trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
12.6.2008
Nguyễn Ước
Ðạo học đại cương
 1   2   3 
 
VII. Ðạo giáo

Chữ “giáo” trong Nho giáo đặt nặng khía cạnh giáo hoá, phát xuất từ một truyền thống triết học lấy lễ nghĩa của con người và xã hội làm căn bản, còn chữ “giáo” trong Ðạo giáo có ý nghĩa đặc thù của một tín ngưỡng.

Ðạo giáo là một tôn giáo bản địa, có thời từng được phong là quốc giáo và thấm sâu vào cuộc sống tâm linh cùng lễ tế của người Trung Hoa. Và nói như Lỗ Tấn trong thư trả lời Hứa Thọ Tường ngày 20.8.1918 rằng “Căn rễ Trung Hoa hoàn toàn ở Ðạo giáo”.

Lịch sử thành lập

Người thành lập Ðạo giáo là Trương Thiên sư, tên thật là Trương Ðạo Lăng, tác giả của 24 thiên Ðạo kinh. Kinh sách Ðạo giáo kể rằng ông có cơ duyên sở đắc Thái bình kinh và là cháu 9 đời của Trương Lương. Theo nghiên cứu của Nguyễn Duy Hinh thì:

“Lịch sử ra đời Ðạo giáo được ghi lại trong sử sách Trung Quốc khá phức tạp và nhiều khi mâu thuẫn nhau về nhân vật, quan hệ, truyền thừa và thời điểm.

Nói chung vào khoảng cuối thời Ðông Hán (cuối thế kỷ II sau công nguyên) có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân thường được phát động dưới ngọn cờ tôn giáo. Năm 141 xuất hiện Ngũ Ðấu Mễ Ðạo của Trương Lăng và năm 184 xuất hiện Thái Bình Ðạo của Trương Giác. Hai hình thức này được xem là hình thức tổ chức đầu tiên của Ðạo giáo, thường được mệnh danh là Ðạo giáo sơ kỳ, Ðạo giáo tảo kỳ tức là Ðạo giáo thời kỳ đầu.

Ngũ Ðấu Mễ Ðạo (vì tín đồ nhập đạo phải nộp 5 đấu gạo) do Trương Lăng (Trương Ðạo Lăng) lập năm 141 ở Tứ Xuyên ngày nay. Trương Lăng (34-156) sinh ở Giang Tô, tinh thông kinh sử, là Thái học thư sinh, rồi làm huyện lệnh ở Tứ Xuyên năm 26 tuổi. Sau đó bỏ quan đi luyện Cửu thiên thần đan ở núi Vân Cẩm tỉnh Giang Tây. Sau 3 năm thì luyện thành đan nên núi này đổi tên thành Long Hổ sơn (thuật ngữ luyện đan Long là dương, Hổ là âm, âm dương hợp thành nguyên thần). Long Hổ sơn sau này thành tổ đình phái Long Hổ do con cháu Trương Lăng nối tiếp nhau làm thiên sư, thành một phái chính trong lịch sử Ðạo giáo.

Nhưng sau đó Trương Lăng trở vào Tứ Xuyên đến Hạc Minh sơn học đạo, năm 141 tuyên bố được đạo kinh [Thái bình kinh] mới bắt đầu truyền giáo, lập Ngũ Ðấu Mễ Ðạo, tự xưng Thái Thanh Huyền Nguyên. Ðạo giáo ra đời.

Trương Lăng chết, con là Trương Hành (?–179) nối nghiệp; Trương Hành chết, con là Trương Lỗ (?– 216) nối nghiệp. Sử gọi ba ông là Tam Trương và gọi Ngũ Ðấu Mễ Ðạo là Tam Trương Ðạo giáo. Ngũ Ðấu Mễ Ðạo chữa bệnh bằng bùa chú, thu mỗi người 5 đấu gạo và tổ chức tín đồ thành 24 trị (đơn vị hành chính tôn giáo như giáo khu. NDH) có chức sắc (tế tửu) cai quản, làm cơ sở cho cuộc nổi dậy năm 191.”
(Nguyễn Duy Hinh, Người Việt Nam với Ðạo giáo, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003, tt 52-53).

Kể từ Trương Lăng, Ðạo giáo tiếp tục cha truyền con nối, theo phả hệ được ghi nhận cho tới gần đây với Thiên sư đời thứ 63 là Trương Ân Phổ (1904-1969).

Riêng Trương Giác (?-184), còn gọi là Trương Giốc, lập Thái Bình đạo, một chi phái của Ðạo giáo, và là lãnh tụ giặc Hoàng Cân thời Ðông Hán. Người Cự Lộc, nay là Ninh Tấn, Hà Nam, ông thờ đạo Hoàng Lão và Thái bình kinh. Hơn mười vạn nông dân, đầu đội khăn vàng, đi theo ông với câu khẩu hiệu: “Trời xanh đã chết, trời vàng ra đời, đúng năm Giáp Tí, thiên hạ đại cát”, khắp năm châu, quận. Cuộc khởi nghĩa của Trương Giác tuy chỉ kéo dài được 10 tháng, nhưng tạo cảm hứng cho các phong trào nông dân khởi nghĩa về sau. Bạn đọc có thể bắt gặp biến cố này trong phần đầu Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung.


Nguồn gốc của Ðạo giáo

Ðạo giáo có từ ba nguồn gốc:

  1. Các tục lệ sùng bái quỉ thần, sử dụng bùa phép, thần chú, bói toán, v.v... có từ thời Ân Chu cổ đại.

  2. Phương tiên đạo chuyên tu thành tiên, cầu thuốc tiên và luyện đan dược thời Tiên Tần.

  3. Học thuyết Hoàng Lão vốn chủ trương dùng thanh tĩnh vô vi làm cơ sở lý luận trị quốc. Như đã nói ở một đoạn trên, học thuyết này nổi tiếng nhất trong bách gia chư tử tại học cung Tắc Hạ ở nước Tề thời Chiến quốc.

Vì thế, Ðạo giáo có thời còn được gọi là đạo Hoàng Lão. Lão tức là Lão Tử như chúng ta đã biết. Hoàng ở đây có ý chỉ Hoàng Ðế Hiên Viên Thị, một nhân vật có trước cả Nghiêu Thuấn, mà theo truyền thuyết đã thống nhất dân tộc Trung Hoa để từ đó xuất hiện nền văn hoá sáng lạn của dân Hoa Hạ ở đồng bằng sông Hoàng Hà, tiền thân của Hán tộc. Hoàng Ðế (vua vàng), theo truyền thuyết cũng là người phát minh lịch pháp, thiên văn, toán số, âm luật và y học… Ngoài việc xem Hoàng Ðế là thuỷ tổ của dân tộc, người Trung Hoa còn thần thánh hoá ông, xem ông vừa sinh ra đã là thần minh và sống lâu tới 110 tuổi. Ðối với người Tàu, Hoàng Ðế là một loại “Thượng đế”. Họ lập lăng mộ của ông ở ít nhất bốn tỉnh khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất là hoàng lăng ở Kiều Sơn, Thiểm Tây.


Vai trò của Lão và Trang

Sở dĩ Trương Lăng tôn Lão Tử làm giáo chủ với tước phong Thái thượng Lão quân có lẽ vì:

  1. Họ Trương cần một giáo chủ vị vọng, có uy tín, ngang với Phật Thích Ca hoặc Khổng Tử;

  2. Tuổi tác của Lão Ðam không kém Ðức Phật. Về sau, giáo đồ còn bịa chuyện đức Như Lai là hoá thân của Lão Tử;

  3. Cuộc đời của Lão Tử mơ hồ nên các đạo sĩ dễ thêm thắt, vẽ vời;

  4. Lời của Lão Tử giảng rằng Ðạo ở khắp mọi nơi, hoá sinh ra vạn vật và là nguồn gốc của vũ trụ, thuận tiện cho Trương Lăng triển khai rằng Ðạo tan ra thành khí, tụ hình lại thành Thái thượng Lão quân, tức là Lão Tử, hoá thân của Ðạo.

  5. Ðạo đức kinh có rất nhiều đoạn huyền bí trong đó quan niệm về Ðạo rất có tính tôn giáo, cùng với lý luận và tông chỉ của Ðạo gia về thanh tĩnh vô vi và dưỡng sinh cung cấp lớp sơn trang sức rất tốt để các đạo sĩ, phương sĩ và tín đồ rộng đường tuỳ nghi giải thích.

Tới triều đại Ðường (619-907), Ðạo giáo được phong là quốc giáo. Ðường Thái tông Lý Thế Dân thờ Lão Tử, tuyên bố rằng Lý Nhĩ chính là tổ phụ của mình. Ông phong Lão Tử làm Thái thượng Huyền nguyên Hoàng đế, sau đó lại mấy lần gia phong làm Ðại thánh tổ Cao thượng Ðại đạo Kim khuyết Huyền nguyên Thiên hoàng Ðại đế. Sang triều đại Tống, tuy Lão Tử được phong tiếp là Thái thượng Lão quân Hỗn nguyên Thượng đức Hoàng đế, nhưng các vua Tống không còn thờ Lão Tử, mà bắt đầu thờ Ngọc Hoàng Thượng đế với đầy đủ gia thất và triều thần trên thượng giới.

Ðịa vị của Trang Tử không cao sang bằng nhưng cũng cực kỳ tôn quí. Sách Chân cáo thời Nam triều, thế kỷ thứ bảy, do Ðào Hoàng Cảnh chép lại theo lời thần tiên công bố rằng Trang Tử sau khi uống đan dược, giữa ban ngày lên trời, được bổ làm Thái cực vi biên lang. Vua Ðường Huyền Tông phong ông là Nam hoa chân nhân. Sang đời Tống Chân Tông, ông được phong là Vi diệu Nguyên thông chân quân.


Từ bùa chú phương thuật

Lúc Trương Ðạo Lăng mới lập, Ðạo giáo được gọi là Ngũ đấu mễ đạo vì người muốn nhập đạo phải nạp năm đấu gạo, thành tâm hối cải tu theo đạo và dùng lời chú phù thuỷ chữa bệnh hoặc cầu đảo. Sang đời Ðông Tấn Nam Bắc Triều, nó được gọi là Thiên sư đạo. Từ đó trở đi, các đạo sĩ đời sau đều tôn xưng đạo của Trương Lăng là Chính nhất đạo, và vị tổ sư sáng lập là Chính nhất Bình khí tam thiên chi sư.

Kể từ cháu nội của Trương Lăng là Trương Lỗ, Ðạo giáo được định chế hoá chặt chẽ hơn với các đạo sĩ, chân nhân, đạo quán và các địa điểm thờ phượng, nghi lễ phụng vụ cùng một hệ thống thần linh từ Ngọc hoàng Thượng đế tới Tây Vương Mẫu, Cửu thiên Huyền nữ, Quan Thánh Ðế Quân, Thổ thần, Long Vương, Hà Bá, Diêm Vương, các kim đồng ngọc nữ, v.v... Ngoài thượng giới, âm ti, dưới sông biển, còn có cảnh tiên lơ lửng nơi rừng xanh núi thẳm giữa cõi trần hoàn.

Nói chung, Ðạo giáo chứa đựng nhiều huyền học, được thể hiện bằng huyền thuật hơn bất cứ tôn giáo nào khác khiến nó có năng lượng cá biệt, kích thích người bình dân. Theo với thời gian, Ðạo giáo bị phân hoá thành những chi phái đa dạng với những nhân vật nổi tiếng như Trần Ðoàn Lão tổ, Lã Ðộng Tân, Vương Trùng Dương, Trương Tam Phong, v.v... Lúc bình thường đau ốm, kẻ hoang mang mê tín có thể đến các đạo sĩ xin phương thuốc chữa bệnh. Gặp thời thiên tai cộng với nhân họa, suốt quá trình lịch sử Trung Hoa, Ðạo giáo từng là nơi nương dựa và là niềm hứng khởi cho một số hội kín hay phong trào nông dân nổi dậy như giặc Hoàng Cân (Khăn vàng), Bạch liên hội, Thiên địa hội, loạn Quyền Phỉ, các bang hội kín, v.v... Ngày nay, người hành nghề phù thuỷ vẫn tiếp tục được gọi là thiên sư.


Tới đạo nghĩa làm người

Tuy thế, Ðạo giáo không hoàn toàn chỉ có bùa chú phương thuật mà còn chú trọng tới đạo nghĩa làm người. Kẻ đóng góp tư tưởng quan trọng nhất về phương diện này là Cát Hồng.

Cát Hồng (283-343) là học giả Ðạo giáo và nhà luyện đan nổi tiếng thời Ðông Tấn. Năm 16 tuổi, ông đọc khắp bách gia chư tử và nổi tiếng về Nho học. Năm 20 tuổi, ông làm tướng dẹp loạn được phong là Phục ba tướng quân. Kế đó, Cát Hồng từ quan để đi tìm dị thư, luyện đan và tu tiên. Về sau, nghe tin ở Giao Chỉ có mỏ đan sa, ông xin đi làm Câu Lậu lệnh ở đó để tiện việc hái thuốc luyện đan. Khi đi ngang Quảng Châu, bị quan Thứ sử giữ lại, ông dừng chân ở núi La Phù luyện đan và viết sách. Mấy năm sau, qua đời.

Tác phẩm chính của Cát Hồng là hai cuốn Bảo phác nội thiên 20 quyển và Bảo phác ngoại thiên 50 quyển. Chủ trương lấy thần tiên dưỡng sinh làm nội, lấy Nho thuật xử thế làm ngoại, ông nhấn mạnh rằng tín đồ Ðạo giáo phải lấy trung hiếu, hoà thuận, nhân tín làm gốc; nếu không tu đức mà chỉ dựa vào phương thuật thì không thể trường sinh. Bảo phác nội thiên của ông ghi chép cụ thể về phương pháp luyện đan là bộ sách tập đại thành về thuật luyện đan thời Nguỵ Tấn và cũng là tác phẩm quan trọng nghiên cứu về luyện đan thời Trung Hoa cổ đại.


Nội dung tư tưởng

Nhà nghiên cứu văn học Lưu Hiệp (465- 532), tác giả bộ Văn tâm điêu long đã đúc kết Ðạo giáo thành một công thức gồm ba trình độ: “trên (thì) lấy tiêu chuẩn là Lão Tử, dưới nữa thuật (đạo) thần tiên, thấp nữa tập theo (đạo) Trương Lăng”.

Ðược xem là một đạo thoát tục và tu tiên với hàng ngũ tăng lữ là đạo sĩ, chân nhân, có thể tu tại gia hay ở trong rừng sâu núi cao, tư tưởng của Ðạo giáo đặt cơ sở trên bốn điểm:

  1. Thanh tĩnh vô vi, không tranh đua với đời vì ít ham muốn, coi tín ngưỡng thần tiên là trọng tâm, lấy phương sĩ thần học làm phương tiện, kết hợp với tư tưởng Hoàng Lão thời Chiến quốc làm lý thuyết chủ đạo. Thần tiên mà Ðạo giáo thờ phượng có khi đã đắc quả thần linh, có khi chỉ là người phàm tục nhưng đậm đà màu sắc nghệ thuật và cảm tính tự nhiên. Thế giới thần tiên của Ðạo giáo gồm có nơi toạ lạc của thần minh trên Thiên cung, và dưới đất là nơi cư trú của người đắc đạo thành tiên như Ðông thiên phúc địa, gồm ba ngọn núi thần ngoài biển khơi là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, nơi có tiên ở và thuốc trường sinh. Ðó cũng chính là nơi được cả Tần Thủy Hoàng lẫn Hán Cao Tổ đều tin là có thật.

  2. Coi trọng sự sống. Ðạo giáo cho rằng có thể tu luyện để được sống lâu trường thọ rồi thành tiên đắc đạo. Căn cứ vào các kinh điển như Ðạo đức kinhÂm phù kinh, và hai bộ sách Bảo phác Nội Ngoại thiên, Ðạo giáo đưa ra nhiều cách tu dưỡng sinh và luyện đan mà chúng ta sẽ đề cập ở đoạn dưới. Ðạo giáo xem bản thân con người là tiểu đỉnh đô (lò luyện nhỏ) trong đại đỉnh đô (lò luyện lớn) là trời đất.

  3. Ðể giải quyết tình thế khổ não của cuộc nhân sinh, Ðạo giáo đề cao thuyết tương đối, vượt lên trên vật và ta, coi đúng và sai cũng như nhau, như Trang Tử đã nói trong Nam hoa kinh về Siêu vật ngã. Từ đó, con người tiêu dao ngoại vật để tự mình tìm giải thoát cho bản ngã trong đồng nhất với vũ trụ.

  4. Phát huy thuyết Thiên đạo trong Thái bình kinh, khuyên con người nên tu nhân tích đức, làm điều thiện với tôn chỉ cứu độ mình và cứu độ người khác.


Các thuật tu luyện dưỡng sinh

Về mặt thực tế, hai mục đích cơ bản của Ðạo giáo là chữa bệnh và bất tử. Các phương cách cấp thời để chữa bệnh có thể là các phương pháp đả thông kinh mạch để tác động lên nguồn khí lực của bệnh nhân, kể cả việc trừ tà, bùa chú dành cho loại tín đồ dân dã. Nhưng chủ yếu, đối với giới chân nhân, đạo sĩ vẫn là các phương pháp tu luyện: nội đan để luyện khí và ngoại đan để luyện thuốc.

  1. Ðan điền: Phát huy hiệu quả của Hạ đan điền, một huyệt trừu tượng, nằm ở phía dưới rốn khoảng một thốn (lóng giữa của ngón tay giữa). Ðó là nơi quê hương giao hội của nước cùng lửa và liên quan mật thiết tới sinh mệnh con người. Ngoài huyệt chủ yếu ấy, còn có hai huyệt phụ là Trung đan điền ở dưới tim và Thượng đan điền ở giữa lông mi.

  2. Ðạo dẫn: Vận động thân thể, phối hợp với các phương pháp hành khí, xoa bóp để làm cho cơ thể khỏe mạnh, hoặc trị bệnh.

  3. Hành khí: Dùng thở hít để hỗ trợ cho Ðạo dẫn. Phải ngưng thần, không suy nghĩ, thở đều và nhẹ, đưa khí vào mũi, giữ lại lâu rồi từ từ thở ra, hoặc hít sâu xuống rồi giữ ở Hạ đan điền, để đả thông kinh mạch và phế phủ.

  4. Hoàn đan: Luyện khí chân nguyên thuần dương trong người để không bị tiêu hao theo tuổi trời.

  5. Hoả hầu: Luyện thần, dùng ý thức để kiểm soát hô hấp, vận chuyển thần khí trong người.

  6. Huyền tẫn: Giữ gìn căn cơ của Huyền tẫn, huyệt quan trọng nhất, nguồn gốc của sinh mệnh, tựa như cất giữ tinh khí của thận.

  7. Luyện khí hoá thần: Dùng ý thức điều chỉnh phân bố nguyên khí để tăng cường cho nguyên thần, cái hợp thành bởi Âm và Dương, từ hữu vi tới vô vi, từ ý thức tới tự nhiên, để có thể cãi lão hoàn đồng và chuẩn bị giai đoạn luyện thần hoàn hư.

  8. Luyện thần hoàn hư: Ðạt tới cảnh giới lý tưởng, luôn luôn an định tịch tĩnh, ở vào cõi hư không tròn đầy, vô vi, viên thông vô ngại, đạt tới giải thoát.

  9. Luyện tam hoa tụ đỉnh: Ðây là giai đoạn cuối của luyện nội đan. Tinh Khí Thần là ba nguyên tố của con người. Luyện cho Tinh hoá Khí, Khí hoá Thần, rồi cả ba tụ lại nơi huyệt Bách hội ở đỉnh đầu. Chỉ đạo sĩ có trình độ nhất định mới có khả năng luyện mà không bị tẩu hoả nhập ma.
  10. Ngoại đan: Luyện các đan dược, dùng để bồi dưỡng cơ thể, trợ lực cho nội đan.

  11. Nội quan: Tập trung tinh thần, nhìn vào tâm của mình để làm sạch tâm, ổn định ý, giữ vững tinh thần, để không bệnh tật và chẳng già lão.

  12. Nội thị: Tập trung tư tưởng nhìn vào ngũ tạng của mình để tâm trí điều hoà, nguyên khí sung mãn, mạnh khỏe trường thọ.

  13. Phục khí: Thông qua hô hấp tự nhiên, hít vào thanh khí, thở ra uế khí, khiến nội tạng điều hoà, nguyên khí được bồi bổ và máu huyết chu lưu để trị liệu bệnh tật.

  14. Phục thực: Ăn thực phẩm hay uống đan dược để đạt trường sinh, thí dụ các thức như hoàng tinh, bách hợp, câu kỷ, tùng tử, phục linh, hà thủ ô, v.v...

  15. Phòng trung: Phương pháp dùng để giữ nguyên khí khi sinh hoạt tính dục (sexual intercourse). Sẽ bàn ở đoạn dưới.

  16. Thai tức: Luyện tới độ như đứa bé đang nằm trong bụng mẹ, không hít thở bên ngoài mà sống nhờ nội khí bên trong.

  17. Thổ nạp: Hô hấp nhẹ nhàng điều hoà, thở uế khí ra, hít thanh khí vào.

  18. Thủ nhất: Giữ vững hồn và thần trong thân để không bị ngoại giới quấy rầy, tới độ thân xác và thể phách cùng làm một.

  19. Tịch cốc: Không ăn ngũ cốc và thịt nhưng vẫn uống thuốc và ăn các thứ khác. Ðồng thời thực hành công phu thực khí, đạo dẫn để làm sạch ruột và dạ dày.

  20. Tĩnh công: Ngồi tĩnh toạ hay nằm ngoạ thiền, loại trừ suy nghĩ tạp niệm để vào cõi an tịnh, dùng tịch tĩnh điều dưỡng chân khí, tu luyện cho thân tâm thanh tĩnh.

  21. Toạ vong: Tu luyện bằng cách ngồi yên lặng, khử bỏ trí tuệ để cầu tâm và vật tương ứng nhau, hầu đạt tới cảnh giới quên cả vật và ta.

  22. Trúc cơ: Giai đoạn đầu tiên của tu luyện nội đan, phục hồi cơ thể, bổ sung Tinh Khí và Thần.


Trần Ðoàn Lão tổ

Lão tổ là tiếng dùng để tôn xưng bậc đại thượng thừa trong Ðạo giáo, một vị “thần tiên sống” kiệt xuất. Trong lịch sử Ðạo giáo, chỉ có ba người nhận được danh xưng ấy; một là Hoa Dương Lý Kỳ, tương truyền thọ tới mấy trăm tuổi; hai là Thuần dương Lão tổ Lã Ðộng Tân, nhân vật có thật, quê ở Vĩnh Lạc, Hà Trung, về sau tu thành tiên trong Bát Tiên; và ba là Trần Ðoàn. Cả ba vị này sống cùng thời và có đi lại mật thiết với nhau.

Trần Ðoàn (?-989) tên tự là Ðồ Nam, sinh vào cuối đời Ðường và sống vào đầu đời Tống. Xuất thân nhà rất nghèo tới độ không nhớ rõ năm sinh, và sử sách không thể ghi chính xác chánh quán của ông là Hà Nam hay Tứ Xuyên. Nhưng nhờ tài trí của kẻ “Rồng trong loài người” nên ông đã có những cống hiến lớn lao cho khí công và lý luận của Ðạo giáo, triết học Nho giáo cùng chính trị khai quốc nhà Tống. Năm 931 nhà Hậu Ðường, sau khi thi rớt và tỉnh mộng Nho gia, Trần Ðoàn vân du sơn thuỷ, kết bạn với cao nhân xử sĩ bốn phương. Ðến núi Võ Ðang, ông ở lại tu luyện 20 năm, tịch cốc nhưng mỗi ngày vẫn uống một chén rượu.

Thông hiểu Kinh Dịch, giỏi tướng pháp, bói toán, chán công danh, gởi tình chốn sơn thuỷ, nhưng vẫn canh cánh bên lòng chí lớn về chính trị, nên ông thường kết giao với chí sĩ và hiệp sĩ giang hồ. Tống Thái Tổ Triệu Khuônd Dẫn tán tụng ông là “Cao nhân một đời” và ban cho ông hiệu Hi Di tiên sinh, sau nhiều lần được ông giúp đỡ và khuyên bảo trong việc “mời người hiền sĩ ở xa, trừ lũ nịnh thần ở gần, giảm nhẹ thuế má cho dân, trọng thưởng ba quân”. Trần Ðoàn là vị đạo cao, học rộng, cống hiến chủ yếu trên cả ba lãnh vực Dịch học, Lão học và Nội đan học. Theo truyền thuyết, ông là người sáng tạo ra khoa Tử vi Ðẩu số, dùng lá số dựa vào các thời điểm chào đời, lập thành 12 cung, để thăm dò vận mệnh trọn đời, và nhân đó giáo hoá chủ nhân của lá số về đạo lý, khích lệ người đời sống với niềm tin “đức năng thắng số”.

Thành tựu Nội đan của Trần Ðoàn là công phu ngủ, giấc ngắn nhất là vài ba tháng, dài nhất là vài ba năm. Theo Lã Ðộng Tân, đây là “công phu ẩn cư vào giấc ngủ, trong giấc ngủ vẫn luyện nội đan tự dưỡng, công phu này gọi là Thai tức”. Tương truyền ông thọ 118 tuổi, có thuyết cho rằng ông sống tới 190 tuổi. Trần Ðoàn rất thích Dịch, tay chẳng rời sách và là nhà Dịch học vĩ đại. Vô cực đồTiên thiên đồ do ông soạn ra cho rằng vạn vật nhất thể, chỉ có “nhất đại lý pháp” vượt lên trên vạn hữu là tồn tại. Tư tưởng ấy về sau được các danh Nho đời Tống phát triển thành Lý và Khí của Tống nho.

Bản Vô cực đồ tập trung khái quát vũ trụ quan và lý luận nội đan của Trần Ðoàn, gồm đầy đủ các thuật luyện nội đan và ngoại đan, được đề cập tới ở phần trên. Nó gây ảnh hưởng rất lớn, đặt cơ sở lý luận bước đầu cho sự hình thành phái Nội đan Ðạo giáo Tống Nguyên. Tuy gọn gàng nhưng đồ hình ấy thể hiện được trình tự phát triển của vạn vật, vừa khái quát được việc tu luyện thân thể của con người, theo nguyên lý: “Thuận thì sinh người, nghịch thì sinh đan”. Về sau, Chu Ðôn Di theo Vô cực đồ mà giản lược thành Thái cực đồ dành cho người sơ cơ, như chúng ta thấy hiện nay.

Ngoài hai đồ hình trứ danh vừa kể, Trần Ðoàn còn để lại nhiều tác phẩm như Dịch long đồ, Chỉ huyền thiên, Chính dịch tâm pháp chú, Tam Phong ngụ ngôn, Cao Dương tập, Ðiếu đàm tập, v.v...


Trong đời thường và văn học

Ðời sống của con người đi qua cuộc hành trình dài được Ðức Phật mô tả ngắn gọn là sinh, lão, bệnh, tử. So với ngày nay, thời đại tuy có khác nhưng nói chung, vẫn khó tránh khỏi những giai đoạn ấy. Và vì là một tín ngưỡng, Ðạo giáo có chức năng đáp ứng nhu cầu cá nhân khi gặp những biến cố ấy.

Trước hết về hoài bão trường sinh. Truyện kể Tần Thuỷ Hoàng sai phương sĩ Từ Phúc dẫn theo vài ngàn nam nữ đồng trinh lên thuyền ra biển khơi tìm tiên và thuốc tiên. Họ đi mãi chẳng thấy tiên đâu, cuối cùng lưu lạc tới một nơi ngày nay là quần đảo Nhật Bản. Thời Hán Võ đế, có các phương sĩ được vua sủng ái; họ chuyên làm các việc cầu tiên, hái thuốc, trừ quỉ, luyện đan.

Trong sinh hoạt dân dã, ta có thể thấy các nghi lễ của Ðạo giáo dành cho người yếu nhược, đau ốm, từ trần, làm thành các tập tục như chữa bệnh bằng đan dược, trừ tà, trục khí hoặc cầu đảo, trai giới, tang ma, v.v... Bạn có thể tìm thấy đầy đủ các nghi lễ ấy trong Hồng lâu mộng, một tác phẩm thấm đẫm cuộc sống tâm linh Ðạo học cũng như mô tả khá chi tiết các nghi lễ, pháp thuật của Ðạo sĩ Trung Hoa thuở ấy.

Thời xưa, nhiều người cho rằng bệnh tật là do ma quỉ quấy nhiễu. Muốn lành hẳn bệnh, một đằng phải dùng bùa chú để đẩy lùi chúng, một đằng phải cử hành nghi thức trai đàn để sám hối tội lỗi của mình, cầu siêu cho linh hồn bị oan khuất. Kinh điển của Ðạo giáo ghi đầy đủ các nghi lễ và pháp thuật do các đạo sĩ, pháp sư hay thiên sư cử hành. Ta cũng thấy có dấu vết của chúng trong một số nghi lễ trai đàn và giải oan của Phật giáo dân dã.

Cho đến nay, không phải hết thảy nghi lễ của Ðạo giáo đều đã đi vào dĩ vãng. Có rất nhiều người hiện đại, khi thiếu tự tin trong cuộc sống hoặc không tìm được lời giải khoa học đầy đủ cho trường hợp bệnh tật của mình, cũng tìm đến các tập tục của Ðạo giáo. Ðặc biệt trong nghi lễ ma chay tang chế, thường phải mời cho được nhà sư hay thầy pháp tới tụng kinh siêu độ. Tại Trung Hoa, ngay trong các thành phố lớn, vẫn còn rất nhiều toà nhà dán lá bùa viết dòng chữ: “Khương Thái công tại thử, chư tà hồi tị: Khương Thái công ở đây, các tà ma hãy tránh đi”.

Ảnh hưởng nhiều mặt của Ðạo giáo trong văn học đối với tác phẩm Hồng lâu mộng thì như ta đã kể. Ngoài ra, còn có rất nhiều tác phẩm khác, đặc biệt là Phong Thần diễn nghĩa, kể lại cuộc tương tranh quần tiên giữa phái Xiển giáo và Triệt giáo trong bối cảnh chiến tranh diệt nhà Thương, lập nhà Chu. Cho đến nay, tác phẩm ấy vẫn chưa gặp người giải mã. Bên cạnh đó là Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, tuy tác giả mượn chuyện ma nói chuyện người nhưng vẫn bàng bạc không khí Ðạo giáo.

Còn một tác phẩm đã được giải mã là Tây du ký của Ngô Thừa Ân, kể về cuộc song hành bổ túc và tương tác của Ðạo giáo và Phật giáo trên con đường phù trợ chúng sinh giải thoát, đồng thời phản ánh quá trình tu tập cam go của người đi theo Ðạo. Từ nửa sau thế kỷ 20, các tác phẩm võ hiệp hiện đại của Kim Dung mà chắc chắn tác giả có lấy cảm hứng từ tư tưởng Lão Trang, đã nhấn mạnh vị trí của Khí trong sinh mệnh con người, đặc biệt với bộ Tiếu ngạo giang hồ, đã làm nổi bật vai trò của Ðạo giáo trong văn hoá Trung Hoa.


Nguồn cơn làm giặc hay khởi nghĩa

Trong quá trình lịch sử của Trung Hoa, hầu như triều đại nào cũng phải đối phó với những cuộc nổi loạn của tín đồ Ðạo giáo thuộc Ngũ đấu mễ đạo và nhiều chi phái Ðạo giáo khác nhau, với thành phần tham dự chủ yếu là nông dân và thủ lãnh giáo phái. Trong đó, có thể kể ra các cuộc lớn như sau:

  1. Thời Ðông Hán, có giặc Hoàng Cân, như đã nói ở trên.

  2. Thời Tây Tấn, khoảng năm 303 và 304, Lý Hùng đánh chiếm Thành Ðô, Tứ Xuyên.

  3. Thời Ðông Tấn, Lư Tuấn nổi loạn 10 năm ở vùng trải dài từ Triết Giang tới Quảng Ðông, Quảng Tây.

  4. Thời Tuỳ và Ðường, Di Lặc giáo nổi loạn nhiều nơi.

  5. Thời Ngũ Ðại và Bắc Tống, đạo Ma-ní (có gốc từ Ba Tư) rồi hậu thân của nó là Minh giáo nổi loạn nhiều nơi, kéo dài cả trăm năm.

  6. Thời Nguyên và Minh có rất nhiều giáo phái nổi loạn, nổi bật nhất là Bạch Liên giáo kéo dài khi mạnh khi yếu suốt mấy trăm năm. Chưa kể Vô vi giáo, Tam hoàng Thánh tổ giáo, v.v...

  7. Thời Thanh có các phong trào phản Thanh phục Minh, nổi bật nhất là Thiên địa hội, rồi tới Thái bình thiên quốc, Thanh trà môn giáo, Ðại thừa giáo, và loạn Quyền phỉ, v.v...

Có một lập luận mang tính chính thống, sai sự thật và cố tình xuyên tạc rằng sở dĩ nổ ra những cuộc nổi loạn ấy chẳng qua vì nông dân ít học và mê tín, bị khích động bởi những đầu lĩnh cơ hội chủ nghĩa, lợi dụng tôn giáo. Các nghiên cứu lịch sử cách mạng cho thấy nguồn cơn và tâm lý của những người tham dự hoàn toàn không giống như thế, nếu không muốn nói là có tính cực kỳ chính nghĩa.

Chịu ảnh hưởng của hai nguồn tư tưởng Nho giáo và Ðạo học, người Trung Hoa một đằng trọng tôn ti trật tự và sống theo Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, một đằng muốn được “thanh tĩnh vô vi” để yên phận làm ăn, càng ít dính líu tới chính trị càng tốt. Thế nhưng một khi đi liền với thiên tai là nhân họa do tệ nạn vua quan đã bất lực, còn liên tục nhũng nhiễu và trường kỳ áp bức, thì thảm trạng lên tới mức không còn chịu đựng nổi. Trong tình thế sinh kế bị xáo lộn sâu xa, các giá trị đạo lý cổ truyền bị xâm phạm, người thời ấy – và có lẽ người mọi thời – đối diện với cái chết trước mắt của thể xác và tinh thần, chỉ còn cách duy nhất là nổi dậy để trong chuyển động tạo khác biệt đó, họ đẩy nhanh quá trình diễn tiến hầu có cơ may tới gần lối thoát. Theo qui luật Ðạo học “Vật cùng tắc biến, biến tắc thông”, và với họ lúc ấy, sự thẩm định “Danh khả danh” chỉ có giá trị tuỳ thuộc vào cung cách viết sử chính thống, trong đó kẻ thắng được gọi là vua, còn kẻ thua bị coi là giặc.

Niềm tin tiềm ẩn trong các phong trào nổi dậy cúa tín đồ Ðạo giáo ấy và tác động của chúng trong dòng lịch sử cũng cho thấy ảnh hưởng chủ đạo của tư tưởng Ðạo học lên sử quan của người Trung Hoa. Lịch sử không phải tiến một mạch theo đường thẳng hoặc gập ghềnh theo đường cong; nó mang tính phản phục, hết thăng tới trầm theo một chu kỳ khách quan và nằm ngoài ý chí của con người. Trong câu mở đầu kiệt tác phẩm Tam Quốc Chí, tác giả La Quán Trung đã tóm gọn sử quan ấy rằng “Phàm cái đại thế thiên hạ, phân liệt lâu lâu ắt lại hợp, hợp lâu lại chia”.


Phòng trung tính dục

Ngay từ thuở xa xưa, trong Kinh Dịch chúng ta đã thấy có sự phân chia phái tính đối cực một cách căn bản trong tự nhiên. Thiên nhiên được nhìn theo giống đực và giống cái, và điều đó cho thấy rõ ràng trong Ðạo học, tính dục đóng vai trò rất quan trọng. Âm và Dương, hình thức nhị nguyên căn bản của năng lượng sáng tạo, biểu hiện cho cái và đực. Vì Âm không thể hiện hữu mà không có Dương nên, về mặt luận lý, ta không thể không nghĩ rằng quan hệ tính dục giữa hai người khác phái tính có khả năng giúp cho cả hai nhận biết Ðạo, luồng chảy tự nhiên và quân bình của sự sống.

Cổ đại tiền bối của các chân nhân và đạo sĩ là Trang Tử, một người có vợ. Lão Tử Lý Nhĩ chắc chắn cũng thế, vì nếu không Lý Thế Dân đã chẳng tự nhận là hậu duệ. Như vậy, hôn nhân không gây trở ngại cho quá trình tu luyện giải thoát. Rõ ràng toàn bộ cơ sở tư tưởng của Ðạo gia không phủ định cuộc sống gia đình, và sinh hoạt tình dục có thể được xem là tự nhiên. Ðiều này trái ngược với Phật giáo vốn khích lệ cuộc sống tu viện.

Tuy thế, trong cung cách của người Ðạo giáo về sau, chúng ta thấy sinh hoạt tính dục mà họ gọi là phòng trung, trở thành “có vấn đề”. Ðối với họ, trong cuộc tìm kiếm trường thọ, điều cốt yếu là phải bảo tồn năng lượng được họ gọi là nguyên Khí. Người ta sợ rằng trong hành động giao hợp, đàn bà vốn Âm sẽ hút hết cái Dương, khí Dương của đàn ông. Cụ thể, người ta cho rằng hành động phóng xuất tinh dịch khi giao hoan là một dạng làm rò rỉ khí Dương của đàn ông. Thế nhưng họ cho rằng việc kích thích ham muốn và hưng phấn tính dục lại có lợi vì làm tăng thêm khí Dương. Và như vậy, vấn đề còn lại là làm sao người nam bảo quản được Khí.
Với chủ trương không để cho thoát khí nhằm ưu tiên kéo dài tuổi thọ, quả thật Ðạo giáo đã thật sự có vấn đề về tính dục. Và nó đưa ra hai giải pháp:


  • Bảo khí. Vẫn duy trì quan điểm quan hệ tính dục tối đa để làm dồi dào khí Dương nhờ hưng phấn, nhưng tới thời điểm cuối thì giữ lại tinh dịch để không bị thất thoát khí Dương. Từ cái nhìn hiện đại, rõ ràng quan điểm này làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giới tính, tuy nhiên những người Ðạo giáo chấp nhận nó không bao giờ để tâm tới lý luận ấy. Ðối với họ, người nam phải bằng mọi giá, bảo tồn và duy trì sự sống trong cuộc tìm kiếm trường thọ.

  • Tiết dục. Nam nữ giao hợp là chuyện bình thường của hoà hợp âm dương, bằng không sẽ dẫn đến bệnh úng tắc, không có lợi cho tuổi thọ. Nếu tiết độ thì ổn thoả và tăng tuổi thọ. Nếu ham mê vô độ, sẽ gây tổn hại tính mệnh, dẫn đến cái chết nhanh chóng. Do đó, phải nắm vững “Phòng trung thuật”, tiết dục, tránh những lúc no say, mệt mỏi, quá vui buồn lo sợ và các lúc rét buốt, nóng nực, mưa to, gió lớn, v.v...

  • Tóm lại, cho dù theo quan điểm bảo khí hay tiết dục, người Ðạo giáo xem quan hệ tính dục là điều tự nhiên. Sách Hán thư Nghệ văn chí có chép tám loại tác phẩm phòng trung, được gọi là Thuật nam nữ hợp khí, hoặc Hoàng xích (vàng đỏ).


    VIII. Ðạo học và các triết thuyết khác

    Ngay từ thời Tiên Tần, trước ngày Tần Thuỷ Hoàng thống nhất đất nước, Trung Hoa đã nở rộ bách gia chư tử với tình trạng các triết thuyết và tôn giáo không tự cô lập, mà giao du và hỗ tương ảnh hưởng không nhiều thì ít. Ðiển hình là thái độ của Khổng Tử không bao giờ bài xích các truyền thống khác, hoặc những trao đổi của Trang Tử và Huệ Tử trong Nam hoa kinh hay cuộc quần anh hội của bách gia chư tử kéo dài 150 năm tại học cung Tắc hạ của nước Tề.

    Trừ 15 năm bị “đốt sách chôn học trò” dưới triều đại Tần, sang đời Tây Hán, dù Nho giáo được phong làm quốc giáo, tình trạng vẫn kéo dài ổn thoả như thế. Kế đó, với sự du nhập và lan rộng của Phật giáo, ba nền triết học chính – Nho giáo, Ðạo học và Phật giáo – cùng hiện hữu và làm cho nhau phong phú thêm tới một mức độ đáng kể.

    Ðặc biệt, không một Nho gia nào dám phủ nhận sự kiện Ðạo học đã cung cấp rất nhiều ý tưởng triết học bổ sung cho Nho giáo. Trên qui mô lớn, Nho giáo tiếp tục quan tâm tới người dân trong bối cảnh xã hội của nó, tới xã hội như một toàn bộ và tới cách thức xã hội nên được tổ chức như thế nào. Trong khi đó, Ðạo học quan tâm nhiều hơn tới cách thức cá nhân nhận biết cuộc sống của nó trong dòng đời đang biến đổi. Ðạo học, ngoài mối quan tâm chủ yếu đó ra, nếu đi kèm theo có những vấn đề văn hoá, chính trị và xã hội, thì đó chỉ là những hệ quả thứ yếu.

    Trong quan điểm về trạng thái biến đổi liên tục của thế giới và phủ định bản sắc cá nhân cố định, ta thấy Ðạo học dù đặt luận cứ của mình trên nền tảng hoàn toàn khác, vẫn có điểm tương đồng với vô thường và vô ngã của Phật giáo. Cùng tồn tại bên nhau từ hai ngàn năm nay và tuỳ cấp độ mà luôn luôn biến đổi theo với thời đại khác nhau, cả ba nền triết học chính ấy ảnh hưởng lên nhau và lên tư tưởng cùng văn hoá Trung Hoa. Ta đã thấy rõ điều đó trong phần nói tới Nho giáo, và sẽ thấy rõ hơn ở phần nói tới Thiền Tông, trong đó có đề cập tới Phật giáo Trung Hoa.


    IX. Ðạo tại Việt Nam

    Nước ta thời xưa đất nhỏ dân ít, sống bằng nghề nông và chài lưới. Tính từ năm 111 tr.C.N, Hán Võ đế sai Lộ Bác Ðức đem quân sang xâm lăng Nam Việt tới lúc Ngô Vương đánh đuổi quân Tàu về bắc năm 939 sau C.N., Giao Châu bị Bắc thuộc ba đợt, xen ở giữa là khởi nghĩa thắng lợi với vương triều của Trưng Nữ Vương (40-43) và nhà Tiền Lý (544-602).

    Nhờ sức sống của dân tộc và ý chí độc lập, dân Việt thu hồi được chủ quyền, nhưng suốt 1.050 năm ấy, lối sống của dân Nam, dù đã theo lẽ thường mà bản địa hoá các giá trị du nhập, nói chung vẫn không khỏi bị thẩm thấu bởi sách lược Trung Hoa hoá, đặc biệt về mặt tư tưởng và tôn giáo qua nỗ lực “khai hoá” của quan lại qua cai trị và ảnh hưởng của người Tàu di dân, sang buôn bán hay tránh nạn loạn lạc ở chính quốc.


    Về Ðạo học

    Tuy từ thời nhà Hán, đã có Ðạo gia bên Tàu sang lập đạo quán, nhưng có lẽ trong lần Bắc thuộc thứ ba dưới thời nhà Ðường (618-907), triều đại xem Lão Tử là tổ phụ và Ðạo giáo là quốc giáo, Giao Châu chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang rộng rãi nhất. Viên thái thú nổi bật thời đó là Cao Biền, người đắp thành Ðại La bên bờ sông Tô Lịch. Theo Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược, trang 73, thì:

    “Sử chép rằng Cao Biền dùng phép phù thuỷ khiến Thiên lôi phá những thác ghềnh ở các sông để cho thuyền bè đi được. Thiên lôi ấy có lẽ là Cao Biền dùng thuốc súng chăng?

    Tục lại truyền rằng Cao Biền thấy bên Giao Châu ta lắm đất đế vương, thường cứ cỡi diều giấy đi yểm đất, phá những chỗ sơn thuỷ đẹp, và hại đến nhiều long mạch”.

    Niềm tin vào phong thuỷ có ảnh hưởng sâu xa trong văn hoá Việt Nam. Ta thường bắt gặp câu chuyện về “mả kết, mộ đắc cách” trong chuyện kể về các danh nhân, thí dụ như của Lê Quí Ðôn, ba anh em Tây Sơn, v.v... Thông thường, những gia đình khá giả đều nhờ thầy địa lý tìm cuộc đất tốt cho âm phần hay định vị trí tốt cho dương cư. Sử sách còn lưu lại danh tính một thầy địa lý nổi tiếng là Tả Ao, được xưng tụng còn giỏi hơn các thầy Tàu.

    Sau khi nước Nam thu hồi độc lập, triều Lý cho mở khoa thi tam giáo Nho Phật Ðạo, để tuyển người có văn học ra làm quan. Ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang rõ nét nhất trong lối sống được tiêu biểu qua thơ văn ca ngợi cảnh nhàn của hầu hết văn thi sĩ người Việt làm khi còn là quan chức hay lúc về hưu trí. Xuất thì làm người quân tử, xử thì thành bậc ẩn sĩ. Trong đó ta có khuôn mặt tiêu biểu như Nguyễn Bỉnh Khiêm, kế đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, v.v... Ảnh hưởng Ðạo học cũng rõ nét trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cách riêng thú hát Ả đào, đã có từ thời nhà Trần, và hiện nay còn các bài ca trù được sáng tác bởi các nhà thơ trong thế kỷ 19.

    Dấu vết của ma quỉ và thần tiên cũng được tìm thấy trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ðó là một tác phẩm mà về mặt văn chương có thể nói là có nhiều nét đặc sắc hơn Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Ta còn tìm thấy tiên và ma trong Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên (1329?), Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh (1453-1516) và Kiều Phú (1450-?). Cổ tích có câu chuyện Từ Thức lên cõi tiên giao duyên với tiên nữ, sau đó, về lại trần gian thấy quang cảnh đã đổi khác cả trăm năm. Truyện thơ có Bích câu kỳ ngộ, không ghi tên tác giả.

    Về học thuật, ta cũng có một ít đóng góp. Qua những sưu tầm được cho tới nay, có thể kể Ðạo gia Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) về Sấm trạng Trình, Lê Quí Ðôn (1726-1784) với Thái Ất dị giản lục (1747), và Trần Cao Vân (1866-1916) với Trung thiên dịch, Trung thiên đạo (Bản của Lương Vĩnh Thuật và Trần Công Ðịnh, Tựa của Bửu Cầm, in ở Hoa Kỳ, 1995, không ghi nhà xuất bản), v.v...

    Nội dung nhu thuận của Ðạo học cũng góp phần tạo thành tính uyển chuyển và bền bỉ của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh tượng trưng cho tính cách người phương Nam là cành tre mềm dẽo, chẳng ngại chịu uốn cong trước sức mạnh của mưa bão và áp lực nhưng không để cho mình bị gãy gục. Khi đã chịu đựng tới tận cùng giới hạn, cành tre tự nhiên “phản phục”, quật trở lại với sức mạnh tận lực của nó và như thế hất tung những gì đang đè trĩu nó.

    Võ cổ truyền Việt Nam cũng thấm nhuần tính khí ấy. Nó lấy Ðạo học làm căn bản, chung lý thuyết với Võ Ðang Trung Hoa. Ta có các võ phái thuần tuý của người Nam nổi tiếng như Võ Kinh của dòng họ Nguyễn Hữu tại Huế, Bình Ðịnh Nam phái với Hồ Ngạnh, võ Tân Khánh với Phan Văn Hùm, Sa long cương với Trương Thanh Ðăng, v.v... Các bài quyền cước và binh khí được kết hợp bằng các “đường thảo” chứ không phải các thế rời như Thiếu Lâm, Karate, Taekwondo, Aikido, Judo, v.v... Ðồng thời, võ ta lấy chu lưu của khí làm nền tảng vận hành, từ âm nhu hướng tới quân bình Âm Dương và dựa vào uyển chuyển mà biến hoá, kể cả cách sử dụng binh khí. Thí dụ ta gọi các gậy dài, gậy ngắn là roi, quyền không đánh mà đi: “múa roi, đi quyền”. Thiệu của các đường thảo quyền và vũ khí là những bài thơ trường đoản cú Hán pha nôm, tiêu biểu là bài quyền trấn môn Ngọc Trản chung của mọi võ phái.


    Về Ðạo giáo

    Thông qua tín ngưỡng, đặc biệt trong công thức Tam giáo đồng nguyên Nho Phật Ðạo, Ðạo giáo đã có ảnh hưởng sâu rộng trong sinh hoạt tôn giáo lễ bái của người Việt với các thể hiện như lễ tế, sấm ngữ, thiên thư, đạo kinh, đạo sĩ và cơ sở thờ tự.

    Ðọc trong tiểu sử của Cát Hồng, ta thấy có nhắc tới mỏ đan sa của Giao Châu tại Câu Lậu, mà theo Ðại Nam nhất thống chí, nơi đó nằm trong huyện Thạch Thất, cách phủ Quốc Oai 20 dặm về phía tây. Chắc chắn thời đó, có không ít đạo sĩ Tàu thường xuyên lui tới nước ta để thu thập đan sa.

    Hình thức du nhập đầu tiên của Ðạo giáo vào nước ta là đạo thần tiên với các phương sĩ ở cuối thời nhà Hán, chủ yếu là luyện đan. Các tiên ông như Ðổng Phụng cứu mạng Sĩ Nhiếp, và Yên Kỳ Sinh với di tích thăng thiên ở núi Yên Tử, hoặc thứ sử Trương Tân (năm 201), người theo đạo Hoàng Lão. Thời ấy, việc tu tiên cũng đã phát triển khá mạnh. Mâu Tử đề cập nhiều tới Ðạo giáo khi ông viết cuốn Lý hoặc luận để chứng minh với những trí thức đông đảo đang vây quanh Sĩ Nhiếp rằng Phật giáo tốt hơn Nho giáo và Ðạo giáo.

    Sau đó, là các hình thức khác của Ðạo giáo. Các nhân vật truyền thuyết thời vua Hùng trong Lĩnh Nam chích quáiViệt điện u linh tập đều trở thành tiên. Ta có Tứ bất tử (hoặc Tứ phủ) gồm Tản Viên, Chử Ðồng Tử, Thánh Gióng và Liễu Hạnh. Riêng Chử Ðồng Tử, một nhân vật được kể là người Phật giáo nhưng động thái nhuốm màu sắc đạo thần tiên.

    Thời Bắc thuộc, có tới 92 đạo quán làm cơ sở thờ tự của Ðạo giáo như Thông thánh quán và Khai nguyên quán, v.v... Câu chuyện chung quanh việc lên ngôi vua của Lý Công Uẩn cho thấy việc sử dụng sấm ký và tác động của nó. Ảnh hưởng của bài thiên thư Nam quốc sơn hà bên bờ sông Như Nguyệt chứng tỏ lòng tin có tính Ðạo giáo rất cao của quân sĩ dưới quyền Lý Thường Kiệt.

    Từ thời Lý Trần, các khoa thi tam giáo cho thấy xã hội rất coi trọng Ðạo giáo, xem tương đối ngang hàng với Phật giáo và Nho giáo. Ðời Trần, có những nhân vật thông hiểu Tam giáo và phương thuật như Trần Nhật Duật, Trần Hưng Ðạo, Lê Pháp Quan, v.v... Không ít cung điện hoàng thành được đặt tên theo Ðạo thần tiên như Bồng lai, Cực lạc. Tuy thế, hầu như chưa bao giờ Ðạo giáo là quốc giáo hoặc bị biến thành công cụ chính trị cho các vương triều.

    Trong cuốn Lão Tử - Ðạo đức kinh, t. 11, Nguyễn Tôn Nhan đã tóm tắt các ý kiến của học giả Ðào Duy Anh như sau:

    “Ðầu thời Lê, Lê Thái tổ ra lệnh cấm các ‘vu trùng tả đạo’ chứng tỏ từ thời Trần-Hồ các phương thuật của Ðạo giáo đã phát triển rộng rãi trong dân gian. Theo dã sử thì trong cuộc khởi nghĩa của nông dân thời Lê, thời Nguyễn và cả nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp, người ta đã dùng Ðạo giáo để hiệu triệu nhân dân. Vai trò của Ðạo giáo trong những cuộc nổi dậy của nhân dân nước ta cũng giống như ở Trung Quốc. Ðạo giáo thần tiên cũng lại giống như ở Trung Quốc, thỉnh thoảng vẫn được các nhà quyền quí dùng làm phương pháp cầu trường sinh bất tử hay được các phần tử Nho học bất đắc chí tránh đời hay trốn đời dùng làm thuật giữ mình và đưỡng sinh.

    Trong giới Nho học thường có tục cầu cơ hay phù kê, hoặc để hỏi tiên thánh về việc đi thi, gọi là cầu khoa, hoặc là để hỏi về số mạng và công danh. Thuật phù kê [cầu cơ bút bằng một khúc cây do hai người ngồi đồng cùng cầm] lại có quan hệ chặt chẽ với việc lập thiện đàn mà việc này trong phần tư thế kỷ 20 đã thành một phong trào rộng rãi do các nhà văn thân ái quốc lợi dụng đàn tiên đàn thánh để tuyên truyền chính trị.

    Xem thế thì thấy Lão học hay Ðạo giáo đã có ảnh hưởng rất sâu sắc trong xã hội Việt Nam”.

    Từ chân núi đền Hùng với đền Ngọc Hoa cho tới khắp nước, Ðạo giáo được biến thể và Việt hoá, vẫn sinh động suốt mấy ngàn năm nay trong sự thờ phượng của dân gian, đáp ứng khuynh hướng cầu viện tha lực của dân dã. Tuy chỉ dùng đạo kinh của Tàu, nhưng Ðạo giáo Việt Nam từng có một hệ thống đạo quán, tịnh xá, phủ đền với các đạo sĩ thuộc giới trí thức. Trong 14 năm đô hộ (1414-1427), với dụng ý diệt trí thức của Ðại Việt, tháng 9 năm 1415, Hoàng Phúc nhà Minh đã cho bắt giải nhiều nhà nho, nhà sư và đạo sĩ, v.v... về Yên Kinh.
    Từ nam chí bắc, có nhiều cơ sở Ðạo giáo nổi tiếng, thu hút nhiều khách hành hương hằng năm như Ðộng Tam Thanh, Chùa Hương, Ðiện Hòn Chén, Chùa Bà Nha Trang, Núi Bà Ðen Tây Ninh, Ðền Bà Chúa Xứ Châu Ðốc… Ngay tại Hà Nội, có các đền Trấn Vũ, Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ, Phủ Giày... tại Sài Gòn có Ðền Ðức Thánh Trần và nhiều điện, miếu.

    Các cơ sở vật chất dùng làm nơi thờ tự hoặc tu tập của của Ðạo giáo thường kèm các chữ như động, quán, viện, cốc, thất, v.v. Hầu như các chùa tên có chữ “Thiên” đều vốn là nơi thờ tự của Ðạo giáo nên trong chùa, có nhiều tranh tượng mang yếu tố Ðạo giáo. Nhiều nghi lễ của Phật giáo Bắc Tông như giải oan, cầu siêu, trừ tà, bùa chú, gọi hồn, v.v... có gốc tích phần nào từ nghi lễ thờ phượng của Ðạo giáo. Có chùa còn dựng Ðiện trong khuôn viên của mình, hoặc lập bàn xin xăm ở một mé trong chánh điện.

    Về phản ánh của nghi lễ Ðạo giáo trong văn học, ta có Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, và nhiều bài văn tế khác của Nguyễn Ðình Chiểu, Nguyễn Văn Thành… Và ngay cả Lục Vân Tiên, nhân vật kiểu mẫu của người dân Nam bộ; chàng trai họ Lục ấy cư xử theo Nho giáo nhưng lại xuất thân từ Ðạo giáo. Trong văn học dân gian, ta có truyện thơ Phạm Công Cúc Hoa, các bài hát chầu văn trong Ðạo Mẫu, câu đối, giáng bút...

    Cách riêng phương nam có đạo Cao Ðài, một tôn giáo thành lập vào đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, với chủ trương Tam giáo Ðồng nguyên và Ngũ chi hiệp nhất. Trong sinh hoạt tại Thánh thất trung ương ở Tây Ninh hoặc tại tịnh xá của khoảng 30 chi nhánh khác, ta có thể bắt gặp thoang thoảng phong vị Ðạo giáo trong hiệp thông với cõi thiêng liêng bằng cơ bút, cùng nghi lễ thờ phượng, phương cách tu tập, thí dụ tịnh cốc, luyện Tam hoa tụ đỉnh, thuật tu tiên, đạo y và đạo hiệu của giới chức sắc và tín hữu. Vị giáo tông vô vi của đạo Cao Ðài là Lý Thái Bạch, một thi hào mà theo truyền thuyết là hậu duệ của Lão Tử.

    Trải rộng hơn hết là các phủ, đền, điện khắp các tỉnh, nhất là ở Bắc và Trung bộ, với các thần linh cá biệt như Cửu Thiên Huyền Nữ, Liễu Hạnh Công chúa, Thượng Ngàn Công chúa, Sơn thần Tản Viên, Tiên Dung Chử Ðồng Tử, Trần Hưng Ðạo, Phạm Ngũ Lão, v.v... Hằng năm, đạo Mẫu hoặc Thiên tiên Thánh giáo có các ngày huý nhật và các nghi lễ như ngồi đồng, hầu bóng, sai hồn, gọi hồn, xin xăm, đoán quẻ, v.v... Len lỏi vào dân gian nước ta không thiếu các đạo sĩ dưới dạng thầy cúng, thầy phù thuỷ, thầy địa lý, các tông phái sử dụng ma thuật, với các tà thần như bà chúa, âm hồn, v.v... Ngoài ra, ta còn có một võ phái thường được gọi là Thần quyền, tập luyện và chiến đấu chủ yếu theo sự hướng dẫn của bùa chú.


    Tư liệu tham khảo

    • Ðào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb Tổng hợp Ðồng Tháp, 1998.
    • Don Reisman (Senior editor), Religions of the World, Third Edition, Nxb St. Martins’s Press, New York, 1993.
    • Henri Maspero, Ðạo giáo và các tôn giáo Trung Quốc, Lê Diên dịch, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.
    • Hồ Thích, Trung Quốc triết học sử, Huỳnh Minh Ðức dịch, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
    • John Bowket (edited), The Oxford Dictionary of World Religions, Nxb Oxford University Press, New York, 1997.
    • Lao Tử & Thịnh Lệ (chủ biên), Từ điển Nho Phật Ðạo, Mai Xuân Hải biên tập bản dịch, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2001.
    • Mel Thompson, Eastern Philosophy, Nxb NTC/Contempory Publishing, Hoa Kỳ, 2005.
    • Một số Từ điển Triết học bằng Anh ngữ.
    • Ngô Ðức Thịnh, Ðạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1996.
    • Ngô Tất Tố, Kinh Dịch trọn bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1991.
    • Nguyễn Duy Cần, Lão Tử - Ðạo đức kinh, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1968.
    • Nguyễn Duy Cần, Trang Tử - Nam hoa kinh, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1968.
    • Nguyễn Duy Cần, Trang Tử tinh hoa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992
    • Nguyễn Duy Hinh, Người Việt Nam với Ðạo giáo, Nxb Khoa h ọc Xã hội, Hà Nội, 2003
    • Nguyễn Hiến Lê, Kinh Dịch, đạo của người quân tử, Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1976.
    • Nguyễn Quyết Thắng, Từ điển tác gia Việt Nam, Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1999.
    • Nguyễn Tôn Nhan, Bách khoa toàn thư: Văn học cổ điển Trung Quốc, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000.
    • Nguyễn Tôn Nhan, Lão Tử - Ðạo Ðức Kinh, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1999.
    • Nguyễn Tôn Nhan, Liệt Tử - Xung hư chân kinh, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999.
    • Nhượng Tống, Trang Tử - Nam hoa kinh, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2001.
    • Phan Bội Châu, Chu Dịch, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1996.
    • Phùng Hữu Lan, Ðại cương triết học sử Trung Quốc, Nguyễn Văn Dương dịch, Nxb Thanh Niên, Tp Hồ Chí Minh, 1999.
    • Trần Công Ðịnh, Nhà cách mạng Trần Cao Vân với Trung thiên dịch Trung thiên đạo, Hoa Kỳ, 1994
    • Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nxb Văn hoá Thông tin tái bản, Hà Nội, 1999.
    • Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb Văn hoá tái bản, Hà Nội, 1997.


    Ghi chú: Ðây là chương 7 của cuốn Ðại cương triết học Ðông phương, sắp xuất bản.

    © 2008 talawas