Xã hộiThể thao 3.7.2002
Georg Blume
Đại diện cho những tâm hồn phản kháng
Trịnh Hữu Tuệ lược dịch
Ở Nhật bản, bóng đá được coi là một thứ văn hoá
dành riêng cho giới trẻ. Những người có tuổi cho rằng nó mang quá nhiều tính cá
nhân nên không thể trở thành một môn thể thao đại chúng được.
Đối với Kazuhiro Yoshida, người thành lập nhóm fan Socio,
đội bóng FC Tokyo đã trở thành một thứ tín ngưỡng. Bạn gái anh, Akiko Date, thì
lại có thái độ hoàn toàn khác. "Giải World Cup chỉ là một trong những thứ
được báo chí và điện ảnh thổi phồng", cô nói, "bây giờ ai cũng thấy nói
chuyện bóng đá, nhưng hai tuần sau là mọi thứ sẽ được quên sạch." Và ngoài
một số ít những người như Yoshida thì ai cũng phải công nhận cô nói đúng. Ở
Nhật, một trận baseball thường có số người xem đông gấp mười lần một trận bóng
đá. Tin tức về baseball được truyền liên tục, còn về bóng đá thì gần như không.
Và thật ra mà nói thì cái "cơn sốt bóng đá" được adidas dùng làm khầu
hiệu quảng cáo có vẻ như một cơn sốt tưởng tượng, vì khi bắt đầu sự kiện thể
thao quan trọng nhất thế giới này thì có mấy ai ở Nhật quan tâm đến bóng đá
đâu?
Tất nhiên là trừ những thành phần như Yoshida. 19 tuổi bỏ
học đi đua xe máy. 28 tuổi vẫn chưa có nghề nghiệp ổn định, chỉ thỉnh thoảng đi
lập trình để kiếm sống qua ngày. Một con người với những phẩm chất mà nước
Nhật, quốc gia kinh tế lớn thứ nhì thế giới, nhưng từ 10 năm nay ngoi ngóp
trong sự trì trệ cả về tăng trưởng lẫn sáng tạo, luôn cảm thấy cần phải trừ khử
gấp, chẳng hạn như tính cởi mở, sự linh động, hay khả năng tự quyết. Đấy là
hiểu một cách có thiện ý. Hiểu theo tinh thần phê phán thì bóng đá là môn thể
thao dành cho kẻ không hoà nhập, kẻ ngoài rìa xã hội.
Từ 12 tuổi, khi còn là đứa to béo nhất lớp, không được nhận
vào đội baseball và bị cả lớp trêu, Yoshida đã ý thức được khả năng giải phóng
con người của bóng đá ở Nhật bản. Hồi đó Yoshida thích đọc tập truyện tranh tên
là "Đội trưởng Tsubasa", nói về 11 cậu bé thích bóng đá hơn tất cả
mọi thứ trên đời và khi lớn lên được đi đến những cường quốc bóng đá. "Bây
giờ có nhiều siêu sao bóng đá Nhật bản đi sang châu Âu, hồi ấy thì chuyện đó
đối với tôi xa vời như đi lên mặt trăng." Yoshida nói.
Trường hợp của Yoshida có thể nói là khá điển hình cho thế
hệ trẻ Nhật bản vào những năm 80, khi còn chưa có playstation và con đường đi
vào tâm hồn của tầng lớp trẻ là qua những tập truyện tranh. Hình ảnh "Đội
trưởng Tsubasa" tượng trưng cho sự thành công của một kẻ đứng ngoài rìa xã
hội, một thứ sản phẩm của trí tưởng tượng bị nuớc Nhật coi là không đáng để ý
tới, nhất là trong cái thời mà ai cũng nghĩ kinh tế Nhật sẽ vượt kinh tế Mỹ.
Đối với nhũng người hiện nay có độ tuổi từ 20-30, bóng đá là con đường thể thao
giải thoát họ khỏi sự đơn điệu trong nhà trường cũng như trong nghề nghiệp.
Bóng đá cho họ một lựa chọn khác ngoài baseball và pachinko. Hai trò chơi được
số đông yêu thích này tuy có đòi hỏi sự chính xác và nhịp nhàng nhưng không bao
giờ cho phép có tinh thần cá nhân.
Đây chính là điểm đặc biệt của bóng đá Nhật bản:
khác với ở châu Âu, bóng đá ở Nhật không phải một môn thể thao dành cho đông
đảo quần chúng, mà là một thứ văn hoá của số ít, dành riêng cho tầng lớp trẻ,
cho những kẻ đứng ngoài rìa xã hội hoặc những kẻ muốn được đứng ngoài rìa xã
hội vào những ngày cuối tuần. Hiếm thấy có kẻ hâm mộ bóng đá nào ở Nhật có tuổi
trên 30, và những cầu thủ nổi tiếng bao giờ cũng trở thành hình ảnh đại diện
cho những tâm hồn phản kháng lại tinh thần chính thống. Một ví dụ điển hình là
Hidetoshi Nakata, 25 tuổi, cầu thủ Nhật duy nhất có tầm cỡ thế giới, đã từng
mang lại chiến thắng cho FC Parma trong trận đấu với Juventus Turin bằng một cú
sút ngoạn mục, niềm hy vọng của đội tuyển Nhật trong World Cup lần này. Nakata,
người có bộ tóc nhuộm đỏ, được coi là một nhân vật rất "có cá tính".
Trong một lần đi thi đấu cho đội tuyển quốc gia Nhật tại Vac-sa-va, anh đã tách
rời tập thể, một mình ra khỏi khách sạn để đi thử các món ăn Ba-lan. Vụ
"đi đêm" này đã bị các thông tin đại chúng Nhật bản phê bình đâu ra
đấy. Điều này dễ hiểu, vì theo tinh thần Nhật thì tập thể phải là trên hết.
Chính phủ Nhật cũng hoạt động theo nguyên tắc nói trên. Vậy
nên không có gì lạ khi ai cũng biết đến đảng Tự do Dân chủ là đảng cầm quyền từ
1955, nhưng chẳng ai biết những vị thủ tướng từ trước đến nay là ai. Những cá
nhân không để lại dấu vết gì. Cứ thế nên nước Nhật có thể đi đến chỗ đổ nát mà
không ai phải chịu trách nhiệm cả. "Quốc gia này chưa đủ chín chắn để có
được một người cầm quyền như Nakata," Masaki Omura, phát ngôn viên của Bộ
Tài chính, nói, "Nakata tự quyết định trên sân cỏ và chịu trách nhiệm cho
cả chiến thắng lẫn thất bại. Các chính trị gia của chúng ta chỉ làm theo lời
những nhóm người theo đuổi những quyền lợi nhất định và không bao giờ muốn nhận
trách nhiệm cho những hành động của mình." Trong chính phủ chỉ có vài
người thấy rằng không thể tiếp tục được với cái phong cách làm việc như trên.
Thủ tướng Junichiro Koizumi là người đầu tiên yêu cầu phải có những "biện
pháp đau xót", nhưng ông cũng chỉ là một kẻ đứng ngoài bất lực, không thể
có khả năng thực hiện được những ý đồ của mình trong đảng.
Vậy nên thế hệ trẻ, khó chịu với cái chính sách "cứ thế
mà làm", phải tự tìm những con đường mới. Bóng đá mang lại cho họ một thế
giới trong đó họ có thể, và phải, tự quyết định đường đi nước bước của chính
mình. Câu lạc bộ của Yoshida cho thấy rõ điểm này. Đó là một câu lạc bộ hoàn
toàn tự nguyện, tự lo kinh tế bằng tiền của hội viên. Đội bóng FC Tokyo cũng
vậy. Khác với tất cả các đội thể thao chuyên nghiệp khác như baseball, bóng rổ,
bóng chuyền, FC Tokio không thuộc sự sở hữu của bất cứ một công ty nào mà được
tài trợ bởi thành phố Tokyo, những nguồn tư nhân, và những fanclub độc lập.
Thậm chí việc dọn rác sau mỗi trận đấu cũng do thành viên của những fanclub đảm
nhiệm.
"Những fan của baseball tư duy trong phạm vi quốc
gia," Yoshida nói, "Họ chỉ biết đến những đội của Nhật. Fan bóng đá
thì không như vậy. Họ biết đến Real Madrid và Bayer Leverkusen. Họ là những
công dân quốc tế." Đó là một trong những hứa hẹn nữa của bóng đá ở Nhật:
quốc tế hoá. Nhưng cũng vẫn chỉ là hứa hẹn. Tập đoàn bóng đá chuyên nghiệp Nhật
mới được mười năm tuổi, mười năm qua cũng là khoảng thời gian Nhật bị khủng
hoảng kinh tế. Có nghĩa là: bóng đá Nhật là một sản phẩm của nền kinh tế đi
xuống. Nước Nhật còn chưa qua được cơn khủng hoảng thì bóng đá còn có tương
lai, kể cả nếu bốn tuần sau mọi thứ sẽ được quên sạch.
Nguồn: DIE ZEIT 23/2002 2002-05-29
|