trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
20.9.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Chương II
Những sai lầm căn bản của quý ông H. Maspéro, L. Aurousseau, Nguyễn Phương, Kim Định và Trần Kinh Hoà


A. Sự thật về các chủng Mông Gô Lích

I. Bắc và Trung Mông Gô Lích

Theo sử gia Nguyễn Phương thì dân ta là người Tàu thuần chủng.

Thật ra, sử gia không hề có thốt ra hai tiếng “thuần chủng”; nhưng trong sách, sử gia luôn luôn viết: “Người ta (người Tàu) sẽ loại người man-di (Lạc Việt) ra khỏi hàng ngũ công dân” (trang 244), hay là: “Sự giống nhau giữa ta và Tàu là một sự dời chuyển cả người lẫn phong tục, tập quán, tôn giáo” (trang 230). Cũng ở trang 230, sử gia viết: “Người Trung Hoa đã, đợt này rồi đợt khác, sang thực dân tại đây, và cuối cùng khi mọi sự đã tỏ ra thuận lợi, đã đứng dậy, lập một nước riêng, nước Việt Nam”.

Thế nên ngoài quyển sách nói trên, ở các tạp chí, sử gia đã cố chứng minh rằng Lý Công Uẩn, Đinh Bộ Lĩnh là người Tàu, nhưng ông chưa thành công.

Sử gia lại viết: “Dân Việt Nam là người Trung Quốc di cư sang trong thời Bắc thuộc”. Câu này được in bằng chữ đậm, chữ tít (trang 231).

Hơn thế, ở trang 335, sử gia còn quả quyết rằng, mặc dầu người Tàu ở đất Việt có lai Chàm và “các thứ dân khác” về sau, nhưng những dân đó không có làm cho Tàu cải biến (Chính sử gia đã gạch dưới dòng để nhấn mạnh rằng cả đến ngày nay, ta vẫn cứ là Tàu, không cải biến.

Sử gia lại viết rằng sau Mã Viện thì ở đất cổ Việt, có sự dời đổi con người, tức dân Lạc Việt đi mất hết hoặc bị tiêu diệt hết, và dân Tàu đến thay thế. Hai tiếng dời đổi không thể có nghĩa nào khác hơn.

Những câu sử như thế có nghĩa không thể chối cãi rằng dân Việt Nam là dân Tàu thuần chủng, hai tiếng không hề được thốt ra, nhưng ai cũng lắng nghe được, bởi vì cuộc hợp chủng với thổ dân quá nhỏ, không làm cải biến người Tàu kia mà.

Bao nhiêu chứng tích mà sử gia đưa ra, đều là chứng tích di cư không hề có chứng tích hợp chủng, và những tiếng hợp chủng, lai giống, chỉ được thốt ra có một lần, nhưng được gỡ gạc lại ngay bằng ba tiếng “không cải biến”.

Nhưng đó là những câu khẳng định suông. Sử gia nói như thế thì quá dễ, ta bác cũng quá dễ bằng một tiếng “Không” suông, như tiếng “Có” suông của sử gia.

Chúng ta chỉ có thể làm việc trên cái gì cụ thể, tức cần tìm cho được một chứng tích của sử gia để mà nhìn nhận, hay bác bỏ. Và chúng tôi đã may mắn tìm được câu sau đây, một câu sử có vẻ khoa học, có tham vọng chứng minh. Sử gia viết ở trang 229: “Về phương diện nhân chủng, tức phương diện căn bản, không sao nói được là hai dân tộc không giống nhau… đại đa số người Việt Nam đều thuộc giống Mông Cổ, da thì vàng, tóc thì thẳng, có hình sọ giống hình sọ người Trung Hoa”.

Quả đúng như giáo sư Nguyễn Phương nói, khoa chủng tộc học (mà giáo sư gọi theo trước 1945 là nhân chủng học) là nền tảng căn bản. Giáo sư lại nói đến cái sọ là cái gì căn bản nhứt trong khoa đó.

Nhưng đó lại cũng chỉ là một lời khẳng định vô bằng.

Chắc chắn là sử gia chưa nghiên cứu về chủng Mông Cổ và chưa hề đối chiếu sọ người Tàu và sọ người Việt nên mới dám viết ra một câu sử táo bạo và liều lĩnh như vậy. Hai thứ sọ đó khác nhau đến 9 đơn vị, còn những nhơn thể tính khác, cũng khác nhau.

Trước khi trình ra vài mươi biểu chỉ số sọ của nhiều thứ dân ở Á Đông, để đối chiếu, chúng tôi xin nói rõ rằng sọ của một chủng tộc, vẫn thay đổi với thời gian. Nhưng phải hiểu là hai tiếng thời gian đó có nghĩa là 50 ngàn năm, chớ đối với 5, 7 ngàn năm thì hoàn toàn không thay đổi, hay có, mà sự thay đổi ấy không thấy được. Dung lượng của sọ người mà khoa học gọi là người Bắc Kinh, dung lượng ấy là 1000 phân khối, còn dung lượng của sọ người Tàu đời nay trung bình là 1400 phân khối. Nhưng người Bắc Kinh đã sống cách đây mấy trăm ngàn năm, và không phải là tổ tiên của người Tàu.

Thế nên chúng tôi dùng khoa chủng tộc học một cách an lòng, hơn thế một cách sung sướng, vì khoa ấy có tánh cách dứt khoát.

Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu các chủng Mông Gô Lích xem nó có giản dị như giáo sư đại học Nguyễn Phương nói hay không, xong rồi mới nghiên cứu riêng chủng của dân Việt Nam ta. Không bao giờ ta có hình sọ giống hình sọ người Trung Hoa như sử gia họ Nguyễn đã nói.


*


Người Trung Hoa chỉ là kẻ đến sau cùng trên nước Tàu, cũng như dân ta là kẻ đến sau cùng trên đất Việt. Đó là điều chắc chắn như khoa khảo tiền sử đã cho biết.

Nhưng họ là ai và từ đâu đến thì người ta biết chắc thêm một điều này nữa là họ từ Tây Bắc nước Tàu mà đến và họ có màu của người da trắng trong huyết quản của họ. Nhưng tới đây thì có hai thuyết khác nhau. Thuyết thứ nhứt đã được thấy là sai lầm, nhưng cũng xin kể ra đây.

Nhà bác học Terrien de Lacouperie trong quyển Western Origin of the Chinese Civilization và quyển Early History of the Chinese Civilization, và nhà bác học C. J. Ball trong quyển Chinese and Sumerian cố chứng minh rằng dân Trung Hoa phát tích tại Ba Tư. Ở đó họ chịu ảnh hưởng của nền văn minh Lưỡng Hà, nên chi nền văn minh Trung Hoa mang nhiều yếu tố Lưỡng Hà.

Đó là một sai lầm của hai nhà bác học nói trên mà toàn thể các nhà bác học khác đã bác bỏ vì bằng chứng không vững vàng.

Dân tộc Trung Hoa lập nền văn minh của họ trên đất Trung Hoa chớ không phải mang từ đâu mà đến cả. Sự giống nhau đó, chỉ là ảnh hưởng về sau, hoặc tình cờ tương đồng, chỉ có thế thôi.

Cũng như người da vàng gồm rất nhiều chủng, người da trắng cũng thế. Dân cổ Ai Cập, dân Á Rập đều thuộc chủng da trắng, nhưng khác dân Âu Châu. Các chủng da trắng chia ra như sau: chủng Hamite là chủng của dân Ai Cập, chủng Sémile là chủng của dân Lưỡng Hà, dân Do Thái, dân Á Rập và chủng Ấn Âu là chủng của Hy Lạp, La Mã, Ba Tư, Ấn Độ và các quốc gia Âu Mỹ hiện nay.

Riêng chủng Ấn Âu thì nguồn gốc và thành phần như thế này: Vào thượng cổ, người da trắng, phát tích tại Bắc Âu (có thuyết lại cho rằng tại Nam Nga) bắt đầu di cư.

Thuyết của Salomon Reinach (Origines des Aryens, 1892) vì chủ trương họ ở Bắc Âu nam thiên, nên cho rằng họ để Schyte dọc đường, tại Nam Nga ngày nay.

Thuyết của A Carnoy (Les Indo-Européens, 1921) chủ trương họ phát tích tại Hắc Hải, nên sự thiên di đi các nơi xảy ra một lượt với nhau.

Họ gồm 8 nhóm lớn, ngôn ngữ khác nhau nhưng đồng tánh cách, tức cùng gốc mà ra:
  1. Nhóm Ba Tư – Ấn Độ (Ấn Độ xưa vốn da trắng như Ba Tư)
  2. Nhóm Hy Lạp
  3. Nhóm Italo Celtique, tổ tiên của La Mã và Gô Loa, rồi sau này là Ý, Pháp, Tây Ban Nha v.v.
  4. Nhóm Nhật Nhĩ Mạn tổ tiên người Đức và Anh
  5. Nhóm Xilao, tổ tiên người Nga
  6. Nhóm nhỏ xíu Albanie
  7. Nhóm Arménie cũng nhỏ xíu
  8. Nhóm Tokarien tổ tiên người Tàu
Nhóm Tokarien vì đi sang Á Đông một mình nên bị quên mất, và người ta chỉ mới tìm được nền văn minh của họ và nền văn chương của họ cách đây không lâu. Ngôn ngữ, chữ nghĩa của họ cũng được khám phá ra, đọc được và mới thấy rằng nó đồng tộc với 7 nhóm khác.

Và nhóm Tokarien tức Scythe Oriental cũng được người Trung Hoa biết đến vì họ chỉ mới bị tiêu diệt vào đời nhà Hán đây thôi. Các cổ thư Trung Hoa xác nhận rằng thứ người ấy da trắng, mắt xanh và tóc đỏ, chỉ có điều là Trung Hoa xưa không biết đó là tổ tiên của họ mà thôi.

Bọn này mãi về sau có vào định cư ở nước Tàu và được nhà Nguyên gọi là dân Sắc Mục tương đương với thành ngữ Hommes de couleur của Pháp, nhưng Tàu nói đến màu mắt, còn Pháp thì nói đến màu da.

Dưới đây là thuyết mới nhứt được dựng trên kết quả của khoa khảo tiền sử.

Vào đời thượng cổ, từ miền Nam nước Nga cho tới biên giới tỉnh Cam Túc của Trung Hoa ngày nay, nói cho đích xác hơn, cho tới thành Đôn Hoàng, là một vùng đất đã có người sinh sống.

Vùng đất ấy người Hy Lạp gọi là Sérinde, và mãi lâu lắm về sau Tây Lịch, Âu Châu mới đặt tên là Turkestan. Người Tàu vẫn biết đất ấy vào đời thượng cổ, nhưng không có đặt tên, hoặc có mà vì thiếu sách vở, còn việc truyền khẩu thì bị đứt đoạn, nên không ai biết cái tên cổ ấy, mãi cho tới đời Hán mới được nghe họ gọi vùng đó là Tây Vức.

Người thượng cổ ở đó thuộc giống da trắng mà người Hy Lạp gọi là Tokhares. Trong xứ Tây Vức, tại một trung tâm nay mang tên là Anau, các nhà khảo tiền sử có phát kiến được dấu vết của một nền văn minh tối cổ mà giai đoạn tân thạch khí của họ cổ đến 10 ngàn năm (giai đoạn tân thạch khí của chủng Việt chỉ cổ có 5000 năm tức là tiến sau họ đến 5 ngàn năm) và như vậy thì họ đã phát tích từ 12 ngàn năm sắp lên, tại đó (hay tại nơi khác rồi di cư đến đó thì mỗi thuyết mỗi nói khác nhau).

Dân Tokhares được Tàu gọi là rợ Nhục Chi hoặc Bạch Địch, mặc dầu các nhóm Nhục Chi đã hết là rợ cả ngàn năm rồi và đã lập ra non 40 quốc gia phồn thịnh và hùng mạnh ở đó, vào thời Xuân Thu.

Cũng cứ vào thời thượng cổ, rợ Nhục Chi đụng đầu với một thứ rợ khác mà Tàu gọi là Hung Nô hoặc Mông Cổ, Âu Châu gọi là Huns, thuộc chủng da vàng, hai bên đụng đầu với nhau tại biên giới của Tây Vức và của nước Trung Hoa ngày nay.

Hai thứ rợ đó đều còn du mục, rất dữ tợn, nhưng lại không có đánh nhau, mà lại sống chung hòa bình với nhau và hợp chủng với nhau tại đó.

Cuộc hợp chủng đầu tiên xảy ra có lẽ lối bốn ngàn năm trước Tây lịch, tức cách đây 6 ngàn năm. Thế thì sử Tàu không lâu đời quá lắm như họ thường khoe.

Thứ con lai giống của họ có tánh cách Mông Cổ ở cái xương sọ, ở loại tóc thẳng và đen (tóc Nhục Chi dợn sóng và màu đỏ hoặc màu râu bắp), ở nước da vàng, ở mắt xếch và mi mắt lót, màu mắt luôn luôn đen. (Tuy nhiên, cũng có người Trung Hoa mắt không xếch, mí mắt không lót) và ở ngôn ngữ độc âm.

Họ lại có tánh cách Nhục Chi ở thân thể cao lớn như Tây, mà hiện nay người Hoa Bắc còn mang, khác hẳn người Hoa Nam về tầm vóc.

Xem ra thì yếu tố Mông Cổ lấn hơn, vì vùng đất đó là đất chính của Mông Cổ mà là đất phụ của Nhục Chi.

Nhưng cả hai yếu tố ấy đều giống nhau ở điểm này là cằn cỗi tâm hồn và quá thực tế, vì khí hậu ở đó đã đào luyện họ ra như vậy. Thế nên con cháu của họ là người Tàu Hoa Bắc mới là những con người chỉ biết lý trí mà thôi.

Họ không bao giờ lập ra nổi một tôn giáo vì trí óc của họ không thể đi tới chỗ siêu hình. Họ có Lão, Trang, nhưng Lão, Trang lấy nguồn hứng ở phương Nam tốt tươi ấm áp, đất mới có về sau mà thôi, còn Mông Cổ thì thuở ấy quá lạnh, Tây Vức lại bắt đầu bị sa mạc hóa, tức quá nóng.

Mặc dầu là thuyết mới nhứt, trong đó có nhiều điểm được giới khoa học nhìn nhận là đúng, Tuy nhiên, thuyết trên đây vẫn chưa được nhìn nhận trọn vẹn. Nhưng chưa có thuyết nào được nhìn nhận trọn vẹn cả, nên chúng tôi dùng thuyết này, trong đó có các điểm sau đây được coi là đúng sự thật:
  1. Hoa chủng là kết quả của một cuộc hợp chủng giữa chủng Bắc Mông Gô Lích của người Mông Cổ và với một chủng nào đó cao lớn như Tây, thế nên người Hoa Bắc, nhứt là ở Cam Túc, Sơn Tây và Thiểm Tây, mới cao lớn như vậy.

  2. Cuộc hợp chủng ấy xảy ra ở ngoài nước Tàu, tại đâu không rõ, nhưng họ xâm nhập Trung Hoa từ hướng Tây Bắc, qua hành lang Cam Túc.

  3. Cái sọ của họ khác sọ Việt Nam 9 đơn vị về chỉ số.

  4. Sọ Việt Nam có tánh cách brachycéphale, còn sọ Hoa Bắc và Hoa Nam thì có tánh cách mésocéphale. Dung lượng sọ cũng khác.
Đây là chúng tôi chỉ mới nghiên cứu có một chủng Mông Gô Lích mà thôi, mà đã khác xa Việt chủng như vậy đó, nhưng có đến bốn chủng Mông Gô Lích khác nhau.

Chúng tôi tạm ngưng việc xét sọ vì bấy nhiêu đó đủ bác sử gia Nguyễn Phương rồi. Chúng tôi xin bước qua vài chi tiết khác để bác giáo sư Kim Định.

Người lai căn ấy không có đất dung thân, xứ Tây Vức phải để dành cho Nhục Chi, còn đất Mông Cổ thì để dành cho Hung Nô, cả hai thứ dân đó cần đất quá nhiều vì lối sống bằng nghề chăn nuôi súc vật của họ. Thành thử bọn mang hai dòng máu phải biến thành quân xâm lược đi cướp một vùng đất mà nay là Hoa Bắc, đã có chủ rồi.

Một chủng mới đã ra đời, mà 5 ngàn năm sau, các nhà chủng tộc học Âu Châu mới đặt tên, đó là chủng Trung Mông Gô Lích, tức chủng của người Hoa Bắc, nó khác với chủng Bắc Mông Gô Lích là chủng Mông Cổ thuần túy, và khác hẳn chủng Nam Mông Gô Lích của người Hoa Nam, và khác rất xa chủng của ta.

Theo khoa chủng tộc học (Anthropologie physique) thì khi hai cái sọ khác nhau từ hai đơn vị sấp lên, thì phải xem đó là hai chủng khác nhau, và nếu hai cái sọ ấy bị ràng buộc với nhau bằng vài tánh cách khác thì phải xem một cái sọ trong đó là một phụ chủng của cái sọ kia, vì thế mà khi nói đến chủng Mông Gô Lích là nói một điều vô nghĩa đối với khoa học vì khoa học phân biệt đến bốn chủng Mông Gô Lích khác nhau:
  1. Bắc Mông Gô Lích của người Mông Cổ
  2. Trung Mông Gô Lích của người Hoa Bắc
  3. Nam Mông Gô Lích của người Hoa Nam
Một phụ chủng thứ tư ra sao, và tên gì, chúng ta sẽ biết trong sách này.

Có một điều này lạ lắm là tất cả các sọ lai căn đều được khoa chủng tộc học biết rõ cả hai yếu tố hợp thành cái sọ đó, lai qua lai lại bốn ngàn năm cũng còn biết được, nhưng sọ của người Tàu thì khoa chủng tộc học chỉ biết có một yếu tố độc nhứt là yếu tố Bắc Mông Gô Lích, còn yếu tố thứ nhì thì họ không thể biết chắc lắm.

Họ chỉ kết luận rằng Hoa chủng là Mông Cổ hợp với Nhục Chi, chỉ vì họ thấy người Hoa Bắc cao lớn như Tây, và quanh nơi xâm nhập không có một trung tâm văn minh Tân Thạch nào hết, trừ trung tâm Anau.

Họ suy luận rằng người Tàu văn minh sớm như thế thì phải có một trung tâm Tân Thạch sớm gần họ, chớ không lẽ họ lại nhảy vọt được từ Cựu Thạch lên đến đồng thau, mà cái trung tâm đó thì tuyệt nhiên không có, trừ trung tâm Anau nằm trong đất Nhục Chi.

Thế nên thuyết trên đây, mặc dầu chưa được công nhận trọn vẹn, vẫn chưa bị ai bác về điểm lai giống với Nhục Chi, người ta xem đó là một nghi vấn. Dầu sao cũng có bốn điểm trên kia là bốn điểm chắc và được toàn thể nhìn nhận.

Bọn lai căn đó, xâm nhập vào đất lạ, vào lối năm nào? Khoa khảo tiền sử ước lượng là cách đây 5000 năm, tức trước Kitô kỷ nguyên ba ngàn năm, tức sau khi Ai Cập và Lưỡng Hà đã văn minh cao rồi.

Họ gặp ai tại cái địa bàn đó? Nói một cách khác ai đang làm chủ cái địa bàn bị Hoa tộc xâm nhập ấy?

Trước hết xin nói rõ cái địa bàn đầu tiên của Hoa tộc.

Đó là Hoa Bắc, ở trên sông Hoàng Hà.

Tàu phải mất hai ngàn năm từ buổi xâm nhập cho đến đầu đời Hạ mà chỉ chiếm được có một diện tích đất bằng hai tỉnh rưỡi của Trung Hoa ngày nay mà thôi.

Tỉnh Cam Túc không được kể, vì đó là hành lang xâm nhập, dân ít ở lại mà chỉ dùng làm đường đi qua. Họ chiếm được nơi mà nay là phía Nam của tỉnh Sơn Tây, nơi mà nay là phía Đông của tỉnh Thiểm Tây, nơi mà nay là phía Bắc của tỉnh Hà Nam, nơi mà nay là phía Nam của tỉnh Hà Bắc, và một vùng đất nhỏ xíu ở cái nơi mà nay là tỉnh Sơn Đông.

Như vậy dân thổ trước ở đó phải giỏi ít lắm cũng gần bằng Trung Hoa và những ông vua mà sử Tàu ca ngợi là vua Thánh vua Hiền, thật ra phải vô cùng tàn bạo vì cuộc tranh cướp đất đai phải vô cùng khốc liệt.

Đó là địa bàn được biết cho tới nhà Hạ. Nhưng cho đến đời Chu, tỉnh Sơn Đông cũng cứ còn nhiều quốc gia của “Rợ” Đông Di mà Tàu phải chinh phục, mà một quốc gia kia rất nổi danh, đó là nước Cô Trước đã biết xây cất thành trì hàng ngàn năm rồi.

Về dân thổ trước thì ta thử dựa vào thượng cổ sử Tàu trước cái đã.

Người Tàu gặp tại địa bàn mới nhiều dân tộc, nhưng không phải nhiều chủng tộc đâu.

Như đã nói, ở đây chỉ dựa vào sử Tàu, chớ chưa kể đến công trình Âu Mỹ khác xa Tàu. Thí dụ Âu Mỹ khai quật quê hương của rợ Khuyển Nhung, một thứ rợ rất dữ tợn đã làm áp lực cho nhà Chu phải thiên đô về hướng Đông, thì họ thấy rằng dân Khuyển Nhung (Tây Thiểm Tây) có cái sọ giống hệt sọ của người Miến Điện mà sọ Miến Điện lại là sọ Mã Lai. Mặt khác họ lại tìm được dấu vết Nam thiên của người Khuyển Nhung, từ Tây Thiểm Tây xuống Miến Điện ngày nay.

Điều đó cũng ăn khớp với sử Tàu vì sử Tàu cũng cho rằng dân Lạc (Lạc bộ Chuy) ở vùng sông Lạc (Thiểm Tây Ba Thục), tức họ chỉ Khuyển Nhung bằng một tên khác, là danh xưng Lạc, mà Lạc, như ta sẽ thấy, chỉ là tiếng phiên âm danh tự xưng Lai (Mã Lai) mà thôi.

Nhưng vì Tàu ít dùng danh xưng Lạc bộ Chuy để chỉ dân ở đó hơn là danh xưng Khuyển Nhung, nên rồi không ai chắc chú ý đến bọn Lạc bộ Chuy đó cả.

Hơn thế ngày nay khi viết tên con sông của dân Lạc bộ Chuy thì họ lại viết với bộ Thủy, thành thử Lạc bộ Chuy mất tích luôn.

Người Tàu có gặp Miêu tộc ở địa bàn ấy hay không? Và Miêu có phải là Việt hay không, như giáo sư Kim Định đã dùng làm căn bản lớn cho sách của ông.

Xét chỉ số sọ của chủng Miêu, thấy nó không giống chủng nào khác hết, nó khác với Hoa chủng mà cũng khác với Việt, với Mã Lai.

Sọ lai căn ba bốn chủng tộc, khoa chủng tộc học cũng biết được, mà chỉ lai một lần hay lai đi lai lại mãi, khoa đó cũng biết được một cách đích xác, lai mấy ngàn năm rồi, cũng cứ còn biết được như thường.

Nhưng khoa đó xác nhận là Miêu thuộc một chủng riêng, rất lớn, có mặt ở khắp nước Tàu, mà không có mặt ở đâu nữa cả, trừ cuộc di cư cách đây hai ba trăm năm đến Thượng Lào và Thượng du Bắc Việt.

Có, họ có gặp chủng Miêu ở đó, có xung đột, nhưng không có chiến tranh lớn với chủng đó mà cho đến ngày nay vẫn còn quá kém cỏi.

Miêu cũng bị đẩy lui lần từ Hoa Bắc đến Hoa Nam, và cuộc nhường đất của Miêu hoàn toàn xảy ra trên bộ và dưới đời nhà Chu, theo Kinh Thư, Miêu đã bị đẩy xuống vùng đất giữa hồ Động Đình và hồ Bành Lải. Nhưng đến nay thì Miêu cũng mất luôn địa bàn đó và đất xa nhất của họ ở phía Bắc là tỉnh Quý Châu.

Đây là một dịp cho ta thấy rằng không thể diệt chủng ai được hết. Miêu chủng bị lấn từ 5 ngàn năm rồi mà chỉ mất có phân nửa đất đai, vì Quý Châu là nơi chia hai nước Tàu về mặt diện tích và về bề ngang.

Họ chỉ mất hết Hoa Bắc mà thôi.

Giáo sư Kim Định tuyên bố không dựa vào sử Tàu thường bóp méo sự thật, cũng không dựa vào khoa khảo tiền sử mơ hồ. Nhưng ở giai đoạn này thì ông lại dựa vào quyển sách Tàu Cổ sử nhân vi của Mông Văn Thông là một người chưa học khoa chủng tộc học lần nào hết, để nói rằng Tàu gặp Viêm tộc trước nhứt mà Viêm là Việt + Miêu.

Một chủng tộc, tự xưng là gì mặc kệ nó, người Tàu có quyền đặt tên khác cho nó, là Viêm chẳng hạn, nhưng khi bảo rằng Viêm = Việt + Miêu thì sai sự thật quá xa vì sọ Miêu khác xa sọ Việt, lại không bao giờ có sự lai Miêu + Việt.

Nhưng nếu lại bảo thêm rằng khoa chủng tộc học là khoa học không đáng tin, đừng nói đến việc đối chiếu sọ mất công, thì một giáo sư đại học không có quyền nói. Đó là khoa học chính xác như toán chứ không phải khoa học nhân văn nữa đâu mà có quyền tin nó hay không tin nó.

Người ta cải thiện khoa học chính xác, chẳng hạn như Tân Toán Học cải thiện Toán học, nhưng không ai lại phủ nhận Toán học được.

Thí dụ họ đặt tên cho chủng Việt là chủng Viêm đi, ta cũng cho qua, nhưng nói Viêm là Việt + Miêu thì là bất chấp đến một khoa học chính xác là khoa đo và đối chiếu sọ đã được nhìn nhận là khoa học chính xác đủ khả năng truy nguyên các chủng.

Nói thì thế nhưng trong bức bản đồ ở trang 77, thì giáo sư lại cho vẽ khác hết. Theo bức bản đồ thì Viêm Việt gồm có Anh Đô Nê-diêng, Môn, Chàm, Miến Điện, Miêu, Lạc v.v.

Đã khá hơn rồi, nhưng vẫn còn sai quá xa, vì khoa chủng tộc học thấy rằng tất cả các dân tộc đó, trừ Miêu đều có sọ giống hệt nhau, nhưng không đặt tên nó là Viêm, vì nó đã tự xưng là Mã Lai từ 5 ngàn năm rồi (có chứng tích), còn Chăm, Miến Điện v.v. thì đều là danh xưng mới có về sau. Và Mã Lai = Anh Đô Nê-diêng.

Vậy cái Viêm tộc của giáo sư Kim Định ăn vào Mã Lai chủng của khoa chủng tộc học, nhưng sai ở danh xưng. Danh xưng Viêm không bao giờ có, còn danh xưng Mã Lai thì đã có từ sáu ngàn năm, hơn thế đó là danh tự xưng.

Mà điều cần nhấn mạnh nhiều nhứt là Miêu là một chủng rất lớn và không có mặt trong cái chủng mà Mông Văn Thông và giáo sư Kim Định gọi là Viêm nhưng khoa chủng tộc học gọi là Mã Lai, vì gọi theo danh xưng của nó từ ít lắm là sáu ngàn năm rồi.

Đã bảo người Tàu có quyền đặt tên một chủng, khác với khoa chủng tộc học. Nhưng danh xưng Viêm thì không hề thấy dùng để chỉ chủng tộc bao giờ cả mà chỉ có dùng để trỏ vài dân tộc nhỏ ở phương Nam của Hoa Bắc và chỉ có nghĩa mơ hồ là dân xứ nóng, chớ không trỏ hẳn ai.

Họ có chỉ nước ta là Viêm bang, nhưng đó là sau đời Hán, còn về thượng cổ thì họ mù tịt về bọn phương Nam Hoa Bắc.

Phương chi Miêu lại là chủ đất Hoa Bắc thì họ không có lý do để gọi Miêu là Viêm, vì thuở đó rõ ràng Miêu là dân xứ lạnh y hệt họ.

Nhưng cái sọ mới là cái gì mà không ai nói ra nói vào gì được cả.

Vậy thì gốc tổ tiên là Mã Lai chớ không phải tên Viêm, mà Tàu cũng không bao giờ gọi nó là Viêm, chỉ có một ông Tàu đời sau là Mộng Văn Thông mới phịa ra đấy thôi. Tàu gọi nó là Lỉa, tức Lai đấy vì Tàu độc âm, bỏ mất hoặc vì Mã Lai cũng có thói quen tự bỏ bớt một âm, có nhóm chỉ tự xưng là Mạ mà thôi. Nhưng cái nhóm chánh cổ sơ nhứt thì tự xưng rất dài là Malaya (núi Hymalaya) và nhóm thứ nhì có sáu ngàn năm tự xưng là Malayalam được kinh Phệ Đà phiên âm là M’leccha.

Điều sai thứ nhì là giáo sư gồm Miêu trong bản đồ đó là lấy số 3 của Tam Miêu để diễn dịch và quy nạp thành ra trên 400 trang sách, trong khi đó thì khoa chủng tộc học cho biết sọ Miêu thuộc chủng Miêu, khác hẳn với sọ Mã Lai về chỉ số và về nhơn thể tính (Indice-crânien et carac ères anthrropologiques) và họ có đến Ngũ Miêu, chớ không phải Tam Miêu như Tàu cổ đã nói (Coi chừng giáo sư sẽ cho Ngũ hành, Ngũ kinh, Ngũ nhạc, Ngũ phương, Ngũ sắc, Ngũ đế, Ngũ hồ, Ngũ lĩnh là của Ngũ Miêu khi mà số 3 sụp đổ vì số 5 lòi ra thành sự thật khoa học).

(Bản đồ này cho thấy rằng giáo sư biết Anh Đô Nê ở Nam Dương, nhưng lại gọi là Mán, Thổ).

Giáo sư biết là dân Anh Đô Nê ở xứ Anh-đô-xia ở Nam Dương, chỉ có thế thôi, nhưng lại cứ hiểu họ là “Mọi” chớ không là Mã Lai, vì trong bản đồ, sau danh xưng Anh Đô Nê và Nam Dương, giáo sư chua là Mán Thổ mà Mán Thổ đó cũng lại được giáo sư hiểu là Mọi, nhưng cái nghĩa khoa học của Mán Thổ, không là Mọi như thường dân hiểu.

Mán là một chi của Miêu tộc có di cư tới Việt Nam, còn Thổ là một chi của Thái có di cư tới Việt Nam, chớ không bao giờ có mặt tại Nam Dương như bản đồ đã vẽ, và bản đồ mà vẽ như vậy là người cho vẽ bản đồ hiểu Mán, Thổ là Mọi, y như dân chúng đã hiểu.

Xin giáo sư học hai nền văn minh Shri – Vishayaa và Madja – Pahit ở Nam Dương, xem họ có là Mọi hay không. Đó là hai nền văn minh của thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch mà Pháp gọi là “Très haut degré de Culture d’un faste inoui” (Một nền văn hóa rất cao với một sự xa hoa chưa hề nghe nói đến hồi nào và ở đâu cả).

Vậy bài viết: Viêm = Miêu + Việt không ăn với bản đồ, bản đồ có hơi đúng hơn nhưng chỉ được dùng có một lần còn bài viết thì được dùng làm căn bản cho cả cuốn sách với con số 3 nòng cốt là dân Tam Miêu.

Điều sai thứ ba là giáo sư cho rằng dân Hoa Bắc có dòng máu Viêm mà Viêm thì như đã thấy, ăn vào với Anh Đô Nê = Mã Lai.

Nhưng khoa chủng tộc học lại không hề thấy có cái sọ nào ở Hoa Bắc từ 6 ngàn năm nay mà có chất Viêm, hay chất Anh Đô Nê Mã Lai nào cả.

Mà khoa chủng tộc học thì có cái đưa ra làm chứng: những cái sọ với phương pháp đo đủ mọi khía cạnh để biết sọ nào của chủng nào, sọ nào lai căn mà lai với ai, còn cái triết của giáo sư thì chỉ có những con số 3 (Tam Miêu), số 9. Cửu Lê, Cửu Trù. Con số 3 căn bản ấy, thì lại có cái sọ không phải của Tàu, cũng không phải của Việt, cũng không có lai căn với ai bao giờ hết.

Tóm lại Viêm tộc theo quan niệm của giáo sư Kim Định, không bao giờ có. Còn theo bản đồ thì có, nhưng nên loại trừ Miêu ra một chủng riêng, và nên gọi Viêm tộc như tự nó đã xưng là Mã Lai chủng.

Và điều này quan trọng hơn hết là không hề có sọ Mã Lai hoặc sọ Việt, sọ Cửu Lê chủng tại Hoa Bắc để cho Mộng Văn Thông và giáo sư Kim Định cho rằng chính họ sáng tạo nên nền văn minh ở đó rồi bị Hoa tộc cướp lấy. Nếu quả thế, thì phải có sọ cổ của Mã Lai, của Cửu Lê hay của Việt ở đó chớ sao lại không bao giờ có, nghĩa là làm sao?

Ở trang 75 giáo sư viết rằng: Khảo tiền sử, khoa khảo cổ, khoa chủng tộc học (mà giáo sư gọi là nhân chủng học) chỉ có giá trị giả thiết (có lẽ giáo sư muốn nói giả thuyết). Còn viết theo quan niệm văn hóa như giáo sư đã làm mới cho thấy được sự thật.

Rồi giáo sư lại ám chỉ H. Maspéro. Quả Maspéro trong quyển Les religions đã cho rằng Hoa tộc và các dân tộc Đông Nam Á khi xưa có một nền văn hóa chung. Nhưng ông H. Maspéro chỉ dám nói có bấy nhiêu đó thôi.

Bức dư đồ dùng cho tất cả các chương. Vì quá nhiều điểm sử phải được ghi vào đây và nếu ghi hết thì dư đồ hóa ra rừng rậm, không còn đọc được, nên chỉ vẽ sơ lược đến mức tối đa, chỉ cốt vừa đủ để dùng làm những cái dấu mốc mà thôi.

Cửa sông Hoàng Hà được vẽ thành 4 cửa, vì Trãi qua ba bốn ngàn năm, cửa sông đó xê dịch một cách kỳ cục, cách nhau 1.000 cây số.

Những cái mốc cần biết là sông Hoàng Hà, sông Dương Tử, sông Hán, sông Hoài, sông Vị, động Đình Hồ, núi Ngũ Lĩnh và đất Ngũ Lĩnh, núi Kinh, nước Đông Âu, nước Tây Âu, nước Mãn Việt, những cái mốc quan trọng đó đều có đủ và đều được vẽ đúng.

Dư đồ này cần thiết cho 6 chương tất cả.

Còn giáo sư Kim Định thì phát triển mạnh cái câu đó ra, cho họ đồng chủng và nhứt là cho tác giả chính là chủng Viêm nào đó.

Các dân tộc có một địa bàn dính nhau thì dĩ hiên phải có văn hóa chung vào buổi sơ khai, nhưng điều đó không bao giờ có nghĩa là Miêu đồng chủng với Việt, lại không bao giờ có nghĩa là sự phát triển ban đầu ấy theo một chiều hướng nào đó là do Tàu ăn cắp của Việt.

Tàu họ từ cái căn bản đồng đều ban đầu mà bác sĩ Huard đã nói đến và chúng tôi trích dịch cho đăng ở đầu trang sách, phát triển khác xa các dân tộc khác hết mà không có bằng chứng là cái ban đầu đó họ ăn cắp của ta, lại có bằng chứng ngược lại là khoa khảo tiền sử. Khoa này thì quá đích xác như toán học, chứ không phải là giả thuyết như sách V.L.T.N. là chủng Mã Lai hoặc Cửu Lê hoặc Việt chưa biết trồng trọt vào thời Hiển Viên (với chứng tích) còn theo V.L.T.N. thì Cửu Lê đã giỏi trồng trọt (không chứng tích).

Tại sao H. Maspéro lại không dám nói nhiều hơn như giáo sư Kim Định đã dám? Vì H. Maspéro biết rõ là văn hóa biến bậy ra cả, tròn biến vuông, đen biến trắng, một nền văn hóa chung buổi sơ khai biến thành 20 nền văn minh khác nhau, và không nên trở về cái vốn cũ để nói rằng ai ăn cắp của ai, nhứt là để nói rằng có sự lai giống và sự đồng chủng.

Granet và Maspéro đều đã lướt sơ qua trên khảo cổ, giáo sư Kim Định đã noi gương hai ông đó, nhưng họ lướt sơ qua rất là khoa học, thế mà họ còn sai, phương chi giáo sư Kim Định lại bất kể khoa học, cho khoa Anthropologie physique là “giả thuyết”, không biết rằng khoa đó nằm trong nhóm khoa học chính xác (sciences exactes) chớ không phải là khoa học nhân văn.

Cũng nên biết rằng y học tiến bộ là thế, mà vẫn chỉ được nằm trong khoa học thực nghiệm mà thôi, còn khoa Anthropologie physique tuy là được sắp loại trong khoa học nhân văn, nhưng vẫn được xem là khoa học chính xác từ khuya rồi.

Khoa ấy còn đang tiến mạnh, nhưng đó là tiến chớ không phải bị sửa đổi, và tiến trên cái nền tảng đã vững.

Nhơn thể tính của các chủng tộc đã thành hình hẳn, từ 10 ngàn năm nay, đều biến thành cái gì như là công thức rồi, họ chỉ còn học đi học lại về những chủng người trước đó nữa mà thôi, vì những chủng trước đó chưa thành hình hẳn, còn chứa nhiều nghi vấn, nhưng Tàu và các dân Đông Nam Á hiện còn sống sót đều thuộc về các chủng sau, tức cổ nhứt cũng chỉ có 10 ngàn năm, thì không còn cái gì mà họ hồ nghi nữa hết và để cho ta hồ nghi nữa hết, bởi một cái sọ lai hai chủng mà chỉ lai một lần từ 5 ngàn năm, họ cũng biết, và một cái sọ lai hai chủng mà lai đi lai lại mãi từ 2 ngàn năm, họ cũng biết.

Nhưng Mộng Văn Thông không phải là người dốt đâu. Sách của ông là một mưu đồ chánh trị rất là thâm sâu và độc ác.

Đặt tên cho Việt là Viêm chỉ để lôi kéo nó vào Viêm Đế biết nông nghiệp chớ không phải là một sự đặt tên phất phơ đâu. Đó là một dụng ý lớn. Nhưng rồi ta sẽ thấy rằng dụng ý đó không chịu đựng nổi sự kiểm soát của khoa khảo tiền sử, khoa đó cho biết rằng Việt tộc chưa biết nông nghiệp vào thời Viêm Đế.

Nói rằng Việt giỏi nông nghiệp, còn Tàu thì dã man thì rất hãnh diện cho dân ta, cãi lại làm gì. Nhưng làm việc khoa học có đâu lại để tình cảm xóa sự thật, thế nên chúng tôi mới cãi lại là vì sự thật mà thôi.

Các ông Tàu đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Ta không là man-di, họ cứ gọi ta là man-di. Rồi giờ họ lại nói rằng ta văn minh hơn họ, mà ở hai thái cực đó họ đều quan niệm tầm ruồng, không có một căn bản khoa học nào hết.

Nhưng thật ra thì đó là một hậu ý chánh trị vĩ đại núp sau lưng văn hóa, chớ không phải là vô tình đâu. Khi mà họ làm cho 700 triệu người Tàu tin rằng Tàu là Việt thì 700 triệu người ấy hẳn sẽ có khuynh hướng thống nhứt ta. Khuynh hướng ấy chính đáng nếu nguyên ủy đúng, nhưng nguyên ủy lại không đúng.

Và khi 30 triệu người Việt cũng tin y hệt như thế thì ta mất hết cả ý chí chống xâm lăng. Hoa và Việt đã là một thì thống nhứt là đúng, còn chống làm gì nữa.

Mao Trạch Đông cho vẽ dư đồ nước Tàu trong đó có Việt Nam chưa đủ, mà phải có hai ba ngụy thuyết nữa mới xong:

Việt = Hoa (Nguyễn Phương)

Nếu Việt = Hoa không được ai tin thì họ nhượng bộ, nói:

Hoa = Việt (Mộng Văn Thông)

Thuyết sau có vẻ quá hấp dẫn, thăng hoa dân Việt thì bọn Việt cứng đầu hẳn phải đành chịu vậy.

Ngụy thuyết của Mộng Văn Thông hơi hữu lý hơn, có thể chấp nhận được, nhưng chính vì thế mà nó nguy hiểm hơn.

Họ Mộng không quả quyết rằng Việt là Tàu thuần chủng như giáo sư Nguyễn Phương, mà chỉ nói là Tàu Hoa Bắc lai giống với Việt mà thôi.

Kiến giải này hấp dẫn hơn kiến giải của Nguyễn Phương bội phần vì hai lẽ: cái sự thuần chủng rất là khó tin, chí như lai giống thì người ta có thể nhắm mắt mà nghe, không cần kiểm soát. Lẽ thứ nhì là nó vuốt ve ta quá lắm vì họ Mộng cho ta làm thầy của Tàu.

Ta vừa hợp máu với họ lại vừa làm thầy của họ thì xí xóa hằm bà lằng, thế nào xong thì thôi, đảo Hoàng Sa của ta hay của họ cũng chẳng có gì quan trọng mà phải tranh chấp.

Theo thuyết trên thì vua Thần Nông hiệu là Viêm Đế là Việt chớ không phải Tàu. Vua ấy đã giỏi nông nghiệp và bị một thủ lãnh của Tàu là Hiên Viên hạ sát để cướp đất và cướp luôn cả văn minh nông nghiệp đó.

Khi nói cướp văn minh, phải ngầm hiểu là có cướp người vì kẻ bị cướp sẽ không dạy học cho kẻ cướp đâu, mà phải bắt họ làm người Tàu, họ mới bị đồng hóa lần lần và dạy cho mà học.

Vậy người Tàu Hoa Bắc đích thị là người Việt một phần lớn.

Câu chuyện trên đây đã xảy ra cách đây 5.000 năm, tức là cái sọ chưa thay đổi, và nếu có sọ Tàu lai Việt ở Hoa Bắc thì khoa học cũng thấy rồi và biết rồi.

Nhưng sọ người Hoa Bắc lại khác sọ người Việt Nam một cách lớn lao về chỉ số, về dung lượng, nhứt là về hai tánh cách Brachycéphale và Mésocéphale. Cũng không thấy sọ lai Tàu + Viêm nào cả ở Hoa Bắc.

Như vậy thì nếu quả có Viêm tộc nào đó, thần dân của Viêm Đế, thì cái Viêm tộc đó không thế nào mà là Việt được cả.

Cứ theo các cổ thư Trung Hoa thì vua Thần Nông đánh diệt Bổ Toại. Bổ Toại là dân nào, đã dựng nước hay chưa thì không ai biết cả, mặc dầu có sách nói mà không dẫn chứng rằng họ đã dựng nước rồi.

Kế đó các cổ thư lại cho ta biết rằng Hoàng Đế đánh diệt Xy Vưu.

Rồi vua Nghiên đánh diệt Hoan Mâu.

Vua Thuấn đánh đuổi Tam Miêu.

Vua Võ đánh Cung Công.

Sử Tàu chép là các vua nói trên đánh các chư hầu tàn bạo. Sự thật thì chính các thủ lãnh Tàu mới là tàn bạo. Người ta là chủ đất cũ, họ ở ngoài xâm nhập, đánh cướp đất đai của người ta, mà lại cho rằng nhứt thiết tàn bạo là thế nào?

Nhưng đó là phê bình tư tưởng Tàu, không phải là công việc của cuộc nghiên cứu này.

Trong năm cuộc đánh diệt để giành giật địa bàn Hoa Bắc ấy, ta chỉ biết được có ba dân tộc là dân Khuyển Nhung, dân Cửu Lê của thủ lãnh Xy Vưu và dân Miêu, không phải chỉ vì ba thứ dân ấy hiện tồn tại, mà vì các cổ thư Tàu có cho chút ít chi tiết để truy nguyên ra họ.

Ta không biết Bổ Toại, Hoan Mâu, Cung Công là nước, là thủ lãnh hay là dân và là dân nào, vì sách Tàu mỗi sách mỗi nói khác nhau. Thí dụ Bổ Toại có khi được gọi là nước, có khi được gọi là hậu, tức thủ lãnh một chư hầu nhỏ, có khi được gọi là dân, có khi được xem là một nhơn vật và không còn chi tiết nào nữa hết.

Nhưng ta bỏ qua ba thứ dân ấy được, bởi khi mà các cổ thư Trung Hoa không có chi tiết nào khác là vì dân ấy quá ít, không phải là một dân tộc lớn đáng kể. Bổ Toại thì còn có thể đổ thừa rằng vì quá lâu đời (đời Thần Nông) chớ Cung Công thì tương đối mới đây thôi (đời nhà Hạ). Sử Tàu biết về đời Hạ rất nhiều mà không nói rõ về Cung Công, tức Cung Công chỉ là một dân tộc không làm chủ được bao nhiêu đất.

Cái ông Cung Công này thật là một người Việt của Kim Dung.

Thuở xưa theo các ông Tàu thì đất Tàu vuông, trời Tàu tròn và nóc được bốn cây cột chống đỡ.

Nhưng ở Tây Bắc, Cung Công nắm cây cột mà lay nên cột gãy, làm cho trời sập ở Tây Bắc cho đến ngày nay, tức đến đời vua Vô, kẻ hạ sát Cung Công.

Vì trời sập ở đó nên trời ở đó thấp còn đất thì cao lên (?) trong khi đó đất hướng đông dĩ nhiên thấp xuống.

“Bằng chứng” (?) là bao nhiêu sông của Tàu đều chảy ra hướng đông, còn trăng sao và mặt trời thì trôi ngược lại từ Đông sang Tây.

Ấy, đó là một nhơn vật tương đối hơi mới vì Cung Công chỉ mới bị vua Võ hạ, tức vào đầu đời Hạ mà thôi.

Nhưng không là sử nữa mà là huyền thoại bày ra để giải thích hiện tượng trăng sao mọc hướng Đông rồi đi sang hướng Tây, và về sông Tàu chảy ra hướng Đông, nhưng kẻ sáng tác ấy, quá kém cỏi vì không ai hiểu sao mà đất Tây Bắc lại trồi lên cao chỉ vì trời sập ở Tây Bắc.

Và kẻ ấy lại đặt câu chuyện quá gàn là đầu đời Hạ, một cách vụng về, khi ta biết quá rõ về nhà Hạ.

Thế thì ta chỉ còn biết dựa vào khảo tiền sử. Khoa ấy đã đào bới và chỉ thấy sọ người Hoa Bắc và sọ của Khuyển Nhung và của Miêu tộc mà thôi (không kể những cái sọ lâu đời là sọ người Bắc Kinh cổ hàng trăm ngàn năm và chẳng dính líu gì tới người Tàu cả).

Thế thì Bổ Toại, Hoan Mâu, Cung Công và Viêm, nếu có; thì chỉ có thể là Tàu, chớ Miêu đâu có quá giỏi như các tay hiệp sĩ Tàu mà lay nổi cột trời cho trời sập. Chỉ có người Tàu mới làm nổi kỳ công ấy mà thôi.

Nhưng về Xy Vưu thì có chắc một trăm phần trăm, vì dân Cửu Lê tồn tại.

Chỉ đáng kinh ngạc lắm là không hề có sọ Cửu Lê.

Ta phải hiểu thế nào đây?

Vâng, Tàu đã nói đến Khuyển Nhung, đến Miêu, lại còn nói đến Cửu Lê.

Mà Cửu Lê thì được nói đến nhiều nhứt, tức Cửu Lê là một dân tộc quan trọng và liên hệ giữa họ và Tàu rất là đáng kể, chớ không phải như các thứ dân khác. Nhưng người ta đã tìm lại được Cửu Lê ở nơi khác, nhưng tuyệt nhiên không có sọ Cửu Lê ở Hoa Bắc, nhưng câu chuyện thì mới xảy ra có năm ngàn năm, tức tương đối rất mới đối với lịch sử nhân loại. Thật là kỳ lạ.

Và kỳ lạ nhứt là theo thuyết Kim Định có sự cướp văn minh. Cướp văn minh, không thể thoáng thấy mà cướp được, mà phải học hàng trăm năm, tức phải có sự hợp tác. Nhưng sọ và dụng cụ của Cửu Lê lại chỉ tìm thấy ở ngoài nước Tàu mà không hề có ở trong lãnh vực Hoa Bắc.

Giáo sư Kim Định, trong Việt lý tố nguyên đã lập ra một triết thuyết, triết thuyết ấy dựa trên sử mà đó là sử riêng của giáo sư chớ không phải của Tây hay của Tàu.

Theo giáo sư Kim Định thì:

Cửu Lê = Các bộ lạc

Nhưng bộ lạc của dân tộc nào, chủng tộc nào thì giáo sư không có nói, và cứ đọc một câu văn như vậy, ai cũng hiểu rằng đó là các bộ lạc Trung Hoa. Nhưng ở trang 114 thì ông viết Cửu Lê với chữ Lê không có hoa, và chua là 9 thứ dân trong đó có Tam Miêu (nhưng còn 6 thứ dân nữa là dân nào ông không cho biết).

Đành rằng chữ Lê là dân chúng, cũng viết y hệt như Lê là dân tộc Lê, nhưng Tàu làm gì mà chỉ có 9 bộ lạc vào thời ấy. Họ phải có một ngàn bộ lạc, hoặc một bộ lạc độc nhứt, mà ở chương Họ chúng tôi sẽ trưng bằng chứng rằng Hoa tộc, từ cổ chí kim chỉ là một bộ lạc độc nhứt.

Như vậy trong Cửu Lê phải hiểu khác, chứ không thể hiểu là Các bộ lạc, Chín bộ lạc.

Đó là một dân tộc, không thuộc Hoa chủng, nhưng gồm 9 nhóm khác nhau chút ít, và đang làm bá chủ Hoa Bắc khi người Tàu từ Tây Bắc xâm nhập qua hành lang Cam Túc.

Ông bảo rằng Cửu trù là của Cửu dân, tức Cửu Lê. Đó là theo ý ông chứ thật ra thì, theo các cổ thư Trung Hoa, Cửu trù giản dị hơn nhiều, đó là 9 phép trị nước mà ông Cơ Tử truyền lại cho vua Vũ.

(Cái ông Cơ Tử này là Cơ Tử khác chớ không phải là Cơ Tử tôi của vua Trụ đời Ân đâu).

Nếu quả Cửu trù do 9 thứ dân khác chủng với Trung Hoa thì dân đó chưa thống nhứt cho nên họ mới có đến CỬU trù, chớ đã thống nhứt rồi thì họ chỉ còn có NHỨT trù mà thôi.

Nhưng vua Vũ góp nhặt 9 trù của cả 9 thứ dân thì quả thật là lỉnh kỉnh. Hơn thế Tam Miêu, mặc dầu là 3, nhưng họ chỉ có 1 trù độc nhứt, đến nay cũng thế, cái trù đó là chế độ bộ lạc, vì cho đến ngày nay mà họ vẫn chưa tiến lên tới chế độ phong kiến giai cấp mà còn ở dưới chế độ nguyên thỉ của loài người.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.