trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
20.9.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Các nhà bác học, các nhà học giả, các sử gia ta lại có cái khuyết điểm này là họ lập trước một giả thuyết rồi cố lượm lặt những gì khả dĩ củng cố được giả thuyết của họ để chứng minh giả thuyết đó. Lối làm việc ấy thường đưa ta tới sai lầm, vì chính con người của ta chủ quan, tìm đủ cách để giúp cho ta có lý.

Phải làm việc với một khối óc và một tấm lòng trống trơn định kiến, không buồn đoán tổ tiên là ai, để chính sự việc tự do đưa ta tới cái đích nào đó, có thể cái đích đó mới thật là cái đích không bị khuynh hướng nào hướng dẫn tới cả mà chỉ có tài liệu và sự kiện cho xuất hiện ra mà thôi.

Tổ tiên ta là Tây, là Tàu, là “Mọi”, ta cũng đừng ham, đừng lo, đừng phấn khởi, đừng thất vọng.

Kẻ tìm tòi, thoạt tiên phải là một anh mù hoàn toàn, mà anh mù đó cũng không nên có ý định nào hết, trừ ý định tìm biết một sự thật mà y hoàn toàn mù tịt. Chỉ trong điều kiện đó, y mới mong đi tới một sự thật hoàn toàn không bị chính y bóp méo, hoặc không bị tài liệu gạt gẫm. Vâng, tài liệu rất gạt gẫm khi ta đang cố ý tìm nó. Ta thấy nó hơi phục vụ ta được, ta vội chụp ngay để mà dùng. Thế là ta bị mắc bẫy ngay bởi nó nói một đàng mà ta hiểu đàng khác vì ta đang quá cần nó nói theo ta, hễ thấy bề ngoài hơi đúng ý muốn của ta là ta dùng liền để chứng minh cái gì ta đang cần chứng minh.

Sử gia Nguyễn Phương, tác giả Việt Nam thời khai sinh, chủ trương rằng (Tạp chí Đại học Huế số 37) phải có “một cái nhìn tổng quát”, rằng “những chi tiết là cần phải dùng để cho câu chuyện chứa đầy sự sống, chớ đại cuộc mới là việc quan trọng”.

Nhưng không hiểu về nguồn gốc của dân tộc khá lâu đời như dân tộc ta, sử gia và ta phải đứng tại đâu, trong thời gian, để mà có cái nhìn tổng quát nói trên?

Muốn có, hẳn phải lập ra trước một giả thuyết rồi đứng trên đó như “đứng trên đỉnh núi cao nhìn xuống một cách bao la” hình ảnh mà sử gia đã dùng.

Và sử gia và bao nhiêu người khác đã sai lầm là vì có cái nhìn tổng quát về một sự kiện vốn đang vô hình. Tìm về nguồn gốc các dân tộc thì phương pháp phải ngược hẳn lại, là lần dò từ các chi tiết nhỏ mà leo tới cái đỉnh nói trên. Khi cái nguồn gốc đó không ai biết nó là gì, và ở đâu, vào thời nào, thì không làm sao mà tìm được một chỗ đứng cao hơn nó được, hầu có một cái nhìn tổng quát.

Sử gia lại chủ trương rằng “Mình phải làm chủ sử liệu”. Làm chủ sử liệu thế nào? Sử gia chưa bao giờ đối chiếu sọ Việt và sọ Hoa, nhưng sử gia lại làm chủ sử liệu và quả quyết rằng cái sọ Việt giống cái sọ Hoa. Đó là “nắm các chi tiết dưới quyền điều khiển mạnh mẽ của mình” (nguyên văn).

Vì điều khiển theo lối đó nên sử gia mới đi đến cái kết luận sai:

Việt = Hoa

Ông Lê Văn Siêu trong tạp chí Tân Văn số 21 và 22 năm 1970 cũng chủ trương giống như thế nhưng theo ông thì “tìm ra chơn lý rồi tự cái chơn lý ấy dẫn đến cứu cánh ao ước”.

Chính mối nguy là ở chỗ đó. Ta không nên ao ước một cứu cánh nào cả, vì hễ có ao ước là đã có mục đích sẵn rồi và chủ quan của ta luôn luôn xuôi ta thấy chơn lý nơi những cái không phải là chơn lý, chỉ vì cái đó phù hợp với ao ước của ta.

Ta ao ước được làm Tây chăng? Mà nhà bác học O. Jansé thì đã chứng minh rằng ta là Hy Lạp vì những đống đá bên đường ở Việt Nam giống hệt phong tục Hy Lạp. Ông ấy không có ao ước gì hết cho ta, mà còn nói liều như thế, nếu ta lại có ao ước, ta sẽ sai đến đâu?

Nhà bác học O. Jansé không biết rằng những đống đá đó là tục của dân Dravidien là một chi của chủng Mã Lai cũng như dân ta không hề có dính líu đến Hy Lạp bao giờ cả.

Ta không ao ước cho Dravidien cả, cũng chẳng ao ước gì cho Việt Nam cả, nhưng nếu có những dấu vết Mã Lai trong xã hội Việt Nam ngày nay, chừng ấy ta mới dùng chứng tích những đống đá bên đường để củng cố thêm những chứng tích Mã Lai về Mã Lai Việt, bằng không thì nên để yên các đống đá đó cho thời gian xóa mất nó, chớ không thể kéo dân Hy Lạp xa xôi vào với dân Lạc Việt.


*


Tinh thần khoa học rất cần trong một công việc khoa học, ai cũng biết thế, nhìn nhận rằng là đúng, nhưng thường thì người ta bị chủ quan và định kiến đưa vào chỗ lạc lối mà không hay biết.

Nhan sách, chúng tôi đề là như thế, là để sau khi viết sách xong, chớ thật ra thì khi bắt tay vào việc, chúng tôi không có một ý kiến nào cả về nguồn gốc của tổ tiên ta, hay nói cho đúng ra là có, nhưng chúng tôi không nhận. Chúng tôi đã bị những ông H. Maspéro làm cho chúng tôi ngỡ rằng dân ta thuộc một chủng riêng biệt, phát tích tại chỗ, những ông L. Aurousseau làm chúng tôi ngỡ rằng ta là hậu duệ của Câu Tiễn, những ông Nguyễn Phương làm cho chúng tôi ngỡ rằng ta là Tàu thuần chủng, những ông Kim Định làm cho chúng tôi ngỡ rằng ta là con cháu của Thần Nông.

Nhưng rồi chúng tôi đều bất kể những ông ấy, tự tẩy não mình để học hỏi và tìm tòi với một cái đầu trống không thành kiến, và chúng tôi đã đi đến cái đích Mã Lai. Nhan sách, chừng ấy mới được viết ra, và chính chúng tôi là kẻ kinh ngạc đầu tiên về khám phá của chúng tôi.


*


Các chương sách, viết xong, phải được sắp xếp lại cho có một trật tự hữu lý, một mạch lạc có khả năng dẫn dắt, thế nên người đọc có cảm giác y như là chúng tôi đã biết trước mình muốn đi tới đâu, và biết sẵn nơi xuất phát của mình, nhưng lúc làm việc thì không phải thế.

Trong thời gian làm việc, chỉ có những ghi chép xô bồ, ghi chép này không dính líu tới ghi chép khác, gặp gì đọc nấy, gặp chi tiết nào quan trọng thì giữ lại, chẳng biết để làm gì, sau thoáng thấy sự thật rồi, mới kiểm điểm và kiểm soát lại, rồi mới cho một trật tự thành hình.


*


Như ngay trong chương đầu này mà chúng tôi lại có nói đến sách của giáo sư Kim Định là sách ra đời cuối năm 1970, trong khi chúng tôi bắt đầu học hỏi từ năm 1960 và bắt đầu làm việc thật sự từ năm 1964. Ấy là vì những đoạn nói về chuyện mới xảy ra khi sách được viết xong, lại được thêm vào, trước khi đưa cho nhà xuất bản, mà vì những đoạn ấy phải nằm ở chương I hoặc chương III, nên nó có vẻ kỳ cục vì sách viết từ năm 1964 mà ngay ở dòngg đầu lại nói đến cuốn Lịch sử thành lập đất Việt, phát hành vào đầu năm 1971.


*


Trí thức ta thường chỉ học có một môn, mà trong đó họ có thể đi rất sâu. Họ lỗi lạc trong môn đó. Nhưng có những ngành hoạt động đòi hỏi một cuộc tổng hợp của quá nhiều môn, thành thử ngành sử của ta không được tin cậy lắm vì nó thường phiến diện. Ngay như viết về thời vua Lê chúa Trịnh mà thiên hạ cũng cứ chỉ dựa vào độc một nguồn tài liệu Trung Hoa mà bỏ sót nguồn khác phong phú hơn, là nguồn Tây phương, thì nói chi là thượng cổ sử nó đòi hỏi một trăm lần hơn thế.

Ngay ở trang đầu, chúng tôi đã ám chỉ đến quyển Lịch sử thành lập đất Việt của ba nhà trí thức Việt Nam. Đó là ba nhà trí thức uyên bác trong ngành địa chất học. Nhưng ở trang 97, ba tác giả đó lại viết: “Thời lịch sử dân tộc cách đây lối 10 ngàn năm”.

Có lẽ ba tác giả muốn nói đến thời lịch sử của loài người tại đất Việt chăng, chớ tổ tiên ta thì đã có bằng chứng đích xác là họ chỉ mới di cư tới đây 5 ngàn năm mà thôi.

Nhưng chúng tôi xét ở một câu sau thì thấy ba soạn giả ấy đã lầm hệt như đại chúng, chớ không phải chỉ ngộ nhận thường.

Đại chúng, những người tò mò, có đọc sách phổ thông về khảo tiền sử, cứ cho rằng dân ta cổ trên mười ngàn năm, vì khoa khảo tiền sử đã tìm thấy dấu vết loài người cổ trên mười ngàn năm tại đất Việt.

Y hệt như đại chúng Trung Hoa, họ cứ khoe rằng tổ tiên họ là “con người Bắc Kinh”, sống cách đây hơn ba trăm ngàn năm. Nhưng thật ra người Tàu thì chỉ mới xuất hiện ở nước Tàu già năm ngàn năm mà thôi.

Ba tác giả trên băn khoăn tự hỏi: “Làm thế nào để biết đích xác về đời sống của tổ tiên ta, khi người Pháp đã cho biết có nhiều dấu vết đáng kể như một số răng, xương, dụng cụ thô sơ, như một hòn đá hình trứng” (trang 102).

Xin thưa rằng không, tổ tiên chúng ta di cư đến dây cách đây 5 ngàn năm thì đã văn minh hơn tác giả của những hòn đá hình trứng nhiều lắm. Đá trứng là dấu vết của chủng Mélanésien và Négritos, mà theo khoa chủng tộc học thì hai chủng đó không thể biến thành chủng của ta.

Đất nước ta đã qua tay rất nhiều chủ từ mười ngàn năm nay rồi, và chính vì thế mà biết nguồn gốc của tổ tiên ta mới là chuyện khó, chớ nếu xương sọ nào cũng là xương của tổ tiên ta hết thì tưởng nguồn gốc dân tộc, đã được biết chắc từ lâu, bởi chỉ với một cái xương quai hàm, các nhà bác học cũng có thể hình dung được đại khái chủ nhân xương ấy vóc dáng ra sao và sống một đời sống như thế nào rồi.


*


Như đã nói, khoa khảo tiền sử đã làm việc xong, cho biết đích xác là chủng Mã Lai từ Hoa Bắc di cư đến cổ Việt. Nhưng ở cổ Việt có đến năm bảy chủng khác nhau thay phiên nhau mà làm chủ, cho đến thời Mã Viện.

Nhà viết sử phải biết khoa chủng tộc học để xem người Việt hiện nay thuộc chủng nào trong năm bảy chủng đó, và phải kiểm soát bằng ngôn ngữ mà như thế thì phải học ít lắm là ba bốn chục sinh ngữ và cổ ngữ Á Đông, rồi cuộc kiểm soát phải được bỏ với qua các lãnh vực khác nữa như thượng cổ sử Ấn và Tàu, truyền thuyết Việt, những phong tục bí mật, của Việt và của các dân khác, chúng tôi nói đến phong tục bí mật, vì phong tục thường mà ai cũng thấy, sẽ đưa ta đến sai lầm, vì đó là những điều mà dân tộc A có thể vay mượn của dân tộc B. Giáo sư Nguyễn Phương đã lầm khi thấy ta có những điểm giống Tàu. Nhưng những điểm bí ẩn mà Tàu và ta khác nhau như đen với trắng thì giáo sư lại bỏ qua đi, vì không hay biết hay vì lẽ gì không rõ.

Chúng tôi viết quyển sách này sau khi đã quá thất vọng và không thấy sách nào về nguồn gốc dân tộc mà ta ổn cả. Ban đầu, chúng tôi chỉ học để mà biết vậy thôi, cho thỏa cái tánh tò mò, nhưng rồi chúng tôi tự hỏi sao lại không ghi lên giấy những gì mình khám phá được, công bố ra thử xem có đúng hay không bởi sách này sẽ bị người khác mổ xẻ, và sự thật nhờ thế mà xuất hiện ra lần lần.

Tất cả những thuyết mà chúng tôi cho là không đúng, đều đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều thì những trang sách của chúng tôi mà có sai đi nữa cũng sẽ giúp ích cho ai đó.

Cho tới nay, 1964, ta có thể nói rằng một quyển thông sử Việt Nam, cho dẫu là lược biên như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, cũng chưa nên viết. Những Đại Việt sử ký toàn thư ngoại kỷ của Ngô Sĩ Liên, Khâm Định Việt sử của sử quán trào Nguyễn, những Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, đáng lý gì chưa nên viết, bởi ta còn thiếu những quyển sử dứt khoát cho từng vấn đề một.

Đối với một dân tộc khá lâu đời như dân tộc ta thì Sử ký gồm hàng vạn vấn đề, thí dụ: Nền kinh tế dưới trào Lý. Y phục dân chúng Việt Nam dưới trào Đinh, Chế độ thi cử dưới trào Trần, mỗi vấn đề tạm gọi là nhỏ như thế, cần được hằng vài mươi cuốn sử khai thác, để cho không còn gì mờ ám trong đó nữa.

Nếu người viết thông sử tự mình làm lấy tất cả thì người ấy phải bỏ ra ít lắm là 80 năm làm việc mà không phải làm gì khác hơn là khảo sử và viết sử. Không ai có đủ điều kiện tài chánh và sức khoẻ để làm như vậy hết, kể cả ở các nước gọi là tân tiến. Ở các nước ấy người viết thông sử vẫn phải tham khảo các bộ sử cho từng vấn đề nói trên.

Chúng tôi thấy nhà xuất bản Presses universitaires de France cho xuất bản một quyển sử như thế này: Giá rau, cải ở Bá Lê từ năm 1468 đến năm 1683. Có kinh hồn chưa?

Cố đạo L. Cadière, một tay kiện tướng trong ngành khảo cổ ở Việt Nam có nói, sau khi viết xong bài “Nghiên cứu về Lũy Thầy”: Khi mà hàng trăm người làm xong những công việc nho nhỏ như thế này rồi thì những người khác sau này mới có thể viết một bộ sử cho Annam (1906).

Câu nói tưởng như không có gì trên đây của L. Cadière chỉ dám viết về từng vấn đề một như thế mà thôi, chẳng hạn: “Những di chỉ lịch sử ở Quảng Bình”, chẳng hạn “Nghiên cứu về các sử liệu của Việt sử”, chẳng hạn “Niên biểu các trào đại Annam qua lịch sử”.

Cố đạo đã bỏ ra đến ba năm để nghiên cứu về cái Lũy Thầy đó, mà trong nước ta, có hàng vạn cái cần phải nghiên cứu như thế, nên chi qua đời năm 80 tuổi, L. Cadière vẫn chưa dám viết một bộ Việt sử lược mà ông mơ ước.

Thế nên những thông sử đã có, đầy dẫy sai lầm và mơ hồ, càng xưa càng sai hơn, thậm chí những quyển thông sử viết sau năm 1945 mà còn bất chấp đến những phát kiến mới, ở trong nước và ở nước ngoài, về Việt sử, thì nói chi những quyển sách viết năm 1920, 1930, 1940. Các ông viết thông sử không kể đến phát kiến mới thì là lỗi ở các ông, nhưng có ông nào muốn kể đến, cũng không thể kể được, bởi ta quá thiếu về loại sử cho từng vấn đề nói trên.

Chúng tôi thấy rằng trong tình thế nghèo nàn của ta hiện nay thì ai có tài liệu gì về vấn đề nào, xin cứ viết ra, như vậy chừng 100 năm nữa thì một bộ sử lược Việt Nam tương đối không sai, có thể viết được. Bằng không thì không biết tới đời kiếp nào ta mới có thông sử đúng và học trò cứ tiếp tục phải học chuyện sai, bởi các nhà soạn sử cho học trò tất phải bằng vào những quyển thông sử viết sai hiện có.

Ngày lễ Hai Bà Trưng, ta thấy ban tổ chức, cho hai Bà mặc áo vàng rực rỡ, bịt khăn màu rất đẹp, chỉ vì ban tổ chức đã dựa vào những quyển thông sử sai.

Ít có quyển sử nào viết đúng về thời đó cả mà các ban tổ chức nghi lễ thì đâu có bổn phận khảo sử kỹ hơn sử gia.

Những quyển sử cho từng vấn đề, đã quá ít mà riêng vấn đề nguồn gốc dân tộc thì chỉ có 2 quyển, là quyển của sử gia Nguyễn Phương và của Đào Duy Anh, vừa đây có thêm một triết thuyết của giáo sư Kim Định, dựa trên một giả thuyết về nguồn gốc dân tộc ta.

Địa hạt thượng cổ sử ít người để chơn tới vì đó là địa hạt hóc búa, sử liệu quá ít nên phải học quá nhiều môn phụ thuộc, thành thử chợ ế khách. Nhưng chính vì thiên hạ chê mà ta có bổn phận dấn thân vào để bổ túc hoặc đính chánh những công trình hiếm hoi và sử gia lưa thưa.

Sau ông L. Aurousseau 32 năm, năm nay, năm 1964, chúng ta lại vẫn còn phải nói gần gần như là ông đã nói.

Chúng tôi không ngại viết sử dở, mà viết sai cũng không phải lo, bởi vì:

“Trong lãnh vực cổ sử cũng như trong các lãnh vực khác, sự khảo cứu không mãi mãi đứng yên một chỗ mà tiến triển không ngừng, những thủ đắc của người trước nếu không là điểm tựa cho người sau tiến lên thì cũng là chính đề để người sau xây dựng phản đề. Nhứt là khi gặp những nghi vấn lịch sử, ý kiến của những người đối lập càng cần được đem ra kiểm soát, phê bình, để biện minh cho ý kiến của chính mình”.

Trần Viên, tạp chí Bách Khoa, số 205, 15.7.1965

Nếu quyển sách nhỏ này mà có chừng một trang giúp ích được vào việc nghiên cứu cổ sử Việt Nam của người sau, thì cũng không uổng công chúng tôi đã bỏ ra một chục năm học hỏi.

Trong sách này chúng tôi thường có dịp phê bình và công kích những nhà bác học Tây phương làm việc khảo cứu cho xứ ta. Nhưng xin đừng tưởng rằng chúng tôi sướng miệng lắm khi làm như vậy, nhứt là đối với ông H. Maspéro.

Ông H. Maspéro, trở về già, đã gia nhập kháng chiến bí mật chống Đức trong trận thế chiến thứ II, và đã bị Đức quốc xã ngược đãi đến chết. Đối với chúng tôi, ông là một bậc anh hùng.

Nhưng chúng tôi phải vì sự thật khoa học, biết sao giờ!

Họ giỏi hơn ta quá nhiều, họ phân biệt được một đồng tiền nhà Chu thật với một đồng tiền nhà Chu giả thì tưởng ta khó mà làm một mình cái công việc mà họ đã làm, nhưng vì không biết vài yếu tố nào đó mà họ sai, ta vẫn phải vạch rõ, và công việc kiểm soát của ta, không có nghĩa là phụ ơn họ.

Cố đạo L. Cadière thường nói: “Chúng tôi không có tham vọng viết sử, chúng tôi chỉ có lôi ra ánh sáng và thu thập cho thật nhiều tài liệu vững để dành cho các sử gia đời sau”.

Đó là một câu nói khiêm tốn thật sự chớ không giả, và tả đúng tinh thần làm việc của người Tây phương. Nội cái chương trình hạn định ấy, đã là một công trình vĩ đại rồi, và ba tờ tạp chí B.E.F.E.O. – B.S.E.I. – B.A.V.H. là kho tàng vô giá của dân tộc ta vậy. Nếu thỉnh thoảng các ông có thử viết sử, mà có viết sai đi nữa cũng chẳng sao, và công phu của các ông, ta không bao giờ quên, và trái lại còn cần nói lớn lên lòng tri ân của ta đối với các ông.

Trong địa hạt khoa học, bài bác nhau, không hề có nghĩa là không ưa nhau hay thù nghịch nhau, và chính từ các cuộc bài bác, sự thật mới xuất hiện ra được.


*


Ở mấy chương trước chúng tôi có nói đến cái bí của các ông Tây về Đông Sơn và chúng tôi sẽ theo phương pháp học để tìm những cái khoen trung gian cần thiết.

Nhưng như đã nói, Đông Sơn là một cuộc sa lầy, nguồn gốc dân tộc ta làm sao mà nằm tại giai đoạn đó được.

Tuy nhiên, việc học hỏi ấy, không phải là đáng vứt đi, vì nó soi sáng giai đoạn giữa. Ta ngược dòng thời gian nhưng rồi cũng phải xuôi dòng thời gian để đi đến những cái bến đích xác. Một cái bến đó là thời Mã Viện chớ không phải là thời Lộ Bác Đức như ông L. Aurousseau đã nói. Từ năm 111 T.K. đến năm Mã Viện, sử ta còn mơ hồ nhiều lắm, và đã bị ông L. Aurousseau làm cho rối loạn thêm chính vì ông tưởng rằng nó đã rõ, theo lối hiểu sử Tàu quá sai lầm của ông.

Đông Sơn là giai đoạn nằm trước thời Hai Bà Trưng đúng 31 năm.

Biết rõ Đông Sơn không thể biết nguồn gốc dân tộc ta, nhưng vẫn biết rõ được một thời vài trăm năm, vào giai đoạn trung điệp.


*


Người làm loại sách này không thể cả tham, vừa phổ thông, vừa khảo cứu thật sự, nên y phải hy sinh tinh thần phổ thông, nói tắt về rất nhiều điểm được xem như là người trong giới đã biết rõ cả rồi, thành thử đối với người không theo dõi vấn đề, có đôi chỗ hơi tối.

Chẳng hạn những cuộc khai quật ở Đông Sơn, chúng tôi chỉ ám chỉ đến mà thôi chớ không kể rõ lại.

Về xuất xứ tham khảo thì chúng tôi cũng chỉ ghi xuất xứ của những trích dẫn mà chưa ai dùng làm chứng tích. Những trích dẫn khác vẫn được ám chỉ đến, nhưng cũng kể như là đã được phổ biến rồi, thì xin không kể ra đầy đủ và dài dòng về tác giả và về sách được trích dẫn.

Làm như thế cốt để tỉa bớt sự rườm rà cho một trang sách đỡ nặng, chớ không có gì lạ.

Chúng tôi chỉ trích nguyên văn khi nào một câu sử có chứa đựng một hoặc vài dòng chữ mà toàn thể người đọc đều cần, để nghiền ngẫm chớ không phải trích nguyên văn tất cả mọi tham khảo.

Nhưng những biểu chỉ số sọ, có biểu tưởng như không cần thiết lại cũng được cho in hết cả ra đây, vì các biểu chỉ số sọ là tài liệu hiếm mà người khác có thể cần, không như Sử ký, Tiền Hậu Hán thư mà bất kỳ ai muốn mua giờ nào cũng có tại Chợ Lớn.

Chứa đựng của quyển sách này là trình ra những gì chưa có sách nào nói, hoặc bác bỏ những gì của các sách khác mà chúng tôi tưởng là sai lầm, chớ không giẫm chơn lên những công trình của người trước.

Thành thử lắm chương rất là ngắn, bởi vấn đề đã được sách khác nghiên cứu kỹ rồi, chúng tôi chỉ đưa ra một bằng chứng mới để bác bỏ thì không cần dài làm gì.

Quyển sách này chia ra làm hai phần, tuy không có biên giới rõ rệt, nhưng vẫn thấy được. Hai phần ấy nằm rải rác khắp quyển sách chớ không phải phần đầu và phần cuối của tác phẩm.

Chúng tôi, một mặt bác bỏ những thuyết sai lầm của người khác, một mặt trình ra những sự thật khoa học.

Cái phần bác bỏ ấy có vẻ như là bút chiến, khiến chúng tôi rất khổ tâm, nhưng không thể tránh, vì có những điều sai mà được cả nước đều tin từ lâu năm, thì phải hò hét cho to, như về vụ Anh Đô Nê-diêng chẳng hạn.

Tuy nhiên, khoa học vẫn không cấm bút chiến. Giới khoa học bút chiến với nhau bằng sách và bằng tạp chí là điều thường thấy, chớ không phải chỉ có báo hằng ngày mới là có bút chiến mà thôi.

Nhưng xin quý vị đừng xem đây là bút chiến. Chúng tôi không cố ý bút chiến với vị nào hết, nhưng cần phải vạch những điểm sử sai ra, cho trống đường, hầu khoa học tiến tới, chỉ có thế thôi.


Tài liệu tham khảo riêng cho chương này:
  • O. Jansé - Arehaco logical Research in Indo China, H.Y.I 1947
  • V. Goloubew - La maison Dongsonienne, BEFEO 1938
  • V. Goloubew - Le peuple de Đông Sơn, Toulouse 1936
  • V. Goloubew - Le Tambour de métaltique de Hoàng Hạ, BEFEO 1934
  • H. Parmentier - Anciens tambours de bronze, BEFEO 1908
  • L. Bezacier - Découvertes archéologiques Aurousseau Tonkin, Paris 1946
  • Nguyễn Phương - Việt Nam thời khai sinh, Huế 1915
  • Lê Văn Hảo - Hành trình vào dân tộc học, Sài Gòn
  • R. Grousset và Phương Đinh - Dư địa chí, Sài Gòn
  • Lê Văn Siêu - Việt Nam văn minh sử cương, Sài Gòn
  • Những trích dẫn Phú Nam Kỳ, Lâm Ấp Kỳ, Thủy Kinh Chú Giao Chơn ngoại việc ký của R. A. Stein (Tạp chí Hán học), Bắc Kinh 1947
  • G. Coedès - Les peuples de la péninsule Indochinoise, Paris 1962
  • H. Maspéro - Études d’histoire d’Annam (Le royame de VanLang), BEFEO 1918
  • L. Aurousseau - La première conquête chinoise des pays annamites, 1923
    (Notes sur les origines du peuple annamite)
  • P. Liston và J. Millot - Les races humaines, Paris 1936
  • H.V. Vallois - Les races humaines, Paris 1914
  • Cl. Madrolle - Le Tonkin aucien, BEFEO 1933
  • Lê Chi Thiệp - Gốc tích dân tộc Việt Nam, Sài Gòn
  • Phạm Văn Sơn - Việt sử tân biên, Sài Gòn
  • Kim Định - Việt lý tố nguyên, Sài Gòn
  • Nguyễn Phương - Tạp chí Đại học, Huế
  • Phạm Việt Châu - Trăm Việt trên dòng định mệnh (Tạp chí Bách khoa), Sài Gòn
  • Lê Văn Siêu - Tạp chí Tân Văn sử gia
  • L. Cadière - Toàn bộ B.A.V.H., Sài Gòn
  • Phạm Việp - Hậu Hán thư, N.T.N.S.

Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.