trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
17.6.2008
Nguyá»…n Mai SÆ¡n
“Nhập thế” – Hiện thực hay một giả thiết cho ngày mai?
 
Những cơ sở nhận thức thực tế, cụ thể từ phía nhà nước trong một vài năm gần đây đối với Phật giáo có nhiều tiến triển song mới chỉ là những điều kiện mang tính tiền đề để Phật giáo Việt Nam phát huy tinh thần nhập thế, chứ chưa phải là hiện thực phổ biến trong đời sống xã hội.

Trong sự vận động và điều chỉnh, Phật giáo cũng như các tôn giáo khác đang có nhiều chủ trương tiến gần hơn đến đời sống xã hội, chia sẻ những kinh nghiệm tri thức thế tục, dùng đó làm phương tiện để hội nhập tích cực hơn, song nguy cơ bị thế tục hóa cũng là một thách thức không nhỏ trong quá trình “hội nhập” này. Trong khi đó, những tri thức tôn giáo mới chỉ nằm ở “khuôn viên” tôn giáo, chưa có nhiều điều kiện chủ quan, khách quan để tôn giáo có thể được hiểu đúng trong nhận thức chính trị nói riêng cũng như trong đời sống xã hội nói chung.

Thực tế cho thấy, nếu tôn giáo can thiệp quá sâu vào thể chế bằng ý đồ chính trị, lực cản xã hội nhất định sẽ gia tăng, vì vốn dĩ những cơ sở xây dựng xã hội của tôn giáo có nhiều khác biệt những cơ sở xây dựng xã hội của một thể chế chính trị cụ thể như Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa. Nhưng tôn giáo có những vai trò đặc thù trong việc giữ gìn giềng mối đạo đức, tinh thần, tâm linh xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đạo đức tôn giáo mới chỉ được tiếp thu một cách nhỏ giọt và có chủ trương, điều này có thể thấy ngay trong hệ thống giáo dục đào tạo tại Việt Nam – tôn giáo chỉ được nhắc đến một cách sơ sài và có phần méo mó.

Chẳng hạn Phật giáo từng có 2000 năm hiện diện trên Việt Nam, với lực lượng trí thức Phật tử đông đảo nhưng chưa một trường đại học nào của nhà nước có phân khoa Phật học. Nếu có những môn học tôn giáo thì chủ yếu do các giảng viên “chính ngạch” phụ trách không phải do những trí thức tôn giáo có đủ tư cách và chuyên môn giảng dạy. Trong khi đó, tại các nước như Mỹ, Pháp... vốn dĩ Phật giáo chỉ là một tôn giáo “mới” ở những nước này thì lại có phân khoa Phật học và các tu sĩ được thỉnh giảng trong nhiều trường đại học.

Có thể nói, hệ thống giáo dục đào tạo của tôn giáo tại Việt Nam là khép kín, chủ yếu phục vụ cho các tu sĩ. Nên những giá trị đạo đức tôn giáo cũng chỉ phục vụ cho các tín đồ của mình, chưa có một tác động đáng kể nào vào nhận thức xã hội. Nhà nước Việt Nam từng hãnh diện tuyên bố Việt Nam chỉ có hơn 20% dân số là người có đạo, còn lại là không có đạo.

Tuy nhiên thực tế xã hội cho thấy, những người có đạo, có tín ngưỡng tôn giáo phải chiếm tỷ lệ gần 90%, nhưng họ vì lý do nào đó (ám ảnh từ quá khứ) người ta thường rất e dè nhận mình là có đạo khi đi tìm việc và giao tiếp xã hội, nên với tâm lý e ngại đó nhiều gia đình có tôn giáo, tín ngưỡng tôn giáo nhưng lý lịch, hộ khẩu, chứng minh thư vẫn ghi “tôn giáo: không”.

Như vậy, với thực tế tôn giáo và những diễn biến tôn giáo gần đây tại Việt Nam, cụ thể là việc công nhận sinh hoạt chính thức của một số tôn giáo, đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc, hay sắp tới là việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Vatican, tất cả mới chỉ ở tầm “nâng cao nhận thức tôn giáo” lên một bậc “cởi mở” sau những ngày tháng dài đằng đẵng của việc hạ thấp vai trò của tôn giáo, cụ thể trong chiến dịch bài “thực”, bài “phong”.

Tôn giáo đang có những cái “cớ” để thức dậy, nhưng cái “cớ” này sẽ là con dao hai lưỡi khi tôn giáo xem sự thức dậy đó như một sự thách thức “phản đòn”. Bởi chừng nào tôn giáo còn hiện diện như là một “thách thức” với thể chế thì mọi “phòng bị” cũng như mọi biến động xã hội tiêu cực đều có thể xảy ra...

Trước một vài thực tế tôn giáo như vậy, phải chăng khái niệm “Phật giáo nhập thế” (từng tạo dấu ấn trong lịch sử) hiện nay mới chỉ là một giả thiết cho ngày mai?

Phật giáo Việt Nam đang có những điều chỉnh tích cực để “nhập thế” song với những hiện trạng còn nhiều phân mảnh này, có thể đi đến một nhận định: Phật giáo Việt Nam đang phục hưng tinh thần nhập thế, nhưng đó là sự nhập thế của một nhóm người “đặc biệt”, tức là đơn giản từ những “lực lượng” chính trị, tôn giáo đã vượt qua và chiếm lĩnh trên cái tổng thể nhập thế (toàn diện) nói chung, chi phối những nỗ lực nhập thế khác của người Phật tử. Có nghĩa rằng, đang có một chiếc bánh vẽ khổng lồ “nhập thế” tồn tại, còn hướng đến chiếc bánh vẽ ấy bằng động thái nào thì đang là nỗ lực của mỗi người.

“Nhập thế” là một xu hướng tôn giáo buộc phải diễn ra nếu người Phật tử không muốn mình bị đứng ngoài lề xã hội. Nhưng nhập thế bằng cách nào trước những rào cản tôn giáo còn chằng chịt trong xã hội, khi mà đa số mọi người vẫn phải e dè khi nhận mình là người có đạo, khi mà thể chế cầm quyền công bố đất nước mình chỉ có trên 20% người theo đạo như một sự hãnh diện? Tôn giáo không bị xóa trắng trong thực tế nhưng lại có khuynh hướng bị xóa trắng trong nhận thức cai trị. Thử hỏi tôn giáo sẽ phát triển như thế nào trong “mâu thuẫn” này?

Như vậy cái sức sống Phật giáo phong phú ngoài kia sẽ còn có nhiều lực cản và chẳng nhận được lợi ích gì nhiều từ một chủ trương mà các “lực lượng” kia đã bằng cách nào đó che khuất ý nghĩa đích thực của tinh thần nhập thế. Tức là mọi sự việc được phô bày ra dưới hình thức “trống rong cờ mở” sau đó là sự im lặng dai dẳng một cách đáng sợ.

Tôn giáo nói chung tại Việt Nam xưa nay đều quá chú trọng vào các sự kiện bề nổi, và sau sự kiện đó tất cả lại hoàn nguyên tính chất bảo thủ, trì trệ của nó. Chính vì vậy, tôn giáo gần như không có một kênh phản biện thông tin nào lọt được vào hệ thống thông tin xã hội. Từ đó, hai từ “nhạy cảm” đã vô hình chung đẩy tôn giáo xa hơn với đời sống, lâu dần, người ta có cảm giác “ngạc nhiên” mỗi khi những sự kiện tôn giáo xuất hiện trên báo chí truyền hình hay trong môi trường giáo dục. Những suy nghĩ “khó chơi” giữa người có đạo, khác đạo và không có đạo đang tồn tại phổ biến trong nhận thức xã hội và tạo ra những sự lôi kéo (liên minh) tô điểm cho quan điểm của mình, khiến cho tầng lớp trí thức càng bị phân đoạn và không thể tạo nên một sức mạnh tổng thể trước những tình huống được trông chờ.

Việc tập trung “tấn công” và tập trung “bảo vệ” của các nguồn trí thức khác nhau khi có “biến” cho thấy sự phù du của thời gian khi tất cả bị đẩy đi không có điểm dừng, còn cái hiện tại trước mắt không có sự đổi thay đáng kể nào – việc của ai người nấy lo. Khoảnh khắc hiện tại được che phủ bằng một lớp màn nhung và ít ai có đủ bình tĩnh để thấy mình đã sống ý nghĩa như thế nào trước lực hấp dẫn của danh và lợi. Trong những mâu thuẫn về lợi ích, có thể nói, nếu thỏa mãn được điều kiện trên, mọi “biến số” đều bằng 0.

Sau khi Vesak diễn ra, nhiều những từ ngữ như “chưa có trong lịch sử Phật giáo”, “lớn nhất trong lịch sử Phật giáo”... xuất hiện để chỉ cho quy mô của cuộc lễ này, thậm chí còn so sánh nó hơn cả thời cực thịnh của Phật giáo (Lý - Trần). Nhưng những gì Phật giáo Lý - Trần để lại đều mang bản sắc và dấu ấn rất rõ nét trên cả một mặt bằng tổng thể kinh tế, chính trị, quốc phòng (chống ngoại xâm), giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, đạo đức, tâm linh... Còn muốn tìm ra một “định nghĩa” cho Phật giáo hiện tại, không biết phải bắt đầu từ đâu. Vậy thì sự “vượt trội”, “hơn hẳn” ấy phải chăng đang có sự “bao cấp” trong nhận thức, hay những nỗ lực khuynh đảo của một vài cá nhân đang làm cho hiện thực bị bóp méo dưới mỹ từ “phát triển và hội nhập”?

Nếu để những nhận định trên như một lời lên án nghiêm khắc rồi cười xòa với nhau không thôi thì chúng ta không có cơ hội nhìn ra tính chất nước đôi của thời đại: vừa suy thoái vừa tiến bộ. Bởi phát động sự “nhập thế” và duy trì sự “bảo thủ” là hai mặt của một “căn bệnh” (không phải vấn đề) chưa tìm ra nguyên nhân cho chính sự tồn tại và hướng đi cụ thể của mình. Đó là một sự bế tắc, một chứng nan y chưa tìm ra thuốc chữa.

Cái “được” lớn nhất của Vesak 2008 là hóa giải một định nghĩa “tôn giáo” đã ăn sâu và làm khuyết trong nhận thức của 3, 4 thế hệ về việc cần phải xa lánh tôn giáo như xa lánh một thứ cạm bẫy. Cho đến một lúc những khủng hoảng đạo đức xã hội trở nên trầm trọng, những bài học dạy làm người cơ bản của Phật giáo mới được “phát hiện lại” qua chủ trương của Liên hợp quốc, thì thấy rằng Vesak không có ý nghĩa gì hơn ngoài cái việc khảo sát lại chính những điều đã bị bỏ quên đó.

Phật giáo nhập thế chính là Phật giáo được giữ gìn và bảo lưu từ trong đời sống dân gian và qua đó thâm nhập sâu rộng vào trong nhiều tầng lớp xã hội, có khi biểu hiện ở những sinh hoạt tôn giáo điển hình qua nghi lễ, giáo lý, giới luật chính thống, nhưng có khi biểu hiện qua các niềm tin, tín ngưỡng dân gian như hội hè, đình đám, có khi xuất hiện mờ nhạt qua các biểu hiện cầu cúng, thậm chí gắn kết cả với những hình thức xin xăm, bói toán, lên đồng, trừ tà phi chính thống... Phần nhiều những người sinh hoạt chính thống là những người có quy y, có pháp danh, học tập giáo lý thường xuyên. Còn lại là những người hoặc theo truyền thống tâm linh gia đình, hoặc tự nhận mình thuộc về đạo Phật, họ cũng đi chùa đều đặn hàng tháng, hàng năm nhưng sự tiếp cận giáo lý Phật giáo rất giới hạn. Đây là một đặc điểm riêng mà các tôn giáo khác ở Việt Nam không có.

Có người đã xem sự thành công của Vesak 2008 là ở chốn dân gian, ở Phật giáo các địa phương chứ không phải ở Trung tâm Mỹ Đình hay qua một vài “lực lượng” nào đó muốn chứng tỏ mình. Có người còn đặt cậu hỏi tại sao Vesak thu hút được rất nhiều trí thức thế giới tham dự trong khi không thu hút được nhiều nguồn lực trí thức tại các trường, viện trong nước cũng như những nguồn lực trí thức Việt kiều? Phải chăng vì nó thiếu một hình ảnh “đại diện” đúng nghĩa? Sự xuất hiện của giáo sư Lê Mạnh Thát (Thượng tọa Thích Trí Siêu?) trong cương vị Chủ tịch IOC khiến nhiều người chưa thể bình tĩnh “định danh” được với hình ảnh ấy. Còn Tổng Thư ký IOC là Đại đức tiến sĩ Thích Nhật Từ có tâm huyết nhưng lại không có một chỗ đứng nào trong Giáo hội ngay cả với chức Ủy viên dự khuyết Hội đồng Trị sự. Sự năng nổ của một vài cá nhân cho thấy mối tương quan không đồng đều giữa các “lực lượng” đã dẫn dư luận vào một tình thế “tưởng tượng”, vào các thay đổi có vẻ như trùng khít với nhận định rằng Vesak đã bị “chính trị hóa”...

Khó có câu trả lời dứt khoát nào được đưa ra, bởi Vesak cần có một “độ lùi” nhất định để nhìn nhận, đặc biệt trong tính chất “nước đôi” của các lực lượng tiến bộ hay bảo thủ. Chỉ có những giả định “chính yếu, phụ yếu” và một vài cơ sở lý giải xuất hiện trong tình thế “đặng chẳng đừng” buộc phải diễn ra Vesak 2008 bằng mọi khả năng. Và mọi người vẫn chưa biết điều gì sẽ xảy ra trước giờ khai mạc Vesak 2008.

Phật giáo sẽ “nhập thế” ra sao khi chưa thiết định được một chuẩn giá trị chung ngay trong tổ chức của mình. Chuẩn giá trị chung ấy bước đầu phải được “chính danh” từ động thái phản ứng mang tính chính trị lẫn nội lực tu hành. Sự “được chọn” bất ngờ và một sự chứng tỏ mình quá mức cần thiết của một vài cá nhân đã cho thấy sự thiếu hợp lực trên tinh thần “lục hòa” và khả năng tỉnh táo của các thành phần tham dự trực tiếp, gián tiếp trong vai trò phản biện hay cố vấn. Điều này vô tình đã làm cho hình ảnh giáo hội trở nên “già lão” và thụ động.

Hai hình ảnh trái ngược đó đã là lời “tố cáo” sâu sắc vào sự yếu kém trong quản lý tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều đó còn đánh một dấu hỏi lớn vào cái “tập thể” thụ động đang hiện diện, một tập thể “toàn trị” không có nhiều điều chỉnh và thay đổi trong nhiều năm nay, trong khi những thay đổi xã hội xảy ra từng giờ từng phút. Điều đó đã tạo nên sự phù phiếm và bổ sung vào cái vết khuyết đầy bảo thủ của lịch sử, làm lu mờ những giá trị “dân chủ”, “tự thắng” vốn được đẩy lên rất cao trong tư tưởng Phật giáo.

“Nhập thế” không phải là bắt chước, rập khuôn mà là sự điều chỉnh mình trong những điều kiện tình thế, nhằm biến những khó khăn trở thành thuận lợi trên cơ sở ích mình lợi người. Người Phật tử có tâm huyết sẽ không thể dừng nhận thức và tư duy của mình lại dù ai đó đang bằng mọi cách cố tình “làm tròn”, “gói gọn” tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam vào một vài hình ảnh bề nổi.

© 2008 talawas