Tại sao con gà lại nuốt dây thun?
Vì cọng thun trông giống một con giun đất. Những con gà bị nhốt trong chuồng, suốt đời chỉ ăn thực phẩm công nghiệp, chợt nhìn thấy con giun đất thì mừng lắm, bèn đớp lấy.
Cọng thun vô nằm trong dạ dày, không tiêu hóa được, lừ đừ, ngắc ngoải, ủ rũ như kẻ mất hồn.
Tôi cũng đã từng nuốt một cọng thun như vậy. Thoạt tiên đôi mắt sáng lên, mừng rỡ. Đớp một phát, sướng điên người. Nuốt vô cổ họng, con giun đất bằng cao su chạy tới đâu hạnh phúc chạy theo tới đó. Hạnh phúc ấy ngân nga, lan tỏa trong từng cảm xúc. Cho đến khi nó phát ách trong dạ dày.
Cũng may bây giờ tôi đã khạc cọng thun ra được. Thấy mình dễ thở. Thấy mình sống.
Nhưng mình vẫn là một con gà. Một con gà trong chuồng.
*
Khi “tham gia cách mạng”, tôi chẳng quan tâm gì đến chủ nghĩa Marx-Lenin. Và cũng chỉ biết các thần tượng của Mặt trận Việt Minh qua những truyền thuyết. Nhưng tôi lại thích đồng hóa các vị ấy với Rambert (trong tác phẩm
Dịch hạch của Camus), với Jean Aguerra (trong tác phẩm
L’ Engrenage của Sartre). Và coi họ như những chàng hiệp sĩ. Đó không phải là “chọn chế độ”, cũng không phải là “chọn minh chủ”. Sự chọn lựa ấy ít nhiều mang tính mơ mộng của thời mới lớn (ý này tôi đã nói trên đài BBC từ khi cuốn
Lạc đường mới vừa được công bố)
Đối với tôi, “cách mạng” cũng giống như một người tình cũ. Ngày nay “người tình” ấy có thể đã biến thành một “bà chủ chứa”, nhưng mỗi lần nhắc đến quá khứ, tôi cũng khó mà quên nụ hôn đầu tiên, và bài thơ tình mà tôi đã viết tặng nàng cái thời trai trẻ ấy. Có gì mà phải nặng lời về một hoài niệm như vậy?
*
Tôi chỉ là một con gà nuốt dây thun. Và tôi nghĩ trong hàng ngũ trí thức Việt Nam cũng còn lác đác những con gà nuốt (hoặc bị bắt nuốt) dây thun. Các anh ở miền Bắc thì cọng thun của các anh là chủ nghĩa Marx–Lenin. Những ngươờ tham gia cách mạng như chúng tôi ở miền Nam, cọng thun của chúng tôi là “giải phóng dân tộc”. Tôi biết có một số ít người Việt ở hải ngoại, cho đến giờ, lòng vẫn còn trĩu nặng hận thù, và đó chính là “cọng thun” mà họ đã nuốt phải.
Cọng thun có thể có màu đỏ, màu vàng hay màu xanh nhưng chúng đều là cọng thun làm bằng cao su, chứ không phải là con giun đất. Chúng đều là con giun giả. Nhìn thấy nó thì sáng mắt lên, nuốt vô thì sướng cái miệng, nhưng nó không phải là thức ăn, không tiêu hóa được, nó sẽ làm ta ngạt thở, lù đù, ủ rũ, ngắc ngoải…
Chúng ta đều có nhiệt tâm, thiện ý với đất nước, với dân tộc, nhưng đừng bao giờ quên rằng cả thế giới này, cả nhân loại này tuy đông đảo là vậy, trẻ trung là vậy, tài ba là vậy… nhưng chỉ là những thứ mà giới cầm quyền và bọn tài phiệt cá cược với nhau trong canh bạc khổng lồ mà chúng đang chơi trên máu của dân nghèo và trên tinh dịch của chúng.
Những người gọi là trí thức như chúng ta cũng chỉ là những lá bài vô danh trong tay bọn chúng mà thôi. Chúng vừa đánh bạc vừa thảy ra ngoài rìa những cọng thun và chúng ta tưởng đó là những con giun đất, chúng ta đớp lấy.
*
Vừa rồi tôi có đọc
bài trả lời phỏng vấn của Dương Tường và
bài viết của Vương Trí Nhàn về Nguyễn Khải.
Đọc xong tôi thấy quá bất nhẫn.
Tôi biết rất ít về Nguyễn Khải. Tôi đọc Nguyễn Khải cũng không nhiều. Tôi lại càng lù mù về tác giả các bài báo ấy, nhưng có điều tôi biết chắc chắn, rằng các vị ấy cũng chỉ là những con gà được nuôi chung trong một cái chuồng mà thôi. Và tất cả đều có ít nhất một vài cọng thun trong cổ họng! Vậy thì hãy giúp nhau khạc cái cọng thun ấy ra cho nó dễ thở, việc gì đến chết rồi mà vẫn còn chì chiết lẫn nhau?
Tất nhiên, tôi hiểu, trong cái chuồng gà khổng lồ ấy cũng có những con
gà nòi thuộc loại
“chân xanh mắt ếch chém chết không chừa”. Những con này được chủ nuôi kỹ hơn, tiêu chuẩn cao hơn, để có sức mà “đá” đồng loại. Nhưng số phận những con gà đá đó như thế nào?
Trước khi đá, người chủ cho ăn thịt bò, nhái bén, cào cào châu chấu. Tiếp đến người chủ lấy những cái cựa bằng sắt nhọn hoắt, bén như dao cạo, cột nối thêm vào cái cựa gà. Hai con gà được đặt đối diện nhau, khiêu khích nhau bằng những cú đá nhử. Những chú gà phùng mang trợn mắt. Và chúng được thả ra. Đá nhau cho đến chết. Nếu không chết thì cũng bị những cái cựa sắt đâm cho mù mắt, gãy cổ, ôm đầu máu chạy thẳng vào… nồi nước sôi.
Rốt cuộc chỉ có
thằng chủ gà là hưởng lợi. Thắng thì được tiền, thua thì được bữa nhậu rai rai…
*
Ôi những con gà!
Làm cái kiếp gà khổ như vậy, huống chi lại là gà nuốt dây thun.
Thưa các anh – kể cả số ít các anh đang ở hải ngoại mà trong cổ họng vẫn còn mắc kẹt một cọng thun thù hận – chúng ta hãy giúp nhau khạc cái cọng thun ấy ra. Chúng ta không còn trẻ nữa nhưng chúng ta có ngòi bút, có tấm lòng. Chỉ cần thêm một chút cảm thông.
Hãy tìm cách khạc cọng thun ra đã, rồi mới nói tới chuyện chống độc tài, chống tham nhũng, rồi mới nói tới tự do, nhân quyền, hòa hợp dân tộc.
Khạc được cọng thun ra rồi chúng ta mới dám viết, dám nói, dám bày tỏ chính kiến của mình.
Khạc được cọng thun ra rồi chúng ta mới bớt hằn học, bớt cằn nhằn (vì đang bị nghẹt thở) mỗi khi có ai nhắc đến quá khứ.
Hãy coi nhau như anh em và đấu tranh vì một nước Việt Nam có một quốc hội thực sự đại diện cho nhân dân để kìm chế tham nhũng, độc tài, để có tự do chính trị, tự do sáng tác, tự do công bố tác phẩm, tự do tư tưởng.
*
Một anh bạn cũ, ở nước ngoài về thăm quê, rủ tôi đi uống cà phê. Anh nói:
“Tôi đọc của ông rồi. Ông thấy chưa? Theo đế quốc cũng dở mà theo kháng chiến càng dở hơn. Cứ như tôi không theo ai cả. Lại hay.”
Nghe vậy, tôi bèn kể một câu chuyện ngụ ngôn:
“A và B cùng đứng trên bờ sông, cùng nhìn thấy một người sắp chết đuối đang kêu cứu. A bảo: mày cứu người ta đi. B nói: tao nhát lắm. Thế là A nhảy xuống sông. Nhưng vì luồng nước mạnh quá, khi A tiếp cận được nạn nhân thì người đó đã chết, A phải vất vả lắm mới kéo được cái xác lên bờ. Mình mẩy A bầm dập vì bị sóng xô vào đá. B thấy vậy, cả cười mà rằng:
“Cứu cũng chết, mà không cứu cũng chết. Thà đứng trên bờ mà nhìn như tao thì có phải khôn ngoan hơn không?”
*
Đó là sự ngụy biện của những người vô cảm.
Còn thế hệ trẻ hiện nay thì sao?
Họ đang bị
“chủ nghĩa điện thoại di động” mê hoặc và xâm lược. Không ai có thể xóa bỏ lý tưởng của thanh niên hiệu quả và nhanh chóng bằng cuộc xâm lăng của điện thoại di động.
Thế chiến thứ 3 thực sự đang bắt đầu bằng
“những con dế dễ thương” ấy. Chúng ta không thể trách cứ, không thể lên án cuộc chiến tranh ấy. Vì nó là khoa học kỹ thuật, vì nó là văn minh hiện đại. Vì nó là tiện ích.
Đó là một cuộc chiến tranh không đổ máu, không có thương vong, nhưng thực sự nó đã tàn sát không thương tiếc ý thức công dân, mọi mầm mống phản kháng, mọi nhen nhóm đấu tranh cho một lý tưởng, cho một lẽ phải nào đó.
Cùng với sự kìm kẹp xã hội, chính trị và tư tưởng thì “chủ nghĩa điện thoại di động” là một “vũ khí hủy diệt hàng loạt” mà các chế độ độc tài được “thời đại kỹ thuật số” biếu không để vô hiệu hóa giới trẻ một cách ngoạn mục nhất.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn hy vọng ở họ. Vì thực tế ở Việt Nam đã xuất hiện những gương mặt trí thức trẻ dũng cảm. Và đẹp. Nét đẹp ấy sẽ làm chúng ta quên hết những tị hiềm, những vụn vặt của đời sống để hướng tới những giá trị cao cả hơn.
Ngày 7.7.2008 © 2008 talawas