trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
24.9.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Xin trở lại câu sử thứ nhứt: “Năm Quý Tỵ (2158 T.K.) vua Đại Vũ nhà Hạ hội chư hầu ở Cối Kê”.

Tả Truyện cho biết rằng dưới đời Chiến quốc bọn di cư Trung Hoa lập ra nước Sở ở bờ Tây sông Hán, còn bờ Đông sông Hán thì rợ Việt còn hoàn toàn làm chủ. Cối Kê ở ngoài biển, cách bờ Tây sông Hán đến hơn ba ngàn cây số, người Trung Hoa chưa hề biết nơi đó.

Mà cũng đừng tưởng rằng có một nhóm di cư thứ nhì xuất phát từ đất của rợ Đông Di, tức tỉnh Sơn Đông, từ đó họ vượt Hoàng Hà rồi vượt Dương Tử. Không, họ chưa giỏi thủy vận và sông Hoàng Hà và Dương Tử còn quá dữ tợn đối với ghe xuồng nhỏ, họ chưa đủ phương tiện vượt hai con sông lớn ấy ở gần cửa biển. Điểm được lựa chọn ở ngã ba sông Vị là nơi đó sông Hoàng Hà tương đối nhỏ hẹp, dễ vượt qua.

Mặc dầu dưới đời Chiến quốc, ở Cối Kê quả có đền thờ vua Đại Vũ, như sử Tàu đã ghi chép, và ta có thể tin họ về ngôi đền thờ này, nhưng ngôi đền ấy không chứng minh được rằng dưới đời Hạ họ đã có mặt nơi đó, vì đời Hạ cách đời Chiến quốc đến 1061 năm chớ không phải là gần nhau đâu, và dân địa phương thờ vua nhà Hạ chỉ vì vua nước Việt đã khoe láo rằng ông ấy là hậu duệ của vua nhà Hạ. Sự khoe láo này, rồi ta sẽ thấy là láo. Có lẽ chính Câu Tiễn đã cho xây cất đền thờ để củng cố lời khoe láo của y.

Nhiều sử gia Tàu cứ dựa vào ngôi đền đó để mà quả quyết rằng vào đời Hạ họ đã tới Cối Kê rồi. Nhưng Tả Truyện vốn biết rằng đó là láo nên ghi chép sự thật là bờ Đông sông Hán còn do rợ Việt làm chủ hoàn toàn. Sông Hán là phụ lưu của sông Dương Tử, chảy từ Bắc xuống Nam và cùng với sông Hoàng Hà, sông Dương Tử và ranh giới Thiểm Tây và Tứ Xuyên tạo thành một khu tứ giác mà người Tàu di cư tới lần đầu tiên vào thuở ấy.

Nhưng khu tứ giác đó, tức bờ Tây sông Hán là đất của ai? Chủ đất ở đó thuộc một chủng mà họ gọi là Việt, lần đầu tiên trong sử của họ. Ở đó có một cái núi mà dân di cư đặt tên là núi Kinh, đất đó họ gọi là đất Kinh Man, tức đất Kinh của Man Mọi, hoặc Kinh Cức là đất Kinh có cây gai về sau họ cũng gọi là đất Kinh Việt, tức đất Kinh của rợ Việt.

Tỉnh Hồ Bắc, nằm trong khu tứ giác đó, là đất của chủng Việt.

Danh xưng Việt chỉ mới xuất hiện vào thời này mà thôi, chớ trước đó, tuyệt nhiên chưa có danh xưng đó.

Khoa khảo tiền sử chưa tìm được dấu vết chắc chắn của đời Hạ để biết họ đã có văn tự hay chưa, nhưng mãi cho tới cuối đời Thương mới thấy dấu vết của chữ Việt, mà chúng tôi gọi là tự dạng nguyên thỉ.

Chữ Việt này rất là kỳ dị. Nó chỉ là cái đuôi của chữ Việt trong thư tịch Trung Hoa, mà dân ta gọi là Việt bộ Mễ (nhưng Tàu gọi là chữ Việt thứ nhì đó là Việt bộ Nguyệt). Chúng tôi sẽ nói đến tự dạng này nhiều hơn.

Chúng tôi đã nói quá sớm rằng Việt từ Hoa Bắc di cư đi Nam Dương qua Triều Tiên, Nhựt Bổn và Việt Nam. Đó chỉ là lỡ lời phải tiết lộ quá sớm, chớ trước đó Tàu Hoa Bắc không có nói đến Việt.

Nhưng chúng tôi đã trót lỡ lời thì người ta phải tự hỏi Việt ở Kinh Việt, có phải là Việt trên kia hay không?

Đúng, họ là Việt trên kia, nhưng không phải là từ trên kia tràn xuống, mà họ đã nằm sẵn ở đó, không ai biết từ bao lâu. Họ đồng ngôn ngữ với nhau một phần, nghĩa là có hai phương ngữ Việt. Hai phương ngữ đó, hiện nay đều có mặt tại Việt Nam, vì rồi Việt Hoa Nam cũng bỏ hết đất mà di cư đến các địa bàn định cư của Việt Hoa Bắc, chỉ có khác là hai cuộc di cư cách nhau đến 2.500 năm.

Thế nghĩa là Việt chủng làm chủ trọn vẹn nước Tàu, trước khi Hoa chủng xâm nhập, chỉ có điều là không biết từ bao lâu, bọn Việt Hoa Bắc được chúng tôi suy luận là không lâu vì họ không có để dấu vết lại, còn bọn ở dưới thì có cho thấy dấu vết, nhưng không định tuổi được một cách chắc chắn, sai đến 1.000 năm từ 6.000 năm, đến 5.000 năm.

Theo khoa học thì hai thứ Việt đó thuộc chủng nào và khác nhau ra sao thì ta sẽ biết ở chương Mã Lai chủng. Ở đây, chỉ nói đến những gì mà người Tàu đã thấy mà thôi. Dĩ nhiên là trước đó, họ cũng đã thấy Việt phía trên, nhưng họ không có gọi đó là Việt, mà cũng không có tả vì thời Hiên Viên chắc chắn là chưa có chữ, mặc dầu ai nói sao đi nữa, cũng chắc chắn là họ chưa có chữ.

Còn truyền thuyết thì quá đơn sơ, hoặc bị thất truyền nên không ai biết Việt trên ra sao, còn truyền thuyết Tàu thì chỉ biết rằng rợ Đông Di xâm mình và nhuộm răng đen.

Và chúng tôi xin trở lại câu sử thứ nhì của Tàu: “Năm Quý Mão (2085 T.K.) vua Thiếu Khang nhà Hạ phong cho con thứ nhì là Vô Dư ở đất Việt”.

Thiên hạ cứ nói rằng đất Việt đó là nước U Việt của Câu Tiễn nhưng đất không phải là nước, và vào đầu đời Hạ họ cũng chỉ mới để chơn sang sông Hoàng Hà, đến Kinh Cức, thì làm sao đến đời Thiếu Khang, tức 49 năm sau đó, họ lại chinh phục được một nơi cách đó hơn 3.000 cây số theo đường chim bay, ở dưới sông Dương Tử là đất mà dân Việt còn hoàn toàn làm chủ để mà phong cho Vô Dư.

Ta sẽ thấy rằng rợ Việt ở đó, chống trả mãnh liệt cho tới cuối đời Chu, thì không làm sao mà chỉ sau có 49, Tàu lại làm chủ được nhiều đất đến thế, làm chủ tới Cối Kê của Câu Tiễn.

Nhưng hai câu sử trên rất được những người chỉ đọc sử Tàu tin mạnh.

Sự thật thì sử Tàu chỉ chép theo lời khoe của các vua nước Việt chớ họ không có dựa vào sử liệu nào cả về sự kiện Vô Dư là tổ tiên của các vua Việt Cối Kê. Đất Việt không hề có nghĩa là nước Việt của Câu Tiễn.

Lối khoe đó giống hệt như là lối khoe của Hồ Quý Ly, ông ấy khoe rằng ông ấy là hậu duệ của vua Thuấn và vì vậy mà ông ấy đặt tên nước ta là Đại Ngu, thấy sang bắt quàng làm họ, chớ xét ra thì Hồ Quý Ly cũng láo khoét. Thật vậy, một họ không thế nào kéo dài từ vua Thuấn cho tới Hồ Quý Ly mà chưa tuyệt tự (Xin xem chương Họ của Trung Hoa và Việt Nam).

Các vua nước Việt Cối Kê không đủ tinh thần tự trọng, không đủ hãnh diện quốc gia, thấy Trung Hoa văn minh cao, nước của các ông hùng cường mà cứ bị họ coi rẻ, nên các ông tình nguyện làm Tàu.

Như vậy câu sử thứ nhứt hoàn toàn sai sự thật, câu sử thứ nhì cũng sai, vì lời khoe láo của Câu Tiễn ám ảnh người Tàu.

Cái đất Việt nói trong câu sử thứ nhì là tỉnh Hồ Bắc ngày nay, tức đất Kinh Việt, chớ không phải là nước Việt của Câu Tiễn ở Cối Kê (Triết Giang).

Về nước Sở, sử Tàu (Sử Ký) cũng lại chép lời khoe của các vua Sở. Các vua Sở cho rằng mình là hậu duệ của Hiên Viên. Vì Sử Ký đã chính thức hóa lời khoe của vua Sở, nên dĩ nhiên thiên hạ phải tin lời khoe của các vua Việt, bởi Sở không phải là hậu duệ của Vô Dư thì U Việt phải là kẻ hậu duệ đó, chớ còn ai nữa bây giờ, bởi Sở và Việt cũng đều là Việt, Vô Dư không vào nước Sở thì vào nước Việt vậy.

Nhưng Sở mới đích thực là hậu duệ của Vô Dư còn Việt Cối Kê là Việt thuần chủng, không có lai giọt máu Tàu nào hết.

Tả Truyện chép rằng khi ấu vương Chu Thành Vương lên ngôi thì người nhiếp chính là ông Chu Công Đán xuống chiếu phủ dụ Sở Tử: “Khanh hãy chế phục và bình định cho an bọn man di Việt, ngăn chúng nó làm loạn và xâm phạm thiên trào”.

Viết phụ đề Hoa ngữ cho Xuân Thu, Tả Khâu Minh còn cho ta biết rõ hơn về cái bọn man di Việt đó.

Tuy nhiên, Tư Mã Thiên cũn g có góp phần, Sử Ký cho biết rằng dân nước Sở họ Mị, dân nước Việt họ Tự, cũng đều là dân Việt.

Hành động “phong” mà sử Tàu nói đến, cũng là láo khoét. Phong là phong đất mà vua Tàu đã làm chủ, đằng này đất Kinh Việt chưa hề bị chinh phục thì phong sao được.

Đó chỉ là một cuộc di cư có tổ chức, có người lãnh đạo là Vô Dư, di cư đến một nơi hoàn toàn xa lạ, và Vô Dư phải tháo vát xoay xở, thành công thì nhờ, bị thổ dân đề kháng thì chết.

Vua Thiếu Khang đã đem con bỏ chợ, vì theo tục Trung Hoa để con thứ ở lại trào, có thể xảy ra tranh giành ngôi báu với con trưởng thì càng rắc rối không biết bao nhiêu.

Vua nhà Hạ là vua đầu tiên lập ra chế độ thế tập. Như thế tống cổ đứa con thứ là Vô Dư đi xa, là rất phù hợp với dự trù về chế độ. Khi ông vua đầu đời Hạ nghĩ ra chế độ thế tập thì ông ta phải nghĩ ra cách ngăn ngừa việc tranh giành ngôi báu, có thể làm mất luôn địa vị của dòng họ ông ta.

Tuy nhiên, vua Thiếu Khang có ẩn ý cho con thứ của ông một may mắn lập nên sự nghiệp vì nếu Vô Dư thành công, y sẽ làm chúa một phương trời, cũng là sướng cái thân vậy.

Tám trăm năm sau, Hùng Dịch mới là được phong thật sự ở đó, mà cũng chỉ được có 50 dặm vuông (Tư Mã Thiên), tức lối 25 cây số vuông, tức quá ít, thì Vô Dư hẳn là không chiếm được bao nhiêu đất trong buổi đầu, vì không có chiến tranh mà chỉ là đi xin ở trọ thì không thể tới đông.

Hễ phong thì người được phong có mang chức tước, đằng này Vô Dư không được lấy cái tước hạng bét thời bấy giờ là tước “Nam” (Công, Hầu, Bá, Tử, Nam) mặc dầu y là con vua.

Ta có thể hiểu rằng Vô Dư chỉ lãnh đạo một đoàn người di cư vào đất lạ, không hơn không kém, và tương lai của y, vua Tàu thấy là mờ mịt, bởi cả bọn có thể chết vì ma thiêng nước độc hay vì cuộc kháng cự của thổ dân.

Rồi tên Vô Dư chết mất xác, nhưng dân di cư thì còn. Họ âm thầm sống, hợp chủng và hợp văn hóa với dân Việt tại Kinh Việt.

Người Tàu lần lượt đến thêm, càng năm càng đông, và người Việt ở đó lớp bị lai giống, lớp bị đồng hóa một cách có thuận tình, cho đến một khi kia thì vua nhà Chu hay tin ở đó đã đông dân Tàu rồi, nên mới phong cho Hùng Dịch, mà lần này thì có chức tước hẳn hoi. Hùng Dịch mang tước Tử ở đất Kinh Man.

Tên Hùng Dịch này cũng khoe láo tuốt. Y chỉ là con của một dòng họ biết chữ, có làm thầy dạy con vua học, nhưng y lại khoe láo rằng y là cháu của vua Xuyên Húc là tổ nhà Hạ. Y nổi danh quá, lại giành mất đất Kinh Cức rồi nên các sử Tàu không còn biết đặt tên Vô Dư ngồi ở đâu, đành để cho vua của nước U Việt giành lấy vậy.

Tại sao người Việt ở Hoa Bắc, hễ thua là bỏ đất chạy đi hết, còn ở đây thì lại chịu hợp tác và hợp chủng? Vì tên Vô Dư không có xâm lăng quân sự, không có đánh đuổi họ, mà chỉ xin ở trọ thôi.

Lại có bằng chứng rằng từ thời Hiên Viên đến đầu đời Hạ hai dân tộc đã có quen biết nhau rồi, chớ không phải là mới chạm trán nhau lần đầu như vào thời Xy Vưu.

Sử Tàu đã chép về các cuộc tuần vu vào đất Việt của đế Này, đế Nọ mà chúng tôi truy ra thì đó là những cuộc xuất ngoại chớ không có tuần thú gì hết trên một vùng đất mà họ chưa chinh phục được.

Ở đây chẳng những có cuộc hợp chủng trong dân chúng, mà còn hợp chủng cả trong giới quý tộc vì chính về sau đó, một vài ông vua của nước Sở (vốn là người Tàu) cũng cưới vợ “man di”, theo như sử Tàu cho biết.

Bấy giờ vua nhà Hạ cũng đã tổ chức việc nước có quy củ, là chia nước ra làm 9 châu, trong đó đất Kinh Việt được xem là một châu, châu Kinh.

Đã bảo văn minh của họ đã thành hình với khoa kiến trúc, với chế độ vua thế tập và với kỹ nghệ đúc đồ đồng lớn món thì việc chia nước thành 9 châu cũng là một điểm của nền văn minh ý thức đó.

Các nhà học giả Pháp thường dịch chữ Châu ra là Province, nhưng sai. Châu không có trưởng châu, không phải là một đơn vị hành chánh, bằng chứng là nhà vua có quyền phong đất cho con cháu và công thần trong các châu, và các thái ấp phong sau ấy, hoàn toàn độc lập, chỉ nghe mệnh lệnh của vua mà thôi, trên đầu họ không có ai khác, và chắc chắn là không có trưởng châu, tri châu nào hết.

Như vậy châu chỉ là một vùng đất mà thôi chớ không phải là một đơn vị hành chánh như người Âu Châu đã ngộ nhận.

Danh từ Châu vào thời đó, nếu dịch ra tiếng Pháp thì phải dịch là Régions naturelles mới đúng nghĩa.

Và quả đúng rằng đó là régions naturelles vì giọng nói của người Tàu ngày nay, ăn khớp với 9 châu đó, mỗi vùng nói khác nhau chút ít, tuy cũng chỉ là tiếng Tàu với nhau, mà sở dĩ khác nhau vì họ bị phân chia bởi địa hình, địa thế.

Cho đến ngày nay, sách giáo khoa của Tàu còn ghi là có 9 ngữ ở Trung Hoa. Họ dùng danh từ sai. Đó là 9 giọng, chớ không là 9 ngôn ngữ. Thí dụ Tần ngữ, Yên Tề ngữ, v.v.

Đất Kinh Việt được đặt tên là Châu Kinh. Ở phía Đông Châu Kinh, đất cũng là do dân Việt làm chủ, và họ đặt tên là Dương Việt, và cho thuộc vào Châu Dương.

Riêng hai Châu Kinh và Dương thì ranh giới thật là mơ hồ, nhà vua cũng không biết nó đi tới đâu, chưa biết địa lý của vùng ấy.

Nhưng tại sao bây giờ họ dám nhận hai vùng đó là châu của họ? Vì hai lẽ. Họ đã gặp đất tốt không thể tưởng tượng được mà họ quyết chiếm. Lẽ thứ nhì là dân Việt đó tương đối hiền lành, chớ không quá dữ như Việt Khuyển Nhung, nên họ xem quyết tâm của họ là chuyện chắc chắn thực hiện được, không như trước kia mà họ chưa biết gì hết về hai nơi đó. Cũng như Mao Trạch Đông đã cho vẽ dư đồ nước Tàu, trong đó có nước Việt của ta ngày nay vậy.

Đó là sự quyết tâm của một đế quốc, còn thực hiện được hay không là chuyện về sau. Họ chính thức hóa một việc chưa xảy ra để tự giúp họ tự tin, để nhắc nhở họ công việc mà họ phải làm.

Chúng tôi nói rằng có 7 châu rưỡi hoàn toàn do người Tàu định cư là 7 châu ở Hoa Bắc và nửa châu Kinh, còn châu Dương thì chỉ là việc ghi hướng vào dư đồ, chớ ở đó, cả dân lẫn vua đều là Việt thuần chủng, mà cũng chẳng hề là đất bảo hộ lỏng lẻo của Tàu.

Cứ theo luận cứ của giáo sư Kim Định thì 9 châu lẽ ra phải ở trên sông Hoàng Hà vì giáo sư chỉ nói đến địa bàn của vua Vũ. Nhưng sự thật thì trong đó có hai châu ở dưới sông Dương Tử là châu Kinh và châu Dương.

Ở đây giáo sư Kim Định lại cũng mâu thuẫn là bài thì nói như thế nhưng ông lại cho vẽ (hay vẽ theo sách Tàu thì không rõ) hai châu ở lưu vực Dương Tử, và hơn thế vị trí của 9 châu của ông rất là kỹ hà học y như hình vẽ về chế độ Tĩnh Điền.

Có đâu mà đều đặn như thế. Và nhứt là châu Từ lại không nằm ở chỗ mà ông vẽ.

Trong bài giáo sư viết: Châu Dương gồm cả Thái Hồ.

Viết như vậy là đúng. Chỉ phiền là Thái Hồ nằm ở gần biển Đông. Trong bức dư đồ có vẻ Tĩnh Điền của giáo sư thì vị trí của Thái Hồ ở tỉnh Giang Tô, lại bị châu Từ chiếm mất, trái hẳn với lời ghi chép của thiên Vũ Cống của Kinh Thi mà giáo sư cũng nghe theo, là châu Dương ăn tới tận biển Đông.

Sự thật thì châu Từ ở trên châu Dương, châu Dương là châu cực Đông Nam của Tàu, ở Đông của châu Dương là biển cả, không còn châu nào khác được nữa hết.

Đó là một bức dư đồ cố ý vẽ sai, không rõ sự cố ý ấy là của chính giáo sư hay của Tàu mà giáo sư vẽ theo nhưng thiếu kiểm soát, vẽ sai để cho ăn khớp với những chủ trương khác.

Trong dư đồ sai đó, cái châu cực Đông Nam lại mang tên là châu Từ. Nếu không vẽ sai như thế, dư đồ sẽ không ăn khớp với chế độ Tĩnh Điền.


*


Như vậy hành động phong ở đây, có khác ở Hoa Bắc, mà nhà vua chỉ phong khi nào chiếm xong một vùng đất, còn ở đây thì phong là giao cho sứ mạng chiếm lấy vùng đất đó.

Vì thế mà rồi mới không nghe tin tức gì hết về bọn được phong, lũ ấy không có dựng sớ báo cáo tình hình, không có nộp cống cho đến đời nhà Chu, bởi lũ ấy bận khẩn hoang, đã ra cái thể thống gì đâu. Đó là những đoàn di cư khẩn hoang hơn là đi làm quan để hưởng thụ và đó là một cuộc đem con bỏ chợ của vua nhà Hạ vậy thôi.

Châu Kinh có diện tích rất nhỏ.Theo thiên Vũ Cống thì ở hướng Đông, châu ấy chỉ tới ngọn sông Hoài. Sông Hoài là con sông nằm giữa sông Hoàng Hà và sông Dương Tử. Như vậy là đất rất hẹp.

Còn châu Dương thì lại mênh mông không có bờ bến nào cả, từ ngọn sông Hoài ra tới biển Đông rồi từ đó, tha hồ mà xuống phương Nam.

Sở dĩ có sự chênh lệch về diện tích như vậy là vì châu Kinh đã được người Tàu tràn tới đông đảo, và đó là phạm vi của dân di cư Trung Hoa họ bắt đầu biết khá rõ về một vùng đất mà dân họ đã định cư, còn châu Dương là địa bàn của Việt tộc thuần chủng mà họ chưa biết địa lý.

Những vua nước Ngô, nước Việt sau đó, khoe rằng họ là con cháu Hoàng Đế, Đại Vũ, v.v, nhưng sử Tàu lại đính chánh sự tình đó mà ít ai chú ý đến. Quả thật thế, chép truyện nước Ngô, Khổng Tử cho biết rằng một phản tướng nước Sở là Vu Thần, lánh thân ở nước Tấn, đã dạy cho nước Ngô man di biết chiến lược, chiến thuật và cách chế tạo vũ khí Trung Hoa để mượn tay nước Ngô đánh phá nước Sở mà Vu Thần căm thù. Nước Sở cũng bị xem là nước Man di, nhưng năm ấy (595 T.K.) thì nước Sở đã hoàn toàn bị Hoa hóa rồi, còn nước Ngô thì chưa.

Dĩ nhiên là nước Việt ở dưới nước Ngô, lại còn không biết gì hết về nền văn minh của Trung Hoa.

Nếu chúa nước Ngô quả là con cháu vua Trung Hoa được phong ở đó như y khoe và sử Tàu cóp theo thì hẳn khi đi nhậm chức, ông ấy có mang theo rất đông cán bộ và chuyên viên Trung Hoa thì không thế nào nước Ngô lại dốt văn minh Tàu đến thế, cho dẫu về sau họ biệt lập thì tuy không giao hiếu với Trung Hoa chớ dân chúng vẫn có qua lại, Trung Hoa tiến đến đâu, họ tiến theo đến đó, có kém hơn đôi phần, thì có, chớ có lý nào mà hơn một ngàn năm sau họ vẫn còn dốt Trung Hoa mà phải học với Vu Thần?

Nước Việt ở xa hơn nước Ngô thì lại càng tuyệt đối không biết văn minh Trung Hoa, và tên Vô Dư, không bao giờ là tiên tổ của Câu Tiễn cả.

Vậy những nước ở Kinh Việt và Dương Việt, không phải nước nào cũng do người Tàu dựng lên, mà có những nước hoàn toàn Việt, từ cấp lãnh đạo cho đến dân chúng.

Mà đừng tưởng là Khổng Tử chép láo. Khổng Tử rất khinh man di, mà sau đó, man di Việt ở Cối Kê lại làm Bá, tức làm sếp các chư hầu, kể cả chư hầu Lỗ của ông nữa, thì hẳn Khổng Tử bị chạm tự ái lắm. Nhưng ông cho biết Ngô và Việt là hoàn toàn man di, thì là ông chỉ vì sự thật mà thôi.

Nếu vì tự ái quốc gia, họ Khổng đã chép láo là hai nước đó đã được người Tàu khai hóa rồi.

Tên và biên giới của những thái ấp tự xưng là nước Này nước Nọ dưới đời nhà Chu, có thể biết rõ nhờ những tác phẩm như Tả Truyện, Phương dư kỷ yếu giản lãm, Độc sử phương dư kỷ yếu, Thông Giám cương mục, v.v. chẳng những biết về cấp lãnh đạo, mà còn về dân của những nước ấy, họ là dân Trung Hoa hay dân nào khác, đều biết được khá chắc chắn.

Tả Truyện, khi thì nói đến Tùy Hầu khi thì nói đến chúa nước Giang, thì nước nào có Hầu thì nước đó tuy cũng là nước của dân Việt mà bị cán bộ Trung Hoa lãnh đạo nên có sự kiện phong Hầu, còn nước nào mà sách đó chỉ nói đến chúa thì chắc chắn là hoàn toàn Việt, kể cả ông chúa của nước cũng là Việt, chớ không riêng gì dân, vì y không mang tước của Tàu.

Vua nhà Hạ không phải chỉ phong cho một mình tên Vô Dư ở đất Việt mà còn phong cho nhiều người khác nữa. Sở dĩ tên Vô Dư được lưu danh hậu thế là vì các vua của nước Việt Cối Kê về sau khoe họ là con cháu Vô Dư, mà vì nước Việt thì đã làm Bá một thời, rất nên cường thịnh, rất nổi danh thành ra Vô Dư cũng được thơm lây còn những người được phong khác thì về sau đã mất hết đất trong tay nước Sở, không ai buồn viết sử cho họ hết.

Thí dụ ở Bắc Sở có nước Trần, ở Đông Sở có nước Tùy, ở Nam Sở có nước Huyền đều là những nước do bọn di cư nhà Hạ lập ra với chủ lực dân chúng là Việt tộc mà Tàu gọi là Nam man hoặc Việt di.

Nước Trần này, giữ ngôi được hàng ngàn năm cho tới năm 478 T.K. thì bị Sở diệt. Vì cấp lãnh đạo là người Tàu, nên khi bị diệt, họ bỏ dân, chạy trở về Hoa Bắc và cướp ngôi của nước Tề.

Về Châu Dương thì Vũ Cống chép sai. Chương ấy cho rằng châu Dương nằm giữa sông Hoài và biển. Sông Hoài thẳng góc với biển thì làm sao có được một vùng đất ở giữa sông Hoài và biển? Ở giữa sông Hoài và biển là chính sông Hoài ấy chớ. Thật ra thì châu Dương ở dưới sông Hoài, Bắc giáp sông Hoài, Tây là châu Kinh, Đông là biển, còn Nam vẫn tự do y như châu Kinh, người Tàu tiến đến đâu là châu Kinh châu Dương tiến đến đó.

Nhưng cái sai của Vũ Cống dầu sao cũng làm cho bức dư đồ của giáo sư Kim Định về 9 châu kỹ-hà-học không đứng vững được nữa. Vũ Cống chỉ sai có chữ Giữa, nhưng biết đúng là nó ra tới biển Đông, còn bức dư đồ nói trên thì lại để dành biển Đông cho châu Từ.

Nhưng không hẳn là Vũ Cống đã sai. Người Tàu thời xưa khá dễ dãi về tứ phương, và họ nói như vậy là nói theo quan điểm của người Hoa Bắc, đứng trên sông Hoài nhìn xuống mãi thì quả thật tới biển Đông.

Đó là hai châu có tánh cách đặc biệt hơn bảy châu khác nhiều lắm. Tuy nhiên, có châu Duyện ở tỉnh Sơn Đông cũng giống hệt như vậy, tức co, giãn không chừng.

Cho tới đời nhà Chu mà ở phương Đông, người Trung Hoa cứ còn phải đánh nhau mãi với rợ Đông Di và sứ mạng diệt Đông Di do nước Tề đảm nhận.

Dân di cư cứ đông lần lên cho đến đời vua thứ ba của nhà Chu thì Trung Hoa mới phong thật sự cho một nhà quý tộc Trung Hoa là Hùng Dịch, với tước Tử, là tước kế chót. Vì đó là đất man mọi, mà theo quan niệm Trung Hoa họ Hùng không phải là Hoàng thân quốc thích mà chỉ là con cháu của một gia đình làm thầy dạy con vua học, nên không được phong ở một vùng đất lớn, như là bọn bà con của vua.

Nhưng dầu sao Kinh Việt cũng bảnh vì bao nhiêu nước khác dọc bờ Đông sông Hán đều bị Hùng Dịch gọi là “rợ Hán Đông” hết thảy, thì tức y là sếp của một cộng đồng Trung Hoa độc nhứt ở đó, trừ nước Trần ở phía Bắc của y thì không kể.

Hùng Dịch làm tròn sứ mạng cho đến năm con cháu y ly khai với chính quốc. Nhưng đó là chuyện của một chương sau.

Nhưng dân Việt ở Kinh Man ra sao? Đã bảo tên Vô Dư bị bỏ chợ, chính quốc không biết tới y nữa, thành thử chính quốc cũng không có tả dân Việt đó. Nhưng về sau, thì nhóm Trung Hoa di cư và chính quốc có liên lạc với nhau, và nhờ thế mà Tàu Hoa Bắc mới biết Việt đó.

Thật ra thì họ đã biết Việt tại sông Bộc ở Hoa Bắc trước đời Hạ, nhưng trước đời Hạ không có sử thành văn, còn truyền thuyết thì vì quá lâu đời nên thất truyền, vì thế mà cho tới đời Chu Thành Vương, khi Hùng Dịch được phong, thì dân Việt mới được Trung Hoa biết rõ.

Hơn thế, Việt Hoa Bắc không được gọi là Việt thì nếu họ có tả, ta cũng không dè rằng họ tả dân Việt. Họ chỉ tả rõ Đông Di mà thôi, rợ này nhuộm răng đen, nhưng nhờ các tài liệu cổ khác mà ta ráp nối lại với nhau, ta mới biết rợ Đông Di là Lạc bộ Trãi và là cái gì nữa ta sẽ biết ở một chương sau, rất quan trọng.

Xin nhắc lại rằng Việt ở dưới sông Hoàng Hà là dân không phải Tàu, đã có mặt ở Hoa Bắc, nhưng bị đổi tên mà thôi, chớ không phải là chỉ ở Hoa Nam mới là có dân Việt. Dân ở trên kia cũng là Việt, nhưng bị Tàu gọi là gì và xưng là gì ta sẽ rõ.

Dân Việt ở Kinh Man ra sao?

Mãi cho đến đời Xuân Thu, tức một ngàn năm đã qua rồi, mà Tả Khẩu Minh còn ám chỉ một “ngôn ngữ Việt”. Quả thật thế, Tả Truyện kể chuyện quan lịnh doãn nước Sở là Tử Ngươn đi đánh nước Trịnh, đến bên thành Trịnh thì thấy dân chúng bình tĩnh như không có gì, lại còn lên đầu thành mà nói chuyện với xuống bằng tiếng nước Sở tức tiếng Việt.

Câu chuyện này xảy ra dưới đời Đông Chu mà nước Trịnh nằm vắt ngang sông Hoàng Hà, “nửa Nam, nửa Bắc”, nói theo sử Tàu. Dân Việt ở nước Trịnh đã bị Hoa hóa hết cả rồi và họ nói tiếng Tàu, nhưng nhờ ở giáp ranh với nước Sở, nên họ biết ngôn ngữ của Việt đất Sở chưa hoàn toàn bị Hoa hóa, chớ không phải họ là dân Việt đâu.

Xin đừng lầm lẫn danh từ Sở ngữ này của Tả Truyện với danh từ Sở ngữ của sách giáo khoa Tàu ngày nay. Sở ngữ của Tả Truyện là tiếng Việt, còn Sở ngữ của sách giáo khoa Tàu ngày nay là tiếng Tàu nhưng giọng Hồ Quảng.

Ta thử tìm xem chơi cái ngôn ngữ của nước Sở ấy ra sao, chỉ thử chơi chứ chữ Hán phiên âm tiếng Sở, đã sai rồi, rồi bị các nhà nho ta đọc sai một lần nữa thì chẳng còn gì cả.

Đời nhà Hán, nước Ấn Độ tự xưng là Hanh Đu. Ông Tàu phiên âm và đọc là Tsin Tu cũng tạm được, nhưng vẫn sai, thế mà các cụ nhà Nho ta đọc ra là Thân độc thì chỉ còn có trời mà biết Thân độc là cái gì.

Chỉ có các biểu địa cầu đưa ra những danh từ đọc đúng theo những kẻ nói ngôn ngữ ấy, ngày nay, mới là có nghĩa gì.

Nhưng ta cứ thử.

Đọc sử nước Sở, thấy họ có một viên tướng, họ là Đấu tên là Nậu ô Đồ. Tương truyền viên tướng ấy thuở còn là hài nhi được cọp nuôi, nên mới có tên như vậy, và đó là đặt theo ngôn ngữ của nước Sở (theo sử của nước Sở đã chép). Trong ngôn ngữ đó Cọp, gọi là Nậu, gọi là Ô Đồ.

Ngày nay thì ở Nam Dương, họ nói là Sú Sú. Có ăn với Ô Đồ hay không, qua hai ba lần phiên âm?

Còn cọp thì họ gọi là Hari Mâu, có ăn với Nậu hay không, qua bao nhiêu lần phiên âm? (chữ Hari chỉ là trợ ngữ có nghĩa là trời, Trời cọp, như ta nói là ông cọp).

Nhưng ở chương ngôn ngữ tỷ hiệu, ta mới thấy sự thật hiển nhiên, đây chỉ là sẵn đà mà viết vậy thôi, và xin tạm biệt ông tướng Mâu Sú Sú (Nậu ô Đồ). Ta đã thoáng thấy rằng Việt là Mã Lai chánh hiệu rồi đó, ít ra cũng là Việt ở nước Sở, chớ tổ tiên ta thì lại còn là một thứ Mã Lai khác nữa.

Tàu đã biết gì về Việt ở phía dưới sông Hoàng Hà?

Thứ nhứt, chữ Việt nguyên thỉ viết rất kỳ lạ: một nét ngang dài và một cái móc ở dưới. Đó là chữ Việt cuối đời nhà Thương, đầu đời nhà Chu, chớ đời Hạ, không ai biết nó ra sao cả, vì không tìm được cổ tự đời Hạ bao giờ, nếu đời Hạ đã có chữ.

Chữ Việt giản dị đó, đích thị là cái đuôi của chữ Việt thứ nhì trong thư tịch Trung Hoa, chữ Việt mà các nhà Nho ta gọi là Việt bộ Mễ, nhưng người Trung Hoa gọi đó là chữ Việt bộ Nguyệt vài cái bộ Nguyệt là chính khúc đuôi ấy, chớ không phải là chữ Mễ bên trong khung vuông.

Cho tới khi Khổng Tử san định Kinh Thư thì chữ Việt bộ Mễ mới thấy xuất hiện, chớ trước đó thì chỉ có chữ Việt nguyên thỉ là cái đuôi của chữ Việt bộ Mễ.

Tại sao họ lại viết như vậy? Không thấy sách nào cắt nghĩa cả, chúng tôi nghiên cứu riêng thì thấy rằng chữ Việt nguyên thỉ và đơn giản đó, có thể có nghĩa là cái rìu, mà sau này, đến đời Chu người Tàu mới viết lại với KimThích.

Bằng chứng mà chúng tôi trình ra đây chỉ do nhiều năm nghiền ngẫm, như đã nói, không thấy sách nào giải thích cả. Cái chữ Việt đó là chữ tượng hình, hình một loại vũ khí độc đáo mà dân Việt có, lưỡi bằng đồng pha, cán ngắn, dùng để ném đi, chớ không phải để cầm tay mà chém trực tiếp.

Một lưỡi rìu như vậy đã đào được ở Quốc Oai, giữa Hà Đông và Sơn Tây, mà người Pháp cho rằng giống chiếc giày hay một bàn chơn. Cán rìu bằng nhánh cây chớ không phải bằng gỗ đẽo, bằng vào công trình hồi phục lối tra cán cho loại rìu ấy của các nhà bác học Viện Viễn Đông bác cổ.

Chúng tôi xin trình bày ra đây hai bức họa, chữ Việt nguyên thỉ đó, và hình của lưỡi rìu Quốc Oai với cán bằng nhánh cây, theo như đã hồi phục (xem hình trang sau).

Thật ra thì theo sách vở, chữ Việt chỉ có nghĩa là cái búa (le marteau) mà thôi, chữ Phủ mới là cái rìu (la hâche).

Nhưng người Trung Hoa, trong ngôn ngữ thường, đều gọi cả hai thứ là Phủ hoặc là Việt, hoặc là Phủ Việt. Tiếng Quan Thoại, Phủ họ đọc là Fúa, và dân ta đã vay mượn và nói sai chỉ có một chút xíu, từ âm B, thay cho âm F mà thôi. Phủrìu trong sách vở, mà là búa ở trong dân gian (ở Trung Hoa).

Tại sao có sự dùng danh từ hỗn loạn như vậy?

Là tại có một loại rìu, một bên là rìu, còn một bên là búa.

Tiếng Việt Nam cũng không phân biệt, y như tiếng Tàu. Tự điển Khai trí Tiến đức (Hà Nội) định nghĩa búa là búa mà cũng là rìu dùng để bổ cây. Quanh chúng tôi, chúng tôi cũng không nghe ai phân biệt búa rìu một cách quá khắt khe. Người ta nói “Võ khí của Trình giảo Kim đời Đường là cái búa”. Mà thật ra, đó là cái rìu.

Những gì xảy ra cho Phủ cũng xảy ra cho Việt, nghĩa là khi xưa bên Tàu, cái việt, tuy trong sách có nghĩa là búa, nhưng vẫn được dân chúng hiểu là rìu. Mà cái việt là tiếng phiên âm, nó là danh từ chứ không phải danh xưng, mà là danh từ của dân Việt.

Chữ Việt nguyên thỉ đời nhà Thương.

Lưỡi rìu bằng đồng đào được ở Quốc Oai và sự hồi phục cán bằng nhánh cây của Viện Viễn Đông bác cổ. Chữ việt và rìu giống hệt nhau và trong Hoa ngữ thì việt là cái rìu, ngày nay viết khác, một bản Kim, một Thích, nhưng xưa thì như trên.

Dân ấy dùng danh từ đó để chỉ món vũ khí độc nhứt của họ mà Tàu bắt chước cả danh từ lẫn món đồ, chớ Tàu đã có danh từ Phủ và Thích rồi, không cần thêm danh từ Việt nữa mà phải sáng tạo lần thứ ba. Họ phải mượn danh từ vì đã mượn món vũ khí.

Gọi một thứ dân bằng danh từ chỉ một món đồ độc đáo của dân đó, là chuyện đã có xảy ra trong lịch sử, thì giả thuyết rằng họ gọi tên dân Việt bằng danh từ việt chỉ cái rìu của Việt, không phải là vô lý.

Về sau, tự nhiên họ phải viết tên cái rìu (tức cái việt) rắc rối hơn, với bộ Kim, cho phân biệt với chữ Việt tượng hình cái rìu dùng để chỉ tên dân.

Tên dân lạ, thường được Tàu đặt bằng biệt sắc của dân ấy mà lưỡi rìu đó là một biệt sắc rất độc đáo. (Mà nếu quả như vậy thì danh xưng Việt là do Tàu đặt cho ta, chớ không phải do ta tự xưng. Ta chỉ gọi cái rìu của ta là cái việt, chỉ có thế thôi).

Cũng nên nhớ rằng loại lưỡi rìu Quốc Oai nói trên được cả người Việt Nam hiện nay gọi là Búa mặt nguyệt, vì nó hơi giống mặt trăng lưỡi liềm. Đó là nói theo ngày nay mà ta đã vay mượn Phủ rồi, chớ xưa, chắc là nói Việt mặt nguyệt. Nhận xét này cắt nghĩa được tại sao chữ Việt mà ta gọi là bộ Mễ, người Tàu lại gọi là bộ Nguyệt, vì chính họ cũng thấy là cái đuôi quan trọng đó giống trăng lưỡi liềm, bằng không phải vậy thì không sao cắt nghĩa được tại sao bộ Mễ lại bị họ gọi là bộ Nguyệt.

Đây chỉ là ức thuyết. Nhưng rồi chúng ta sẽ thấy ức thuyết này đúng sự thật khi nghiên cứu về tự dạng thứ tư của chữ Việt.

Một người bạn có theo dõi công việc của chúng tôi, đặt ra câu hỏi sau đây: “Dưới đời nhà Thương dân Việt Kinh Man đã biết chất đồng pha hay chưa và đã chế tạo được cái rìu Quốc Oai chưa mà liên kết tự dạng Việt nguyên thỉ và lưỡi rìu đó?”.

Đó là một câu hỏi rất thông minh.

Chúng tôi không trả lời được, vì chúng tôi không có tài liệu nào cả, và trên đây chỉ là ức thuyết.

Dầu sao, dân Việt cũng đã biết đồng pha vào thời Tây Chu. Vào thời ấy họ đã chế tạo trống đồng rồi thì rất có thể dưới đời Thương họ đã biết chế tạo rìu bằng đồng pha, vì đời Tây Chu kế tiếp cho đời Thương, hai trào đại này không xa nhau lắm.


*


Thứ nhì, cái chủng Việt đó ăn cơm. Đó là một điều kỳ lạ đối với người Trung Hoa là thứ dân chưa thấy cây lúa lần nào. Ở địa bàn cũ của họ, vì phong thổ, khí hậu, người Tàu chỉ trồng được kê và lúa mì mà thôi. Nhưng họ không biết làm bánh mì như người Tây phương nên từ mấy ngàn năm rồi, họ ăn bánh bao.

Mãi cho tới ngày nay, người Hoa Bắc cũng tiếp tục ăn bánh bao thay cơm. Đọc truyện Tàu, ta rất ngạc nhiên mà thấy các tay kiếm khách vào tửu quán ăn một hơi ba chục chiếc bánh bao, trong khi đó thì dân Sài Gòn chỉ ăn được một chiếc là no nóc và ngán ngẩm.

Đó là tiểu thuyết nói đến những câu chuyện xảy ra ở Hoa Bắc, và bánh bao bán cho dân ăn rất nhỏ và không có nhân thịt như bánh bao đờ luýt ở Sài Gòn.

Đó đây, trong sách vở, nghe nói ở Hoa Bắc trồng được một thứ lúa như nếp, tức trung gian giữa lúa mì và lúa gạo, chớ không trồng được lúa gạo. Ngày nay thì họ đã biết ăn cơm, nhưng họ ăn chơi như dân Sài Gòn ăn bánh mì, chớ không ăn để mà sống, vì cơ thể của họ không quen. Vả lại muốn ăn cơm phải mua gạo Hoa Nam, tốn tiền chuyên chở, hóa ra cơm là món xa xỉ phẩm đối với Hoa Bắc.

Nhưng cho tới đời Hán, món xa xỉ phẩm ấy cũng chưa được dùng ở Hoa Bắc, vì thời ấy phương tiện vận tải còn kém lắm. Ngay những năm Hoa Bắc bị hạn hán, lúa mì chết hết mà dân Hoa Bắc cũng đành chịu chết đói chớ cũng chẳng có cơm mà ăn.

Trung Hoa nguyên thỉ đã có chữ Điền từ lâu, nhưng điền không phải chỉ có nghĩa là ruộng lúa gạo, mà ruộng lúa nếp, ruộng lúa mì, ruộng kê cũng đều được gọi là điền.

Mễ này thì Tàu chỉ mới biết một ngàn năm sau khi tiên tổ của Hùng Dịch lấy họ Mị. MễMị chẳng liên hệ gì với nhau hết, vì lẽ đó, và người Tàu Hoa Bắc đọc hai chữ đó cũng khác nhau, không hề có vấn đề lầm âm như giáo sư Kim Định đã nói về Mị và Mễ.

Chữ Mị viết khá giống chữ Tân và chữ Thiên, cho nên cụ nghè Ngô Mạnh Nghinh, dịch Phương Đình Dư địa chí, cứ dịch là Tân, hoặc là Thiên, và nó khác xa chữ Mễ, không thể lầm âm, cũng không thể lầm tự dạng được.

Hơn thế, tổ của Hùng Dịch lấy họ Mị một ngàn năm trước khi Hoa tộc biết cây Mễ thì làm thế nào mà có sự lầm âm?

Tới đây rất nhiều người tự hỏi đôi đũa ăn cơm là phát minh của dân ăn bánh bao hay của dân ăn gạo cơm. Nhìn vào Âu châu, người ta đâm tin rằng không phải dân ăn lúa mì đã phát minh đũa đâu. Các thứ dân ăn lúa mì ở Tây phương, ăn bằng tay mãi cho tới ngày nay giới khá giả, không xé bánh mì, mà xắt bánh bằng dao, nhưng rồi khi đưa nó lên miệng, cũng cứ phải dùng tay. Còn dân ăn bánh bao ở phương Đông phát minh ra đôi đũa để làm gì?

Muốn vệ sinh, có thể chỉ dùng một chiếc que nhọn và nhỏ như cây tăm xỉa răng là đủ đưa loại bánh bao nhỏ vào miệng rồi.

Về nghi vấn này, chúng tôi có một bằng chứng rất là quan trọng. Danh từ Đũa đích thị là danh từ Mã Lai, nó có nghĩa là Hai, là Cặp.

Trong khi đó thì Tàu gọi đũa là Trợ, hoặc Khoái tử.

Danh từ Đôi của Việt Nam cũng là biến thể của danh từ Mã Lai Đua, vì ta nói Đôi Đũa thì Mã Lai nói Đua Đua.

Nói thế không phải là để tranh hơn với Trung Hoa, một dân tộc đã có một nền văn minh lớn, mà để cho thấy dân Việt cũng đã khá văn minh rồi chớ không còn là rợ như sử Tàu cứ nói mãi.

Thứ ba, dân Việt ở nơi đó kém văn minh hơn dân Hoa không bao nhiêu, bằng vào những câu sử Tàu tả họ cài nút áo phía bên tả. Họ đã biết mặc áo, chớ không phải là dân còn ở lỗ.

Sử Tàu chép rằng dân Việt ở nước Sở lấy bên tả làm bên thuận. Nhận xét đó ăn khớp với hình khắc ở trống đồng Đông Sơn Lạc Việt, mà bao nhiêu cầm thú đều đi và bay ngược chiều kim đồng hồ, tức bay từ phải sang trái.

Điều thứ tư, họ đã tiến đến văn minh đồng pha, không biết từ bao lâu rồi, chỉ biết đến đời Tây Chu họ đã có trống đồng pha, mà văn minh đồng pha do họ tự tạo chớ không phải học với Trung Hoa. Trống đồng pha là một nhạc khí tôn giáo đặc thù của họ mà thư tịch Trung Hoa đời Chu có nói đến, còn Tàu thì không có trống đồng bao giờ.

Thư tịch Trung Hoa các đời sau cũng có nói đến trống đồng pha của Việt, nhưng đó là Việt ở dưới nữa, ở đây chúng tôi chỉ kể đến Việt trên là Việt đất Kinh Cức mà thôi.

Điều thứ năm, mà họ nhận thấy là dân Việt, vì ăn cơm, ăn cá nên có mình dây (Sveltesse) chớ không bao giờ phát phì (Obésité). Còn người Trung Hoa thì ăn thịt và ăn lúa mì, nhiều chất bổ, nên thường phát phì. Họ lại lai giống với người Tây phương mà bịnh phát phì là bịnh chung của dân Tây phương.

Nhận xét này đã biến thành tục ngữ của họ vào đời Tây chu. “Tần phì Việt xấu”. Họ không so sánh Trung Hoa ở các vùng khác, mà chỉ trỏ người Tần, tỉnh Thiểm Tây, vì Hoa và Việt có biên giới chung với nhau trước tiên tại Nam Tần.

Thế thì Tần chắc một ngàn phần trăm không phải là Việt như giáo sư Kim Định đã nói trong V.L.T.N. Họ là Tần, ăn lúa mì và ăn thịt nên họ mới phì.

Tàu lại có một câu tục ngữ nữa mà Tản Đà rất ưa dùng: “Gỏi Sở, nem Tần”. Đích thị Tần ưa ăn thịt (nem) nên giỏi làm món nem, còn Sở chuyên môn ăn cá nên có tài làm gỏi cá, vì đất Sở có nhiều sông, hồ và đầm lớn. Ăn cá nhiều hơn ăn thịt là thói quen của chủng Mã Lai.

Từ đời nhà Hạ này cho đến đầu Tây lịch, Trung Hoa càng năm càng biết rõ thêm về chủng Việt qua những cuộc lấn vào đất Việt của họ, và càng học được thêm rất nhiều việc của dân Việt.

Họ học thủy vận của dân Việt, học nghề đánh cá của dân Việt, v.v, đó là không kể họ lấy những cái biết của dân Việt làm của riêng của họ mà không hay biết, vì lấy qua trung gian người Việt bị đồng hóa, chẳng hạn đôi đũa ăn cơm nói trên.

Ông H. Maspéro cho biết rằng vài cổ thư thường Trung Hoa nhìn nhận rằng họ học cách lợi dụng nước thủy triều để làm ruộng của dân Việt nhưng không chỉ rõ xuất xứ, dầu sao cũng tin được vì giữa Việt và Hoa, nhà học giả Pháp ấy cảm tình và khâm phục Trung Hoa nhiều hơn thì không thể bảo rằng ông ấy xuyên tạc (B.E.F.E.O. 1918).

Ngôn ngữ Hoa Nam cũng đầy dẫy tiếng Việt, Nhiều chữ trong Nam Hoa Kinh nếu không có thiết âm thì người Tàu xưa không biết đọc mà người Hoa Bắc nay cũng không đọc được vì nó chỉ những gì chỉ có ở đất Việt mà thôi.

Danh từ Trà chẳng hạn là danh từ Việt mà họ học được ở nước Đông Âu (Bắc Phúc Kiến) tại núi Vũ Di sơn là nơi có danh trà, chớ trước đó, họ cũng biết trà, vì Hoa Bắc cũng có trà, tuy là trà dở, nhưng vẫn có, nhưng họ gọi khác, bằng ngôn ngữ của họ, hay của rợ nào thì không biết. Họ gọi nó là Minh (Bắc Việt đọc là Dánh) hoặc Đồ, hoặc gì gì nữa đó.

Trong Nam Hoa Kinh, những động từ Híp mắt, Cá đớp bóng, đều được thiết âm, vì ở Hoa Bắc quá lạnh, ít nắng, dân không bao giờ có dịp híp mắt lại, ở Hoa Bắc cũng không có sông ngòi đáng kể, nên dân Hoa Bắc cũng không nghe thấy cá đớp bóng bao giờ hết.

Ở đây thì giữa Hoa và Việt mới có hợp chủng và hợp văn.

Ở chương Sông Bộc, ta sẽ biết rằng bọn Việt này, mặc dầu đồng chủng và đồng ngôn với bọn Việt Hoa Bắc, nhưng họ sống riêng biệt, chớ không phải là Việt Hoa Bắc chạy xuống đó bằng đường bộ.

Quả thật có một nhóm nhỏ vượt sông Hoàng Hà, và vượt sông Dương Tử sau khi lãnh tụ Xy Vưu bị diệt, nhưng đa số chạy đi bằng đường biển để tới những nơi khác chớ không có xuống Hoa Nam. Các cuộc thám quật đã cho thấy như vậy vì hai thứ Mã Lai đó có vũ khí và dụng cụ khác nhau, mặc dầu có sọ giống hệt nhau.

Tóm lại, chủng Việt ở đó đã văn minh rồi, và văn minh khá cao, cả khi chưa tiếp xúc với Trung Hoa, trước cuộc di cư đời nhà Hạ. Văn minh đó là của họ sáng tạo ra chớ không phải bắt chước của Tàu.

Dân Việt ở đó còn mang năm biệt sắc chung cho toàn khối là tả nhậm xâm mình và xén tóc ngắn, và một vài nhóm Việt hiếm hoi cài nút áo bên trái và nhuộm răng đen. Năm biệt sắc ấy vô cùng quan trọng vì nó giúp ta theo dấu họ, trong không gian và thời gian.

Chúng tôi cố tình tạm giấu biệt sắc thứ sáu mà chỉ tiết lộ ở một chương khác thôi, đó là biệt sắc quý báu và độc nhứt giúp ta biết đích xác ta thuộc nhóm nào trong cái đám Bách Việt đông vô số kể ấy, vì chỉ có nhóm ấy và ta là có mang biệt sắc thứ sáu ấy mà thôi, ngoài ra không có nhóm nào khác mà giống nhóm đó và ta cả.

Chúng tôi có nói là bọn Việt Mã Lai ở Kinh Man hợp chủng và hợp văn với Hoa tộc có thuần tính, vì bọn Tàu di cư chỉ xin ở trọ mà thôi. Nhưng khi họ đến quá đông, lập ra nước Sở thì Việt liên kết với nhau để đánh họ trong một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài nhiều trăm năm, vì Việt Mã Lai chợt thấy nguy cơ bị mất nước.

Sự kiện này được chép trong Tả Truyện và sẽ được nói đến ở một chương sau, trong đó ta thấy lộ ra các sự kiện sau đây:

Việt ở đó đã lập quốc rồi, và tất cả các quốc gia Việt đều liên kết nhau quyết diệt nước Sở và Sở đã có lần lâm nguy, suýt bị Việt diệt quốc.

Lãnh đạo cuộc chống xâm lăng đó là một nhóm Việt từ Hoa Bắc tái lập quốc ở đó.

Nhưng họ Hùng tài giỏi nên giữ vững được địa vị và cơ sở của nước Sở, thành thử rồi Sở thắng và nuốt lần toàn thể Việt ở đó.

Thế nên mặc dầu vài nhóm Việt ở đó đã lập quốc và đã làm rung động cả Trung Hoa chánh quốc, thí dụ dưới trào Câu Tiễn, nhưng rốt cuộc rồi dân Việt cũng thua cuộc vì rồi Trung Hoa xâm lăng và trực trị tất cả mọi nước Việt tên là Sở, Ngô, Việt, Mân, Đông Âu, Tây Âu, v.v.

Dân của những nước ấy bị đồng hóa, bị lai giống với Tàu và chủng Nam Mông Gô Lích thành hình.

Chủng Nam Mông Gô Lích thành hình trong suốt thời gian trên ba ngàn năm, từ đời Hạ đến đời Nguyên. Vào đời Nguyên này, du khách Marco Polo có chép rằng Hoa Bắc gọi Hoa Nam là Man di, tức cuộc hợp chủng và đồng hóa chưa hoàn thành, yếu tố Việt còn mạnh lắm tại Hoa Nam vào thời nhà Nguyên, tức tương đối mới đây thôi. Người Hoa Nam không còn mang cái sọ của người Hoa Bắc nữa, mà dân Việt ở đó cũng không còn mang sọ Mã Lai nữa.

Văn hóa, phong tục, ngôn ngữ Trung Hoa đã tràn ngập đất Việt, nhưng đó là một thứ người Tàu loại khác mà chỉ số sọ khác với chỉ số sọ Hoa Bắc đến 3 đơn vị. Vì thế nên khoa chủng tộc học mới phân biệt ra hai chủng Trung Mông Gô LíchNam Mông Gô Lích. Khi sự khác biệt chỉ số sọ vượt qua một số đơn vị nhứt định nào đó, thì hai chủng không còn được xem là một nữa, mặc dầu họ cũng đồng chủng.

Ở đây chủ trương của chúng tôi ngược hẳn với chủ trương của giáo sư Kim Định. Theo giáo sư thì chính văn hóa Việt tràn ngập Trung Hoa, ngay ở Hoa Bắc và hồi thời xưa hơn (nhưng giáo sư Kim Định nói không có bằng chứng, hoặc với những bằng chứng không đứng vững được).

Nhưng như chúng tôi đã chứng minh rằng không có dấu vết Việt trong văn hóa Trung Hoa ở Hoa Bắc mà chỉ có dấu vết Nhục Chi và Mông Cổ mà thôi. Mà đừng tưởng là vì lâu đời nên dấu vết Việt bị xóa, bằng chứng là dân Mã Lai Dravidiens vẫn còn đông đến 100 triệu, hiện tại Ấn Độ ngày nay, mặc dầu họ đã bị chủng Aryens đồng hóa từ 4500 năm rồi, mà cứ còn quá nhiều dấu vết Mã Lai trong xã hội Dravidiens ngày nay. Và cái họ thì là chuyện không thể chối cãi.

Dưới đây là những khác biệt giữa hai chủng Trung Mông Gô Lích và Nam Mông Gô Lích, không kể cái sọ.
  1. Chủng Nam Mông Gô Lích bé nhỏ hơn chủng Trung Mông Gô Lích nhiều lắm. Người Quảng Đông mà đứng gần người Thiểm Tây, trông như ta đứng gần người Pháp. Đó là vì dân Việt bé nhỏ, họ thành Tàu thì Tàu ấy phải nhỏ, họ lai Tàu, họ làm cho Tàu nhỏ lại.

  2. Chủng Trung Mông Gô Lích màu da ngâm ngâm đen, còn chủng Nam Mông Gô Lích rất trắng bởi trong chủng Việt có chi Thái mà nhiều tiểu chi như Thể, Lô Lô rất trắng. Các vua chúa Trung Hoa từ đời Lục triều, đều tuyển cung phi mỹ nữ ở Hoa Nam mà Dương Quý Phi là một.

  3. Trung Mông Gô Lích thực tế, khô khan, lý trí, còn Nam Mông Gô Lích thì lãng mạn, bồng bột, ưa văn nghệ. Nước Sở thành lập rồi, mới có thuyết siêu hình ở đó, và chính vua Sở bắt đầu xây cung điện đẹp trước Hoa Bắc, và cái cung điện nổi danh trước nhứt của dân tộc Trung Hoa là cung Sở Yêu, ở nước Sở.
Sở từ cũng lãng mạn hơn Kinh Thi nhiều lắm, còn các chuyện thần tiên quái đản của Tàu cũng đều có nguồn gốc tại nước Sở, từ đó về sau.
  1. Theo bác sĩ Huard, giáo sư y khoa ở Hà Nội hồi tiền chiến thì dưới đời nhà Đường đã có những cuộc tranh luận giữa các y sĩ Tàu, họ cho rằng những cân lượng thuốc men của họ chỉ đúng cho người Hoa Bắc mà có thể hại đến tánh mạng của người Hoa Nam, quá bé nhỏ, quá yếu đuối.
Thế thì chủng Nam Mông Gô Lích khác chủng Trung Mông Gô Lích hơi nhiều, chớ không phải là khác chút đỉnh đâu, khi có một cuộc tranh luận như vậy. Thế nên khoa học mới có phân biệt như trên.

Nhưng yếu tố quyết định vẫn cứ là cái sọ.

Ta đã thấy rằng sọ Hoa Bắc khác sọ Hoa Nam về chỉ số. Nhưng không phải chỉ có thế. Sọ Hoa Bắc có tánh cách Mésocéphale (tức sọ dài), còn sọ Hoa Nam thì có tánh cách Brachycéphale đến 40 phần trăm, tức hơi tròn, vì từ Quảng Đông mà Bắc tiến thì tánh cách Brachycéphale ấy càng lúc càng mất đi cho tới bờ sông Hoàng Hà thì nó biến mất, chỉ còn lại độc một tánh cách Mésocéphale mà thôi.

Trong khi đó thì sọ Việt và sọ Mã Lai mang tánh cách Brachycéphale đến một trăm phần trăm. Thế nghĩa là Hoa Nam là Tàu lai Việt, tức lai Mã Lai, và càng tiến xuống phương Nam họ càng lại mạnh hơn, cho đến biên giới Hoa Việt thì hết, hay chỉ có chút ít tánh cách Mésocéphale vì ta có lai Tàu chút ít suốt một ngàn năm bị trị.

Hiện nay yếu tố nhân số một của Trung Hoa ở Sài Gòn có cái sọ dài quá sức tưởng tượng, mà ai cũng thấy được trong tivi. Người Việt Nam không bao giờ có một cá nhân nào mà sọ dài kinh khủng đến thế.

Và một sự kiện hiển nhiên không thể chối cãi được là người Việt Nam lại còn bé nhỏ hơn người Hoa Nam nữa.

Những người Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ, Quảng Đông sang làm ăn ở Sài Gòn đã cho thấy rõ như vậy, họ trung bình, cao hơn ta lối 10 phân tây, còn bề ngang thì có bề thế hơn nhiều lắm. Tuy cũng có vài người bé hơn ta, mà đó là số ít thôi.

Ở Chợ Lớn, phu gạo toàn là người Tàu, vì cái lẽ dễ hiểu rằng người mình không vác nổi một bao gạo chỉ xanh nặng 100 kí-lô để đi xa mấy trăm thước mỗi ngày hàng trăm bận (gạo Việt chớ không phải gạo Mỹ 45 ký-lô).

Cuộc hợp chủng Việt-Hoa ở Hoa Nam lớn lao đến nỗi nó biến hẳn chỉ số sọ của những Hoa Bắc, biến đến cái mức độ mà khoa chủng tộc học phải phân biệt ra Trung và Nam Mông Gô Lích. Mà cho đến cả tâm hồn, trí não, tính tình, vóc dáng và màu da của họ cũng khác người Hoa Bắc.

Ngày nay các quyển sử Trung Hoa nhìn nhận rằng dân tộc họ do 5 chủng: Hoa, Hồi (Hồi Hột chớ không phải Hồi giáo), Tạng, Mãng, Mông tạo thành. Họ quên mất chủng Việt là chủng đã đưa nhiều yếu tố chủng tộc vào đó nhứt vì dân Hoa Nam đông hơn dân Hoa Bắc.

Không phải vì họ bị mặc cảm lai “man di” mà phủ nhận chủng Việt đâu. Họ chỉ không biết mà thôi, hoặc quên đi. Họ không biết có dòng máu Nhục Chi. Họ lại quên Việt. Nước Sở cứ bị xem như là nước của người Tàu, họ không biết rằng đa số dân Sở là đủ thứ man di, trong đó Việt văn minh hơn hết và chiếm đa số. Họ lại quên rằng trong cái nước Sở bị họ diệt hồi đời nhà Tần, có nước Ngô và nước Việt trong đó, mà toàn dân là Việt.

Với Việt, sự hợp chủng len lỏi vào rất lâu đời, Hạ, Nguyên: 3 ngàn năm, và chậm chạp, các nhà bác học Pháp và Anh thường dùng danh từ Osmose để tả cuộc hợp chủng đó. Hiện tượng Osmose làm cho người Tàu quên yếu tố Việt.

Còn với Hồi, Tạng, Mãng, Mông thì họ không thể quên vì nó mới xảy ra về sau này (không kể yếu tố Mông nguyên thỉ lúc Mông hợp chủng với Nhục Chi), lại xảy với ra một cách ngoạn mục vì bốn chủng ấy xâm lăng họ, chiếm đất đai mà họ đã lập quốc nơi đó và hùng cường từ lâu rồi.

Học ngôn ngữ Trung Hoa chúng tôi thấy rằng Quảng Đông, Mân Việt, v.v. nói tiếng Tàu sai giọng chút ít chớ không hề có phương ngữ Quảng Đông, phương ngữ Mân Việt như toàn thể thế giới đều ngộ nhận.

Tuy nhiên, những người Tàu Hoa Nam còn giữ được lối một trăm danh từ Mã Lai trong ngôn ngữ Tàu đọc sai đó, những danh từ ấy cũng có mặt trong Việt ngữ, y hệt như vậy (sẽ thấy ở các biểu đối chiếu ngôn ngữ).

Thế nghĩa là Tàu Hoa Nam là Mã Lai bị lai giống và đồng hóa đến 90 phần trăm.

Từ nhà Hạ về sau, các đời vua Trung Hoa đều lấy phương Nam làm hướng tốt, xây cung điện, thành quách, luôn luôn hướng về phương Nam. Sách Tàu nói rằng đó là theo thuyết âm dương và thuyết ngũ hành, nhưng không phải thế. Họ tự nhiên thấy rằng đó là hướng tốt vì đó là con đường bành trướng thành công độc nhứt của họ, và họ làm thế để tự nhắc nhở cái nẻo đúng mà họ phải theo, cả về sau này nữa.

Thuyết âm dương và ngũ hành cho rằng hướng Nam là hướng tốt là nói theo kinh nghiệm của dân tộc họ, chớ không phải là nói theo quy luật thần thánh mà dân tộc họ bắt buộc phải mù quáng nghe.

Day mặt hướng Bắc là thái độ của chư hầu và buồn cười lắm là dưới thời Chiến quốc, các chư hầu phương Bắc, như nước Yên chẳng hạn, ngồi nói chuyện với vua nhà Chu hay một tay Bá nào đó, lại phải ngồi ở phía Nam của ông ấy để tỏ thái độ thần phục.

Tới đây thì ta thấy sử gia Pháp René Grouset đã sai lầm, trong quyển “Sử ký Trung Hoa”, khi ông viết rằng: “Dưới đời nhà Hạ, dân Trung Hoa từ ngã ba sông Vị và sông Hoàng Hà di cư xuống lưu vực sông Dương Tử và hợp chủng với dân ở đó, dân ấy đồng chủng với họ”.

Phong tục day mặt hướng Nam của hoàng gia và quý tộc, rồi sau này của cả dân chúng Tàu nữa, làm sụp đổ cả triết thuyết Chiêu Mục của giáo sư Kim Định.

Theo giáo sư thì văn minh Tàu do Việt, mà Việt ở hướng Đông và văn minh hơn Tàu nên bên Chiêu tức hướng Đông tượng trưng cho văn hóa, được ưu tiên.

Nhưng Việt đâu có ở hướng Đông của Tàu. Họ ở hướng Nam đó chớ. Bọn Việt ở hướng Đông đã chạy đi hết cả rồi, như khoa khảo tiền sử đã cho biết, chạy ngay từ thời Hiên Viên. Mà chính ở hướng Tây, Việt mới còn lại mãi đến đời Chu, vì khoa chủng tộc học khám phá ra rằng Khuyển Nhung tức là Mã Lai, về sau biến thành Môn rồi Miến Điện, tới đời Đông Chu mới bị diệt.

Ở hướng Tây lại còn một thứ Việt nữa mà cho đến đời Tần mới bị đánh đuổi vĩnh viễn, đó là rợ Khương (Khờ Me).

Như thế thì bên Mục mới là Việt, chớ có đâu lại bên Chiêu? Nhưng Mục lại không bao giờ được ưu tiên là làm sao?

Họ cho hướng Đông ưu tiên không biết vì lẽ gì, nhưng hướng tốt của họ là hướng Chánh Nam, mà đó là hướng của thứ Việt, còn Đông Đảo đến đời Nguyên, mà tục dành ưu tiên cho Đông tức Chiêu đã có từ lâu đời rồi.

Cái hướng tốt đó, không có tượng trưng cho văn hóa, mà đó là hướng gió lành, hướng họ thành công về kinh tế và về việc bành trướng biên cương, Đông chỉ được ưu tiên phụ thuộc, đối với Chánh Nam là cái gì rất là thiêng liêng và quan trọng.

Khi con người cần day mặt phương Nam thì đương nhiên Chiêu của họ phải ở hướng Đông. Họ không hề kể đến Chiêu cho lắm, mà chỉ kể hướng Đông, là hướng gió mùa, tốt hơn Mục là hướng gió lục địa.

Mà hễ khi Mục là hướng xấu thì, theo luật ham đối của Tàu, đương nhiên Chiêu phải là hướng tốt, nhưng chỉ tốt vậy vậy thôi, không thấm vào đâu sánh với hướng Chánh Nam cả, Chiêu chỉ tốt tương đối vì lý do hậu quả của quan niệm ham đối của Tàu, Chiêu chỉ là hướng tốt hạng nhì mà thôi.

Ngày mùng năm tháng năm được sách vở Tàu cho là ngày xấu vì lý do thần thánh. Nhưng thật ra buổi đầu cũng cứ chỉ vì thời tiết, vì đó là ngày kinh khủng của Hoa Bắc về mặt khí hậu (H. Maspéro).

Tất cả đều bắt nguồn ở kinh tế và khí hậu, không có vấn đề văn hóa Việt ở trong đó mà nếu có thì là chính Nam, chớ không là Chiêu, Mục được, vì Việt còn sống sót cho tới cuối đời nhà Nguyên là Việt Chánh Nam, còn Việt hướng Đông đã chạy mất hết cả rồi, ngay sau khi Xy Vưu bị diệt.

Nhưng đừng tưởng Tàu không trọng hướng Tây, không trọng Mục. Phải chăng truyền thuyết của họ cho rằng Lão Tử đi xe tiên ở hướng Tây vào cuối cuộc đời làm quan?

Thương, Chu, Tần đều thờ Mục, tức hướng Tây, vì đó là đất chánh của họ, họ được phong thái ấp ở đó và nhờ đó là Cao nguyên, lại cứ bị rợ đánh mãi nên họ quen chiến chinh và luôn luôn thắng.

Nhưng theo giáo sư Kim Định thì Tàu đích thị là Việt ở lại kia mà, để cho cồng bà lấn lịnh ông, cả ở Hoa Bắc nữa, thì sao Việt trá hình làm Tàu lại ngạo nghễ đứng từ phương Bắc để day mặt nhìn phương Nam theo lối kẻ cả vì phương Nam cũng cứ là Việt?

Nếu họ là Việt thì họ đã không nhìn hướng Nam với con mắt kẻ cả, mà với con mắt thương mến, kính nể, còn chư hầu của họ cũng không phải day lưng hướng Nam, day mặt hướng Bắc để tỏ lòng thần phục họ.
Nhưng dầu sao, vấn đề chính cứ là Chiêu Mục, mà Chiêu được trọng ban đầu vì lý do hậu quả. Người ta chỉ trọng Đông mà thôi. Nhưng người cần nhìn Nam, hóa ra Đông là Chiêu của người ta, Chiêu không có cái nghĩa chính yếu, cốt tủy nào hết mà chỉ là hậu quả đương nhiên của kẻ mạnh ưa ngạo nghễ nhìn phương Nam.

Vấn đề Đông Tây Nam Bắc đều do địa hình khí hậu và kinh tế cả. Dân Ai Cập xem hướng Bắc là ở dưới vì nguồn sông Nil ở phía Nam của họ. Dân Cao Miên xem hướng Đông ở trên hết vì mặt trời mọc ở đó, mà mặt trời thì ở trên cao (theo quan niệm Cao Miên).

Dân Tàu xem hướng Nam là tốt vì họ đã thành công ở đó và có mộng sẽ thành công nữa, vì cho tới ngày nay họ cũng chưa bỏ tham vọng về Đông Nam Á. Lẽ thứ nhì là vì gió Bắc ở Trung Hoa là thứ gió chướng rất độc, gió Nồm mới là gió lành.

Họ trọng Chiêu chỉ vì trọng Đông bởi Đông ở bên Chiêu của kẻ dòm ngó phương Nam. Mà họ trọng Đông cũng chỉ vì khí hậu, bởi gió Đông lành hơn gió Tây lục địa.

Chiêu chỉ là chuyện phụ thuộc, chỉ là hậu quả của tinh thần trọng Đông, vì Đông là hướng gió mùa Đông Bắc rất cần cho mùa màng của họ.

Dân Việt, bất kể Bắc Nam Đông Tây vì họ không phải là kẻ Bắc tiến, họ không có bọn thần phục ở hướng Bắc.

Nhưng họ tả nhậm không vì lẽ Chiêu Mục nào hết, mà vì lẽ tiện lợi. Tay mặt thường thì giỏi hơn tay trái. Như vậy bắt Mục làm công việc cài nút áo là hợp lý, một cái lý rất là tầm thường và giản dị, chớ không có triết học nào hết.

Và vì quen làm việc bằng Mục, họ thấy là Mục phải, và Chiêu trái, nghịch hẳn với Tàu, mà đó chỉ vì quen thói mà thôi chớ cũng chẳng vì triết lý nào hết.

Tóm lại, đối với Việt, Đông Tây Nam Bắc đều không có nghĩa vào cổ thời. Ngày nay họ trọng Đông Nam mà đó là nhờ khoa khí tượng cho họ biết gió Đông Nam lành, gió Tây Bắc là gió lục địa, rất xấu, cái thứ gió Lào Nghệ Tĩnh mà họ rất sợ.

Còn tại sao cách đây 5.000 năm họ di cư về Nam mà không về Bắc thì quá dễ hiểu. Biển Bắc thường bị băng giá, đâu có tiện cho việc hàng hải.

Riêng vài nhóm Bách Việt như Chàm, Nam Dương thì ngày nay họ lại trọng Tây Nam vì đó là hướng của thành La Mecca, thánh địa của họ.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.