Tủ sách talawas 18.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
Chương VIII
Thượng Việt, người Mường và Tô-tem Lạc Việt
Trong lãnh thổ ta có hai dân tộc chưa được khoa học biết đích xác, đó là Thượng Việt và người Mường, trong khi Lôlô, Mán Tiền, Mán Đại bản gì cũng được biết chắc họ thuộc chủng nào.
Ta cứ tưởng Thượng Việt gồm nhiều dân tộc: Sơ Đăng, Bà Na, Rađê, v.v. nhưng sự thật thì họ chỉ là các bộ lạc của một dân tộc độc nhứt, thế nên chúng tôi mới nói là có 2 dân tộc chưa được biết, mà trong đó có người Thượng. Không giải thích dài dòng, e sẽ bị cho là sai vì ai cũng tưởng trên Cao nguyên có hai ba chục dân tộc.
Ai cũng nóng lòng muốn biết hai dân tộc ấy thuộc chủng nào và đợt nào của chủng nào, nhưng chúng tôi phải đợi tới chương này mới đếm xỉa đến hai thứ đồng bào ấy được.
Chúng tôi gọi họ là đồng bào là gọi đúng 10 phần trăm chớ không phải là mị dân đâu, vì khoa học đã nhìn nhận rằng đồng bào Thượng là Indonésien từ nửa thế kỷ nay, tại thiên hạ cứ ngỡ Anh Đô Nê là Mọi. Nay biết rằng Anh Đô Nê là Mã Lai, mà chúng tôi vừa chứng minh rằng Việt Nam là Mã Lai thì họ với ta là đồng bào rồi vậy.
Ta cần biết Thượng Việt ngày nay, xem họ là ai, có phải là Cao Miên như các ông Tây đã nói hay không?
Các ông Tây thấy danh từ của ai mà giống Cao Miên, đều cứ nhắm mắt nói càn là họ vay mượn của Cao Miên (như khi nói về ngôn ngữ Việt) hoặc họ là phụ chi của Cao Miên, chỉ vì các ông không biết chủng Mã Lai ở Đông Nam Á có 2 đợt, mà đợt I có nghĩa ngữ giống nhau. Các ông chỉ biết có Cao Miên và tôn Cao Miên làm bực thầy vì thấy Cao Miên có đền Angkor. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng không phải người Cao Miên đã xây cất đến Angkor đâu mà tưởng họ là thầy của tất cả.
Ngay trong các biểu đối chiếu, quý vị đã thấy rằng có rất nhiều danh từ mà Thượng và ta đều có, trong khi đó thì Cao Miên không có. Nhưng các biểu đối chiếu ấy không nói lên được gì cho nhiều. Phải biết trọn ngôn ngữ Cao Miên và Thượng, mới thấy rằng quả thật họ gần Việt Nam hơn Cao Miên, mà gần một cách lớn lao, to tát, trong khi giữa họ và Cao Miên không có núi cao, còn giữa họ và ta có Trường Sơn, thì họ là ai, đã rõ rồi.
Trên thế giới, chỉ có hai người Pháp là biết rằng Thượng Việt là Mã Lai chớ không phải Cao Miên (mặc dầu Cao Miên cũng là Mã Lai). Đó là hai ông Antoine Cabaton, giáo sư Mã ngữ tại Trường Ngôn ngữ Á Đông ở Ba Lê, và ông Louis Charles Damais, một nhà bác học về Mã Lai học. Nhưng ông thứ nhứt không được ai nghe, ông thứ nhì chưa kịp viết gì hết về người Thượng rồi qua đời năm 1966.
Ông A. Cabaton đã thấy rằng căn bản ngôn ngữ của người Thượng là Mã Lai ngữ, đã sắp loại nhóm Thượng nào bị Cao Miên hóa ít hay nhiều, bằng vào sự xâm nhập của danh từ Cao Miên vào ngôn ngữ của họ. Như vậy thì quá rõ, không hiểu sao mà ai cũng bất kể đến tác giả quyển tự điển Pháp – Chàm ấy hết.
Nhưng biết Thượng Việt là Mã Lai cũng chưa đủ, còn phải biết rằng họ là Mã Lai đợt I hay đợt II mới là chính xác hơn. Điều này thì ai cũng có thể biết bằng cách dựa vào ngôn ngữ. Người Giarai và người Rađê nhứt định là Mã Lai đợt II. Tất cả các nhóm khác là Mã Lai đợt I vì họ dùng danh từ Mã Lai đợt I mà có hai nhóm rất gần ta, gần khít nút là Khả Lá Vàng vì ta hiểu được một câu nói của họ, kế đó là người Mạ mà chúng tôi đã nghiên cứu loại từ Con và Cái được, nhờ ngôn ngữ của họ. Và điều thứ ba mà ta cần biết là bọn đợt I từ Trung Việt lên Cao nguyên, hay từ Cao Miên sang Cao nguyên.
Nếu chứng minh được điều đó thì các thuyết của Tây về Thượng Việt sai hết, các ông Tây cho rằng Thượng Việt là một phụ chủng Cao Miên, mà như vậy, họ phải từ Cao Miên sang Cao nguyên.
Chứng minh được điều đó thì cổ sử Chiêm Thành sẽ rõ ràng hơn. Người Chiêm Thành, cứ bằng vào ngôn ngữ của họ, là Mã Lai hỗn hợp y hệt như Việt Nam. Nhưng yếu tố Mã Lai đợt I do đâu mà có, phải chăng là họ đến sau, đánh đuổi người Thượng lên Cao nguyên, nhưng đánh đuổi không hết, vì thế nên vốn là Mã Lai đợt II, họ lại dùng đến 30 phần trăm danh từ của Mã Lai đợt I, chính vì chủ của đất cũ là Thượng Việt không đi hết mà có ở lại để sống chung với họ, biến thành Chàm.
Cổ sử Chiêm Thành không được các ông Tây biết rõ, họ nói rất sai là người Chàm từ vùng Đa Đảo di cư tới Trung Việt trong khi người Chàm chỉ ở Hoa Nam, tới Trung Việt một lượt với người Mường tới Bắc Việt.
Bằng chứng mà chúng tôi đưa ra là danh từ Đàn Bà.
Đa Đảo: Wahinê
Mã Lai: Wanita
Chàm: Càmay
Việt: Mái, Cái
Nếu Chàm là Đa Đảo, họ đã nói Wanita hoặc Whinê, chớ không làm sao mà nói Càmay được. Ngôn ngữ Đa Đảo chỉ là Mã Lai đợt II + ngôn ngữ Mê-la-nê, trong khi đó thì Chàm ngữ là một phụ ngữ của Mã Lai đợt II, không có yếu tố Đa Đảo nào hết.
Khi viết sử cho Chiêm Thành thì các ông Tây chưa hay biết rằng có Mã Lai đợt I, đợt II gì cả, nên các ông rất mù mờ về buổi đầu của dân Chàm, không biết họ từ đâu đến Trung Việt, và đến vào thời nào.
Các ông nói đến thổ trước bị Chàm đánh đuổi chạy lên rừng, mà không biết thổ trước ấy là ai, tức là đoán mò rồi đây.
Chứng tích dưới đây cho thấy Thượng Việt là Mã Lai, chớ không phải Cao Miên, mặc dầu Cao Miên cũng là Mã Lai, nhưng Mã Lai loại khác, không thuộc loại di cư bằng đường biển.
Năm 1949, phu Công chánh đã đào gặp tại một công trường ở Darlac những cổ vật bằng đá mài đồng tuổi với cổ vật Bắc Sơn. Nhà tiền sử học A. Schaeffaer nhận diện được đó là một nhạc khí bằng đá mà âm thanh giống nhạc khí đồng của Mã Lai, và khác với nhạc khí bằng ngọc thạch của Tàu.
Đó là một bằng chứng Thượng Việt là Mã Lai đợt I vì Mã Lai đợt II chỉ mới tới khoảng 500 năm trước Tây lịch thì không sao mà có cổ vật 5.000 năm được.
Có thể nào mà họ từ Đông Ấn Độ sang Cao nguyên Việt Nam, trước Cao Miên chăng? Không. Cái bọn Mã Lai Lạc bộ Chuy không có chế tạo nhạc khí bằng đá. Và nếu người Thượng đã từ Đông Ấn Độ sang thì họ ở lại đất Cao Miên nay là đất phì nhiêu chớ không dại mà lên Cao nguyên ta là nơi khí hậu xấu, đất lại cũng không tốt gì. Đất của người Sơ Đăng, toàn đá núi, năm nào họ cũng đói kém nhiều tháng, họ không có điên dại mà không định cư ở Cao Miên này, đi tìm một sự khốn khổ như vậy. Họ cũng không thể bị Phù Nam hay Cao Miên đánh đuổi về sau vì họ rất giỏi và hiếu chiến, hai thứ dân kia, vào thuở ấy có bị họ đàn áp thì có chớ không thể bị họ đánh đuổi.
Đất Cao Miên xưa, tức Trung Lào, hay Cao Miên nay gì cũng phì nhiêu và có khí hậu tốt hơn đất Cao nguyên cả.
Vậy nếu họ là Cao Miên thì họ đã không sang Cao nguyên vì Cao Miên xưa hay nay gì cũng thừa đất chớ không thiếu đất tốt.
Bằng như họ cũng là bạn cùng đường với Cao Miên, chớ không là Cao Miên, họ cũng ở lại xứ Cao Miên với người Cao Miên vì người Cao Miên không có đánh đuổi họ, bằng chứng là người Pnong vẫn ở lại được trong lãnh thổ Cao Miên mà không bị đánh đuổi.
Tưởng lối suy luận của chúng tôi, khó lòng mà bác được, vì dân Cao Miên thuở xưa rất ít, họ chỉ van lạy người đồng chủng ở lại với họ để lập quốc, chớ không thể đánh đuổi ai hết.
Và ta cứ ngắm một người Thượng, bất cứ nhóm nào. Sơ Đăng, Rađê, Mạ mà xem, thì ta thấy rõ ràng là người Thượng rừng rú lại xinh đẹp hơn Cao Miên thị thành nhiều lắm. Sao phụ chi lại bảnh hơn chánh chi?
Ta chỉ có thể hiểu rằng người Thượng là Mã Lai đợt I di cư bằng đường biển, cùng lúc với ta và chiếm địa bàn Trung Việt vì địa bàn Bắc Việt đã bị ta chiếm rồi.
Sử Chiêm Thành nói rằng Chàm đã đánh đuổi thổ dân ở Trung Việt rồi lập quốc ở đó. Nhưng không có một ai mà biết thổ dân đó là ai cả, và rồi họ đi đâu.
Khi mà ta biết được rằng người Chàm là Mã Lai đợt II thì ta phải hiểu rằng thổ dân ấy là Thượng Việt, chớ không còn ai vào đó nữa cả.
Dựa vào nhạc khí thời Bắc Sơn ở Darlac, ta kết luận được rằng Thượng Việt làm chủ Trung Việt và Cao nguyên rất lâu đời, chớ không phải chỉ làm chủ Trung Việt mà thôi. Sở dĩ chưa tìm được dấu vết của Mã Lai đợt I ở Trung Việt vì các nhà đào bới Pháp, bận say mê đất Chiêm Thành, không có đào bới gì hết ở Trung Việt một cách đáng kể. Tuy nhiên, họ đã có gặp dấu vết Mã Lai đợt I ở lộ thiên mà không dè.
Đó là dấu vết Tam Tòa. Trạm Tam Tòa không thể là dấu tích của đợt II vì chỉ có đồ đá mài mà không có dụng cụ canh nông, cũng không thể là dấu tích của hai chủng Mê-la-nê và Nêgrito vì hai chủng đó một quá kém cỏi, trên thế giới, nơi nào họ cũng không tiến lên đá mài được, đó là chủng Négrito, còn chủng Mê-la-nê thì riêng ở Việt Nam, chưa tiến lên thời đại đá mài.
Chỉ có một nhóm người mới có thể là tác giả của những cổ vật Tam Tòa, đó là Mã Lai đợt I. Nhạc khí Darlac và đồ đá mài Tam Tòa, tuy chỉ là hai dấu vết nghèo nàn, nhưng đủ sức vẽ ra được lộ trình của Mã Lai đợt I.
Darlac là địa bàn của Mã Lai đợt I, nhưng ngày nay nó lại là địa bàn của người Rađê tức Mã Lai đợt II. Thấy quá rõ rằng Chàm, chẳng những đánh đuổi Mã Lai đợt I lên núi rừng, lại còn rượt theo họ nữa, và hai nhóm Rađê và Giarai là hai nhóm Mã Lai đợt II không lập quốc được như Chiêm Thành, vì ở núi rừng họ thiếu điều kiện hơn Chàm, nhưng thuở mới di cư đến Trung Việt thì Chàm, Rađê, Giarai đều có một nền văn minh ngay, đó là nền văn minh của Mã Lai đợt II vào buổi ấy mà có lẽ Rađê và Giarai còn giữ cho đến ngày nay, không thay đổi gì hết, đại khái biết nuôi gia súc, biết kim khí, biết trồng trọt, nhưng không giỏi lắm.
Ta có thể tưởng tượng rằng người Sơ Đăng bị Chàm đánh đuổi chạy lên Kontum qua nẻo Trà Mi, Ngọc Lĩnh. Đó là đường núi khó đi nên Mã Lai đợt II không có rượt theo họ. Bà Na thì chạy lên Cao nguyên, qua đèo An Khê mà hiện nay họ còn giữ đất, quanh An Khê.
Mã Lai đợt II rượt theo họ qua ngã Ninh Hòa, Cheo Reo, chiếm Phú Bổn, tràn qua Pleiku, lấn xuống Darlac.
Các nhóm Mã Lai đợt I khác như Mạ, Xi Tiêng, Kô Hô thì xem ra không phải là Trung Việt lên, mà từ Phù Nam lên, theo nghiên cứu về người Mạ của ông Bourotte và của riêng của chúng tôi: Nam Kỳ và Cao Miên nay cũng là đất của Mã Lai đợt I (với lưỡi rìu tay cầm) nhưng cũng bị bọn đợt II cướp lấy để dựng lên nước Phù Nam, dân Phù Nam có ngôn ngữ của Mã Lai đợt II, có trống đồng, như đã thấy và sẽ thấy, vì thế mà Mạ, Xi Tiêng, Kô Hô Pnong mới phải chạy lên núi rừng, nhưng không đi ngay như Bà Na và Sơ Đăng mà chỉ mới chạy đi khi đế quốc Phù Nam tan rã, vì dân Phù Nam quá thưa, họ cần những hợp tác mà không đánh đuổi bọn đợt I.
Dân Sơ Đăng có lẽ chạy rất ít vì đường khó đi, và Bắc Chiêm Thành có ngôn ngữ gồm nhiều yếu tố Mã Lai đợt I hơn Nam Chiêm Thành. Trung tâm của nước Lâm Ấp, sau khi họ dựng nước chừng một trăm năm thì từ Thừa Thiên được xê dịch xuống Quảng Nam, vì ở đó dân chúng sinh tụ đông đảo, mà đông đảo là nhờ thổ trước còn ở lại rất đông.
Đây là chương mà chúng tôi có chứng tích rất ít ngoài nhạc khí Darlac và ngôn ngữ tỷ hiệu, một chứng tích mà khoa học chê. Nhưng thử hỏi tại sao họ cách biệt với ta bằng Trường Sơn mà danh từ của họ lại giống ta nhiều hơn là giống Cao Miên, trong khi đó giữa họ và Cao Miên không có núi cao đáng kể.
Nên biết đất Cao nguyên là đất dốc, phía cao ở chơn Trường Sơn, phía thấp ở bờ Cửu Long. Con người đi xuống đồng bằng chớ không từ đồng bằng lên núi rừng.
Họ không đi xuống mãi được vì họ không phải là Cao Miên nên bị Cao Miên không cho nhập cảnh.
Khoa học chê ngôn ngữ tỷ hiệu cũng có lý do vì có người sử dụng khoa đó không phải để kiểm soát lại những điều đã được biết chắc nhờ các khoa quan trọng hơn, mà để kết luận về những điều chưa được nghiên cứu, như trường hợp người Thượng Việt đây là một.
Khoa học chê là chê lối sử dụng, chớ nếu chỉ dùng để bổ túc cho những thiếu sót của khoa khảo tiền sử và chủng tộc học thì đã khác rồi.
Ông G. Cocdès là người đã biết Thượng Việt và Cổ Mã Lai, lại đủ can đảm gọi họ là Dravidien, thế mà lại viết to rằng Thượng Việt là phụ chi của Cao Miên.
Nếu họ là phụ chi của ai thì họ phải là phụ chi của Lạc bộ Trãi, chớ không thể của Khơ Me. Cứ bằng vào lộ trình di cư của họ, không thể nào mà ta quan niệm được rằng họ là bạn đường của Munda và Môn, mà phải là bạn đường của Lạc Việt.
Lịch sử của tình hình, trừ hai nhóm Rađê và Giarai, có thể viết được ở đại cương. Bằng vào nhạc khí Darlac, ta biết rằng họ có mặt ở Cao nguyên cả trước khi Mã Lai đợt I ở Trung Việt bị đánh đuổi lên đó, tức từ 5.000 năm rồi. Như vậy thì Lạc bộ Trãi không chỉ có ghé chính vì thế như tiền sử học cho biết, mà có ghé khắp nơi ở Đông Pháp, mà chứng tích thấy được ở Darlac, ở Cao Miên hiện nay, ở Ai Lao, ở Biên Hòa, còn ở Trung Việt thì chưa thấy. Nhưng chưa thấy không có nghĩa là không có.
Ở Đông Pháp, họ gặp Lạc bộ Chuy (Môn) tại bắc Thái Lan và Cao Miên nay (người Thái Lan, mà cả người Khơ Me cũng chưa di cư tới). Nhưng ở đó họ không dựng nước được thì thật là khó hiểu vì đất Cao Miên nay là đất đủ điều kiện cho họ dựng nước. Nhưng chưa chắc họ đã không có nước, chỉ vì nước của họ xuất hiện trước khi Trung Hoa xuống đó, tức trước đời Hán, nên không ai biết đó thôi, còn bọn Mã Lai đợt II tới cướp đất của họ thì lại quá kém, không có sử để cho đời sau biết là họ đã diệt nước cũ nào. Nhưng bằng vào ngôn ngữ của họ ta bắt gặp được danh từ vua, chúa, thì ta suy đoán được là họ đã có nước.
Ta chỉ biết có bấy nhiêu đó thôi về họ, nhưng cũng đã là một cuộc khai quang Đông Nam Á mà trước đây ta hoàn toàn mù tịt về những gì xảy ra trước năm 1.
Nhưng về người Mường, ta biết rõ và chắc hơn nhiều, và xã hội Mường đã soi sáng thượng cổ sử ta, đó là cái may hy hữu mà một nhơn chứng của thời Hùng Vương còn sống sót, để cho ta biết Hùng Vương là ai, liên hệ thế nào với người Mường.
Cho đến nay, không ai biết người Mường đích xác là thứ người nào, một thứ dân nào đó còn kém mở mang, đã chịu ảnh hưởng của Việt rất nhiều, hoặc đó là dân Việt cổ thời, vì ở núi rừng, không bị Hoa hóa, nên còn giữ được nếp sống của thời Mã Viện?
Nhưng khoa ngôn ngữ tỷ hiệu cho ta biết thật đúng họ là ai.
Họ là bọn bổ sung cho dân của vua Hùng Vương, tức bọn Mã Lai đợt II, chớ không còn gì bí mật nữa hết.
Sống chung với nhau từ 2.500 năm nay, dĩ nhiên là cả hai đợt đều giống nhau, tuy nhiên người Mường còn giữ được thật đúng một số danh từ mà người Mã Lai Nam Dương đang nói.
Xin nói thật rõ về chỗ này. Chính người Việt Nam cũng đã dùng ít lắm là 40 phần trăm danh từ riêng của Mã Lai Nam Dương, cộng vào đó 40 phần trăm danh từ chung của hai đợt như Lá chẳng hạn.
Nhưng họ vẫn có 20 phần trăm danh từ riêng của đợt I mà Mã Lai Nam Dương tuyệt đối không biết.
Người Mường cũng giữ được lối 20 phần trăm danh từ của đợt II, tức của Mã Lai Nam Dương, mà Việt Nam tuyệt đối không biết.
Chúng tôi xin đơn cử ra hai danh từ Mường mà người Việt tuyệt đối không biết, mặc dầu một trong hai danh từ đó đã trở thành địa danh của ta.
Danh từ thứ nhứt là danh từ Tô của người Mường, Tô, trong ngôn ngữ của Mường là cây dâu tằm, mà Mã Lai Nam Dương thì nói là Pảtô.
Danh từ thứ nhì là danh từ Đuống, là lúa gạo.
Mã Lai Nam Dương: Pa-đi
Rađê: Pơ-đai
Giarai: Pơ-đai
Chàm: Pơ-đai
Mường: Pơ-đuông
Ngày nay thì người Mường nói Đuống, vì chịu ảnh hưởng đa thanh của đợt I, và bỏ Pơ, vì chịu ảnh hưởng độc âm của đợt I, chớ xưa họ nói Pơ-đuông.
Đuống trở thành tên của một con sông nhỏ ở Bắc Việt, có lẽ vào cổ thời là địa bàn định cư của bọn đợt II, nơi đó họ sản xuất Pơ-đuông.
(Danh từ này, Âu châu mượn của thổ dân châu Mỹ và biến thành Paddy. Và thổ dân châu Mỹ đích thị là Mã Lai Nam Dương di cư sang Mỹ).
Không bao giờ mà dân Việt Nam có dùng hai danh từ ấy trong ngôn ngữ của ta, chỉ trừ tên con sông mà ta không hiểu nghĩa.
Dĩ nhiên là người Mường cũng dùng danh từ Lúa gạo của đợt I mà họ đọc theo xưa là Ló, nhưng đó là vay mượn vì sống chung, nhưng họ thích dùng danh từ đuống hơn, vì đó là danh từ của họ.
Bằng vào hai danh từ đó và vào vài yếu tố quan trọng khác sẽ kẻ đến sau mà thôi.
Hiện nay, ai là con cháu Hùng Vương, ai là con cháu người Mường, hẳn không ai biết được hết, vì khi tới đây, họ không sống riêng rẽ như bây giờ mà định cư lẫn lộn với ta, cưới gả với ta, thế nên trong Việt ngữ mới có đến 40 phần trăm danh từ Mã Lai Nam Dương.
Cuộc sống chung đó không phải là hợp chủng vì đợt I hay đợt II gì cũng đồng chủng Mã Lai với nhau cả. Nhưng rồi họ sống riêng, có lẽ vì họ không ưa Tàu nên bất hợp tác.
Họ bất hợp tác với Tàu, không phải là vì họ yêu nước hơn ta mà vì họ chỉ mới bị Tàu đánh đuổi cách đó có 500 năm, khiến họ phải bỏ nước ở Hoa Nam, hận cũ chưa phai trong ký ức của dân tộc, còn ta thì đã quên mất cái thù Hiên Viên, nó quá lâu đời rồi.
Từ 2.000 năm nay, tức từ ngày Mã Viện đặt ách trực trị lên cổ của ta và họ, họ không tiến, không phải vì thiếu ảnh hưởng Tàu, Mã Lai ở Mỹ châu, ở Ấn Độ không cần ảnh hưởng nào cả mà vẫn tiến bằng cổ Ai Cập. Sở dĩ họ không tiến vì địa bàn trú ẩn của họ xấu, và vì họ đã mất dân rất nhiều, lúc đi trú ẩn. Không phải người Mường nào cũng căm thù dai như người Mường nào và vẫn có người Mường ở lại hợp tác, y hệt như dân Lạc Việt đợt I.
Không phải người Mường nào cũng bất hợp tác cả đâu, mà chỉ có nhóm Mường còn để lại con cháu ngày nay thôi, con số khác cũng như toàn thể Lạc Việt đều hợp tác, vì cái thế không được đừng, bởi không còn đất để mà chạy đi. Ông O. Jansé cho rằng họ có chạy xuống Phi Luật Tân, nhưng không có bằng chứng. Ông ấy cũng cho rằng họ có chạy xuống đất Chàm, nhưng chắc là không được mấy mươi người vì đất Chàm cũng đã có chủ rồi, hơn thế ta sẽ thấy, khi chúng tôi viết thật đúng về thượng cổ sử Chàm, thì người Chàm đã lập quốc rồi, nước Lâm Ấp chỉ là quốc gia thứ nhì của họ, chớ không phải quốc gia thứ nhứt như các ông Tây đã viết sai trước đấy.
Khoa ngôn ngữ tỷ hiệu bị khoa học chê, nhưng nó lại là chương dài nhứt của quyển sách này vì nó cho ta biết rất nhiều bí mật thời cổ mà không khoa nào biết được cả.
Ngô Sĩ Liên đưa truyền thuyết Mường vào sử Việt, đã bị Nhượng Tống mắng một cách bất công là nịnh vua Lê (Lê Lợi là người Mường). Sử gia Nguyễn Phương cũng phụ họa để mắng theo.
Cả hai ông đều không biết rằng trước Mã Viện, Mường và ta sống lẫn lộn, không phải là hai dân tộc, mà là một và mãi cho đến thời Nguyễn - Trịnh, ta còn nói tiếng Mã Lai đợt II, như đã thấy ở các biểu đối chiếu, thì Ngô Sĩ Liên làm thế là đúng, bởi tổ tiên người Mường cũng là tổ tiên của ta, vì như đã nói, hiện nay có ai biết rõ rằng họ là con cháu của đợt I hay đợt II chăng?
Ta sẽ nghiên cứu người Mường tỉ mỉ hơn bao giờ cả và ta sẽ biết được nhiều việc rất hay, vì chính người Mường là nhơn chứng, cho ta biết có vua Hùng Vương, một đề tài tranh luận chưa ngã ngũ. Người Mường còn cho ta biết hàng trăm thứ khác rất là quan trọng, chẳng hạn, các ông Tây nói Chim là Tôtem của ta, là nói sai.
*
Ở đây, chúng tôi dùng quyển “Les Mường, Géographie humaine, Sociologie” của nhà nữ bác học J. Cuisinter để làm tài liệu tham khảo chủ lực, vì chỉ có J. Cuisinter thường nhấn mạnh về yếu tố chủng tộc, mặc dầu theo cái nhan sách, thì cô chỉ nghiên cứu về khoa học nhân văn mà thôi.
Yếu tố chủng tộc cho ta biết rõ nguồn gốc của người Mường hơn là ngôn ngữ, mặc dầu họ cũng nói tiếng Việt, một thứ tiếng Việt trung cổ.
Và đây là lần đầu tiên mà ta nhìn thấy rõ người Mường hơn, qua bao tài liệu và giả thuyết từ trước tới nay không cho người ta tin lắm là người Mường đồng chủng với ta vì bao nhiêu chứng tích trước là tài liệu văn hóa (ngôn ngữ, phong tục) tức cái gì mà người Mường có thể vay mượn được của ta, chớ họ có thể thuộc chủng khác, còn đây là chứng tích chủng tộc học có tánh cách quyết định về cái chủng của họ.
Mường là gì?
Trước hết, đó là một danh từ Thái, đúng thật ra là có nghĩa là xứ, vùng hay một nhóm người, một thị trấn. Ta đọc là Mường.
Nhưng Mường mà ta xét đến ở đây là một danh xưng, dùng để chỉ một dân tộc kia, hơn thế, đó là một danh tự xưng. Họ tự xưng là Mwan (Hòa Bình, Thanh Hóa), Mwon (Phú Thọ) và Mwai (Cổ Nam). Ta biến Mwan thành Mường để chỉ họ, và gây rắc rối vô cùng vì nó trùng với Mường của Thái, có nghĩa khác.
Mwan, chỉ có nghĩa khiêm tốn là Người. Họ tự xưng là họ Người chỉ có thế thôi. (Chữ W đọc như chữ U Việt Nam), nhưng Mwai biến thành Người, chớ không phải Mwan.
Biến đến hai lần. Vào cổ thời, nó biến thành, nhưng về sau, có lẽ vào đời Trần mà ta đã tiến nhiều thì nó biến thành Mọi , bởi họ không tiến, và Mọi có nghĩa là dân kém cỏi lạc hậu.
Tuy nhiên cả Muang của Thái, Mwai của Mường gì cũng chỉ là gốc Mã Lai mà ra cả. Danh từ ấy có nghĩa là Người, nhưng các nhóm Mã Lai đọc hơi khác nhau đôi chút đó thôi và nhóm Thái hiểu hơi khác các nhóm khác một chút, họ hiểu là Nhóm Người, chớ không là Người.
Việt Nam: Người
Giarai: B’ngoài
Bà Na: B’ngài
Sơ Đăng: B’ngaài
Mường: Mwài (Mường châu Cổ Nam)
Giarai: Mnùi
Cao Miên: M'nư
Khả: P’nùi
Thái: Muang
Mã Lai Phi Luật Tân: Mnuy
Trong xã hội Việt Nam và xã hội Thái, lại còn một lối biến rất kỳ dị.
Việt Nam thêm Con trước Người. Danh từ Con Người của Việt Nam, trong xã hội Thái bị nuốt mất cái về sau là Người, chỉ còn lại Con mà thôi.
Ngày nay người Thái nói Kon, Kòn, Cần để chỉ người, còn Người thì biến thành Nhóm người và Thị trấn (Muang).
Người Mường tự xưng rất là khiêm tón, họ tự xưng là Người. Có lẽ xưa kia họ có tên riêng để chỉ dân họ, nhưng nay tên riêng ấy bị đánh mất rồi chăng? Và ta sẽ tìm lại được danh tự xưng của họ.
Nhưng không có sự đánh mất ấy, vì thật ra họ không tự xưng là Mwai gọn lỏn (Mwai tout court) đâu, mà tự xưng là Mwai tlong, tức Người trong, tức người ở trong rừng, còn gọi Việt Nam là Mwai Ngwai, tức Người ngoài, tức người ở ngoài đồng bằng.
Như thế là họ tự nhận là người Việt rồi vậy, hoặc người gì, tùy theo lối tự xưng của chính ta vào thời cổ, và ta sẽ biết ở đoạn sau là ta tự xưng là gì vào cái cổ thời đó.
Ta biến Mwan thành Mường để chỉ họ, sự rắc rối đã xảy ra rồi vì nó trùng với một sự biến dạng khác của danh từ Muang của Thái, nhưng rồi ta lại làm rắc rối thêm vì rồi ta lại tổng-quát-hóa danh từ Mường đó để chỉ bất kỳ dân tộc kém mở mang nào ở Bắc Việt, y như Trung Hoa và Nam Việt dùng danh từ Mọi vậy.
Nhiễm thói Trung Hoa, bất kỳ dân tộc nào không phải là Trung Hoa đều bị gọi là man di tuốt hết, hai cụ Nhượng Tống và Ngô Mạnh Nghinh, cũng gọi bất kỳ dân tộc nào không phải Việt Nam là Mường tuốt hết. Thí dụ, dịch Phương Đình Dư địa chí của Nguyễn Siêu, vốn viết bằng chữ nho, không thể viết được chữ Mường, cụ nghè Ngô Mạnh Nghinh dịch chữ Man mà Nguyễn Siêu dùng để chỉ Cao Man thành ra Mường. Nhiều nhà viết sách khác cũng dùng danh từ Mường, y như danh từ Mọi.
Một danh tự xưng tốt đẹp, bỗng biến thành một danh từ có nghĩa là man di, khiến ta càng ít muốn tìm biết người Mường hơn.
Sách vở ta quá lộn xộn về danh từ và danh xưng.
Thí dụ chúng tôi đọc quyển Lĩnh Nam Dật Sử rồi thì không còn biết tác giả của nó thuộc dân tộc nào, và sách ấy viết bằng văn tự nào nữa cả.
Cứ theo lời giới thiệu của bực danh nho thời nay là cụ Nguyễn Tạo thì tác giả của sách ấy là người Mường và viết bằng Man ngữ.
Nhưng viết bằng Man ngữ là cái gì mới được chớ? Man ở đây, có thể hiểu là man di và man di đó là người Mường. Nhưng người Mường lại nói tiếng Việt, tuy có cổ nhưng vẫn cứ là tiếng Việt, chớ không thể là tiếng của man di nào hết.
Và sách phải được viết bằng văn tự nào đó để diễn ngôn ngữ nào đó, chớ không thể viết bằng ngôn ngữ được.
Thắc mắc của chúng tôi có vẻ vạch lá tìm sâu, nhưng không phải thế đâu. Phần lớn các dân thiểu số ở Bắc Việt đều có văn tự riêng như người Mường, người Thái, v.v. thì thắc mắc trên là chánh đáng. Chúng ta muốn biết sách Lĩnh Nam Dật Sử được viết bằng chữ Mường hay chữ Thái để mà phục tài của dịch giả đầu tiên là Trần Nhật Duật, và để biết phong tục nói trong sách là của dân nào, chớ không phải là bắt bẻ từng chữ để làm gì.
Tới chừng đọc qua bài tựa của Trần Nhật Duật, người tự xưng là dã dịch sách thì mới hay sách đó do một động trưởng vùng sông Đà sáng tác (Động là một làng của man di).
Nhưng ở vùng sông Đà có đến hai thứ người, người Thái Đen và người Mường. Vậy tác giả là người Mường hay người Thái Đen? Cả hai thứ người đó đều có văn tự hết.
Đọc tới bài Phạm Lệ không có ký tên, thì chúng tôi lại biết được thêm một chuyện lạ lùng nữa là sách ấy viết bằng chữ Tàu, có đoạn lại viết bằng thứ chữ Nôm của một dân tộc nào đó không rõ, họ dùng chữ Tàu để Nôm ngôn ngữ của họ.
Còn ông Trần Nhật Duật thì lại không là dịch giả.
Tất cả những đoạn viết bằng văn Tàu thì ông để nguyên. Những đoạn viết bằng văn Nôm của dân tộc đó mà ta còn hiểu được ông cũng để nguyên, ông chỉ có chuyển ra văn Tàu những đoạn Nôm khó hiểu đối với dân Việt Nam mà thôi.
Nhưng cái thổ ngữ ấy, được để nguyên mà ngày nay cụ Bùi Đàn đọc thì hiểu được để dịch ra tiếng Việt, thì đích thị đó là tiếng Mường.
Ta đã phải suy nghĩ và suy luận hàng giờ mới hiểu được như vậy. Có lẽ cụ Nguyễn Tạo cũng đã suy luận như vậy nên mới giới thiệu như thế kia.
Lối hiểu rất khoa học đó, thế mà lại không đúng. Sách được Trần Nhật Duật tìm thấy năm 1280 do một ông tổ 5 đời của một người sống đồng thời với Trần Nhật Duật viết, tức sách được sáng tác vào khoảng năm 1180.
Các nhà ngôn ngữ học lại chứng minh được rằng vào thuở ấy, tiếng Mường và tiếng Việt chưa tách rời xa nhau như ngày nay.
Như thế Trần Nhật Duật không có lý do gọi tác giả là man di, vì hẳn họ Trần biết rằng người Mường là người Việt Nam.
Tới đây thì ta đã điên đầu rồi, vì ta chỉ mới biết tác giả dùng văn tự của dân tộc nào, chớ vẫn chưa biết ông ấy thuộc dân tộc nào, mà ta đã phải mệt óc quá lắm rồi.
Tra cứu thử các sách khác, thí dụ quyển Hoàng Việt Giáp tý niên biểu thì lại thấy sách ấy chép rằng sách đó là do người Mân viết ra.
Ta tra lại sách chủng tộc học về Đông Dương thì các nhà chủng tộc học cho ta biết rằng người Mân không có dính dáng gì tới Việt tộc hết.
Mán là danh xưng Việt Nam do danh từ Man của Tàu mà ra, xã hội Việt Nam đã Việt hóa danh từ đó, nhưng không dùng nó để chỉ man di một cách tổng quát như Tàu đã làm, mà lại biến Mán thành danh xưng trỏ đích xác một dân tộc kia, và chỉ dân tộc đó mà thôi, ngoài ra các nhóm thiểu số kém mở mang khác không có nhóm nào được ta gọi là Mán hết. Theo lối dùng danh xưng của Việt và theo khảo cứu của Pháp thì Mán là một chi của Miêu chủng. Ở bên Tàu họ được Tàu gọi là Dao, họ di cư sang xứ ta thì được ta gọi là Mán, và ngôn ngữ của họ khác hẳn Việt ngữ cổ hay kim, họ không hề biết chữ Tàu bao giờ, kể cả ở bên Tàu, sọ của họ cũng khác sọ của ta.
Như vậy sao họ sáng tác được bằng chữ Tàu? Nhứt là những câu văn Nôm của họ. Trần Nhật Duật để nguyên mà cụ Bùi Đàn lại hiểu được để dịch ra tiếng Việt? Người Mân ở với ta chia ra thành những tiểu chi: Mán Tiền, Mán Cốc, Mán Đại Bảng, Mán Bảo Lạc, Mèo Cao Bằng, Mèo Đông Quang, không có chi nào nói mà ta hiểu được cả, khác hẳn với người Mường.
Như vậy, ta lại phải chạy đi kiểm soát H.V.G.T.N.B. Quyển sách ấy đã viết sai. Vào thuở Lĩnh Nam Dật Sử được sáng tác thì Miêu tộc chưa di cư vào xứ ta. Đó là điểm sử chắc một trăm phần trăm.
Nhưng một người bạn lại cho chúng tôi biết rằng H.V.G.T.N.B. không có viết sai, cụ Nguyễn Bá Trác soạn sách bằng chữ Hán và đã dùng danh xưng man (không có hoa), và chỉ có nghĩa là man di, y như Trần Nhật Duật. Đối với cụ Nguyễn Bá Trác thì người thiểu số nào cũng là man di hết.
Nhưng các cụ dịch Hoàng Việt ra quốc ngữ lại tự tiện dịch man (không hoa) thành Mán (với M hoa) khiến ta hiểu rằng đó là Miêu tộc.
Thật là điên cả cái đầu!
Man không hề là Mán. Man là tất cả mọi dân tộc kém mở mang nhứt là các “rợ” phương Nam của Tàu, đó là tiếng Tàu. Còn Mán là tiếng Tàu bị Việt hóa chỉ đích xác một dân tộc kia, đó là một chi của Miêu tộc đã di cư xuống thượng du Bắc Việt. Cái chi ấy còn ở lại bên Tàu, được người Tàu gọi là Dao chớ không gọi là Mán như ta, vì như đã nói, mán là tiếng Việt, tuy cũng do gốc Tàu mà ra, nhưng nó đã mang một nghĩa khác hẳn từ ba trăm năm nay, tức là ngày chi Miêu tộc ấy di cư vào nước ta.
Ngày nay trong Việt ngữ, Mán không còn dùng để dịch Man của Tàu nữa, mà để chỉ đích xác một chi của Miêu chủng đã di cư đến thượng du Bắc Việt.
Chúng tôi đành phải suy luận một cách phiêu lưu mạo hiểm, bằng vào bài Phạm lệ không có ký tên, được ám chỉ trên kia.
Cứ theo bài ấy thì thổ ngữ của tác giả đó như thế này: chữ Vô không viết là Vô mà viết là Mạo.
Chúng tôi đoán rằng tác giả là người Nùng vì người Nùng nói tiếng Tàu sai một cách trung gian giữa Quảng Đông và Việt Nam.
Thí dụ:
Việt Nam: Nhân (người ta)
Nùng: Nhành
Quảng Đông: Dzành
Trung Hoa chánh gốc: Dỉl
Tiếng Vô, người Quảng Đông đọc là Mụ, người Nùng đọc là Mạo, ta đọc là Vô nhưng Trung Hoa chánh gốc đọc là Mỹ.
Nhưng lối suy luận đó tuy khoa học nhưng không chắc đúng vì người Nùng không bao giờ có mặt ở vùng sông Đà cả, vào thuở ấy.
Nhưng giả thuyết của chúng tôi có may mắn đúng sự thật vì cho tới nay chưa ai chứng minh được rằng vào năm 1280 người Nùng không có mặt ở vùng sông Đà. Không có mặt cũng chỉ là nói theo giả thuyết mà thôi, nhưng thổ ngữ “Mạo” lại có thể bác bỏ giả thuyết ấy để tái lập sự thật.
Tới đây thì một lọ thuốc an thần cũng không đủ giúp chúng ta đỡ nhức đầu, mặc dầu chúng ta chỉ mới đọc có 5 trang đầu của quyển Lĩnh Nam Dật Sử mà thôi.
Chúng tôi được đọc một bài trong đó có một câu như thế này: “Ở bên Tàu, cái thứ người Mường sống cạnh người Thái, tên là người Mèo”.
Chúng tôi đã nhức đầu hơn một tiếng đồng hồ mới hiểu được câu văn đó. Người Mường là một dân tộc, một chi của dân tộc Việt Nam không bao giờ có mặt ở bên Tàu cả, mà như có thì tại sao người Mường không tên là người Mường mà lại tên là người Mèo?
Thì ra, tác giả ấy đã dùng danh xưng Mường như là một danh từ, mà cái danh từ đó lại có nghĩa là man di, y hệt như cụ nghè Ngô Mạnh Nghinh đã dùng để chỉ người Cao Miên.
Dựa theo truyện Mã Tổng của Đường Thư, Khâm Định Việt Sử viết: “Mã Tổng sang làm Đô hộ Annam, thanh liêm, không quấy dân. Chính sự tốt đẹp dân Mường Mán đều yên nghiệp”.
Người Tàu không bao giờ gọi người Mán là Mán. Họ gọi là Dao. Còn người Mường thì họ không biết rằng có.
Có lẽ Đường Thư chỉ viết là man di là để chỉ dân Việt Nam thuở ấy, chớ sao đi cai trị Giao Chỉ mà chỉ nói chuyện Mường Mán mà không nói tới dân Giao Chỉ.
Vậy chắc chắn là Đường Thư đã dùng danh từ Man di để chỉ dân ta.
Nhưng Khâm Định Việt Sử viết bằng chữ Nho, không thể viết ra hai chữ Mường Mán được. Chắc chắn sách ấy cũng chỉ viết là Man di theo Đường Thư mà thôi. Chính ông dịch giả là Nhượng Tống đã dịch ra như thế đó.
May là Nhượng Tống khá khoa học trong đám nho học đấy. Nếu ông khoa học thêm chút nữa có lẽ ông đã dịch là Man di rồi thêm rằng: Người Tàu thuở đó gọi dân ta là Man di. Câu dịch sai của Nhượng Tống không gây ngộ nhận quá nhiều, vì một độc giả thông minh, thế nào cũng điên đầu và đặt ra ba câu hỏi dưới đây, và sẽ trả lời được và hiểu được sự thật bí ẩn là Nhượng Tống đã dịch sai.
1. Tại sao đề cao một quan đầu xứ Giao Chỉ mà chỉ nói chuyện Mán, Mường, không thấy nói tới dân Giao Chỉ lần nào?
2. Tại sao lại có người Mán ở xứ ta vào thuở đó trong khi sự thật thì cuộc di cư của người Mán chỉ mới xảy ra có ba trăm năm nay thôi.
3. Tại sao người Tàu không biết có người Mường mà sử Tàu lại viết về người Mường?
*
Gọi người ta là man di, đã không đẹp đẽ gì rồi, phương chi lại không dùng danh từ mà ai cũng đã hiểu là danh từ man di, lại đi lấy danh xưng chỉ đích xác hai dân tộc kia để thay vào đó thì chỉ có trời mới hiểu.
Câu văn của tác giả trên, nếu viết như thế này thì vừa khoa học, vừa tránh kỳ thị chủng tộc, vừa được mọi người hiểu ngay tức khắc: “Ở bên Tàu, có hai thứ người thiểu số sống cạnh nhau, người Thái và người Mèo”. Còn câu văn của Nhượng Tống thì phải sửa như thế nào, thì đã nói rồi.
Nếu ta tránh danh từ man di mà rồi lại cho danh xưng Mường có nghĩa là man di, ta vẫn không thoát tội kỳ thị chủng tộc lại còn làm điên đầu những kẻ đã biết Mường là một dân tộc nhứt định, chỉ có mặt ở Bắc Việt mà thôi. Sự tránh né ấy không đem ích lợi nào tới cho ta hết mà chỉ gây thêm phiền toái.
Nhưng sự thật, những người dùng danh xưng Mường, Mán như là danh từ, không có tránh né cái gì hết. Họ chỉ là những người không thạo khoa chủng tộc học và dân tộc, chỉ có thế.
Tất cả những hỗn loạn về danh xưng trong sách vở ta, đều luôn luôn do sự không biết khoa này hay khoa nọ, chớ không hề do tránh né cái gì hết, và hỗn loạn nhứt là những danh xưng và danh từ địa lý cổ thời, chủng tộc học và dân tộc học, ba khoa đó không phải là khoa khó học nhưng nó không được ai chú ý tới hết, bị khinh thường vì người ta quan niệm rằng Man hay Mán gì cũng đều là thứ người kém mở mang thì gọi sao cũng được.
Nhưng trường hợp Lĩnh Nam Dật Sử vừa cho ta thấy rằng không thể gọi sao cũng được mà là cần gọi đích xác.
Vả lại trong phạm vi khoa học, bất kỳ cái gì cũng phải chính xác hết, kể cả giả thuyết. Giả thuyết chỉ được phép mơ hồ ở đại cương, nhưng chi tiết thì phải đúng y sự thật đã được công nhận.
Không riêng gì ta mới lẫn lộn danh từ, danh xưng mà ngay cả vài nhà bác học Âu Châu cũng bê bối về vấn đề ấy.
Ba tờ tạp chí khoa học nhứt B.E.F.E.O, B.A.V.H, B.S.E.I. vẫn nhận đăng những bài dùng danh từ và danh xưng hỗn loạn như vậy, khiến ta càng rối trí hơn. Nhưng ta phải biết rằng một bài có giá trị lớn về một mặt nào đó, có sai chút ít, vẫn được đăng, và ta phải tự tìm học, để tự bổ chính mà hiểu cho đúng, chớ không nên rối trí trong cái loạn đó, hoặc xem cái loạn đó là sự thật.
Đó là bài của những nhà ngôn ngữ học, những nhà dân tộc học lỗi lạc trong bộ môn của họ, nhưng họ dốt khoa chủng tộc học chẳng hạn, họ quan niệm Indonésien là chủng riêng của những người “Mọi cao nguyên”, chớ còn các nhà chủng tộc học thì đều biết rằng Indonésien là Cổ Mã Lai và bao gồm cả Thái, Việt, Chàm, Cao Miên, Miến Điện, v.v.
Chính người Mường ngày nay cũng biết cái nghĩa kỳ thị của danh từ Mường và họ rất mích lòng khi nghe ta dùng danh từ đó.
Trên Cao nguyên cũng y hệt như thế, người Thượng ở đó rất bất bình mà nghe bình dân Trung Việt và Nam Việt gọi họ là Mọi.
Ta cần thận trọng trong việc dùng danh từ này.
(Sử gia Phạm Văn Sơn, cho rằng ta biến danh từ Man của Tàu thành ra Mọi. Nhưng cô J. Cuisinier, người đã nghiên cứu người Mường nhiều hơn hết lại cho rằng ta biến danh tự xưng thứ ba của họ là Mwai thành ra Mọi và danh tự xưng thứ nhứt bị biến ra Mường, danh tự xưng thứ nhì không có bị biến. Thuyết của cô J. Cuisinierr nghe hữu lý hơn vì Mwai giống Mọi chớ Man thì không).
*
Người Mường tự thấy rằng họ là người Việt, không phải là họ thấy sang bắt quàng làm họ, mà trái lại, còn có bằng chứng ngược hẳn. Họ rất biết tự trọng, theo nhận xét của cô J. Cuisinier.
Dầu sao cũng chắc chắn rằng họ là hậu duệ của người Cổ Đông Sơn vì họ còn dùng trống đồng cho mãi đến ngày nay và họ còn đánh trống y hệt như hình khắc trong trống, những cái hình đã làm cho các nhà bác học Tây phương ngẩn ngơ. Họ lấy gậy chọc vào trống, chớ không phải đánh như ta. Các ông Tây cứ bảo đó là giã gạo.
Đó là sợi dây nối kết họ với người Đông Sơn, còn sợi dây nối kết ta với họ là ngôn ngữ của họ đích thị là ngôn ngữ Việt buổi trung diệp, mà cho cả đến thế kỷ XVII, ta vẫn còn nói như họ, thí dụ Trời, họ nói Blời hoặc Tlời, mà theo các sách cố đạo thì vào thế kỷ XVII Việt Nam cũng nói Blời, Tlời.
Người Mường là cái khoen trung gian mà khoa học đòi hỏi. Tuy nhiên chúng tôi đã tìm được nhiều khoen khác chớ khoen Mường thì quá mới.
Địa bàn của đồng bào Mường chạy dài từ Hòa Bình, Hà Đông xuống tới đèo Mụ Già. Ở trên là địa bàn của Thái, điều ấy chứng tỏ họ không có gần gũi với Trung Hoa, không có chịu ảnh hưởng Trung Hoa như Thái. Đó là một điều vô cùng quan trọng để thấy rằng nếu có ảnh hưởng Trung Hoa đi vào xã hội của họ thì là đều qua trần gian Việt Nam mà thôi, còn cái gì cố hữu của họ là của họ, từ lúc sơ khai.
Ở Yên Bái và Nghĩa Lộ có một số ít người Mường nhưng đó là những nhóm lẻ tẻ, địa bàn chánh của họ được người Việt và người Thái bảo vệ, nên họ thoát được ảnh hưởng Trung Hoa.
Ngày nay, người Trung Hoa đã lọt được vào tất cả các cộng đồng thiểu số sơn cước Bắc Việt, nhưng tuyệt nhiên không lọt được vào cộng đồng Mường.
Trong bài tựa của quyển “Hành trình vào dân tộc học” của giáo sư Nguyễn Bạt Tụy nói rằng người Mường là người Giao, và phân biệt Giao Chợ (Việt Nam) và Giao Mường (Mường). Sự thật thì không phải thế. Người Giao búi tóc ở sông Dương Tử, không cho ta sợi dây nối kết nào với ta cả. Ông Lê Chí Thiệp chỉ đưa ra được có cái búi tóc mà chúng tôi thấy rằng nhiều dân khác có. Còn về tự dạng thì Giao đó viết người với bộ Trùng còn Giao Chỉ thì không bao giờ viết với bộ Trùng cả.
Cho tới năm 1946 thì dân số Mường được phân bố như sau:
Yên Bái: 2.854
Sơn Lê: 10.591
Sơn Tây: 20.139
Phú Thọ: 30.383
Hòa Bình: 136.000
Ninh Bình: 9.888
Thanh Hóa: 86.000
Nghệ An: 2.300
Tổng cộng: 298.165
Đó là những con số tối thiểu vì nhiều nơi xa xôi không kiểm tra được. Nhưng chắc không thể nào mà hơn 300 ngàn người, tức họ đông bằng lối phân nửa người Lạc Việt thời Mã Viện.
Tại Vĩnh Yên có một cộng đồng người Sơn cước mà ta cũng gọi là Mường, nhưng đại tá Bonifacy đã lên đó khảo sát và thấy là không phải: họ là người Mán tức Dao, thuộc Miêu chủng.
Vậy người Mường ở Bắc Việt là 2/3, Trung Việt là 1/3 và địa bàn chánh của họ tức trung tâm văn hóa cổ thời của họ là khu Sơn La, Yên Bái, Sơn Tây, Phú Thọ, Hòa Bình, chớ không phải Thanh Hóa như người ta thường ngỡ, và điều đó cũng phù hợp với kết quả khai quật từ năm 1945 đến nay: Trung tâm văn hóa gọi là Đông Sơn là ở Bắc Việt chớ không phải ở Đông Sơn.
Ta đã học qua cổ huyện Tây Vu trung tâm văn hóa Lạc Việt ở chương III. Nhìn vào một bức dư đồ, ta sẽ thấy Hòa Bình, tuy không nằm trong cổ huyện Tây Vu, vẫn không xa với Tây Vu, mà hiện nay thì người Mường lại sống đông đảo nhứt ở Hòa Bình. Xưa kia, chắc cũng thế, chỉ khác về tỷ lệ mà thôi. Như vậy trung tâm Lạc Việt là ở Tây Vu và vùng phụ cận Tây Vu, không còn ngờ gì nữa.
Từ lâu, người Âu Châu khảo sát về các dân tộc ở miền sơn cước Bắc Việt có thoáng nghĩ rằng người Mường chính là người Việt, như số phận khác, vì hoàn cảnh sống khác. Họ thoáng nghĩ như vậy vì họ thấy giữa hai dân tộc đó có rất nhiều điểm tương đồng với nhau.
Cho đến V. Goloubew, không nhận người Đông Sơn là tổ tiên của ta, cũng khuyên các nhà bác học nên tìm tòi coi họ có phải là tổ tiên của người Mường hay không, vì cái lẽ một dân tộc đông hàng triệu, không thể biến mất được sau hai ngàn năm, bằng chứng là các thứ thổ trước ở Trung Hoa đời nhà Chu vẫn tồn tại ở đó mãi cho tới ngày nay, trừ Lạc bộ Trãi mà sự biến mất của Lạc bộ Trãi có duyên cớ mà chúng tôi đã nói đến rồi ở một chương khác.
Các nhà khảo cứu ở Âu Châu mà nhứt là Pháp đã làm việc nhiều theo chiều hướng đó, nhiều hơn ta nữa, mặc dầu ta chung đụng với người Mường nhiều hơn họ.
Tới nay thì tài liệu của bốn năm mươi năm tìm tòi học hỏi của họ và của ta đã khá đầy đủ để chúng ta thử tìm một kết luận về người Mường.
Về người Mường, tài liệu chủ lực của chúng tôi là quyển sách đầy đủ nhứt về dân tộc đó, quyển “Les Mường, Géographie humaine et Sociologie” của cô J. Cuisinier do “Viện Dân tộc học, Bảo tàng viện về con người”, Bá Lê xuất bản năm 1946, mặc dầu các tài liệu khác cũng được chúng tôi dùng đến.
Quyển sách này dầy 600 trang khổ lớn và soạn giả của nó đã nằm tại đất Mường để khảo sát và phải đọc tới 200 quyển sách của người Âu không kể bài đăng ở các tạp chí, và đã đọc cả những sách xưa của Việt Nam mà cả ta cũng chưa đọc hết như là Tam Bình thực lục, Hưng Hóa phong thổ ký, Quãng binh chi, Thanh Hóa tỉnh cương giới phân hiệp danh hiệu duyên cách, Tinh xuyên sơn cảnh thắng lạp ký, Hồng Đức thiên nam dư hạ tập, v.v.
Nói thế để cho thấy rằng tài liệu tạm đủ để mà kết luận cái gì.
Trước hết ta nên theo quan niệm của nữ tác giả trên về nguồn gốc một dân tộc. Phải tìm được ba bằng chứng: nhơn thể tính, ngôn ngữ và dân tộc tính, sự nghiên cứu riêng rẽ, không cho phép ta kết luận điều gì cả. Thế mà các nhà khảo cứu Pháp khác mỗi người chỉ đứng ở một bình diện để kết luận thì không thể tin được.
Chẳng hạn Madrolle chỉ đo sọ mà lại đo sai lầm rồi kết luận rằng người Mường thuộc chủng Cổ Mã Lai, Diguet đã theo dõi kỹ thuật rồi cho rằng người Mường gốc Thái, còn Przyluski và Maspéro thì bằng vào ngôn ngữ để bảo rằng họ với người Việt đồng chủng.
Phải phối hợp cả ba chứng tích đó lại như cô J. Cuisinier đã làm, với lại nhiều chứng tích khác nữa mới mong đi tới một cái gì có giá trị khoa học.
Trước hết, xin nói về việc đo sọ, cô J. Cuisinier nói rằng người Mường khác nhau từng vùng, đôi khi hai làng khi cạnh nhau mà con người cũng đã khác nhau quá xa. Có lẽ đó là di tích các bộ lạc xưa, nên rất khó khảo sát họ về mặt chủng tộc học.
Người Việt Nam đã rời khỏi chế độ bộ lạc và chế độ tiền-phong-kiến từ lâu, sống pha trộn nhau, con gái Sơn Tây lấy con trai Ninh Bình, còn người Mường chỉ cưới vợ, lấy chồng quanh quẩn trong làng, nên bao nhiêu bộ lạc xưa, nay cứ còn chường mặt ra, không có được bộ mặt thống nhứt như trong xã hội Việt Nam.
Thế thì việc đo sọ của Madrolle kể như công dã tràng rồi vậy.
Về mặt chủng tộc học, đành rằng khoa nhân thể trắc là yếu tố chánh yếu và quyết định, nhưng cái mẫu người (type d’homme) cũng rất có giá trị đáng kể.
Cô J. Cuisinier cho biết rằng quý tộc Mường, gia đình và họ hàng của các quan Lang, các thổ đạo, các hương chức hội tề thì xinh đẹp như người Việt, còn bần dân thì quá xấu và quá bé nhỏ. Có phải chăng bần dân ấy chính là người thổ trước Mê-la-nê bị bắt làm nô lệ, sau được phóng nô, họ thành tá điền nông nô, hay thành đa số dân nghèo trong đất Mường?
Và kỳ lạ lắm là toàn thể phụ nữ kể cả phụ nữ quý phái cũng xấu xí và bé nhỏ y hệt như bần dân.
Ghi chép của cô J. Cuisinier phù hợp vơi công việc khảo tiền sử bởi trong các hang động, người ta thấy sọ Ma-la-nê-diêng nằm chung với sọ Anh-đô-nê-diêng, và có sọ lai giữa hai thứ sọ đó.
Chúng tôi tạm kết luận rằng người Mường là quý tộc Lạc Việt từ Hoa Nam nam thiên không mang đàn bà theo kịp, họ tới đó hợp chủng với Mê-la-nê da đen xấu xí và lãnh đạo Mê-la-nê cho tới ngày nay, thế nên bần dân vốn là Mê-la-nê nô lệ cũ và phụ nữ quý phái thì giống nhau, còn quý tộc Mường thì giống Việt Nam.
Ai cũng quên mất điều này cả là vào cổ thời, khi mà một cuộc di cư lớn lao xảy ra thì đa số phụ nữ bị bỏ rơi, hoặc chết đường hết. Họ chết đường vì họ yếu đuối. Còn họ bị bỏ rơi là vì con gái ít có chí phiêu lưu mạo hiểm. Thành thử đàn ông góa vợ dọc đường, và con trai chưa vợ, đến địa bàn định cư thì phải lấy thổ dân trước làm vợ. Đó là trường hợp người Mường, Mã Lai đợt II, tức Lạc bộ Mã Hoa Nam. Thế nên phụ nữ của họ mới không đồng chủng với họ. Mà đó cũng là trường hợp Hoa Bắc di cư xuống Hoa Nam, không có đàn bà, còn đàn bà Việt Hoa Nam thì ở lại. Thế nên chủng Nam Mông Gô Lích mới thành hình với cái sọ nửa Việt nửa Hoa.
Nhưng bần dân và phụ nữ tuy khác chủng tộc với quý tộc nam phái, nhưng tóc lại thẳng, loại da khá trắng và thật trắng nhiều hơn da sậm màu. Mà chủng Mê-la-nê-diêng lại là chủng da đen, tóc quắn quíu, tức không còn dấu vết da đen nào nơi bần dân và phụ nữ cả. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi họ đã lai giống với Lạc Việt từ nhiều ngàn năm rồi, còn gì nữa!
Bần dân với phụ nữ cho thấy rõ có một mẩu người Mường nhứt định nào đó, còn đàn ông quý tộc thì lại rất khác nhau, trong một nhóm mười người có tới bon người giống Thái, bốn người giống Việt, hai người vừa giống Thái và giống Việt.
Cô J. Cuisinier đã ngạc nhiên, vì cô không thông Việt sử, chớ ta là người Việt, ta giải thích được sự kiện ấy dễ dàng.
Người Thái xưa luôn luôn sống sát cánh với ta, từ thuở chủng Việt tức chủng Mã Lai, làm chủ đất Hoa Bắc cách đây năm ngàn năm. Và ngay ở Cổ Việt cũng thế, bởi tên Phán là người Thục (mà chúng tôi đã chứng minh rằng Thục Phán là người nước Thục, mà nước Thục là một nước của chi Thái, nước Tây Âu. Thục là Thái di cư tới Tây Âu) đánh nước Văn Lang bằng quân lính mộ ở nước Tây Âu, tức nhà xâm lược đó là người Thái, mà lính của ông ta cũng là người Thái).
Như vậy khi bị Triệu Đà, rồi Lộ Bác Đức rồi Mã Viện đánh đuổi thì quý tộc Lạc Việt và quý tộc Thái cùng chạy trốn một lúc với nhau và đi theo một nẻo với nhau, có lẽ qua đồng bằng Nghĩa Lộ và đất của người Thái Đen ngày nay.
Quan sát của cô J. Cuisinier cho thấy rằng qua hàng ngàn năm hợp chủng, dấu vết xưa cũng còn, và ta có thể kết luận riêng về dân tộc Việt Nam rằng khi có một mẫu người Việt Nam nhứt định thì người Việt Nam là người Việt Nam, chớ họ không phải là Trung Hoa trá hình ra làm Việt Nam như sử gia Nguyễn Phương đã nói.
Trung tá M. Abadie, tác giả quyển “Những chủng tộc ở Thượng du Bắc Việt” viết: Trong cuộc hợp chủng nào, sau hàng ngàn năm, các chủng gốc xuất hiện trở lại, chớ không mất hẳn bao giờ, mà ta lại không hề thấy một người Việt Nam nào giống người Hoa bao giờ cả…
Như đã nói, trong một bàn ăn gồm 12 thực khách Việt và 1 thực khách Hoa, ăn mặc như nhau, đồng vóc dáng, đều làm thinh, chúng tôi có thể chỉ đúng ai là Việt, ai là Hoa. Chúng tôi lại đi tới được cái chỗ chỉ thật đúng ai là người Phúc Kiến ai là người Quảng Đông, vì biết sắc Mân Việt và Tây Âu sau hơn hai ngàn năm lai giống với Trung Hoa, cứ còn là Mân Việt và Tây Âu.
Ta không giống Tàu như sử gia Nguyễn Phương đã nói. Màu da vàng và tóc thẳng không hề là dấu hiệu giống họ.
Quả có người Hoa biến thành Việt và giống Việt, nhưng có lẽ gì cái luật đại đa số nuốt thiểu số, còn thuyết của ông Nguyễn Phương thì không phải thế. Thuyết ấy cho rằng người Tàu di cư nhiều, thành đa số tuyệt đối rồi tự xưng là Việt, nhưng gốc Hoa không bao giờ cải biến.
Nếu quả đúng như vậy thì tại sao chúng tôi lại nhận diện được người Hoa trong một bữa ăn nói trên, chẳng những thế, giữa người Tàu với nhau, chúng tôi lại còn nhận diện được những Tàu tỉnh này với người Tàu tỉnh nọ?
Nếu quả đúng như thế thì người Việt giống người Tàu, không còn làm sao mà phân biệt được ai với ai nữa, vì họ không hề bị đa số nào nuốt họ hết bởi họ là Tàu đa số kia mà.
Về luật đại đa số nuốt thiểu số, một cái luật dĩ nhiên, Trung tá M. Abadie đã đưa ra một thí dụ cụ thể rất hay: Bao nhiêu quan thổ ty của vua chúa ta gởi lên các xứ Thổ, Thái, Mán, bắt họ lấy vợ bổn xứ để hòa mình với các dân đó hầu dễ cai trị họ, bao nhiêu người ấy đều biến thành Thổ, thành Thái, thành Mán hết ráo, qua vài đời hợp chủng. Nhưng quý tộc Thái, Mán, Thổ đều cứ còn vẻ Việt Nam hoài hoài, mặc dầu họ theo phong tục Thổ, Mán, Thái, nghĩa là trông họ thì biết ngay là họ gốc người Việt, khác xa những người chung quanh họ. Tóm lại nếu người ngoài đến xứ ta, mà thiểu số thì bị ta nuốt mất, còn như họ là đa số tuyệt đối, thì chính họ biến thiểu số chung quanh theo họ, còn họ thì cứ còn là họ mãi mãi, về vóc dáng và về mẫu người. Nhưng dân Việt Nam thì thấy là biết ngay tức khắc là không phải người Tàu, trừ những người mới lai căn một đời.
Cũng nên biết rằng Madrolle đã đo sọ người Mường trước khi cô J. Cuisinier khảo cứu người Mường, nhưng cô J. Cuisinier không dùng tài liệu của Madrolle vì thấy rằng Madrolle làm việc sai nguyên tắc. Trong một xã hội gồm hai chủng quá rõ rệt, không thể đo hổ lốn mà có được một chỉ số có giá trị nào.
Và quả chỉ số sọ của người Mường khác xa chỉ số sọ của người Việt như ta đã thấy ở chương chỉ số sọ, vì bần dân và phụ nữ của họ, thuộc chủng khác. Chúng tôi nói rằng chỉ số sọ là chứng tích quyết định, nhưng phải biết sử dụng nó, và trường hợp từ chối sử dụng của cô J. Cuisinier thật là hùng biện. Madrolle đã đo sái nguyên tắc, nên không dùng được. Thế nên ở Hoa Bắc chúng tôi mới tự ý bỏ sọ Đông Sơn ra và có giải thích tại sao. Để sọ Sơn Đông vào là sẽ sai tất cả như Madrolle đã làm sai về người Mường.
Thế nên cô J. Cuisinier đành chỉ dùng mẫu người và vóc dáng mà thôi, y như là không có Madrolle bao giờ, nhưng chính trong sự thiếu sót của cô, mà cô thấy sự thật rõ hơn và ta cũng được biết sự thật rõ hơn về vấn đề chủng tộc ở xứ Mường.
Chỉ số sọ là chứng tích quyết định nhứt, nhưng khi làm việc theo lối Madrolle thì nó lại hóa ra gạt gẫm nhứt.
Trong xã hội Việt Nam thì khác, dân ta đã bị xáo trộn quá sức vì giặc giã, vì phong tục đổi thay, nên sự pha giống diễn ra sâu đậm lắm, chủng Mê-la-nê-diêng đã bị nuốt mất rồi, và chủng Anh-đô-nê-diêng “lấn sân”, toàn Bắc Việt đều là Anh-đô-nê-diêng từ nam đến nữ, từ quý tộc đến bần dân, mặc dầu đây đó cũng còn sót vài cá nhân bé nhỏ và xấu người.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngà y 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá» do talawas thá»±c hiện.
|