trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
25.4.2008
Hồ Hữu Tường
Nợ tinh thần
 1   2 
 
Thay lời tựa

Ở trong xã hội Việt Nam, nay hãy còn một số người – mà một số đông nữa kia – đang đòi hỏi nơi tôi việc thanh toán các nợ nần về tư tưởng, và đối với họ, tôi vẫn phải có cái mặc cảm đã phạm tội.

Thì đây:

Sau mấy năm lưu lạc, vừa đặt chân về quê nhà, tôi đến viếng một người quen cũ. Câu nói đầu tiên của anh bạn ấy là:

"Anh về đấy à! Đã hết cái thời hạn "nín thinh" không làm chính trị rồi à?"

Tôi chưa kịp thốt lời chi để giãi bày nỗi lòng, thì anh ấy tiếp:

"Tôi hãy còn giữ tất cả văn liệu của anh viết từ trước. Anh có làm việc, tôi cho mượn lại mà dùng!"

Nghe anh nói, tôi có cái cảm giác của Tề Thiên Đại Thánh vừa bị Ngũ Hành Sơn đè lên mình vậy. "Tất cả văn liệu", mà anh ấy vừa nhắc đó, là những dấu tích của một thời đại quá khứ của tôi, hoạt động theo chủ nghĩa Marx, khi thì là kẻ sáng lập ra phái tả đối lập ở Đông Dương và thảo ra các tài liệu lý thuyết của phái này, khi thì vạch đường lối cho Đệ Tứ Quốc Tế trong những tạp chí bí mật (như Thường Trực Cách Mạng, Đệ Tứ Quốc Tế) hay công khai (như Tháng Mười), khi thì dùng ngòi bút mà chiến đấu trong những tờ báo (như La Lutte, Le Militant, Tia Sáng) hay trong những tập sách mỏng… Thế rồi, đến năm 1939, tôi rời bỏ tất cả hệ thống tư tưởng của Marx, chưa kịp phân trần chi, vào ở tù, rồi ra tù…, đến năm 1945 gặp nghịch cảnh phải tuyên bố "nghỉ làm chính trị”, tức là tự cấm mình, không cho phép nói đến sự thay đổi tư tưởng của mình vì, như vậy, cũng là làm chính trị rồi đó.

Nhìn trộm vào nhà sau, tôi thấy lấp ló bảy tám đứa con nít. Bạn tôi cắt nghĩa:

"Con tôi chỉ có một đứa thôi. Anh L…, anh có nhớ không? Chết năm 1945, để lại cho tôi nuôi bốn đứa. Anh Ch…, để lại ba đứa. Ba chúng tôi xưa nhờ anh dẫn dắt một lượt. Đến những năm quyết liệt, hành động theo cái đà tư tưởng của anh, hai anh L… và Ch… phải bỏ mình. Về sau, tôi nghe anh nói "nghỉ làm chính trị”. Tôi ức lắm, nhưng rán chờ. Chờ ngày nay, là ngày bọn con mất cha đòi hỏi anh một món nợ tinh thần gì đó!"

Tôi kể chuyện trên vì ý nghĩa tượng trưng của nó và để chỉ rõ sự quan trọng của tập sách này, không phải đối với người đọc, mà chính là đối với tác giả. Cho ra những bài báo rời rạc, đã đăng trong lắm dịp khác nhau, vào những năm cách khoảng rất xa, tôi tưởng chừng như đã phân trần được:

"Thì các bạn xem đó! Tuy tự hẹn không làm chính trị, nhưng dằn lòng không được, đôi khi, tôi đã phải hé lộ can tràng".

Nhưng nếu mục đích tập sách này chỉ có ngần ấy thôi, thì thật là không bõ công của nhà xuất bản và tiền của độc giả mua lúc mà họ phải sống một cách quá chật vật.

Người ta – tôi muốn nói Marx – rời bỏ chủ nghĩa Hegel trong một thời bình, được có bốn mươi năm để lập thuyết với một người bạn bao bọc cho đời sống vật chất. Lại thừa thêm ba bốn mươi năm cho công chúng "tiêu hóa" lý thuyết của mình và cho môn đệ chỉnh đốn kỹ thuật về hành động.

Tôi rời bỏ chủ nghĩa Marx trong một thời loạn ly và ngắn ngủi hơn. Trong không đầy mười lăm năm, tôi phải dành năm năm cho tù đày, sáu năm cho sự phấn đấu đầy bi đát và khổ ải để được CÒN và SỐNG, và trơ trọi một mình, lại ở vào lúc mà trăm việc đều cần phải hành động ngay, không chần chờ gì được.

Vậy độc giả không nên đòi hỏi nơi tôi mấy chục mấy trăm quyển để cắt nghĩa tôi đã thanh toán với chủ nghĩa Marx – đống văn liệu của anh bạn còn cất – bằng cách nào. Thời giờ của kẻ viết và người đọc nên dùng vào việc khẩn cấp khác. Tuy vậy, lương tâm của đôi bên vẫn chưa yên. Thì xin các bạn hãy tạm suy nghĩ về những tư tưởng ở trong những bài văn ngắn này vậy.

Vì hình thức tuy giản dị, mà ý kiến đã cô đọng lại rồi. Nếu muốn lý thuyết hóa cho rườm rà, thì không phải là việc khó!

Sài Gòn, 12-6-1953
Tết Ất Mùi

Hồ Hữu Tường



I.

Nói ngoài đề

Đoàn xuất bản Việt Nam có nhã ý, mới cho tôi mấy trang trong quyển sách đặc biệt về Văn hóa và Cách mạng này. Độc giả có thịnh tình đọc đến những dòng này. Thế mà, phụ cái nhã ý kia, gạt cái thịnh tình nọ, tôi lại nói ngoài đề, tôi lại nói đến cái "khả ố”, rõ ràng là nặng tội! Vẫn biết thế, song trong cơ hội nghiêm trọng gần như thiêng liêng này, những ý nghĩ sau đây ào, ạt, sôi, nổi trong lòng tôi, xui, giục, kích, thích tôi, làm cho không thể nào dằn. Thôi thì, dù phải nặng tội, tôi xin cam, nhưng nếu cho phép tôi mở mồm, thì hãy để cho tôi cởi lòng vậy.

Đây không phải là lời của một nhà văn hóa. Vẫn biết, hồi trẻ tuổi, tôi đã sống những say sưa của một học trò hăng hái: lầm hiểu những khả năng mình, tưởng chừng chứa đựng thiên tài. Tôi có lần nuôi cái mộng khổng lồ làm một kiện tướng trong "ngành văn hóa" khoa học, và mơ để lại một sự nghiệp như Poincaré, Einstein hay Gauss. Nhưng đó chỉ là cuồng mộng của bò con chưa từng gặp hổ, nên tập tành làm chúa sơn lâm. Đó cũng là sự thèm thuồng của sẻ tơ, chưa đủ lông, nằm trong tổ mà mơ mình làm đại bàng, đằng phi trên thượng từng không khí. May sao, một ngẫu nhiên làm cho tôi rời con đường văn hóa. Những dòng máu nóng hổi, những tình cảm mãnh liệt, những suy luận quyết đoán của tuổi hai mươi đã bị phong trào cách mạng 1930 lôi cuốn hẳn. Mộng lớn, mộng con về khoa học, về văn hóa đã mất hết rồi…

Thế mà tôi cũng không phải là một nhà cách mạng. Vẫn biết trong mấy năm qua, trên đầu, tôi không biết oai quyền vật chất hay tinh thần nào cả. Tôi đã mải miết trong những học thuyết, tôi đã vất vả trong những tổ chức, tôi đã len lỏi trong những hành động bí mật hay công khai, tôi đã sống những phút say sưa khi thông cảm với muôn vàn người đương phấn đấu, tôi đã chịu những hồi đau khổ của kẻ cô đơn, lạnh lẽo nơi xà lim hay ngoài Côn Đảo. Những cái vinh hạnh, tủi nhục của một nhà cách mạng, tôi đã sống đủ hết, sống mãnh liệt. Nhưng tôi không phải là một nhà cách mạng. Những ai năm ngoái có mặt tại Việt Nam Học xá, trong một buổi hội họp của Tổng hội Sinh viên, dù có nghi ngờ sự thành thật của tôi, cũng nên làm chứng rằng, trong lúc triệu triệu quần chúng tiến lên con đường cách mạng, tôi đã bình tĩnh tuyên bố rằng trong thời hạn từ năm đến mười năm, tôi nghỉ làm chính trị, hàm súc ý làm chính trị cách mạng nữa.

Đã không phải là nhà văn hóa, đã nghỉ làm cách mạng, tôi lấy tư cách nào mà nói chuyện với kẻ tôi kính nhất là công chúng? Âu là để cho tôi lấy tư cách "người" nói chuyện với "những người”. Và, hãy đừng ép tôi nói về văn hóa và cách mạng, nên rộng lượng mà để tôi nói ngoài đề vậy.


Một bài phi lộ

Tháng chín năm ngoái [1] , tôi có gặp Đào huynh [2] , và trong câu chuyện tâm sự, Đào quân có ý muốn lập một hội nghiên cứu triết học và cho ra một tờ tạp chí làm cơ quan. Người còn sốt sắng chọn một cái tên "NGHIÊN CỨU”. Lập hội với ai? Tiền đâu mà in món hàng không độc giả? Nhưng chiều ý bạn, ngay lúc ấy, tôi đã thảo ra lời trung cáo của cái hội – tưởng tượng đấy – và cũng là bài phi lộ cho tạp chí – cũng tưởng tượng. Xin đăng sau đây:


Lời trung cáo của Hội Việt Nam để nghiên cứu triết học

Nói thẳng cũng buồn lòng, mà là sự thật. Mấy ngàn năm lịch sử, dân Việt chưa sáng tạo riêng cho mình được một nền triết học, một nền tư tưởng không thẹn với tên của nó. Dằng dặc từ đời nọ sang đời kia, ta chỉ có theo người. Theo mà chưa đạt đến chỗ hoành bác uyên thâm của người, lựa là nói đến việc phát triển, tài bồi để ghi được chút công với tư tưởng chung của nhân lọai.

Theo Nho học, thì hẳn là theo lối huấn cổ và ký tụng từ chương, mài miệt nơi chi li, mà không đạt đến tinh túy của Khổng học; dù thế, người mình đã được mấy ai tinh tế như Vương Dương Minh, đứng trong khuôn khổ của Khổng, Mạnh mà kết cấu thành chặt chẽ có nhuộm màu lý thuyết, thật ra không được Nho sĩ xứ này để ý.

Nho học đã chưa đến, làm sao theo kịp học thuyết của Lão, Trang đến chỗ hoằng viễn của nó về vũ trụ quan, nhân sinh quan? Đạo sĩ ta không rẽ qua lối tư biện của Lão, Trang mà xoay về phép dưỡng sinh và ma thuật của Hoàng, Lão.

Nho, ta như thế, Đạo, ta như thế. Thích, ta cũng chẳng hơn gì. Có lần nào tăng ni ta đã phanh phui cái nền triết lý của Phật để phê phán, hầu xung bổ cho kịp thời? Có lần nào Phật học ở xứ này đã được đưa đến chỗ cực kỳ uyên thâm, làm cho các nơi phải giật mình mà ghi công cho vậy?

Dù không có được những đấng anh hoa, ta vẫn có nhiều học giả trong Tam giáo. Trên mặt bể tư tưởng của nước nhà, những ngọn gió từ Tàu thổi xuống, từ Ấn thổi sang, tuy không gây nên những trận sóng to ào ạt, rung chuyển, hãi hùng, song luôn luôn gợn xao mặt nước, li ti mà không ngừng. Còn đến cái triết học của Âu Tây, mà ta đã được tiếp xúc gần trăm năm nay, quang cảnh lại lắm êm đềm. Những người đã đề cập đến triết học này, kể ra cũng được một vài. Nhưng, công trình của họ là những công trình giới thiệu, trình bày một cách phổ thông. Lắm khi, chỉ là mượn những tài liệu phổ thông nào ở nước ngoài mà phả vào tiếng Việt, chớ chưa có màu sắc đặc biệt của sự suy nghiệm riêng của mình. Về loại trình bày này, kể cũng được một vài tác phẩm đáng giá; một giá trị tương đối để đánh chìm bao nhiêu tác phẩm khác! Còn những công trình phê phán, tập đại thành, phát triển hay sáng tác trong địa hạt của triết học Âu Tây, người mình hãy còn ở trong thời kỳ đợi chờ, hy vọng.

Đối với nền triết học kinh điển của Âu Mỹ, xứ ta chưa ghi tên được một tín đồ nào hiển trứ. Nói rằng nó đã tàn rồi, không thể sinh sản trên dải đất này chăng? Nói rằng nó không thích hợp với đầu óc Đông phương của người mình chăng? Dù nói sao, cũng phải phân tích, suy luận, chứng minh, cũng phải đề cập đến triết học, nghĩa là phải có nhà triết học.

Đối với các triết học mới của Âu Tây, trong mười mấy năm gần đây, xứ ta có được nhiều chiến sĩ cách mạng mang truyền bá, một ít nhà văn đem thuật lại một cách sơ giản trong những bài báo, bài tạp chí, hoặc ở sách con. Lòng thành hẳn rõ rệt và nồng nàn. Về phẩm chất và trình độ, những tác phẩm đầu tiên ấy chưa đủ làm cho ta tự hào, hay yên ủi ta về chỗ bần phạp của nền triết học của xứ sở. Một giọt nước để tưới bãi sa mạc khô khốc và mênh mông!

Sự bần phạp của ta về triết học trong dĩ vãng không đến nỗi làm cho ta có chút gì ngờ vực đối với tương lai. Nó chỉ để cho một mớ người không thể khoe khoang với nước ngoài rằng ta đã có một nền văn minh huy hoàng, tráng lệ.

Đối với kẻ cần cù nghiên cứu, sự bần phạp đã qua nào có phải là biểu hiệu cho cái số mạng cay nghiệt đã tuyên án một đời tư tưởng tẻ lạnh cho dân tộc ta! Số mạng là gì? Số mạng có chăng? Nếu có, ta có thể thoát được nó chăng? Thì ta ít nữa cũng phải có những nhà tư tưởng vĩ đại, mà một cuộc phản tấn công chống lại khoa học, chống lại tư tưởng của Âu Tây. Vì đã lâu rồi, những thành trì cuối cùng của thuyết định mệnh đã bị cướp lấy. Trong sự tranh đấu quyết liệt của thuyết định mệnh chống lại khoa học, để khôi phục cái uy quyền cũ, thì bên kia mặt trận, nào quân đông, nào tướng tài, nào chiến cụ nhiều và tinh xảo. Vậy, bên này mặt trận, quân phải đông hơn, tướng phải tài hơn, chiến cụ phải nhiều và tinh xảo hơn. Những tín đồ của thuyết định mệnh phải gây một phong trào tư tưởng mạnh hơn phong trào khoa học. Chứng minh rằng số mạng của tư trào triết học của dân ta là phải nghèo, thì cái tư trào chứng minh ấy – càng là một cái tư trào triết học – phải rất phong phú. Trong thật sự, tư trào ấy đã đánh đổ thuyết định mạng rồi vậy.

Đối với những ai muốn mượn một nguyên nhân nào đó để giải thích sự bần phạp của nền triết học và kết luận rằng trong tương lai, ta chẳng có hy vọng gì, chúng tôi xin trân trọng mấy lời. Dù mượn trình độ kinh tế, dù mượn ảnh hưởng của di truyền về sinh lý của tổ tiên, để mà làm cơ sở cho sự giải thích, các ngài hãy làm cho đàng hoàng, thì chúng ta sẽ có một mớ tài liệu của các ngài cung cấp cho, mà cũng chứng minh một cách cụ thể rằng các ngài có lý trong chủ quan các ngài, nhưng đã tương phản với sự thật.

Một sự tin tưởng khác đang làm đảo lộn những ý kiến của chúng tôi. Không tin vào số mạng, chúng tôi có thể hy vọng rằng triết học ta sẽ được phong phú. Không tin rằng di tích cựu truyền của tổ tiên ta ngu độn, chúng tôi đang mơ ước những nhà tư tưởng siêu quần, con cháu của dân Việt. Không tin rằng về sinh lý ta không thể có đầu óc thông minh mà đằng phi trên thượng tầng tư tưởng, chúng tôi đang mong một hệ thống tư tưởng làm cho cả nhân loại chú ý mà do người Việt đề xướng. Không tin rằng trình độ kinh tế thấp, kém, tất lệ định một nền triết học ươn, hèn, chúng tôi đang say mê với một lời tiên đoán của Engels: "Những xứ về kinh tế còn lạc hậu lại có thể cầm cây đàn hạc trong triết học”.

Hy vọng, mơ ước, mộng, say mê! Nhưng còn ở xa xăm, chưa gần sự thật, một sự thật không có gì yên ủi. Có yên ủi chăng, họa là cái ý tưởng rằng bấy lâu bần phạp, là vì nằm dưới sự đè nén chính trị cùng tinh thần. Và nay dân ta được độc lập, nếu cố gắng, thì hy vọng, mơ ước, mộng, say mê kia cũng có thể thành sự thật.

Âu là ta gắng sức, giúp nhau mà nghiên cứu. Hội triết học ta sẽ đem những viên đá đầu tiên, dù nhỏ bé, để kiến trúc tòa lý tưởng huy hoàng của triết học.

Ngày kia, con cháu của chúng ta được đằng phi trên vòm tư tưởng, làm cho thế giới khâm phục, xứ sở sẽ nhận rằng hội triết học ngày nay đã làm cái sứ mệnh của nó.

(Hà Nội, tháng 8-1945)

*


Những dòng trên đây không đưa được tận tay nhà học giả họ Đào, tôi có mượn một anh giáo sư trẻ tuổi chuyển hộ. Nhưng từ đấy chưa dội lại một tiếng vang…


Một kế hoạch để nghiên cứu triết học

Nhưng anh giáo sư này cắc cớ. Anh bắt tôi trả giá công chuyển của anh bằng một kế hoạch để nghiên cứu triết học. Tôi đã viết những dòng sau đây để định gởi cho anh:

*


Khi nghiên cứu một học thuyết, người ta thường có hai thái độ: tán thành hay là phản đối. Khi tán thành một học thuyết, người ta thường có hai thái độ: tôn sùng một cách tôn giáo cái hình thức, hay là dõi theo tinh thần của học thuyết ấy. Khi dõi theo tinh thần của một học thuyết, người ta thường có hai thái độ: nép mình vào trong lĩnh vực mà tị tổ của học thuyết ấy đã vạch, hay là phát triển tài bồi cái tinh thần ấy. Khi phát triển tài bồi một học thuyết, người ta thường có hai thái độ: tiếp tục đại cương của nó, hay là đưa nó đến chỗ cực đoan của nó, rồi thành lập một học thuyết khác hẳn, và có khi đối chọi lại nữa.

Marx, tị tổ của duy vật luận biện chứng vốn là môn đệ của Hegel, rồi nhân đưa học thuyết của Hegel đến chỗ cực đoan của nó mà phải sang qua học thuyết duy vật của Feuerbach. Lại là mặc dù của Feuerbach, Marx cũng vì đưa học thuyết duy vật thô sơ của Feuerbach đến chỗ cực đoan của nó mà phải sáng lập ra cái triết học riêng của mình.

Phải nghiên cứu học thuyết của Marx với một thái độ nào? Tôn sùng từng chữ, từng câu, từng đề cương, cũng như những nhà tu tụng kinh, cũng như những nhà Nho theo lối huấn cổ hay là dõi theo tinh thần của hệ thống? Ở trong lĩnh vực của Marx đã vạch, hay là mở rộng phạm vi cho phù hợp với sự tiến bộ của khoa học, với sự tiến hóa của nhân loại? Và sau cùng, có nên thoát những chữ, những câu, những đề cương, những lý thuyết, những hệ thống, mà chỉ giữ cái thái độ của Marx: phiên đảo học thuyết để đi sát sự thật chứ không phải trá hình sự thật để bảo tồn lý thuyết chăng?

Một trăm năm đã qua từ khi duy vật luận biện chứng ra đời. Lịch sử trong giai đoạn này rất phong phú, rất to tát. Khoa học, trong tất cả các ngành của nó, đã trải qua những cuộc cách mạng vĩ đại. Một người thông minh như Marx, có bẩm chất như Marx, mà ở vào thời đại của chúng ta, sau những cuộc lật đổ liên tiếp và khổng lồ trong tất cả các địa hạt, một người như thế sẽ có những suy nghĩ gì, sẽ có những chủ trương gì, sẽ sáng lập ra những học thuyết gì? Hay là chỉ tụng lại những câu kinh bài kệ của tiền nhân để lại?

Anh hãy xét, nói đúng hơn, hãy kiểm điểm thành tích của tư tưởng hồi thế kỷ XIX, hồi Marx lập thuyết. Anh hãy suy nghĩ đến câu nói của Lénine cho rằng chủ nghĩa Marx là tập đại thành triết học Đức, kinh tế học Anh và xã hội chủ nghĩa Pháp. Và anh hãy kiểm điểm những thành tích mới của tư tưởng từ một trăm năm nay. Vật giới, sinh học, xã hội học, tâm lý học, triết học, thiền học… đã bước những bước thật dài… Nếu anh muốn lập thuyết, anh sẽ không lấy thế của một đỉnh ba chân như Marx. Một duy vật luận xứng với tên của nó sẽ bắt nguồn nơi những sự hiểu biết phong phú và vững chãi của thời đại.


Một kế hoạch để nghiên cứu khoa học

Nhưng mà những dòng chữ này không đến tay anh giáo sư nọ. Trên đây, tôi đã nói động đến duy vật luận, nhắc đến tên của Marx, Lénine. Đã đành, chỉ riêng đứng về phương diện thuần túy triết học, song cũng có thể gây những sự hiểu lầm. Trót đã hứa nghỉ làm chính trị, thì cũng nên tránh những cái cớ buộc phải phân bua. Lưỡng lự khá lâu, tôi bèn đổi ý, mà trao cho anh ấy những dòng chữ khác như sau đây:

*


Anh là nhà địa chất học. Anh muốn nghiên cứu triết học. Thì anh cũng nên nghĩ đến một cái triết học gần với khoa học, nhất là gần với địa chất học của anh. Vậy tôi xin vẽ cho anh một kế hoạch theo ý ấy.

Anh còn nhớ sự nghiệp khoa học của Newton. Khi người nêu lên luật vạn vật hấp dẫn để giải thích tất cả những lời giải đáp bao trùm, song chưa lấy gì làm thỏa mãn. Và khi Laplace nêu giả thuyết của người về sự cấu tạo vũ trụ ngày nay, thì cái lý trí con người mới được bớt niềm thổn thức.

Từ đấy, những súc tích của khoa học thực nghiệm đã thành quá vĩ đại. Chúng đã bắt buộc ta quan niệm cái vũ trụ theo một cách khác. Vũ trụ quan của Einstein ra đời. Lý trí đã được những lời giải đáp bao trùm song chưa có gì làm thỏa mãn. Người ta còn thèm thuồng lời giải đáp cho câu hỏi này: theo thuyết tương đối, vũ trụ cấu tạo theo cái lịch trình nào, dĩ vãng của nó làm sao và tương lai sẽ như thế nào? Tức là người ta đòi hỏi một tên Laplace khác để đi cặp với tên Einstein. Cũng như hai tên Newton, Laplace đã khăng khít với nhau trong lịch sử của khoa học.

Anh hãy cố gắng lập một cái thuyết về sự cấu tạo vũ trụ. Để về sau, người ta có thể ghép tên anh vào tên của Einstein mà trỏ một cái học thuyết hoàn thành.

Lẽ cố nhiên, anh phải học toán cho nhiều. Về khoản này, anh nên nghĩ đến ông Tạ Quang Bửu để nhờ bộ óc thông minh, nhưng khiêm tốn ấy hướng dẫn cho anh. Không biết chừng, anh còn phải sáng tác một khoa Toán học mới để làm khí cụ cho sự phát minh của anh. Còn về phần thực nghiệm, anh cũng có thể dùng cái thuyết mới của anh để giải thích hình thể của quả địa cầu, sự phân phối hải dương cùng lục địa, tức cũng là để kiểm soát trở lại thuyết ấy…

Anh nên vạch con đường ấy mà đi, con đường mà anh muốn gọi là của khoa học hay của triết học, tùy ý anh.


Một đề tài cho tiểu thuyết

Một ngẫu nhiên làm cho tôi quen được một người đương muốn viết tiểu thuyết. Người nêu ra một chủ trương: giải phẫu những bản năng thầm kín nhất của con người, những tâm lý phổ thông nhất trong nhân loại. Người đã chọn một đề tài: tả sự ngoại tình trong tâm hồn, chỉ trong tâm hồn thôi. Và sau đây, lời trình bày của văn sĩ tập sự nọ:

Nàng có tính chọn chồng. Mấy năm xưa, nàng mộng một người chồng thông minh hoạt bát... Mấy tháng trước, nàng mộng một người chồng hoạt động. Có lẽ bây giờ, nàng mộng một người chồng có tầm thước cao hơn, lớn hơn. Nàng lại còn có nết tự cao. Ai thấp hơn nàng về trí thức, hèn hơn nàng về tinh thần, kém hơn nàng về lý tưởng, thì nàng khinh, nàng chế nhạo. Bao nhiêu chàng thanh niên si tình đã gởi cho nàng những bức thư van lơn, nài nỉ. Nàng mời các bạn, trai có, gái có, đến cho nàng đãi trà và nghe nàng phân tích những bức thư tình nghe như một giáo sư giảng Quốc văn, và thỉnh thoảng hưởng hương vị của một vài câu phê bình hài hước. Đã có mấy nghìn cái thư chồng chất đó, di tích của mấy trăm thanh niên, nạn nhân của tính nết nàng.

Thế rồi, nàng cũng có chồng, một ông chồng trung bình, chỉ có cái tật xấu là: tuy không có tật xấu, mà tầm thước thấp bé hơn người chồng lý tưởng của nàng.

Cái cứu cánh tất nhiên phải đến. Ba ngày yêu đương: cái đà thứ nhất đấy. Rồi nàng trông thấy sự sai biệt giữa mộng và sự thật, thì đến ba tháng chịu đựng. Và sau, thầm kín trong lòng, nàng viết những bài "phê bình nhân vật”, nghịch nghịch đùa đùa, mà đối tượng là ông chồng. Người ngoài cuộc được đọc những bài trào phúng này sẽ cười nôn ruột, có dè đâu tác giả viết nó bằng máu, một câu ra là thêm một hiu quạnh cho trái tim, một đau khổ cho cõi lòng. Ban đầu nhẫn nại mà cảm sự đau khổ ấy, đoạn đâm ra so sánh chồng nàng với người khác. Rồi thầm kín, thèm muốn một ông chồng khác, thầm kín trong lòng thôi, nhưng đã là sự sa ngã đầu tiên về tinh thần! Sự khinh chồng nàng càng tăng, sự ngoại tình trong tâm hồn đã khai mào, cái đà đã có, từ đấy, trong tâm hồn nàng, sẽ sống cái đời ngoại tình liên miên của Madame Bovary.

Xét ra, cái ngoại tình về nhục dục, so sánh với cái ngoại tình ở tâm hồn, thì có ăn thua gì? Hai cái xác thịt rung động trong một khoảnh khắc.

Rồi những tế bào đổi. Hai mươi bốn giờ qua, hai cái xác hôm qua đã đổi hết tế bào của mình nay đã thành hai cái xác mới rồi. Cái rung động của những thớ thịt không còn để những dấu vết gì tất cả, nếu không còn để lại một đứa con, mà đời bây giờ người ta lại biết tránh có con. Còn cái yêu ở tâm hồn, nó đánh dấu một vết không rửa sạch ở tâm hồn. Ta đi đâu, dấu vết ấy theo đó. Ta sống, nó sống với ta. Ta chết, biết đâu chừng dấu vết ấy còn sống dai hơn ta, nếu nó đã kích thích ta làm những áng văn hay, những bài thơ đẹp, hay sáng tác những học thuyết siêu việt. Thì ra cái yêu đương xác thịt, có ăn thua gì đối với cái yêu đương tâm hồn. Và sự sa ngã của Madame Bavory về xác thịt có ăn thua gì đối với sự sa ngã ở tâm hồn: những cuộc ngoại tình liên miên mà chỉ có lương tâm mình biết thôi và ngay đến tình nhân cũng không biết nữa.

Thế thì trong tiểu thuyết này, sẽ không tả sự ngoại tình mà là cái tinh thần ngoại tình. Và đi song song với trường tả chân, tả chân tư sản hay tả chân xã hội, cũng nên ước mong có những tiểu thuyết tả cái tinh thần của những sự việc cụ thể mà phía trên đã tả.


Một mẩu chuyện bi kịch lịch sử

Tôi được nghe lóm câu chuyện giữa một người tập viết tuồng với một tác giả có tiếng. Để đón hỏi kinh nghiệm, phê bình, khuyến khích của người đi trước, kẻ tập sự kia đã trình bày quan niệm của mình theo những tư tưởng sau đây:

Lịch sử không phải là hành vi, sự nghiệp của một vài nhân vật, thì trên sân khấu, tôi không muốn đem một vài đoạn đời của người nào để diễn thành bi kịch lịch sử. Vai chính trong bi kịch lịch sử phải là nhân loại tượng trưng chung, hay phân thân thành những động lực đã kích thích cái quá trình lịch sử. Tôi muốn diễn tả những xung đột trong tâm hồn người, của con người muôn thuở, mà cũng là những giai đoạn lịch sử nữa. Nhân chi sơ, tánh bổn thiện. Những bản năng ác nghiệt đến, đi đôi với những chế độ tàn khốc, dẫn nhân loại đến chỗ tiêu diệt. Trừ phi có một cái Thiện siêu đẳng nào đến cứu vớt loài người mà đuổi hẳn cái Ác đi.

Màn khai diễn: Loài người thuần chân, đang yên sống trong cảnh thái bình nguyên thủy, dưới sự che chở của tinh thần Thiện. Bỗng, những bản năng xấu nhen nhúm lên, đòi được thỏa mãn. Tinh thần Ác xúi giục bản năng kia kích thích người đánh đuổi tinh thần Thiện đi. Chế độ Ác lập lên.

Màn I: Một lão trọc phú nhờ một cố vấn quỷ quyệt (hiện thân của tinh thần Ác) bày mưu kế để chinh phục thể xác lẫn tâm hồn một người con gái. Người này, trước sự tấn công kia, nghe lời chỉ vẽ, cũng của cố vấn ấy, tương kế tựu kế, bằng lòng làm vợ hắn, định bụng về sau giết chồng và vợ cả, đoạt cơ nghiệp để hưởng giàu sang trong tuổi còn xuân. Nhưng khi mưu kế thành, nàng xa bỏ người cố vấn kia. Sắp thất bại, anh này lại may tìm được đầu dây để kéo thế lợi cho mình. Nghiệp Ác còn mầm, anh thích chí cười đắc thắng.

MànII: Người trưởng nam của nhà trọc phú du học ở ngoại quốc về, nghe em gái kể lại sự tình. Anh ta lưỡng lự chưa tin. Người cố vấn lại bày mưu để cho người anh rõ sự thật hơn. Một cuộc thử thách tâm hồn chứng quả rằng người vợ hầu đã phạm tội. Người anh quyết định với em sẽ báo thù.

Màn III: Muốn thâu lại sự nghiệp và hành tội người đàn bà độc ác kia, chỉ có một cách là lấy người ấy rồi làm cho nàng đau khổ trong tâm hồn. Người con chồng bèn giả yêu dì ghẻ. Người cố vấn căm hờn, mới xui nàng em gái (tượng trưng cho lương năng) đứng ra trừng phạt người anh phản bội và đeo đuổi phục thù. Sau một cuộc thử thách, khi đã rõ tâm tình người anh mình, nàng quyết nghe lời người cố vấn.

MànIV: Cặp tình nhân thấy cô em gái là một trở lực cho hạnh phúc của họ, tìm cách hạ thủ. Anh cố vấn làm trung tâm điểm cho mọi cuộc âm mưu đầu độc lẫn nhau. Một bữa tiệc hội họp hai anh em cùng mẹ ghẻ, bày ra gọi là để hòa giải. Nhưng bên trong, anh đã bỏ thuốc giết em, và em đã bỏ thuốc giết anh và mẹ ghẻ, cả ba cùng chết. Người cố vấn toan cười, song xem ra không đạt được một mục đích nào của mình.

Màn V: Tinh thần Ác cười chưa dứt, thì có tiếng tinh thần Thiện văng vẳng. Tinh thần Ác hoảng hốt kêu gọi bản năng xấu, hầu mượn sức chúng mà đuổi tinh thần Thiện. Nhưng, người xấu đã chết cả. Tinh thần Ác có thể bị diệt. Tiếng nhân loại ngân lên, ca ngợi sự thắng trận của tinh thần Thiện, khơi mào một đời thái bình đẹp đẽ.

Một người khách vừa thăm tôi ngẫu nhiên đọc được cả đoạn trên. Người ấy đã lắc đầu nói: "Tôi không hiểu bài này muốn nói gì. Anh học đòi viết lối văn chương lập dị, toan đem lối vẽ của Picasso mà phả thành câu. Hỏng hết”.

Hỡi ông khách ơi! Bảo rằng hỏng thì tôi chịu. Song bảo tôi lập dị, hẳn lòng tôi không có; bảo tôi muốn làm văn chương, hẳn cũng không. Tôi nhắc đến ông Đào Duy Anh, tôi nghĩ đến cái ý định lập thuyết về Triết học hay Khoa học của người giáo sư trẻ tuổi, tôi bàn đến nhà viết tiểu thuyết tập sự kia, tôi nói đến nhà tập viết kịch nọ… tôi chỉ muốn xem những nhân vật ấy như những hiện thân của con người vĩnh cửu, luôn luôn cố gắng điêu luyện tài nghệ của mình. Giờ phút này, những nhân vật ấy liệu còn hăng hái đeo đuổi công tác của mình, hay đương băn khoăn như kẻ viết những dòng này?

Nhìn lại quãng đời đã qua, tôi thấy rằng tôi cũng đã có những say mê như họ. Tôi đã ôm những mộng lớn về Khoa học, cầu chút danh riêng cho mình, chắc cũng có, song chính là để đắp thêm một viên đá cho con đường tiến bộ của nhân loại. Và khi suy xét rằng làm chính trị, thì chỉ có thể giúp cho loài người tiến hóa mau hơn, nhiều hơn, tôi không mến tiếc gì cả. Bao nhiêu cái chi yêu quý nhất của đời tôi, tôi đều đem dâng trước bàn thờ của hy sinh. Hình ảnh của người cha già quằn quại chống với Thần Chết trong sáu tháng, ngay trong lúc tôi bôn ba trên con đường hành động, mà không rảnh chân để về thăm, hình ảnh ấy khêu gợi bao nhiêu sự đau khổ. Thế mà đã được những kết quả gì? Trước mắt tôi, tôi chỉ thấy nhân loại đi gần đến con đường tự sát. Cuộc Thế chiến thứ hai chưa nguôi hơi thuốc súng, thì cuộc Thế chiến thứ ba nhen nhúm lên, lợi hại hơn, tàn khốc hơn. Stéfan Zweig, hai vợ chồng ngươi tự sát để phản đối lại sự dã man của chiến tranh; ta tuy không đồng tình, song ta hiểu ngươi lắm lắm.

Bom nguyên tử! Tinh lực nguyên tử! Sẽ còn bao nhiêu khí cụ giết người lợi hại hơn, tinh xảo hơn!…

Tôi thấy trước mắt tôi thằng Hy Lạp đầu tiên đã tìm được lối tư biện thành nề nếp, nguyên thủy của khoa học. Thằng vô phúc ấy đương khóc vì sao cái khoa học mến yêu của nó kia, đã không giúp cho lẽ phải thành công, đã không làm cho nhân loại đắc thắng, lại thành những bom nguyên tử để giết người.

Năm 1933, khi Hitler cướp chính quyền, bọn Quốc xã đã kêu cuộc đảo chính của họ là cuộc "cách mạng Quốc xã". Con người của tôi phẫn uất: sao tiếng cách mạng lại bị bọn Phát xít lợi dụng làm điều bất chính? Số phận của khoa học phải chăng là vạch trước cho biết rằng sau khi cách mạng điêu luyện được sắc bén, tinh xảo, thành thứ bom nguyên tử rồi, thì cũng không tránh bị lẽ tà lợi dụng mất?

Còn văn hóa. Văn hóa điêu luyện được đẹp đẽ sắc bén rồi, phỏng có tránh được cứu cánh kia chăng? Một triệu chứng đã báo điềm: trong cuộc chiến tranh 1914 – 1918, đã có Hội Kulturkampf ra phụng sự cho Thần Chiến tranh thảm khốc.

Một sự hoài nghi khổng lồ đương ám ảnh tôi. Đây rồi cái gì rèn luyện cho tinh xảo, sắc bén, thì cũng chỉ thành khí giới của tội ác. Có phải vậy chăng?

Hỡi con người vĩnh cửu muốn cố gắng trong sự tiến bộ! Người muốn khảo cổ, người muốn lập thuyết về triết học, về khoa học, người muốn rèn luyện văn chương và nghệ thuật, người có thấy số phận của tị tổ Khoa học đương khóc vì bom nguyên tử chăng?

Thôi thôi, tôi xin van các ngài. Đừng ép tôi, phải cố gắng để điêu luyện một khí cụ vật chất hay tinh thần nào cả. Tôi đương tha thiết yêu mến nhân loại, tôi nỡ lòng nào nối giáo cho kẻ tà mạnh thế lực hơn, để tàn sát cái nhân loại yêu mến của tôi sao?

Nhưng tôi không hoài nghi. Tôi không hoài nghi triết học, khoa học, văn chương, nghệ thuật chi cả. Tất cả những cái đó chỉ là khí cụ. Chúng càng sắc bén, chúng càng thêm thế lực cho kẻ cầm chúng nó trong tay. Tôi đau khổ vì thấy hiện nay Lẽ Tà lại được cầm chúng nó.

Tôi không bi quan. Tôi biết rằng triết học, khoa học, văn chương, nghệ thuật không có tính ác… Chúng nó không có tính nào cả. Chúng nó không có tâm hồn. Chúng nó là những khí cụ. Lẽ Chính cầm nó trong tay, nó cũng sẽ phụng sự Lẽ Chính rất đắc lực.

Thì ra vấn đề không phải là bi quan với chúng nó. Vấn đề là làm cho Lẽ Chính được thắng.

Tôi đương mong mỏi một cái gì làm cho Lẽ Chính được thắng, bao nhiêu khí cụ vật chất hay tinh thần tự nhiên phụng sự cho tiến bộ của nhân loại. Một cái gì, tôi không biết, để làm sao cho "người" trở nên NGƯỜI. Tên nó là gì, tôi không biết, nhưng tính nó là làm cho người ngày càng đẹp đẽ, cao quý hơn. Nó phải đuổi hẳn trong đầu óc tôi cái hình ảnh của tị tổ Khoa học phải khóc vì bom nguyên tử.

Chừng đó, tôi sẽ thét vang. Để reo mừng. Và cũng để kêu gọi bao nhiêu tài trí rải rác khắp nơi, mau điêu luyện khí cụ vật chất và tinh thần. Phen này không phải để cho sự phá hoại, sự tàn sát lợi dụng, mà để phụng sự cho nhân đạo.

Hà Nội, ngày 4 tháng 8 năm 1946

(“Văn hóa và cách mạng”, 1946)


II.

Tân Xuân Thu

Mỗi lượt kỷ niệm cuộc Cách mạng 1789, người ta thường nhắc đi nhắc lại những cái sáo cũ rích. Kẻ thấy gần, thì dựa vào một vài tính cách của hiện tượng lịch sử mà phê bình, tán dương hay đả đảo. Kẻ ngó rộng, thì đặt vào khát khao của một cuộc "đổi đời" đã đánh dấu sự nhân loại cởi lớp quân chủ mà khoác áo dân chủ.

Chúng tôi mời bạn đọc tạm đi nhiều các sáo ấy trong vài phút. Và hãy nhìn cả con đường lịch sử, để so sánh thời đại của chúng ta với thời đại Xuân Thu của Tàu có gần ba ngàn năm nay.

Hồi thế kỷ thứ mười bảy, thế lực của nước Pháp mạnh mẽ và chói lọi hơn tất cả, không khác nào nhà Châu cầm quyền "thiên tử" trong lĩnh vực nước Tàu. Rồi cách mạng nổi lên, đánh dấu khai mào cho cuộc đổi đời, cũng như nhà Châu dời đô qua phía Đông, mở đầu cho kỷ nguyên Xuân Thu vậy. Rồi từ ấy, các cường quốc lần lượt mọc lên, trụt xuống, thay nhau làm bá chủ hoàn cầu, làm cho ta nhớ đến Tề, Sở, Ngô, Việt, Tấn, Tần thuở nọ.

Hiện nay, chúng ta ở gần màn chót. Các chư hầu nhỏ bé lần lần bị các nước lớn thôn tính, hoặc kết hợp nhau. Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Tàu, ngũ cường ngày nay nhắc cho ta nhớ lại bảy nước hồi trước.

Về mặt tư tưởng, học thuật nước Tàu sản xuất những tay cự phách chỉ trong hồi loạn ly của Xuân Thu mà thôi. Khổng, Lão, Trang, Mặc đều là con đẻ của cuộc đổi đời nọ. Còn trong cái Tân Xuân Thu này đã sản xuất một vài học thuyết vĩ đại như chủ nghĩa Marx. Nhưng cái Tân Xuân Thu này chưa đi hết đà của nó. Biết đâu trong cuộc đổi đời vĩ đại này, to mấy ngàn lần hơn hồi trước, biết đâu nhân loại lại không đẻ ra những nhà tư tưởng siêu quần, và, bên cạnh tên của Marx, người ta còn sắp mấy cái tên nữa? Cũng như bên cạnh của Mặc Địch, người ta còn ghép thêm Trang Châu, Lão Đam, Khổng Khưu?

Tin tưởng rằng ngoài học thuyết của Marx ra, thảy thảy đều là tà thuyết, ấy là tin rằng tư tưởng của loài người tiến lên đến Marx rồi đứng lại, rồi thối lui chứ không lướt tới được nữa.

Cái tin tưởng phản tiến hóa ấy phải làm cho linh hồn biện chứng của Marx phải giựt mình! Nhưng mà Marx không có linh hồn thì ta hãy giựt mình giùm cho vậy.

Nói chơi như thế, chớ lo phải giật mình! Lịch sử đi cái đà của nó, ai mà cản cho được? Về mặt tư tưởng, chắc chắn sẽ có những học thuyết vĩ đại ra đời, cũng như về mặt chính trị, nhân loại sẽ đi đến chỗ thống nhất, đến nền đại đồng vậy.

Người kỷ niệm cuộc Cách mạng 1789 với cái óc tưởng rằng lịch sử tiến đến đó rồi dừng lại, rồi thối lui, mà kẻ sau chỉ có quyền chiêm bái. Ta kỷ niệm cuộc Cách mạng 1789 với cái định ý rằng chúng ta đang ở một thời Tân Xuân Thu vĩ đại. Thì hãy chờ xem những học thuyết mới ra đời. Và cũng chờ xem Tần thôn tính liệt quốc, để dọn đường cho nhà Hán…

Hơn một trăm năm chục năm nay, sau ngày ngục Bastille bị phá, nhân loại có lúc nào yên đâu? Loạn ly rồi loạn ly mà hãy còn loạn ly nữa. Bởi vì chúng ta chỉ đi ngang qua một nửa của thời Tân Xuân Thu mà thôi.

(Báo Ánh Sáng, ngày 14-7-1948)


III.

Văn hóa mới hay lại nói về Tân Xuân Thu

Thời nguyên tử không phải chỉ là thời của bom nguyên tử.

Về mặt quân sự, ấy là áp dụng những khí giới tối tân, tinh xảo, mãnh liệt, chỉ có tinh năng nguyên tử mới có sức gây ra.

Về mặt chính trị, là các quốc gia nhỏ hẹp của thế kỷ XIX nhường bước cho những liên hiệp, những khối, những liên bang.

Về mặt xã hội, thì các phương pháp tập thể, toàn dân, đánh lui những chính sách cá nhân, tư hữu.

Về mặt kinh tế, sự bóc lột thặng dư giá trị của tư bản chủ nghĩa lần lượt thay thế bằng cách đặt ra các ưu quyền, ưu quyền của dân cai trị đối với bị trị, ưu quyền của dân nước giàu mạnh đối với dân nước nghèo yếu, ưu quyền của màu da, ưu quyền của đảng phái.

Thời nguyên tử cũng là một thời mà ta thấy loài người phân hóa dần dần theo một nền tảng mới. Những khối cũ, xây dựng trên những nguyên tắc lỗi thời, đã lùi mà nhường bước cho những khối khác. Việc khai mào cho thời nguyên tử này diễn bằng những cuộc chiến tranh dữ dội, những cuộc cách mạng khổng lồ, những lý thuyết hùng vĩ. So sánh với hình ảnh cũ có thể gọi buổi quá độ này là một thời Tân Xuân Thu.

Hình dung cho dễ hiểu, song thời Xuân Thu của Tàu chỉ là trò chơi trẻ con đối với cái Tân Xuân Thu này mấy triệu lần về bề lớn, bề sâu, bề rộng. Như về mặt tư tưởng, chính thời Xuân Thu của Tàu là thời giàu học thuyết huy hoàng hơn hết của nước Tàu. Khổng học, Lão học, Mặc học, Dương học, Hứa học, v.v. thảy đều xuất hiện trong thời Tiền Hán. Ấy bởi loạn ly càng nhiều, thì lòng thèm thái bình càng mạnh, mà sự cố gắng của loài người để xây dựng một lâu đài tư tưởng càng to.

Thì cũng về mặt tư tưởng này, từ cuộc cách mạng công nghiệp ở Âu châu đã cho ta thấy những học thuyết làm lu mờ các học thuyết của mấy ngàn năm sau để lại.

Nhưng chưa gì đâu!

Cuộc cách mạng công nghiệp do hơi nước sanh ra có ăn thua gì với những cuộc phiên đảo của thời nguyên tử, nguy nga, tráng lệ biết chừng nào? Trước kia, loài người giao thiệp với nhau rất khó khăn, bởi những phương tiện giao thông rất nhỏ hẹp. Thời của trước hơi nước, chỉ gây dựng được một cuộc tiếp cận, rất cạn, rất qua loa. Thành ra hai khối người Đông phương và Tây phương, nhiều những chỗ tiểu đồng, có một nơi đại dị.

Đông phương chọn sự tu dưỡng, lấy sự cải cách cá nhân làm căn bản của sự cải cách to của xã hội. Con đường ấy xoay về mặt hướng nội, là nền tảng của đạo, đuổi theo một mục đích là làm cho lý, tình, ý luôn luôn điều hòa nhau, quân bình nhau và ăn nhịp với Vũ trụ.

Tây phương chuộng hành động, lấy sự tổ chức chế độ làm nền tảng cho mọi việc cải cách. Con người ấy xoay về bề ngoài, là nền tảng của khoa học, luôn luôn cố gắng làm cho lý trí được thuần hóa, độc lập, để biết vũ trụ, xã hội, nội tâm, để làm chủ vật giới, xã hội lẫn tinh thần.

Hai nếp sống khác nhau.

Một đàng say mê với mục đích mà không hề lo nghĩ gì về phương tiện để đến mục đích. Hình ảnh ấy là các nhà tu dưỡng nhập thiền để đem "Tiểu ngã" mà cảm thông "Đại ngã”.

Một đàng cặm cụi tìm phương tiện, mà không nghĩ lo gì về mục đích nào mà phương tiện sẽ phụng sự vậy. Hình ảnh ấy là những nhà khoa học ở phòng thí nghiệm nghiên cứu tinh năng nguyên tử một cách khách quan, chẳng quản tinh năng ấy sẽ giết người hay góp sức vào sự đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Hai nếp sống ấy đụng nhau.

Đụng nhau mà không gặp nhau được. Cuộc đụng chạm dữ dội lắm. Đông phương bị phương tiện tinh xảo của Tây phương đánh bại. Bại, mà chưa tiêu. Rồi cả thế giới bị Tây phương lôi cuốn theo một cuộc chạy quay cuồng, mà cứu cánh không biết là gì. Tiêu diệt hay Hạnh phúc?

Tây phương đang lôi cuốn thế giới quay về một trong hai lối tổ chức xã hội. Một con đường của Mỹ là con đường cá nhân, như ngựa buông cương, tha hồ thao túng trong một khuôn khổ của người có tiền bóc lột người không tiền. Một đường của Nga là con đường tập thể, người bây giờ là một con số vô danh kiềm chế trong nề nếp của một chế độ, người theo bè đảng được ưu đãi hơn người không bè đảng.

Dầu đến một bến nào, nhân loại cũng chưa tạm yên trong một thời gian lâu được. Đã đành rằng, lấy tương đối mà nói, con đường thứ hai bớt mâu thuẫn đối với con đường thứ nhất. Giản dị thì có, mà cũng làm cho một vài mâu thuẫn còn sót lại dữ dội hơn. Thay vì việc cá nhân thao túng, thì có việc đoàn thể thao túng.

Sau thời Xuân Thu, Chiến quốc, chế độ phong kiến Tàu bị chế độ nông nghiệp cá nhân thay vào. Phép tu dưỡng cá nhân của Khổng, Lão, Trang, Mặc, Phật, v.v. đều thích ứng, bởi vì là phép tu dưỡng cá nhân, văn hóa (đổi cho đẹp đẽ) cá nhân.

Thời Tân Xuân Thu, ta lại sẽ thấy lối tập thể thay thế cho lối tư hữu. Tuy vậy, hiện nay chưa có một cái VĂN HÓA để tu dưỡng các tập thể.

Sự thiếu sót này làm cho nhân loại chưa yên ổn được.

Bởi đoàn thể không có phép gì tu dưỡng, tha hồ thao túng như ngựa buông cương. Dầu cho xô ngã những bức tường giai cấp, quốc gia, nhân loại hãy còn khác nhau về kinh tế, về mức sống, về nếp sống. Hãy còn khác nhau lâu, và vì vậy, hãy còn đoàn thể.

Các đoàn thể, với lối tổ chức quần chúng, là một sức mạnh vô ngần, một thứ tinh năng khác không kém gì tinh năng nguyên tử. Phải tìm cách nào tu dưỡng các đoàn thể, để cho đoàn thể càng ngày càng tốt đẹp, cao quý lên.

Cách tu dưỡng ấy cũng là VĂN HÓA. Cái văn hóa của thời nguyên tử tìm được, thì nhân loại tạm yên được. Ấy là Hạnh phúc. Bằng không thì liên miên một cảnh loạn ly.

(Báo Tân dân, số Tết Kỷ Sửu, 1949)


IV.

Xuân Thu Cũ và Xuân Thu Mới nhìn ngang qua bộ Đông Chu Liệt Quốc

Tôi biết lịch sử tiểu thuyết ấy, khi tôi còn nhỏ tuổi. Cha tôi ngày ra đồng phát cỏ dọn ruộng để cấy; người đã mệt, nên không đọc trong bản chữ Hán, thì tôi, trước khi đi ngủ, tôi có phận sự đọc cho cha tôi nghe mấy chục trang Đông Chu Liệt Quốc trong bản dịch ra quốc ngữ. Mãn một mùa nước, tôi đọc đi đọc lại đến mấy lượt. Và càng lấy làm lạ, lạ vì tôi không thấy nó thú ở chỗ nào, còn cha tôi lại mê nó. Mê cho đến đỗi đọc chữ Hán đã mấy lượt rồi, mà còn bắt tôi đọc bản dịch ra văn Nôm mấy lần nữa.

Thú thật với các bạn rằng, từ thuở nhỏ, tôi vốn là một đứa trẻ thích truyện Tàu lắm: Phong Thần, Thủy Hử, Tam Quốc, Thuyết Đường, Nhạc Phi, Tây Du, Chinh Đông, Chinh Tây, Bình Nam, v.v. bộ nào cũng đọc. Có được bộ truyện, là quên chơi, quên ăn, quên ngủ, đọc một mạch từ đầu chí cuối, mê say. Thế mà tôi không mê được bộ Đông Chu Liệt Quốc. Nếu không phải vì cha tôi bắt buộc, chắc tôi không có can đảm mà đọc đến một phần tư bộ truyện.

Đến năm 1935, tôi có dịp đọc lại bộ tiểu thuyết ấy để giết thì giờ, tôi vẫn chưa thấy nó hấp dẫn tôi như những áng văn chương khác. Mãi đến năm 1947, sau khi bị bắt trong một cuộc hành binh đem về Hà Nội, không có sách đọc, thình lình có người cho xem bộ Đông Chu, đọc đi đọc lại mấy lần, thật có thú vị.

Nay anh Dương Tử Giang bảo tôi viết một bài về tác phẩm xứ ngoài mà tôi thích hơn hết, tôi không ngần ngại gì mà viết về bộ Đông Chu Liệt Quốc. Xét ra sách hay ở xứ ngoài thiếu gì. Mỗi áng văn chương đều có thể sánh với một hòn ngọc lộng lẫy. Nhưng đối với tôi, Đông Chu Liệt Quốc có thể ví như hòn đá của Biện Hòa, hai lần xem không thấy giá trị gì mấy, mãi đến khi nhờ những kinh nghiệm to tát của mấy năm vừa qua mở trí cho, thì mới biết cái hay của nó không chừng. Thảo nào, khi đúng tuổi, cha tôi phải mê say vì nó, thì phải!

Mỗi bộ tiểu thuyết có một cốt truyện một, từ đầu đến cuối mật thiết chằng chịt nhau. Phân tích bộ tiểu thuyết ấy, người ta thường tóm tắt cốt truyện cho dễ hiểu, dễ nhớ, bộ Đông Chu Liệt Quốc lại khác hẳn. Không ai phân tích nó được, bởi vì nó không có cốt truyện, mà hàng trăm cốt truyện khác nhau và kết nối với nhau. Ở các tiểu thuyết khác, có một ít nhân vật điển hình làm cho ta thấy tính cách của họ có gì hay hay, ngộ ngộ. Ở bộ Đông Chu, ta có hàng năm sáu trăm nhân vật, mỗi người thảy đều đặc biệt, thảy đều nhân vật điển hình. Ở mỗi bộ tiểu thuyết khác, phảng phất một cái triết lý thì ở Đông Chu lại bày ra hàng trăm cái triết lý khác nhau. Cái phong phú của Đông Chu không phải một bức tranh (tableau) mà là một cái bích họa (fresque) to tướng, vừa trông qua ta chẳng hiểu là gì, mà khi nhìn kỹ thì đề tài rất phong phú, nét vẽ rất thần tình, màu sắc rất lộng lẫy.

Người ta lấy làm lạ về lối văn tả chân của Âu Tây, nhưng người ta phải phục cái lối văn chấm phá của Đông Chu, với mấy dòng mà lột trần được tinh thần của nhân vật.

Nhưng mà kể làm chi cái hay về hình thức? Sở dĩ tôi muốn nói về bộ Đông Chu, nào phải là ở chỗ đó.

Tôi muốn cho độc giả nhận điều này. Tất cả văn chương khác đều có tính cách là dùng phép kết cấu hoa mỹ, dùng với văn bay bướm, để khêu gợi cảnh mộng mà giúp cho độc giả "thoát”, cho tâm hồn độc giả đi chơi trong cảnh hoang đường, xa hẳn với sự thật. Trái lại, Đông Chu Liệt Quốc giúp cho ta trở về cái sự thật cay đắng, sâu xa, lạ lùng của một thời loạn của chế độ phong kiến.

Đọc kinh sách, ta thường lầm tưởng rằng các bậc vua chúa là những kẻ đáng kính mến, nhiều nhân đức, được trời cho cầm đầu dân. Đọc Đông Chu, ta mới thấy họ dốt nát, tàn bạo, loạn luân, ác nghiệt, không có một đức tính nào tốt xứng đáng với địa vị của họ. Làm tôi giết chúa, làm con giết cha, anh em tranh giành nhau, gây giặc giã không ngớt, bao nhiêu cảnh thật không mơ mộng, không tô điểm, bày chán chường trước mắt kẻ đọc.

Thì ra, các nhà văn khác có tài cho ta đánh đồng thiếp mà đi vào cảnh không có. Còn tác giả bộ Đông Chu lại khéo biết kéo ta trở lại sự thật, một sự thật trần truồng, chua chát.

Mà nhắc đến sự thật lịch sử của thời Đông Chu, tôi lại có một ý khác. Tôi muốn nhắc đến sự tranh biện của hai nhà học giả xứ ta về Khổng học. Một bên là giáo sư Phạm Thiều, một người có một nền cựu học đầy đủ, một bên là Phan văn Hùm, một nhà tân học hoàn toàn theo duy vật sử quan. Ông Phạm Thiều thì bảo rằng Khổng học là một học thuyết về nhân luân, cốt để rèn luyện con người, còn Phan Văn Hùm thì bảo rằng Khổng học chỉ là một ý thức hệ để phụng sự chế độ phong kiến.

Cuộc tranh biện của hai nhà học giả ấy đã xảy ra hơn mười mấy năm nay, tuy không ồn ào kịch liệt, tuy không nhan nhản trên báo chí, song giới học hỏi ở xứ này cũng còn nghe nói đến. Sự thật ở bên nào? Khổng học là luân lý hay là một ý thức hệ để phụng sự chế độ phong kiến? Muốn trả lời về khoản này, tôi xin mạn phép mời độc giả đọc lại bộ Đông Chu để thấy sự thật thế nào? Độc giả sẽ thấy rằng theo sự thật trần truồng, Khổng Tử và môn đệ của Ngài là những kẻ hoạt động hăng hái để phụng sự cho chế độ phong kiến. Họ nhận thấy rằng dốt nát, ác nghiệt, vô luân, tàn bạo chỉ làm cho các chư hầu hư việc; họ muốn rèn luyện một hạng "quân tử”, tức là một giai cấp quý tộc đủ tư cách tồn tại, và như thế, đạo Khổng là một ý thức hệ phong kiến chứ gì?

Thì ra nhà "Nho" là kẻ "cần thiết" cho sự trường tồn của chế độ phong kiến. Hay thay phép viết tả ý của chữ Hán: Nho là chữ nhơn đứng, viết cạnh chữ nhu (nhu: cần có mới được) thì nhà Nho tức là một hạng người cần thiết cho sự trường tồn của giai cấp "quân tử”. Nhà Nho đối với chế độ phong kiến thì có khác gì bọn "organisateurs" của chế độ đặc quyền ngày nay, mà bọn Burnhams đề cập trong sách "L’ère des organisateurs”.

Và sau cùng, nhắc đến "Nho" cũ, hay là bọn "organisateur" mới, tôi cũng quanh quẩn trong việc so sánh thời bây giờ với thời loạn Xuân Thu, mặc dầu tôi biết rằng loạn Xuân Thu là cuộc loạn chấm dứt chế độ phong kiến nhà Châu, còn cuộc loạn ngày nay thì chấm dứt cái văn minh vật chất của Tây phương. Sự nghiệp của nhà Châu tám trăm năm kể cũng dài, sự nghiệp của Âu Tây khởi từ thế kỷ XV đến nay, đối với cả hai, thú thật tôi không có mến thích gì cả. Bởi không mến thích nên tôi mời bạn xem Đông Chu để hiểu thời nay, hiểu để ghét.

Mà mời các bạn làm hai việc này, tôi vốn có một ý muốn, tuy không quan hệ gì, mà bởi can hệ đến cá nhân tôi, nên nói phứt cho rồi, để khỏi trả lời riêng từng người mất công. Số là mấy tháng trước đây, vì anh Tam Ích hành văn khéo léo quá nên làm độc giả lầm tưởng rằng tôi mang quyển sách Mạnh Tử trong va-li mà đi tìm Burnhams. Vậy tôi viết bài này để tỏ cùng những bạn gần xa lòng khinh bỉ của tôi đối với nhà "Nho" thời xưa, hay đối với bọn "organisateurs" ngày nay, là bọn trí thức đem cái học, cái tài của mình mà phụng sự cho hạng người không đáng trường tồn trên sân khấu lịch sử.

(Thi văn hiện đại – 1949)



[1]Tức là năm 1945 (lời chú của Nguiễn Ngu Í)
[2]Học giả Đào Duy Anh (lời chú của Nguiễn Ngu Í)
Nguồn: Nợ tinh thần của Hồ Hữu Tường. Sắp lên khuôn thì cuá»™c xung Ä‘á»™t giữa chính phủ Ngô Đình Diệm và Mặt trận Toàn lá»±c Quốc gia bùng nổ; bản gốc, Nguiá»…n Ngu Í giữ được mười năm, nay Huệ Minh xuất bản, in xong ngày 20-5-1965 tại nhà in Tân Sinh, 116 Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, Sài Gòn. Ngoài những bản thường, còn in thêm 11 bản đẹp: 1 bản ghi câu NỢ NÀY CHƯA TRẢ CHO AI, 1 bản ghi NÚI Lá» , dành cho con Triều SÆ¡n, 1 bản ghi CHÂU CHÃŒM, dành cho các con Nguyá»…n Phan Châu, 2 bản đánh dấu Há»’NG HÀ, 2 bản đánh dấu SÔNG HƯƠNG và 3 bản đánh CỬU LONG GIANG. Giấy phép số 1386-BTT-BC3-XB ngày 20-4-1965. In tại nhà in Tân Sinh, 116 Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, Sài Gòn. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.