trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thể thao
  1 - 20 / 33 bài
  1 - 20 / 33 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
14.4.2002
Gunter Gebauer
Nguyễn Thị Xuân Ánh và những vinh quang đầy nước mắt
 
"Một cô bé gầy gò xanh xao. Trong tấm ảnh ông Tổng Thư ký Hội Thể thao người tàn tật đưa, em đứng nghiêng khép nép, ống quần thể thao gập lên. Ánh đấy! Năm ngoái nó về nhất ở Mỹ, hai năm nay có đến bốn, năm cúp vô địch rồi. Tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao cô gái bé nhỏ nhất trong các tay đua khuyết tật của cả thế giới lại mạnh đến thế".
Đó là ấn tượng đầu tiên của phóng viên báo Lao Động sau khi gặp Nguyễn Thị Xuân Ánh khi chị trở về với chức vô địch môn xe lăn nữ Giải Marathon New York.



Này! Lúc đua em vượt qua bao nhiêu người? Có cuộc rượt đuổi nào ấn tượng không?

Anh chẳng biết gì về đua xe lăn cả. Nhìn người khác chạy thì mình chẳng chạy được đâu. Cứ cắm cúi mà lăn thôi. Thỉnh thoảng lại phải tự đặt ra cho mình một cái đích rằng có một người phía trước phải cố mà theo kịp hoặc cái dốc này cao quá, nhưng mình nhất định sẽ qua. Em cứ thế thôi. 42 km là 8 vòng. 8 lần lên dốc. 8 lần xuống dốc. Lên dốc đã mệt, xuống dốc còn khó hơn. Em không dám thả dốc, dẫu có mũ bảo hiểm, nhưng nếu ngã thì mất mạng như chơi. Chỉ chẹt phải hòn sỏi thôi là khổ bố khổ mẹ rồi. Cứ cùi cũi chạy như thế. Cứ nghĩ linh tinh như thế đến vòng thứ năm thì em bật khóc. Tại sao mình lại khổ thế nhỉ? Vì sao mình lại phải chịu nguy hiểm như thế nhỉ? Bỏ cuộc thì không được vì còn danh dự của Việt Nam, còn giải, còn bao nhiêu chi phí đã bỏ ra. Giải nhất được 1.000 USD, giải nhì 300 USD, sau nữa là chẳng có gì. Danh dự là quý nhất rồi, nhưng nhà em nghèo, bao nhiêu công sức tiền bạc cho chuyến đi mà không mang được gì về thì vô lý quá. Thế là lại phải chạy. Vừa chạy vừa thương mình. Lại phải khóc cho nhẹ người. Lúc về đích có nhiều ánh mắt nhìn em, chắc tưởng em khóc vì hạnh phúc đấy...

Thế thực ra lúc về đích em nghĩ gì?

Nói anh đừng cười. Lúc ấy em đói quá. Chẳng nghĩ gì cả chỉ muốn ăn. Nhìn thấy một ổ bánh mì ai để gần đấy em bảo anh Tuấn (HLV) lấy cho em một miếng. Bánh khô lắm, ăn chẳng ngon lành gì, nhưng cố nuốt. Anh Tuấn lấy 4 cái chăn định chùm kín cho em. Cái cuối cùng em bảo anh để lộ mặt ra nhé, để em còn nhai bánh mì. Đoàn mình có tiền mấy đâu. Phải mang theo đủ thứ từ mì gói đến gia vị, hành tỏi. 9h tối trước ngày thi đấu, em được một gói mì. Sáng 2h30 dậy để chuẩn bị, bát mì đã đi hết rồi. Khởi động đã bắt đầu thấy đói. 4h tập trung làm thủ tục. 8h bắt đầu thi. Chạy ba tiếng, 11h về đích được miếng bánh đầu tiên. Rồi lên xe đi về, 4h chiều đến nhà, mấy anh em mới lại lụi cụi nấu cơm. Nói thật với anh, lúc trong đường đua, có em bé chạy ra đưa cho chai nước. Em đói quá định uống mấy ngụm liền cho đỡ, nhưng mà được một ngụm lại run lên cầm cập. Bên đấy lạnh, nước lạnh vào mình chịu không nổi... Hết đợt đua em sụt 5 cân, về đi tiểu toàn ra máu.

Lần đầu em đi xe lăn cảm giác nó thế nào?

Anh nhìn cái xe có ba bánh đừng tưởng là dễ ngồi nhé. Ngồi trước một tí cũng ngã mà sau một tí cũng lật đấy. Lần đầu tiên, khi anh trai cõng em đến CLB, các cô chú hướng dẫn cách ngồi xe, xong lăn thử. Nhìn các anh chị bắt đầu đi tập, em chỉ có ước ao duy nhất là mình có một cái xe lăn và đi được nhanh để có thể cùng đoàn ra bãi tập. Được thế là sướng lắm rồi.

Thế còn cuộc đua chính thức đầu tiên của em?

Tập được khoảng hai tuần thì có cuộc đua ở Quảng Trị. Các cô chú bảo em dự. Cũng chỉ là chạy cho biết thôi. Em nhớ về gần tới đích mà mình vẫn ở thứ ba. Có một chị hình như ở TP HCM chạy thứ hai. Em định vượt mãi mà không vượt được vì chạy vòng ra ngoài theo luật giao thông thì nguy hiểm. Có một người địa phương đi xe đạp ngược lại hét: "Sao không vòng vào trong mà vượt?". Lúc đó em mới tỉnh ra và về đích thứ hai. Từ đó em hiểu thêm được một điều: Chạy đua là còn cần cả suy nghĩ nữa.

Tại ngôi nhà của cha mẹ Ánh ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Tây, nơi mà từ đó suốt 6 năm qua, sáng nào Ánh cũng vượt gần 15 km đến nơi tập và sau đó lại 15 km trở về. Ánh kể tiếp:

Anh nhà em tên là Dũng. Anh Dũng hiền và tốt lắm. Hôm nay anh ấy đi học ở Sơn Tây, chứ nếu ở nhà chắc các anh quý nhau ngay. Anh ấy "bị" năm 1992, em "bị" năm 1993, cả hai đều tai nạn giao thông, nhưng anh Dũng nặng hơn, mất cả hai chân. Hồi đấy chưa biết nhau đâu. Mãi đến năm 1998, anh ruột em bỗng nhiên bảo tao có thằng bạn hoàn cảnh cũng như mày, bây giờ đang ốm lắm. Tao với mày vào thăm đi. Em đi. Vào chẳng biết nói chuyện gì, chỉ động viên hôm nào lên đội em tìm giúp cái xe cũ cho anh (Em nói để có cớ lần sau quay lại ấy mà). Rồi anh ấy nhờ người đèo đến nhà em. Bố em bảo, tao tôn trọng nó nên không xúc phạm, nhưng mà hai đứa mày chỉ có một chân thì sống thế nào được. Em nói, thì bố cứ để chúng con tìm hiểu đã. Thực ra trước đó, ai cũng có cơ hội để lấy được người lành lặn. Nhưng chúng em nghĩ phải người cùng hoàn cảnh mới hiểu và chia sẻ với nhau. Đầu tiên em nói, anh phải cố học một nghề; sau này khi em sinh con ai nuôi mẹ con em được? Anh ấy vốn học giỏi nên đồng ý đi học nghề điện tử ngay. Được một việc, em lại nói: "Bố mẹ chưa đồng ý vì mỗi lần anh đến lại thấy phải cõng vào. Anh nên tập đi chân giả nhé". Bọn em dành dụm mãi mới được 1 triệu đồng, mua đôi chân giả cũ. Đôi chân hơi nặng, khi tập đi anh ấy đau lắm. Nhưng rồi cũng đi được, từ hồi tự đi đến nay người khoẻ lên nhiều. Một năm sau chúng em quyết định lấy nhau. Từ nhà em sang nhà anh Dũng có một con đê kinh khủng lắm, cao, trơn, anh ấy đi xe lăn ngã nhiều lần. Em nói với bố: "Bố à, con lo anh Dũng, nhà một mẹ một con đi qua đê nhỡ làm sao thì chết, thôi bố để chúng con về với nhau, khổ bọn con chịu được". Vậy là cưới. Cũng may mẹ chồng và chồng em thương em lắm. Nhà có hai mảnh vườn, mẹ bán một mảnh được 14 triệu đồng. 10 triệu để anh học và mua đồ nghề, 4 triệu cho em cái xe máy. Mấy hôm đầu đi tập bằng xe máy từ 3, 4h sáng vừa đi vừa ngủ gật, về bong gân, chảy máu, chồng xót lắm. Từ bữa đó anh ấy dậy sớm hơn em, pha một cốc chè thật đặc và lấy trộm của mẹ một quả quýt để em ăn đỡ say. Hôm nào đưa em ra cửa cũng dặn đi từ từ thôi nhé... Hôm mới về VN, có anh phóng viên hỏi em nghĩ gì khi về nước. Em chẳng dám trả lời. Thực ra lúc đó em nghĩ đến mẹ chồng em. Em lo lắm. Em biết hàng xóm láng giềng có người sang chúc mừng lại nói: Mừng bà có con dâu nhất thế giới, đợt này mang về đến cả trăm triệu đồng ấy nhỉ? Mà em thì... Giải thích ra sao? Về nhà em kể hết với mẹ. May quá mẹ bảo: Mẹ tin con chứ ai lại tin người ngoài. Cả đợt con đi vắng, mẹ cứ nghĩ lẩn thẩn, con ở nhà con thì được hết giải này giải khác, sang nhà mẹ nhỡ lại kém đi. Hay là nhà mẹ không có lộc... ngày nào mẹ cũng thắp hương cầu ông bà phù hộ cho con. Anh thấy đấy, mẹ em thế, chồng em thế thì làm sao em không cố gắng cho được.

Vậy bao giờ em đi tập lại?

Em chưa biết, bây giờ nhìn thấy xe lăn, nhớ lại cuộc đua em sợ lắm rồi.

Thế không tập xe thì em làm gì?

Có lẽ sẽ sinh con, sẽ bán hàng cam quýt cho mẹ ở trước cửa nhà, vậy thôi là đủ anh nhỉ.

Chứng kiến các VĐV khuyết tật Việt Nam thi đấu tại Mỹ, nhiều người nói rằng đã phải quay mặt đi, lau những giọt nước mắt và nhiều bạn Mỹ cũng như vậy. VĐV của ta với đôi chân giả chất lượng chưa cao chạy được vài vòng thì ứa máu. VĐV của chúng ta vẫn chạy, máu vẫn ứa ra, mặt tái đi, nhưng vẫn bình thản. Họ có thể không về đầu tiên, nhưng tới đích đám đông người Mỹ ào đến bày tỏ lòng cảm phục. Phải xem tận mắt mới hiểu được nghị lực của những người khuyết tật chơi thể thao. Người lành lặn cố gắng một thì họ phải cố gắng mười vì phải làm những công việc tạo hoá không sinh ra như vậy. Tiếc rằng ở nước ta các giải cho người khuyết tật chưa nhiều và phần thưởng còn quá thấp.

Vài nét về thành tích thi đấu của Ánh:

Nguyễn Thị Xuân Ánh, sinh năm 1972. Tai nạn giao thông năm 1993 đã lấy đi của Ánh chân phải. Ánh luyện tập xe lăn tại CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội với HLV Ngô Anh Tuấn từ năm 1996.
Tháng 5/1996, Ánh giành giải nhì toàn quốc môn xe lăn nữ 3 km.
Tháng 10/1996, giành giải nhất toàn quốc môn xe lăn nữ 10 km.
Năm 1997, 1998, 1999, giải nhất môn xe lăn nữ các cuộc thi trong nước tại Đại hội Thể thao toàn quốc người khuyết tật.
Năm 1999, HCB cuộc thi Châu Á - Thái Bình Dương môn xe lăn nữ.
Tháng 4/2000, giải nhất bán Marathon xe lăn nữ tại Hàn Quốc.
Tháng 5/2000, ba HCV (cự ly 100, 200 và 400) xe lăn nữ cuộc thi Đông Nam Á (tại Malaysia).
Tháng 11/2000, giải nhất Marathon New York.
Tháng 4/2001, giải nhất Achilles Marathon New York.
Nguồn: Theo Lao Động, 14.04.2002