trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
21.3.2008
Jürgen Kremb
Tây Tạng: Dải Gaza của Trung Quốc
Trần Kh. dịch
 
Bản đồ những địa điểm diễn ra biểu tình phản kháng tại Tây Tạng ngày 17.3.2008

Những gì xảy ra trên đường phố của Lhasa không phải là sản phẩm của "những kẻ đòi ly khai", mà là hệ quả của một chính sách lầm lạc. Nếu Trung Quốc còn muốn cứu vãn kỳ Thế vận hội sắp đến thì không thể cứ tiếp tục tuyên truyền kiểu cộng sản, mà phải bằng đối thoại. Đức Đạt Lai Lạt Ma hiển nhiên là một đối tác thích hợp hơn cho việc này, chứ không phải là những nhóm thanh niên Tây Tạng sẵn sàng bạo động.

Đường phố Lhasa trong vòng kiểm soát của quân đội Trung Hoa

Xe tăng trên đường phố Lhasa, những chiếc ô tô bốc cháy trên "mái nhà của thế giới" và hàng ngàn quân lính với những nòng súng sẵn sàng nhả đạn tìm cách tái lập sự yên bình bằng bạo lực của khí giới, cứ như thể Trung Quốc đã biến thành một nước "cộng hoà chuối" (banana republic) đang trên đà đổ sụp. Thêm vào đó là một số người bị thiệt mạng còn chưa được xác định ở cả hai phía. Đấy hẳn nhiên không phải là hình ảnh một Trung Quốc đang nổi lên như một tân cường quốc kinh tế mà Bắc Kinh đang muốn trình ra với thế giới trước kỳ Thế vận hội 2008, sự kiện được họ xem như là một lễ hội của thế kỷ.

Không, đấy quả là một cơn ác mộng. Trước nhất là cho những con người đang sống ở đấy, trong những ngày sắp tới, họ phải tính đến chuyện có thể rồi sẽ bị lôi ra khỏi nhà, sẽ phải nhận lãnh những bản án xấu nhất cũng như những đòn thù tra tấn. Chẳng còn ai nghĩ rằng chính quyền Bắc Kinh muốn tôn trọng nhân quyền trước kỳ Thế vận hội.

Trước khi ngọn đuốc Olympic được truyền đi trên đường phố Lhasa và theo dự định, sẽ còn được đốt lên trên đỉnh Everest vào quãng cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, thì có lẽ các thẩm phán Trung Quốc đã tuyên đọc xong những bản án tử hình đầu tiên cho một số người tham gia các cuộc biểu tình.

Và đối với những viên chức thuộc ban Tổ chức Thế vận hội cũng như các chính trị gia Trung Quốc, những kẻ rất mong muốn được tắm mình trong vinh quang và hào quang toả chiếu từ những cuộc tranh tài thể thao sạch sẽ và "phi chính trị", thì những gì đang diễn ra ở Tây Tạng cũng là một cơn ác mộng kinh khủng nhất cho họ.


Hai mươi năm hoang phí

Những trò đổ lỗi cho nhau bây giờ chẳng có ích cho ai. Thay vào đó phải là sự ý thức và nhìn thẳng vào thực tại. Trên thực tế thì xung đột Tây Tạng là một vấn nạn chính trị và những gì diễn ra hiện nay ở đấy là hậu quả phải gánh chịu cho việc Bắc Kinh và chính quyền lưu vong Tây Tạng đã để 20 năm trôi qua một cách phí hoài mà không tìm ra được một giải pháp nghiêm túc và hoà bình nào cho những vấn đề của họ.

Lần cuối cùng cả hai phía có những cố gắng hoà giải là vào đầu những năm 80. Lúc bấy giờ, với sự đồng ý của chính quyền Trung Quốc, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cử tổng cộng ba phái đoàn về Tây Tạng, gồm những họ hàng thân thích của ông, những chính khách lưu vong và những sư sãi thuộc hàng lãnh đạo Phật giáo. Đoàn nào về cũng gây ra một sự xáo động trên "mái nhà của thế giới".

Dân chúng đã bật khóc và tường thuật về những khổ nạn không thể nào kể xiết, về những vi phạm nhân quyền thô bạo nhất mà họ dã chịu đựng trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá (1966-1976), về âm mưu diệt chủng và việc huỷ hoại nền văn hoá Phật giáo cao quí của họ. Theo nhiều nguồn ước đoán khác nhau thì con số người Tây Tạng đã chết bởi quân chiếm đóng Trung Quốc cũng như qua các chiến dịch chính trị diễn ra tại đấy có thể lên đến 1 triệu 200 ngàn người, tính từ thời điểm Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải rời bỏ quê hương của mình vào tháng 3 năm 1959.


Ngôn ngữ tuyên truyền cộng sản lỗi thời

Biểu tình tại Cam Túc

Bắc Kinh đã hoảng hốt vì không lường trước những chuyện đó và từ đấy đã tránh né mọi cuộc đối thoại. Với những khẩu hiệu của thời cộng sản "tiền sử", bất kỳ hình thức biểu tình nào, ngay cả những cuộc biểu tình của các sư sãi Phật giáo, cũng bị đàn áp và miệt thị là những "cuộc bạo loạn của đám côn đồ". Đức Đạt Lai Lạt Ma - qua ngôn từ thô thiển bốc ra từ chiếc rương đã mục ruỗng của phương cách tuyên truyền cộng sản - thì trở thành một "bàn tay đen đúa" hoặc "một kẻ đòi ly khai đang âm mưu chia cắt đất nước". Những lời mời từ phía chính quyền Trung Quốc hướng đến Đức Đạt Lai Lạt Ma, rằng ông và chính quyền lưu vong của ông có thể hồi hương, nhưng với điều kiện là phải sống ở Bắc Kinh chứ không phải tại Tây Tạng, đã cho thấy rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc thực tâm tới mức nào với lời mời của họ. Ngay đến cả việc lưu giữ hình ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng bị trừng phạt.

Trong thực tế thì những nhân vật ở Trung Nam Hải, trụ sở của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoàn toàn không quan tâm đến một giải pháp khả dĩ có thể chấp nhận bởi hai phía cho cuộc xung đột này. Bắc Kinh dựa vào khối dân số khổng lồ của họ, mưu đồ đè bẹp Tây Tạng bằng hình thức đồng hoá và chính sách định cư dân Trung Quốc. Từ nhiều thập niên nay, chính quyền Trung Quốc đã khuyến khích cán bộ, nông dân và thợ thuyền của họ đến lập nghiệp ở đấy, nơi mà người Tây Tạng đã từng một thời là sắc dân chiếm đa số.

Điều này không chỉ diễn ra trên vùng đất có tên "Khu vực Tự trị Tây Tạng", mà còn ở những tỉnh lân cận như Thanh Hải (Qinghai), Cam Túc (Gansu) và ở những vùng ven của tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), tất cả đều là nơi sinh sống hiện nay của gần 6 triệu người Tây Tạng. Cao điểm của chính sách này là việc xây dựng đường xe lửa đến Lhasa, được khánh thành cách nay ba năm. Điều thoạt tiên có vẻ như không có gì tệ hại này - bởi nhờ đó mà sự phồn vinh phát sinh từ những cải cách kinh tế cũng đến được với những vùng kém phát triển - rốt cuộc đã làm cho dân bản xứ trở thành những kẻ thiểu số ngay trên chính quê hương mình.


Đức Đạt Lai Lạt Ma thiếu một tầm nhìn xa về chính trị

Điều đáng tiếc là trong chiều ngược lại, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã bỏ lỡ nhiều dịp để đáp trả lại những điều ấy bằng những hoạch định chính trị thích ứng. Cũng phải thừa nhận rằng, với tư cách là một chính trị gia lưu vong và đồng thời cũng là một nhà tu hành chỉ có thể dùng phương pháp đấu tranh bất bạo động, thì ông cũng không có nhiều khả năng để lựa chọn. Nhưng dù ông có nổi tiếng như một kiểu "Pop star của sự quán tưởng và trầm tư" chu du cùng khắp thế giới, thì trong thực tế ông đã không mấy thành công trong việc đề ra một viễn cảnh chính trị cho tương lai dân tộc mình.

Đúng là kể từ giữa những năm 80, ông đã thôi không còn đòi hỏi một quốc gia độc lập cho quê hương bị chiếm cứ của mình. Điều mà vị lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng mong muốn chỉ còn là một "quyền tự trị và độc lập văn hoá", như Mao Trạch Đông đã hứa hẹn với ông sau cuộc chiếm đóng năm 1951.

Nhưng cũng còn một sự thực khác, đấy là việc chính quyền lưu vong của ông vẫn còn mãi loay hoay với những ý niệm ám bụi lỗi thời, chẳng hạn như câu hỏi liệu nước Tây Tạng cũ trước khi bị Trung Quốc xâm chiếm đã từng là một quốc gia độc lập hay chỉ là một vùng đất nằm dưới sự thống trị của một Trung Quốc bá chủ. Điều khiến cho Trung Quốc thêm ngờ vực là Đức Đạt Lai Lạt Ma - mặc dù không dính dáng trực tiếp - nhưng hầu như vẫn được xem như là lãnh tụ của tổ chức có tên "Phong trào Vận động Tự do cho Tây Tạng" ("Free Tibet Campaign"), một phong trào đòi tự do và độc lập cho Tây Tạng.

Có thể chuyện đòi hỏi tự do cho Tây Tạng - như đã xảy ra với Kosovo và Đông Timor - là một điều đáng để ao ước. Nhưng vấn đề là tự do trong dạng vẻ nào? Như một Đông Timor nghèo đói và chìm đắm trong hỗn loạn, nơi mà ngay cả một người đã lãnh giải Nobel Hoà bình như Ramos Horta cũng chẳng còn thấy an toàn và được che chở? Hay là nên trở thành một kiểu "vườn bách thú-sắc tộc" Phật giáo, một địa điểm phục hồi sức khoẻ với bầu khí trong lành cho những người phương Tây và những ngôi sao Hollywood đã mỏi mệt với nền văn minh cơ giới? Đấy có thể là một ý tưởng tuyệt vời.

Tiếc rằng những thứ ấy chẳng ăn nhập gì với những chính sách dựa trên các khả năng và điều kiện thực tế. Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ đồng ý trao trả độc lập cho Tây Tạng. Nước "Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa" cộng sản - bấy lâu nay đã bước vào quá trình xoá bỏ những ràng buộc ý thức hệ - không tán thành điều này. Và cường quốc mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa có tên gọi là "Nước nằm ở Trung tâm" - hiện đang toan tính thống trị cả tương lai châu Á - cũng không nốt. Và một nước Trung Hoa dân chủ - dần hình thành qua giao dịch kinh tế và thương mãi - trước sau vẫn chỉ là ảo tưởng của những kẻ mơ mộng ở phương Tây. Đối với Trung Quốc, Tây Tạng là "chuyện nội bộ" mà họ nhất định không cho phép ai xía mồm vào. Chính sách nhân quyền tồi tệ của siêu cường quốc Hoa Kỳ trong cuộc chiến đấu chống khủng bố hiện nay chỉ làm cho Bắc Kinh cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp tục duy trì đường lối cứng rắn của họ.

Vấn đề là: Trung Quốc phải hiểu rằng, trong một thế giới đã toàn cầu hoá thì chẳng còn có cái gọi là "những vấn đề nội bộ thuần tuý dân tộc". Người ta không thể muốn bay lên mặt trăng và đồng thời vẫn cứ khư khư bám vào những khái niệm về chủ quyền của thế kỷ thứ 19. Lhasa đã trở thành dải Gaza của Trung Quốc từ lâu rồi. Trên đường phố cũng như trong các chùa chiền, tiếng nói của những người ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma không còn là tiếng nói chủ đạo, mà chính là tinh thần của tổ chức "Nghị hội Thanh niên Tây Tạng" ("Tibetan Youth Congress").

Đấy là một nhóm người Tây Tạng lưu vong cực đoan, họ đã không còn đi theo đường hướng của Đức Đạt Lai Lạt Ma từ nhiều năm nay. Họ cho rằng con đường đấu tranh hoà bình của ông chẳng thể nào mang lại tự do cho quê hương, và dân Tây Tạng phải đi theo con đường của những phong trào giải phóng khác, như người Palestine và người Đông Timor.


Những kế hoạch đầy kịch tính cho Thế vận hội

Không phải Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khiến cho vai trò của những thanh niên đầy giận dữ này trở nên quan trọng, mà chính bởi Trung Quốc không chịu thực tâm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho Tây Tạng. Cũng giống như những đứa con của dải Gaza, lớp trẻ chống đối này thành hình là do chính sách đàn áp văn hoá và bị cô lập về mặt xã hội. Họ từ khước sự chỉ đạo của bất kỳ một kiểu "bề trên" nào. Và như thế, cái toan tính khởi thuỷ của những người cộng sản, là cứ đơn giản ngồi chờ cho đến lúc Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời thì vấn đề tự động sẽ được giải quyểt, đã bị những người theo xu hướng cực đoan này phá hỏng.

Và trên thực tế tiềm năng của lớp thanh niên cuồng nhiệt này còn rất lớn. Trong những tuần vừa qua, chính những cuộc tuần hành phản kháng từ Ấn Độ đi về hướng biên giới do họ tổ chức đã hâm nóng những cuộc biểu tình chống đối tại chính Tây Tạng. Nếu giới lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng họ có thể dùng những biện pháp đàn áp thô bạo của lực lượng an ninh để ngăn chặn những thất bại có thể xảy ra trên mặt tuyên truyền đại chúng cho Thế vận hội, thì điều ấy chỉ làm lộ rõ rằng óc tưởng tượng của họ quả là quá nghèo nàn. Bởi liệu các ông các bà trong Bộ Chính trị sẽ xử sự như thế nào, khi hình ảnh của một nhà sư Tây Tạng tự thiêu trên sân cỏ Olympic Bắc Kinh được quay phim và phát tán đi khắp thế giới? Đấy là một chi tiết trong kịch bản được dự tính bởi lớp trẻ Tây Tạng đang nổi loạn.

Chìa khoá để giải quyết vấn đề nằm trong tay chính quyền Bắc Kinh, và họ không được phép chậm trễ. Trong những tuần lễ tới, áp lực quốc tế về việc tẩy chay Thế vận hội sẽ gia tăng, có thể trở thành một tai hoạ cho thể diện của Trung Quốc. Và đấy không phải chỉ là một thảm hoạ cho ban Tổ chức Thế vận hội, mà còn là cho tất cả các phía tham dự

Nếu muốn "Olympia Beijing 2008" không mang dư vị của "Berlin 1936", thì chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phải tìm những giải pháp khác với những gì mà ông đã quen làm. Không phải là giải pháp sắt đá, mà phải là sự xuống thang hoà hoãn. Không phải là tiếp tục tuyên truyền ngu xuẩn, mà phải là đối thoại. Cái luận cứ rằng thể thao chẳng liên quan gì với chính trị hẳn là không còn dùng được.


Đức Đạt Lai Lạt Ma trên khán đài danh dự

Một bắt đầu tốt đẹp cho sự thay đổi này có thể là việc cho phép những quan sát viên quốc tế có mặt trong những phiên toà xử những kẻ bạo động ở Lhasa. Cũng như cần phải có những cuộc điều tra công khai, chẳng hạn việc trả lời câu hỏi là quân đội đã có nã đạn vào những thường dân phản kháng hay không, hay chỉ có việc người Trung Quốc định cư tại đấy bị giết bởi những kẻ đi biểu tình. Cả hai trường hợp, nếu có, đều phải bị đem ra xét xử.

Và nếu Trung Quốc thực sự là một cường quốc yêu chuộng hoà bình, thì thử hỏi có điều gì ngăn cản Bắc Kinh và chính quyền lưu vong Tây Tạng cùng bước vào một cuộc đối thoại thực sự để giải quyết các vấn đề của họ, trước khi Thế vận hội diễn ra. Không, một cuộc đối thoại, nếu có, không nên tổ chức ở Bắc Kinh, mà phải trên một phần đất trung lập. Nó cũng không nên diễn ra ở Washington hay Moskva. Jakarta hoặc Stockholm hẳn là những địa điểm thích hợp hơn. Hoặc cũng có thể là Genève, nơi đặt trụ sở của Uỷ ban Thế vận Quốc tế. Tất cả những điều này đòi hỏi sự thực tâm và sẵn sàng của một nước Trung Quốc đổi mới đã tháo bỏ mọi định kiến. Thật ra đấy cũng không phải là điều quá khó, bởi vì đấy chính là nước Trung Hoa mà những người tổ chức Thế vận hội 2008 ở Bắc Kinh muốn trình ra với thế giới. Với một điểm khác biệt, Đức Đạt Lai Lạt Ma được mời an vị trên khán đài danh dự. Nếu điều này xảy ra thì Trung Quốc sẽ nhận được sự kính trọng của toàn thế giới.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas