Chúng tôi xin đưa ra một thí dụ điển hình nhứt về kết quả của việc kiểm soát giả thuyết và sử liệu.
Trong
Việt sử: Xứ Đàng trong, tác giả là giáo sư Phan Khoang dựa vào
Đại Nam thực lục, viết rằng người Anh, lập nghiệp ở Côn Đảo năm 1670 (đông 200 người) đã bị 15 người Mã Lai ăn tiền của quan trấn thủ Trấn Biên, tàn sát. Người Anh đến lập nghiệp mà
không xin phép nên phải chịu cảnh đó.
Thấy mâu thuẫn trong câu sử ấy, 15 người không súng mà loại được 200 người có súng, giáo sư Nguyễn Thế Anh đã kiểm soát lại, và giáo sư tìm được giấy tờ của chúa Nguyễn Phúc Chu
đã cho phép người Anh lập nghiệp ở Côn Đảo.
Khi mà Nguyễn Phúc Chu đã nhìn nhận hội buôn của Anh và đã cấp cái giấy phép đó thì chúa còn có quyền rút giấy phép lại mà không cần ra lệnh cho trấn thủ của Trấn Biên làm đặc công ở Côn Đảo làm gì.
Nếu đánh bằng tay không thì 200 người Anh vẫn thắng được 15 người Mã Lai dễ dàng, bởi đó là đặc công chỉ có dao, mà dao thì không đáng sợ chút nào.
Hễ thấy tài liệu không ổn thì luôn luôn phải kiểm soát lại và luôn luôn có tài liệu khác xác nhận hay đính chánh.
Có lẽ
Đại Nam thực lực không hoàn toàn bịa. Soạn giả quyển đó có biết sự kiện quan trấn thủ Trấn Biên thuê điệp viên Mã Lai coi chừng người Anh. Rồi thì khi thấy người Anh rút đi mà không biết vì lẽ gì, soạn giả
Đại Nam thực lực mới dùng sự có mặt của điệp viên để biến thành một trận Commando tưởng tượng. Nhưng người đời sau, phải thấy rằng
Đại Nam thực lực đã viết một điều vô lý, không thể xảy ra được, cần kiểm soát lại người xưa mới xong. Khoa học là cái đó.
Từ nãy giờ, chúng tôi có vẻ nhắm vào ông Lê Văn Siêu hơi nhiều. Nhưng không phải thế. Về mặt cá nhân, chúng tôi rất mến ông, và về mặt học vấn, chúng tôi cũng rất khâm phục ông.
Ở đây chỉ là một quan niệm khảo cứu chọi với một quan niệm khảo cứu. Khi quan niệm khác nhau, thì cần có sự tranh luận. Và một người viết sách cần trình phương pháp của mình ra vì dĩ nhiên là y cần được người đọc đồng ý nhờ thấy sự vững vàng về phương pháp của y.
Chúng tôi thấy các nhà bác học Âu Châu họ sai lầm là vì họ không biết một số yếu tố mà thôi, chớ phương pháp của họ vẫn đúng và cần thiết để ngăn người nghiên cứu lập thuyết liều lĩnh.
Nếu họ kết luận rằng người Đông Sơn là tổ tiên của ta thì phái học giả Việt Nam mà phủ nhận Đông Sơn, như ông Nguyễn Phương chẳng hạn, đòi hỏi bằng chứng, họ sẽ trả lời sao cho trôi?
Cho đến năm 1965 mà giáo sư đại học Nguyễn Phương còn đòi hỏi bằng chứng rằng Mã Lai Đông Sơn = Việt, thì ta phải nghiêng mình trước phương pháp học vậy, và phải tìm bằng chứng vậy.
Ông Lê Văn Siêu phàn nàn những nhà bác học ở Viện Viễn Đông bác cổ đo tài con người bằng uy tín bằng cấp. Sự thật thì không hề có vấn đề bằng cấp trong đó. Quả họ có bằng cấp cao thật đó, nhưng mà đó là bằng luật khoa, y khoa hay gì gì khoa, chớ không ông nào có bằng cấp khảo cổ, bằng ngôn ngữ cả, và thế giới đánh giá họ trên giá trị của công trình khảo cổ của họ, chớ những bằng cấp mà họ có, chẳng dính líu gì tới công việc của họ hết. Họ phần lớn là những người tự học trong bộ môn mà họ đeo đuổi. Ông Parmentier là một kiến trúc sư mà khoa kiến trúc đâu có là bằng cấp khảo cổ bao giờ?
Ông Lê lại nói rằng những thuyết của họ quá trống đánh xuôi kèn thổi ngược nên không có gì đáng cho ta phải bận tâm tới.
Không rõ ông Lê Văn Siêu có theo dõi những công trình khảo cổ ở Âu, Mỹ, Phi v.v. hay không. Không có vấn đề nào mà không đẻ ra ít lắm là 5 thuyết khác nhau, chớ không phải chỉ ở xứ ta mà thôi đâu. Nhưng rồi chỉ có một thuyết là đúng và vững nhứt về mặt khoa học, và sự đúng này được nhiều kiểm soát, nhiều thử thách do các nhà bác học khác thử lửa nó, chớ không phải thiên hạ nhận nó đúng vì tình cảm nào hay quyến rũ nào.
Ngay nhà Nho Nhượng Tống không thông khoa học mà còn phải nhìn nhận rằng không sao tránh được có nhiều thuyết xuôi ngược vì
“Tài liệu của sử học nguyên là một mớ lẫn lộn vàng thau. Sự lựa lọc thực là một chuyện trăm nghìn khó, nó khó đến nỗi khoa học phải định phương pháp hẳn hòi, vậy mà không phải ai ai cũng sáng suốt, cũng cẩn thận, đủ sức để theo những lời chỉ bảo ấy cho có kết quả” (Trích một lời bình trong bản dịch
Sử ký của Tư Mã Thiên).
Đã bảo Nhượng Tống là một nhà Nho mà vẫn phải nhìn nhận sự dĩ nhiên của tình trạng ngược xuôi
cả khi phương pháp đã được bày ra rồi.
Nhượng Tống không có nói nhiều, nhưng ta vẫn hiểu được rằng nhà Nho ấy công nhận phương pháp và nhìn nhận sự ngược xuôi không thể tránh, và nhứt là hiểu rằng thế nào rồi cũng sẽ chỉ có một thuyết là đúng.
Ông Lê Văn Siêu đưa ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược để ngầm phủ nhận giá trị của phương pháp học, và ông trình bày thế nào mà người đọc cứ ngỡ là tình trạng xuôi ngược chỉ có ở Á Đông
mà phương pháp học không thể áp dụng được, còn Âu Mỹ thì áp dụng xuôi rót. Sự thật ngược hẳn lại. Ở Âu Mỹ người ta làm việc nhiều hơn, đông người tham dự hơn, nên xuôi ngược lại nhiều hơn ở Á Đông gấp bội.
Nội cái màu tóc của bà Jeanne d’Arc đã có đến 10 thuyết khác nhau rồi thì đủ biết phương pháp học có đi xuôi chèo mát mái mãi ở bên ấy hay chăng.
Ông Lê Văn Siêu lại còn lo rằng các thuyết
“sai lầm” của người Âu Châu về nền văn minh cổ của ta đã được trước bạ mất rồi trong giới quốc tế, giờ
“ta biết kêu với ai”. Xin Lê tiên sinh đừng có lo. Từ ngày người Pháp đi mất, các hội nghiên cứu trên thế giới vẫn trao đổi tạp chí và sách vở với V.N.C.H. và có lẽ với Bắc Việt nữa, thế nghĩa là họ cứ theo dõi công việc do chính ta tiếp tục. Lo là lo ta tiếp tục không xong ấy thôi, bằng cách bỏ cả mọi phương pháp khoa học thì họ không còn coi ta ra gì nữa. Và cũng đừng tưởng rằng họ không đọc được tiếng Việt. Năm 1858, khi Pháp đến đây xâm lăng ta, không phải ông Trương Vĩnh Ký là thông ngôn đầu tiên đâu, và người thảo những thư từ đầu tiên bằng chữ Hán và chữ Nôm đều là người Pháp.
Sự trước bạ mà Lê tiên sinh lo sợ, không có nghĩa gì cả, chúng tôi vừa nói đến việc tự đính chánh của ông G. Cocdès 20 năm sau, một câu sử sai lầm.
Họ đủ lương tâm để tự đính chánh. Bằng như họ không biết họ sai, thì đã có người khác đính chánh. Tất cả những nghiên cứu về Chơn Lạp, Phù Nam, Lâm Ấp của các ông Tây trước năm 1945 đã bị các ông Tây khác đính chánh tất cả rồi, vì sự học hỏi của họ không bao giờ ngừng, và sự trước bạ ấy cũng chẳng có nghĩa gì hết.
Ông vẽ ra một con cò, một con ngựa, ông đưa lên sở trước bạ để xin trước bạ, họ cũng nhận như thường, trước bạ chỉ để đánh dấu thời gian và chủ quyền chớ không hề là
chứng minh thư đúng sự thật.
Theo ông Lê Văn Siêu thì nước Tàu và nước Pháp là nước thống trị thì những gì họ viết về ta là xuyên tạc không nên dùng.
Chúng tôi không hiểu khi Tàu bảo rằng dân ta đã có vua là Lạc Vương thì họ xuyên tạc cái gì. Trái lại họ còn gián tiếp giúp ta chống lại L. Aurousseau về sau, ông này bảo rằng ta còn sống dưới chế độ bộ lạc vào thời đó chứ không có vua.
Hơn thế khi họ nói đến những rợ Lạc ở Hoa Bắc
ba ngàn năm trước họ biết ta thì họ xuyên tạc cái gì đây?
Theo Lê tiên sinh thì không có cái gì tin được cả, cổ sử Tàu, hoặc các chứng tích khác đều không dùng được.
Như thế chỉ còn biết suy luận viển vông, mà như vậy không còn là khảo cứu nữa, mà là viết luận thuyết rồi vậy.
Lê tiên sinh chủ trương phi phương pháp mà theo định nghĩa của tiên sinh là không nệ theo một lối suy luận nào mà tùy trường hợp để rộng tay áp dụng bất cứ phương pháp nào.
Thứ nhứt, chủ trương đó tự nó mâu thuẫn với nó. Đã bảo là phi phương pháp rồi lại định nghĩa là phải uyển chuyển dùng nhiều phương pháp khác nhau. Thế thì phi ở chỗ nào? Đó là đa phương pháp chớ nào phải phi.
Và Lê tiên sinh có theo dõi các nhà bác học hay không, họ đâu có dùng độc một phương pháp bao giờ. Và họ luôn luôn uyển chuyển. Các ông Tây cho rằng những kiểu trang trí ở trống đồng Đông Sơn là do ảnh hưởng Lưỡng Hà, ảnh hưởng Pont Euxin theo thuyết truyền bá của Đức nhưng Đại tá Abadie bác bỏ ngay, cho rằng nhiều phong tục, kỹ thuật ở thượng du Bắc Việt giống hệt phong tục kỹ thuật ở vài miền của nước Pháp, đó chỉ là tương đồng ngẫu nhiên, không hề có ảnh hưởng qua lại nào cả.
Không phải hễ cứ một nhà bác học nói bậy là bao nhiêu nhà bác học khác đều phụ họa theo, và họ dùng đủ cả các phương pháp chớ không hề cứng ngắt như Lê tiên sinh đã nói.
Nhưng sử Tàu và nghiên cứu Âu Mỹ có sai, ta thấy ngay tức thì, nếu ta biết phê phán. Và họ vẫn có đúng, chớ không phải là sai toàn loạt như Lê tiên sinh tưởng. Và họ đúng rất nhiều.